Bát Tiên Đắc Đạo

Chương 65: Vương Nguyệt Anh bày kế thăm dò phòng ngủ Đông Phương Sóc dùng trí ăn trộm đào tiên

/101


Thái Hòa tỉnh giấc mơ vào lúc giữa trưa, nghe loáng thoáng có 1 tiếng con gái, đang đẩy cửa bước vào. Cậu kinh hãi quá chừng, tỉnh ngủ liền, vội vã ngồi dậy, thì cô gái đã tới gần bên giường, vén màn giường lên. Thái Hòa nhận rõ là cô tiểu thư đã tiếp chuyện với cậu lúc sáng tinh mơ, bất giác nhớ lại những lời cô đã nói, chẳng có nghĩa lý gì. Chỉ thấy cô nương giữ vẻ đứng đắn, đàng hoàng, hỏi cậu:

- Lang quân đã tỉnh dậy, có thể cho đem điểm tâm tới, chàng xơi lại ngủ tiếp, được không ?

Thái Hòa vội đặt chân xuống đất, cô gái đã đưa tay ngăn lại, nhoẻn miệng cười, nói :

- Lang quân sao quá sơ tình đến thế ? Chúng ta chỉ là bèo nước gặp nhau, nhưng đã có người chết báo mộng, chính là trời định lương duyên, sao chàng còn cố chấp ? Há chẳng nghe nói thần tiên cũng có người đã thành gia thất đấy ư ?

Thái Hòa vội xua tay lia lịa :

- Cô nương đừng nói tới những chuyện đó, khiến tôi càng thêm hổ thẹn. Cô nương là người nhà trời, tự nhiên sẽ có các vương tôn công tử, anh hùng tài tử, tới tìm cô để kết giai ngẫu suốt đời, việc gì phải quấy rầy bần đạo ?

Cô nương nghe vậy, ửng hồng hai má, ra dáng thẹn thùng, nói:

- Lang quân đừng hiểu lầm ý em, coi em là hạng con gái hạ tiện dâm bôn. Cha em là danh thần trong triều, mẹ em cũng thuộc gia đình danh tiếng. Em tuy thô lậu, từ bé đã được gia đình giáo huấn, những việc thi thư, nữ công đều biết rành, há có thể bắt chước hạng con gái hạ lưu, không tránh hiềm nghi, tấn công con trai ? Thật ra chỉ vì cha em báo mộng rõ ràng, cũng coi như cha mẹ đã cho phép, mà lang quân ngay hôm đó từ xa tới, quả là mối lương duyên tuyệt hảo. Nếu để cơ hội này vuột khỏi, e rằng khó kiếm được một dịp nào khác. Vì thế, không tránh hiềm nghi, quên đi điều hổ thẹn, và thấy trong miếu không người lạ mặt, em lại phải tới gặp lang quân, mong chàng hứa cho một lời, đính kết hôn nhân, để em sớm có chỗ gửi thân suốt đời, mà cha mẹ ờ nơi chín suối cũng được yên dạ. Chẳng biết lang quân có thấu hiểu nỗi khổ tâm, mà nhận lời hay không ?

Thái Hòa vừa nghe cô kia nói, vừa để tâm coi thần sắc và cử động của cô, không thấy có vẻ gì là lả lơi, nảy ý nghi ngờ, không hiểu ý cô nàng ra sao. Nhưng thấy cô cứ quấy rầy mình, cậu không thể leo xuống giường, đành nhắm chặt mắt , ngồi ngay ngắn, không trả lời một câu. Cô nương tự cảm thấy cụt hứng, thở dài một tiếng, lặng lẽ trở ra. Chỉ nghe cô kia sập mạnh cánh cửa, bỏ đi. Thái Hòa không nghe tiếng gì nữa, tính chuyện ngủ trở lại.Nhưng trong lòng ngổn ngang trăm mối, không sao chợp mắt, mà dùng công phu khắc chế trở lại, cũng không hiệu quả. Cậu tự giận mình, nói to tiếng cho một mình nghe :

- Lam Thái Hòa ơi, Lam Thái Hòa ! Ngươi ở trước mặt sư tôn, lém miệng khoe khoang, nay bước đầu tu luyện cũng không đạt được lại mắc vào ma nạn này. Nếu ngươi để tâm dao động, chẳng những người không còn mặt mũi nào nhìn sư phụ và người vợ đồng môn, mà còn bị đánh xuống địa ngục, vĩnh viễn không ngóc đầu lên nổi. Nay gặp lúc khẩn yếu, quan thiết, bất luận thế nào ngươi cũng phải gạt bó tính mạng qua một bên, mới tốt.

