Ba Chị Em Nhà Họ Tống

Chương 21: Vai Trò Của Borodin Tại Trung Hoa (1)

/39


Sau khi bị sứ quân Quảng Đông lật đổ, Tôn Dật Tiên trở về Thượng Hải nằm liếm vết thương chờ thời. Đang cơn túng quẫn bị nhiều người xa lánh vì việc sứ quân Quảng Đông công bố tài liệu hợp tác với cộng sản Nga, và không biết xoay trở cách nào thì phái bộ Nga sô do Joffe cầm đầu tìm đến. Tôn Dật Tiên và phái bộ Nga sô thảo luận nhiều ngày liên tiếp, tìm phương thức hợp tác. Joffe cố thuyết phục Tôn Dật Tiên rằng Nga sô không có tham vọng đất đai tại Trung hoa. Joffe chứng minh một xã hội phong kiến như Trung hoa không thể là một vùng đất tốt cho chủ nghĩa cộng sản. Những điều Joffe nói có lẽ phản ảnh đúng ý kiến của Lênin và Trotsky đang cầm quyền lúc đó, chứ không phải chủ trương của Stalin sau này. Joffe nhấn mạnh trong công cuộc chống lại ngoại bang, Trung hoa có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Nga sô.

Tôn Dật Tiên cẩn thận yêu cầu Joffe viết giấy xác nhận những nguyên tắc mà chính quyền cộng sản Nga sô đã công bố khi mới thành lập chế độ cộng sản, như từ bỏ các nhượng địa Trung hoa, và xóa bỏ những hòa ước giữa Nga hoàng và triều đình Mãn Thanh. Các điều này đã được công bố trong bản thông cáo chung bằng Anh ngữ khi "đồng chí" Joffe rời Thượng Hải đi Tokyo ngày 26- 1- 1923. Bản thông cáo không tiết lộ những hứa hẹn của Nga sô giúp đỡ Tôn Dật Tiên và Quốc dân đảng về tài chánh trong mưu đồ tranh quyền làm chủ Trung hoa. Về phần Tôn Dật Tiên, trước hết ông phải chứng tỏ khí thế của mình bằng cách kiểm soát được miền nam Trung hoa, và cũng để tỏ thiện chí, Tôn Dật Tiên phải cho đảng cộng sản gia nhập Quốc dân đảng.

Rồi vận may của Tôn Dật Tiên cũng trở lại. Tôn Dật Tiên tìm cách liên kết được với hai sứ quân Vân Nam và Quảng Tây vốn là kẻ thù của sứ quân Quảng Đông. Quân đội của hai sứ quân này cùng với số binh sĩ trung thành với Tôn Dật Tiên đủ mạnh để bao vây và áp lực sứ quân Quảng Đông. Trần Quýnh Minh cảm thấy ở thế yếu, nên quyết định rời bỏ chính trị, ôm tài sản trở về hưởng phú quý tại Hương Cảng. Tất cả xảy ra đúng hai ngày trước khi Joffe đến gặp Tôn Dật Tiên. Chiến thắng bất ngờ gia tăng uy tín của Tôn Dật Tiên rất nhiều. Bây giờ Tôn Dật Tiên đường hoàng trở về Quảng Đông với tư cách là Tổng Thống Đặc Biệt, và đó cũng là điều kiện đầu tiên để được viện trợ của Nga sô.

Lần này, Tôn Dật Tiên và Khánh Linh cẩn thận hơn, không dám ở trong dinh tổng thống cũ nữa. Tôn Dật Tiên cho sửa chữa lại một nhà máy trên một hòn đảo ngoài sông, và dùng nơi đó làm dinh tổng thống. Tại đây việc phòng thủ dễ dàng hơn, vì có sông bao quanh và toà nhà rất kiên cố có thể chống đỡ được những đợt pháo kích. Tôn Dật Tiên không tìm vệ sĩ là người Trung hoa. Ông mướn Morris Cohen, một cựu võ sĩ quyền Anh người Gia nã đại, làm vệ sĩ cho ông.

