Đại Ca

Chương 32

/69


Hôm sau vào giờ cơm sáng, Ngụy Chi Viễn nói với bà Tống và Tiểu Bảo: “Mấy bữa nay giáo viên muốn giữ con lại buổi tối để học bù, con sẽ về hơi muộn, không cần chờ cơm đâu ạ.”



Bà Tống và Tiểu Bảo chẳng mảy may nghi ngờ, dù sao so với tiền án phạm pháp đáng sợ của Ngụy Khiêm, Ngụy Chi Viễn mới là học sinh ngoan đúng như ý nghĩa truyền thống, hiểu biết, gọn gàng sạch sẽ, theo quy củ, giỏi tự chủ, chưa từng làm việc gì quá giới hạn – ở trường Tiểu Bảo, mọi người đều biết sự nổi bật của Ngụy Chi Viễn.



Cho nên bà Tống nghe thế, lập tức chuyển hướng đối tượng công kích chính sang Tiểu Bảo: “Nghe chưa hả, nhớ phải học các anh đấy, anh hai con sắp thành sinh viên, anh ba con thì đại diện cho trường đi tham gia thi đấu, con thì sao hả?”



Tiểu Bảo không hề thấy áp lực: “Cứ để mấy ảnh đi đi, con coi nhà.”



Bà Tống giơ muôi muốn đánh, Tống Tiểu Bảo nhảy vọt ra cửa y như một con khỉ, nịnh hót mở cửa giúp Ngụy Chi Viễn, cúi đầu khom lưng nói: “Anh ba, mời anh trước.”



Ngụy Chi Viễn gật đầu cực kỳ quý phái, cầm chìa khóa xe đi trước, Tống Tiểu Bảo hớn hở bám theo y như một tiểu thái giám theo đuôi hầu hạ, quay đầu lại le lưỡi trêu bà Tống.



Con bé lớn còn thong thả hơn tốc độ nói của Lão Hùng trong khi Ngụy Chi Viễn phát triển lại gấp rút, thành thử ban đầu tuy nhìn xấp xỉ nhau, bây giờ lại như đã có chênh lệch tuổi tác rồi.



Bà Tống tức giận ném muôi, mắng Tiểu Bảo: “Bùn loãng không thể trát tướng, ôi, đồ không nên thân!”



Tối đó quả nhiên gần tám giờ Ngụy Chi Viễn mới về, bà Tống đã đến một quán lẩu làm thuê, Tống Tiểu Bảo thò đầu ra khỏi phòng: “Về rồi hả anh ba? Dưới bếp có cơm, trong nồi bà nội còn để cho anh hai quả trứng luộc đó!”



Ngụy Chi Viễn “ừm” một tiếng, mở nồi ra thấy chỉ có mỗi một quả.



Tống Tiểu Bảo vội vàng bổ sung: “Em ăn vụng một quả rồi!”



Ngụy Chi Viễn: “…”



Tống Tiểu Bảo cười hì hì: “Đúng rồi, cho anh xem cái này nè!”



Rồi con nhỏ chạy ra phòng khách, lấy một tờ bưu thiếp dúm dó dưới tấm kính lót bàn trà, gửi về từ Thanh Hải, bên trên là những dòng chữ hơi phai màu của Ngụy Khiêm, thời gian là một tháng trước, chắc vừa vặn gặp lúc tâm trạng tốt, lại nghe ai nói một câu, bèn mua gửi về xoa dịu họ.



Tiếc rằng gã xoa dịu cũng không chịu nghiêm túc, viết thông tin địa chỉ xong thậm chí chẳng được câu nào, chỉ vẽ hai con rùa be bé, một con trọc lóc xem như rùa nam, một con cài hoa trên đầu xem như rùa nữ, hai con rùa ngoan ngoãn chơi đùa với nhau, bao hàm toàn bộ tin tức anh hai gửi về – Ngụy Chi Viễn và Tống Tiểu Bảo hai đứa nhãi tụi bay ở nhà ngoan ngoãn cho bố.



Vị “Thần Quy chân nhân” kia làm hư người ta không biết mệt mỏi, bất giác có ảnh hưởng sâu sắc tới thẩm mỹ quan và tế bào nghệ thuật của Ngụy Khiêm.



