Chuyện Xứ Lang Biang (Tập 4: Báu Vật Ở Lâu Đài Krahlan)

Chương 26 - Chương 17

/46


Chương 17

Người mất bóng

Rồi ngày thứ sáu mà hai đứa trẻ làng Ke chờ đợi cũng tới. Đêm hôm trước, Nguyên gần như không chợp mắt được, rõ ràng có cái gì đó chắn ngang giữa nó và giấc ngủ. Cũng như Kăply, nó nghĩ về tấm gương trong bí thất của ông K’Tul thì ít, mà nghĩ về hai chiếc ghế ngựa vằn thì nhiều. Và cũng như bạn mình, lòng nó trộn lẫn bao nhiêu là cảm xúc. Nó vừa nôn nao mong đến thời khắc được quay về làng Ke, nó nhớ mọi người ở làng, nhớ gia đình nhớ bạn bè, nhớ cả thầy Râu Bạc, nhưng đồng thời khi nghĩ đến chuyện rời bỏ xứ sở mà đến hôm nay nó đã cảm thấy vô cùng gắn bó, nghĩ đến chuyện chia tay và có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại Êmê ở nhà và tụi Bolobala ở trường, tự dưng nó lại cảm thấy bùi ngùi không nở. Đó là chưa kể đến những người mà nó không thể nghĩ khác hơn là vô cùng thân thiết với nó như thằng Suku, nhỏ Păng Ting, thầy hiệu trưởng N’Trang Long, thầy Haifai, thầy Akô Nô, cả cô Kemli Trinh nữa – là người kể từ sau vụ Buriam đã giữ lời hứa “ta sẽ coi con như con của ta” bằng cách mỗi khi đi ngang nó, cô hay giúi vô tay áo chùng của nó khi thì một chiếc bánh Nhớ dai mua chỗ mụ Gian khi thì một túm cỏ xạ hương – thứ vật liệu dùng để pha chế nước tắm tình yêu khiến mỗi lần lôi ra khỏi túi nó cứ phải dáo dác nhìn xem có đứa bạn nào trông thấy hay không. Nguyên ít có dịp trò chuyện với cô Kemli Trinh, nhưng cái cách cô đối xử với nó, bất chấp việc cô phải dành nhiều thì giờ quan tâm đến thằng Mom (gần đây cô đã công khai chuyện thằng Mom với sự đồng ý vui vẻ của pháp sư Lăk), tất cả những điều đó cộng với tính tình dịu dàng, hiền lành của cô khiến Nguyên vô cùng cảm động, mặc dù đôi lúc nó thắc mắc hổng biết cô đã thấy con nhỏ Êmê quàng tay nó bao giờ chưa mà cứ hay nhét cỏ xạ hương vô túi áo nó.

Nguyên nằm nghĩ ngợi miên man, nhắm mắt lại vờ ngủ, tin rằng như vậy Kăply sẽ không có cớ bắt chuyện, không biết thằng bạn nằm giường bên cạnh cũng đang thao thức và suy nghĩ lung tung không khác gì mình.

Có thể thấy rõ là đêm hôm đó Nguyên và Kăply đều bị ám ảnh bởi những chiếc ghế ngựa vằn nhưng rốt cuộc cả hai đã không hề nói với nhau về chuyện tụi nó sẽ làm gì nếu tìm thấy hai chiếc ghế đó trong bí thất của ông K’Tul, nhưng như vậy thì lẽ ra sáng hôm sau, trước khi cùng thằng Suku chun vô căn nhà kho, tụi nó cũng trao đổi với nhau về chuyện này mới phải. Vậy mà trên thực tế hổng có gì giống như vậy hết: tụi nó đứa nào cũng im im, từ lúc leo xuống khỏi giường, đi tắm, thay đồ rồi ngồi đợi Suku, cả Nguyên và Kăply đều tránh nhìn vào mắt nhau, nếu bốn ánh mắt lỡ giao nhau thì cả hai liền hấp tấp quay mặt đi, làm như thể nếu nhìn nhau lâu hơn chút nữa thì chắc nụi là cả hai sẽ òa ra khóc.

