Đất Rừng Phương Nam

Chương 15: Phường săn cá sấu

/20


Chỉ trong vòng không đầy hai tháng, mà đã có hai tên Việt gian gián điệp lợi hại và một thằng Pháp bỏ mạng vì tên tẩm thuốc độc. Thứ vũ khí thô sơ thời Trung cổ, lặng lẽ từ trong cành xanh phóng ra, đem lại cái chết bất thình lình không phương cứu chữa - sự việc ấy đã gieo vào đầu óc bọn giặc đang cầm những khẩu súng hiện đại trong tay một nỗi khiếp đảm khôn lường. Càng sợ, chúng càng lồng lộn lên một cách dữ dội để tự trấn tĩnh và động viên tinh thần bọn ngụy. Chúng đưa thêm tới ba tiểu đoàn, mở những cuộc càn quét báo thù liên miên khắp các vùng rừng chung quanh. Những ngôi lều của thợ đốn củi ở tít mãi trong rừng sâu cũng bị chúng mò tới đốt trụi. Chúng bắt dân phải dỡ nhà về ở chung quanh đồn để làm vòng rào người, và đóng thêm bốn lô-cốt ở mấy nơi hiểm yếu dọc bờ sông. Ngôi lều của tía nuôi tôi cũng đã làm mồi cho ngọn lửa của giặc Pháp. Cả nhà chống thuyền sống lay lắt qua ngày trong các vùng đầm lầy và trong các khu rừng ngập nước.

- Đành phải đi về vùng U Minh hạ thôi, ông à!

Một hôm má nuôi tôi thở dài, bàn với tía nuôi tôi như vậy. Bà ngồi trong mui thuyền chật chội, nhìn ra những làn mưa trắng tuôn mù mịt xuống ngàn xanh, chậc lưỡi.

- Chỉ lo cho hai thằng bé. Dầm mưa dãi nắng thế này, rủi chúng ốm đau nằm xuống thì lấy gì mà thang thuốc!

- Mười mấy năm trời, quen thuộc ở đây, tôi không nỡ bỏ đi...

Tía nuôi tôi đáp, giọng rầu rầu.

- Nhà ở đâu tức quê hương ở đó. Vậy trước kia thì ông và tôi ở đâu? Ông sao câu nệ quá vậy? Tôi vì hai đứa nhỏ... chứ không, tôi cứ mặc cho ông muốn ra sao đó thì ra...

Tía nuôi tôi không đáp. Ông ngồi cầm cái tẩu dài quăn queo, gõ gõ thành tẩu vào gót chân, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn một vài giọt mưa từ trên mui lá rơi lộp độp xuống giữa khoang thuyền ẩm ướt. Đêm hôm đó, chúng tôi chống thuyền ra sông. Cả gia tài chúng tôi, ngoại trừ mấy cái nồi cái niêu và một ít quần áo cũ, thì chỉ còn có mỗi chiếc thuyền này thôi. Lúc ngang qua chỗ ngôi mộ Võ Tòng, tía nuôi tôi dừng thuyền lại, bước lên bờ. Thằng Cò sợ ma, ngồi sát vào bên má, lại còn ôm thêm con chó vào lòng. Tôi bước lên theo tía nuôi tôi. Trong bóng tối lờ mờ, dưới vòm trời ảm đạm le lói một vài ngôi sao xa lắc, ông đang ngồi phệt bên nấm mộ, đầu cúi xuống, bàn tay lơ đễnh đưa đi đưa lại nhổ những cọng cỏ dưới chân. Nghe tiếng chân giẫm sột soạt trên cỏ ướt, tía nuôi tôi ngước lên nhìn và vẫy tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống bên ông.

-Tôi và thằng cháu lên từ biệt chú nó đây!

Tía nuôi tôi ngó vào ngôi mộ nói bằng giọng mũi ngạt ngạt.

- Tôi chỉ dùng được có một mũi tên trong số hai mươi chiếc chú đã trao cho tôi... Nhưng tôi chắc rằng dưới suối vàng, chú đã có thể ngậm cười mà yên nghỉ...

Dứt khoát tôi không tin rằng người chết có linh hồn. Nhưng cái giọng trầm trầm của tía nuôi tôi đang nói với ngôi mộ, đồng thời tôi chợt nhớ lại bàn tay vuốt cặp mắt trừng trừng khiến cho đôi mắt khép lại, chính con người ấy đã nằm xuống dưới đất ngay trên chỗ tôi đang ngồi đây, việc ấy đã làm cho tôi thấy rờn rợn. Tía nuôi tôi dặng hắng mấy tiếng rồi quay sang tôi:

- Thằng An có nhớ con vượn bạc má của chú Võ Tòng không?