Vừa nói tới đó, lại nghe trong phòng như có tiếng đàn bà cười, Thái Hòa ngạc nhiên quá chừng, đưa mắt nhìn quanh, nhưng chẳng thấy một bóng người, tự cho là mình nghe lầm, đành bỏ qua. Tức thì, vận nguyên công, ngồi yên lặng. Hồi lâu, tâm tư mới ổn định, bỗng lại nghe bên ngoài có tiếng cãi cọ. Lắng tai nghe kế bất giác kinh hãi. Giọng nói của một người, nghe sao giống giọng Vương Nguyệt Anh, vợ mình, đến thế. Lại vểnh tai lắng nghe, nhận ra quả thật là Vương Nguyệt Anh đang ở bên ngoài tranh cãi với các cô gái tự làm mai cho mình. Thái Hòa rất kinh hãi, nghi ngờ, nghĩ nơi đây là hoang thôn vắng vẻ, sao Nguyệt Anh có thể tới được ? Chẳng lẽ sư phụ biết ta gặp khó, đặc biệt phái cô tới cứu ta ? Nghĩ tới đó, liền muốn phá cửa bước ra, cùng Nguyệt Anh thấy mặt nhau. Bước thẳng tới chỗ cửa ra vào, nhận thấy cánh cửa tuy không lớn, nhưng rất vững chắc. Đưa tay xô thử, không thấy động đậy, bất giác hoảng hốt. Lại lắng tai nghe, thấy bên ngoài, hai người càng lúc càng to tiếng, từng câu, từng câu lọt vào tai Thái Hòa. Nghe rõ tiếng Nguyệt Anh mắng cô kia là con tiện tì vô sỉ, dám dụ dỗ chồng người. Cô kia cũng không nhịn, cãi lại ầm ĩ. Náo loạn một hồi, Nguyệt Anh nối giận, rút kiếm cầm tay, cô kia hoảng sợ, bỏ chạy. Sau lại nghe đạo cô lên tiếng năn ni Nguyệt Anh, và Nguyệt Anh thả cho cô ta đi. Thái Hòa hết lòng mong mỏi Nguyệt Anh tới mở cửa, để vợ chồng gặp mặt nhau. Nào ngờ đợi suốt nửa ngày, chẳng thấy gì, mà bên ngoài cũng im hơi lặng tiếng.

Tới chiều tối, bụng đã thấy đói, chợt quay đầu nhìn lên mặt bàn kê gần giường, thấy trên đó có ổ bánh mì rất lớn, cùng với một chai nước. Thái Hòa chẳng cần suy nghĩ, bẻ bánh ra ăn, rót nước ra uống. Nghe bên ngoài, hoàn toàn yên tĩnh, Thái Hòa lại lên giường đi ngủ, sáng mai sẽ tính kế khác. Có thể là phá cửa sổ, nhảy ra ngoài cũng nên.

Thái Hòa đánh một giấc, tới lúc tờ mờ sáng, chợt nghe bên tai có tiếng người nói :

- Lang quân hãy giữ mình trân trọng. Sư tôn kêu em tới xem xét đạo tâm của anh. Cũng may anh lập chí kiên định, em có chứng cớ để báo lại với sư tôn. Chúng ta bất tất phải gặp mặt, chỉ thêm quấy rối tâm trí anh mà thôi. Hãy mạnh mẽ lên đường, kỳ gặp mặt lần sau không xa mấy đâu.

Thái Hòa nghe rõ ràng là giọng nói của vợ yêu quí Nguyệt Anh, đưa mắt dáo dác nhìn quanh, chẳng thấy người nào, liền bật cười, nói :

- Chắc là sư phụ dạy cho cô ấy phép tàng hình, tới đây để ghẹo ta.