Dĩ nhiên Nguyên hiểu rõ những gì đang xảy ra trong lòng tụi nó, vì thế mà nó rất khó chịu về tình huống mà nó và Kăply đang rơi vào. Lúc mới lạc bước đến xứ Lang Biang, Nguyên nôn nóng tìm ra hai chiếc ghế ngựa vằn biết bao, mong muốn cháy bỏng nhất của nó trong lúc đó là bằng mọi giá phải thoát ngay về làng Ke, nhưng bây giờ thì Nguyên bối rối, thậm chí khổ sở khi bắt gặp những thay đổi trong lòng mình. Dù sao thì nó và Kăply cũng phải quay về làng. Điều đó không cần phải bàn cãi nhưng Nguyên biết là nó (và chắc chắn là cả Kăply nữa) chưa muốn xa rời xứ Lang Biang trong lúc này. Sứ mạng tìm kiếm báu vật chưa hoàn thành, sứ giả Buriăk và hữu hộ pháp Balikem đang quần quanh đâu đây, trong khi đó trùm Bastu sắp quay lại và lão Ôka Na lúc nào cũng sẵn sàng trỗi dậy như một nguy cơ tiềm ẩn. – trước bao nỗi rối ren đó, Nguyên cảm thấy ra đi trong lúc này chẳng khác nào một cuộc chạy trốn, nhất là tụi nó đang được bao nhiêu người kỳ vọng. Về hay không về? Nguyên tự hỏi không phải chỉ một lần, và cũng không chỉ một lần nó không tìm ra câu trả lời dứt khoát. Vì vậy mà nó không dám nhìn thẳng vào mắt Kăply và nó biết cũng với lý do tương tự mà Kăply không dám nhìn thẳng vào mắt nó. Bởi tụi nó thật khó mà chọn cho được một vẻ mặt phù hợp với tâm trạng đang rối bời và nhỡ đứa kia buột miệng hỏi về đề tài gay cấn đó thì đứa này thiệt tình không biết phải đáp làm sao. Cho nên tốt nhất (mà cũng có thể là xấu nhất) là chẳng nói gì hết, mặc dù Nguyên thấy rõ khi vờ làm ra vẻ không nghĩ gì đến những chiếc ghế ngựa vằn thì tụi nó lại càng có vẻ chỉ nghĩ về mỗi chuyện đó thôi.

Suku không biết nỗi lòng của hai bạn nên vừa đút đầu vô phòng, nó tưởng mình bị hoa mắt:

- Làm gì mà hai anh dầu dầu vậy? Em cam đoan bữa nay thế nào cũng mở được cánh cửa chết tiệt đó mà.

Thằng nhóc không nói ngoa. Khi đứng trước bí thất của ông K’Tul, nó đeo chiếc găng tự chế vào rồi áp tay lên hình bàn tay in lõm trên cánh cửa, lầm rầm niệm chú: trước vẻ mặt đau đáu của Nguyên và Kăply, cánh cửa đột ngột trượt qua một bên như có ai kéo mạnh.

So với căn phòng âm u phía ngoài, bí thất của ông K’Tul giống như đang phơi mình dưới nắng: một quả bí được phù phép đang tỏa sáng rực rỡ đằng góc phòng khiến bọn trẻ phải đưa tay lên dụi mắt bốn, năm lần trước khi đặt chân qua ngưỡng cửa.

Đồ đạc trong phòng bày la liệt, cũ kĩ, bụi bặm, trông như một cái nhà kho thu nhỏ. Nguyên và Kăply vừa bước vào phòng, ánh mắt lập tức xẹt ngang xẹt dọc và khi nhác thấy hai chiếc ghế ngựa vằn quen thuộc kê sát vách bên tay trái, trái tim tụi nó như muốn vọt ra khỏi lồng ngực, trong một thoáng đứa nào đứa nấy đều bắt gặp cảm giác lạnh ngắt nơi sống lưng.

Hoàn toàn không tự chủ, cả Nguyên lẫn Kăply đều run rẩy nhích chân về phía hai chiếc ghế, nhưng mới đi được vài ba bước, cả hai thình lình đứng lại, đứa này liếc đứa kia để xem phản ứng của bạn mình nhưng dĩ nhiên là chẳng đứa nào trông thấy đứa nào khi cả hai đều trong chiếc áo tàng hình.

Kăply ngoái nhìn về phía bức vách sau lưng, nơi phát ra những tiếng lục đục cho biết thằng Suku đang mò mẫm tuốt đằng đó, thở nhẹ một cái rồi ngoảnh sang chỗ mà nó tin là Nguyên đang đứng, hạ giọng thì thầm:

- Bây giờ sao?

- Sao ư?