- Á, nó đâu rồi, tía?

Tôi hỏi lại ông như vậy, chứ tôi đã đinh ninh là nó chết trong trận cháy rừng rồi.

- Con vật ở rừng còn có nghĩa, huống chi con người. Hôm Tây đốt rừng, chú Võ Tòng đi vắng, buộc nó ở lều. Nó bứt xích chạy thoát được. Người ta trông thấy một đoạn xích bị giật đứt, còn lủng lẳng ở cổ nó mà đoán ra như thế... Sau đó nó trở về ngồi trên nền cũ, không ăn không uống gì rồi chết rũ xương ở đó. Có người qua ngang đấy, về thuật chuyện lại cho tía nghe, con ạ.

- Hôm tía với con từ trong rừng chống xuồng về, có qua ngang đó. Lúc bấy giờ nó chưa về, tía nhỉ? Giá nó về thì mình gặp nó rồi.

Tía nuôi tôi đứng dậy thở dài, rồi bảo tôi xuống thuyền. Ông còn quay lại, lom khom nhặt hòn đất đặt lên ngôi mộ rồi mới bước theo tôi. Nước mỗi ngày một chảy xiết, và dòng sông càng đi tới càng mở rộng mênh mông. Đứng trước mũi thuyền chèo cập bờ bên này mà nhìn sang bờ bên kia, chỉ thấy một vệt dài xanh thẫm của rặng dừa nước lờ mờ trên đầu ngọn sóng. Chúng tôi đi ròng rã ba ngày ba đêm, chỉ trừ những lúc phải dừng lại thổi cơm ăn, còn thì cứ luân phiên nhau chèo. Mấy hôm liền, trời vẫn nắng gay gắt. Mặt sông lao xao phản chiếu ánh mặt trời như một dòng thủy ngân cuồn cuộn trôi về hướng biển. Mây đen từ chân trời đùn lên, vẩn hình mặt quỷ, rủ nhau quần tụ một chỗ không chịu bay đi. Rồi dông kéo tới ào ào, mưa như trút nước xuống như thác đổ hơn một ngày đêm. Sóng gầm thét không lúc nào ngớt. Chúng tôi phải chui thuyền vào núp trong một rạch lá dừa nước um tùm, chờ cho dứt cơn mưa dữ mới quay ra sông chèo đi.

Một buổi chiều, tía nuôi tôi cho thuyền cập lại bên ngôi quán lá cất nhoai ra bờ nước. Chúng tôi buộc thuyền vào trụ sàn cầu, nơi đã có hai chiếc tam bản lớn của những ông khách ngồi trong quán cắm sào đỗ lại đó từ bao giờ. Thấy có người đến, họ ngóng cổ ra nhìn rồi lại quay vào tiếp tục cuộc rượu bày trên chiếc bàn tròn giữa quán. Tía nuôi tôi rướn người bước lên sàn cầu lát toàn bằng những cây mắm nhỏ. Cứ mỗi bước ông đi tới, những cây mắm lại kêu lắc rắc dưới chân. Con Luốc lập tức phóng lên theo. Tôi gọi "Luốc! Luốc!" và lấy cớ đuổi theo giữ con chó để nhảy lên theo nó. Một con kỳ đà bị trói chặt bốn chân bằng sợi dây thép, nằm khoanh gần chỗ cửa. Con Luốc xô tới, chồm chồm vào con kỳ đà sủa váng lên. Bấy giờ, ba người khách rượu mới quay ra, gật gù, vẻ như muốn chào làm quen với tía nuôi tôi. Một ông cụ già cởi trần, râu quăn queo, vận xà-rông đen, đầu bịt khăn lụa đỏ, người cao lớn như tía nuôi tôi, đứng lên cất giọng ồm ồm:

- Chào ông bạn!

Hai người đàn ông kia hơi có tuổi, gầy gò, đầu cạo trọc như nhau, mỗi người vận một cái khố nhuộm màu vỏ cây. Họ giống nhau một cách rất buồn cười, chỉ khác là một người thì cao quá, còn một người lại thấp quá. Cả hai cùng đứng lên gật đầu chào tía nuôi tôi. Tía nuôi tôi đứng lại nhìn họ một lát rồi bỗng nhiên ông chếch cánh tay phải lên, tay trái áp vào ngực, nghiêng người tới trước, nói cách trịnh trọng:

- Kính chào các ông bạn!

