Bút Vẽ Giang Sơn Mực Tô Xã Tắc

Chương 62: Bói chữ

/261


Nếu có người muốn tìm một nơi để hưởng thụ đầy đủ nhất cái không khí ngày Tết, vậy bất luận bạn ở thế giới phong kiến, hay thế giới hiện đại, câu trả lời cũng chỉ có một, đó chính là đi chợ Tết. Mặc dù mỗi thời kì đều có những quan điểm riêng biệt, phong tục tập quán cũng có thể thay đổi, nhưng có một điều mà ngàn năm qua vẫn không chút đổi thay, đó chính là bầu không khí vui mừng, hoan hỉ, hòa hợp của tất cả mọi người khi tham gia một khu chợ Tết. Ngày Tết, vốn là ngày để con người ta xả hơi sau một năm dài làm việc, để người xa nhà có điều kiện về thăm quê hương, để gia đình có thể quây quần bên nhau, cũng là thời gian để con người ta mở rộng lòng mình, chia sẻ niềm vui với những người chung quanh. Đi vào một khu chợ Tết, bạn sẽ không còn thấy cái nhộn nhạo, đầy tiếng tranh cãi, ồn ào của ngày thường. Đi vào một khu chợ Tết, bạn sẽ cảm nhận được một bầu không khí nhộn nhịp mà vẫn hòa hợp, vui vẻ và tràn đầy tình người, đó chính là cái mà ngoại trừ Tết ra, không một thời điểm nào khác mà bạn có thể tìm được.

Thành Kinh Bắc rộng lớn vô cùng, chính vì vậy những điểm tập trung công cộng cũng không thể nào đơn lẻ, hiếm hoi được. Cả tòa thành này có đến bốn khu chợ, phân biệt nằm ở bốn phương đông, tây, nam, bắc của thành. Chợ phía bắc được gọi là chợ Bắc Xuân, chuyên buôn bán các loại quần áo, vải vóc cũng như những mặt hàng thêu thùa khác. Ở nơi này có đủ các loại quần áo, kiểu dáng phong phú, mẫu mã đa dạng, chất lượng cũng nhiều chủng loại vô cùng, bất kể là dân thường hay thế gia quý tộc đều có thể tìm cho mình những bộ quần áo vừa ý ở nơi này. Nói không ngoa, có đến chín phần quần áo người dân sử dụng trong thành Kinh Bắc đều được mua từ khu chợ này. Phía nam có chợ Nam Đông, chuyên bán các loại dược liệu, từ những loại quý hiếm, đặc sản của vùng Kinh Bắc cho đến những cây thuốc thông dụng mà đâu đâu cũng có thể tìm được. Chính vì chuyên về dược liệu, chợ Nam Đông còn được nhân dân gọi bằng cái tên khác là chợ Thuốc. Phía Tây là chợ Tây Thu, chuyên bán các loại thực phẩm, thông thường thì có thịt lợn, thịt bò, thịt dê, thịt gà….mà nếu kể đến quý hiếm thì cũng không thiếu, từ gan hổ, tay gấu, thịt chim công cho đến cả những loại thịt hồn thú cũng đều có. Tất nhiên, muốn thưởng thức những loại thức ăn hiếm có thì cái giá phải bỏ ra cũng không nhỏ, nhưng trên thế giới này không thiếu người muốn thử những đồ hiếm lạ, cho nên thực phẩm ở đây không bao giờ lo bị ế. Ba chợ nói trên là những chợ chuyên hóa của thành Kinh Bắc, mục đích phục vụ vô cùng rõ rệt, tiện lợi cho người dân tìm mua những thứ vừa ý. Tuy nhiên, nếu đã đến thành Kinh Bắc, thì không thể không đến thăm chợ Đông Hạ. Đây là khu chợ lớn nhất trong cả tòa thành, cũng là khu chợ buôn bán đa dạng nhất trong thành. Có thể nói, trong khu chợ này, người mua có thể tìm được tất cả những thứ kì dị nhất, quý hiếm nhất, hoặc cũng có thể là vớ vẩn nhất. Nói đơn giản thì đây chính là khu chợ chuyên bán sản vật của vùng Kinh Bắc, từ khoáng thạch, thú vật, cho đến các loại đá quý, các loại nguyên liệu hiếm có, thậm chí cả hồn thú cũng có người đem đến đây bán. Chính vì vậy, bất kể bạn cần loại sản vật nào của Kinh Bắc, đều có thể đến chợ Đông Hạ tìm mua.

