Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 113: Công xưởng Nam Bình

/385


Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

C 113: Công xưởng Nam Bình.

Có được sự ủng hộ lớn lao, công xưởng mà Hoàng Anh Kiệt muốn làm bắt đầu được xây dựng. Tiền vốn không quá lớn, Kiệt vẫn mạnh tay chi tiêu, mua một mảnh đất lớn. Mảnh đất được phân chia làm: khu trồng đay, khu làm sợi, khu dệt, khu nhân công ở, khu vệ sinh, khu bếp và còn một nơi tương đối trống trải gọi là khu máy.

Hiện tại thì những chỗ đó đều chưa xây dựng gì, mới bắt đầu công đoạn đầu tiên. Trong kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng là tốn kém nhất, chỉ vào không ra. Đến hộ cá nhân thì làm việc thổ mộc cũng tốn mà, người xưa bảo rồi: “Làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn”.

Kiệt không thể tự biến ra một công xưởng, việc chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng phải tiến hành kiểu nhà nghèo, vừa xây dựng vừa sản xuất, kiếm được lãi lại xây dựng thêm.

- Nào nào, tất cả dậy đi!

- Keng keng keng keng!

Buổi sáng tại công xưởng đang trong thời kỳ xây dựng này bắt đầu với những tiếng kẻng và hô hào đánh thức toàn bộ mọi người dậy. Tất cả những người tới công trường đều sẽ được đánh thức dậy, bắt đầu tập thể dục để vươn vai và chạy một chút cho cơ thể thông khí huyết. Sau khi thông khí huyết thì đi làm vệ sinh cá nhân.

Khu vực vệ sinh là nơi được ưu tiên xây trước, tuy chỉ là loại cổ và vẫn phải dội nước bằng tay, thì vẫn còn đảm bảo vệ sinh, tránh cho nhân công ỉa đái lung tung gây mất vệ sinh hay bệnh dịch. Chất thải sẽ được dọn đi vào cuối ngày, ra khu tập trung để ủ kỹ, đem làm phân bón cho khu trồng đay sau này.

Vệ sinh cá nhân xong, là đi ăn sáng. Xuất ăn đảm bảo dinh dưỡng và no bụng. Rồi được uống nước trà pha nhạt để đỡ tanh miệng. Ăn xong nghỉ ngơi 10 phút cho tiêu cơm trước khi bắt đầu làm việc.

Tất cả những hành động kể trên, và hàng loạt các quy định sau đó nữa, chính là để rèn luyện tác phong cho những người này. Không chỉ nhân công lao động tay chân, kể cả những người học sinh tới đây làm việc cũng phải rèn như thế. Không thể không nói, việc phải làm việc theo quy luật khiến nhiều người bí bách, không muốn theo, nhưng bên làng Hồng Bàng đã vừa đấm vừa xoa, giải thích cặn kẽ mọi thứ: tập thể dục để cơ thể được khởi động, tránh việc ngủ dậy ăn cơm luôn bị đau bụng, là hợp với y học; hay đi vệ sinh đúng nơi quy định tránh mùi khó chịu và bệnh vì bẩn… Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là phần lao động tay chân.

Muốn công xưởng thực sự tối ưu, máy móc cần được chạy bằng sức nước nhiều hơn sức người, đặc biệt là máy làm sợi, bởi công đoạn này tốn cực nhiều sức, tính ra cứ phải 14 thợ làm sợi mới đủ cho một thợ dệt làm việc. Nhưng việc làm các đập nước nhân tạo để lấy sức nước phục vụ đặc biệt cần nhân lực. Đắp một phần đập để ngăn nước lại, xây hệ thống dẫn nước để nó chảy tới khu vực cần thiết, thiết kế lắp ráp những bánh xe nước để nhận lực từ nước và quay trục hoạt động… việc nào cũng cần nhiều sức.

Để có thể tận dụng được sức người với tiền của có hạn, ngoài dùng nhân công thuê được và vận động gia đình họ tới giúp sức, kêu cả người từ đám Chu Văn Bàn sang làm việc, làng Hồng Bàng còn động viên thêm người của mình lên đây hỗ trợ, song vẫn rất khó khăn. Máy móc dù có cũng không hoàn toàn có thể thay thể sức người, dù gì thời nay đâu chế được những máy móc mạnh mẽ được. Vì thế, khi nhìn sang những người học sinh mà Minh mời về đang đứng trố mắt nhìn, Kiệt quyết định sang bảo họ cùng giúp sức.