Ba người kia vội vã cùng một lúc đưa tay lên chào đáp lễ y như kiểu chào của tía nuôi tôi. Tôi đứng ngớ ra nhìn, ngạc nhiên quá đỗi. Về sau, mới biết đó là lối chào ra mắt của các phường săn cá sấu khi gặp nhau muốn tỏ tình thân. Chủ quán là một ông già lùn tịt, lật bật như con rối, từ sau bếp chạy ra, vác một gộc cây đặt xuống cạnh bàn rượu, giọng lăng xăng:

- Mời ông khách! Mời ông ngồi xuống đây!

Mùi thịt nướng từ trong bếp bay ra khét lẹt. Và khói cũng từ trong cái bếp lò thấp thoáng sau quầy rượu cuồn cuộn bay ra, như làn khói đốt đồng cỏ tháng tư.

- Cháy miếng thịt mất rồi!

Tôi vội kêu lên, và thản nhiên không chú ý tới mọi người ngồi đó, cứ đi thẳng một mạch vào bếp. Tôi cầm cái que cời dập bớt than, rồi trở gắp thịt đặt lên nướng phía bên còn chưa chín.

- Để đó cho qua, chú em!

Ông chủ quán chạy vào, vừa nói líu ríu bằng giọng khen ngợi vừa với tay cầm chai rượu dựng bên cạnh lò. Tôi đáp cách bình thản, nhưng cũng rất tự hào:

- Cháu giúp bác một tay, được mà!

Rồi tôi mỉm cười một mình, chợt nhớ tới "thằng bé hầu rượu" trong quán dì Tư Béo. Ông cụ già bịt khăn lụa đỏ đỡ lấy chai rượu trên tay chủ quán, rót đầy vào một cái bát lớn đặt giữa bàn mà họ đã uống vơi gần quá nửa.

- Kính mời ông bạn! Làm một hớp cho ấm bụng. Chẳng hay ông bạn từ đâu tới?

Tía nuôi tôi đáp, giọng từ tốn:

- Tôi là người vùng U Minh thượng... Giặc Pháp đã vào tới đó. Nay lênh đênh phiêu giạt... Còn chưa biết về đâu.

Hai người đàn ông đầu cạo trọc đưa mắt nhìn nhau. Tía nuôi tôi bưng bát rượu lên nhấp một hớp; chừng như đoán ra ý họ, ông đặt bát rượu xuống bàn, nói chậm rãi:

- Phải, tôi là người U Minh thượng. Nhưng nguồn cội tận xứ Tiền Giang kia. Thuở còn trẻ tráng, tôi cũng đã lặn lội nhiều năm trong nghề hạ bạc. Nghèo như chiếc lá rụng xuống dòng sông, nước trôi tới đâu mình theo tới đó. Bấy nay tôi theo nghề rừng, chẳng qua cũng vì mưu sinh theo hoàn cảnh, chuyện đó có chi là lạ...

Người đàn ông thấp lùn tức thời đứng phắt dậy, dang tay ra ôm tía nuôi tôi, cười ha hả:

- Vậy thì huynh ông neo lại khúc này, trở về nghề cũ, chúng ta hiệp nhau làm ăn, được chứ?

Tía nuôi tôi cười cười, chưa đáp ra sao. Tôi giúp ông chủ quán dọn thịt nướng ra bàn và gọi thằng Cò lên xem ông giết thịt con kỳ đà. Tôi cứ chạy ra chạy vào, khi thì quạt lửa, khi thì lấy tí muối ớt, khi thì rót thêm mỡ rái cá vào đĩa thịt tự tôi tìm thấy trong bếp và mang ra bàn rượu. Tôi cảm thấy mình bận rộn nhưng vui vẻ như thằng bé hầu rượu trước kia. Chẳng mấy chốc mà họ đã uống cạn hai lít rượu, thứ rượu ngon nhất mà ông chủ quán bảo chỉ để dành riêng cho khách quen sành sỏi. Rượu vào thì lời ra. Họ nói đủ thứ chuyện về sông nước, và trong câu chuyện đã bắt đầu xưng hô anh anh chú chú cởi mở thân mật. Dường như ba ông khách rượu ấy và tía nuôi tôi là những người bạn cũ, xa nhau lâu ngày, giờ mới tình cờ gặp lại vậy. Khi biết ông bạn phương xa vừa tới có "bà nội tướng" đang thổi cơm dưới thuyền, ông cụ già bịt khăn đỏ bèn trịnh trọng bước ra sàn cầu, chắp hai tay trước ngực hướng vào mũi thuyền, sửa giọng kính cẩn:

- Chẳng mấy thuở được gặp anh Hai... Xin kính mời chị Hai quá bước lên quán, dùng một chén rượu mọn với anh em chúng tôi.

