Danh Viện Công Lược

Chương 72

/73


Editor: Selene Lee

Sự loạn lạc ở Bắc Bình không những không giảm mà còn ngày càng nghiêm trọng hơn. Các thế lực tranh giành lẫn nhau, chiến sự bắt đấu nhen nhóm, dẫn đến việc Lăng Liên Phong phải từ chức vì trách nhiệm. Vị tân thủ tướng không có năng lực như ông ta, cũng không biết cân nhắc thiệt hơn chỗ người Nhật, dẫn đến sự bất mãn của họ, người Nhật lấy lý do bị mất hai binh sĩ để phát động chiến tranh đánh Bắc Bình.

Rất nhiều người đã chạy vào Nam, ngày nào ga Bắc Bình cũng chật kín người, phần lớn trong số họ đều muốn tìm một lối thoát phía bên kia bờ Trường Giang.

Thế cục nơi Bắc đã loạn lạc, mà chốn Nam này cũng chẳng còn yên bình.

Sau khi đã vững thế, người Nhật bắt đầu đưa thuyền bè và quân đội vào đất Trung Hoa, chèn ép các tô giới, thậm chí họ còn yêu cầu mở rộng thêm đất đai khiến Anh, Pháp, Mĩ bất bình. Vậy mà không ngờ người Nhật còn gan đến mức bao vây một tòa cao ốc rồi bắn chết một người Tây.

Tất nhiên phía họ giận giữ lắm, nhưng mấy năm này xa quê, cuộc sống yên bình, căn bản họ không còn chút giá trị võ lực nào nữa. Quê quán lại xa cách nghìn trùng, Nhật Bản là láng giềng thân cận, họ không tài nào so vũ khí lại nổi, đành phải im hơi lặng tiếng mà thỏa hiệp.

Kể từ đó, người Nhật ngày càng hống hách hơn, thường xuyên gây chuyện tại Thượng Hải. Mà phía chính phủ, quả nhiên như Thiệu Hoa đã dự đoán, từ việc chăm lo đất nước biến thành một đám nịnh bợ người Nhật.

Ban đầu Hứa Lộc không dám liên lạc Phó Diệc Đình, nhưng thế cục đã thay đổi, cô cũng đành phải phát điện báo, anh sẽ giúp cô giải quyết công việc từ xa. Bây giờ cô chỉ ngủ được nhiều lắm là năm tiếng một ngày, chỉ hận không thể phân thân ra làm việc, may là còn vài người giúp đỡ đắc lực, lại có Phó Diệc Đình bày mưu tính kế, cô đã nắm rõ quy cách, mưu mẹo làm ăn.

Hôm đó Hứa Lộc lại dậy lúc năm rưỡi như cũ, cô vươn vai vào nhà vệ sinh để rửa mặt. Dạo này cô ngủ rất say, không có báo thức sẽ không dậy nổi, vừa mở mắt đã phải đối diện với đám tài liệu chồng như núi, hẳn là mấy năm nay Phó Diệc Đình cũng không qua dễ dàng.

Thím Lưu luôn ở cạnh cô để chăm lo miếng ăn, giấc ngủ, dần dà đã thân thiết với cô hơn, không còn khách sáo như thuở ban đầu nữa.

Nghe thấy tiếng rồi giường, thím Lưu vào thu dọn quần áo giúp cô rồi nói: “Bà chủ, tôi muốn hỏi bà chuyện này ạ.”

Hứa Lộc vừa đánh răng vừa nhìn bà, tỏ vẻ không hiểu: “Có chuyện gì ạ?”

“Có phải bà chưa đến kỳ hai tháng rồi không?”- Thím Lưu hỏi nhỏ. Ngày nào bà cũng giặt quần áo cho bà chủ, biết những chuyện riêng tư như thế cũng bình thường.

