Có "Chàng" Ngự Sử Thời Trần

Chương 34: C34: Mạc Đĩnh Chi Đi Sứ Nhà Nguyên.

/59


Ngoại truyện nhỏ thứ tư: Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên. 

Tác giả: Thiên Địa Linh Linh.

***

Đầu hạ, thời tiết vẫn còn tương đối dễ chịu. Từng làn gió tươi mát nhè nhẹ thổi, lay động mặt hồ xanh biếc. Pháp Loa khoác bên ngoài một chiếc áo vải lanh đơn giản màu xám khói, trên tay cầm đôi ba quyển sách, thong thả bước vào Toát Trai (*).

(*) Toát Trai: nhà học của Đông cung Thái tử.

Hắn vốn chỉ lên Kinh thành giải quyết mấy công chuyện vặt vãnh, kết quả lại được Quan gia mời vào cung, nhờ dạy học cho Thái tử ít hôm.

Trần Mạnh đã đến đây từ sớm. Nó là một đứa trẻ thông minh, nhưng cũng như đa số những đứa trẻ khác, không mấy hứng thú với chuyện học hành. Pháp Loa ngồi xuống đối diện Trần Mạnh, mỉm cười hỏi:

"Lần trước chúng ta học về chân lý đầu tiên của Tứ Diệu đế, đó là khổ đau. Tam khổ có vẻ dễ nhớ rồi, vậy Thái tử có thể nhắc lại một chút về Bát khổ không?"

Trần Mạnh gật đầu: "Được, thầy từng nói rằng, bản chất của nhân sinh là khổ. Nỗi khổ do con người tự gây nên trong cuộc sống của mình. Vì vậy, bát khổ bao gồm: sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, oán tăng hội khổ (ghét nhưng vẫn phải ở cạnh nhau), sở cầu bất đắc khổ (cầu mà không được), ngũ uẩn khổ..."

Trần Mạnh đọc rất có trình tự, còn giơ ngón tay ra đếm đếm, cuối cùng nhíu mày: "Chờ đã, sao lại thiếu mất một ý?"

Pháp Loa không vội, để cho Trần Mạnh từ từ nhớ lại. Tuy nhiên, chẳng bao lâu liền có người ngoài cửa nóng nảy, mất kiên nhẫn chen mồm vào: "Hừ, là ái biệt ly khổ (yêu mà không đến được với nhau)."

Trần Mạnh bừng tỉnh đập tay: "A! Phải! Còn thiếu ái biệt ly khổ!"

Thuấn Thần đứng ngoài cửa, lông mày nhướng cao, khóe môi hơi nhếch, khoanh tay kiêu ngạo bước vào. Trần Mạnh nhận ra đó là nàng, mặt thoắt cái trở nên khó chịu. Từ sau lần bị chính cha ruột của mình ghen tuông vô cớ kia, thiện cảm của Trần Mạnh đối với nàng vô cùng thảm hại mà tụt xuống âm điểm.

Thuấn Thần phá lệ khen ngợi: "Những kiến thức này so với trí tuệ của một đứa trẻ bảy tuổi, có thể thuộc được là đã rất giỏi rồi. Còn để hiểu được thì phải mất chút thời gian."

Trần Mạnh lườm nàng: "Không có việc gì làm cũng đừng chạy tới đây gây rối."

"Thái tử, thần nào phải muốn gây rối. Thần chỉ là tuân lệnh Quan gia tới kiểm tra việc học tập của Thái tử."

"Hừ, chẳng biết là đại thần hay thái giám. Y như chân chạy vặt."

Thuấn Thần rất muốn chỉnh đốn lại cái miệng của tên nhóc con này, nhưng vì có chuyện gấp, nên giả bộ không nghe thấy mà quay sang nói với Pháp Loa:

"Quan gia có tặng ngài một ít vàng bạc để tu sửa lại chùa và làm phúc cho người nghèo, dặn ngài đến lĩnh ngay. Vì sợ mấy hôm nữa ngân khố hỗn loạn, muốn lấy lại phải thủ tục rườm rà, rất mất thời gian."

Pháp Loa ngạc nhiên: "Có chuyện gì sao?"

Thuấn Thần phẩy tay đầy phiền muộn: "Sáng nay sẽ có đoàn sứ thần của Đại Nguyên sang, do Thượng thư An Lỗ Khôi dẫn đầu, nghe nói là để báo tin Hoàng đế của bọn họ lên ngôi. Nước chúng ta cũng phải cử người sang Nguyên đáp lễ, nên quà mừng cần phải chuẩn bị thật khẩn trương. Mấy ngày nữa, bên ngân khố sẽ nhộn nhịp lắm."