Má nuôi tôi "cám ơn" và từ chối năm lần bảy lượt không xong, đành phải đội khăn bước lên quán. Món thịt kỳ đà nấu ca-ri nước cốt dừa cũng vừa bưng dọn ra bàn bốc khói thơm lừng. Cả gia đình chúng tôi, ba ông phường săn kỳ dị và ông chủ quán lùn tịt cùng ngồi vào bàn, dùng bữa cơm tối một cách hết sức vui vẻ. Cả con Luốc cũng có phần một bát thịt to tướng trộn cơm nguội mà ông chủ quán đã có "nhã ý" dọn riêng cho nó trước sàn cầu.

- Bao giờ giặc tấn công tới đây, chúng ta sẽ liệu. Còn bây giờ, làm nghề cứ lo làm nghề. Còn phải nghĩ tới miếng sống chứ. Tôi nói vậy, liệu có phải không chị Hai?

Người đàn ông cao lêu nghêu bắt đầu làm quen với má nuôi tôi bằng câu mở đầu ấy. Người đàn ông thấp lùn vội nói tiếp theo:

- Ắt chị Hai vui lòng để anh Hai cùng đi làm ăn với chúng tôi chứ?

Má nuôi tôi cầm bát lên tay, nhìn tía nuôi tôi:

- Xin các chú hỏi ông nhà tôi. Chứ tôi là phận đàn bà!

Ông chủ quán ngứa miệng, vung hai tay lên:

- Chị Hai còn theo xưa quá. Người ta nói nhất vợ nhì trời mà!

Mọi người đều cười, khiến ông chủ quán cứ xoay quanh hết nhìn người này đến nhìn người khác, lắc la lắc lư ra vẻ đắc chí với câu pha trò của mình lắm. Không biết có phải vì có mặt má nuôi tôi mà các ông già trở nên lịch sự, vui vẻ và hoạt bát hẳn lên không? Ông cụ già bịt khăn đỏ hỏi má nuôi tôi một cách khoan thai:

- Ngày xưa, chị Hai cũng theo nghề câu chứ?

Má nuôi tôi lắc đầu:

- Tôi sợ lắm. Chỉ có ông nhà tôi thôi. Tôi chỉ câu lòng tong cá chốt, chứ thứ đó tôi sợ lắm!

Người đàn ông cao lêu nghêu nhếch mép cười, bàn tay đưa lên gãi gãi cái đầu trọc nhẵn thín:

- Nói không phải phô phang với chị Hai và các anh tôi đây, chứ thuở mười ba mười bốn tuổi, tôi đã theo ông nội tôi đi bắt cá sấu như bắt cá lóc rộng trong khạp vậy thôi. Vào mùa khô, chúng tôi lội vào rừng cỏ, men theo những cái bàu giữa rừng tìm cá sấu. Hồi đó, cá sấu còn nhiều lắm. Bàu nào cũng có. Không nhiều thì ít. Tệ lắm cũng năm bảy con trở lên. Bà con quen gọi là ao cá sấu. Chọn được ao sấu nào có nhiều sấu hoa cà rồi, chúng tôi mới phát sậy, phát cỏ rũ xuống phơi nắng vài ngày cho khô. Dùng thuổng đào một đường nhỏ từ mé ao lên rừng, càng xa bờ càng cạn dần, chừng mươi thước. Sau đó mới ôm sậy, cỏ khô thả xuống cho phủ kín mặt bàu và ném lửa đốt cháy...

Thằng Cò buột miệng hỏi:

- Cho sôi nước, cá sấu chạy lên bờ phải không chú?

