Chương 44: Mật tấu.
Tác giả: Thiên Địa Linh Linh.
*** Đường phân cách nước chảy đá mòn ***
Giải quyết xong phiền muộn, lúc bước ra khuôn mặt Trần Thuyên vẫn hồng hồng vì ngượng. Thấy kẻ đầu sỏ vô tư đứng tựa vào mạn thuyền, Trần Thuyên lại càng muốn trả đũa. Hắn lấy chiếc đèn treo trên vách xuống, trước ánh mắt hoang mang của Thuấn Thần, thổi phù một cái.
Bóng tối bao trùm.
Lúc này, Thuấn Thần mới đờ người, chớp chớp mắt hòng quen với bóng tối, nhưng khung cảnh vẫn đen ngòm.
Cả phút sau, nàng bắt đầu lo lắng, mở miệng gọi khẽ: "Bệ... bệ hạ?"
Trần Thuyên không đáp lời nàng, nhưng lại có tiếng của chủ thuyền vọng lại: "Ấy chà, nến đây rồi. Sao đột nhiên đèn lại tắt thế."
Sau đó nghe lách tách, tia sáng lòa nhòa le lói dần xuất hiện. Thuấn Thần giật mình. Trong ánh nến mờ ảo, nàng thấy Trần Thuyên đang đứng ngay trước mặt nàng, là khom lưng, dí sát mặt.
Thời gian như ngừng trôi, đầu nàng tựa như có pháo hoa nổ lớn.
Hóa ra, khuôn mặt đẹp trai khi nhìn gần có sức công phá lớn tới nhường này.
Hóa ra, dù phải hẹn hò ở nơi tối tăm đáng sợ như thế này thật, thì cảm giác cũng không tệ lắm...
***
Thuấn Thần ngủ mơ màng bên mép thuyền, ôm giấc mộng đẹp được ở bên Quan gia mỹ nhân nhà nàng. Đúng lúc chuẩn bị nhào lên long thể, có âm thanh gây cụt hứng của người thứ ba vọng tới từ nơi xa xôi nào đó:
"Thiên tử chiêu dụ sứ!"
Thuấn Thần tức giận: Thiên tử chiêu dụ sứ là đứa nào? Sao lại phá đám người khác thế?
"Thiên tử chiêu dụ sứ!!!" Tiếng gọi vẫn dai dẳng bên tai, âm lượng lớn hơn khi nãy vài phần.
Độ tức giận của Thuấn Thần nhân lên gấp đôi: Tên Thiên tử chiêu dụ sứ kia còn không mau lên tiếng trả lời đi! Đợi một chút, sao Quan gia của bản quan lại lắc tới lắc lui thế này? Á, không phải, người đang lắc là mình. Ụa... chóng mặt quá...
Cơn chóng mặt hòa quyện với cơn say sóng, khuấy đảo dạ dày của nàng, bụng quặn lên, liền sau đó là một đống dịch không thể miêu tả phun ra như vòi rồng, bay thẳng lên ngực áo người đối diện.
Lúc này, Thuấn Thần cũng hoàn toàn tỉnh táo. Trước mặt nàng là Chế Chí với chiếc áo dính bẩn, toàn thân run rẩy, đôi tay đang giơ ra cũng cứng đờ, sắc mặt xám ngoét. Bên cạnh là tên lính Chiêm Thành thần sắc tái mét, đi không được ở chẳng xong.
Nàng nhìn qua đã đoán được tình hình, hẳn là tên lính gọi mãi nhưng nàng vẫn ngủ, khiến Chế Chí sốt ruột lắc vai gọi nàng dậy. Xui xẻo cho hắn.
"Thuấn Thần xin tạ lỗi..." Ai bảo ngươi lắc ông.
Nàng mới chắp tay, còn chưa kịp nói hết câu, Chế Chí trước mặt đã đùng đùng nộ khí bỏ đi, vèo cái đã chẳng thấy đâu.
Thuấn Thần cũng hiểu cho hắn. Chẳng ai muốn ôm một bãi nôn trước ngực cả, hắn phải đi thay áo trước rồi làm gì thì làm.
