Đừng Học Tiến Sĩ, Sẽ Hết Độc Thân

Chương 2 - Cóc ghẻ, bọ cánh cứng, dơi

/61


(*) Chú thích cuối chương.

- --------

Thợ gõ: Dờ

Nhìn thấy câu trả lời, hai mắt Văn Địch tối sầm lại, cơn giận bốc lên tận đỉnh đầu, suýt thì tắt thở.

Những người ở trong Hà Thanh Uyển không phải giáo sư thì cũng là người nhà của họ, theo lý mà nói thì phẩm chất đạo đức rất cao, không ngờ lại có một tên ngang ngược đến nhường này.

Lẽ nào người đó cũng thuê lại nhà trái phép như cậu?

Ý chí chiến đấu của Văn Địch lại bùng lên, cậu tiếp tục gõ chữ rất hùng hổ: [Âm lượng không quan trọng! Quan trọng là tiếng đàn của anh suýt thì tiễn tôi chầu trời, anh đền tiền tổn hại tinh thần cho tôi kiểu gì! Có chút đạo đức nào không?]

Hàng xóm trả lời rất nhanh: [Thế cậu có không?]

Văn Địch: [?]

Thằng cha này nói cái quần què gì vậy? Ban ngày ban mặt gây tiếng ồn mà còn hỏi cậu có đạo đức không?

Hàng xóm: [(Hình ảnh) (Hình ảnh) Chung cư đã ghi quy định rất rõ ràng là không được chất rác trên hành lang.]

Văn Địch nhìn mấy tấm hình, đó là hình chụp mấy túi rác. Mấy ngày nay cậu và bạn cùng nhà đều bận tối mặt tối mũi nên quên vứt rác, cứ chất đầy trước cửa. May mà bây giờ là đầu tháng Mười, nếu là mùa nắng nóng thì đã mốc xanh lên từ lâu rồi.

Hàng xóm: [(Hình túi rác phóng to) Cậu còn không phân loại nữa chứ.]

Hả? Chuyện đó quan trọng à?

Văn Địch lơ ngơ bị người ta dẫn dắt lạc đề, bắt đầu tranh luận về vấn đề phân loại rác thải: [Rõ ràng tôi đã để riêng rác thực phẩm với rác khác rồi.]

Hàng xóm: [Xương ống không dễ phân hủy nên thuộc loại rác khác, không phải rác thực phẩm. Chai thủy tinh là rác có thể tái chế, nhưng gương thì lại là rác khô. Giấy vệ sinh có tính hòa tan trong nước rất cao nên là rác không tái chế. Cậu chất cả đống linh tinh vào một chỗ, cậu không có thường thức à?]

Văn Địch đứng hình. Người này... sao lại hứng thú với rác rến của cậu đến thế? Lại còn quan sát tỉ mỉ! Lại còn phân loại!

Văn Địch: [Lén nhìn túi rác của người ta, anh là biến thái à?]

Hàng xóm: [Tôi đang phổ cập thường thức cho cậu, cậu lại bảo tôi bị bệnh tâm thần.]

Hàng xóm: [Cứ khi nào không cãi thắng người khác là cậu lại công kích cá nhân?]

Một ngọn lửa giận bùng lên trong ngực Văn Địch. Tên này đúng là tâm thần rồi!

Văn Địch: [Ngày nay chỉ cần chia rác thành hai loại thì đã là người tiên phong trong việc bảo vệ môi trường rồi biết không! Sao anh không giơ biển bảo vệ động vật rồi trèo lên một gốc cổ thụ trăm năm để mà biểu tình?]

Văn Địch: [Còn nữa, không có tế bào âm nhạc thì đừng có làm ô nhiễm thính giác của người vô tội, nhặc khúc gỗ về mà cưa.]

Từ nhỏ đến lớn cậu chưa cãi thua ai bao giờ, nhưng bên kia chỉ gửi một câu thôi đã khiến cậu bị xuyên giáp.

Chỉ với mười mấy chữ ngắn ngủi mà như một quả bom hạt nhân rơi xuống khiến cho lý trí của cậu nổ tan thành mảnh vụn.