Bằng giọng vo ve như muỗi kêu, Nguyên đáp lại câu hỏi của bạn bằng một câu hỏi khác, phân vân và ngơ ngác – điều Kăply thiệt tình không chờ đợi. Ngay lúc này đây, Kăply không nhìn thấy Nguyên nhưng nó vẫn ngạc nhiên mường tượng ra vẻ mặt hoang mang của thằng-bạn-đại-ca-nói-gì-cũng-đúng của mình.

- Về làng không?

Cuối cùng, Kăply quyết định hỏi thẳng, mặc dù khi hỏi như vậy thực sự nó cũng không biết nó đang mong đợi ở Nguyên câu trả lời như thế nào: rằng nên về làng ngay hay nên hoãn lại.

Câu hỏi vừa rời khỏi môi, Kăply ngóc cổ hồi hộp chờ đợi, không biết ở bên cạnh Nguyên đang nhắm mắt lại, như thể khi không nhìn thấy gì hết thì nó mới đủ can đảm để chọn lựa câu trả lời. Nhưng rốt cuộc thì Kăply vẫn không biết ý kiến của bạn mình như thế nào (và chắc cũng chẳng có ai biết hết). Trong lúc Nguyên sắp thất bại trong ý định trì hoãn việc bày tỏ thái độ và chuẩn bị đáp lời Kăply thì ở bức vách đối diện, tiếng thằng Suku thình lình vang lên:

- Lại đây, anh K’Brăk, anh K’Brêt!

Hai đứa giật mình ngoảnh lại, thấy một tấm gương tròng đang lơ lửng giữa không trung. Tất nhiên tụi nó đoán ngay Suku vừa lôi thứ này ra từ đâu đó trong mớ đồ chất vương vãi trên sàn nhà.

- Tìm thấy rồi à?

Nguyên hối hà bước lại chỗ Suku, mừng rỡ hỏi, không rõ mừng vì thằng oắt đã tìm được tấm gương hay mừng vì khỏi phải trả lời câu hỏi hóc búa của Kăply.

- Ờ.

Suku đáp khẽ và cùng lúc với tiếng nói, tấm gương từ từ trôi về phía chiếc bàn đằng góc phòng, ngay dưới chiếc đèn quả bí, cho biết là thằng oắt đang định đặt tấm gương lên đó để xem xét.

Cả ba chụm đầu vô tấm gương, chúi mắt săm soi. Đây là tấm gương cuối cùng trong lâu đài K’Rahlan, bọn trẻ biết thế nên sáu con mắt mở lớn hết cỡ: tấm gương bị lật sấp lật ngửa, xoay tới xoay lui, các ánh mắt cẩn thận mân mê từng nét chạm, từng vết xước, tỉ mỉ như bác sĩ đang tìm kiếm vi khuẩn trong kính hiển vi.

Nhưng cũng như những tấm gương trước đó, bọn trẻ vẫn chẳng phát hiện ra điều gì khác lạ mặc dù suốt một lúc lâu tụi nó đã xúm vô vật lộn với tấm gương của ông K’Tul đến toát mồ hôi.

Nguyên chép miệng, hoàn toàn thất bại khi cố ép mình làm ra vẻ điềm tĩnh:

- Hổng lẽ chữ “ai” trong câu đố thực sự không phải chỉ tấm gương?

Kăply há hốc mồm nhìn qua chỗ vừa phát ra tiếng nói, không tin đó là tiếng nói của Nguyên. Trong một lúc, nó tưởng mình nghe lầm khi thằng bạn đại ca của nó bất ngờ thở ra giọng điệu bi quan của thằng K’Tub bữa trước.

- Là tấm gương, K’Brăk! Dứt khoát là tấm gương!

Kăply hùng hổ vọt miệng và hoàn toàn không báo trước, nó lột phăng chiếc áo tàng hình ra khỏi đầu, đột ngột đến mức Nguyên và Suku không kịp thốt lên được một tiếng nào.

Trước ánh mắt sửng sốt của hai bạn, Kăply thò chiếc đầu lơ lửng vô tấm gương, chành miệng ra cười. Cười xong, nó lại sụp mặt xuống, mếu máo như vừa bị thằng Amara đá vô mông, nói chung trông Kăply lúc này giống như đang phát rồ.