Nàng quay sang hỏi tên lính vẫn chưa thoát khỏi cơn sợ hãi: "Có chuyện gì vậy?"
Bấy giờ, tên lính nọ mới nhớ ra chuyện gấp, hắn chỉ về hướng xa xa: "Bẩm, có đoàn thuyền chiến đang đi theo chúng ta, nhìn cờ hiệu, là của Đại Việt."
Nghe vậy, Thuấn Thần giật mình, nhanh chóng chạy tới mui thuyền nheo mắt nhìn. Đúng là cờ hiệu của Đại Việt. Mà người chỉ huy đường thủy là Nhân Huệ vương - Trần Khánh Dư.
Nếu là kẻ khác, Thuấn Thần còn có thể hoang mang không biết mục đích của đối phương. Nhưng nếu là người có dã tâm lớn như Trần Khánh Dư, không cần đi hỏi, Thuấn Thần cũng lập tức hiểu ý định của ông ta.
Có gì phải băn khoăn cơ chứ. Người trung thành nhưng dã tâm lớn, tất nhiên là muốn giúp quốc gia mở rộng lãnh thổ. Mà hiện tại người này lại đang đuổi theo ông vua nước địch chuẩn bị ra hàng.
Mấy người không hiểu Trần Khánh Dư đuổi theo làm gì ư? Chẳng lẽ đuổi theo để khen ngợi: "Quyết định ra hàng của ngài là rất đúng đắn" chắc? Đương nhiên là không!
Người có thể hy sinh máu và mồ hôi để đổi lấy giang sơn, có tư tưởng "Tướng là chim ưng dân là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng" (*) thì hẳn chẳng ngại việc gây chiến, nhất là với một quốc gia mà quốc chủ đã xin hàng. Rắn đã mất đầu, nếu chiến tranh nổ ra, phần thắng thuộc về Đại Việt hay Chiêm Thành là chuyện có thể dự đoán trước. Nhưng dân chúng Chiêm Thành đương nhiên cũng chẳng chịu ngồi yên. Có đổ máu là điều chắc chắn.
(*) Câu Trần Khánh Dư nói khi được Anh Tông hỏi về việc bị dân kiện vì nhận hối lộ.
Không thể phủ nhận, tuy dự tính của Nhân Huệ vương rất tàn nhẫn, nhưng ông ta đúng là tướng tài biết nắm lấy cơ hội mở mang bờ cõi.
Có điều một Trần Thuyên nhân từ và một Thuấn Thần tới từ hiện đại với chủ nghĩa hòa bình, thì việc gây chiến khiến hai bên đều thương vong là chuyện họ đều hết sức tránh.
Ba trận chiến với quân Nguyên vừa kết thúc, đất nước chỉ mới phục hồi, dã tâm của chúng vẫn còn đó. Hiện tại giao tranh cùng Chiêm Thành, quân Nguyên lại nhân cơ hội đó tiến đánh, Đại Việt chắc chắn không thể trở tay kịp. Chưa kể chinh chiến liên miên, lòng dân sẽ sinh ra oán thán, các cuộc nổi loạn mọc lên như nấm. Khi ấy, đất nước có khác nào địa ngục?
Cho nên, hành động lần này của Nhân Huệ vương quá mạo hiểm.
Tính thời gian, chắc sáng mai là tới đất liền, nàng bảo tên lính bên cạnh: "Căng buồm, chạy hết tốc lực tới làng Vân."
Thuyền chiến của Chiêm Thành vô địch về tốc độ. Khi còn đi trên biển thì không lo bị đuổi kịp. Nhưng nhìn tình hình này, có vẻ Nhân Huệ vương định đợi tới khi lên bờ mới xuống tay. Đi lòng vòng trên biển một chút kéo dài thời gian, sau đó nàng phải nhờ cái vị có quyền lực cao hơn Nhân Huệ vương, còn đang đóng ở quân doanh kia lên tiếng. Chứ nàng tự đi thương lượng với Nhân Huệ vương, nhỡ ông ta nghe không lọt tai, lại giết phứt nàng đi thì sao? Hoặc nàng chưa giải thích xong, Chế Chí đã bị ông ta giết phứt rồi?
