Điện Từ Bi

Chương 1

/105




Lạnh thật là lạnh, trận tuyết đầu tiên của mùa đông đã bắt đầu rơi, ngày hôm qua vẫn chan hòa ánh nắng, trên lưng áo còn thấm ra một tầng mồ hôi mỏng cơ, vậy mà hôm nay vừa dứt lời tiết trời đã đổi.
Dương Ngu Lỗ dọn dẹp đề bổn(*) đã chất cao thành chồng, bước nhanh từ phía đầu hành lang lại đây, gió cuốn tuyết mịn, che phủ khắp chốn đất trời không đâu không có, tạt cả vào cổ áo, đậu lên nơi cổ tay không được che chắn, tan chảy ra tạo thành một mảnh lạnh lẽo tận xương.

Khi đi ngang qua chính đường, bức họa Nhạc Phi phấp phới áo choàng đỏ son treo cao cao, giống như phun ra một chùm máu vụn…
(*) Đề bổn: một trong các loại công văn quan viên cấp cao thời Minh-Thanh dùng để báo cáo chính sự, được thông qua Nội các trước khi trình lên nhà vua.
Dương Ngu Lỗ rụt cổ, vội vàng đi đến bên ngoài noãn các, tiểu hỏa giả(*) đứng gác cạnh cửa nâng tấm rèm dày nặng lên, mùi đốt than nồng ấm tỏa ra.

Sắp hoàng hôn mà trong phòng vẫn tối om, không thấy thắp đèn.

Y quay đầu lại hỏi: “Thiếu giám đâu rồi?”
(*) Tiểu hỏa giả: cách gọi những thái giám cấp bậc thấp kém.
Tiểu hỏa giả cong eo nói: “Ban nãy Trương đại nhân của Nội các đưa thủ dụ của gia gia(*) tới, Thiếu giám gọi phiên tử Đông Xưởng đi ra ngoài làm việc rồi ạ.”
(*) Gia gia: cách xưng hô thái giám dùng với nhau để chỉ Hoàng Đế (chú thích màu đỏ là chú thích của tác giả)
Dương Ngu Lỗ “ừm” một tiếng, trong lòng đã hiểu được đại khái.
Quay người nhìn, vạn dặm vòm trời âm u trầm đục, một con chim ưng giương cánh lượn quanh, rít lên một tiếng rồi bay về đằng tây.
Núi non trùng điệp, bình nguyên mênh mông, tuyết càng rơi càng dày, nơi đây chỉ có cây thường xanh, những chạc cây ngoan cường vươn lên giữa màn tuyết trắng trong buổi chiều hôm, trông hệt như bình sứ Thanh Hoa bị nung hỏng, loang lổ lốm đốm phủ đầy mặt đất bao la.
Quang cảnh mơ hồ phản chiếu trong đôi mắt ưng, đó là ánh lửa từ cửa sổ một trạm dịch dưới chân núi.

Trên con đường thẳng tắp, một đoàn mười mấy người ngựa đang nhanh chóng lao đến, vó ngựa đạp tung đầy bọt tuyết.

Tới trước trạm dịch thì ghì cương xuống ngựa, phiên tử mở đường tung chân đá văng cửa lớn, tiếng động ầm ầm vang lên, kinh động khách khứa đang nghỉ chân trong gian phòng.

Mọi người quay đầu lại nhìn, thấy một đoàn người mặc áo gấm thần tốc tiến vào, người cầm đầu mặc mãng bào quàng vai, mũ trùm che khuất phân nửa khuôn mặt, bởi vì mũ quan ép xuống rất thấp, không thể nhìn rõ diện mạo.


Nhưng chỉ bằng một thân phục trang này, còn có hoa văn thêu tơ vàng phức tạp đến nỗi khiến người ta choáng váng trên tất lan(*), vậy là đủ biết đây là Tư Lễ Giám đang làm việc, đừng nói đến khách khứa, ngay cả Dịch thừa(**) cũng không dám thở mạnh.
(*) Tất lan: Một loại chế phục thời Minh.
(**) Dịch thừa: người quản việc nghi thức, xe ngựa, nghênh đón…trong trạm dịch.