Hai tháng nay Hứa Lộc bận tối mặt tối mũi, làm gì có thời gian nghĩ đến kinh nguyệt, bây giờ bà ấy nhắc cô mới nhớ hình như hai tháng rồi cô chưa có, bèn gật đầu. Thím Lưu nói ngay: “Bà chủ, chuyện kinh nguyệt là chuyện quan trọng, phụ nữ chúng ta không lơ là được đâu ạ. Nếu có mệnh hệ gì, tương lai sẽ khó sanh đẻ, hay là…?”- Mắt bà sáng lên khi nói đến lời phía sau.

Dựa theo “tần suất” lúc ông chủ còn ở nhà, hoàn toàn có thể có “khả năng đó”. Nhưng mà trước nay bà chủ vẫn luôn qua loa đại khái, sợ là sẽ không vui…

Hứa Lộc biết ý bà, lòng cô rơi “lộp bộp”xuống. Bây giờ mà có con thật, sợ không phải tin vui. Cô bèn bảo thím Lưu: “Bây giờ tôi sẽ đến bệnh viên ngay, thím cứ giữ bí mật trước đã.”

Thím Lưu gật đầu.

Thế là Hứa Lộc ngồi xe riêng đến bệnh viện, bác sĩ là một người Tây, sau khi nghe cô miêu tả triệu chứng, ông bèn bảo y tá đưa cô đi kiểm tra. Một lát sau, vị bác sĩ kia cầm kết quả rồi gọi Hứa Lộc vào phòng khám một lần nữa. Ông nói với điệu chúc mừng: “Thưa bà, chúc mừng bà, bà đã có thai rồi ạ. Đây là kết quả kiểm tra.”

Hứa Lộc ngẩn ra đó, cầm tờ kết quả mà còn thấy như trong mơ. Lòng cô bây giờ vừa mừng vừa lo, không có Phó Diệc Đình ở đây, thế cuộc lại loạn, sống còn chưa nổi nữa, cô phải bảo vệ con như thế nào đây?

Nó tới không phải lúc quá.

Hứa Lộc cầm báo cáo ra khỏi bệnh viện, lúc lên xe rồi vẫn còn ngơ ngác.

Tài xế là chú Lâm cảm thấy cô không ổn, cho là có chuyện gì rồi, bèn hỏi với vẻ quan tâm: “Bà chủ, bà vẫn khỏe chứ ạ?”

Hứa Lộc lắc đầu, bây giờ cô cũng không biết phải trả lời thế nào nữa. Y tế thời này còn lạc hậu, sinh con đã là dạo quỷ môn quan một vòng rồi chứ nói chi là phá thai. Chưa hết, sao cô có thể nỡ lòng bỏ đi sinh mạng bé bỏng này đây? Nếu Phó Diệc Đình biết, chắc chắn anh cũng không cho phép. Từ lúc ban đầu còn sợ hãi, hiện cô đã bình tĩnh rồi, thậm chí còn thấy mừng vui nữa.

Đó chính là bản năng của một người mẹ, cô không gạt được chính mình. Đứa bé này, dù có khó khăn thế nào đi nữa, cô cũng phải sinh con ra.

“Chú Lâm, phiền chú đưa tôi đến nhà họ Phùng, tôi có chuyện muốn gặp mẹ.”

Chú Lâu gật đầu, khởi động xe rồi rời khỏi bệnh viện.

Phùng Thanh đã đến Nhật Thăng làm việc, đãi ngộ khá khẩm, mà giám sát Vương cũng hay ngợi khen. Con bé này đã hiểu chuyện hơn rồi, có thể là do cuộc sống loạn lạc, nó biết thương chị nên mới san sẻ việc nhà.

Lý thị đang ngồi đọc báo một mình trong phòng khách, bây giờ thì bà quan tâm chuyện “quốc gia đại sự” lắm. Nghe thấy tiếng mở cửa, bà bèn ngoảnh ra nhìn.

