Đường Âm

Chương 1 - Ma Dẫn

/17


Tôi và gia đình chuyển đến làng Sao này chỉ mới vài tháng nên vẫn chưa rành về đường xá nơi đây, nhất là lại đối với một đứa mù đường như tôi. Phải mất cả tháng trời tôi mới nhớ được con đường từ nhà đến trường và ngược lại, tôi đã có thể tự mình đạp xe xuyên qua những khúc cua ngoằng ngoèo và những con đường mòn đầy sỏi vụn để đến lớp đúng giờ mà không cần ba chở. Quãng đường cũng khá dài, tầm 6 cây số. Khối 11 trường tôi học buổi chiều. Ngày qua ngày cứ trưa đạp xe đi học chiều tối lại đạp xe về, tôi cũng dần quen thuộc với cảnh vật và nếp sống sinh hoạt của người dân làng Sao.

Ngôi làng này vẫn còn rất hoang sơ và thưa người ở, phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh chỉ thấy bạt ngàn màu xanh của cây cỏ và bầu trời rộng lớn, những ngôi nhà gỗ đơn sơ cách xa nhau cả trăm đến vài trăm mét. Người dân làng Sao sử dụng nước giếng là chính, tuy vậy cũng đã có điện, nhưng nguồn điện vẫn hạn chế nên những con đường ngỏ hẻm vẫn tối om khi đêm xuống do không được lắp đèn. Tôi là chúa sợ ma nên vừa tan học là lật đật đạp xe về nhà ngay tắp lự, tranh thủ chút hơi tàn của ánh mặt trời còn sót lại cuối ngày. Nhưng ở đời thường là vậy, luôn có những chuyện xảy ra ngoài ý muốn bản thân.

Chiều hôm đó, đúng 5h tiếng trống tan trường giòn giã vang lên, học sinh ùa ra từ các phòng học, tuy không đông như trường cũ trên phố nhưng cũng nhốn nháo rộn rã tiếng cười nói làm bầu không khí thoáng chốc trở nên sôi động đầy sức sống. Tính tôi khá hòa đồng nên đến giờ cũng thân được vài đứa, thân nhất là nhỏ Lam ngồi cùng bàn. Vì trường chỉ quy định mặc áo dài vào đầu tuần nên đám con gái tụi tôi thoải mái với quần xanh áo trắng những ngày còn lại. Tôi và Lam lưng đeo balo, tay dắt xe đạp ra cổng trường , miệng ríu rít trò chuyện. Đường về nhà Lam cùng đường với tôi, nhưng nhà nó gần trường hơn nhiều nên thành ra chỉ đi chung được nửa quãng đường, nữa quãng còn lại tôi phải lủi thủi đi một mình. Đạp được vài mét thì tôi cảm thấy có gì đó là lạ, cái xe dường như trở nên loạng choạng, khó điều khiển, tôi liền xuống xe xem xét. Má ơi, thì ra bánh sau xe đạp đã xẹp lép từ lúc nào không hay. Có lẽ lúc nãy trò chuyện với nhỏ Lam hăng say quá nên tôi không để ý. Tôi căng thẳng lục lọi trí nhớ xem gần đây có nơi nào vá xe, nhưng rồi lại thất vọng, vì chắc chắn trên quãng đường từ trường về nhà không hề có chỗ nào vá xe cả. Chỉ có một tiệm duy nhất ngay trước cổng trường. Không lẽ bây giờ lại vác xe trở ngược lại đó, nếu vậy có lẽ khi về đến nhà trời đã tối mù luôn rồi. Các bạn biết là tôi sợ ma mà, thế nên tôi quyết định dắt bộ về nhà, cái xe sẽ tính sau.