… Gã đã mắc bệnh cả đời rảnh rỗi thích vẽ rùa.



Tim Ngụy Chi Viễn đập mạnh không cầm được. Đã hơn nửa tháng không có tin tức của Ngụy Khiêm, Tiểu Viễn tự dưng nhớ tới bàn tay nồng nặc mùi nước hoa kia, không nhịn được hỏi: “Ảnh không gọi điện thoại à?”



“Không ạ,” Tống Tiểu Bảo nói, “Anh ba, Thanh Hải có thịt bò khô Tây Tạng đúng không? Ngon chứ anh?”



Ngụy Chi Viễn thở dài, không thèm trò chuyện bình thường với con bé nữa: “Sao mày chỉ biết ăn thôi vậy.”



“Trời ơi, anh đừng học cách nói chuyện của anh hai, học có giống đâu, phải thế này này…” Tống Tiểu Bảo khoát tay, sau đó đanh mặt quắc mắt, hạ giọng nói ngắn gọn mà hung ác, “Ranh con chỉ biết ăn!”



Con nhỏ ngày càng giỏi bắt chước, giống y như đúc vậy. Ngụy Chi Viễn không nhịn được cười theo Tiểu Bảo, dáng vẻ đanh mặt mắng con bé của anh hai tưởng như gần ngay trước mắt.



Tiểu Bảo về phòng rồi, Ngụy Chi Viễn mới ngồi xuống, lấy quyển sổ ghi chép bí mật ra, viết thêm mấy chữ “quản lý kho, ca ba” sau “xưởng chế biến thịt”, tiếp đó dựa theo trí nhớ, dựng lại hoàn chỉnh thời gian biểu ca trực.



Bí mật đầu tiên mà thiếu niên khác viết vào sổ, thông thường toàn là mấy chuyện yêu đương nhăng nhít, quyển sổ ghi chép bí mật đầu tiên của Ngụy Chi Viễn lại ghi toàn bộ tung tích của một kẻ khiến người ta phải sởn gai ốc.



Theo thời gian trôi qua, các nội dung như họ tên, hoàn cảnh gia đình, thời gian làm việc, thói quen sinh hoạt của tên biến thái kia đã chi tiết đến mức phải giật mình.



Mới đầu Ngụy Chi Viễn chỉ để ý đến trung tâm hoạt động cộng đồng, có điều cô giáo dẫn dắt tuy còn trẻ nhưng trông coi rất nghiêm, tên biến thái vẫn chỉ có thể nhìn từ xa chứ chưa từng vào. Mà sau ngày Quốc tế thiếu nhi, các bạn nhỏ đã hoàn thành buổi biểu diễn, không còn đến tập nữa.



Tên biến thái dường như rất không cam lòng, nhưng cũng chẳng có cách chi, có người lớn ở đó, dẫu chỉ là một cô gái trẻ ốm yếu như chim non thì hắn cũng không dám làm gì. Vài ngày sau, tên này liên tục lảng vảng gần đó.



Ngụy Chi Viễn liên tục bám theo hắn, nhưng theo dõi hay ghi chép đều thế, lúc này nó vẫn chỉ thuận tiện góp nhặt các tin tức chứ chưa biết nên làm sao, nó không phải là loại tính tình nóng nảy giết người không chùn tay như Ngụy Khiêm, làm bất cứ việc gì đều quen thuyết phục bản thân trước.



Ngụy Chi Viễn đóng sổ, khóa lại cất kỹ, sau đó nhìn chằm chằm cái cốc uống nước mà ngây ra một lúc – cốc là của anh hai, thật ra Ngụy Chi Viễn có cốc của mình song không thích dùng mà thích uống ké anh hơn, nước sôi để nguội nhạt thếch y như nhau, nhưng trong cốc của anh hai như có mùi vị vậy.



Ngụy Khiêm chưa từng để ý việc nhỏ nhặt thế này, mặc cho nó uống… có điều uống xong phải rót đầy lại, nếu không sẽ bị mắng.



Nó khó lòng kiềm chế nhớ rất nhiều chuyện liên quan đến Ngụy Khiêm, đồng thời càng lúc càng giận anh hai hơn.