“Tiểu Uyển, sao con lại về đây?”- Lý thị đặt ngay tờ báo xuống để ra đón con. Bây giờ lúc nào con bé cũng bề bộn, một tháng bà chẳng gặp được nó mấy lần, bản thân cũng thấy lo lắng lắm.

Hứa Lộc không biết phải tâm sự với ai, người đầu tiên cô nghĩ đến là Lý thị, bèn cúi đầu nói: “Mẹ, con mang thai rồi, đã được hai tháng.”

Thoạt đầu, Lý thị khẽ há hốc, sau đó bà nắm ngay lấy tay con: “Con đã đi khám rồi sao? Mang thai thật?”

Hứa Lộc gật đầu đầy nặng nề.

Lý thị nở nụ cười: “Tốt, tốt, mang thai thì tốt! Đã mang thai thì phải mẹ tròn con vuông, con đừng sợ, có mẹ ở đây, mẹ cho con mang!”- Bà kéo con gái ngồi xuống: “Vậy thì con không thể bận bịu như này nữa, không tốt cho đứa bé. Thế này đi, con dọn về đây hoặc là mẹ sẽ sang nhà bên đó để chăm sóc cho con.”

“Mẹ, nhà con nhiều người rồi mà, mẹ đừng nhọc lòng…”

Lý thị ngắt lời cô: “Làm sao mẹ yên tâm cho được? Phải tự mẹ chăm con mới tốt, đây cũng là cháu ngoại của mẹ mà. Hôm khác mẹ sẽ đến bệnh viện để báo tin tốt này cho cha con.”

Lần gần nhất Hứa Lộc gọi cho bệnh viện, bác sĩ đã báo tin e là Phùng Dịch Xuân không qua nổi tháng này. Cô chưa nói cho mẹ vì sợ bà chịu không nổi. Nhưng ông ấy cũng đã khổ sở quá lâu rồi, hẳn Lý thị cũng đã cảm nhận được nên chưa bao giờ bà nói muốn đưa chồng về nhà mà cứ chạy đến bệnh viện chăm nom.

Đối với cha Phùng mà nói, cái chết chính là sự giải thoát.

Rồi Lý thị lại dặn dò Hứa Lộc đủ điều: Nào là mang thai phải ăn gì, không được sống qua loa, ba tháng đầu còn rất nguy hiểm, dặn xong bà còn đi gọt cho cô rất nhiều táo.

Đang lúc này, bỗng tiếng điện thoại reo inh ỏi.

Người nhận thoại là người giúp việc, bà chạy đến tìm Lý thị ngay: “Bà chủ ơi, phía bệnh viện muốn gặp bà ngay ạ, họ nói là ông chủ… Sợ ông chủ không được nữa rồi ạ.”

Lý thị cứng đờ người, trái táo gọt chưa hết vỏ rơi xuống đất.

Hai mẹ con chạy vội đến bệnh viện, song lúc này người Phùng Dịch Xuân đã đắp vải trắng, máy móc đều đã được rút ra cả. Bác sĩ và y tá đợi họ với vẻ thương tiếc. Lý thị nhào qua ôm lấy xác chồng mà khóc to.

Mặc dù Hứa Lộc không phải Phùng Uyển thật, cũng không qua lại nhiều với “cha mình”, nhưng bây giờ cô cũng không kìm được sự đau khổ. Sau khi nói lời chia buồn với hai mẹ con, bác sĩ và y tá lui hết ra ngoài để họ ở lại với chồng, với cha mình.

Lý thị cứ khóc mãi, Phùng Thanh cũng đã đến.

Thật ra cô nàng cũng đã chuẩn bị tinh thần rồi, dù sao mấy lần trước bác sĩ cũng đã dùng lời tế nhị để tả lại sự sa sút của Phùng Dịch Xuân, với điều kiện y học hiện tại, sợ sẽ không chống đỡ nổi nữa, cả việc ăn uống cũng khó khăn vô cùng.

