Chuyện Xứ Lang Biang (Tập 1: Pho Tượng Của Baltalon)

Chương 1 - Chương 01 Phần 1

/30


Chương 1: Thầy râu bạc

Không biết tự bao giờ, người làng Ke gọi ngọn đồi đó là đồi Phù Thủy. Có lẽ cái tên đó đã có từ lâu lắm, vì hầu như các bậc trưởng lão trong làng đều lắc đầu khi đám trẻ thắc mắc tại sao ngọn đồi lại mang cái tên kỳ bí như vậy.

Trường làng nằm xoay lưng vào ngọn đồi, khoảng cách từ trường đến chân đồi không xa lắm, nhưng có thể nói mà không sợ sét giáng xuống đầu rằng từ khi ngôi trường được xây dựng đến nay, trải qua không biết bao nhiêu là thế hệ nhóc tì ôm cặp đến trường, chưa từng có đứa nhóc nào dám đặt chân lên đồi Phù Thủy.

Đồi Phù Thủy nằm ở cuối Đường Lên Núi, cây cối rậm rạp, um tùm, do không có ai lai vãng nên bộ mặt ngọn đồi còn khoác thêm vẻ âm u, huyền bí. Hằng ngày bọn học trò trường làng rất khoái cái trò rủ nhau thò đầu qua cửa số nhìn lên ngọn đồi phía sau bằng ánh mắt hiếu kỳ và hồi hộp bàn tán lung tung. Tất nhiên là chúng thấy tất cả những gì có thể trông thấy ở một ngọn đồi: những con chim lớn lượn từng bầy bên trên những ngọn cây, thỉnh thoảng lại sà xuống rồi lại nháo nhác tung lên như nắm lá ai ném vào trong gió, những cánh hoa vàng lốm đốm không rõ là hoa gì, những con chồn chạy luồn trong bụi rậm chốc chốc lại vọt ra khoảng đất trống, và những con sóc lượm hạt, tóm lại chúng thấy đủ thứ, cũng có nghĩa là chẳng thấy gì cả. Để cho xứng với cái tên của ngọn đồi, những gì bọn trẻ trông thấy phải nói là quá xoàng.

Khi câu chuyện này bắt đầu thì Nguyên và Kăply đang theo dõi ngọn đồi từ cửa sổ lớp học.

- Tao chẳng thấy gì đáng sợ!

Nguyên nói, nó năm nay mười sáu tuổi, là đứa gan dạ nhất làng.

Kăply, ít hơn một tuổi và ít gan dạ hơn một chút, gật đầu:

- Nhất là khi mày đang đứng ở chỗ này.

Nguyên cảm thấy bị xúc phạm. Nó quay lại nhìn bạn:

- Tao đã thử lên ngọn đồi mấy lần.

Tiết lộ của Nguyên khiến Kăply đờ người ra:

- Thật đấy hở?

- Thật! - Nguyên đưa một ngón tay lên miệng. - Nhưng mày chớ có hé ra với ai đấy!

Nguyên chỉ tay lên lùm cây ở lưng chừng đồi, giọng thấp xuống nhưng không giấu được vẻ hãnh diện:

- Tao đã mò lên tới chỗ đó.

Kăply rùng mình, có cảm giác một thứ quỷ quái gì đó đang cựa quậy và kêu ọc ạch trong bụng. Nó nhìn bạn bằng cặp mắt lé xẹ:

- Thế mà mày vẫn an toàn ra về?

Nguyên cầm tay Kăply đập binh binh lên ngực mình:

- Thì mày cũng thấy đây nè. Tao đang đứng trước mặt mày mà.

Tiếng chuông vào lớp chặn ngang mớ câu hỏi đang chuẩn bị trồi ra cửa miệng Kăply.

Kăply ngồi vào chỗ, lật tập với vẻ điên tiết thấy rõ.

Tiếng giấy cọ vào nhau, kêu soàn soạt một cách bực dọc. Nguyên sợ hãi huých vào hông bạn:

- Nhẹ tay tí nào! Coi chừng thầy Râu Bạc!

Thầy Râu Bạc dạy ở ngôi trường này lâu lắm rồi. Ba của Nguyên và Kăply hồi bé cũng học thầy Râu Bạc. Mà hình như ông của Nguyên và Kăply hồi bé cũng học thầy Râu Bạc nốt.