Nhưng Kăply dĩ nhiên không rồ. Mếu xong, nó toét miệng bô bô:

- Thấy chưa! Ai vui ta sẽ vui cùng. Ai buồn ta sẽ buồn chung với người…

Kăply định ba hoa thêm vài câu nhưng quai hàm nó đột nhiên cứng như gỗ. Trong tấm gương, bên cạnh khuôn mặt đang thộn ra của nó là hai câu thơ không biết xuất hiện từ lúc nào, ngay trên đầu nó – với những con chữ xanh lè như mắt mèo đang không ngừng chớp nháy:

“TRONG 100 VỤ ÁN OAN

VỤ THỨ 39 HOÀN TOÀN 93!”

Tuy không nhìn thấy Nguyên và Suku, Kăply đoán là hai đứa chắc cũng đang lịm người đi như mình. Lâu thiệt lâu nó mới nghe tiếng Suku thở phào:

- Anh hên thiệt đó, anh K’Brêt. Câu đố về tấm gương chính là mật khẩu để giải mã…

Kăply hỏi lại, chưa hết ngẩn ngơ:

- Câu Ai vui ta sẽ vui cùng… á?

- Đúng vậy. – Tiếng Nguyên nhẹ nhõm. – Muốn biết được lời chỉ dẫn bí mật, phải soi mặt vào tấm gương và đọc lên hai câu thơ đó.

Kăply ấp úng, niềm vui quá lớn khiến nó cà lăm ngang xương:

- Thế… thế… bây giờ tụi mình… phải làm gì?

- Lập tức ra khỏi đây. – Suku hăng hái. – Và nhanh chân đi tìm cuốn Một trăm vụ án oan trong lịch sử của Đam San.

Nguyên nhìn Kăply, nhăn nhó:

- Chui đầu vô lại trong chiếc áo đi, đồ…

Tiếng “ngốc” chưa kịp bắn ra khỏi miệng, Nguyên đã vội nuốt trở lại xuống bụng. Nó sực nhớ ra hôm nay thằng Kăply không ngốc chút xíu nào, thậm chí nếu không nhờ cái-đầu-cục-gạch của nó, bí mật của tấm gương có lẽ sẽ mãi mãi chìm trong bóng tối.

Nhưng Nguyên không có thì giờ để ngẫm nghĩ nhiều hơn về bạn mình. Kăply vừa rúc đầu vào lại trong áo, tiếng rè rè đã vang lên: cánh cửa bí thất đã đóng lại khi tụi nó vừa đặt chân vào bên trong bây giờ bất ngờ chạy qua một bên và cả bọn gần như chết điếng khi dáng người lêu nghêu của ông K’Tul thình lình hiện ra ngay ngưỡng cửa, đầy đe dọa.

Mặt xám xịt, tóc gáy dựng đứng, ba đứa nín thở nhìn nhau, yên tâm được một chút khi nhớ ra tụi nó vẫn đang an toàn trong những chiếc áo tàng hình. Trong bọn, Kăply yếu bóng vía hơn hết. Ngay từ lúc ông K’Tul xuất hiện, trái tim nó đã văng đi đâu mất, và khi tin chắc ổng không nhìn thấy mình, trái tim nhát hít của nó vẫn không thèm quay lại. Nó nhìn cặp mắt sáng quắc và bí hiểm của ông K’Tul đang quét quanh căn phòng, bụng quặn lại khi nghĩ tia nhìn lấp loáng đó dường như có thể xuyên qua tấm áo màu cánh gián tụi nó đang mặc.

Đến khi ông K’Tul bước lại chỗ góc phòng, nhíu mày nhìn tấm gương đang nằm im lìm trên mặt bàn như tự hỏi tại sao nó lại ở đây thì Kăply phải nghiến chặt răng để đừng ngã lăn ra. Nó càng hoảng hơn nữa khi đột nhiên nhận ra trong phòng không hề có một chiếc bóng nào in lên sàn nhà. Nó, Nguyên và Suku đang tàng hình, không có bóng đã đành, nhưng ngay cả ông K’Tul cũng không hề rọi bóng xuống sàn mặc dù ông đang đứng ngay dưới chiếc đèn quả bí sáng rực. Sao thế nhỉ? Kăply ngạc nhiên nhủ bụng, đoán là Nguyên cũng đã phát giác ra hiện tượng kỳ lạ này khi nó có cảm giác cánh tay Nguyên vừa chạm khẽ vào người nó một cách cố tình.