Mọi ngày trên chiếc xe đap, tôi bon bon lướt qua đoạn đường này nên không chú ý gì nhiều, lúc này một mình một xe chậm chạp từng bước, tôi mới nhận ra con đường này quả thật hoang vắng, không hề có nhà dân nào, hai bên chỉ um tùm cây là cây. Đang giữa tháng 10 nên dù chỉ mới hơn 5 giờ trời đã nhá nhem tối. Cái lạnh đầu đông bắt đầu xuyên qua lớp áo thấm lạnh từng lỗ chân lông trên người. Da gà da ốc cứ thi nhau chễm chệ xuất hiện. Tiếng bước chân và lốp xe nghiến trên nền đất đầy sỏi vụn nghe rào rạo, rõ mồn một trong không gian quá yên tĩnh như vầy. Nhà tôi ở cuối làng, cái khu xa xôi nhất, xa trạm xá, xa chợ, xa trường học… Cách nhà tôi hơn 200m còn có nhà của ông Năm lụi, nhưng nhà ổng to và đẹp hơn nhà tôi nhiều. Con đường này là con đường duy nhất dẫn vô cuối làng nên ngoài gia đình tôi thì chỉ có nhà ông Năm lụi đi qua lại. Mà mọi người thì làm ruộng về lâu rồi, chỉ có tôi đi học nên về giờ này thôi. Tim tôi liên tục nhảy cà tưng trong lồng ngực, những câu chuyện ma quỷ từng nghe không ngừng chiếu loạn xạ trong trí tưởng tượng. Tôi cố gắng trấn an bản thân thôi không suy nghĩ đến chuyện ma quỷ nữa, dù sao cũng chỉ còn 3 cây số nữa là đến nhà. Nghĩ vậy nên tôi yên tâm, tập trung dắt xe thật nhanh. Được tầm vài trăm mét, tôi chú ý dường như mình đang xuyên qua một lớp sương mù… mờ ảo và lạnh lẽo. Quái lạ thật, bình thường có bao giờ thấy sương mù vào giờ này đâu nhỉ. Tôi vô thức nắm chặt tay cầm, hai vai co lại, cặp mắt ráng căng hết mức nhìn thẳng về phía trước. Bỗng tôi nghe loáng thoáng quanh đây như có tiếng trò chuyện. Có người sao? Tôi mừng rỡ đi nhanh hơn. Không xa về phía trước, vài bóng người thấp thoáng dưới ánh chạng vạng mờ mờ ảo ảo khiến tôi không thể nhìn rõ. Tôi bèn lớn tiếng gọi:

“Ai ở đằng trước đó?”

Nhưng không ai trả lời. Có vẻ họ không để ý. Tôi quyết định đến gần để nhìn rõ hơn…

Là một nhóm 4 đứa con nít tầm 7-8 tuổi đang chụm đầu vào nhau rì rầm gì đó. Sương mù làm cho tôi không cách nào nhìn rõ được mặt mũi tụi nó. Bỗng tôi nghe tiếng một đứa con trai, là đứa cao nhất trong 4 đứa nói:

“Tụi mày giấu ở đâu?”

Tôi khẽ rùng mình, tiếng nói ấy quá lạnh lẽo và không hề tồn tại chút cảm xúc nào. 3 đứa còn lại cũng trả lời bằng cái giọng nhừa nhựa không âm điệu:

“Không có”

“Đừng có nói láo!” – Thằng nhóc hét to hơn.

“Tụi- tao- không- có- nói- láo!” – 3 đứa kia gằn từng chữ, dứt lời liền xông vào thằng nhóc đấm đá túi bụi. Tôi hoảng hồn la lên:

“Ê, mấy đứa kia, đánh nhau gì đó?”

Nhưng dường như tụi nó chả thèm để ý gì. Tôi chép miệng nghĩ “Chắc mấy đứa con nít lại gây gỗ tào lao gì đó”. Bình thường có lẽ tôi sẽ can thiệp và hỏi xem đầu cua tai nheo ra sao rồi phân xử đúng sai, nhưng hiện tại thân mình còn lo chưa xong mà trời lại ngày càng tối hơn, thế nên tôi khẽ lắc đầu rồi dắt xe đi tiếp, tự nhủ tụi nó đánh nhau chán rồi lại thôi.

Đi thêm được một đoạn, hình như sương mù lại có vẻ dày hơn, tôi cắm đầu dắt xe thật nhanh, không gì làm tôi hạnh phúc hơn được trở về nhà ngay lúc này. Đột nhiên ở xa xa phía trước, tôi lại thấp thoáng thấy bóng người. Hay là ba mẹ chờ mãi không thấy nên ra đón mình? Nghĩ thế tim tôi đập rộn ràng, bước chân càng nhanh hơn, nhưng càng đến gần, bước chân tôi càng chậm lại khi nhận ra không phải ba mẹ. Đó là một nhóm 4 đứa con nít chừng 7-8 tuổi đang chụm đầu rì rầm gì đó. Quái lạ, hôm nay sao lắm con nít vậy, à mà chắc có sinh nhật đứa nào trong làng… Dù sao thì có người trên đoạn đường vắng cũng làm tôi an tâm ít nhiều.

Ngang qua tụi nhỏ, tôi cười hỏi:

“Tối rồi mà chưa về nhà hả mấy đứa?”

Không có tiếng trả lời, chỉ có những tiếng rì rầm to nhỏ không thể nghe ra. Tôi phát bực. Giọng tôi thường ngày đã không nhỏ, trên đoạn đường tĩnh mịch thế này nghe lại càng rõ, không lí nào lại không nghe thấy.

Mặc kệ tụi nó, tôi tiếp tục dắt xe đi. Chỉ mới vài bước, từ phía tụi con nít sau lưng, tôi nghe tiếng của một đứa con trai:

“Tụi mày giấu ở đâu?”

Chân tôi khựng lại. Đó là giọng nói không thể quên được, đều đều, lạnh lẽo và không hề mang theo cảm xúc. Đúng lúc ấy 3 đứa còn lại cũng trả lời:

“Không có”

Vẫn là những giọng nói ấy, nhừa nhựa rờn rợn.

Thằng nhóc kia hét to hơn:

“Đừng có nói láo!”