Dù có là thế, nhưng dù sao ông cũng là cha Phùng Thanh, vì thế cô cũng ôm mẹ mà khóc.

Một lúc lâu sau, y tá đến để đưa Phùng Dịch Xuân đi, Hứa Lộc và Phùng Thanh đỡ mẹ dậy, họ ngồi xuống một băng ghế dài ngoài căn phòng, an ủi mãi.

Lý thị lau nước mắt bằng khăn tay, giọng nức nở: “Các con đừng lo, mẹ đã biết từ sớm rồi… Mà các con cũng gạt mẹ, hôm đó mẹ đã nghe bác sĩ nói với y tá…”- Nói đến đây, bà lại bật khóc to.

Tang lễ của Phùng Dịch Xuân rất đơn giản, Hứa Lộc chọn một nhà thờ gần khu mộ rồi mời một cha xứ đến chủ trì, hạ táng. Chỉ có hai cha con Thiệu Hoa và Phùng Tiên Nguyệt đến dự lễ,

Mưa phùng bay lất phất, hai cô con gái đỡ Lý thị lên trong bộ đồ đen, vừa khóc vừa nhìn cảnh lấp đất, dựng mộ bia, từ biệt với người chết một lời cuối cùng.

Sau khi nghi thức hoàn thành hết, Lý thị dâng hoa, đoàn người lại quay về nơi nghỉ dành cho những người đến thăm viếng. Bây giờ Phùng Tiên Nguyệt và Phùng Kỳ phải dựa cả vào Hứa Lộc, thành ra thái độ cũng biết lễ hơn rất nhiều. Phùng Tiên Nguyệt nói với Lý thị: “Em dâu, em hãy nén bi thương. Lão Ngũ bệnh tật triền miên, đây âu cũng là giải thoát. Tiểu Uyển đã chọn một nơi rất phù hợp, em có thể yên tâm rồi.”

Lý thị gật đầu: “Anh cả, là anh có lòng rồi.”

Phùng Kỳ cũng an ủi Lý thị vài câu, đoạn đưa phong bì rồi hai cha con mới về.

Phùng Thanh rì rầm: “Bây giờ thì bác cả và anh họ khách sáo nhỉ, còn không phải là nhờ chị gửi trả hiệu buôn, chừa cho họ đường sống sao? Hồi xưa họ hống hách…”

Lý thị thở dài: “Tiểu Thanh, chuyện gì đã qua rồi thì hãy quên đi con ạ, dù sao cũng là người một nhà, môi hở răng lạnh. Bây giờ họ chịu đến đưa cha con một đoạn cuối cùng, cũng xem là tận tâm rồi.”

Phùng Thanh không rộng lượng như mẹ, cô nàng vẫn còn nhớ chuyện họ chèn ép gia đình mình như thế nào.

Hứa Lộc nôn khan hai cái.

Hai mẹ con Phùng Thanh nhìn cô đầy lo lắng, Hứa Lộc lắc đầu, tỏ ý không sao. Trước kia cô không cảm thấy gì, nay số lần nôn khan đã tăng nhiều lắm.

Hai cha con Thiệu Hoa đến, cũng đưa một phong thư cho Lý thị. Thiệu Hoa nhìn Hứa Lộc, biết ông có lời muốn nói, cô bèn đứng dậy đi theo. Thiệu Hoa giao cho cộ một phong bì dầy cộp: “Đây là tin của bạn bác ở Hương Cảng. Bác biết con vẫn hay liên lạc với cậu ấy, nhưng điện báo không nói được nhiều, đây là tin ổn định hơn.”

Hứa Lộc nhận lấy, cảm kích vô cùng: “Bác Thiệu, xin cảm ơn bác.”

Thiệu Hoa lắc đầu: “Bác đã trả hết nợ ân tình cho cha con, cũng không còn ràng buộc gì ở Thượng Hải nữa, bác sẽ đưa Tử Duật và Bích Tâm về Hương Cảng ngay thôi. Thời thế đã không còn yên bình, không thể ở Thượng Hải nữa, hay ngày trước bác đã thấy người Tây dọn đi cả rồi. Sợ là người Nhật sẽ còn càn rỡ hơn, các con không định đi chung với gia đình bác sao?”