Bữa đó, không chỉ tụi Kăply khám phá ra chuyện ông K’Tul không có bóng. Chính ông K’Tul, sau một lúc ngẩn người ra nhìn tấm gương, đảo mắt xuống sàn nhà và giật mình “a” lên một tiếng khi không nhìn thấy chiếc bóng của mình đâu. Như người bị ma đuổi, ông hối hả lao ra khỏi phòng, có vẻ như chuyện mất bóng đối với ông còn quan trọng hơn cả chuyện tấm gương đang nằm dưới đất bất ngờ nhảy tót lên bàn một cách khó hiểu.

Bọn Kăply như trút được một gánh nặng khi ông K’Tul thình lình bỏ đi. Nhưng mặc dù cánh cửa bí mật đã khép lại từ lâu, vẫn không đứa nào dám lên tiếng. Như thể vừa được vớt ra khỏi thùng nước đá, phải đợi một lúc lâu ba đứa mới cảm thấy người ấm lên được một chút và màu hồng mới bắt đầu rón rén quay lại trên gương mặt của tụi nó.

- Đi ra được chưa? – Kăply thấp thỏm hỏi.

- Chờ thêm chút đi. – Nguyên thì thào như sợ bị nghe lỏm.

Kăply ngập ngừng một chút, rồi nói, giọng sợ sệt:

- Cậu K’Tul không có bóng…

- Tao thấy rồi. – Nguyên đáp.

Ngay sau đó là giọng Suku:

- Em cũng thấy.

- Về phòng rồi tính.

Nguyên nói, cố tỏ ra dạn dĩ và bước về phía cánh cửa. Khi nãy nó để ý thấy hể có người bước vào bên trong, cánh cửa sau lưng tự động đóng lại và khi bên trong muốn đi ra, cánh cửa lại tự động mở ra.

- Để tấm gương lại chỗ cũ chớ. – Kăply rụt rè đề nghị.

- Không cần đâu, anh K’Brêt. – Tiếng Suku vang lên từ chỗ nào đó sau lưng Kăply. – Đằng nào thì cậu K’Tul cũng đã nhìn thấy tấm gương trên bàn rồi.

Kăply vẫn chưa hết run:

- Khi nãy cậu có biết tụi mình đột nhập vô đây không há?

- Khó nói lắm, anh K’Brêt. – Suku lưỡng lự đáp.

- Có lẽ là không.

Nguyên hắng giọng và thận trọng bước qua cánh cửa vừa trượt sang một bên khi nó lại gần, theo sau là Kăply và Suku. Cả ba đứng yên một lúc cho quen với thứ ánh sáng tù mù bên ngoài bí thất rồi cẩn thận quét mắt ra bốn phía, cả bọn dọ dẫm chui qua đường hầm tối om om để trở ra căn nhà kho kế hành lang.

oOo

Cả ba cái miệng cùng thở phào khi sung sướng ném người lên hai chiếc giường nệm lông chim trong căn phòng ấm cúng của Nguyên và Kăply.

Kăply ngả đầu lên chiếc gối mà chưa bao giờ nó thấy êm ái như bữa nay, rên lên:

- Thoát rồi. May quá.

Nguyên ngồi co chân, tựa lưng vào thành giường và nhìn Suku (lúc này cả bọn đã chui ra khỏi áo tàng hình), giọng băn khoăn:

- Kỳ quái thiệt! Hóa ra cậu K’Tul là người không có bóng.

- Hèn gì trước nay tụi mình chẳng hề thấy cậu K’Tul đi lại vào ban ngày. – Kăply hơi nhóm đầu lên khỏi chiếc gối, phụ họa. – À quên, buổi trưa cậu vẫn ngồi ăn trong vườn…

- Ngồi ăn trưa trong khu vườn đầy bóng râm như thế chả có nghĩa lý gì hết, K’Brêt. – Nguyên cắt ngang. – Ánh mặt trời bị những tán lá dày ngăn lại, ngay cả tụi mình cũng chẳng hề có bóng.

Suku hất mạnh những lọn tóc sắp chui vào mắt, tặc lưỡi như một ông cụ non:

- Có lẽ cậu K’Tul không muốn ai biết bí mật đó của mình. Em nhớ rồi, hôm nọ ở cửa tiệm của lão Luclac, rõ ràng cậu cố tình chọn vị trí tối tăm nhất để xuất hiện. Còn trong lâu đài K’Rahlan, hầu như chỗ nào cũng mờ mờ. Chỉ có bí thất của cậu là sáng sủa…

- Vì cậu nghĩ ngoài cậu ra, không ai có thể đặt chân vào đó. – Nguyên tiếp lời và cùng với câu nói, một sợi tóc đã nằm gọn trong tay nó.