Liền bước xuống giường nhìn xem, thấy cửa phòng mở toang. Tìm kiếm một hồi, chẳng bắt gặp người nào. Thái Hòa biết sư phụ có thể tùy thời sai người tới xem xét tâm chí cua mình, và ớ đâu cũng có người bảo hộ cho cậu. Vì thế cậu càng kiên định tâm chí, mạnh dạn tiến lên.

Không bao lâu, Thái Hòa lên tới núi Vương Ốc. Giữa đường gặp bao nhiêu gian nan, nguy hiểm, cậu đều vượt qua. Lên tới núi, cậu tự tìm một chỗ an thân, tĩnh mịch để bắt đầu tu luyện. Mới đầu, chưa dứt bỏ được thức ăn nấu nướng, mà núi thì cao, đường thì xa, cậu lo ngại không biết kiếm đâu ra thức ăn. Nào ngờ mỗi sáng thức dậy, cậu đều thấy trong thạch động có sẵn lương khô và các thứ trái cây, không hề khiếm khuyết. Nửa năm sau, số lượng thức ăn giảm dần, nhưng vẫn đủ cho cậu no bụng. Hai năm sau, cậu mới dứt bỏ được thức ăn nấu nướng. Từ đó, cứ cách ba năm, Thiết Quài tiên sinh lại một lần tới kiểm tra công hạnh của Thái Hòa, truyền thụ đạo thuật cho cậu.

Cũng trong thời gian này, Chung Li Quyền ở trên núi Thái Hoa đã đọc xong Huyền kinh ba cuốn, vâng pháp chỉ của tổ sư, truyền lại cho Lam Thái Hòa.

Thấm thoắt mà đã qua mấy trăm năm, truyền từ nhà Tây Hán sang nhà Đông Hán. Lúc đó, Trương Quả ở trên núi Võ Đang, cũng được Văn Mỹ chân nhân, thỉnh mệnh Nguyên Thủy và Lão Quân, truyền cho sách "Ngọc Hư đại điển". Hà tiên cô được Huyền Nữ gọi về, đích thân truyền thụ "Huyền Môn yếu đạo", cùng với Thiên độn kiếm pháp. Các vị tiên trên đây đều đã đạt được tám, chín phần đạo hạnh.

Bấy giờ, nhân gian đang vào đời Minh đế nhà Đông Hán. Minh đế vốn là Phật môn đệ tử chuyển kiếp, là ông vua đầu tiên sùng ngưỡng Phật giáo, nhân đó quan lại và nhân dân đều bỏ Nho, Đạo hai giáo, qui phụ về Phật. Nguyên Thủy, Lão Quân đề phòng môn hạ đệ tử tranh hơn thua với người đời, mới gọi tất cả các đại đệ tử, cùng các Đế quân, Tinh quân, cho tới các kim tiên có chức, tán tiên không chức, tập họp ở cung Bát Cảnh, giảng về lẽ "tam giáo đồng nguyên", các thế lực chốn phàm gian tuy có lúc thịnh lúc suy, tất cả đều do định số sai khiến, ba giáo phái đều ôm ấp chủ nghĩa "làm lợi cho người", đã có người khác phụ trách, hà tất phải tranh công với họ làm chi ? Trong mấy trăm năm, các môn hạ đệ tử tự nguyện lui tới chốn trần thế, âm thầm trợ giúp Phật môn, cùng lập công quả. Những người ưa tĩnh, ghét hiêu hiêu tự đắc, không muốn gây nhiều chuyện, thì đều ở trên núi tu dưỡng, hà tất hỏi tới chuyện đời ? Các đệ tử vâng pháp chỉ, đều cảnh giới môn hạ đệ tử, đồng lòng tuân thủ. Vì thế, từ nhà Đông Hán về sau, thường thấy Nho, Phật hai phái công kích nhau, ghét nhau như nước với lửa. Riêng có người của Đạo môn là không tham dự, chính là công của hai vi đại tổ sư, đã ban huấn dụ.

