Chiều hôm nay Minh Hoàng đã cho tài xế về trước, một mình lái xe đến nhà Quốc Toàn vì muốn ở chơi lâu hơn, nên giờ anh cũng tự lái xe về.
Xe vừa ra khỏi khu biệt thự, anh định băng qua đường bên kia thì thấy Thụy Khanh đang ngồi cặm cụi bên chiếc xe đạp.
Hai tay cô đang cố gắng sửa lại sợi sên.
Có lẽ không quen với việc này nên cô mất thời gian nãy giờ.
Cô rời nhà Quốc Toàn đã lâu, thế mà giờ vẫn còn kẹt tại chỗ này.
Nhìn dáng cô nhỏ bé thầm lặng bên chiếc xe đạp giữa ngã tư đường mênh mông, tự nhiên anh thấy cô thật cô độc.
Xung quanh xe cộ dập dìu, chẳng ai quan tâm cô gái và chiếc xe đạp ở góc đường, hì hục nãy giờ vẫn không thể gắn lại sợi sên bị sứt.
Thụy Khanh khiến anh trỗi dậy cảm giác xót xa.
Và thay vì lái xe đi thẳng anh lại cho xe vòng lại, đậu sát vào lề, rồi bước xuống đi đến cạnh Thụy Khanh.
Cô đang chăm chú vào xe nên không hay anh đã ở bên cạnh.
Mãi đến khi tiếng anh vang lên, cô mới giật mình run tay, sợi sên vừa gắn được một chút lại tuột ra.
Minh Hoàng nhìn cô muốn khóc mà tội nghiệp.
"Xe bị làm sao vậy Khanh?"
Thuy Khanh ngước ánh mắt khổ sở nhìn anh: "Sao anh lại ở đây?"
"Bị tuột sên sao? Tránh ra anh sửa xe cho."
Cô và anh có kiểu giao tiếp rất lạ đời mà không ai nhận ra.
Người này chẳng bao giờ trả lời câu hỏi của người kia, mà toàn tiếp lời lại bằng một câu hỏi khác.
Minh Hoàng không ngại trên người đang là bộ comple đắt tiền, anh cúi người xuống chiếc xe đạp cũ kỹ bắt đầu giúp cô sửa xe.
Hai bàn tay anh sạch sẽ, khớp xương rõ ràng tinh tế, chỉ quen cầm bút ký văn kiện, giờ đây chẳng nề hà, nắm lấy sợi dây sên dính nhớt đen sì, gắn lại cho cô.
Nãy giờ cô mất gần nửa tiếng nó vẫn không vào khớp, thế mà anh chỉ mới chạm vào, mọi thứ dễ như trở bàn tay.
"Sợi sên này lỏng quá rồi, em phải tăng sên lên, nếu không nó lại tuột nữa." Minh Hoàng vừa gắn giúp cô, vừa nói cho cô biết bệnh tình của chiếc xe thời Napoleon này.
"Dạ cám ơn anh! Để mai tôi sẽ kiếm chỗ sửa xe nhờ người ta tăng sên." Giọng Thụy Khanh nhỏ nhẹ hợp tác, khác xa vẻ ngông nghênh của mấy lần gặp trước đây.
"Này, sao em lại đạp xe, tài xế nhà em đâu? Em đi dạy kèm như vậy cô chú có biết không?"
Thụy Khanh không trả lời mấy câu hỏi của anh.
Đây là chuyện riêng của cô, cho dù anh mới giúp cô, cô cũng không muốn chia sẻ chuyện nhà với anh.
"Cám ơn anh đã giúp tôi sửa xe! Xin phép anh."
"Này, sao không trả lời câu hỏi của anh? Giờ này gần 8 giờ tối rồi, đường lại xa như vậy, em định đạp xe về đến bên kia sao?"
"Có gì không được đâu.
Tôi quen đạp xe mỗi ngày rồi."
Thụy Khanh định leo lên xe, Minh Hoàng thật tự nhiên kéo tay cô lại.
Nói gì thì nói hai cô gái con ông bà Hưng cũng xem như em gái anh.
Anh không thể dửng dưng khi biết cô đang ở ngoài đường với chiếc xe thổ tả này được.
Biết rằng hiện tại vẫn còn sớm so với những người quen đi tiếp khách như anh và những người hay đi chơi khuya, nhưng với cô con gái nhà gia giáo này, anh không nghĩ bây giờ để cô một mình đạp xe quãng đường xa như vậy.