Những câu nói ưa thích của thầy bao giờ cũng bắt đầu bằng hai chữ “hồi đó”:

- Hồi đó ba của trò thông minh hơn trò nhiều.

- Hồi đó ông ngoại của trò đâu có quậy dữ như trò.

- Hồi đó bà nội của trò đâu có tè trong quần mỗi khi bị kêu lên bảng như trò bây giờ.

Mỗi khi thầy trừng mắt nhìn đám học trò ồn ào và tằng hắng hai, ba tiếng liên tiếp là bọn nhóc biết thầy sắp sửa nói “hồi đó” và thế là đứa nào đứa nấy tự tìm cách dán miệng mình lại.

Người làng Ke rất tự hào về thầy Râu Bạc. Vì thầy được xem là người sống lâu nhất làng, được toàn thể già trẻ lớn bé trong làng yêu quý và tôn kính. Có người nói thầy đã một trăm lẻ năm tuổi. Có người nói một trăm hai chục, có người nâng lên tới một trăm tám mươi, tức là hơn kỷ lục ghi trong sách Guinness tới mấy chục tuổi lận. Thật ra không ai biết chính xác thầy Râu Bạc có mặt trên cõi đời này bao nhiêu năm rồi. Chính thầy Râu Bạc cũng không biết. Và đó chẳng phải là điều gì kỳ lạ ở cái làng này. Ông nội của Nguyên cũng không nhớ chính xác tuổi của mình là chín mươi hai hay chín mươi bốn, ông nội của Kăply cũng không biết mình thực ra là chín mươi chín hay một trăm lẻ hai. Ở làng Ke, ai cũng sống lâu và những người sống lâu thường mắc chung một thứ bệnh là hầu như không ai nhớ được tuổi của mình. Vì vậy chẳng ai thắc mắc thầy Râu Bạc thiệt ra là bao nhiêu tuổi. Giả như có ai đó nói thầy hai trăm năm mươi bảy tuổi chắc cũng chẳng có ai phản đối. Phản đối làm gì khi ông nội thằng Nguyên và ông ngoại thằng Kăply cũng từng ôm cặp tới học thầy, bị thầy bắt quỳ gối mệt xỉu và đến bây giờ, đã già sụm rồi vẫn còn sợ thầy một phép.

Kăply bị Nguyên thúc cùi chỏ, liền ngồi im. Nó cũng đâu có khoái nghe câu “Hồi đó ông của trò đâu có khoái cái trò làm ầm ĩ trong lớp như trò”.

Nó ngồi im, không lật tập ì xèo nữa nhưng bụng nóng như hơ lửa. Câu chuyện của thằng bạn nó đang đến hồi hấp dẫn tự nhiên bị tắt ngang khiến nó bứt rứt khó chịu quá. Y như một miếng bánh đang kề miệng bỗng bị ai giật mất.

Trên bảng thầy Râu Bạc bắt đầu dạy môn địa lý.

- Trước khi học địa lý thế giới, các trò phải học địa lý nước Việt Nam. Trước khi học địa lý Việt Nam, các trò phải học địa lý của cái tỉnh mà các trò đang sống. Nhưng tỉnh không phải là đơn vị nhỏ nhất. Vì vậy trước khi học địa lý cái tỉnh các trò đang sống, các trò phải học địa lý của...

Thầy Râu Bạc ngưng ngang, long lanh mắt chờ học trò nói nốt từ còn lại. Đó là thói quen ưa thích của thầy.

Quá rành thầy, mấy chục cái miệng liền rập rang:

- Thưa thầy, làng Ke ạ.

Thầy Râu Bạc bày tỏ sự hài lòng bằng cách dộng cây thước xuống bàn đánh “rầm” một tiếng:

- Đúng rồi, hôm nay các trò sẽ được học về làng Ke.

Làng Ke thì đứa nào chẳng biết. Tụi nhóc như bầy sói con, xưa nay chẳng ngóc ngách nào trong làng là chưa thăm dò, sục sạo. Tất nhiên nếu không kể đồi Phù Thủy.

Nhưng làng Ke theo lời mô tả của thầy Râu Bạc mang một hình ảnh vô cùng mới mẻ:

- Làng Ke của các trò, hừm, dĩ nhiên là của cả ta nữa, có hình thù của một con ngựa. Đầu ngựa hướng Bắc, đuôi ngựa hướng Nam, bụng ngựa hướng Đông, lưng ngựa hướng Tây. Đầu ngựa có miếu thờ thần Tam giáp, người có công thành lập làng. Bụng ngựa là chợ Ke. Khu dân cư trải dài từ cổ ngựa đến rốn ngựa, được chia thành sáu khúc...