- Cậu em này đoán gần đúng! Nhưng không phải vậy đâu. Nước lênh láng cả bàu, làm gì sôi được? Ừ, mà nếu mình thả bổi khô xuống thật dày, thả liên tục, đốt nóng nước thì nó cũng có thể chạy lên... Thả bổi xuống rồi, mình ném lửa đốt cháy. Khi lửa tắt thì mặt bàu đã bị phủ kín dưới một lớp tro dày chừng hai ba đốt tay. Cá sấu trừng lên thở thì bị tro cay mắt, trầm lâu thì ngạt, mà hễ bị tro cay mắt là y như trự ta đập đuôi chạy chạy lên bờ tức khắc. Mà không phải chạy lung tung đâu. Chúng nối đuôi nhau trườn theo con đường mương đào sẵn, bò lên rừng. Thấy người, con nào cũng há họng ra, toan đớp. Ông nội tôi bèn đút vô họng nó một khúc gỗ mớp, dài chừng ba tấc. Nó liền táp phậm một cái, hai hàm răng dính chặt lại như ngậm cục kẹo mạch nha, không há ra được. Tôi lập tức cầm mác xắn trên sống lưng, chỗ giáp chân sau, để cắt gân đuôi. Cái đuôi chỉ còn có nước đập qua đập lại nhè nhẹ, như đuổi ruồi, chứ còn quật nổi ai? ông cháu tôi bèn lấy dây lạt dừa trói thúc ké hai chân sau lên lưng, còn hai chân trước thả tự do. Khớp mõm xong rồi, bỏ đấy, bắt con khác... Ui chao!... Ui chao! Có bàu, chúng tôi bắt vài chục con trong một ngày. Cứ ba con thì dùng bốn đoạn tre buộc xâu lại một hàng ngang, như kiểu ta cặp gắp nướng chả. Rồi lấy hai cây tre dài kiền tất cả, xếp dính liền thành một dọc dài, hướng đầu chúng nó tới trước. Sau đó mới phát sậy, dọn một đường như đường cộ trâu từ bàu chạy thẳng ra bờ sông nào gần nhất. Thế là hai ông cháu tôi nhảy lên đứng giữa lưng bầy quỷ sứ đó, mỗi người cầm một cây mun quơ quơ đập vào hai cây tre dưới chân, hét lên. Chúng nó cứ theo đường dọn trống ấy, kéo nhau đưa nguyên đàn, bò ra bờ sông. Bao giờ cũng có thuyền lái mua chực sẵn ở đó. Gặp khi chẳng có lái mua thì mình chịu khó tháo ra, khiêng từng con bỏ xuống thuyền của mình, chở đi bán... ấy, ngày xưa chúng tôi săn cá sấu dễ ợt như vậy đó, anh Hai chị Hai ạ!

Tía nuôi tôi ngồi nghe chăm chú. Chắc câu chuyện của người phường bạn vừa kể đã gợi lại trong ông những ngày mình còn là anh thợ câu lận đận ở mạn Tiền Giang. Chẳng vậy mà ông đã chống hai khuỷu tay lên mặt bàn, hai bàn tay to lớn ngửa ra đỡ lấy cằm, mặt đăm chiêu hồi lâu:

- Ở vùng tôi, bắt được một con cá sấu có khi phải mất vài ba con vịt sống làm mồi. Nhiều công mà cũng tốn kém. Dạo đó, năm nào trên Biển Hồ hoặc Nam Vang cũng chở cá sấu về bán ở các chợ tỉnh dọc sông Cửu Long, hết bè này tới bè khác. Hàng trăm con một chuyến bè. Thịt cá sấu bé trên ấy trắng lắm, lại giòn, mùi thơm ngon như thịt gà, bán cũng rẻ. Mình lâu lâu mới bắt được một con, cốt lấy tấm da, chứ thịt bán chẳng đặng mấy đồng tiền... Tranh nhau không lại với giá thịt cá sấu trên Biển Hồ chở xuống, nhiều lúc thua, buồn cũng chẳng thiết nữa.

Ông già bịt khăn đỏ bưng tô rượu lên uống một hớp, đưa mu bàn tay quệt ngang mép, khà một tiếng sửa giọng:

- Bọn chúng tôi ở đây không câu vịt mồi. Nhưng cũng tốn kém đấy. Vì câu đèn mà! Lại phải trầm mình dưới nước, neo người cả đêm. Nhưng bắt được con nào là đáng tiền con nấy, anh Hai ạ! Chỉ lo cái thời buổi khó khăn, ba thằng giặc Pháp khốn kiếp nó có chịu để yên cho người ta làm ăn đâu!

Người đàn ông đầu trọc cao lêu nghêu rướn cổ lên như con kỳ đà, hỏi tía nuôi tôi:

- Anh Hai có quyết ở lại đây với bọn tôi không? Tại ngã ba Bàn Cùi, gần năm nay cá sấu biển về nhiều lắm. Có con to gần bằng chiếc ghe lườn. Nhờ đất đai âm trạch, cho anh Hai trúng mươi chuyến câu thì lo gì chẳng kiếm được cái vốn kha khá!