Cuộc thảo luận sơ khởi với Joffe đã mở đường cho một nhân vật Nga sô đặc biệt tới Trung hoa. Đó là Borodin, tên thật là Mikhail Markovich Grusenberg. Borodin được Lênin phái tới Trung hoa làm cố vấn cho Tôn Dật Tiên với tư cách là đại diện tổ chức cộng sản thế giới tại Trung hoa. Borodin có quyền hạn rất lớn, nhưng nhiệm vụ thật vô cùng nặng nề khó khăn. Việc khó khăn nhất của Borodin là phải tổ chức lại Quốc dân đảng thành một đảng chính trị thống nhất có kỷ luật. Từ trước Quốc dân đảng là một tổ chức rất lỏng lẻo, ai cũng muốn làm lãnh tụ chứ không chịu thừa hành lệnh của người khác. Việc khó khăn thứ hai là tài trợ, huấn luyện và trang bị quân đội Quốc dân đảng thành một quân đội có thể đảm nhiệm được vai trò chiến đấu. Quân đội Quốc dân đảng lúc đó vô kỷ luật, thiếu khả năng, thiếu trang bị về vũ khí, nhưng lại rất thiện nghệ hôi đồ cướp của, và rất khôn ngoan bỏ trốn khi gặp nguy hiểm.

Borodin là một đảng viên cộng sản cao cấp có tài, đã từng hoạt động thành công trong những nhiệm vụ rất khó khăn tại nhiều quốc gia Mỹ châu và Âu châu. Borodin có lần suýt được bổ nhiệm làm đại sứ tại Anh quốc. Borodin rất thân cận Lênin, và được Lênin tin dùng trong những nhiệm vụ trọng yếu. Trước khi tới Trung hoa, Borodin hoạt động tại Tô Cách Lan, trợ giúp các thợ hầm mỏ của Anh đình công, và bị tù nửa năm tại khám đường Barlinniẹ Khi mãn hạn tù Borodin bị trục xuất khỏi Anh quốc. Nhưng khi trở về đến Mạc tư khoa, Borodin được Lênin phái ngay sang Trung hoa đảm nhiệm trách vụ quan trọng, đặt nền móng để đưa Trung hoa vào quỹ đạo cộng sản.

Khi tới Trung hoa, Borodin được Tôn Dật Tiên rất quý mến tin cẩn. Ngày đầu tiên, Tôn Dật Tiên nắm tay Borodin, bắt ngồi xuống bên cạnh mình, và mỉm cười nhìn rất lâu vào mắt Borodin, như nhìn vị cứu tinh của mình. Borodin trông thấy ngay vị thế nguy hiểm của Tôn Dật Tiên và Quốc dân đảng. Thành phố Quảng Châu đầy binh lính của các sứ quân khác nhau. Các binh sĩ này hưởng lương của Quốc dân đảng, nhưng không thể tin cậy được. Tôn Dật Tiên chỉ có khoảng 200 tay súng trung thành làm vệ sĩ.

Sứ quân Trần Quýnh Minh quay trở lại, tìm cách chiếm lại thành phố. Quân của Trần Quýnh Minh đóng ngay bên ngoài thành phố, lúc nào cũng sẵn sàng mở cuộc tấn công. Các lính đánh thuê của Tôn Dật Tiên thì chỉ mải du hí, không quan tâm đến sự phòng thủ thành phố. Borodin lập tức tuyển lựa được 450 tay súng trong đảng cộng sản để huấn luyện và thành lập đoàn quân xung kích đầu tiên. Năm tuần lễ sau khi tới Quảng Đông, ngày 15- 11, Borodin đem toán quân này đến trình diện Tôn Dật Tiên thì thấy Tôn Dật Tiên đang chuẩn bị thu dọn hành lý để đào tẩu, vì Tôn Dật Tiên mới nghe tin Trần Quýnh Minh sắp sửa tấn công vào Quảng Châu. Tôn Dật Tiên không chịu bàn luận với Borodin về kế hoạch đương cự lại Trần Quýnh Minh, mà chỉ muốn bàn luận kế hoạch bỏ chạy của ông được bảo đảm an toàn.