Cho dù bằng mặt không bằng lòng, chiến tranh hai nước mới kết thúc được hơn hai mươi năm, nhưng vẫn phải bắt tay nhau tươi cười tỏ vẻ thân thiết. Đây là cách diễn giải thẳng toẹt của chính sách ngoại giao mềm dẻo.

Pháp Loa lại hỏi: "Chẳng hay lần này ai dẫn đầu đoàn sứ nước ta sang Nguyên vậy?"

Thuấn Thần cười cười: "À, ngài có từng nghe qua về Trạng Nguyên Mạc Tiết Phu chưa?"

***

Lúc Trần Thuyên đề cử Mạc Đĩnh Chi, quan lại trên triều vừa mừng vừa lo.

Là người mang gương mặt đại diện cho cả dân tộc đi giao lưu với ngoại bang, tuy chẳng cần đẹp xuất sắc nhưng cũng không thể quá quái dị được. Mà một bên mặt bị gỗ cháy rơi trúng kia của Mạc Đĩnh Chi thật là...

Được rồi, coi như Mạc Đĩnh Chi tài hoa tuyệt thế, vậy mà về mặt đánh đấm thì một chút cũng không biết, nhìn thế nào cũng chỉ thấy dáng vẻ thư sinh mềm yếu. Đại Việt vốn mang danh xưng thượng võ, cử một người như vậy đi chỉ sợ sẽ bị đối phương khinh thường.

Tuy nhiên, dù sao cũng là kẻ được đích thân Quan gia đề bạt, mọi người cuối cùng đều lựa chọn nhất mực tin tưởng. Quyết định của Quan gia đôi khi táo bạo, nhưng đến cuối cùng mới biết được rằng thập phần sáng suốt.

***

Liễu Khang làm quan trấn ải Pha Lũy đã ngót nghét mười năm nay. Tuy là hạng võ biền, nhưng đối với văn chương lại vô cùng hứng thú. Khi nghe nói dẫn đầu đoàn sứ giả của Đại Việt là một Trạng Nguyên, Liễu Khang có đi tìm hiểu qua, sau đó liền biết tới bài phú "Ngọc tỉnh liên". Từ ấy, ông ta ngày đêm khao khát gặp vị Trạng Nguyên nổi tiếng này, hi vọng sẽ được thỉnh giáo đôi điều.

Trời vừa sáng, Liễu Khang đã giật mình tỉnh dậy. Ông ta mau chóng chải tóc, mặc y phục chỉnh tề, đi đi lại lại trên đài quan sát trông ngóng. Thời tiết hôm nay không tốt, mây đen kết thành từng tầng dày đặc, sấm nổ ì ùng. Chẳng mấy chốc, trời đổ mưa rào.

Liễu Khang đợi mãi, đợi mãi. Tâm tình từ hứng khởi dần biến thành thất vọng rồi cuối cùng là nổi giận đùng đùng. Rõ ràng thông báo sáng nay sẽ tới, nhưng đợi đến tận lúc mặt trời lặn vẫn chẳng thấy người đâu.


Liễu Khang phẫn nộ, sai người đóng cổng thành.

Nhưng ngay khi ông ta vừa thổi tắt nến, đặt lưng nằm xuống giường thì lính canh hộc tốc chạy tới báo, đoàn sứ giả đã tới nơi rồi!!

Đến vào cái giờ khỉ ho cò gáy này, chẳng lẽ có âm mưu gì sao?

Liễu Khang dặn dò binh lính phòng ngự cẩn thận rồi mới khoác áo đi lên đầu thành. Lính canh thấy ông ta thì hành lễ, sau đó đưa tay chỉ về phía người dẫn đầu đoàn sứ giả này. Liễu Khang nheo mắt nhìn kĩ, rốt cuộc thấy được một tên thư sinh dáng vẻ gầy yếu, tóc tai xơ xác, gương mặt dưới chiếc khăn đội đầu toát ra thần sắc ảm đạm.

Người này rốt cuộc là được đi sứ hay bị đi đày vậy?

Liễu Khang thầm ghét bỏ trong lòng, cất giọng hô lớn: "Đoàn sứ giả tới trễ, cổng thành Pha Lũy đã đóng rồi, mời đợi tới sáng mai."

Vài giọt mưa lại bắt đầu lác đác rơi xuống. Mạc Đĩnh Chi hơi ngẩng đầu nghe người phía trên nói, thời điểm này đáy lòng có thể hình dung là tĩnh lặng như đêm đen.

Không lẽ hắn bị Thuấn Thần nhập?

Giai đoạn đầu tinh thần thật phấn khởi biết bao. Đồ cống tiến hoàn thành trước thời hạn, lại được cấp thêm lộ phí, lúc đứng trước toàn triều báo cáo tiến độ Mạc Đĩnh Chi còn tưởng mình có thể nhún mông nhảy chân sáo chạy ra ngoài ấy chứ!