Nghĩ vậy, Thuấn Thần vẫy tay gọi Trương Hổ còn đang đứng phía xa tới gần. Trương Hổ dè dặt bước đến, vô cùng sợ vị sứ giả này sẽ phun xú uế lên người mình. Hắn đã phải chịu đựng hai ngày nay rồi. May sao chưa dính lên người. Chứ nhìn kết cục của vua Chiêm khi nãy xem!
Thuấn Thần tức tới mức chống nạnh, bất đắc dĩ bảo hắn: "Khi nãy nôn rồi, giờ trong bụng đang trống, muốn cũng không phun lên người ngươi được đâu!"
Khi ấy, Trương Hổ mới thoải mái sải bước, cung kính: "Ngài có gì muốn sai bảo ạ?"
"Đưa mấy con bồ câu đưa thư tới đây. Bản quan có lời dâng lên Quan gia."
Nâng bút rồi lại hạ bút, đắn đo một hồi, cuối cùng Thuấn Thần cũng chỉ viết ngắn gọn: Nhân Huệ vương muốn cướp công vua. Hiện sắp tới làng Vân.
Dù sao, Trần Thuyên đọc xong ắt sẽ hiểu thôi.
***
Đàn muỗi đói lượn vòng vòng trên không, liên tục phát ra những tiếng vo ve như tra tấn đôi tai của người khác. Lính canh bên ngoài trại vừa gà gật buồn ngủ, vừa xua tay đuổi côn trùng.
Lúc này, một bóng dáng dong dỏng nho nhã xuất hiện trước trướng của Trần Thuyên. Lính canh giật mình nhìn kĩ, sau đó mới cười xòa: "Hóa ra là ngài Giám quân. Chúng tôi cứ tưởng là ai. Ngài có chuyện tới gặp Quan gia ư? Để chúng tôi vào bẩm báo?"
Giám quân Nguyễn Ngỗi gật đầu, nhoẻn miệng cười, nhưng trong mắt nhuốm vẻ ảm đạm tựa tro tàn. Sắc mặt y nhợt nhạt như người ốm, nhìn kĩ, còn có thể thấy trên trán lấp lánh mồ hôi lạnh. Trên tay y cầm một phong thư.
Y nghĩ thầm: Đằng nào Đoàn Nhữ Hài kia cũng gửi nhiều thư như vậy, không phải ta thì kẻ khác sẽ bẩm báo thôi. Chẳng bằng nắm thế chủ động, được ăn cả ngã về không.
Rất nhanh, lính canh đã chạy ra mời hắn vào trướng.
Nguyễn Ngỗi vái đấng cửu ngũ đang ngồi sau thư án xong mới ngước lên nhìn. Bên cạnh Hưng Long đế là một người Chiêm, nghe nói hắn được Thiên tử chiêu dụ sứ sai tới đưa tin, mấy ngày nay luôn được Quan gia giữ bên mình.
Ánh mắt Nguyễn Ngỗi quét qua những kẻ hầu trong phòng, nhẹ giọng tâu: "Thưa Quan gia, có mật tấu từ Thiên tử chiêu dụ sứ. Thần e là không nên để lọt gió."
Sau câu nói đó, y có cảm giác như khuôn mặt nghiêm nghị của Hưng Long đế sáng bừng lên. Hưng Long đế nhanh chóng phất tay với những kẻ hầu trong phòng, ra hiệu cho bọn họ lui ra.
Nguyễn Ngỗi cười thầm, không ngờ cá cắn câu dễ dàng tới vậy. Xem ra Hưng Long đế thật sự rất coi trọng Đoàn Như Hài. Bằng không sao chỉ nghe có tin tức từ Đoàn Nhữ Hài, đã lơi lỏng cảnh giác đến mức ấy chứ? Chỉ tiếc có lẽ y không còn cơ hội báo cho người đó biết điểm yếu này của Hưng Long đế.
Trong phòng chỉ còn ba người. Nguyễn Ngỗi còn đang muốn tự mình dâng thư lên, mệnh lệnh của Hưng Long đế đã khiến y khựng lại:
"Ngươi, xuống đem thư lên đây cho trẫm."