Trạm dịch là nơi ngày xưa dùng cho các quan viên nghỉ chân, thay ngựa, truyền đạt lại tin tình báo.
“Thiếu giám, người đang ở ngay bên trong ạ.” Phiên tử ép đao bẩm báo, đang định xông vào, quan trên bỗng nâng tay lên.

Phiên tử ngầm hiểu vâng một tiếng, cung kính thối lui sang bên.
Ngón tay trắng thon dài dưới lớp tay áo mạ vàng hơi gập lại, gõ nhẹ lên cánh cửa, thanh âm mềm ấm hiền lành như ngày thường, chậm rãi nói: “Cha nuôi, con tới thỉnh an cha.”
Trong phòng không hề đáp lại, nhưng dưới ánh đèn lại trông thấy có bóng người đi qua, ngồi xuống trước bàn.
Đại đương đầu(*) bước tới cẩn thận cởi áo choàng cho hắn, đai lưng thắt vào một vòng eo đẹp đẽ, làm cho dáng người càng thêm đĩnh đạc thon dài.

Hắn bước tiến vào trong mành hành lễ, “Bước chân cha nuôi không ngừng nghỉ, làm con phải lần theo mãi.”
(*) Một chức vị trong Đông Xưởng.

Đông Xưởng có 12 Đương đầu.
Uông Chẩn ngồi đó nhấc ấm trà, hừ một tiếng: “Ta thúc ngựa ngày đêm cũng chẳng đánh lại mánh khóe thông thiên của Lương thiếu giám, chạy đến tận đây rồi, cuối cùng vẫn bị ngươi tìm được.

Hôm nay ngươi đích thân ra mặt, tám phần là định tới lấy mạng ta? Cũng không đến mức lặn lội đường xa vậy chứ, còn tưởng ngươi thực sự đến để thỉnh an.”
Uông Chẩn nói xong lời này, người trước mặt chậm rãi nâng mắt lên, một đôi con ngươi muôn vàn ánh quang, ngày thường thu giấu mũi nhọn, đến khi phải săn thú liền bén nhạy tựa loài báo, ăn thịt người không nhả xương.
Hắn đang cười, kiểu cười mang theo hơi lạnh khe khẽ như mẩu băng dưới ánh mặt trời, tô điểm cho gương mặt mà ngay cả đuôi mắt góc mày cũng đều là ý thơ.

Khi trước Uông Chẩn cảm thấy hắn là một hạt giống tốt, một kẻ có máu lộng quyền trời sinh, quả nhiên không hề nhìn lầm.

Đứa bé từng chạy theo chân dốc sức phục vụ lão nay đã trưởng thành, cuối cùng lại đặt lưỡi đao lên cổ cha nuôi nó.
“Con chỉ phụng mệnh làm việc, tấu chương Nội các buộc tội cha được Hạ Liên Thu đưa thẳng tới trước mặt Hoàng Thượng, con muốn ngăn cũng không ngăn nổi nữa.” Hắn mỉm cười, lại nói tiếp: “Nhưng mà cha nuôi yên tâm, đợi sau khi sự tình bình ổn, con nhất định sẽ báo thù cho cha.”
Báo thù? Nói thì dễ nghe đấy, chẳng qua chỉ là để xóa sạch nghi nghị mà thôi.

Uông Chẩn không cười nổi, hiểu rõ rơi vào tay hắn thì khó lòng thoát chết.
Lão buông cái chén trong tay xuống, thở dài thật dài, “Lương Ngộ, nhà ta vẫn nhớ khi ấy ngươi vào môn hạ ta, cùng lắm cũng chỉ mười bốn tuổi, mấy năm nay chúng ta chung sức hợp tác, coi như cha hiền con thảo.

