Ba Chị Em Nhà Họ Tống

Chương 9: Cuộc Tình Duyên Của Tống Ái Linh Và Khổng Tường Hy(2)

/39


Sau đó là một cuộc tàn sát trả thù vô cùng khủng khiếp của liên quân tây phương. Các thành phố và cung điện bị tàn phá thành những đống gạch vụn vĩ đại. Quân Nga chặt đầu tất cả đàn ông đàn bà và trẻ con trong suốt cả một vùng rộng lớn, rồi liệng xác nạn nhân xuống dòng sông Hắc Long Giang. Trong lúc đó thì Khổng Tường Hy có mặt tại Bắc Kinh. Khi được tin tỉnh Sơn Tây sẽ bị liên quân tây phương chiếu cố đặc biệt, vì chính tại Sơn Tây số giáo sĩ bị chặt đầu nhiều hơn hết. Khổng Tường Hy liền đứng ra thương thuyết, và dùng rất nhiều vàng bạc đút lót cho tây phương, gọi là tiền bồi thường. Gia đình nhà họ Khổng còn nhường lại rất nhiều quyền lợi kinh tế cho tây phương tại Sơn Tây, và nhờ đó cuộc trả thù của tây phương tại Sơn Tây đã tránh được.

Triều đình nhà Thanh rất cảm kích công lao của Khổng Tường Hy, và cấp thông hành đặc biệt cho Khổng Tường Hy được sang du học tại Hoa Kỳ. Khổng Tường Hy học tại đại học Yale, và đậu bằng tiến sĩ về môn kinh tế tài chánh. Khi trở về Trung Hoa, Khổng Tường Hy làm cố vấn cho sứ quân Diêm Tích Sơn một thời gian. Về sau Khổng Tường Hy mở trường giáo dục quần chúng, quảng bá lý tưởng dân chủ. Khi cuộc cách mạng xảy ra tại những tỉnh khác thì dân chúng Sơn Tây yêu cầu Khổng Tường Hy đứng ra chỉ huy quân đội tình nguyện của Sơn Tây, bao gồm những cảnh sát và vệ sĩ của các nhà giàu. Dân chúng muốn Khổng Tường Hy làm tổng đốc Sơn Tây, nhưng họ Khổng từ chối, và chỉ quan tâm tới vấn đề giáo dục.

Theo Khổng Tường Hy thì việc giáo dục rất quan trọng cho công cuộc cách mạng, cải tiến đất nước. Họ Khổng tuyên bố, "Chúng ta không thể hoàn thành cuộc cách mạng một sớm một chiều được. Người ta có thể tiến hành thành công một cuộc đảo chánh, thay đổi thể chế chính trị trong một đêm. Nhưng sau đó làm sao chúng ta có người để điều hành chính phủ? Chúng ta cần phải học tập cách cai trị đất nước, và giáo dục là bước đầu và quan trọng nhất trong một cuộc cách mạng."

Năm 1910, Khổng Tường Hy kết duyên với một thiếu nữ mồ côi nhưng rất đẹp, và được học tại một trường truyền giáo. Cả hai người sống rất hạnh phúc bên nhau được mấy năm tại Sơn Tây. Đến năm 1913, năm mà Viên Thế Khải trở thành một nhà độc tài tại Bắc Kinh, thì vợ Khổng Tường Hy mắc bệnh chết. Khổng Tường Hy rất đau lòng và nản chí trước cái chết của người vợ yêu quý, nên bỏ nước sang Nhật Bản một năm để tìm quên. Chính tại đây Khổng Tường Hy gặp được Tống Giáo Nhân và Tống Ái Linh.

Trong thời gian còn du học tại Hoa Kỳ, Khổng Tường Hy và Tống Ái Linh đã gặp nhau một lần trong một buổi tiệc liên hoan năm 1906. Bây giờ gặp lại nhau, Khổng Tường Hy bỗng say mê Ái Linh. Đối với Tống Ái Linh thì Khổng Tường Hy chính là một người chồng lý tưởng, một người không đẹp trai hấp dẫn, mặt mũi tròn như một trái bí, nhưng lại có rất nhiều tiền. Đối với Ái Linh thì chỉ có tiền là đẹp, càng nhiều tiền thì càng đẹp.

Khi Khổng Tường Hy ngỏ lời cầu hôn lấy Tống Ái Linh, thì ngay tối hôm ấy, Tống Giáo Nhân dùng hai đồng tiền gõ vào nhau để xem điềm tốt hay điềm xấu. Hai đồng tiền gõ vào nhau, vang lên những âm thanh rất trong trẻo ngọt ngào. Đó là những âm thanh của lợi lộc và phát tài. Tống Giáo Nhân vui vẻ chấp nhận lời cầu hôn của "Cây tiền" Khổng Tường Hy. Hôn lễ của Tống Ái Linh và Khổng Tường Hy được cử hành tại Nhật Bản vào mùa xuân năm đó.


/39

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status