Hứa Lộc lắc đầu theo bản năng: “Con cảm ơn lòng tốt của bác, nhưng chuyện phía Lục gia còn nhiều, con không thể giao lại hết, sợ là không đi được. Nếu không con sẽ thấy có lỗi với những người đã từng theo anh ấy.”

“Vậy các con nhớ phải cẩn thận nhiều hơn, có gì không ổn hay đến Hương Cảng ngay.”- Thiệu Hoa nói xong thì từ giả Lý thị.

Thiệu Tử Duật cố tình đi cuối để nhét một tờ giấy nhỏ vào tay Hứa Lộc, anh ta không nói gì cả. Hứa Lộc mở ra thì thấy một dòng địa chỉ của Tô Châu, lại có tên Mạt Lỵ, hẳn ý anh ta mong cô có thể chiếu cố giúp người này.

Nhà họ Thiệu đã hết lòng như thế, tất nhiên Hứa Lộc sẽ không từ chối anh ta.

Mấy ngày sau, Hứa Lộc gặp xưởng trưởng Ngô và xưởng trưởng Cao ở biệt thự, họ nói gần đây đơn đặt hàng của hai nhà máy giảm rất mạnh, nhiều công nhân cũng không đến làm nữa. Về phần nguyên nhân, hình như là do hội liên hiệp thương nhân có tranh chấp với người Nhật, phần lớn những thương gia có đạo đức, uy tín và các thợ giỏi đã bị phía Nhật Bản giam lỏng trong tô giới hết.

Hứa Lộc giật mình: “Sao lại như vậy? Vì sao chúng ta không hay tin gì hết?”

Xưởng trưởng Ngô trả lời: “Chúng tôi cũng vừa biết tin thôi ạ, người Nhật Bản chặn hết tin tức, mấy người Anh, Pháp, Mĩ biết tin đã gom tài sản chạy hết rồi. Tôi thấy chẳng bao lâu nữa Thượng Hải sẽ trở thành thiên hạ của người Nhật mất thôi, sợ sẽ không làm ăn gì được đâu ạ. Cô cả, xin cô hãy nghĩ cách đối phó.”

Xưởng trưởng Cao cũng xen vào: “Hai ngày trước bọn sĩ quan Nhật còn đến đòi chúng ta biếu không xưởng dệt cho chúng, nếu không chúng ta sẽ không được yên thân. Tôi đã thử cầm tiền đuổi, nhưng chúng hống hách quá, chừng là ba năm ngày nữa sẽ đến tịch thu tài sản của chúng ta thôi. Mấy nhà máy, cửa hàng cạnh đó đều bị cả rồi ạ.”

Hứa Lộc nghĩ tới lời Thiệu Hoa mấy ngày trước, bèn nhíu mày.

Tiễn cả hai về xong, Hứa Lộc không thể không cân nhắc chuyện chạy nạn. Bây giờ Phó Diệc Đình không ở đây, cô không thể bỏ lại cả một cơ đồ lớn nhường đó để chạy trốn. Nhưng thế cục đã đổi, ít nhất cũng phải để Lý thị và Phùng Thanh được an toàn. Cô bèn gọi đến cảnh để đặt vé tàu, nhưng bên cảng lại trả lời vé đã hết, muốn đi cũng phải đợi thêm ba tháng nữa.

Ba tháng? Sợ là Thượng Hải đã tan hoang mất rồi.

Hứa Lộc cúp điện thoại, đang lo lắng thì thím Lưu gõ cửa vào: “Bà chủ, dưới lầu có một quý ông đến tìm bà, ông ấy nói mình họ Lăng ạ.”

Lăng Hạc Niên?