“Tụi- tao- không- có- nói- láo!”

Không…không thể nào! Tại sao mẩu đối thoại lại giống hệt lúc nãy vậy. Theo bản năng tôi quay đầu lại. Trong màn sương mờ mờ ảo ảo, 4 đứa lao vào nhau đấm đá túi bụi. Tôi cố nhìn thật kỹ… Má ơi! đúng là 4 đứa nhỏ lúc nãy. Hai chân tôi đã nhũn như như bún rồi, nhưng chút lý trí còn sót lại nhắc nhở đây có thể chỉ là một trò đùa, có thể đám con nít trong làng chỉ muốn bày trò chọc phá người mới chuyển đến. Tôi quay đầu, run rẩy siết chặt 2 bên tay cầm, ép đôi chân khó nhọc lết từng bước đi tiếp. Ba ơi, mẹ ơi, ba mẹ đang ở đâu? Tôi đã sợ muốn khóc nhưng ráng kiềm nén, không có gì, không có ma quỷ gì hết, không được sợ. Tôi cứ bước rồi lại bước, nhưng sao hôm nay quãng đường này cứ như dài ra, hay nói đúng hơn giống như tôi đang đi trên một chiếc máy chạy bộ vậy, đi mãi đi mãi thực ra vẫn chỉ là dậm chân tại chỗ. Bây giờ sương mù đã dày đặc, che phủ mọi vật nên hầu như tôi không thể nhìn rõ gì được nữa. Hơi thở từ miệng đã thành những làn khói mỏng uốn lượn bay lên. Chưa đến Giáng sinh mà lại lạnh như vậy sao? Lúc ban ngày vẫn còn ấm áp lắm mà. 2 hàm răng tôi đã va vào nhau lập cập đến thảm thương. Nhìn đồng hồ trên tay, đã hơn 6 giờ rồi, chắc cả nhà đang lo lắm. Tôi hoang mang nhìn về khoảng trời âm u mờ căm phía trước, sương dày thế này thấy đường đâu mà đi. Nhưng thôi kệ, chỉ cần đi thẳng hết con đường này là về đến nhà. Tôi cắn răng lần mò trong đêm sương. Rồi tôi nghe thấy tiếng gì đó, là ba mẹ đi tìm mình sao? Tôi mừng rỡ bước đi như bay, miệng gọi như hét:

“Ba ơi! Mẹ ơi! Con ở đây!!!”

Gió thốc từng cơn làm tôi không thể nghe rõ. Tôi lại gọi lớn:

“Ba mẹ ơi!!!”

Và dưới ánh sáng lờ mờ của ánh trăng…không xa về phía trước, tôi nhìn thấy…một đám 4 đứa con nít… Mọi chuyện diễn ra như một đoạn phim bị tua đi tua lại nhiều lần…

“Tụi mày giấu ở đâu?”

“Không có”

“Đừng có nói láo!”

“Tụi- tao- không- có- nói- láo!”

4 đứa lao vào nhau.

Tôi kinh hãi thét lớn: “Á Á á á á!!” Tiếng thét như xé toạc màn đêm. Rồi điều tôi không ngờ đến, bọn chúng đột ngột ngưng đánh nhau. Đứa cao nhất trọng bọn đột ngột quay phắt đầu về phía tôi, nhanh một cách kỳ dị. Lạ một điều là chỉ có nó quay lại, còn 3 đứa kia thì chậm chạp đứng vây lại thành một vòng tròn nhỏ, đầu chụm vào nhau, giây sau liền phát ra tiếng rầm rì lạo xạo khó hiểu. Đến khi nhìn thẳng vào mặt, tôi sợ đến tê người, cặp mắt tụi nó trợn trắng đảo liên hồi, miệng không phải đang nói mà chỉ là cử động lên xuống lách nhách không ngừng tạo ra những tiếng “chặp chặp chặp…” vô nghĩa. Tôi sợ đến hồn bay phách lạc, chỉ biết đứng nhìn trân chối, chiếc xe đạp đã ngã sõng xoài trên mặt đất tự lúc nào.

Nó “nhìn” tôi bằng hai hốc mắt trống rỗng, đen ngòm, máu nhễu nhão từ đỉnh đầu loang xuống khắp mặt. Nhìn lại những đứa kia, tay chúng đang cầm một hòn đá nhọn hoắc vẫn đang rỉ máu. Nó ngoác miệng xé ra một nụ cười gớm ghiếc bốc ra mùi tanh tưởi nồng nặc lợm người. Đầu nó khẽ nghiêng một bên, chăm chú “nhìn tôi” rồi cất giọng, một thứ giọng nói lúc xa lúc gần, đều đều và lạnh đến cùng cực:

“Chị có giấu hai con mắt của em không?”

Trời đất như quay cuồng, tay chân tôi nặng như đeo chì, hai mắt hoa lên.. Tất cả đã vượt quá giới hạn chịu đựng…

/17

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status