Ngụy Chi Viễn quyết định dùng bạo lực lạnh để phản kháng ông anh tự cho là người lớn kia đến cùng, dù anh hai lại gọi điện, nó cũng tuyệt đối không nghe.



Nhưng qua hơn nửa tháng, Ngụy Khiêm chưa từng gọi một cú điện thoại, sau tờ bưu thiếp kia thì tuyệt nhiên không còn tin tức nào gửi về.



Thời tiết ngày một oi bức hơn.



Ngay cả bà Tống cũng không kiềm chế được, chủ động bảo Tống Tiểu Bảo gọi vào di động của Ngụy Khiêm – tiền điện thoại không nhìn thấy cũng không sờ được đã sinh ra khiến bà sợ hãi, chỉ cần nhà chưa cháy thì bà sẽ không dùng điện thoại, cũng không cho người khác dùng.



Nhưng không gọi được, Ngụy Khiêm đã tắt máy.



Bà Tống nóng lòng như lửa đốt, lập tức muốn đi tìm Tam Béo ở tầng trên. Với bà lão, Ngụy Khiêm tuy là một thằng ôn dịch đầu đất, nhưng cũng là trụ cột trong nhà, trụ cột vắng mặt, trừ Tam Béo ra thì bà căn bản không biết nên tìm ai để bàn bạc.



Ngụy Chi Viễn lại bình tĩnh ngăn cản: “Tìm anh Tam cũng vô dụng, cùng lắm là ảnh gọi vài cú điện thoại thôi, Tiểu Bảo không gọi được, chẳng lẽ ảnh gọi được sao?”



Bà Tống ngửa đầu nhìn cậu bé đã cao hơn mình: “Vậy con nói phải làm sao đây?”



Ngụy Chi Viễn ngẫm nghĩ: “Bà nói anh hai con đi với ai? Cái ông mở hiệu thuốc kia à?”



Bà Tống mất bình tĩnh gật đầu.



Ngụy Chi Viễn: “Bà cho con địa chỉ đi.”



Hôm ấy vừa vặn là cuối tuần, Ngụy Chi Viễn cầm theo tấm bưu thiếp cuối cùng Ngụy Khiêm gửi về và địa chỉ bà Tống cho, đạp xe đến hiệu thuốc của Lão Hùng, nó bình tĩnh như đang giải quyết một đề toán rườm rà, từng bước một, đâu vào đấy, điềm tĩnh đến bất thường.



Chờ bà Tống cũng bình tĩnh lại, nhìn Tiểu Bảo rõ ràng ỉu xìu, rồi lại nhớ đến khuôn mặt cậu bé không kích động chút nào, trong lòng bắt đầu không vui lắm.



Người thân nhất mất đi tin tức, đi mãi chưa về, người bình thường chẳng lẽ không nên mất bình tĩnh sao?



Cho dù chỉ là mất bình tĩnh một lúc… Phản ứng của Ngụy Chi Viễn vượt hẳn bạn cùng lứa, nhưng bà Tống cũng không khỏi hơi lạnh tim.



Trước kia bà cảm thấy thằng bé này lanh lợi, thấu tình đạt lý, bây giờ lại không thể không bắt đầu hoài nghi nó chẳng có tình cảm.



Ngụy Chi Viễn tìm đến hiệu thuốc của Lão Hùng, theo tính nết chết tiệt của lão, nhân viên lại là một người tạm thuê làm thời vụ, còn chưa quen với hiệu thuốc một người đóng nhiều vai, hỏi gì cũng không biết.



Ngụy Chi Viễn hỏi anh ta cách liên lạc với Lão Hùng, lại khen vài câu, rồi dùng điện thoại trong tiệm gọi cho lão, nhưng đối phương cũng tắt máy.



Trong lòng Ngụy Chi Viễn như trĩu một tảng đá, lạnh ngắt mà nặng trịch, muốn dìm cả ba hồn bảy vía xuống, nó đành phải ra sức giằng co với tảng đá nặng trĩu kia, ép mình làm việc chính xác.