Anh đề nghị cô để xe đạp lên cốp sau xe anh, anh sẽ đưa cô về, nhưng cô từ chối thịnh tình của anh, rồi gỡ tay anh ra muốn đạp xe đi.
Anh kiên quyết ngăn lại:
"Nghe lời đi Thụy Khanh.
Nếu không anh sẽ gọi cho ba mẹ em."
"Anh cứ tự nhiên.
Đừng tưởng anh mới sửa xe cho tôi rồi nghĩ rằng anh đã có ơn với tôi.
Anh thích gọi cho ba mẹ tôi thì cứ gọi.
Nhưng tôi báo trước, ba mẹ tôi cũng không rảnh quản tôi đâu."
Tự nhiên giọng của cô có vẻ lạnh hẳn khi nhắc về ba mẹ.
Ngoài thái độ bất cần cô thể hiện ra, ẩn sâu trong đó còn là nỗi buồn và sự nhẫn nhục tủi thân, kiểu gì đấy khiến Minh Hoàng không thể giận khi cô ngang ngạnh.
Anh chỉ cảm thấy cô vô cùng lẻ loi, cô độc.
Rồi không đợi anh nói gì, cô đẩy tay anh ra đạp xe đi.
Nhìn dáng người gầy gầy, vất vả đạp ngược chiều gió, anh thấy cô thật mong manh, dường như hao gầy hơn cả Trúc Khanh.
Càng ngày anh càng cảm thấy khó hiểu và tò mò về gia đình chú Hưng.
Anh không hay mình đã bắt đầu bị cuốn vào vòng xoáy của các thành viên trong ngôi nhà này.
* * *
Chiều thứ bảy, Minh Hoàng theo lời hẹn lái xe đến nhà chú Hưng.
Vừa thấy anh ở cửa, Trúc Khanh đã chạy ra, biểu cảm vui sướng:
"Em đợi anh Hoàng lâu lắm rồi đó."
"Cô đã nói chiều con mới đến mà từ trưa nó đã ngóng con." Bà Hưng đi phía sau con gái, miệng giả vờ trách móc nhưng thái độ lại yêu chiều.
"Sao đợi anh làm chi mà không chịu ngủ trưa.
Anh hứa chiều đến dẫn em đi chơi thì anh sẽ giữ lời mà."
Minh Hoàng chào bà Hưng rồi nhìn Trúc Khanh lắc đầu, giả vờ không hài lòng.
"Em vẫn muốn chờ anh." Trúc Khanh phụng phịu.
Minh Hoàng nhìn cô bé như quá phụ thuộc vào những người bên cạnh, giờ lại đặt niềm vui, nỗi buồn của mình lên người anh, tự nhiên anh có chút áp lực và cũng thấy tội nghiệp cô.
Cuộc sống của cô quả thật nhỏ hẹp.
Anh sẽ mang cô ra ngoài, gặp gỡ mọi người nhiều hơn để mở rộng thế giới quan.
Hy vọng cô sẽ thấy ngoài anh ra còn nhiều người con trai khác ưu tú hơn.
Nhưng sợ cô cứ háo hức chờ anh như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thế là anh khuyên nhủ lần sau cô phải ngủ trưa, đừng có cả ngày mong ngóng như vậy.
Nếu cô không nghe lời, sức khỏe giảm sút, không thể đi chơi được.
Trúc Khanh không phản bác lại anh, thái độ cô hào hứng níu tay anh muốn ra ngoài ngay lập tức nên anh chẳng biết nãy giờ cô có để tâm lời anh nói hay không.
Cô bất giác khiến anh nhớ lại hình ảnh Vân Tú mè nheo với Thụy Khanh lần vừa rồi.
Chiều nay anh không thấy cô nàng quanh quẩn ở nhà, cả chiếc xe đạp cà tàng kia cũng đâu mất.
Chắc lại chạy đến nhà Vân Tú dạy kèm.
Anh không nhận ra mình tự nhiên quan tâm Thụy Khanh.
Minh Hoàng định bước vào nhà để chào ông Hưng thì bị Trúc Khanh kéo lại: "Đi đi mà, ba ở trên phòng, khỏi cần chào ba mà."
Trúc Khanh chỉ muốn anh dẫn ra đường ngay lập tức.