Nay nói về đời Vũ đế nhà Tây hán, có Đông Phương Sóc, hiệu là Mạn Thiến, chính là ngôi sao Mộc tinh chuyển thế. Từ nhỏ ông đã được các vị tiên quan đồng đạo hạ phàm, truyền thụ cho nhiều thứ Pháp thuật, lớn lên học được bản lãnh khá cao, có thể ra vào cõi u minh, chưa bói đã biết. Vũ đế đang lúc ưa thích đạo, nghe tiếng ông, vời vào triều, phong làm Thái trung đại phu. Đông Phương Sóc có tính khôi hài, tuy ở trong triều, cũng không giữ gìn triều nghi. Có khi, trước mặt thiên tử, thích nói là nói, thích cười là cười, có lúc còn đem thiên tử tôn nghiêm ra làm trò hề. Thiên tử hàng ngày ngồi giữa triều đình, đôi lúc cảm thấy gò bó, khó chịu, nay được một nhân vật hoạt kê để cùng cười nói, cảm thấy thích thú, nên thiên tứ cũng không trách cứ, còn thấy ông là một người thẳng thắn, đáng yêu, càng thêm sủng ái.

Xưa nay, người ta thường truyền tụng, nói Tây vương mẫu từng cảm lòng thành của thiên tử, tha thiết cầu tiên, nên đã giáng hạ vào Hán cung, cùng vua bàn luận về Đạo, ở chơi tới ba ngày. Thật ra, câu chuyện này chỉ là màn kịch do Đông Phương Sóc đặt ra. Vũ đế là người hiếu dũng, ham chiến tranh, đặt ra sưu cao thuế nặng, từ lâu bị trời giận, người oán. Nếu ngoài miệng ông ta có nói là ưa thích đạo chăng nữa, người tiên làm sao có thể tin được ? Huống chi vương mẫu là lãnh tụ các nữ tiên, sao có thể hạ phàm dễ dàng như thế ? Lại còn ở lại trong cung tới ba ngày, hành động đó có khác gì người phàm ? Sự thật hoàn toàn không phải như vậy. Vì Vũ đế biết được Đông Phương Sóc đã nhiều lần mời thần tiên xuống chơi, ông ta mới năn nỉ Đông Phương Sóc, năm lần bảy lượt nhờ ông này mời cho được Dao Trì thánh mẫu. Đông Phương Sóc biết rõ chuyện này rất khó giải quyết, nhưng nhà vua cứ liên tục thúc giục, nếu từ chối thắng, ắt có trở ngại trong quan hệ vua tôi.

Nếu cứ thực tình bẩm báo với vương mẫu, thì chẳng những là vô ích, mà còn khiến vương mẫu nổi giận, khiển trách. Không biết làm sao, Đông Phương Sóc mới nghĩ ra một biện pháp, đặc biệt thỉnh cầu các vị đồng đạo, đóng giả làm vương mẫu cùng các thị nữ, bắt chước cả xe loan, nghi trượng của tiên gia, cùng cưỡi mây tới đứng ở trên không, giảng cho Vũ đế nghe về đạo pháp, ba ngày liền. Tuy hoàn toàn là giả mạo, nhưng cũng ráng ban xuống lời vàng tiếng ngọc, nếu quả thật Vũ đế chịu nghe theo một, hai điều, cũng có hy vọng được trời ngó lại, ban cho nhiều hồng phúc, làm nên được một bậc hiền vương. Nào ngờ nhà vua chỉ tỏ ra mộ đạo ở bề ngoài, nói ra toàn một giọng khách sáo, không có chút thành ý nào. Người nói cứ thao thao bất tuyệt, người nghe cứ mơ mơ, màng màng, muốn ngủ. Trước tình hình đó, khoan nói vị Tây vương mẫu chân chính biết được, ắt sẽ chán ghét, ngay cả người đóng giả vương mẫu cũng cảm thấy ông vua này đã quá mê muội, không còn thuốc chữa. Bà tiên này miễn cưỡng ở lại trong cung ba ngày, hoàn toàn không vừa ý, đành bỏ đi. Trong khi đó, Vũ đế lại có những suy tính riêng của ông ta. Ông này là người thông minh tuyệt đỉnh, đối với những lý luận bình thường, có thể nói ông ta không cần hỏi cũng biết, không cần giảng cũng hiểu. Lần này nghe vương mẫu lâm phàm, trong lòng ông chỉ mong mỏi được những nghị luận tân kỳ, có thể tăng trưởng kiến thức, khai sáng tâm can. Thật tình, những lời giảng dạy hoàn toàn không đáp ứng được nguyện vọng của ông ta. Nhưng thật tình, nguyện vọng của ông chỉ đơn giản là xin được linh đan, tiên dược, để có thể sống mãi không già, hưởng phúc của một ông vua, kéo dài ức vạn năm, có vậy mà thôi.