Cậu nhóc và anh nhân viên ông gà bà vịt rất lâu, rốt cuộc anh nhân viên nhớ ra trong ngăn kéo có một tờ thông tin cá nhân của ông chủ, trừ địa chỉ liên lạc và cách gửi tin thì hình như còn một người để liên hệ khẩn cấp.



Cứ thế, Ngụy Chi Viễn tìm được vợ Lão Hùng.



Nhưng vừa bắt máy thì bên kia lại truyền ngay đến một giọng nữ đầy lo lắng, bất chấp trắng đen hỏi luôn: “Lão Hùng? Là Lão Hùng à?”



Câu này hoàn toàn xóa hết hi vọng trong lòng Ngụy Chi Viễn.



Đến lúc này thì Ngụy Chi Viễn rốt cuộc biết, anh hai thật sự mất liên lạc rồi.



Rời hiệu thuốc, Ngụy Chi Viễn lập tức đi báo công an, một chị cảnh sát trong ca trực thấy nó là một đứa trẻ nhơ nhỡ, nên kiên nhẫn hỏi han rất nhiều về tình hình cụ thể.



Nhưng Ngụy Chi Viễn hoàn toàn chẳng biết gì hết – Ngụy Khiêm chỉ gọi về khi vừa đi được vài hôm, song do Ngụy Chi Viễn dỗi không chịu nói chuyện nên Ngụy Khiêm chỉ trêu Tiểu Bảo vài câu, báo bình an với bà nội, dăm ba câu rồi cúp luôn, tin tức mỗi lần để lại đều ít đến là thảm.



Ngụy Chi Viễn đành phải lấy bưu thiếp ra cho chị cảnh sát coi, chị cảnh sát nhận lấy, xem cẩn thận dấu bưu điện và ngày tháng rồi lắc đầu: “Em trai à, bọn chị có thể thụ lý, cũng có thể theo hành trình và ngày tháng ghi trên này để giúp em tra vị trí của anh em vào lúc ấy, nhưng rất có thể cậu ấy chỉ đi ngang qua mà không phải mất tích ở đây, em hiểu chứ? Ngay cả người ta mất tích lúc nào và nơi nào mà em cũng không biết, hi vọng tìm được sẽ rất xa vời, em phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nhé.”



Trong chớp mắt, biểu cảm khi Ngụy Chi Viễn nhìn chị cảnh sát có vẻ hoang mang và luống cuống, giống như bị biến cố thình lình xảy đến đập ngất đi, nhưng chỉ lát sau nó đã kiềm chế được, tầm mắt thu lại.



Nữ cảnh sát nhận thấy điều gì đó từ phản ứng của nó, vì thế dịu dàng hỏi: “Nhà em còn người lớn không?”



“Chỉ còn một bà nội, già lắm rồi.” Ngụy Chi Viễn định thần lại, cúi gằm xuống, lát sau nói, “Cảm ơn chị nhé!”



Nói xong Ngụy Chi Viễn đứng dậy rời khỏi, nó đã làm tất cả những gì có thể nghĩ đến.



Không còn kế gì khả thi nữa.



Ngụy Chi Viễn đạp xe đều đều về nhà, giữa đường đến một nơi không người, nó đột nhiên giẫm đất thắng xe lại, sau đó từ từ khom lưng, gục lên tay lái, vùi mặt vào cánh tay.



Tấm lưng thiếu niên phát triển nhanh chóng mà có vẻ gầy gò cong như dây cung, Ngụy Chi Viễn rốt cuộc không giữ được tảng đá trong lòng nữa, mặc cho nó rơi thẳng xuống, từ phế phủ đau đến thấu tim.



“Mình phải làm sao đây?”



Nó hoàn toàn mù tịt, trong lòng từ ồn ào náo loạn dần chuyển thành chẳng còn âm thanh gì, cuối cùng chỉ sót lại một câu hỏi không đáp án.



Anh hai đi xa như vậy.



Nếu ảnh thật sự cứ thế… cứ thế… không bao giờ quay về nữa?



Phương xa bao la vô biên, hi vọng le lói như đom đóm.



Kể từ lúc sinh ra, “sự bất lực” dường như xuyên suốt mỗi một ngày trong cuộc đời nó.