Hàng xóm: [Nhìn hình đại diện của cậu, cậu thích Shakespeare à, bảo sao mà nói chuyện không có logic.]

Đầu Văn Địch trắng xóa khoảng một giây, cậu bật dậy khỏi giường rồi gào lên một tiếng "Đm!".

Cướp đoạt giấc ngủ của cậu, bôi nhọ nhân cách của cậu, hoài nghi đạo đức của cậu, tất cả đều có thể nhịn được.

Nhưng tên kia dám to gan xúc phạm Shakespeare, tội đáng chết ngàn lần không thể tha thứ!

Shakespeare là đối tượng nghiên cứu, là người thầy tinh thần, là trụ cột trên con đường học thuật của cậu. Người nào dám vô lễ với Shakespeare thì đều là kẻ thù của cậu - tử thù không đội trời chung!

Văn Địch: [Shakespeare là thần Zeus trên đỉnh Olympus của văn học nhân loại, linh hồn của kịch phương Tây. Anh là cái cóc khô gì mà dám bôi nhọ ông ấy?]

Hàng xóm im lặng rất lâu, Văn Địch tưởng là thằng cha ấy đã tịt ngòi rồi... Ai có thể phủ nhận cống hiến to lớn của Shakespeare cho nền văn minh nhân loại? Nhưng sau đó lại thấy bên kia gửi sang một đoạn văn dài.

Hàng xóm: [Mốc thời gian trong tác phẩm của Shakespeare rất khó hiểu. Câu chuyện về "Vua Lear" lấy bối cảnh thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, nhưng vở kịch lại có đầy những công tước, quan cận thần và hiệp sĩ đeo mặt nạ. Đây đều là những nhân vật chỉ tồn tại ở thời Trung Cổ. Bây giờ không có nhà văn mạng hạng ba nào lại mắc phải lỗi sai nực cười như vậy khi đặt bối cảnh lịch sử.]



Văn Địch: [Hạng ba? Mẹ nó anh nói ai hạng ba?!]

Hàng xóm: [Logic cốt truyện cũng hoàn toàn là một mớ lộn xộn, Lear đã sống chung cả đời với mấy cô con gái, vậy mà ông ta tin sái cổ vào lời nói của con gái cả và thứ hai, không tin tưởng cô con gái út mà mình yêu quý nhất. Gloucester cũng vậy, một đứa con trai đổ tội lên đầu một đứa con trai khác, ông ta kết tội luôn mà không gặp mặt con mình để hỏi cho rõ ràng. Bi kịch của hai nhân vật này hoàn toàn là do những diễn biến cốt truyện vô lý gây ra, không một độc giả nào có thể đồng cảm với những nhân vật như vậy. Cách sắp xếp tình tiết đúng là ngu xuẩn đến vô cùng.]

Văn Địch: [Anh thì biết cái chó gì về Shakespeare! Cường điệu hóa và thoát ly hiện thực là đặc điểm trong kịch của Shakespeare, chúng đều mang ý nghĩa biểu tượng. Anh có hiểu cái gì gọi là Tấm gương của Tự nhiên không?]

Hàng xóm: [Vậy là cậu thừa nhận rằng mốc thời gian của ông ta lộn xộn và diễn biến tình tiết đều bị lèo lái bởi hành vi thiếu logic của nhân vật?]

Ngọn lửa vô danh bắn ra khỏi cổ họng như một đầu tên lửa. Văn Địch căm phẫn tột cùng, nhảy dựng lên rồi chộp lấy điện thoại, đi lòng vòng khắp nhà trong sự hung hăng.

Văn Địch: [Bắt bẻ kịch Trung Cổ bằng chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 21, anh chưa đọc tác phẩm kinh điển bao giờ à? Gu như cái quần què thì đừng có mà nói năng bậy bạ.]

Hàng xóm: [Đã là thế kỷ 21 rồi, cần phải có tinh thần hoài nghi về quyền lực. Tôn thờ cái thể loại lộn xộn thiếu logic này, không cho phép người khác phân tích và chỉ ra sơ hở, đó chính là bạo lực văn học.]