- Bọn này tới là để quản lý và đốc thúc công việc, nếu nhảy vào làm cùng thì làm sao đảm bảo hoàn thành công việc.

- Tay kẻ sĩ dùng để cầm bút viết chữ, cầm sách đọc điều thánh hiền, không phải để bưng bê, khuân vác

- Trong hợp đồng không nói tới việc làm việc tay chân, bọn này không làm?

Nghe những lời thoái thác, Kiệt cũng không giận. Quả thực dân trí thức bị bắt đi lao động tay chân cũng không ai sung sướng gì. Nhưng thêm một người làm là thêm chút giúp đỡ, thời gian hoàn thành cơ sở hạ tầng càng nhanh thì mới càng có thêm thời gian.

- Các vị, tôi không phải là người ăn học đàng hoàng như anh trai tôi, từ nhỏ đã chí thú kinh doanh và làm sản phẩm thủ công, nói năng chắc các vị khó nghe lọt. Nhưng tôi vẫn phải nói, hiện tại công trường đang cần người, thêm một người là thêm một phần sức lực. Lý do các vị tới đây, ngoài vì kiếm sống, còn vì giúp đỡ những người lao động khó khăn. Giờ, cơ hội giúp đỡ họ đây này, cùng chung tay làm việc với họ, đó là sự giúp đỡ thực sự thiết thực đó còn gì nữa.

Những gì Kiệt nói khiến nhiều người ái ngại, vì nói tới thế là đã khiến họ phải rơi vào vấn đề là nếu không giúp tức là sẽ bị coi như hạng ngụy quân tử, chỉ biết nhân nghĩa mồm. Một vài người phất tay áo bỏ đi, nhưng rồi sau hôm đó, những học sinh này bắt đầu sắn tay áo vào mà làm cùng. Lần đầu tiên làm việc thổ mộc nặng nhọc, ai cũng mệt bã người, song cũng nhờ làm việc mà các bên dần quen nhau hơn. Sau ba tháng làm việc ròng rã, một công xưởng nhỏ đã hình thành.

Khu đất chuẩn bị làm nơi trồng đay đã được làm cẩn thận, chỉ đợi qua xuân là có thể trồng đay, sau 3 tháng là thu hoạch. Hiện tại, nguồn đay chủ yếu là mua cây đay về để làm vải. Đay sau khi đem từ thuyền xuồng, sẽ được sơ chế lại lần nữa: phơi khô, tách sợi, nối sợi, sau đó sẽ bắt đầu se sợi, dệt vải. Vải đay tới đây sẽ được đem bán. Hiện tại thì công xưởng mới chỉ có thể làm tới thế này thôi, do thợ cũng chỉ đào tạo tới đây, máy mới có tới loại kéo sợi, dệt vẫn dùng bàn dệt thường. Có điều là tuy chỉ có mỗi công đoạn làm sợi dùng máy, nhưng do là công đoạn mệt nhất, nên bằng việc dùng được sức nước chạy máy móc, tất cả mọi việc trở nên nhanh hơn, đỡ mệt hơn cho công nhân, để họ giữ sức khỏe tốt, làm được nhiều, hạ giá thành sản xuất, và khi này thì dù giá thành sản phẩm không cần đổi cũng đã mang lại một lợi nhuận rất khả quan.

Với nguồn tiền kiếm được, sau khi trả tiền cho nhân công lao động các cấp: quản đốc, lao động trực tiếp, kế toán, kỹ sư,… rồi đem trả một phần nợ với đám Thái Chí Phú, một lượng tiền tiếp tục được dùng để đầu tư hoàn thành các phần của công xưởng. Kiệt tính toán rằng, tiếp tục như vậy sau khoảng 2 năm là hoàn thành công xưởng như cậu ta muốn.

Đúng lúc đó, một lá thư mời được chuyển tới chỗ Kiệt, người viết chính là Mai Diễm, thông qua Vũ Thị Liễu. Dó Liễu đã nhiều lần qua gặp gỡ với Minh cùng Cường, cô ta được Cường dẫn vào gặp Kiệt ngay. Lá thư cũng không có gì nhiều, chỉ là mời Kiệt sang ăn vặt một chút. Kiệt nghĩ một hồi, thấy rằng dù gì Minh cũng đã thiết lập được mối quan hệ này, lãng phí nó thì thật không hay, thôi thì cứ bồi dưỡng thêm, biết đâu có ngày cần dùng.