Quả nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đoàn sứ giả đi giữa đường thì gặp thổ phỉ, cũng may binh lính Đại Việt ai nấy đều hiếu võ thiện chiến, nhanh chóng xử lý gọn gàng, còn thuận tay cứu thêm được hai mạng người bị đám thổ phỉ đó bắt đi. Mạc Đĩnh Chi tiến đến nhìn, sau đó há mồm bật ngửa suýt nữa thì gãy cả cổ.

Hai người bị đám thổ phỉ đó bắt cóc chẳng phải ai xa lạ: Trần Mạnh - Đông cung Thái tử và Quả Dưa Nhỏ - Ý Trinh Công chúa.

Chuyện là Trần Mạnh nhân buổi tối trời đánh lừa cung nữ rằng mình đang ngủ, sau đó trốn ra ngự hoa viên phía Tây cung Bảo An dạo mát thì tình cờ nghe thấy tiếng khóc, lần theo liền phát hiện Quả Dưa Nhỏ đang bò lăn lê bên thềm đình, cạnh cung nữ sõng soài bất động.

Tên nhóc bảy tuổi xanh mặt, vội vàng tới kiểm tra xem xét. Dường như cung nữ chỉ là vấp ngã nên ngất đi.

Quả Dưa Nhỏ bò dưới đất há miệng khóc: "A... A..."

Trần Mạnh giật mình, vội chạy đến ôm con bé lên, nhưng dỗ mãi cũng không nín. Trần Mạnh đành đi loanh quanh chỉ trỏ đủ thứ cho Quả Dưa Nhỏ, thế nào lại phát hiện ra một cái khe nhỏ vừa đủ cho người lớn chui qua.

Nó bèn hứng khởi: "Nhỏ tiếng thôi, để anh đưa em cùng ra ngắm nhìn thế giới bên ngoài."

Lý tưởng mới nghe qua thật vĩ đại và cảm động, nhưng còn chưa kịp đi sâu vào thực tiễn thì đã bị thế lực hắc ám đánh cho tan tác.

Hai đứa trẻ quần là áo lụa nhanh chóng rơi vào tay bọn buôn người.

Đám kẻ xấu này hí hửng đi đường sông ngay trong đêm để đem Trần Mạnh và Quả Dưa Nhỏ tới nơi tập trung. Từ sông tới huyện phải băng qua rừng, cuối cùng giữa rừng lại bị thổ phỉ chặn cướp. Cũng nhờ sự tham bát bỏ mâm của đám thổ phỉ, hai đứa trẻ mới an toàn trở lại tay của quân đội triều đình.

Bấy giờ đã là ngày thứ ba.

Mạc Đĩnh Chi nghe tường thuật tóm tắt câu chuyện, đoạn cuối còn tua vèo vèo, nhưng vẫn cảm thấy như bản thân đang xem hát tuồng. Cốt truyện sơ lược mà kịch tính, tình tiết biến hóa khôn lường.

May mà đám buôn người đi đường tắt, may mà đội ngũ sứ giả của bọn họ đi chậm. May mà vừa vặn gặp được nhau. Hoàng cung hiện giờ hẳn là loạn thành cào cào.

Không yên tâm để những binh lính Đại Việt thật thà chất phác chưa vợ không con áp giải đám tiểu yêu quay về, Mạc Đĩnh Chi đành khóc ròng mang chúng theo, soạn một bức thư đe dọa Thuấn Thần mau chóng đến ôm con về.

(*) Trong lịch sử, do trời mưa nên Sứ bộ đến cửa ải Pha Lũy bị trễ. Quan trấn ải phía Trung Quốc không chịu mở cổng thành, song vì biết danh tiếng Mạc Đĩnh Chi, nên thử tài bằng câu đối:

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan

Nghĩa là: Qua cửa quan trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.

Ông đã đáp lại:

Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối

Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước.

Quan giữ ải phục tài, lập tức mở cửa ải đón sứ bộ và tiếp đãi rất long trọng.

(Đọc Theo dòng lịch sử phần 10 để biết thêm chi tiết).

***


"Tổng trấn, xin ngài rộng lượng tha thứ. Trên đường đoàn chúng ta gặp chút chuyện, hành trình bị chậm lại. Thêm trời mưa, lối đi gập ghềnh khúc khuỷu, vốn dự định đến từ sáng sớm, cuối cùng lại tối mịt mới tới nơi. "

Mưa nặng hạt hơn, Mạc Đĩnh Chi cố gào lên nói cho rõ ràng xong thì cũng hết hơi, thở hồng hộc, ho khù khụ.

Liễu Khang vốn là người nhân hậu, cũng không đành lòng nhìn vị sứ giả yếu ớt kia dầm mưa cả đêm. Người ta đã mệt mỏi suốt dọc đường, ngày kia lại phải tiếp tục đi Đại Đô (*). Ông đã mủi lòng rồi, nhưng vẫn không cam chịu khi thấy tượng đài trong lòng mình sụp đổ, bèn ngoan cố vớt vát:

(*) Đại Đô: Kinh đô của nhà Nguyên.