Tía nuôi tôi còn giọng phân vân:

- Bỏ nghề cũng lâu... Tôi e nhát tay!

Ông già bịt khăn đỏ tức thời cầm chai rượu giơ lên:

- Sông lạ đãi người câu mới. Anh em chúng tôi sẽ tiếp giúp cho mượn đồ nghề. Anh Hai khứng chứ?

Tía nuôi tôi đưa mắt nhìn sang má nuôi tôi. Má nuôi tôi chỉ nói cách lơ lửng:

- Cái đó tùy ông!

Tía nuôi tôi cầm chai rót một nhểu rượu vào lòng bàn tay to lớn của mình, chìa ra giữa bàn. Ba bàn tay của ba người phường săn cá sấu lần lượt đập lên nghe bách... bách... Thế là tía nuôi tôi đã nhập phường rồi đó.

* * *

Chiếc thuyền to đang cưỡi sóng tiến vào mỗi lúc một gần bãi. Tía nuôi tôi mình trần, quấn khố, miệng ngậm cái tẩu dài quăn queo, khói thuốc lá từ trong nõ tẩu cứ phùn phụt bay tạt về phía sau. Ông già Tư bịt khăn đỏ cũng mình trần, vận chiếc xà-rông đen, đứng trước mũi thuyền cạnh tía nuôi tôi. Càng vào gần đến bãi, ông già Tư càng huơ tay huơ chân, tỏ vẻ rất đắc chí. Người đàn ông đầu trọc cao lêu nghêu thì đứng chèo sau lái. Trên chót ngọn sào dài cắm vào một lỗ cột chèo, có buộc lá cờ đỏ hình đuôi nheo bay lất phất.

- Được con cá sấu khá to, bà con ơi!

Ông già bắt tay lên mồm gọi vọng vào xóm nhà trên bờ. Những người lố nhố đứng trên bờ và đám trẻ con phường chài đang chơi xếp vỏ ốc cạnh mấy người đàn bà vá lưới vụt reo lên, rối rít chạy xuống bãi.

- Sửa soạn chia thịt nghe, bà con!

- Đã kiếm được rượu chưa, mà toan chia thịt!

Vài người xắn quần lên tận bẹn, chạy tất tả ra ngoài mé nước. Mấy người đàn bà vá lưới cũng buông gai buông nhợ bỏ đấy, chạy ùa ra bãi. Chiếc thuyền trườn mũi lên bãi cát, để lại những đám bọt sóng trắng nháo nhào chạy lùi ra sau lái. Người trên thuyền chưa kịp quăng dây xuống thì bọn con nít đã trèo phốc lên be rồi. Ôi chao, con cá sấu to quá! Mình dài có tới hơn năm mét. Chỗ quãng bụng giữa, ước chừng một vòng rưỡi tay người lớn ôm mới giáp. Cái mõm dài sọc, đầy răng chơm chởm của nó đã bị khớp chặt lại bằng một sợi dây thép. Hơn hai tháng nay, riêng tía nuôi tôi đã bắt được mười hai con rồi. Thường thì da cá sấu màu xanh rêu pha bùn mốc, dưới lườn bụng hơi trắng, khắp mình trên mọc gai, có chỗ vằn hoa lốm đốm. Con cá sấu này, màu da xám ngoét như da cây bần, gai lưng mọc chừng ba đốt tay, trông rất dễ sợ. Cái đuôi dài - bộ phận khỏe nhất của con vật kinh khủng dùng để tấn công đã bị cắt gân, trói xếp vào một bên mạn sườn. Bốn chân cũng bị thít chặt vào cái đuôi hoàn toàn mất tác dụng ấy. Con cá sấu hung tợn nằm im như chết giữa lòng thuyền.

Mọi người xúm lại, dùng đòn buộc dây da trâu khiêng con cá sấu vừa đánh được, đưa lên bãi. Phải có đến mười hai người đàn ông lực lưỡng mới khiêng nổi nó và đưa vào tới bờ. Má nuôi tôi cũng đi theo tốp người khiêng. Những người đàn bà lăng xăng ngã giá mua nguyên cả con cá sấu cứ bám sát bên má nuôi tôi. Mấy chị phụ nữ tre trẻ trong xóm cũng xoắn theo chân má nuôi tôi, người nào người nấy đều sẵn sàng dao rổ, chia phần thịt mang đi bán. Thằng Cò dắt con chó đi mua rượu về, thấy bố còn ngồi trong bóng thuyền dựa bãi với các ông bạn phường săn bèn chạy vù đến vứt phịch chai rượu xuống cát rồi quày quả chạy đuổi theo đám người nhốn nháo đằng kia.