Tối đó mãi đến khi có tiếp sóng thời sự, Ngụy Chi Viễn mới mở cửa bước vào, Tiểu Bảo và bà Tống cùng ngẩng đầu nhìn nó đầy mong chờ.



Bà Tống hỏi: “Sao rồi?”



Ngụy Chi Viễn nét mặt đờ đẫn đi vào giữa phòng khách, ngồi ngay ngắn trên sofa.



Nó thuật lại rõ ràng những điều đã nghe đã làm cả một buổi chiều, sau đó hắng giọng, ngẩng lên nhìn lướt qua mặt bà nội và Tiểu Bảo.



Ngụy Chi Viễn thong thả đưa ra quyết định: “Bây giờ chúng ta hết cách rồi, chỉ có thể chờ tin tức, nếu anh hai… thì về sau sẽ là con nghỉ học nuôi gia đình.”



Bà Tống nhảy dựng lên, đỏ mặt tía tai giậm chân đùng đùng: “Nhổ ngay nhổ ngay, trẻ con nói dỗi không thèm kiêng dè! Ranh con nói bậy bạ gì đó hả?”



“Bà nội.” Ngụy Chi Viễn ngồi thẳng dậy, lẳng lặng nhìn bà, “Con nghe nói lúc mồ côi cha mẹ, anh hai cũng chỉ xấp xỉ con bây giờ, từ nay về sau, việc ảnh có thể làm, con cũng làm được, ảnh có thể gánh vác gia đình, con cũng gánh được, bà cứ yên tâm.”



Bà Tống sững sờ nhìn nó.



Tiểu Bảo lại bỗng nhiên đỏ hoe vành mắt, chớp chớp mắt, rồi lệ rơi lã chã, con bé khẽ kéo Ngụy Chi Viễn, nói: “Anh ba, dù sao em cũng dốt nát, để em nghỉ học là được, em còn có thể coi như mình là chuột sa chĩnh gạo.”



Ngụy Chi Viễn nhìn con bé chăm chú, sau đó dường như học theo động tác của ai đó trong trí nhớ, gượng gạo đặt tay lên đầu Tiểu Bảo.



Nó nói: “Mày có thể làm gì? Mày vừa bé tí vừa yếu xìu, rời trường là bị bắt nạt liền.”



Không biết vì sao, nghe câu này Tiểu Bảo càng khóc nức nở.



“Anh hai phải liều mạng mới đi đến hôm nay, chỉ cần còn một hơi thở thì chắc chắn ảnh sẽ về trước khi khai giảng – đừng khóc, không sao đâu.” Ngụy Chi Viễn nói không hề hoảng hốt, sau đó nặn ra nụ cười không thành công lắm, lại quay sang bà nội, “Sau này cứ đến tối hoặc là trời mưa trời gió, con sẽ đạp xe tới đón bà.”



Ngụy Chi Viễn dốc sức điều chỉnh bầu không khí trong nhà, dốc sức muốn trở thành một trụ cột mới.



Nhưng đêm khuya tĩnh mịch, nó ngồi một mình sau cái bàn học con con, lại không nghĩ ra anh hai năm đó nuôi nấng Tiểu Bảo, chèo chống căn nhà dột nát bằng cách nào.



Lúc nhỏ nó thường xuyên nói ngông, hở chút là đòi “nuôi gia đình”, mà nay rốt cuộc không còn chỗ dựa, sự sợ hãi sâu dưới đáy lòng tưởng như muốn đè nó bẹp gí.



So với lúc nhỏ ngây thơ, chỉ dựa vào một chút thông minh và vận may trời sinh lang thang khắp nơi, so với khi cầm ống tuýp đối mặt với tên biến thái, thậm chí so với khi theo anh hai cẩn thận chạy trốn còn sợ hãi hơn.



Bởi vì nó không thể ngây thơ, không thể làm việc bằng nhiệt huyết xúc động trong lòng, cũng không còn một ai để trông chờ nữa.



Trên có bà nội, dưới có Tiểu Bảo, nó phải chăm sóc họ, còn cả mẹ anh Mặt Rỗ trong căn nhà lụp xụp đối diện, anh hai sẽ không cho phép nó bỏ mặc bà ấy.