Người Chiêm kia ném ánh mắt sắc lẻm qua cho Hưng Long đế, Hưng Long đế vẫn thản nhiên, nhưng độ cong khóe môi trông thật đắc ý.
Những chuyện này Nguyễn Ngỗi không nhìn thấy, y chỉ cười khổ, than thầm. Quả nhiên là chẳng dễ tới vậy. Thôi thì méo mó có hơn không. Chiến tranh nổ ra thì sớm muộn gì mạng của Hưng Long đế cũng mất thôi. Y chẳng ngại tạm thời xuống suối vàng đợi trước.
Người Chiêm kia vừa cầm lấy lá thư, Nguyễn Ngỗi đã lập tức rút dao găm giấu bên mình ra, dùng hết sức lực đâm tới.
Mắt thấy lồng ngực người Chiêm kia sắp bị dao chọc thủng, Nguyễn Ngỗi nghiến răng hưng phấn. Nào ngờ ngay lúc này, dưới chân y tựa như bị bôi dầu, trơn trượt. Y lảo đảo, tới khi đứng vững, người Chiêm kia đã dịch chuyển vị trí, thoát khỏi nguy hiểm từ lúc nào.
Trước con mắt trợn trừng muốn rớt ra của y, hắn bình tĩnh ho khan một tiếng: "Khi nãy chim đưa thư của ta lỡ bậy ra sàn của Quan gia, thật ngại quá."
Khuôn mặt Nguyễn Ngỗi sắp chuyển thành màu phổi bò, trông như thể muốn ói ra máu vì tức giận.
Y bất chấp nhào tới, quơ quào con dao muốn lấy mạng người Chiêm nọ. Mà trong mắt người Chiêm, Nguyễn Ngỗi hệt như đang làm trò hề. Hắn nghiêng người né hai ba lần, đá một cái, vung tay một cái, Nguyễn Ngỗi đã bị áp chế quỳ sụp dưới đất, con dao chẳng biết đã bay tới đâu.
***
Nguyễn Ngỗi giãy giụa thế nào cũng không thể thoát khỏi tay Chế Mân, cuối cùng đành từ bỏ.
Chế Mân thấy y đã ngừng chống cự, lạnh lẽo tra hỏi: "Nói, tại sao ngươi biết thân phận ta? Ai xúi giục ngươi tới ám sát ta?"
Nguyễn Ngỗi im lặng không đáp.
Trần Thuyên bước xuống, dùng cán bút đẩy cằm y, ép y ngẩng đầu nhìn chàng: "Kẻ dẫn đường đó là do ngươi tiến cử. Cho nên, chuyện Chu Bộ và Sĩ Cố cũng là do ngươi sắp xếp?"
Lần này, Nguyễn Ngỗi bật cười: "Phải. Người ban chết ân nhân của ta, vậy thì ta đành cướp đi tri kỉ của người."
Nghe hết câu, tay Trần Thuyên siết lại, run lên bần bật, cố kìm nén cơn phẫn nộ, cuối cùng vẫn không nhịn được đạp Nguyễn Ngỗi một đạp bật ngửa ra sau.
Chế Mân vẫn bình tĩnh kéo Nguyễn Ngỗi ngồi dậy, nào ngờ thấy miệng y sùi bọt mép, mắt trợn trắng, co giật vài cái rồi xụi lơ.
Chế Mân giật mình buông tay, để y ngã vật xuống đất.
Người đã tắt thở.
Chế Mân cau mày xem xét một hồi, kết luận: "Nuốt thạch tín tự sát. Có vẻ như tên này đã chuẩn bị kĩ càng rồi."
Trần Thuyên hít sâu vài hơi ổn định tinh thần, lồng ngực phập phồng lên xuống, đôi mắt chớp khẽ để sương mù tản đi. Chàng ngẫm nghĩ:
"Mục đích của tên phản tặc này là ám sát ngài. Giả dụ như chúng ta không đọc được thư của Thuấn Thần trước, có khả năng hắn sẽ thành công. Ngài chết, chiến tranh tiếp tục nổ ra. Đã vậy, để chắc chắn, hắn còn cố tình xúi giục Nhân Huệ vương giết Chế Chí, đề phòng việc ám sát ngài bất thành."