Bây giờ cha nuôi già rồi, nếu nhà ta(*) chắn đường thăng chức của ngươi, ngươi cũng chỉ cần nói một câu, giữa hai cha con chúng ta có gì mà không thương lượng được?”
(*) Nhà ta: 1 kiểu xưng hô của thái giám, nếu muốn đọc kỹ hơn thì vào đây nha
Lương Ngộ nghe xong, chừng như cũng rất tĩnh tâm cân nhắc một phen, đôi mắt ấy dâng đầy quyến luyến những tháng ngày xưa cũ, nhưng lời nói ra lại hoàn toàn trái ngược với biểu lộ trên mặt.
“Nay cha nuôi đã vào cung tròn năm mươi năm, năm mươi năm gom góp dồn nén mới đi được đến bước này.

Con rất muốn được báo hiếu cha, cũng nhắc nhở cha rất nhiều lần, vạn sự đều phải chừa lại một đường lui, có vậy mới đủ chỗ xoay người, đáng tiếc cha không nghe con.

Bây giờ bên trên hạ thủ dụ, con niệm tình cha dạy dỗ nhiều năm mới xin được Hoàng Thượng một ân chỉ, cho phép con đứng ra lo liệu.” Hắn nói, xoay người ngồi xuống một bên, “Con làm vậy là vì mặt mũi cha nuôi, cha đừng trách lầm con, cũng đừng để con phải khó xử.

Nếu đổi lại là người khác thì nào có chuyện thả cho cha chạy đến tận xó xỉnh này, sớm đã xong việc từ lâu.”
Xem ra đã chuẩn bị tới hồi kết.

Lão sớm biết Lương Ngộ tàn nhẫn, trước kia cảm thấy thanh đao này dùng rất tiện tay, mà nhìn bây giờ đi, đao tự có đạo hạnh, làm nên trò trống rồi, không còn nghe người ta sai bảo.
Đôi tay gác hờ trên đầu gối Uông Chẩn dần dần siết lại, những nếp nhăn dọc ngang trên mặt trông dữ tợn dưới ánh đèn, “Nhà ta biết hết, vài vụ án Nội các buộc tội đó không thiếu được trò đổ dầu vào lửa của ngươi.


Tiểu tử giỏi lắm, nhà ta nuôi hổ thành họa, bị nó quay ra cắn cổ.”
Lương Ngộ vẫn cung kính như cũ, ngồi trên ghế hơi cúi người, khiêm tốn đáp: “Đều nhờ cha nuôi dạy bảo.”
Hắn rất thản nhiên, làm cho Uông Chẩn nhất thời cứng họng, thật lâu sau mới hỏi: “Liệu chuyện này có còn đường cứu vãn hay không?”
Lương Ngộ làm ra bộ dạng tiếc nuối, chậm rãi lắc đầu, “Cha nuôi hầu hạ trong cung nhiều năm, hẳn là hiểu rõ nỗi khó xử của những kẻ như chúng ta, ăn lộc vua thì phải trung với vua, sai gì làm nấy mà! Bây giờ người muốn lấy mạng cha chính là Hoàng Thượng, con có lòng cũng không cứu nổi cha.”
Uông Chẩn không khỏi bật cười, “Ý của Hoàng Thượng cơ à…Ngươi là Đại bạn(*) của Hoàng Thượng, thân cận nhất xưa nay.

Giao tình tốt như vậy, nếu ngươi thực sự có được phần hiếu thảo kia thì Hoàng Thượng đã không bắt ta phải về hưu.”
(*) Đại bạn: Đại thái giám tai to mặt lớn hầu hạ bên cạnh Hoàng Đế ngay từ khi Hoàng Đế còn nhỏ.
Quả nhiên Lương Ngộ không nói gì nữa, chỉ nhìn lão hờ hững mỉm cười, qua một lúc lâu sau mới nói: “Cha nuôi đúng là thẳng thắn, trước kia cha thường dạy con chúng ta sống bằng thứ nghề này, ngay khi nắm quyền phải xuống tay cho thật tàn nhẫn, chẳng nhẽ cha đã quên rồi?” Vừa nói vừa đứng dậy, ngân nga cất lời, “Không còn sớm nữa, cha lên đường đi thôi, con cũng kịp trở về báo cáo.”
Uông Chẩn biết đại thế đã mất, vứt bỏ gia sản nhà cửa trốn đi, đến được quán rượu cách quê nhà hai mươi dặm, cũng coi như lá rụng về cội.