Ba người Nguyễn Phong, sau khi rời đi từ quán ăn, mục tiêu mà bọn họ hướng đến chính là khu chợ Đông Hạ. Nguyên nhân chủ yếu là vì nơi này có tập hợp đủ mọi thứ, nghìn kỳ trăm lạ, cho nên nếu muốn đi chơi chợ thì nên tìm đến đây là tốt nhất. Một phần nguyên nhân khác cũng là vì khu chợ này gần với Giáo trường, cho nên ba người mới tiện đi đến đó. Ngày Tết, không khí trong chợ cũng khác hẳn bình thường. Nơi nơi đều có thể thấy được những quầy hàng đậm chất Tết, như quầy hàng cho chữ, quầy hàng bói toán, còn có cả các loại quầy hàng chuyên bán quà tết. Có lẽ hôm nay là một ngày đẹp, hoặc cũng có lẽ là vì chủ nhân của một số quầy hàng cảm thấy hôm nay là ngày đẹp để khai trương, vì vậy nên thi thoảng đám người Nguyễn Phong cũng thấy được một quầy hàng nào đốt pháo mở hàng. Tiếng pháo nổ rang, xác pháo đỏ tươi phủ đầy đường, người người qua đường đều tập trung lại vui vẻ mở hàng cho người bán, cái không khí này vốn Nguyễn Phong tưởng chỉ có thể gặp trong mơ, không ngờ nay lại có thể thật sự thấy. Nguyễn Phong ngơ ngác ngắm nhìn, cảm thụ bầu không khí đậm chất truyền thống này, nhập tâm đến nỗi quên cả để ý đường đi. Bước chân tiến lên đều đều, Nguyễn Phong không cẩn thận đụng phải một ông lão già nua đang mang theo chút đồ đạc ra quầy hàng. Mặc dù cú đụng không mạnh, nhưng ông lão cũng đã tuổi cao sức yếu, bị Nguyễn Phong va phải như vậy cũng không giữ được thăng bằng mà ngã ra đất. Một tiếng “ái ui” vang lên mới hoàn toàn đánh thức Nguyễn Phong từ trạng thái nửa tỉnh nửa mê kia lại.

“Ông à, cháu xin lỗi, tại cháu không để ý nên mới va vào ông. Để cháu nâng ông dậy nhé”

Nguyễn Phong rối rít xin lỗi, cúi xuống đỡ ông già đứng dậy, trong khi đó hai người Trần Duy và Văn Thái lại đang giúp ông lão thu dọn lại đồ đạc bị đổ ra đất. Dìu ông lão vào quầy hàng, Nguyễn Phong cũng giúp ông lão bày chút đồ đạc ra. Nhìn những đồ đạc mà ông lão mang theo, cũng có thể đoán ra ông ta là một thầy đồ, hoặc ít nhất cũng là một người chữ đẹp, muốn tranh thủ ngày Tết mà đi cho chữ, tặng niềm vui cho mọi người.

“Ông à, ông cứ ngồi nghỉ ngơi đi. Bọn cháu cũng là sĩ tử đi thi, có lẽ chữ viết không xuất chúng, nhưng nếu viết chữ chuẩn mực thì cũng có thể làm được. Có gì để bọn cháu giúp ông viết chữ cho khách một lúc”

Nguyễn Phong đề nghị giúp ông lão, cũng không chờ ông ta chấp nhận đã bắt đầu bày giấy mực ra, viết vài chữ quen thuộc trong những ngày này như Phúc, Lộc, Thọ, An Khang Thịnh Vượng….. Dù sao thì một quầy cho chữ cũng phải có vài tác phẩm bày ra để người đi đường nhìn vào biết được tác giả chữ tốt hay không, nếu không mà ngay ngày Tết đã xin phải chữ xấu, thì thật là xui xẻo cả năm, ai cũng không được vui vẻ. Trong lúc Nguyễn Phong chăm chú viết, hoàn toàn không để ý đến ông lão ngồi đằng sau ánh mắt đang sáng ngời, chăm chú nhìn vào những chữ mà hắn viết ra. Mỗi khi Nguyễn Phong hoàn thành một chữ, đôi mắt ông lão lại sáng thêm một chút, thi thoảng lại gật gù có vẻ như đã thấu hiểu điều gì đó. Chỉ là tất cả những điều này đều diễn ra trong sự im lặng, không ai để ý đến biểu tình của ông lão, ngay cả Trần Duy và Văn Thái đứng hai bên ông lão cũng không nhận ra.