"Người muốn hủy diệt cả Đại Việt và Chiêm Thành, hơn nữa còn bị ngài ban chết, hẳn là không nhiều nhỉ? Chắc ngài đã biết đó là ai rồi?" Chế Mân tiếp lời.
Trần Thuyên nặng nề gật đầu. Hồi lâu sau, chàng mới thở dài ra quyết định:
"Hiện tại chỉ có thể cho người đi đón Thuấn Thần, không thể đích thân tới đó."
Nếu Trần Lệ nhận ra Thuấn Thần chiếm vị trí quan trọng trong lòng chàng, là điểm yếu trí mạng của chàng, sợ rằng mục tiêu của Trần Lệ sẽ chuyển từ chàng qua Thuấn Thần. Hiện tại Trần Lệ không biết ẩn mình nơi nào, cũng chẳng biết gã sẽ giở trò gì. Địch trong tối, ta ngoài sáng. Để lộ sơ hở sẽ vô cùng bất lợi. Trần Thuyên dù thế nào cũng không thể đẩy Thuấn Thần vào chỗ nguy hiểm được.
Người địa vị cao hơn Trần Khánh Dư, nắm trong tay binh lực lớn tương đương Trần Khánh Dư, quen thuộc đường núi, còn đủ tư cách thay mặt Trần Thuyên tới đón vua Chiêm, ngoảnh đi ngoảnh lại, toàn quân doanh hiện tại chỉ có một.
***
Lòng vòng trên biển thêm hai ngày, ước chừng thời gian đã đủ, Thuấn Thần mới lệnh cho quan binh điều khiển thuyền Chiêm neo bến ở làng Vân.
Vừa lên bờ, đoàn người đã gấp rút di chuyển về hướng doanh trại Đại Việt. Tiếc rằng lần này đi vội, lại không ngờ bị truy đuổi, nên chỉ có một chiếc xe ngựa duy nhất - đã dành cho Chiêm đế. Những người còn lại lấy cuốc bộ làm vinh quang.
Tuy vòng bảo vệ tầng tầng lớp lớp, được đám đông vây quanh, tuy nhiên nếu bị quân của Nhân Huệ vương đuổi kịp, sợ rằng những con người này chẳng chống đỡ nổi quá một canh giờ.
Đoàn người đi như chạy theo đường đồi khúc khuỷu, Thuấn Thần cảm thấy dạ dày mình đang xóc nảy, xoắn thành một cục, rồi lại duỗi ra, rồi lại xoắn thành một cục.
Nàng khóc không ra nước mắt, nghĩ thầm: Sao không thấy ai tới đón thế này? Ngựa của Nhân Huệ vương chắc đang phi nước đại đuổi theo sau lưng rồi. Đừng bảo là không biết mình đi đường nào nhé? Hay là mình báo gấp quá nên chưa kịp tới? Không đúng, đã hai ngày rồi cơ mà! Chuyến đi này quả là một chuyến hành xác. Đã say sóng nôn mửa liên miên thì chớ, vừa lên bờ chưa kịp ăn uống gì đã phải chạy như ngựa trên cái đường đèo ba bước gặp một ổ gà, bảy bước gặp một ổ voi này. Đã thế đường đèo này còn trụi lủi không có cây cối gì, trời đã vào hè, nắng to vỡ đầu! Không được, mình phải làm gì đó thay đổi tình thế này, thể lực sắp cạn kiệt rồi. Lúc khó khăn này mà nằm vật ra đây để người khác khiêng về thì mất mặt lắm.
Nàng còn đang suy nghĩ miên man thì Trương Hổ đột nhiên nghiêng đầu thì thầm: "Đoàn Mật viện sứ, sợ rằng quân của Nhân Huệ vương sắp đuổi tới rồi. Ngài xem, chim chóc dưới đèo đang bay loạn lên. Sợ rằng đến trưa nay họ sẽ đuổi kịp chúng ta."