Chỉ là cuối cùng chết trong tay kẻ mình do chính mình dạy ra, nghe thật giống một trò cười trào phúng.
Lão ngẩng đầu nhìn Lương Ngộ, thớ cơ trên gương mặt xám xịt co rút không ngừng, “Ngươi vẫn còn nhớ rõ lời nhà ta dạy, rất tốt.

Nhưng chỉ nhớ mỗi câu đó thì không được, còn một câu khác càng quan trọng hơn, ngươi cũng nên để vào lòng.

Loại người như chúng ta, mỗi mánh khóe đều là âm thầm lén lút trộm làm, suốt ngày đi bên bờ sông, làm sao có thể không ướt giày? Hôm nay ngươi đối xử thế này với ta, rồi ngày mai sẽ có kẻ khác đối xử như vậy với ngươi, mồng một mười lăm thay phiên nhau mà đến, đây là mệnh của chúng ta rồi.”
Lương Ngộ đang định bước ra khỏi cửa, nghe lão nói xong lại khẽ quay đầu, hành mãng thêu trên áo phản chiếu những tia sáng nhỏ vụn dưới đèn dầu.

Hắn nhếch khóe môi, thản nhiên đáp: “Kết cục hôm nay của cha dạy con biết muốn trèo cao thì phải quản được miệng.

Con không giống cha, không có thói nhận con nuôi, nếu kiếp sau cha vẫn còn nương nhờ thái giám thì nhớ cho kỹ lời giáo huấn này.”
Hắn nhấc áo bước ra ngạch cửa, bỏ mặc tiếng mắng chửi phẫn nộ phía sau, ngẩng đầu ra lệnh: “Tiễn Uông đại nhân một đoạn đi.”
Phiên tử lĩnh mệnh, lao vào như sói như hổ.

Trông qua khe gỗ, một trái một phải xô đẩy buộc lụa thắt tròng, quang cảnh ấy đổ lên tầng giấy hoa đào, trông giống một vở kịch rối bóng.
Con người ấy à, cả một đời là một giấc mộng đằng đẵng, ngơ ngác mà đến, bất lực mà đi, quả thực chẳng có ý nghĩa gì.

Hắn thở dài, rút một cái khăn trong tay áo ra che lên mũi, quay lại nhìn sắc trời bên ngoài, trăng tàn sao lặn, chỉ có ngọn đèn lồng buộc lụa trắng treo cao cao đầu hè, soi tỏ tuyết đêm tán loạn bay.
Thiên hộ(*) Phùng Thản tiến lên nói: “Đại nhân, trông thời tiết hôm nay có lẽ không đi được rồi, ti chức sai Dịch thừa chuẩn bị mấy gian phòng tốt nhất, đại nhân ở lại đây nghỉ tạm một đêm, sáng mai lên đường cũng không muộn.”
(*) Thiên hộ: tên một chức quan.
Lương Ngộ đảo mắt đánh giá xung quanh, “Thôn hoang tiệm vắng, khác gì không ở.

Gọi một chút đồ ăn, lấp đầy bụng thì lập tức lên đường.”
Từ trước đến nay người của Tư Lễ Giám vẫn luôn thích bắt bẻ, không ngủ quen nơi giường lạnh chăn hôi thế này.

Phùng Thản không dám nhiều lời, vội cong người dạ vâng.
Tuyết rơi đến sau nửa đêm thì ngưng bớt, ngày hôm sau Hoàng Đế dậy từ lúc canh năm, Lương Ngộ đã đang ở ngoài noãn các phía đông chờ gọi.
Hoàng Đế trẻ tuổi, chỉ mới đăng cơ được hai năm, mỗi cái giơ tay nhấc chân đều có thứ nghĩa khí thiếu niên.