"Được thôi, nghe danh Trạng Nguyên Đại Việt đã lâu, hôm nay bản quan ra một câu đối. Nếu ngài đối được, bản quan sẽ ngay lập tức mở cổng thành."

Mạc Đĩnh Chi thở phào, thoải mái gật đầu: "Được."

Liễu Khang vuốt vuốt râu, lát sau mỉm cười đọc lên: "Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan (*)."

(*) Dịch nghĩa: Qua cửa quan trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.

Mạc Đĩnh Chi trong lòng lặng lẽ hú hét. Nếu có Thuấn Thần ở đây, nàng sẽ giúp mọi người phiên dịch: Câu cho điểm!!! Yeeeee!!!

Hắn chẳng thèm làm bộ nghĩ ngợi, một giây sau đã nói toạc ra: "Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối (*)."

(*) Dịch nghĩa: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, mời tiên sinh đối trước.

Liễu Khang đầu tiên là đờ đẫn, sau đó như bừng tỉnh. Quả không hổ danh Trạng Nguyên, khiến ông tâm phục khẩu phục. Cuối cùng, Liễu Khang run run chỉ huy binh lính lập tức mở cửa ải đón sứ bộ, khi quát lên giọng còn lạc đi.

***

Các đoàn sứ bộ đến chúc mừng vua Nguyên lần này ngoại trừ Đại Việt ra thì còn có Nhật Bản, Cao Ly, Chiêm Thành, Miến Điện và một số nước chư hầu lân cận khác.

Đông vui nhộn nhịp như vậy, nhưng nếu triều đình cảm thấy buồn chán cần tìm người để gây khó dễ, thì đó là Mạc Đĩnh Chi.

Thực ra tính cách của Mạc Đĩnh Chi là vậy, ghét phiền phức, cũng không thích chủ động kết giao. Cho nên từ xưa đến giờ, bạn bè xung quanh hắn cũng chẳng có mấy ai. Mọi người lại nghĩ Mạc Đĩnh Chi tự ti về ngoại hình của mình, nên càng tỏ thái độ dửng dưng xa cách.

Nguyên do mấu chốt thì ai cũng biết, cường quốc mà bọn họ đang đến thăm đây, từng nhăm nhe định thôn tính rồi bị đánh cho tan tành xác pháo tới ba lần bởi đất nước bé tin hin của Mạc Đĩnh Chi.

Nhưng thân là sứ giả một nước, Mạc Đĩnh Chi cảm thấy bản thân vẫn cần biểu hiện tích cực một chút. Cho nên hôm nay, hắn đã nhận lời mời tới thăm phủ Tể tướng.

Chướng ngại duy nhất, là vị Thái tử nào đó cứ nằng nặc đòi đi cùng.

"Đi mà đi mà!! Mấy ngày nay ở trong phủ buồn chán muốn chết, cho ta theo ra ngoài xem với. Ta phải mở mang tầm mắt trước khi bị Phụ hoàng cấm túc vì chuyện lần này mới được."

Trần Mạnh giật giật tay áo Mạc Đĩnh Chi, sốt sắng nói. Đáp lại, Mạc Đĩnh Chi chỉ cười khẩy: "Thái tử, bây giờ mới biết sợ à? Nếu hai chúng ta cùng đi, ai sẽ ở nhà trông chừng Công chúa đây?"

"Vậy thì cho Quả Dưa Nhỏ theo cùng. Con bé xinh xắn đáng yêu như vậy, chắc chắn sẽ không có ai nỡ làm khó nó đâu."

Quả Dưa Nhỏ vốn đang ngủ, nghe gọi đến tên mình liền chớp chớp đôi mắt to tròn tỉnh dậy, đưa hai tay quơ quơ trong không trung đòi bế.

Mạc Đĩnh Chi thở dài, lại lo lắng dặn dò lần cuối: "Nhất định không được gây chuyện, nếu không có đánh chết thần cũng không mang người theo nữa đâu!"

Trần Mạnh khẳng định chắc nịch: "Được!"

***

Mạc Đĩnh Chi để Trần Mạnh cùng Quả Dưa Nhỏ ở lại khách sảnh, bản thân thì theo Tể tướng đi thăm thú trong phủ. Trước khi đi, hắn còn không ngừng nháy mắt ra hiệu cho Trần Mạnh, bảo nó ngoan ngoãn một chút. Trần Mạnh lười nhác phẩy phẩy tay, tỏ vẻ đã biết rồi.