Phải biết cô đã chờ đợi buổi đi chơi này mấy ngày nay, giờ một phút cũng không thể đợi được nữa.
Minh Hoàng không nghe cô, anh vẫn đi vào chào ông Hưng.
Còn chưa đến cửa đã thấy ông đi ra, biểu cảm vui vẻ.
Minh Hoàng theo lệ nên xin phép ông cho anh đưa Trúc Khanh ra ngoài.
Ông Hưng đùa bảo nếu không cho con gái theo anh, ông bà sẽ không được yên ổn.
Nãy giờ Trúc Khanh ngồi trong nhà mà như ngồi trên bàn chông.
Đúng là cô đã trông anh từ sáng giờ.
Bà Hưng vẫn không yên tâm, dặn dò anh ở bên ngoài thì ngó chừng Trúc Khanh giúp ông bà.
Thái độ của hai người lớn khiến anh bỗng chốc lên tinh thần, tự nhiên thấy áp lực kinh khủng.
Anh phải trấn an, hứa sẽ chăm sóc cô cẩn thận, có vậy ông bà mới thôi lo lắng.
"Mình đi đi anh Hoàng." Trúc Khanh như không còn kiên nhẫn khi thấy ba mẹ dài dòng.
Nhìn cô nôn nóng, chẳng ai nỡ lòng giận cô.
Minh Hoàng đưa cô ra xe, giúp cô thắt dây an toàn rồi anh mới vòng sang ghế lái bên kia.
Ông bà Hưng đứng đó nhìn anh chu đáo với con gái, trong lòng vơi bớt lo lắng.
Hai người kín đáo đưa mắt nhìn nhau, tràn đầy hy vọng.
Minh Hoàng có lẽ cũng có cảm tình với Trúc Khanh.
Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Vì biết sức khỏe Trúc Khanh không được tốt nên Minh Hoàng không dám đưa cô bé đến chỗ đông người.
Lần đầu tiên anh cảm thấy áp lực, giống như đang đưa búp bê sứ đi chơi, và sợ chỉ cần một chút sơ sẩy, nàng búp bê này có thể xảy ra chuyện bất cứ lúc nào.
"Mình đi xem hòa nhạc nhé Trúc Khanh.
Anh có hai vé hòa nhạc cổ điển."
Minh Hoàng đoán cô học nhạc viện, chắc chắn sẽ thích mấy thể loại hòa nhạc này nên anh đã chuẩn bị sẵn vé.
Tiếc rằng lần này anh đã đoán sai.
Trúc Khanh lại muốn đi xem phim và đi công viên.
Chẳng phải người ta nói hai người yêu nhau phải đi xem phim và đi công viên với nhau sao? Hòa nhạc cái gì đấy chán vô cùng, Trúc Khanh nghĩ thầm.
Cô cũng có thể tự biểu diễn cho mình xem được rồi, cần gì xem của người khác.
"Để hôm khác anh dẫn em đi xem phim.
Bây giờ mình nghe hòa nhạc trước nha." Minh Hoàng dỗ dành.
Trời biết anh phải suy nghĩ vất vả thế nào để tìm ra nơi dẫn người đẹp mong manh này đi chơi.
Vào chốn đông người, anh sợ cô bé ngộp rồi xỉu.
Vậy mà cô bé lại chẳng đánh giá cao sự chuẩn bị của anh.
"Vậy lần sau anh Hoàng phải dẫn em đi xem phim đó nha.
Anh Hoàng hứa rồi đó." Trúc Khanh phụng phịu.
Minh Hoàng phải cam kết Trúc Khanh mới đồng ý.
Anh đưa cô đến chỗ hòa nhạc.
Khán phòng không quá đông, hy vọng cô không bị thiếu oxy.
Anh che chở cho cô ngồi xuống ghế VIP.
Khuôn mặt cô ánh lên niềm vui sướng.
Trúc Khanh không che giấu biểu cảm hạnh phúc khi được ngồi cùng Minh Hoàng trong không gian lãng mạn của phòng hòa nhạc, như thể hai con người yêu nhau và đang đi chơi cùng nhau.
Trúc Khanh hạnh phúc đến mức miệng mỉm cười hoài.
Minh Hoàng bên cạnh lại không nghĩ như cô.
Anh mong là thông qua những buổi đi chơi thế này, Trúc Khanh sẽ được khám phá thế giới mới.