Nguyên và Kăply giương cặp mắt lạ lùng uống từng lời thầy giảng. Kăply thôi vùng vằng với cuốn tập trước mặt. Nó khoanh tay để trên bàn, công nhận là thầy giảng hay thiệt. Trước nay tụi nó chưa nghe ai nói về làng Ke cặn kẽ và hấp dẫn đến thế. Nhưng có một điều Nguyên và Kăply rất háo hức muốn biết, vậy mà ngồi ngóc cổ cả buổi vẫn không nghe thầy nhắc tới. Đó là đồi Phù Thủy.

Đồi Phù Thủy nằm sau lưng trường, thuộc về hướng Tây. Nhưng thầy Râu Bạc cứ thao thao về đầu ngựa, đuôi ngựa và bụng ngựa mà chẳng nhắc gì đến lưng ngựa.

- Thế còn lưng ngựa, thưa thầy?

Năm, sáu tiếng nói vọng lên từ các dãy bàn.

- Trò nào nhảy vô họng ta đó! - Thầy Râu Bạc trừng mắt. - Trò có biết hồi đó ông ngoại của trò...

Nhưng thầy Râu Bạc nhận ngay ra là có tới cả đống học trò “nhảy vô họng” thầy cùng một lúc nên thầy không biết phải bắn tia nhìn của thầy vế hướng nào. Thầy lừ lừ quét mắt từ trái qua phải, rồi từ phải qua trái, chòm râu dày và trắng của thầy rung rinh như có gió thổi, rồi trước vẻ mặt sợ hãi của học trò, thầy thở phì một cái và thình lình hạ giọng:

- Lưng ngựa hả? Lưng ngựa là núi. Là vách núi. Là núi thì chẳng có gì để kể cả!

Thầy chấm câu bằng cách một lần nữa dộng thước đánh “rầm” xuống mặt bàn khiến mấy cuốn sách đang nằm ngủ trên đó giật mình nẩy tưng lên. Đám học trò cũng giật bắn lên theo và khi hoàn hồn tụi nó nơm nớp hiểu rằng tốt nhất là chớ có dại dột hỏi thêm một câu nào nữa về cái lưng ngựa cấm kỵ kia.

- Ngày mai tao sẽ lại leo lên đồi! - Trên đường về, Nguyên thì thầm vào tai Kăply.

- Đi một mình hở! - Kăply lo lắng hỏi.

- Một mình, nếu mày không đi theo.

Nguyên nói và nhìn Kăply qua khóe mắt, vẻ chờ đợi.

Nhưng Kăply không nói gì. Rõ rang Kăply và Nguyên là bạn thân, nhưng có thân đến mức sẵn sàng cùng bạn dẫn xác đi lên ngọn đồi âm u rùng rợn và chắc chắn đầy rẫy nguy hiểm đó không thì Kăply còn phải nghĩ thêm một lát nữa.

- Theo tao, trên đó chẳng có gì nguy hiểm cả! - Như đọc được sự đắn đo trong lòng bạn, Nguyên bỗng nói. - Toàn là cây cối. Và gió thổi lộng. Ờ, thêm vài con thú nhỏ. Những con thú nhỏ thì chẳng làm hại ai.

- Chim chóc nữa! - Kăply bổ sung.

Nguyên hớn hở, giọng nó du dương như tiếng sáo:

- Thì mày cũng biết rồi đấy, toàn những thứ vô hại cả!

Nhưng Kăply không để bị mê hoặc. Những thứ vừa kể đúng là vô hại. Nhưng đó là những thứ hữu hình. Còn những thứ vô hình nữa chi. Cuối cùng nó đành dốc ra nỗi lo lắng trong lòng:

- Nhưng nếu vậy, tại sao ngọn đồi đó có tên là đồi Phù Thủy?

Câu hỏi của Kăply khiến Nguyên xịu mặt. Tiếng nói của nó nghe hệt tiếng bong bóng xì hơi:

- Điều đó thì tao chẳng biết!

Nó lật đật nói thêm:

- Và cả làng Ke chắc cũng mù tịt!