Văn Địch: [?? Ai bạo lực ai? Đừng có mà ngậm máu phun người!]

Hàng xóm: [Thích những tác phẩm hoa mỹ phô trương, tường thuật rườm rà, cốt truyện lỏng lẻo, đầu voi đuôi chuột, tầm thường nhàm chán, mù quáng hùa theo đám phê bình văn học tự nhận có thẩm quyền, thổi phồng chúng một cách quá đáng, đó mới gọi là không có gu.]

Văn Địch nổi điên rồi. Tên này dám chà đạp thần tượng văn học của cậu đến nông nỗi này, nếu có thể chịu đựng được thì còn điều gì không thể chịu đựng được!

Cậu xông ra khỏi cửa phòng, cầm cái chổi lông gà trong phòng khách rồi đi ra phía cửa nhà, định bụng phải quyết chiến một trận sống còn với hàng xóm. Khoảnh khắc chạm vào tay nắm cửa, cậu bỗng khựng lại, hùng hổ lùi lại hai bước rồi huơ cái chổi lông gà với cửa.

Bạn cùng nhà Vu Tĩnh Di đang ăn cơm trong phòng khách, cô nàng nhìn cậu đầy hoang mang: "Mày làm sao thế, cứ như con gà trống xù lông ấy?"

Văn Địch chỉ chổi lông gà vào cửa, tức giận nói: "Tên khốn nhà bên kia sỉ nhục đối tượng nghiên cứu của tao!"

Vu Tĩnh Di chẳng hiểu gì, Văn Địch bắt đầu kể chuyện violin, tóm tắt hành vi khiến thần linh cũng phải nổi giận của tên kia.

Vu Tĩnh Di nghe xong thì rất ngạc nhiên: "Violin?"

Văn Địch trợn mắt há miệng: "Tiếng cứ như khoan vào óc, sao lại không nghe thấy?"

Vu Tĩnh Di buông đũa xuống tập trung lắng nghe, sau đó vẻ mặt cô nàng như giác ngộ: "Mày mở cửa phòng ngủ nên lờ mờ nghe thấy, vừa nãy tiếng trong phòng khách nhỏ lắm."

Văn Địch nhíu mày, đóng cửa phòng ngủ vào, quả nhiên âm thanh nhỏ đi rất nhiều. Cậu lại sang phòng Vu Tĩnh Di để nghe cho kỹ, cơ bản là không có tiếng gì cả.

Tiếng kéo đàn bên hàng xóm vốn dĩ không hề lớn, chủ yếu là do khó nghe. Bảo sao mà tầng trên tầng dưới lại nói là không nghe thấy gì. Có lẽ phòng ngủ của Văn Địch liền sát với phòng tập đàn nên mới...

"Tóm lại là chỉ có mình tao bị hành hạ?" Văn Địch sôi máu, "Sao lại như thế cơ chứ?"

"Mày định làm gì?" Vu Tĩnh Di nhìn dáng vẻ cầm chổi lông gà của cậu, "Sang tính sổ với người ta hả?"

Văn Địch lập tức buông cây chổi lông gà xuống, "Đừng có đùa, tao thì đánh được ai?"

Vả lại sang khiêu khích hàng xóm thì quá rêu rao, cậu cư trú trái phép, tốt nhất là đừng liên quan gì đến người trong chung cư.

"Hầy, vậy thì nhịn thôi." Vu Tĩnh Di an ủi, "Mày nhịn lão Lưu hơn ba năm rồi còn gì, nhịn tên kia một chốc có sao đâu."

Văn Địch vừa tức vừa buồn.

Cậu cảm thấy dạo này đúng là phạm vào Thái Tuế. Cuộc sống, tình cảm, học thuật, cả ba đều xui xẻo.

Cậu ôm cục tức về phòng, trước khi đi thì quay lại nói với Vu Tĩnh Di: "Sau này cứ mua túi rác màu đen ấy, túi màu nhạt chẳng có tý riêng tư nào cả!"