Nội thị hầu hạ việc mặc áo đội mũ chỉ mới được đề bạt gần đây, bởi vì khi đội quan không dám nhìn trộm thiên nhan, dốc sức cụp mắt làm việc, Hoàng Đế ghét tên này tay chân lề mề, lần nào trên mặt cũng có vẻ tức giận.
Lương Ngộ lập tức phất tay bảo người kia lui ra, tự mình đi tới hầu hạ.
Hoàng Đế nâng cằm hỏi: “Chuyện Uông Chẩn đã làm thỏa đáng hết chưa?”
Lương Ngộ hơi ngừng tay, rồi lại tiếp tục cẩn thận giúp Hoàng Đế sửa sang dây mũ, nhẹ giọng thưa bẩm: “Khi thần đến nơi đã chậm mất một bước, có lẽ Chưởng ấn thấy thẹn với chủ tử, đã treo cổ tự sát rồi.”
Hoàng Đế nghe xong có chút buồn bã, lẩm bẩm nói: “Vậy à…Ngày trước Uông Chẩn cũng coi như tận tụy, khi ấy trẫm còn long tiềm, ông ta chăm sóc trẫm đủ thứ, ngươi cũng là do ông ta đưa đến bên người trẫm.

Sau này có tuổi rồi hồ đồ, làm ra những trò tham ô, tuy trẫm hận ông ta nhưng vẫn niệm tình cũ, không nỡ để ông ta phải chết.


Vốn muốn thưởng cho ông ta về cố hương, giữ lại cho ông ta một mạng, đáng tiếc…”
Lương Ngộ đáp: “Chưởng ấn ở dưới suối vàng biết được tấm lòng này của Vạn Tuế Gia, nhất định sẽ cảm động rơi nước mắt.

Chỉ là chuyện sống chết sớm có số định, hoàn toàn không nằm trong tay con người, trách lúc ấy ngựa của thần bị mất móng giữa đường, phải trì hoãn một lúc, nếu không xảy ra sự cố thì có lẽ vẫn giữ được Chưởng ấn lại.”
Hoàng Đế xua tay, “Đại bạn ngược tuyết ngược gió, không bị thương đã là may lắm rồi.

Ngẫm nghĩ lại, Uông Chẩn quả thực đáng chết, nếu cả ông trời cũng không buông tha, vậy thì cứ để ông ta đi đi thôi.

Chuyện quan trọng nhất bây giờ là không thể để Tư Lễ Giám rối loạn, còn có Đông Tập Sự Xưởng, đám hỗn trướng ấy mà không có Đề đốc thì không xong.” Hoàng Đế vừa nói vừa vỗ vai Lương Ngộ, “Đại bạn là trợ thủ đắc lực của trẫm, người trẫm tín nhiệm nhất là ngươi.

Hai năm nay quan viên trên triều chỉ phục tùng ngoài mặt, thực ra vẫn luôn ngấm ngầm phê bình…”
Dòng dõi Đế Vương chú trọng cái gọi là “nhiều con nhiều cháu nhiều phúc khí”, đương nhiên con cháu nhiều là chuyện tốt, nhưng tới khi cần phân chia đám bọn họ ra thì ắt không tránh được phải thương gân động cốt, sứt đầu mẻ trán.

Không cần biết đến phút cuối Hoàng tử nào kế thừa ngôi vị, chắc chắn sẽ luôn luôn có hiềm khích với lợi ích của một bộ phận quan viên nào đó, Lương Ngộ hiểu ý Hoàng Đế, “Thần nguyện tan xương nát thịt giúp Hoàng Thượng phân ưu, xin Hoàng Thượng yên tâm.”
Hoàng Đế gật đầu, “Ngươi vẫn luôn quản Tư Lễ Giám và Đông Xưởng, lần này đắp vào chỗ trống cha nuôi ngươi để lại, cũng chỉ là đổi từ tay phải sang tay trái mà thôi, không có rắc rối gì.