Rõ ràng Nguyên cố làm Kăply hiểu rằng đó là chuyện đương nhiên, có nghĩa là đừng băn khoăn về cái tên vớ vẩn đó làm chi.

Nhưng cũng rõ ràng là Kăply không nghĩ như vậy:

- Theo tao, có một người biết.

Cặp lông mày trên trán Nguyên lập tức xếp thành một đường thẳng:

- Mày muốn nói tới thầy Râu Bạc?

- Ờ, thầy chứ ai! Thầy sống không biết bao nhiêu năm ở cái làng này rồi, chắc từ lúc ông tụi mình chưa sinh. Dám ông cố mình hồi bé cũng học thầy lắm à.

Nguyên thò tay lên đầu dứt mạnh một sợi tóc:

- Nhưng mày cũng thấy hồi sáng nay rồi, thầy làm như không muốn nhắc gì đến đồi Phù Thủy.

- Chính vì vậy tao mới nghi thầy biết rõ về nó!

Kăply nói như thể nó chỉ phỏng đoán nhưng căn cứ vào cái giọng chắc nịch của nó, có thể thấy nó sẵn sàng nuốt luôn cái lưỡi nếu nó đoán sai.

Nguyên cắn môi, mặt nó nhăn lại không rõ vì ý nghĩ trong đầu quá hắc ám hay tại răng nó lỡ cắn mạnh quá:

- Chẳng lẽ mày định đến gặp thầy trước khi quyết định có lên đồi hay không?

***

Nếu áp dụng các hình ảnh mà thầy Râu Bạc vừa vẽ ra sáng nay để mô tả địa thế làng Ke, thì căn nhà của thầy nằm ngay... mông ngựa. Đó là một căn nhà gỗ nhỏ nằm ở hướng Tây Nam, tuốt rìa làng. Căn nhà đứng lẻ loi dưới một cây đa cổ thụ, cách xa khu dân cư làng Ke vốn tập trung đông đúc ở hướng Đông, trông cao ngạo, lạnh lẽo và huyền bí như một cái miếu thờ. Người làng Ke coi lối sống tách biệt của thầy Râu Bạc là chuyện hiển nhiên, mà thực ra thì một bậc kỳ lão như thầy cũng xứng đáng sống trong một cái miếu thờ lắm, tất nhiên là với điều kiện thầy phải sốt sắng qua đời.

Bây giờ thì cặp lông mày của bậc kì lão đó đang dựng đứng lên khi Nguyên và Kăply thình lình hiện ra trước cửa nhà thầy. Vẻ mặt của thầy như muốn báo cho hai đứa nhóc biết là tụi nó đang làm cái chuyện có lẽ là chưa từng xảy ra trong vòng một trăm năm nay.

- Các trò dám không xin phép ta mà tự tiện đến đây. Các trò có biết hồi đó... hồi đó...

Thầy Râu Bạc giận đến nỗi không thể nào nói hết câu nói ưa thích. Chắc nhiều thế hệ dân làng Ke chưa ai từng thấy một cơn giận như thế của thầy. Chòm râu dày của thầy rung bần bật, mũi thầy đỏ lên và nở ra, còn cặp mắt thầy giương tròn quay, không ngừng đảo lia, vừa đảo vừa nhấp nhô, có vẻ như nếu có thể nhảy được thì nó đã nhảy tót ra ngoài hốc mắt của thầy để bắn xuyên qua sọ của người đối diện.

Nguyên và Kăply mặt xám xanh. Trông thầy giống y chang một con sư tử, Nguyên sợ hãi nghĩ và nó nhìn trân trân vào cái chỏm đầu thầy, nơm nớp chờ một cái bờm dài mọc ra từ chỗ đó.

- Thưa thầy...

Mãi một lúc, Kăply mới bóc được miếng băng keo vô hình dán ngang miệng nó. Nhưng nó cũng chỉ thốt được có hai tiếng rồi làm thinh ngó xuống dưới chân như để kiểm tra hồi sáng lúc ra khỏi nhà nó có nhớ mang giày hay không.

Nguyên đỡ lời bạn bằng giọng nịnh nọt thấy rõ:

- Tụi con rất thích bài giảng sáng nay của thầy.

Nguyên vừa nói vừa đưa mắt thăm dò và nó mừng rơn khi thấy trán thầy Râu Bạc từ từ dãn ra.

/30

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status