Bất Tử - Evermore

Chương 3

/38


TÔI ĐI VÀO NHÀ, LẤY MỘT CHAI NƯỚC TRONG TỦ LẠNH, rồi đi thẳng lên phòng mình ở trên lầu. Không cần lên tiếng gọi hay chạy đi tìm, tôi cũng biết lúc này cô Sabine vẫn còn đang làm việc.

Cô Sabine lúc nào cũng làm việc.

Điều đó có nghĩa là tôi chỉ có một mình trong căn nhà to đùng, rộng lớn này. Và cũng vì thế nên hầu như lúc nào cũng vậy, tôi chỉ ở trong phòng riêng của mình.

Tôi cảm thấy buồn cho cô Sabine.

Tôi cảm thấy buồn, vì cuộc sống mà cô phải làm việc cật lực để tạo dựng đã mãi mãi thay đổi kể từ khi cô “kẹt cứng” với tôi.

Ông bà nội-ngoại của tôi đều mất sớm khi mẹ tôi mới lên hai. Cô là em song sinh của bố – người thân duy nhất còn lại của tôi. Vì vậy, có vẻ như cô chẳng có nhiều chọn lựa. Sau tai nạn, chỉ có cách duy nhất là cô nhận nuôi tôi, nếu không muốn cho tôi vào trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi đến khi tôi mười tám tuổi.

Mặc dù chẳng biết tí gì về việc nuôi một đứa trẻ trước đó, nhưng trước khi tôi được ra viện, cô đã kịp bán căn chung cư để mua cái nhà to đùng này và thuê người trang trí lại căn phòng của tôi theo cách cô cho là phù hợp với tôi nhất.

Tôi có tất cả mọi thứ trong phòng: Giường ngủ, tủ quần áo, bàn học. Có cả tivi màn hình phẳng, một bể tắm nhỏ tuyệt đẹp với buồng tắm vòi sen kế bên. Một hành lang có tầm nhìn hướng ra biển. Rồi thì phòng chơi game riêng với một tivi màn hình phẳng nữa. Một quầy bar nhỏ để thức uống, lò vi ba, tủ lạnh mini, máy rửa chén, dàn âm thanh stereo, sofa, bàn, ghế ngồi có đệm, và cả những bức tranh.

Thật buồn cười vì trước đây tôi chưa bao giờ có được một căn phòng riêng như thế. Nhưng bây giờ, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để được trở về với những gì mình từng có!

Tôi đoán, vì cô Sabine suốt ngày phải dành thời gian cho công ty, cho những nhân vật quan trọng nên cô nghĩ rằng những đồ vật như vậy là cần thiết và có thể làm tôi hạnh phúc – dẫu chỉ là đôi chút. Tôi cũng chưa bao giờ chắc rằng liệu việc cô không có con là bởi vì cô làm việc suốt ngày nên không rảnh lên kế hoạch; vì cô chưa gặp được người vừa ý; vì cô không muốn yêu ai; hay vì cả ba lý do trên.

Là một người có năng lực siêu linh, thế nhưng trường hợp của cô Sabine giống như như một “ca” khó với tôi. Hầu hết những điều tôi thấy được về cô chỉ là những sự kiện. Mọi thứ giống như một chuỗi những hình ảnh, xếp nối tiếp nhau. Và đôi khi, những gì tôi thấy được chỉ là những biểu tượng mà tôi chưa thể giải mã hết được.

Thỉnh thoảng, với những người khác, mặc dù tôi thấy được những sự kiện liên quan đến họ hết sức rõ ràng, nhưng có những lúc tôi vẫn đoán sai. Tự bản thân hình ảnh thì lúc nào cũng chân thật. Nhưng để xác định được hình ảnh thấy được đó nghĩa là gì thì không phải lúc nào tôi cũng làm chính xác.

Nhưng chắc hẳn là dù không có thứ năng lực siêu linh này, tôi vẫn có thể dễ dàng biết được một người phụ nữ như cô Sabine khao khát có một đứa con như thế nào khi mà những gì cô thường nghĩ đến thường xuyên là những con búp bê nhỏ xinh xắn, chứ không phải một thiếu nữ cao một mét sáu, mắt xanh, tóc vàng hoe với một tấn cảm xúc chứa trong người như tôi. Vì điều đó mà tôi luôn cố gắng giữ im lặng, cố gắng tôn trọng, và cố gắng không làm vướng bận cô Sabine.