Rồi cô sẽ nhận ra bên ngoài có biết bao nhiêu người tài hoa, xuất chúng.
Anh hy vọng thế giới quan của cô rộng mở hơn.
Cô sẽ biết mình có nhiều sự lựa chọn, hơn là chăm bẵm vào mối liên hôn giữa hai nhà.
Anh muốn giúp cô hiểu anh không phải là người đàn ông duy nhất mà cô nhìn thấy.
Ngoài kia còn nhiều người tài giỏi ưu tú hơn anh.
Như anh chàng đang độc tấu piano trên sân khấu chẳng hạn, nhìn anh ta rất nghệ sĩ, tiếng đàn thánh thót du dương, thần thái sang trọng quyến rũ.
Minh Hoàng quay sang Trúc Khanh thảo luận:
"Người nghệ sĩ này độc tấu đầy cảm xúc phải không em?"
"Anh ấy độc tấu ổn, nhưng thần thái nhợt nhạt.
Có lẽ anh ta biểu diễn nhiều nên cung cách như thói quen, chẳng có tí cảm xúc nào." Trúc Khanh nhận xét thẳng thắn có chút ngạo mạn "Em thấy anh ta biểu diễn cũng chẳng có gì đặc sắc.
Em có thể truyền tải chương một của tác phẩm Rondo a La Turka từ Sonata này dễ chịu hơn cách người nghệ sĩ này đang biểu diễn đó."
Minh Hoàng chẳng am hiểu về piano, nhưng những lời tự cao của Trúc Khanh khiến anh có chút lạ lẫm.
Cho là cô giỏi nhưng cũng không nên quá đề cao mình.
Cô bé này khiến anh có cái nhìn khác tối nay.
Vì buổi tối đi chơi dựa theo tình hình sức khỏe của Trúc Khanh nên anh không dám đưa cô đến chỗ đông người.
Nhưng dường như Trúc Khanh cũng chẳng thích xem hòa nhạc.
Anh cứ tưởng cô là dân nhạc viện, sẽ thích những buổi hòa nhạc thế này.
Nhưng cả quá trình cô chỉ muốn anh chú ý cô, hoàn toàn không để tâm đến những nghệ sĩ đang biểu diễn trên sân khấu.
Thế nên mới xem được nửa buổi, Trúc Khanh đòi anh dẫn cô ra ngoài.
Sợ cô mệt, anh định đưa cô về nhưng cô không chịu.
Cô yêu cầu ra bến Bạch Đằng chơi.
Minh Hoàng đành chiều ý cô.
Trúc Khanh lần đầu được ra ngoài không có ba mẹ bên cạnh, cô thích thú như muốn bay lên trời.
Hai người lên thuyền trên bến Bạch Đằng.
Thuyền đưa cả hai chậm chậm du ngoạn sông.
Không khí về đêm thật mát mẻ dễ chịu.
Ở bàn của hai người được người ta trang trí một nhành hồng, nhìn có vẻ lãng mạn nhưng lòng Minh Hoàng lại bất an.
Nếu Trúc Khanh mà mệt tim bất thình lình, anh chẳng biết phải làm sao.
Tàu đang di chuyển trên sông, chắc chắn không thể vào bờ kịp.
Anh ngồi trông bình tĩnh nhưng thật ra lòng âm thầm cầu nguyện cô đừng lên tim bất tử.
Có lẽ trời cũng nghe lời thỉnh cầu của anh, cả quá trình Trúc Khanh không hề biểu hiện một tí mệt nhọc nào.
Trông cô còn hưng phấn hơn cả mấy đứa trẻ ở trên thuyền lúc này.
"Trúc Khanh vui lắm sao?" Minh Hoàng nhìn cô vui như trẻ nhỏ khiến anh cứ cảm tưởng mình đang đưa đứa con nít đi chơi.
Chẳng thể nào xuống tay hay có chút tạp niệm nào.
"Em vui lắm.
Lần đầu tiên được đi chơi như vậy.
Trước giờ ba mẹ không cho em đi đâu.
Mai mốt anh Hoàng đưa em đi chơi nhiều hơn nha."
Trúc Khanh nhìn anh trông mong khiến anh không nhịn được hứa hẹn nếu cô khỏe mạnh, anh sẽ đưa cô đi chơi nhiều hơn.
Anh chỉ đang thấy Trúc Khanh tội nghiệp, nên thật tâm muốn dẫn cô ra ngoài hít khí trời.