Trời vào hạ, sen trong hồ đương độ nở hoa, xinh đẹp thuần khiết. Trước cửa sổ lớn treo một bức trướng (*) mỏng, gió từ bên hồ thổi đến mát mẻ vô ngần. Trần Mạnh nhìn qua, thấy bức trướng thêu hình con chim sẻ đậu trên cành trúc bằng chỉ vàng, rất tinh xảo, liền hào hứng tới xem.

(*) Trướng: bức màn che thường làm bằng lụa, vải, trên có thêu chữ hoặc hình.

Ông lão quản gia thấy vậy, liền cười cười nói: "Công tử đây tuổi còn nhỏ mà có con mắt thật tinh đời. Bức trướng đó là vật quý, do một vị hoàng thân ban tặng. Lão gia cố tình đặt ở vị trí này, khi gió nổi lên, bức trướng lay động, trông giống như là chim sẻ đang bay vậy."


Trần Mạnh đồng tình ngắm nghía hồi lâu, mãi sau mới nhớ tới Quả Dưa Nhỏ, bèn quay ra nhắc nhở: "Bé con, ăn ít dưa hấu thôi, sẽ bị lạnh bụng đó."

Quản gia ngại ngùng: "Ôi, lão bất cẩn quá! Để lão sai người cất đĩa dưa hấu xuống, rồi dặn dò nhà bếp làm chút bánh rán cho tiểu thư."

Trần Mạnh gật đầu, bế Quả Dưa Nhỏ về phía bức trướng, chỉ tay: "Xem này, đây là chim sẻ. Thêu rất khéo, em có nhìn ra không?"

Công chúa nhỏ cầm miếng dưa hấu, hai má bầu bĩnh dính đầy nước dưa, bộ dạng có chút ngốc. Con bé bất chợt giơ hai tay đập vào bức trướng, reo lên: "In!"

Trần Mạnh nghiêm túc sửa lại: "Chim."

"In!"

"Chim."

"In!"

"Hầy sao cũng được... Á! Quả Dưa Nhỏ, em làm gì thế này?"

Trần Mạnh ngẩng lên, sửng sốt nhìn mấy vệt nhỏ nhỏ hồng hồng trên bức trướng, lại nhìn bàn tay cầm dưa hấu nhoe nhoét của Quả Dưa Nhỏ, bất bình lên tiếng. Nó rút khăn tay ra lau cho em, lại lẩm bẩm: "Trẻ con phiền thật, nước dưa hấu có giặt sạch được không nhỉ?"

Trần Mạnh là một đứa trẻ hoàng tộc thông minh nhưng thiếu kiến thức xã hội. Cho nên nó không biết rằng, hai đứa làm bẩn đồ đạc trong hoàng cung thì được, cùng lắm chỉ bị cha mắng. Nhưng làm bẩn đồ đạc nhà người khác, nhất là ở ngoại quốc, nhất là của Tể tướng, nhất là đồ quý hiếm, thì không được.

Cho nên khi người đàn ông từng trải Mạc Đĩnh Chi đúng lúc trở về, liền nhanh chóng nắm bắt được tình huống trong vòng một nốt nhạc như sau:

Bối cảnh thứ nhất, bức trướng thêu chỉ vàng tinh tế có mấy vệt hồng nhờ nhờ rối rắm. Thẩm mĩ của Đại Nguyên kì quái vậy sao?

Khoan đã! Bên cạnh là Quả Dưa Nhỏ với gương mặt nhoe nhoét bẩn thỉu, Trần Mạnh đang lấy khăn lau cho con bé. Nhìn xem vết bẩn ở khăn tay kìa, giống với màu hồng ở trên bức trướng!

Bối cảnh thứ hai, ông lão quản gia đang cầm đĩa dưa hấu đưa cho gia nô, lại dặn dò mấy gia nô khác điều gì đó. Bọn họ đều cúi đầu vâng dạ, hoàn toàn không chú ý đến tình hình bên kia.

Bối cảnh thứ ba, Tể tướng đang cười nói rôm rả với Mạc Đĩnh Chi và mấy vị quan khách, chuẩn bị đi về hướng khách sảnh.

Mạc Đĩnh Chi tổng cộng mất ba giây để nhìn, một giây để suy nghĩ và một giây để hành động.

Bản năng sinh tồn trỗi dậy, nói thì chậm mà xảy ra thì nhanh, Mạc Đĩnh Chi lách mình qua mọi người, lao như một thằng điên vào trong khách sảnh, giơ cao tay lấy cả thân mình che đi mấy vệt hồng hồng trên bức trướng.

Tể tướng cùng mấy vị quan khách nhìn đến ngơ ngẩn, rốt cuộc ai nấy đều liếc nhau cười lớn. Tể tướng mang giọng điệu chế giễu nói với Mạc Đĩnh Chi:

"Sứ giả! Mặc dù hoa văn trên bức trướng rất sống động, nhưng đó không phải con chim sẻ thật đâu. Ha ha, nếu ngài thích chim sẻ, ta sẽ sai người đi bắt cho ngài mấy con!"