- Khi tôi phóng mũi lao trúng con cá sấu này, thì tôi nghe đằng xa nước động dữ dội. Chắc còn một con nữa to hơn. Nhất định là sấu cặp!

Tía nuôi tôi nói xong, còn tặc lưỡi mấy tiếng ra bộ tiếc rẻ lắm. Ông già Tư ghé vào tai tía nuôi tôi:

- Sắp hết mỡ rồi! Không biết tìm đâu ra bây giờ?

Tôi rất sợ cái "đèn nghề" của tía nuôi tôi. Người ta đồn rằng: đèn ấy đốt bằng mỡ người. Cá sấu bắt hơi đèn từ xa lắm. Nó rất thèm thứ mỡ cháy này. Hễ ngửi mùi là nó bơi tìm đến tức khắc. Theo như lời ông già Tư, thì những tay phù thủy giang hồ người Mã Lai vượt vịnh Thái Lan đưa thứ mỡ ấy sang bán. Giá rất đắt! Tôi nghĩ: Mỡ nào mà không cấu tạo chủ yếu bằng thành phần chất béo? Mỡ lợn không được à? Tại sao phải dùng đến mỡ người một cách man rợ như vậy? Có lần, tôi đã chất vấn tía nuôi tôi về thứ "đèn nghề" khủng khiếp ấy. Tía nuôi tôi nói:

- Đó là thói tục cổ lỗ, mê tín dị đoan. Người xưa thấy cá sấu hay ăn thịt người, tưởng dùng mỡ người tất dễ câu nó, chứ chắc gì đã là mỡ người thật.

Tía nuôi tôi đã nhiều lần kể cho thằng Cò và tôi nghe rành rọt về nghề săn cá sấu. Tôi nghe đến thích mê. Nhưng có nghèo, thà bắt con tôm con tép ăn, chứ tôi chẳng dám theo cái nghề nguy hiểm này. Săn cá sấu thường phải chọn những đêm tối trời. Nhất là những ngày nắng to, có trận mưa vừa tạnh, gió chỉ hơi rao rao mát gợi làn da, khí trời vẫn còn thấp và nặng. Mặt sông rộng mênh mông, phẳng lặng như mặt hồ. Tía nuôi tôi người trần, chỉ quấn cái khố nhỏ, hai cánh tay cặp trên hai ống tre bè buộc chặt hai đầu bằng dây thép. ông trầm mình dưới nước, chỉ ló người từ phần giữa ngực lên trên. Cứ thế, thả trôi đi. Hai chân thỉnh thoảng quạt nhè nhẹ, lái cho bè xuôi đứng giữa lòng sông. Cá sấu chỉ gắp người bơi ngang, hoặc dùng đuôi quật ngã người ngồi trên xuồng cho rơi xuống nước rồi gắp chạy đi, chứ chúng khó gắp được người bơi đứng. Tay phải tía nuôi tôi cầm một cây lao bằng gỗ mun. Gỗ mun kỵ thịt cá sấu. Đâm vào thịt con cá sấu, cây mun cứ hút sâu vào, làm con vật nhức buốt không chịu nổi. Cán lao buộc vào một đầu dây, phải biết lòng sông sâu bao nhiêu sải nước mà sắm sợi dây cho vừa đủ, không thừa quá mà cũng không thiếu quá. Dây thừa quá thì phải mất công lặn xuống kiếm lâu mới gặp con cá sấu trúng thương, mà dây ngắn quá thì nó kéo phao chìm dưới nước, chẳng biết đâu mà mò. Đầu kia sợi dây buộc vào một cái phao bằng gỗ mớp. Phải khoanh sợi dây cho khéo, để khi con cá sấu lôi dây chạy, sợi dây cứ xoay vòng tự động tháo ra, không vướng.