Vu Tĩnh Di không hiểu gì cả: "Chính mày chọn túi màu xanh nhạt mà? Được giảm giá trên Taobao, mày mua một phát mười cuộn, đến bây giờ vẫn chưa dùng hết một nửa."

Văn Địch bị giằng xé giữa tận dụng tối đa đồ vật và tên hàng xóm bị ám ảnh cưỡng chế, cuối cùng cậu nhịn nhục buông cây chổi lông gà xuống, "Thôi vậy, dùng hết rồi nói sau. 10 tệ cũng là tiền."

Vu Tĩnh Di đã sớm biết thói keo kiệt của cậu cho nên không cảm thấy bất ngờ. Cô nàng để bát yến mạch vào trong bồn rồi rửa sạch, thấy thằng bạn cùng nhà vẫn đang căm tức thì chần chừ hỏi: "Mày đổi mật khẩu mạng trường à?"

Văn Địch tạm thời tỉnh lại khỏi cơn tức, chớp chớp mắt rồi sực nhớ ra: "À đúng rồi, lúc trước thấy hệ thống thông báo thay mật khẩu. Tao đổi xong thì quên nhắc mày, xin lỗi nhé."

"Không sao không sao," Vu Tĩnh Di nói, "Là tao dùng nhờ tài khoản của mày mà."

Đại học T đã dùng nguồn tài lực dồi dào để mua một cơ sở dữ liệu khổng lồ, sinh viên đang theo học có thể sử dụng và tải xuống miễn phí bằng tài khoản của trường. Tuy đã rời trường từ lâu nhưng Vu Tĩnh Di vẫn quan tâm đến xu hướng của các tạp chí ngôn ngữ học, vì vậy Văn Địch đã chia sẻ tài khoản của cậu cho cô nàng.

"Dạo này ngôn ngữ học có nghiên cứu nào thú vị không?" Văn Địch hỏi.



Nhắc đến chuyên ngành trước kia, Vu Tĩnh Di không còn lờ đờ nữa mà phấn chấn hẳn: "Linguistics số trước có một bài thú vị lắm, nói về một loại ngôn ngữ ở Kurskoy Thổ Nhĩ Kỳ, gọi là ngôn ngữ huýt sáo."

Văn Địch chớp mắt, "Giao tiếp bằng tiếng huýt sáo?"

"Ừ, tiếng huýt sáo của người chăn cừu bên đó rất có lực xuyên thấu. Vào thời đại chưa có điện thoại, họ có thể giao tiếp bằng tiếng huýt sáo cách những ngọn núi, khoảng cách truyền âm có thể đạt đến 8km."

Văn Địch vừa "oa" vừa lấy điện thoại ra định chia sẻ mật khẩu cho Vu Tĩnh Di, nhưng ấn mấy lần mà màn hình không sáng.

"Lại tự tắt máy rồi," Văn Địch lẩm bẩm, "Mày còn phải đi làm mà? Mày cứ đi trước đi, lát nữa tao mở được máy rồi gửi cho mày."

Vu Tĩnh Di đeo bao lô, cầm lấy chìa khóa, nhìn điện thoại trong tay Văn Địch đầy lo lắng, "Tao thấy nó tự sập nguồn mấy lần rồi, hay là mang đi sửa đi, nếu nó bị hỏng lúc mày ở bên ngoài thì phải làm sao?"

"Không sao, cắm sạc vào là lại lên." Văn Địch nói, "Sửa điện thoại đắt lắm. Máy cũ thế này, mua cái khác còn kinh tế hơn."

Nói thì nói thế, cậu không định mua cái mới. Nghiên cứu sinh tiến sĩ được nhà nước phát 2700 mỗi tháng, thêm lương của trợ lý chung, mỗi tháng thu nhập 5400. Ăn uống trong trường đều rẻ bèo, như vậy là đủ sống rồi. Nhưng mà cậu vẫn muốn tích một ít tiền, dù sao thì nhà cậu cũng không có tiền.