Mọi người xung quanh nghe nói, lại càng thoải mái được đà cười cợt. Chỉ có Mạc Đĩnh Chi là đần ra. Hắn mặc kệ Trần Mạnh đang há hốc mồm nhìn mình, bình tĩnh quan sát, lúc này mới rõ đây là một bức trướng thêu hình chim sẻ đậu trên cành trúc. Mà hai tay hắn đang đặt đúng ở vị trí của con chim.

Mấy người này nghĩ Mạc Đĩnh Chi hắn tưởng đây là con chim sẻ thật, bèn lao đến vồ bắt? Bọn họ là đang chê bai hắn quê mùa, thiếu hiểu biết?

Mạc Đĩnh Chi thở phào nhẹ nhõm, lại cười thầm trong lòng.

Hóa ra mấy người này, vẫn còn kém lắm.

Hắn nghĩ xong đâu vào đấy, quyết định không chút do dự giật mạnh bức trướng xuống, dùng sức xé toạc ra làm đôi.

***

Mạc Đĩnh Chi như bị lên cơn, hai tay dùng sức kéo rồi lại kéo, cả khách sảnh rộng lớn thoáng chốc chỉ nghe thấy tiếng xé vải xoèn xoẹt. Những sợi tơ bay phấp phới trong không trung, khung cảnh miễn cưỡng cũng có thể coi là lãng mạn, lại có chút gì đó thê lương.

Đến khi mọi người đều sắp có dấu hiệu bừng tỉnh khỏi cơn mơ, Mạc Đĩnh Chi mới thở hồng hộc, phủi phủi y phục, chỉnh trang đầu tóc, hài lòng nhìn xuống đống vải tả tơi trên sàn.

Trần Mạnh tỏ vẻ thán phục, tự lẩm bẩm một mình: "Trông dặt dẹo thế mà lực tay khỏe gớm!"

Sắc mặt của vị Tể tướng nọ biến động nhanh như giá thịt lợn ngoài chợ, cuối cùng theo tốc độ tay Mạc Đĩnh Chi mà dần bình tĩnh lại. Sau đó, ông ta lại nổi trận lôi đình, hướng về phía Mạc Đĩnh Chi mà quát: "Ngài... Đây... Đây là có ý gì?!"

Chắc không phải vì bị chê cười cho nên giận quá mất khôn đấy chứ?

Mạc Đĩnh Chi vội vàng chắp tay, kính cẩn thưa: "Tể tướng, xin ngài cho ta biết, thêu trên bức trướng này là con vật gì?"

Tể tướng nhìn hắn mà tưởng nhìn kẻ điên: "Vậy sao vừa nãy ngài chạy ra vồ bắt như thật thế? Đó là một con chim sẻ."

Mạc Đĩnh Chi được thể ngẩng cao đầu: "Vậy thì đúng rồi."

Hắn chắp tay, đi mấy bước lên phía trước làm dáng, sau đó mới tiếp tục: "Ta từng thấy cổ nhân vẽ mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ trúc và chim sẻ bao giờ. Nay trên bức trướng của Tể tướng lại thêu chim sẻ đậu cành trúc. Sở dĩ, trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Bức trướng này lại đưa tiểu nhân đặt lên trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Cho nên, ta mới vì Thánh triều mà trừ mối nạn ấy đi."

Trong khi mọi người ai nấy đều chống cằm ngẫm nghĩ, Trần Mạnh ôm Quả Dưa Nhỏ lặng lẽ nhìn mấy vệt dưa hấu hồng hồng đang bị Mạc Đĩnh Chi không thương tiếc dẫm lên, dần biến thành những dấu giày xám mờ mờ trên nền lụa trắng ngà.

Đang mùa hè, vậy mà Trần Mạnh lại cảm thấy toàn thân lạnh buốt, tự nhủ trong lòng: Nếu ví Thuấn Thần là hồ ly con, thì cái gã họ Mạc này chính là hồ ly cụ tổ!! May mà hắn dưới trướng mình!!

Trong bầu không khí đậm mùi học thức uyên bác này, một tiếng cười nhẹ nhàng vang lên. Mạc Đĩnh Chi nhìn sang, hai má lập tức hồng rực như ráng chiều.


Lẫn trong đám đàn ông là một thiếu nữ có vóc dáng nhỏ bé. Suốt từ sáng, Mạc Đĩnh Chi chỉ chăm chăm lo sợ cho hai vị quý tộc nhà mình, không còn hơi sức đâu mà để ý đến người khác, nên bây giờ mới trông thấy thiếu nữ này. Nàng ăn mặc không quá nữ tính, nhưng toàn thân vẫn toát lên vẻ duyên dáng yêu kiều, khác xa so với phong cách chuẩn đàn ông của Thuấn Thần. Chỉ một cái nhìn, giống như trăng rằm ló dạng sau đêm giông, Mạc Đĩnh Chi cảm giác trước mắt bừng sáng.