Tôi nói chuyện với đứa em gái đã qua đời trong tai nạn hầu như mỗi ngày. Lần đầu tiên Riley xuất hiện, con bé đứng phía cuối giường của tôi trong bệnh viện vào khoảng nửa đêm, một tay cầm bó hoa, tay kia vẫy vẫy. Tôi ngỡ ngàng trong cảm giác thực và ảo. Con bé chẳng nói chẳng rằng, thậm chí chẳng tạo ra một tiếng động dù nhỏ nhất. Tôi đoán đó chỉ là ảo giác của mình, hay chẳng qua đó có thể là một thứ gì đó mờ mờ trong không khí. Tôi còn tưởng mình bị ảo giác vì phản ứng phụ của thuốc giảm đau mà tôi mới uống.

Nhưng sau khi chớp mắt liên hồi, chà nhiều lần vào mắt mình, tôi nhận ra con bé vẫn ở đó, rõ mồn một. Tôi đoán, nó tin tưởng rằng tôi sẽ không sợ hãi kêu la hay gọi ngưởi đến giúp.

Quả là tôi im lặng thật. Không sợ hãi. Không kêu la hay gọi mọi người đến giúp.

Tôi nhìn con bé khi đứa em thân yêu đến bên cạnh giường tôi, chỉ vào cánh tay và cái chân đang bó bột của tôi, rồi cười. Nó cười không thành tiếng. Chỉ là một động tác trên mặt giống như nụ cười ảo vậy. Nhưng ngay khi thấy tôi có vẻ giận thì con bé liền thay đổi nét mặt, không đùa nghịch, không cười chọc quê nữa mà như muốn hỏi có đau không chị.

Tôi nhún vai, vẫn còn một chút giận giận kiểu trẻ con vì nụ cười của em mình ban nãy. Rồi mặc dù không hoàn toàn tin có bé có thật, nhưng điều đó cũng không thể ngăn tôi hỏi: “Bố mẹ và con Buttercup đâu rồi?”

Con bé làm động tác nghiêng đầu sang một bên, như thể họ đang đứng ngay đằng sau nó. Nhưng tất cả những gì tôi có thể thấy là khoảng không trống rỗng.

“Chị không thấy!”

Tôi thở dài hơi tuyệt vọng. Nhưng con bé chỉ mỉm cười, áp hai bàn tay lại, nghiêng đầu sang một bên như kiều các em bé vẫn làm để khuyên tôi ngủ lại đi.

Tôi ngoan ngoãn nhắm mắt như thể nghe theo lời khuyên của con bé. Nhưng ngay sau đó, tôi lập tức mở mắt ra và hỏi: “Ê, ai cho em mượn cái áo lạnh của chị?”

Chỉ có thế thôi. Rồi con bé biến mất.

Tôi thừa nhận, tối hôm đó tôi đã rất giận chính mình vì câu hỏi ngu ngốc, hời hợt và ích kỷ mà tôi đã thốt ra. Đáng lẽ lúc đó tôi phải hỏi về những điều quan trọng nhất liên quan đến cuộc sống con người. Ví dụ như có thật sau khi chết, linh hồn vẫn tồn tại như thế không? Bố mẹ như thế nào? Em tôi như thế nào? Vậy mà tôi đã phí thời gian căn vặn em mình về những điều vớ vẩn như kiểu sao em lấy cái áo lạnh của chị mà không hỏi. Tôi đoán, có lẽ đó là một thói quen lâu đời rất khó bỏ của con người.

Lần thứ hai con bé xuất hiện, tôi rất đỗi vui mừng. Tôi không còn đề cập đến chuyện sao em mặc chiếc áo lạnh yêu thích nhất của tôi, sao em mặc chiếc quần jeans đẹp nhất của tôi (chiếc quần vẫn dài thượt qua khỏi mắt cá chân của con bé), hay sao con bé giành đeo cái vòng tay xinh đẹp mà tôi được tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ mười ba – cái vòng tôi biết em rất thích.

Tôi chỉ mỉm cười, gật đầu, ra vẻ như không nhận ra đó là những đồ vật của mình. Tôi nghiêng người về phía em và hỏi: “Bố mẹ đâu?”, lòng thầm tin họ sẽ xuất hiện nếu tôi chịu nhìn thật kỹ.

Nhưng Riley chỉ mỉm cười và vẫy hai tay hai bên.