Borodin vô cùng thất vọng chán nản, và đành phải tự mình đứng ra bảo vệ Quảng Châu bằng nhóm xung kích ít ỏi mới được thành lập. Borodin dạy cho toán xung kích phương pháp đánh giết tàn bạo nhất, theo kiểu mẫu hung bạo của thời cách mạng Nga sô tại St. Petersburg, Nga sộ Lối tấn công hung bạo của Borodin khác hẳn lối đánh nhau thông thường của các sứ quân Trung hoa. Trong các cuộc đụng độ giữa những sứ quân cũng có những tổn thất lớn lao, nhưng phần lớn là do sự hỗn loạn và tàn sát dân lành vô tội. Trong một trận đánh, quân của các sứ quân Trung hoa vừa chiến đấu vừa quan sát xem có thể vơ vét được của cải gì sau trận đánh. Các trận đánh chỉ có mục đích làm cho bên địch rút lui để mình tới vơ vét, chứ không cố tình tàn sát, và cũng không bao giờ có vấn đề liều chết cố thủ. Nếu chỉ bị núng thế thì họ lập tức rút lui ngay.

Chính vì tinh thần chiến đấu thiếu hăng say của binh lính các sứ quân như thế, nên khi Borodin tung ra cuộc tấn công tàn sát thì năm trăm tay súng của ông đã đánh bại hàng ngàn quân của sứ quân Trần Quýnh Minh. Từ đường phố, đến các nhà chứa và sòng bạc, các tay súng của Borodin mặc sức bắn giết, không chậm trễ, không thương xót, phải bắn hạ tất cả, kể cả những kẻ đang chạy trốn. Sứ quân Trần Quýnh Minh vô cùng kinh hoàng trước sức tấn công vũ bão của bên địch, nên vội vàng bỏ chạy thục mạng, cùng với những quân lính chạy nhanh nhất của mình.Nhờ Borodin, lần này Tôn Dật Tiên không phải đào tẩu nữa. Nhưng chính quyền Quảng Đông của Tôn Dật Tiên thì thực là hỗn độn, bất trị. Người tây phương xa lánh Tôn Dật Tiên vì thấy Tôn Dật Tiên tin dùng Borodin. Nhiều người khuyên Tôn Dật Tiên nên loại bỏ Borodin. Một người bạn Hoa Kỳ đến thăm Tôn Dật Tiên với mục đích trình bày sự nguy hiểm khi dùng Borodin. Người bạn này hỏi Tôn Dật Tiên:

"Bác sĩ có biết tên thực của Borodin là gì không? "

Tôn Dật Tiên nháy mắt mỉm cười trả lời, "Có chứ. Tên thực của ông ta là Lafayette" (Lafayette là một người Pháp đã đến giúp người Mỹ chiến đấu chống người Anh để dành độc lập.) Câu trả lời này chứng tỏ Tôn Dật Tiên nhất quyết chọn con đường đi với Nga sộ Thực ra đó cũng là con đường duy nhất ông chọn được. Các nước tây phương khác đều từ chối không trợ giúp ông.

Fanya, vợ của Borodin, và hai con trai cũng từ Nga sang sống tại Quảng Đông. Borodin còn có một thanh niên cộng sản Trung hoa rất thông minh khôn ngoan làm thư ký và đảm nhiệm công việc văn phòng. Người đó là Chu Ân Lai. Tôn Dật Tiên rất thán phục Borodin, nhất là sau lần thành công bảo vệ thành phố Quảng Châu. Borodin khuyên Tôn Dật Tiên phải nắm được một khu vực trung ương, như Hán Khẩu chẳng hạn, và một căn cứ tại Mông cổ có Nga sô đứng sau thì Tôn Dật Tiên mới có thể đương đầu được với các quốc gia tây phương thù nghịch. Trong những lần bàn luận với Tôn Dật Tiên, Borodin càng nhận thấy nhận xét của Lênin về Tôn Dật Tiên là đúng. Tôn Dật Tiên quả thực là một người ngây thơ, trong khi đó vẫn tưởng chỉ có mình mới là "Anh hùng, " còn mọi người khác chỉ là một đám đông tầm thường.