- Nhưng tại sao câu K’Tul lại không có bóng? Và người không có bóng là người như thế nào mới được chớ? – Kăply gần như ré lên, lần này thì nó ngồi bật dậy luôn khỏi nệm.

Nguyên trả lời câu hỏi của Kăply bằng cách dán mắt vào gương mặt sáng sủa của Suku, trong khi thằng oắt đang dán chặt mắt lên trần nhà.

Suku thôi miên những tấm ván trên cao lâu thật lâu. Đến khi Nguyên và Kăply có vẻ đã bắt đầu hết kiên nhẫn thì nó mới từ từ hạ mắt xuống, và trước vẻ mặt nôn nóng của hai bạn, câu trả lời của nó y như muốn làm cho hai đứa sụm bà chè quách cho rồi:

- Người không có bóng là người như thế nào, em cũng không có biết mấy anh à.

Kăply ngã lăn ra, đập đầu lên gối cái “bộp”, kêu lên ai oán:

- Suku ơi là Suku! Mày không biết thì nói đại là không biết ngay từ đầu cho rồi, còn làm ra vẻ ta đây thông thái lắm. Hừm, nghĩ với chả ngợi!

- Em nghĩ chuyện khác, anh K’Brêt. – Suku thình lình nói, đôi mắt trong veo của nó đưa qua đưa lại như hai vì sao sắp sửa đổi ngôi. – Chắc chắn trong thư viện của ông em có một cuốn sách nói về hiện tượng này. Hai anh chờ em một chút.

Nói vừa dứt câu, Suku biến mất chỗ cửa phòng nhanh như khói. Chắc nó vọt về nhà! Kăply nhủ bụng và đưa mắt nhìn Nguyên, thắc thỏm hỏi:

- K’Tub và Êmê có biết ông K’Tul không có bóng không há?

- Tao nghĩ tụi nó không biết. – Nguyên trầm ngâm. – Cả bà Êmô có lẽ cũng không biết. Và tụi mình cũng không nên cho K’Tub và Êmê biết làm gì.

Ánh mắt của Nguyên bất thần rực lên:

- Mày và Suku nhớ giữ mồm giữ miệng đó.

- Tao biết mà.

Kăply đáp, mặt sụp xuống, bất mãn vì thằng bạn nó lúc nào cũng nghĩ nó là đứa không có đầu óc.

Suku quay trở lại với cuốn sách dày cộm trên tay. Nó tông cửa phòng đánh rầm, vừa thở hổn hển vừa toét miệng cười hì hì:

- Đây nè.

Nguyên khệ nệ đỡ lấy cuốn sách nặng trịch từ tay Suku, mở to mắt săm soi. Bìa sách làm bằng da rái cá rất bền nhưng nom cũ kĩ đến mức tên sách phải mò mẫm một hồi mới đọc ra: Tám mươi mốt hiện tượng bất thường trong cuộc sống – thống kê và khảo sát. Tên tác giả mờ đến nỗi phải lật vô trang trong mới biết đó là công trình của giáo sư Xu Man.

Suku nhanh nhẩu lật thêm vài trang và chỉ tay vào trang hướng dẫn:

- Hai anh xem đây nè.

Theo tay chỉ của thằng oắt, Nguyên và Kăply tò mò đọc:

APÔLÔ: Người bay.

BIĐÔ: Người hai đầu.

EYEYEYE: Người ba mắt.

KHEC: Người khỉ.

KIKI: Người sói.

MIĐIMÔ: Người mất bóng.



- Đây là những thuật ngữ chuyên môn. – Suku giải thích. – Nếu không có bảng hướng dẫn này, mình sẽ chẳng biết đường nào mà tra cứu.