Nó cảm thấy một loại áp lực gần như tối tăm ngột ngạt.



Ngụy Chi Viễn hít sâu một hơi, thầm hỏi lòng mình: “Anh hai sẽ làm thế nào đây?”



Nó dựa ghế, cố gắng để nỗi lòng thấp thỏm ổn định lại, bắt đầu hồi ức dài lâu đối với tất cả về Ngụy Khiêm.



Ngụy Chi Viễn giống như đang nghiêm túc cẩn thận giải một bài toán, cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yêu cầu lớn bé trong cuộc sống, suy nghĩ xem phải giải quyết bằng cách nào.



Mà dù có chuẩn bị xấu nhất, trong lòng Ngụy Chi Viễn lại vẫn không chịu thừa nhận Ngụy Khiêm tự dưng mất tích, nó vẫn kiên định cho rằng, dẫu mùa hè này không về, trước mùa thu kế tiếp anh hai nhất định cũng quay lại thôi.



Điều này dường như đã trở thành tấm phao cứu mạng cuối cùng trong lòng nó.



Chớp mắt đã gần đến cuộc thi cuối kỳ, Ngụy Chi Viễn vẫn chạy tới đồn công an mỗi ngày, nhưng trừ thỉnh thoảng được một hộp sủi cảo hoặc bánh thì chẳng có lấy một tẹo tin tức về anh hai.



Mỗi lần thất vọng quay về, Ngụy Chi Viễn sẽ cảm thấy mình đã bị dồn đến bước đường cùng.



Trên đường về vừa vặn phải qua một đoạn hẻo lánh gần trường tiểu học, trời đã rất tối, Ngụy Chi Viễn bất ngờ lại nhìn thấy tên biến thái kia – do việc gia đình nên lâu lắm rồi nó chẳng còn sức lực để theo dõi.



Chỉ thấy tên biến thái kia cầm mấy cây kẹo mua ven đường, khom lưng nói chuyện với một bé trai sáu bảy tuổi.



Thằng bé đó trông khá ngốc, chắc đầu óc hơi đần, tên kia nói chuyện quá nhanh, khiến nó chẳng hiểu gì hết, nhưng bản năng mách rằng đối phương có ý đồ xấu, không tự chủ được lui lại một bước.



Tên biến thái thò bàn tay dê xồm túm vai thằng bé, đúng lúc này, hắn đột nhiên bị đụng mạnh từ đằng sau.



Ngụy Chi Viễn giả vờ không thắng được xe xô hắn ra, lạnh lùng nói: “Chó khôn chớ cản đường.”



Nó đã lớn hơn rất nhiều, lại thêm tối như hũ nút, đối phương căn bản chẳng nhận ra nổi, chỉ là đột nhiên bị phá bĩnh nên hơi bối rối rụt lại, Ngụy Chi Viễn khom lưng xách thằng nhỏ kia ném lên sườn ngang của xe, bực bội nói: “Ngồi yên đừng có ngọ nguậy.”



Sau đó lập tức chở thằng nhỏ đi.



Thằng bé quả nhiên phản ứng chậm chạp, đi xa tít rồi mới ngơ ngác nhìn Ngụy Chi Viễn nói: “Anh ơi, em không biết anh.”



Ngụy Chi Viễn: “Tao cũng không biết mày.”



Đầu óc thằng nhóc không đủ để hiểu đối thoại kiểu này, nó tròn mắt, không biết nên nói gì, Ngụy Chi Viễn chạy thẳng ra khỏi ngõ nhỏ chật hẹp, mới thả nó xuống giao lộ náo nhiệt: “Đi đi.”



Sự nôn nóng và tuyệt vọng khi không tìm được anh hai và áp lực đến từ người nhà sắp phải đối mặt cùng tạo ảnh hưởng, rốt cuộc nhen lên cảm xúc tiêu cực kìm nén đã lâu trong lòng Ngụy Chi Viễn.



Mà sự việc tối nay, khiến Ngụy Chi Viễn cho rằng mình đã tìm được một lý do – nó quyết định phải giết chết tên đó.



Giống như nhất định phải thế thì nó mới có thể tìm lại đôi chút sức khống chế với cuộc sống bất lực.


/69

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status