Sau ba ngày nghị luận, Vũ đế toàn nghe những lời kinh điển chán ngấy, chẳng có chút nào là đặc sắc, mới mẻ. Mà bà vương mẫu giả cũng không hiểu thời vụ, thấy ông ta không có chút hứng thú nào, còn giảng làm chi những lẽ chí đạo ? Kết quả là Hán Vũ đế đã hoàn toàn thất vọng. ông này là một trong số hiếm hoi các vị anh quân của lịch sử Trung Quốc, đã dễ dàng đoán ra mưu mô giảo quyệt của Đông Phương Sóc, đại khái là tên này mời vương mẫu không nổi, lại sợ trẫm giận, đã kiếm một vị tiên nào đó đóng giả. Nghĩ vậy, nhà vua liền nổi giận, lập tức kêu hoàng môn quan đi gọi Đông Phương Sóc vào cung. Đông Phương Sóc lúc đó đang ở nhà luyện chế một thứ thuốc viên, đột nhiên nghe tuyên triệu, biết ngay có chuyện bất thường, có thể là một tai họa ngoài ý nghĩ. Ông ta mới bấm đốt ngón tay, biết rõ sự tình, liền vò đầu bứt tóc. Nhưng mệnh vua rất khẩn trương, không thể diên trì, đành đi theo viên quan tiến vào hoàng cung. Trên đường đi, chợt nghĩ ra một ý. Vào tới trong cung, thấy Vũ đế không lộ vẻ gì là tức giận, vẫn giữ vẻ bình thán, cười hỏi:

- Khanh đã mời được vương mẫu về đây, liên tiếp ba ngày truyền thụ cho trẫm về kinh điển và yếu quyết dưỡng sinh, trẫm đều lãnh hội được. Nhưng trẫm nghe nói vườn đào của vương mẫu hiện nay đang nở rộ. Đào đó năm ngàn năm mới một lần ra hoa, lại năm ngàn năm mới một lần kết trái. Mỗi lần đào ra trái, vương mẫu đều giữ lại nhiều trái, để ban thưởng cho các vị tiên. Có trái để nguyên trên cây, một vạn năm không hái xuống, vẫn không hư hoại. Thứ đào tiên đó, người phàm ăn vào một trái, chẳng những bách bệnh tiêu trừ, mà còn tăng thêm tuổi thọ. Lần đầu mới gặp vương mẫu, trẫm không tiện hỏi xin, khanh có thể thay mặt trẫm, xin bà ban cho vài trái, được không ?

Đông Phương Sóc không liệu nổi Vũ để có thể đưa ra yêu cầu oái oăm như thế. Rõ ràng nhà vua đưa ra vấn đề khó khăn này, là để thăm dò việc vương mẫu thực, giả thế nào. Nếu mình không chấp nhận lời yêu cầu, hoặc cầu xin đào không được, sẽ lòi ra chân tướng vương mẫu giả mạo, bản thân mình không tránh khỏi tội khi quân. Vì thế, Đông Phương Sóc đành tạm thời nhận lời, tâu rằng :

- Vương mẫu hạ phàm ba ngày, hôm nay ắt trở về phương Tây 1 đương nhiên thần cũng tùy giá về cung Dao Trì, nhân đó sẽ hỏi xin vài trái, đem về hiến dâng bệ hạ.

Vũ đế thấy Đông Phương Sóc mau mắn nhận lời, hoài nghi trong lòng, không hiểu chuyện này thật giả thế nào. Vì tham mấy trái đào tiên, ông ta giả tảng khen ngợi, cho Đông Phương Sóc đứng dậy.