Nguyên tò mò tra từ APÔLÔ ở ngay trang đầu tiên của mẫu tự A. Giáo sư Xu Man giải thích “Người bay là người có hiện tượng mắc bệnh thần kinh, không thích ứng và cũng không giải quyết được những mâu thuẫn trong cuộc sống. Những dồn nén nội tâm dữ dội đến một mức nào đó sẽ tạo ra những xung lực giúp họ bay lên khỏi mặt đất như một cách trốn chạy thực tại. Người bay không nguy hiểm với đồng loại. Họ chỉ gây nguy hiểm cho chính mình, vì họ có thể bay nhiều ngày liền, vượt qua những khoảng cách rất lớn, nhưng họ cũng rất hay bị rơi…”

Nguyên lật lia lịa qua mẫu tự B. Nó, Kăply và Suku cắm mắt vô từ BIĐÔ: “Người hai đầu có thề nhìn về phía trước lẫn phía sau cũng như có khả năng nhìn thấy quá khứ và tương lai của người khác. Về lý thuyết người hai đầu có tiềm năng chinh phục và thống trị thế giới, nhưng trong lịch sử chưa có người hai đầu nào tu luyện đến tầm cỡ Đại phù thủy, chỉ vì hai cái đầu của họ thường xuyên bất hòa với nhau. Do vậy, người hai đầu thường chỉ thành công khi thi thố tài nghệ trong lãnh vực bói toán, mà nhà tướng số lừng lẫy Lunlun Sai cách đây bốn trăm năm mươi bảy năm là một ví dụ…”

Nguyên lại hiếu kỳ lật đến từ EYEYEYE để xem người ba mắt là người như thế nào. “Trong đa số trường hợp, con mắt thứ ba thường là con mắt xấu. Điều đó giải thích tại sao người ba mắt thường có khuynh hướng hắc ám. Con mắt thứ ba của họ luôn gây ra chết chóc…” Nhưng Nguyên mới đọc tới đó, Kăply đã thò tay lật loạt soạt một lúc chục trang, miệng nôn nóng:

- Ba mắt hay bốn mắt từ từ coi sau, K’Brăk. Mình tìm hiểu về người mất bóng trước đi.

Lần đầu tiên Kăply làm trái ý thằng bạn đại ca của nó một cách thô bạo, nhưng Nguyên không có tỏ thái độ phản đối. Nó nhìn bàn tay láu táu lật sách của Kăply bằng ánh mắt sốt ruột.

Kăply lật và lật, tim đập binh binh trong ngực. Nhưng lật tới trang cuối cùng, nó vẫn chẳng thấy từ MIĐIMÔ đâu hết, thậm chí nó không tìm thấy cả mẫu tự M.

- Sao lạ vậy nè.

Kăply ngạc nhiên kêu lên và cẩn thận dò lại từ đầu. Lần này nó tin chắc mình không bỏ sót một trang nào, nhưng cũng như lần trước, Kăply không làm sao tìm được từ MIĐIMÔ. Cuốn sách dày cộp kia kết thúc ở mẫu tự L.

- Cuốn sách này chỉ có tới chữ L thôi, Suku. – Kăply quay sang thằng oắt, giọng nghi hoặc. – Hay bộ sách này có hai tập. Đây chỉ là tập 1.

- Vô lý.

Suku cau mày và giành lấy cuốn sách của giáo sư Xu Man trên tay Kăply, lật giở từng trang, rồi cũng như Kăply, miệng nó há hốc khi nhận thấy đúng là cuốn sách đột ngột chấm dứt ở mẫu tự L.

Nguyên nhìn vẻ mặt ngẩn ngơ của hai bạn, cảm thấy không cần phải tự mình xem lại, chỉ nói:

- Xem cuốn sách có chú thích gì không. Nếu đây là bộ sách hai tập, ít ra phải có dòng chữ “HẾT TẬP 1”, hoặc “XEM TIẾP TẬP 2”…

Ánh mắt Kăply và Suku cùng quét xuống cuối trang, vội vàng như để giành là người đầu tiên reo lên. Nhưng trong một lúc quai hàm của hai đứa bất thần trơ ra như bị ai nắm lấy.

Ở phía dưới trang sách cuối cùng quả nhiên có một dòng chữ. Nhưng trái với suy đoán của Nguyên, dòng chữ nếu không phải trêu chọc tụi nó thì quả là giống y một bản tin buồn:

“Do bị bạo bệnh bất ngờ, giáo sư Xu Man đã đột ngột qua đời khi mới biên soạn đến mẫu tự L. Trên thực tế, tác giả mới chỉ kịp khảo sát ba mươi tám trường hợp lạ trong đời sống nhưng vì tôn trọng ý nguyện lúc sinh thời của người quá cố, chúng tôi quyết định vẫn giữ nguyên nhan đề Tám mươi mốt hiện tượng bất thường trong cuộc sống – thống kê và khảo sát. Mong độc giả thông cảm và lượng thứ”…

/46

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status