Hôm nay trao luôn ấn quan rồi nhậm chức đi.”
Hết thảy đều thuận lý thành chương, ngay từ khi Uông Chẩn si mê xem tiểu hí, xây nhà riêng nuôi nữ nhân, thực quyền tại hai nha môn này đã dần dần lọt vào tay Lương Ngộ hắn.

Thật ra thăng quan tiến chức không có gì đáng để vui, thứ đáng vui duy nhất chính là sống những ngày như đi trên băng mỏng hơn mười năm, cuối cùng cũng không cần phụ thuộc vào ai, không còn bị những kẻ chẳng khác gì chó lợn sai khiến sử dụng.
Bước ra khỏi Càn Thanh Cung, thái giám tổng quản đang đứng dưới hiên đợi lệnh, hắn khẽ vuốt cái nhẫn bản chỉ trên ngón tay, tầm mắt dừng nơi đỉnh điện trập trùng, “Chọn lấy một người ổn trọng hầu hạ Hoàng Thượng đội mũ mặc áo.”
Thái giám tổng quản liên tục dạ vâng, “Là tiểu nhân sơ sót, mong đại nhân thứ tội…” Khi ngẩng đầu lên thì thấy người đã đi đến tận đầu kia hành lang rồi.
Tư Lễ Giám là nơi tin tức linh hoạt nhất hoàng thành, thường thường chỉ cần Càn Thanh Cung nói ra một lời, trong nha môn lập tức nắm rõ.

Lương Ngộ đi tới Càn Thanh Môn, những người đi theo thường ngày đã đứng chờ ngay dưới bậc thang, bước lên đón chào, gọi một tiếng “lão tổ tông”(*), gọi ngọt đến mức cả người thoải mái.
(*) Ngoài các thái phi ra thì Chưởng ấn Tư Lễ Giám cũng được gọi là “lão tổ tông”.
“Đã thu dọn sạch sẽ di vật của Uông công công rồi ạ, đồ đạc lão tổ tông quen dùng cũng được đưa đến.

Mấy ngày nay lão tổ tông vất vả, nên hồi phủ nghỉ ngơi một chút…” Thái giám Tùy đường Thừa Lương hơi ngừng lại, hạ thấp giọng xuống, “Còn có một chuyện cần bẩm với lão tổ tông, sáng nay Cao thiên hộ của Đông Xưởng báo lại đã tìm thấy cô nương mà lão tổ tông muốn tìm rồi ạ, bây giờ đang ở ngay trong phủ Đề đốc, chỉ chờ lão tổ tông triệu kiến.”
(*) Đông Tập Sự Xưởng (gọi tắt là Đông Xưởng): đây là cơ quan đặc vụ bí mật thời nhà Minh, do thái giám nội thị đứng đầu được gọi bằng các tên Đề đốc, Đốc chủ, Xưởng công/Hán công, Xưởng thần/Hán thần.

Có trọng trách bí mật giám sát toàn bộ Nội các cho đến quân đội, quan viên, nhân sĩ trí thức, học giả danh gia, mọi cơ quan quyền lực của triều đình.

Nói chung là rất rất ghê gớm, nếu mọi người hứng thú thì có thể tìm hiểu thêm nhá.
(*) Tư Lễ Giám: Một trong 12 Giám thời nhà Minh, đứng đầu là Đề đốc(??), Chưởng ấn, sau đó đến Bỉnh bút, rồi đến Tùy đường, quản lý mọi lễ nghi trong Hoàng thành, mọi thái giám cung nữ trong cung, v.v…đặc biệt về sau Chưởng ấn còn có quyền phê hồng nên thế lực càng ngày càng bành trướng.

Chưởng ấn hoặc Bỉnh bút của Tư Lễ Giám còn có thể kiêm luôn chức Đốc chủ Đông Tập Sự Xưởng.



/105

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status