Cái điện thoại này là từ năm năm trước, một bạn học thời cấp ba của cậu đổi cái mới nên đã cho cậu cái cũ. Thế nên cậu chẳng rõ nó bao nhiêu tuổi rồi, có tý vấn đề cũng là dễ hiểu.

Bình thường vẫn dùng tốt, chưa cần thiết phải đổi thì chưa đổi.

Vu Tĩnh Di đi làm, Văn Địch về phòng ngủ cắm sạc cho điện thoại, quả nhiên lại lên nguồn. Cậu gửi mật khẩu xong thì ngó vào ghi chú, quyết định không thèm quan tâm đến thằng cha vạch lá tìm sâu ở cách vách nữa. Cậu còn phải làm cả đống việc vặt chất thành núi, giáo viên hướng dẫn thì cứ cách mấy tiếng lại giục tiến độ.

Cậu vừa ngồi xuống bàn, tiếng đàn violin ở cách vách lại vang lên. Lần này còn chói tai hơn cả lần trước, vừa giống cưa gỗ vừa giống tiếng khoan giếng, đồng thời còn có một chút gai người của âm thanh lưỡi dao cứa lên kính thủy tinh.

Cơn giận tích tụ trong lòng như một ngọn núi lửa đang sôi sục, mỗi một nốt nhạc vang lên là một quả bom hạt nhân thả vào miệng núi.

Văn Địch viết tài liệu xét duyệt trên máy tính, bên tai cứ có tiếng kẽo kẹt. Càng viết càng bực bội, càng viết càng tức ngực, đến nỗi hít thở không không, lồng ngực đau đớn.

Cậu quyết tâm đến thư viện ở lì cả ngày, chắc hẳn sẽ không tập đàn đến tối đâu nhỉ.

Đợi đến khi màn đêm buông xuống, cậu quay về từ trường học. Đi tới cửa nhà, quả nhiên không còn nghe thấy tiếng đàn violin nữa.

Quá tốt rồi, cùng lắm thì ngày nào cũng ra ngoài.

Nhưng ai mà ngờ được, lúc cậu vào cửa bên cách vách vẫn còn im lìm, vừa ngồi xuống thì tiếng đàn lại vang lên.

Âm thanh chói tai như đóng đinh lên ghế, Văn Địch bật dậy. Cố tình kiếm chuyện với cậu đúng không! Chắc chắc là cố tình nhắm vào cậu!

Emo đêm khuya cộng thêm thể lực cạn kiệt, cơn tức giận của Văn Địch lên tới đỉnh điểm.

Cậu quẳng ba lô xuống đất, lấy một đống giấy bản thảo ra. Cậu phải xả cơn tức này mới được!

Văn Địch đi đi lại lại trong phòng, cuối cùng cũng nghĩ ra lời nguyền rủa vô liêm sỉ, dơ dáy và độc địa nhất có thể.

Sáng ngày hôm sau, Biên Thành vừa thức dậy, phát hiện ra hàng xóm gửi tin nhắn cho mình lúc hai giờ sáng. Đó là một bức ảnh.

Ảnh chụp một tờ giấy, trên đó có ba dòng chữ viết tay, dòng nào cũng rồng bay phượng múa vô cùng sâu sắc:

Cầu mong giọt sương độc hại như thứ mà mẹ ta từng thu thập từ đầm lầy chất độc rồi bôi vào lông quạ sẽ chảy hết lên đầu ngươi!

Cầu mong những bùa chú của Sycorax, cóc ghẻ, bọ cánh cứng, dơi, tất cả đều nguyền rủa ngươi!

Cầu mong một cơn gió độc tới từ Tây Nam sẽ thổi vào người ngươi, nhấn chìm ngươi bằng những bọc mụn nước!

- --------

Tác giả có lời muốn nói:

Ba dòng cuối trích từ "The Tempest" (Act 1, Scene 2) của Shakespeare:

- As wicked dew as e'er my mother brushed with raven's feather from unwholesome fen drop on you both!

- All the charms. Of Sycorax, toads, beetles, bats, light on you!

- May a hot wind from the southwest blow on you and cover you with blisters!

/61

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status