“Ý em... bố mẹ là thiên thần hả?”, mắt tôi mở to tỏ vẻ ngạt nhiên.

Con bé lập tức trợn tròn mắt và lắc đầu, ôm bụng cười dù không hề phát ra bất kỳ âm thanh nào.

“Thôi được rồi, sao cũng được!” Tôi nằm trở lại trên giường. “Vậy nói cho chị biết ở bên đó ra làm sao?”, tôi hỏi một cách nhẹ nhàng. “Em... Em có thích... À, có thích cuộc sống ở thiên đường không?”

Em bé nhắm mắt, giơ hai tay lên cao như thể cố giữ thăng bằng vật gì, và ngay sau đấy một bức tranh xuất hiện.

Tôi chồm người tới trước, nhìn chằm chằm vào bức tranh. Chắc chắn đây là cảnh thiên đường được vẽ nên sau cái khung ảnh bằng vàng, chạm trổ tinh vi. Đại dương xanh thẳm, những vách đá hùng vĩ nhô ra biển, bãi cát vàng, cây cỏ đầy hoa, và bóng mờ của một hòn đảo xa xa.

“Vậy sao em không ở đó?”, tôi hỏi.

Con bé khẽ nhún vai. Ngay sau cái nhún vai, bức tranh biến mất. Em tôi cũng biến mất.

Tôi ở lại trong bệnh viện hơn một tháng, chịu đau đớn vì bị gãy xương, chấn động, chảy máu bên trong, trầy và thâm tím khắp cơ thể. Cộng với một vết thương khá sâu trước trán. Trong suốt thời gian tôi đang điều trị tại bệnh viện, thì cô Sabine phải một mình lo việc dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đám tang, và chuẩn bị đồ đạc của tôi để chuyển về nhà mới.

Cô dặn tôi lên danh sách những món đồ mà tôi muốn mang theo. Nhưng ngoài những bộ quần áo, thì tôi không muốn mang theo gì cả. Tôi không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy những thứ có thể khơi gợi, nhắc nhở tôi nhớ lại những điều thiêng liêng mà tôi đã mất đi. Những thứ đồ vật vô tri vô giác ấy chỉ làm tôi đau đớn, chứ không thể trả lại cho tôi gia đình của tôi được.

Trong suốt thời gian nhốt mình trong căn phòng lạnh lẽo màu trắng, tôi được một bác sĩ tâm lý đến thăm đều đặn. Đấy là một bác sĩ tâm lý hay mặc cái áo len màu be và lúc nào cũng kè kè bìa kẹp hồ sơ. Ông luôn bắt đầu câu chuyện bằng những câu hỏi không đâu vào đâu, hướng dẫn tôi làm cách nào để đối phó với “những mất mát sâu sắc”, dù thực tế là những cách ấy chỉ phù hợp với ông chứ không phải với tôi. Sau đó, ông cố thuyết phục tôi đến phòng 618 – nơi tư vấn cho những nỗi niềm đau đớn như tôi.

Nhưng tôi không tham gia vào cuộc tư vấn đó.

Tôi không thể ngồi cùng với những người đau khổ khác để chờ đến lượt mình chia sẻ câu chuyện về một ngày tồi tệ nhất đời tôi.

Như thế thì giải quyết được cái gì? Làm sao tôi có thể cảm thấy tốt hơn sau khi kể những câu chuyện đó cho một người xa lạ được?

Cô Sabine và tôi chẳng nói chuyện với nhau nhiều trên chuyến bay từ Eugene đến sân bay John Wayne. Tôi giả vờ như đó là vì những vết thương trên cả thể xác lẫn tâm hồn của mình còn quá nặng nề. Nhưng thật ra, đơn giản chỉ là tôi cần một khoảng không tĩnh lặng. Tôi biết tất cả những cảm xúc đối lập bên trong cô. Một bên, cô thật sự mong muốn làm một tốt cho tôi, nhưng một bên khác cô lại luôn suy nghĩ: Sao lại là mình – phải đứng ra giải quyết hết tất cả những chuyện này?

Tôi biết điều đó. Nhưng tôi hoàn toàn không muốn làm tổn thương cô. Sau tất cả những rắc rối, những bấn loạn mà cô vừa trải qua, sau tất cả những nổ lực và hy sinh của cô để có thể đón tôi về một căn nhà đẹp, tôi không thể làm một hành động ngốc nghếch để cho cô biết rằng tất cả những việc vất vả mà cô đã làm với mục đích tốt đẹp lại hoàn toàn vô nghĩa đối với tôi!