Thuấn Thần gật gật đầu sầu não, rồi đột nhiên ngẩng phắt lên, mắt phát sáng, dường như nghĩ ra gì đó. Nàng bảo Trương Hổ:
"Ngươi lên bảo Chiêm đế cho quân dừng lại một lát, bản quan có chuyện muốn bàn."
***
Tâm trạng của binh linh Chiêm Thành đi theo bảo vệ Chế Chí tới doanh trại Đại Việt mấy ngày nay rất sa sút.
Vua của bọn họ đã xin hàng, vậy mà vẫn bị quân Đại Việt đuổi theo sau lưng. Lênh đênh trên biển dài hơn dự kiến gần cả tuần, lương thực đem theo thì không đủ, may sao bọn họ vốn có kinh nghiệm đi biển, luôn mang sẵn dây cước cùng mấy cây sào, rảnh là câu cá hay mực gì đó ăn tạm, mới thoát khỏi cảnh chết đói chết khát, đến khi lên được đất liền thì phải chạy trối chết. Chỉ hy vọng Hưng Long đế nhân từ, không giết hay tra tấn bọn họ.
Khi bọn họ đang lo lắng, lại nghe thấy lệnh dừng chân. Sau đó khoảng vài chục người được chọn ra. Những người được chọn vô cùng hoang mang nghe theo sứ giả Đại Việt, dùng dây cước, cành cây, cùng mấy xấp giấy được vẽ mực đen ngoằn ngoèo bên trên, làm thành rất nhiều cánh diều.
Trên đường chạy trốn lại thả diều? Vị sứ giả này đang bày trò gì vậy?
May sao trên đỉnh đồi thứ không thiếu nhất chính là gió, bọn họ chẳng mấy tốn sức đã khiến diều bay lên cao.
Những cánh diều no gió chao liệng giữa trưa nắng, đem theo các vệt mực đen, nổi bật trên nền trời trong trẻo.
Đoàn binh lính tiếp tục lên đường, chỉ là có một nhóm người phải vừa đi vừa giật giật dây diều, để nó đừng rơi xuống đất, còn phải cố gắng không khiến dây của mình vướng vào dây của kẻ khác.
Tốc độ bọn họ chậm đi trông thấy.
***
Tại con đường mòn bên dưới chân đồi cách đó trăm mét, Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn đang lo lắng quanh đi quẩn lại, lẩm bẩm: "Hỏng rồi, đến đón chậm trễ, khi đến nơi bọn họ đã rời khỏi làng Vân. Không biết bây giờ bọn họ đi đường nào nữa. Sợ là không phải đường này rồi. Đợi lâu như vậy vẫn chẳng thấy mống quân nào."
Làm hỏng chuyện, ông anh của hắn không xé xác hắn ra mới lạ.
Ngay lúc đó, viên phó tướng của hắn chạy tới báo: "Điện hạ, có việc lạ xuất hiện."
Trần Quốc Chẩn còn đang phiền não, nào quan tâm chuyện lạ hay quen, bực dọc quay sang đợi viên phó tướng tiếp tục, vẻ mặt viết rõ ràng chữ nói nhanh rồi cút.
Viên phó tướng nọ cũng bối rối, nhìn vẻ mặt cấp trên thế này, rõ ràng là không vui rồi. Gã phân vân một hồi, rồi mới hạ quyết tâm, ấp úng:
"Dạ, trên trời ở bên kia đồi, có rất nhiều cánh diều đang bay."
"Diều?" Trần Quốc Chẩn nghi hoặc nhìn theo hướng viên phó tướng chỉ, thấy một đám diều xa tít.
Cho là đám trẻ nào đó nghịch ngợm, hắn còn đang bực dọc định trách cứ, lại đột nhiên nghĩ tới một khả năng. Trần Quốc Chẩn tóm lấy vai viên phó tướng, hỏi gấp:
"Từ nãy tới giờ đám diều đó đứng im một nơi hay có di chuyển?"
Viên phó tướng kinh ngạc trước phản ứng bất ngờ của hắn, ngơ ngác nhìn lại trên trời, rồi mới giật mình: "Điện hạ nói thần mới để ý. Đúng là có di chuyển. Khi nãy còn chưa đến mỏm đá nhô ra kia, bây giờ đã đi qua đó rồi."