Hứa Lộc theo bà xuống lầu thì thấy một bóng dáng “gió bụi mệt nhọc” đứng trong phòng khác. Người này đội mũ rộng vành, mặc một bộ vest màu xám nhạt, dường như đã gầy đi không ít, cằm cũng thành nhọn. Lăng Hạc Niên ngẩng lên nhìn cô, cởi nón rồi gật đầu chào.

Hứa Lộc để thím Lưu đi châm trà, đoạn lại mời anh ta ngồi xuống: “Không phải anh đã về Bắc Bình rồi sao?”

Sắc mặt Lăng Hạc Niên trầm đi: “Vốn là quân Nhật đã chiếm được Bắc Bình, nhưng bị chúng ta đuổi về Đông Bắc rồi. Tôi nhận được tin nội bộ của chúng, hiện đang có hai luồng ý kiến: Một nói sẽ chiếm ranh giới phía Bắc để chống lại Tô Liên, bên kia lại bảo phải quy mô hóa chiến tranh, tấn công về phía Thượng Hải. Hai bên đang tranh chấp không ngừng, nhưng hình như bên còn lại đã chiến thắng, Thượng Hải không còn an toàn nữa. Cô hãy đi nhanh đi.”

(Sel: Tô Liên là Giang Tô và Tô Châu)

“Anh đến đây để báo tin cho tôi sao?”- Hứa Lộc ngạc nhiên.

Lăng Hạc Niên trả lời: “Cũng không hoàn toàn. Tôi đã đến cảnh báo cho chính phủ Nam Kinh nhưng dường như họ đã làm lơ. Quân đội phương nam không thể so với phương bắc, bây giờ chúng ta chỉ có thể hy vọng phía Nhật Bản không đưa quá nhiều người ngựa vào Thượng Hải, cũng còn để kịp thời gian chuẩn bị chiến tranh. Nếu không, người chịu khổ vẫn là những người dân tay không tấc sắt.”

“Không phải vẫn còn rất nhiều tô giới khác ở Thượng Hải sao? Người Nhật không sợ ảnh hưởng đến người nước ngoài?”

Lăng Hạc Niên cười khổ: “Không phải tôi đã nói với cô từ trước rồi sao? Tổ quốc là của chúng ta, chúng ta không bảo vệ được quê hương mình thì ai có thể giúp nổi đây? Không phải cô đã nghe ngóng được rồi sao? Người Tây đã chạy cả rồi, bọn họ không quan tâm chúng ta còn sống hay sẽ chết nữa, nhắc gì đến chuyện giúp chúng ta chống Nhật?”

Hứa Lộc biết lời anh ta là thật, chiến tranh là chuyện “hại dân tổn quốc”, không thể cậy nhờ người dưng, không lẽ người Tây dám ở lại chỗ nước đục này sao?

Lăng Hạc Niên lại nói tiếp: “Hẳn bây giờ đường thủy đã bị bịt rồi, cô hãy đi tàu đến Quảng Châu, đến được rồi hẵng tính. Chỉ mang theo những thứ quan trọng thôi, đừng nổi tiếng, đừng lên báo nữa, tránh sự chú ý của người Nhật. Tôi sẽ còn ở đây một thời gian nữa, nếu cô cần hỗ trợ cứ đến tìm tôi.

Bây giờ Hứa Lộc mới hiểu, chuyện cô lên báo liên tục, nhận phỏng vấn từ các tòa soạn đã ổn định được lòng người, song cũng gây ra “sóng to gió lớn” cho chính mình, để những người Nhật kia để mắt đến, vậy nên họ mới tìm tới chỗ xưởng trưởng Cao. Còn vì sao họ không đến tìm cô trực tiếp, hẳn là đã có người đứng ra giúp đỡ.

“Tôi biết rồi, cảm ơn anh. Vậy anh định thế nào?”