Con đường vào nhà mới lờ mờ trong ánh mặt trời, biển và cát.

Khi cô Sabine mở cửa, dẫn tôi lên lầu đến phòng tôi, tôi nhanh chóng liếc nhìn cô một cái rồi thì thào một câu gần như cảm ơn.

“Cô xin lỗi, cô chưa kịp dọn dẹp hết mọi thứ. Chắc con phải tự dọn dẹp phòng này!”, cô nói như thể cho có chuyện để nói, rồi quay gót trở lại với căn phòng làm việc ngăn nắp của mình.

Khép cánh cửa lại, khi chỉ còn một mình trong phòng tôi quăng mình lên giường, úp mặt vào hai cánh tay, thờ thẫn.

Cho đến khi tôi nghe tiếng một ai đó vang lên: “Ôi trời ơi, chỗ này mới đẹp làm sao! Chị ngắm nó chưa? Màn hình phẳng, lò sưởi, bồn tắm...” Con bé liếng thoắng.

“Chị tưởng em không thể nói được?”, tôi xoay mình lại, nhìn chằm chằm vào em gái tôi. Con bé đang mặc bộ quần áo thể thao màu hồng, hàng hiệu hẳn hoi. Giày Nike màu vàng. Và mái tóc nhuộm màu sáng.

“Dĩ nhiên là em có thể nói chứ! Chị đừng hung tợn với em thế!” Con bé tròn xoe mắt, vẫn kiểu hay “gây sự” của chị em gái với nhau.

“Nhưng sao mấy lần trước đây...”, tôi ấp úng không hết câu.

“Em chỉ đùa thôi!” Con bé đi xung quanh phòng tôi, lướt tay trên chiếc bàn, lướt tay trên chiếc laptop mới cáu cạnh và chiếc iPod mà cô Sabine đã để sẵn ở đó.

“Em không thể tin được chị lại có cả một căn phòng như thế này. Thật là không công bằng!” Con bé chống nạnh, nét mặt hơi cau có. “Vậy mà chị còn không biết giá trị của nó, cứ nằm thừ ra như thể mình là người đau khổ nhất trần gian ấy. Chị có thấy khung cảnh ngoài ban công chưa? Trời ơi, ở đây có cả một không gian tuyệt vời xung quanh!”

“Chị chẳng quan tâm đến khung cảnh”, tôi khoanh tay trước ngực. “Và chị không thể tin là em đối xử với chị như thế, giả vờ không nói được hết lần này đến lần khác...!”

Con bé nháy mắt, khẽ cười: “Rồi chị sẽ bỏ qua thôi”.

Tôi nhìn theo bóng con bé sải bước đi ngang qua phòng tôi, kéo rèm sang một bên và cố mở cánh cửa.

“Ở đâu em có những thứ trang phục, áo quần này vậy?”, tôi chăm chú nhìn em gái mình từ đầu đến ngón chân, nhanh chóng trở lại với thói quen thường ngày – hay cãi vặt và hay ganh tức lẫn nhau.

“Lần trước em mặc quần áo của chị. Còn lần này thì áo quần của ai nữa đây? Chị biết chắc mẹ không bao giờ mua cho em những thứ như thế này!”

Con bé cười.

“Thôi đi bà chị ơi, làm như em cần mẹ cho phép mới được đến phòng để quần áo và chọn những thứ mà em muốn vậy. Miễn phí mà!”, con bé lại nháy mắt, cười cười.

“Thật hả?”, mắt tôi mở to hơn, ngơ ngác.

Nhưng thay vì xác định lại câu vừa nói, con bé chỉ lắc đầu và vẫy tay gọi tôi. “Đi xem cảnh đẹp ở ngoài kia đi!”

Tôi ra khỏi giường, lấy tay áo dụi mắt và đi thẳng ra ban công. Theo sau là em tôi. Khi tôi bước chân lên nền gạch đá, mắt tôi mở to nhìn khung cảnh xung quanh mình.

“Cái gì nữa đây?”, tôi nhìn chằm chằm vào cảnh tượng xung quanh mình. Đó chính xác là những gì như trong bức tranh vẽ thiên đường mà em tôi đã cho tôi xem lúc ở bệnh viện.

Nhưng khi tôi quay sang tìm con bé thì nó đã biến đi đâu.

/38

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status