Trên phao kiền chặt cây đèn nghề, tựa như cái đĩa sắt con sâu lòng, thả ngọn bấc vào cái đèn "mỡ người" ấy, thắp cháy lên. Lại phải cắm trên phao một cây cờ đỏ, để dễ nhận thấy từ xa (còn có lý do huyền bí nào đó nữa không thì tôi không được biết). Thả cái phao trôi trước mặt người thợ săn chừng hơn một với tay, được giữ cỡ bằng một sợi dây nhỏ. Tía nuôi tôi thả trôi theo nước như vậy, có khi hàng hai, ba giờ liền. Bao giờ ông cũng phải uống một tô nước mắm cốt, để trầm dưới nước lâu không bị nhiễm lạnh. Trong đêm tối mịt mùng, trên dòng sông mênh mông chỉ lấp lóe "ánh đèn thiêng" và đôi mắt sáng ngời của tía nuôi tôi... Đang trôi xuôi, cả người ông bỗng bị xô lùi lại bởi một luồng nước tống lại cực mạnh. Nghe khì... ì... một tiếng, rồi một cái bướu to bằng cái bát trừng lên. Con cá sấu nổi lên, há họng thè lưỡi liếm mỡ cháy trong cây đèn. Nhanh như chớp, tía nuôi tôi nín thở, dồn hết lực vào cánh tay, phóng mạnh cây lao đâm vào giữa họng nó, và lập tức buông phao ra. Con cá sấu trúng thương, đập đuôi ầm ầm, lộn lên lộn xuống, quẫy mạnh làm cho mặt sông nổi dậy sóng cồn. Rồi nó lôi dây, mang phao chạy. Tía nuôi tôi "ì..." một tiếng. Thuyền chèo yểm hộ người thợ săn cá sấu bao giờ cũng theo song song bên bờ, phòng trường hợp bất trắc có thể bị đôi ba con nổi lên tấn công cùng một lúc thì xông ra tiếp ứng. Nghe tiếng "ì..." họ biết đã đâm trúng cá sấu rồi. Thế là thuyền chèo bay ra, đón tía nuôi tôi lên. Con cá sấu chạy đến đâu, dây tháo theo đến đó. Nó cố gắng chịu đau lắm thì cũng chỉ chạy nổi đôi ba nghìn thước là cùng. Rồi dần dần đuối sức, không chịu đau nổi nữa, nó tìm một cái vịnh sâu nào đó, trầm xuống đáy. Sáng hôm sau, hai chiếc thuyền của phường săn chia nhau trèo cặp hai bên bờ để tìm cái phao. Bao giờ người đã phóng cây lao đâm trúng cá sấu cũng là người lặn xuống đáy sông trói nó. Như vậy, mới được hưởng nguyên phần mình cái bao tử của con cá sấu khi mổ ra... Mỗi lần tía nuôi tôi mang vòng dây thép lặn xuống, thằng Cò theo thuyền cứ mếu máo chực khóc. Còn tay chân tôi thì cứ phát run lên. Tía nuôi tôi lặn rất lâu mới trồi lên thở. Rồi lại kéo đôi lặn trở xuống buộc nó, để anh em phường thợ khác trên thuyền kéo nó lên. Thường sau mỗi lần như vậy, tía nuôi tôi bao giờ cũng làm vài hớp rượu cho lại sức. ông đưa bàn tay lạnh móp lên chùi những giọt rượu chảy xuống chòm râu đóng đầy rêu nước xanh lè, ngó tôi và thằng Cò, cười khà khà:

- Hai đứa bay sao cứ khéo lo! Con cá sấu đã bị cây mun đâm, nhức buốt, tê liệt cả mình mẩy rồi. Nó bám sát đáy vịnh, tao lặn xuống sờ đầu nó, nó cũng không dám động cựa. Cứ nằm im, chịu phép cho tao khớp mőm, trói lại. Cây mun đâm vào mắc giữa họng rồi, nó cắn ai được nữa? Càng cựa quậy thì càng đau thôi!

Một cơn gió từ mặt sông bất thình lình thổi thốc vào bờ, khiến cho lá cờ đuôi nheo đỏ buộc trên đầu con sào giật nảy lên, reo vù vù. Tôi ngồi bên tía nuôi tôi và ông già Tư, nhìn xuống dòng sông mênh mông đang cuồn cuộn chảy, hình dung ra những con quái vật kinh khủng đang bơi lặn dưới đó, càng thấy những con người nhỏ bé ngồi quây quần trong bóng thuyền ghếch mũi lên bãi cát đây thật vĩ đại biết bao nhiêu... "Hỡi thiên nhiên dữ dội và nham hiểm, ngươi hãy coi chừng. Không một sức mạnh nào ẩn chứa trong ngươi mà con người không khuất phục nổi đâu!" Tôi chỉ chực muốn thét lên như vậy. May sao đó chỉ là những ý nghĩ còn nằm trong đầu óc thơ bé của tôi mà tôi chưa thốt ra thành lời được. Không thì có lẽ ông già Tư và tía nuôi tôi sẽ cho là tôi phát rồ cũng nên.


/20

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status