Tối hôm đó, Đông Phương Sóc triều kiến vương mẫu, quả nhiên được theo hầu pháp giá, lên không trung bay đi, tới một tòa núi tiên ở ngoài biển. Trên núi có không ít vị tán tiên đồng đạo, trong đó có cả người đóng giả vương mẫu trước đây. Mọi người lập tức bàn bạc, coi nên làm cách nào để cầu xin đào tiên. Có người nói :

- Một người đã làm đế vương trên nhân gian, thì thể diện không phải nhỏ. Nếu cầu xin vài trái đào trước mặt vương mẫu, thì cũng không phải chuyện to tát gì. Vậy cứ lấy tình thực cầu xin vương mẫu là xong.

Người khác nói :

- Hán hoàng là người tàn bạo, không thua gì Doanh Chính. Chỉ vì đức trạch của tổ tiên thâm hậu, mới không đến nỗi nước mất, thân vong đấy thôi. Vương mẫu là người có từ tâm, rất không ưa hạng người như thế. Vạn nhất cầu xin một lần không được, không còn cách gì đề đòi hỏi lần thứ hai. Vả lại, Mạn Thiến bày ra việc đóng giả vương mẫu, đó cũng không phải việc làm quang minh chính đại. Nếu vì việc xin đào mà lòi ra vụ án kia, thì ông ta tự chuốc lấy khổ không ít.

Các vị tiên nghe vậy, đều lo thay cho Đông Phương Sóc. ông này là người thông minh, hoạt kê, cũng tự biết mình đã vì ưa đùa giỡn mà gây nên chuyện rắc rối, không biết phải làm gì. Cúi đầu suy nghĩ một lát, nảy ra một biện pháp, nhưng không tiện tuyên bố vào lúc này, mới từ biệt các vị tiên, rời khỏi núi tiên, trở về Dao Trì.

May mắn làm sao, đúng lúc đó Phật Như Lai bên phương Tây dự bị truyền giáo sang Đông thổ, mới mở một đại hội diễn giảng về Phật môn huyền lý, đạt giấy mời tới khắp các vị thần tiên.Vương mẫu là lãnh tụ quần tiên, đương nhiên là quan tâm tới sự việc này, mới cùng Nguyên Thủy, Lão Quân, và các đế quân, kim tiên, cùng lên đường sang Tây thổ.

Cung Dao Trì vốn là nơi yên tĩnh, vườn đào cũng không được canh gác nghiêm ngặt. Chỉ có một vị tôn thần giữ vườn, cùng vài vị tiên đồng, thị nữ, chia nhau ra đóng chốt canh giữ. Vương mẫu vốn tính từ ái, đối với người dưới rất mực khoan dung. Nhân dịp chủ nhân đi xa, bọn trẻ canh giữ vườn tất nhiên vui mừng hớn hở, ai cũng tự tìm cách vui chơi. Còn vị tôn thần giữ vườn, chỉ là một tiên sinh lớn tuổi, nhác việc, hơn nữa, vườn đào của vương mẫu, từ xưa tới nay không hề xảy ra chuyện mất trộm bao giờ. Có khả năng ăn trộm đào phải là những người có bản lãnh cực cao, thần thông quảng đại. Mà hạng người như thế chỉ có thể là chân tiên trên thượng giới, mỗi kỳ đại hội đào đều được đãi tiệc lớn, ăn uống thỏa thích làm gì đến nỗi tham ăn, làm vị thượng khách không muốn, lại muốn làm một kẻ trộm cắp ? Vị tôn thần giữ vườn, trên danh nghĩa là quản lý việc giữ vườn, nhưng thật tình không phải ngày đêm canh giữ, mà mở toang cửa vườn, để mọi người ra vào tự nhiên. Vậy mà, đừng nói tới việc trộm trái đào, ngay cả hoa đào, lá đào cũng không hề suy chuyển. Không dè có vị Mộc tinh, Đông Phương đại tiên, ở dưới phàm trần làm việc sai trái, nên phải lên Dao Trì làm một tên trộm đào.

/101

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status