Thái độ của anh như anh trai dành cho em gái, hoàn toàn không phải người yêu.
Thế nhưng Trúc Khanh lại đang nhận định anh thích đi với cô, nên mới hứa hẹn buổi đi chơi tiếp theo.
Trong lòng Trúc Khanh không ngừng ảo tưởng về tình yêu, và tình cảm cô dành cho Minh Hoàng bỗng chốc lại tăng thêm một bậc.
Nếu Minh Hoàng mà biết cô đang nghĩ gì, có lẽ anh sẽ nhảy sông ngay lập tức.
Thuyền chu du trên sông một tiếng rồi quay lại bến cũ.
Minh Hoàng cẩn thận dìu Trúc Khanh xuống bến.
Trên mặt cô vẫn còn ngời lên nét vui sướng hạnh phúc, chẳng có tí mệt nhọc nào.
Thế nhưng anh không dám đùa với sức khỏe của cô nên quyết định đưa cô về nhà.
Trong lòng Trúc Khanh lại có suy nghĩ khác anh.
Hẹn hò phải ăn kem nữa mới đúng.
Cô không muốn về bây giờ, thế là mè nheo đòi anh dẫn đi ăn kem.
Ban đầu Minh Hoàng không dám chiều cô vì sợ cơ thể cô chẳng chịu được lạnh.
Nhưng rồi nhìn biểu tình tội nghiệp của cô, anh lại không nỡ từ chối nữa, đành đưa cô đi ăn kem.
Vất vả vừa ăn vừa giữ cô rồi cũng xong ly kem.
Giờ cho dù cô có nhõng nhẽo thêm nữa, anh vẫn nhất quyết đưa cô về.
Anh cược là ông bà Hưng nãy giờ đang ngồi trên đống lửa, vì hiện tại đã hơn 9 giờ tối rồi.
Quả nhiên lúc anh đưa Trúc Khanh về, chuông cửa vừa reo đã thấy ông bà Hưng đích thân ra mở cửa.
Nhìn Trúc Khanh líu lo kể cho bà Hưng nghe quá trình đi chơi hôm nay, anh thấy mình cũng có chút thành tựu.
Chỉ một buổi tối, trông cô sinh động hẳn ra.
Anh muốn về cho gia đình họ nghỉ ngơi, nhưng Trúc Khanh nằng nặc muốn anh vào chơi thêm chút nữa.
Ngó biểu tình tội nghiệp của cô, ông bà Hưng đành phải nhìn anh cầu cứu.
Anh đành đi vào sân.
Đến cửa nhà chính, anh nghe tiếng con vẹt nào đó vang vang: "Có khách, có khách.
Khanh ơi, Khanh ơi!"
Tiếng con vẹt vang lớn đến mức chỏi tai, khiến người ta không thể không chú ý.
Minh Hoàng nhìn mọi người: "Nhà có nuôi chim sao ạ?"
"Con vẹt của con gái lớn chú.
Ngày thường nó treo trên phòng, không biết sao giờ nó lại ở đây." Ông Hưng lên tiếng giải thích.
Thật ra thì chủ nhân của nó vừa thấy khách đã vội vàng bỏ của chạy lấy người.
Lúc nãy Thụy Khanh ở phòng vẽ minh họa giáo án để chuẩn bị cho chuyến thực tập thì mỏi mắt, bèn chạy xuống vườn địa đàng, tiện thể mang con chim nhiều chuyện này theo cho nó hít không khí trong lành.
Ai mà ngờ lúc chủ tớ đang bay bổng thì chuông cửa reo.
Ngó thấy ba mẹ đi ra cổng đón Trúc Khanh và Minh Hoàng, Thụy Khanh không muốn chạm mặt họ, nên chạy thẳng xuống đường mòn sau bếp định chuồn lên phòng, quên luôn con vẹt.
Tiếc là còn chưa chạy xa, con quỷ này đã la hét.
Thụy Khanh không muốn ra mặt, đành nép vào cửa bếp.
Ý định của cô là đợi mấy người này vào phòng khách, cô sẽ chạy ra túm con vẹt lên phòng mình.
Nhưng hà cớ gì con quỷ này lại hét tên cô liên tục:
"Thụy Khanh dễ thương! Khanh ơi, Khanh ơi, có khách, có khách!"
(Còn tiếp).
/71
|