Quả thật khác xa so với nhan sắc trung bình và tiếng cười quái dị của tên Thuấn Thần nào đó!!

Mọi người bấy giờ mới bừng tỉnh, kẻ xướng người họa ca ngợi Mạc Đĩnh Chi liên hồi không dứt. Tể tướng hiểu ra, tuy thân tâm phật ý nhưng cũng đành lắc đầu: "Vẫn là sứ giả Đại Việt thông tuệ hơn người, mong chư vị bỏ qua cho sự nông cạn và thiếu hiểu biết của ta."

Mạc Đĩnh Chi ngại ngùng tránh ánh mắt cô gái kia, xua tay: "Tể tướng quá lời rồi."

Chẳng biết là ai mở lời: "Thôi cũng muộn rồi, chúng ta xin phép cáo lui."

"Vậy ta không làm phiền nữa, tể tướng nghỉ ngơi đi."

Mọi người bắt đầu lục tục ra về, Mạc Đĩnh Chi cũng đứng dậy từ biệt, dẫn Trần Mạnh với Quả Dưa Nhỏ đi, nhanh chóng đuổi theo thiếu nữ khi nãy, lắp bắp gọi: "Tiểu, tiểu thư..."

Nàng quay lại nhìn hắn, mãi sau vẫn không nghe hắn lên tiếng, chỉ thấy một khuôn mặt đỏ lựng, liền nhanh chóng hiểu ra, bật cười rạng rỡ: "Tên ta là Vương Y Bạch, trưởng nữ của sứ giả Cao Ly. Rất vui được làm quen."

Mạc Đĩnh Chi lẩm bẩm như kẻ ngốc: "Vương... Y Bạch..."

Không chờ hắn nói xong, cô gái lại tiếp lời: "Hai đứa bé này là gì của ngài thế? Thật đáng yêu."

Mạc Đĩnh Chi vốn đang nói không nên lời, nghe vấn đề này thì giật mình, tính bảo vệ của gà mẹ trỗi dậy, theo bản năng đáp: "Là con trai và con gái của ta!"

Nụ cười trên mặt thiếu nữ thoáng chốc vụt tắt. Con trai và con gái?

Trần Mạnh hết nhìn người này lại nhìn sang người kia, rốt cuộc không nén được tiếng thở dài: Lại kiếp nạn gì nữa đây?

(*) Trong lịch sử, khi Tể tướng mở tiệc chiêu đãi sứ bộ Việt, Mạc Đĩnh Chi thấy trong phủ Tể tướng có bức tranh thêu chim sẻ vàng đậu trên cành trúc rất đẹp, liền kéo con chim sẻ xuống xé nát ra, người Nguyên hỏi cớ sao? Ông nói: Cổ nhân có vẽ mai và tước, chưa thấy vẽ trúc và tước (sẻ). Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, bức trướng thêu này là đưa tiểu nhân đặt lên trên quân tử, nên tôi vì Thánh triều mà trừ mối tệ ấy đi.

(Đọc Theo dòng lịch sử phần 10 để biết thêm chi tiết).

***

Gặp được bóng hồng dung nhan khuynh quốc, Mạc Đĩnh Chi đi trên đường mà cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, trong đầu chỉ toàn nhớ đến khuôn mặt giai nhân. Khóe môi hồng tựa đóa mẫu đơn ngậm sương sớm duyên dáng khẽ cong, đến cầu vồng vắt ngang trời cũng chẳng sánh bằng. Đôi mày ngài ấy nhướng lên, nổi bật trên nước da trắng ngần, giống như vệt mực giữa đồng tuyết, bất chợt gặp vầng thái dương. Sóng mắt long lanh mà dịu dàng, một cái liếc khẽ cũng khiến lòng hắn như có cơn gió mát đầu hạ thổi qua, ngứa ngáy, rung động.

Cho đến tận lúc Mạc Đĩnh Chi giống như con rối bị kéo đến dạ tiệc, đứng trước mặt vua Nguyên, đầu óc hắn vẫn đang lơ lửng trên mây.

Sứ thần Chiêm Thành, đi lướt qua trước mặt hắn, dâng lên quạt ngà voi chạm vàng, lời ngợi khen của Chí Đại Đế cộng thêm âm thanh trầm trồ xu nịnh của bá quan văn võ và sứ thần các nước lọt vào mắt chạy vào tai hắn chẳng khác nào que củi bị gió thổi rơi xuống cùng tiếng ve kêu kẽo kẹt.