Chữ của Nguyễn Phong thực sự có thể xưng là thư pháp, bởi vì nét chữ viết ra rất có hồn, mang đậm dấu ấn phong cách của tác giả. Hơn nữa chữ nào cũng như rồng bay phượng múa, lại biểu đạt được rõ cái ý ẩn ở trong chữ, khiến cho người ta nhìn vào đều cảm thấy tâm tình bị kích động vô cùng, khi thì vui vẻ, khi thì yên bình, lúc lại tươi sáng…… Muôn vàn trạng thái cảm xúc, theo từng chữ của Nguyễn Phong mà biểu hiện ra, khiến cho bất cứ vị khách nào đi nhìn thấy đều không khỏi dừng lại, trầm trồ ngắm nghía. Hai người Trần Duy và Văn Thái tuy biết đại ca của mình văn hay chữ tốt, rất được thầy Vũ Ngôn ưng thuận, chỉ là không ngờ đến chữ viết của Nguyễn Phong lại đẹp như vậy. Lần đầu tiên nhìn vào thư pháp Nguyễn Phong viết ra, hai tên này cũng không khỏi bị hấp dẫn, ngắm nhìn như bị hớp mất hồn vậy. Có điều đã quen với Nguyễn Phong từ lâu, Văn Thái cùng Trần Duy cũng rất nhanh có thể từ trạng thái ngây ngẩn này mà phục hồi lại.

“Đại ca, chữ của ngươi thật xứng với hai từ thư pháp. Không hổ là đệ tử cưng của sư phụ”

“Đúng vậy, đại ca, khi nào rảnh thì cũng dạy cho ta cách viết thư pháp đi. Mặc dù ta từ bé đến giờ đều cố gắng luyện chữ, nhưng chữ viết cũng chỉ có thể đạt đến tiêu chuẩn, không thể đẹp như của ngươi viết được”

“Ha ha, hai ngươi cũng không cần quá gượng ép. Chữ viết phải dùng tâm mà viết thì mới đạt được như ý, còn nếu chỉ cố bắt chước khuôn mẫu thì không thể để lại dấu ấn của bản thân được. Chỉ cần hai người các ngươi dùng tâm mà viết chữ, ta tin có ngày chữ của hai ngươi cũng sẽ xứng với hai từ thư pháp”

“Ha ha ha, chàng trai trẻ, cậu nói rất hay. Chỉ có dùng tâm viết chữ, mới được như ý nguyện, đúng vậy, đúng vậy, ha ha ha”

Bất ngờ, tiếng nói của ông lão ở phía sau vang lên, khiến cho cả ba người Nguyễn Phong đều ngừng lại cuộc nói chuyện của mình. Nguyễn Phong tâm ý nhanh nhạy, vừa nghe giọng điệu của ông lão, đã biết đây là một người có trí tuệ thâm sâu, được nghe một lời của ông ta cũng có thể giúp bản thân hiểu được nhiều thứ.

“Ông có gì muốn chỉ dạy, bọn cháu xin được lắng nghe”

“Ha ha, chỉ dạy thì không dám. Các cậu có lẽ chưa biết, ta là một thầy bói, từ trước đến giờ ta chỉ chuyên bói chữ. Chữ, chính là hình ảnh phản chiếu của tâm tính con người, từ chữ viết của một người, ta có thể nhìn ra được một phần cuộc đời của họ. Hôm nay nghe được đạo lý viết chữ của cậu, ta quả thực cảm thấy rất tâm đắc. Nếu cậu không ngại, mời lắng nghe ông lão này nói vài lời”

“Thực ra mà nói, từ đầu tiên khi nhìn thấy chữ viết của cậu, ta đã biết cậu là một người có tâm tình rất phong phú. Cậu có thể thấy, chữ “gia đình” mà cậu viết kia, bên trong ẩn chứa tâm sự vô cùng. Nét khởi chữ có vẻ đầy đặn, lưu loát, chứng tỏ cậu trước đây có một cuộc sống gia đình vô cùng êm ấm, hoàn thuận. Nhưng nếu nhìn vào phần giữa của chữ, mặc dù nét chữ vẫn đầy đặn, nhưng lại chỉ còn nét đơn giữa một tổ hợp các nét bút khác, điều này đại biểu cho việc cậu cảm thấy lạc lõng, cô đơn dù cho vẫn sống giữa sự đùm bọc của những người thân. Cũng may, nét kết của chữ lại trở lại với vẻ hòa hợp, đại biểu cho việc cậu đã có thể hòa nhập được vào trong cuộc sống gia đình. Thế nào, tôi nói không sai chứ?”

Nguyễn Phong nghe ông lão nói, trong lòng không khỏi kinh ngạc, thật không ngờ lại có bậc đại trí chỉ cần nhìn chữ viết mà vẫn có thể đoán được đời sống tâm tình một người. Chỉ có hai người Trần Duy và Văn Thái đứng hai bên lắng nghe mà hoàn toàn không hiểu được nội dung cuộc nói chuyện.

/261

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status