Lăng Hạc Niên lặng đi, dường như không biết có nên trả lời hay không. Cuối cùng, anh ta vẫn bình tĩnh: “Tôi muốn vào quân đội, nhưng bây giờ phải nghĩ cách để người Nhật thả những thương nhân và công nhân kia ra đã. Thượng Hải không còn an toàn nữa, dù có là tô giới cũng thế, cô hãy đi mau đi.”

Nói xong, Lăng Hạc Niên đội lại mũi rồi cáo từ.

Hứa Lộc tiễn anh ta ra tận cửa, nhìn theo bóng lưng người này đến khi nó biến thành một chấm đen giữa không gian. Dù chúng ta có thân phận, suy nghĩ khác nhau, nhưng bây giờ đây, ai cũng muốn hi sinh cho tổ quốc. Những kẻ đế quốc nhẫn tâm xâm lược và giết hại chính là kẻ thù của toàn thể loài người.

Sau đó, ngày qua ngày, tiếng súng pháo càng vang dội lên, chiến tranh đã đến. Những người dân thường tại Hoa giới hoảng loạn vô cùng, kéo vào tô giới lánh nạn thì bị cục quản lý cản đường. Dân tỵ nạn ngày một đông, rất nhiều công xưởng đã phải đóng cửa.

Ngày nào báo chí cũng báo tin chiến trận, nghe nói quân Nhật vấp phải sự phản kháng quyết kiệt từ quân dân địa phương nên tạm thời chưa vào được Thượng Hải, phải hoãn tấn công mà chuyển sang đánh những thành phố lân cận, nơi “đứng mũi chịu sào” chính là Nam Kinh.

Chính phủ Nam Kinh nhu nhược, yếu kém, thậm chí còn không tổ chức kháng chiến mà rút lui hết cả.

Giao thông ở vùng ven Thượng Hải đã bị tê liệt hoàn toàn, “trong bất xuất, ngoại bất nhập”.

Hứa Lộc mang thai, ốm nghén tất nặng, gầy sọp đi, ăn uống cũng không còn khẩu vị nữa. Bây giờ tin tức đã bị phong tỏa, cô không gửi được tin mang thai cho Phó Diệc Đình. Lý thị và Phùng Thanh đã dọn đến biệt thự để tiện chăm sóc cô, cũng như chăm sóc lẫn nhau.

Đảo mắt một cái, thời tiết đã vào thu, Hứa Lộc bất hạnh bị cảm, nằm liệt giường, hoàn toàn không còn sức nữa.

Lý thị và thím Lưu lo lắng lắm, phụ nữ có thai không dùng thuốc được, chỉ có thể chườm ấm cho cô mỗi ngày. Thím Lưu đứng bên giường than thở: “Thời thế không còn, nếu ông chủ ở đây thì tốt quá.”

Lý thị nhìn bà, bản thân cũng không phải không oán giận họ Phó. Bây giờ giao thông tắt nghẽn, vật giá leo thang, họ muốn đi cũng không được chứ nói chi là vào. Sớm biết có hôm nay, bà đã chẳng gả con cho nó, dù gì bên họ Thiệu cũng sống tại Hương Cảng, không phải lo toang mỗi ngày, bây giờ đang bụng mang dạ chữa mà chồng lại biệt tăm biệt tích.

Phùng Thanh đang nấu nước dưới lầu, đầu óc loạn cả lên thì nghe tiếng gia nhân gọi đầy sợ hãi. Cô nàng bèn thò đầu ra khỏi cửa thì thấy một bóng người cao lớn, mặc áo khoác đen đứng dưới tán ngô đồng. Vóc dáng người này cao to, lại mang mũ đen, trông cứ thần thần bí bí lắm.

Cô nàng nhíu mày. Ai dám xông vào đây? Vừa định gọi người thì thấy người nọ đã cởi nón, ngẩng đầu nhìn lên lầu hai.

“Anh rể!”- Phùng Thanh gọi một tiếng đầy kinh ngạc.


/73

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status