Trạng Nguyên tài hoa người người ngưỡng mộ, quân tử như ngọc được bạn bè yêu mến, vừa gặp tiếng sét ái tình liền biến thành một kẻ thiểu năng.

Trần Mạnh lo lắng kéo áo Mạc Đĩnh Chi vẫn không thấy hắn có phản ứng, bất lực nhìn Chí Đại Đế liếc qua Mạc Đĩnh Chi cùng sứ thần Cao Ly, khuôn mặt từ vui vẻ biến thành mất hứng, miệng cười mà lòng không cười, nói:

"Sứ thần Cao Ly, sứ thần Đại Việt, hai vị trầm lặng như vậy, hẳn là có kiến giải của bản thân. Chi bằng dùng thơ nói ra để mọi người cùng bàn luận."

Sứ thần Cao Ly vốn ngồi cùng hàng với Mạc Đĩnh Chi, bấy giờ đã đứng dậy chuẩn bị nhận thánh ý, nếu Mạc Đĩnh Chi còn ngồi thì thật sự không ổn, Trần Mạnh gấp tới luống cuống, vỗ mạnh vào lưng hắn, cuối cùng cũng thành công kéo được Mạc Đĩnh Chi thoát khỏi cơn mê muội.

"Mau đứng lên." Trần Mạnh gằn nhỏ giọng nhắc.

Nhìn một lượt những ánh mắt đang chíu chíu chiếu vào mình, cùng sứ thần Cao Ly đang kì quái nhìn mình, Mạc Đĩnh Chi lập tức nhận ra không ổn, toát mồ hôi lạnh, lập tức đứng lên.

Trần Mạnh thầm thở phào, may mắn hồn của cái tên lần đầu rơi vào lưới tình này cuối cùng cũng trở về. Tiếc rằng nó mừng quá sớm.

Mạc Đĩnh Chi nhìn người đang cùng mình tranh tài, mồ hôi càng túa ra ào ạt. Đây ... là cha vợ tương lai của hắn. Không, là cha của người hắn đang theo đuổi, nhưng chắc chắn sớm muộn gì cũng thành cha vợ hắn.

Mạc Đĩnh Chi trước nay xuất khẩu thành thơ đầu óc rối tung như tơ vò, ánh mắt trống rỗng đứng trước tờ giấy. Trần Mạnh lòng nóng như lửa đốt, đây là chuyện liên quan tới bộ mặt của Đại Việt, không thể phạm sai lầm. Nó lúng túng một lát, rồi nảy ra một ý. Hoàng thái tử Đại Việt len lén lẻn ra sau lưng sứ thần Cao Ly.

Sứ thần Cao Ly vốn là người đa sầu đa cảm, từ khi nhìn thấy chiếc quạt trong lòng đã đầy suy tư, cho nên mới xụ mặt không vui. Ông vừa nghĩ vừa múa bút, chợt thấy cạnh mình xuất hiện một cậu bé trạc mười tuổi, đôi mắt tò mò nhìn tờ giấy ông viết. Ông cũng chẳng nghĩ nhiều, mỉm cười với cậu rồi tiếp tục thả mình theo cảm xúc.

Trần Mạnh lúc này thì đang nghĩ thầm, nếu Mạc Đĩnh Chi đang thần hồn nát thần tính vậy bổn Thái tử giúp hắn nhìn trộm bài của cha vợ tương lai!

Cuộc tranh tài, vậy mà lại trót lọt.

(*) Trong lịch sử, khi vào chầu vua Nguyên Vũ Tông, đang cuối mùa hè oi bức, có người dâng cái quạt, Mạc Đĩnh Chi phụng mệnh làm bài minh vào cái quạt. Sứ thần nước Triều Tiên làm xong trước, có 4 câu, 16 chữ, Mạc Đĩnh Chi trông thế bút viết, biết được bài của sứ thần rồi, liền theo ý mà làm phiên câu văn đi, lại dẫn thêm 3 câu ở trong truyện làm câu kết, được khen thưởng hơn, đủ biết ông có tài và nhanh lắm, người Nguyên càng thêm thán phục.

(Đọc Theo dòng lịch sử phần 10 để biết thêm chi tiết).

***

Trần Thuyên ngồi xổm trên đất, tay cầm nắm thóc, nghiêm túc thảo luận với con chim bồ câu trước mặt, sau đó phiên dịch cho Thuấn Thần nghe:

"Đi về phương Bắc cùng một đoàn người rất đông, đồ đạc bọn họ mang theo còn có dấu ấn của Hoàng tộc. Từ từ, đừng nói là đoàn của Mạc Đĩnh Chi đấy chứ?"

Như để chứng thực cho lời khai của chim bồ câu, Chu Bộ từ đâu hùng hục lao đến, vừa thở vừa nói: "Quan gia, có thư của đoàn sứ giả gửi về."



/59

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status