Trần Quốc Chẩn lập tức phấn chấn: "Lập tức lệnh cho binh sĩ lên đường. Đi tới sau ngọn đồi trọc đó đón Thiên tử chiêu dụ sứ."
***
Tiếng vó ngựa đã ngay sát, có thể cảm nhận được sỏi đá trên mặt đất rung lên. Đoàn người Chiêm Thành lập tức rơi vào hoảng loạn. Quân số của bọn họ chỉ có hơn trăm, làm sao địch nổi thiên quân vạn mã.
Nào ngờ đoàn người ngựa mà bọn họ giáp mặt trước lại là đoàn của Trần Quốc Chẩn.
Thuấn Thần mừng muốn rơi nước mắt.
Ơn trời, may sao quân của Trần Quốc Chẩn đi đường núi đã quen, tốc độ như đi trên đất bằng. Quân của Trần Khánh Dư có chuẩn bị nhiều ngựa thì cũng chỉ là thủy quân. So với những kẻ đi bộ là bọn họ thì nhanh, chứ sao so được với đám người Trần Quốc Chẩn.
"Mọi người bị dồn lên đèo hả?" Trần Quốc Chẩn quan tâm hỏi.
Thuấn Thần xúc động, có chút cảm giác gặp lại đồng hương lệ rơi hai hàng, lắc lắc đầu: "Hạ quan lên đèo vì địa hình hiểm trở, ngựa xe khó dùng, nếu có chuyện sẽ dễ tìm cơ hội thoát nạn hơn."
Trần Quốc Chẩn im lặng hồi lâu mới nói: "Ta thì cứ tưởng ngươi sẽ chọn đường nào ngắn nhất, nên cứ đợi ở đường mòn bên dưới."
"..." Quả nhiên là tìm được người tâm linh tương thông không dễ dàng chút nào!
"Nhưng mà ngươi nghĩ ra cách thả diều báo hiệu này, thật là rất sáng tạo. Nếu không nhìn thấy mấy cánh diều đó, chắc ta cũng chẳng thể đoán ra ngươi ở nơi này." Hắn sảng khoái cười, vỗ mạnh vào lưng nàng.
Thuấn Thần vất vả kìm cảm giác nôn nao, rặn ra một nụ cười: "Cảm tạ Đại vương khen ngợi."
Khi mọi người đang phấn chấn tinh thần, ai nấy đều như được uống nước tăng lực, thêm mười phần sức lực, những mệt mỏi trên đoạn đường trước đó đều tiêu tán, hùng hổ sẵn sàng tiếp tục lên đường, thì Thuấn Thần lại vươn vai vặn mình một cái rồi nằm vật ra nghỉ.
Những người còn đang hăng hái: "..."
Đứng cạnh Thuấn Thần, phải chịu chung những ánh mắt kì thị, Trương Hổ cảm giác như dưới chân mình là bàn chông. Hắn ngập ngừng một lúc, quyết định vẫn nên nhắc nhở Thuấn Thần đôi câu:
"Đoàn Mật viện sứ, sao còn không đi? Quân của Nhân Huệ vương ngay sau lưng rồi!"
Lại thấy Thuấn Thần đang ngồi bệt trên đất xoa bóp chân kinh ngạc ngẩng lên nhìn hắn:
"Đằng nào chả đuổi kịp, dù sao chúng ta cũng có chống lưng, sợ gì chứ?" Để ông ta đuổi tới đi, tôi xem ông ta dám làm gì!
Thuấn Thần mỉm cười, dáng vẻ chỉ sợ thiên hạ không loạn, vừa nói vừa tiện tay ăn miếng bánh uống hớp trà lấy lại sức.
-Hết chương 44-
*Thông báo: Đổi tên truyện.
Sau một thời gian suy nghĩ thì mình quyết định đổi tên truyện cho thuần Việt và dễ hiểu hơn. Tên mới là Có "chàng" Ngự sử thời Trần nhé. Mình sẽ viết thông báo riêng sau.
/59
|