Tuy nhiên sự kiêu hãnh của Tôn Dật Tiên không phải là nguyên do sự nhức đầu của Borodin. Chính Tưởng Giới Thạch mới là người gây khó khăn cho Borodin. Ngay từ năm 1920, Tưởng Giới Thạch đã tỏ ra chú ý đến Nga sộ Tưởng đã học tiếng Nga và đã viết thư cho Tôn Dật Tiên biết chính sách của Nga sô thật là đúng khi tập trung hết nỗ lực vào an ninh nội bộ trước khi giải quyết những sự chống đối từ bên ngoài. Điều Tưởng thán phục nhất ở người Nga là kỷ luật. Không có kỷ luật thì không thể nào đạt được kết quả. Tưởng đã có quá nhiều kinh nghiệm bản thân với các đồng chí và quân lính Trung hoa. Nhiều lần Tưởng đã phải từ chức vì các thuộc hạ không áp dụng kỷ luật để có thể thi hành mệnh lệnh một cách chính xác và thành công. Tưởng đã từ chối tham gia chính phủ Quảng Đông cho đến khi được bảo đảm có được sự tuân lệnh của thuộc cấp và quân lính dưới quyền.

Kỷ luật của Nga sô là trách nhiệm của tổ chức công an quốc gia, lúc đó được gọi là Cheka, đã xâm nhập cả vào quân đội, và làm câm họng mọi tiếng nói chống đối. Trong thời gian Cheka hoành hành nhất, các nhân viên Cheka đã bắn chết, đâm chết, dìm nước cho chết và đánh chết khoảng 500 ngàn người Ngạ Hoạt động khủng bố của Cheka được các lãnh tụ cộng sản ca ngợi và bênh vực, vì Cheka phục vụ cho quyền lợi của chính họ. Lênin từng tuyên bố, "Việc khủng bố quảng đại quần chúng cần phải được khuyến khích."

Tưởng Giới Thạch cũng nghe biết về những sự tàn bạo của công an Nga, vì rất nhiều người Nga bỏ trốn sự khủng bố của cộng sản đã tới Thượng Hải, tìm một nơi trú ẩn an toàn. Năm 1923, Tôn Dật Tiên cử Tưởng sang Nga sô nghiên cứu. Tưởng tuyên bố sẽ ở Nga ít nhất từ 5 đến 10 năm. Nhưng Tưởng vỡ mộng ngay khi tới Nga sộ Những huy hoàng của giới vô sản không hề có như trong những tài liệu tuyên truyền của Nga sộ Tưởng chỉ thấy một sự sợ hãi cùng sự đói rách của giới vô sản, cộng với một đời sống vô cùng buồn tẻ. Nga sô không phải là nơi Tưởng có thể tìm thấy sự thoải mái, nhất là một người đã từng sống buông thả như Tưởng. Tưởng cũng nhận thấy người dân Mạc tư khoa vừa sợ vừa ghét người Á Đông.

Nhưng về phương diện chính trị thì cuộc viếng thăm Mạc tư khoa của Tưởng là một thắng lợi lớn cho Quốc dân đảng. Ngay khi tới Mạc tư khoa ngày 2- 9- 1923, Tưởng đọc diễn văn trước đại hội của tổ chức cộng sản quốc tế, bày tỏ niềm tin tưởng rằng cuộc cách mạng tại Trung hoa sẽ thành công trong hai hoặc ba năm. Khi nghe thấy các đảng viên cộng sản người Trung hoa chê bai Tôn Dật Tiên và Quốc dân đảng, Tưởng liền nhấn mạnh đại hội cộng đảng không hiểu phong trào cách mạng tại Trung hoa, và yêu cầu Nga sô cử thêm nhiều quan sát viên sang Trung hoa để nghiên cứu tình hình tại chỗ.

Tưởng được đi thanh tra hồng quân Nga, viếng thăm các trường quân sự và các tổ chức đảng, thăm căn cứ hải quân Petrograd. Đúng ra Tưởng dùng rất nhiều thời giờ với các nhân viên mật vụ Cheka, và học hỏi phương thức của họ. Điều không may cho Tưởng là trong lúc ở Mạc tư khoa thì Lênin bắt đầu lâm trọng bệnh, hôn mê trước khi chết. Tưởng đàm đạo rất nhiều với Trotsky. Trotsky bảo đảm vai trò của Nga sô sẽ cung cấp tối đa tinh thần và viện trợ vật chất cho phong trào cách mạng tại Trung hoa, nhưng Nga sô sẽ không phái quân đội sang Trung hoa giúp Quốc dân đảng.


/39

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status