Minh dẫn theo Thùy Linh, Phương Nhung cùng Cường, theo chân Liễu vào gặp Mai Diễm. Kiệt tự nhận bản thân không giỏi giao tiếp, cũng bận rộn việc nghiên cứu, nên e rằng nếu cứ để bản thân mải mê tạo lập quan hệ là không ổn, chi bằng để Linh và Nhung làm thay. Hai người này là những người con gái xuất sắc nhất làng Hồng Bàng dù thế nào cũng sẽ dễ được thiện cảm của Mai Diễm.

Quả đúng như Kiệt nghĩ, Mai Diễm rất vui vẻ nói chuyện cùng hai người, hỏi han rất nhiều chuyện. Ba người đàn bà thì thành cái chợ mà. Mãi sau, cô ta mới nhớ tới Kiệt đang ngồi ở đó, liền cuống quýt xin lỗi.

- Ôi chao, nhóc đừng trách ta nhé, là người phụ nữ, thấy những cô bé thông minh lại được bồi dưỡng tốt thế này, ta rất là tò mò.

- Dạ dạ, phu nhân cứ quá khen. Phu nhân cũng đừng khách sáo, hai bạn ấy dù gì cùng còn nhỏ, nếu phu nhân thấy còn thiếu sót xin chỉ dẫn giùm các bạn ấy nhiều nhiều.

- Nhóc con, mi vậy mà lại thay họ nhờ vả ta, chắc bọn này cũng là vợ tương lai của mi hả?

- Cái đó thì còn tùy, con không cưỡng cầu, nếu đã lớn mà hai bên còn tình cảm và thích lẫn nhau thì sẽ tới với nhau thôi.

- Nhóc nói gì mà kỳ, chả phải cũng đã 13- 14 tuổi rồi đó ư?

- Dạ, con gái qua tuổi 18 mới là thực trưởng thành mà, con thì cho rằng ở tuổi đó cũng tiếp xúc đủ nhiều, kiến thức rộng hơn, thân thể khỏe mạnh hơn, có thể đủ chính kiến để quyết định phần nào cuộc sống. Hơn nữa hôn nhân là việc quan trọng, người không đủ khỏe, kiến thức không tốt, lại không thể tự nuôi mình, từ đó chọn sai người thì khổ cả đời.

- Phụ nữ tự quyết vận mệnh sao?- Mai Diễm kinh ngạc nhìn Kiệt. Cô ta thực sự không hiểu nổi sao thằng nhóc có thể nói như vậy, dù gì, nó cũng là con trai, phụ nữ tự quyết vận mệnh thì đàn ông sẽ thế nào. Lại còn lo cho cuộc đời người phụ nữ nếu bị phụ bạc hay chọn sai tấm chồng nữa chứ

- Cái này là con ngẫm lại cuộc đời mẹ mình, bà ấy phải lấy một ngươi chồng giàu có hơn mình song bản thân không thể tự lập, đến khi chồng mất, không nhờ bố con thì cũng khổ rồi. Vì thế, con muốn giúp mọi người phụ nữ mình có thể giúp.

Mai Diễm nghe vậy liền trầm ngâm, nhân chi sơ tính bản thiện, đứa nhỏ này nhìn đời mẹ nó rồi ngẫm thế không phải không có lý. Vì thế, cô ta cũng bớt tính cảnh giác hơn với nó.

- Ta thật sự muốn gặp mẹ con để xem người phụ nữ dạy được hai người con trai tài giỏi thế này là người thế nào đó.

- Dạ, mẹ con đang bận ở quê, nhưng sắp tới trong hai năm nữa, cái công xưởng này mà làm ăn tốt, con đón bà ấy lên trên này chơi, phu nhân nhất định sẽ gặp gỡ.

- Bà ấy ở quê nhà thế nào, có tốt không?

- Dạ, cũng tạm thôi, bố con đang có người khác, mẹ đành dồn hết tâm huyết cho Anh Tài, em trai của con!- Kiệt cũng thành thực kể, đàn ông thời này năm thê bảy thiếp không lạ, số người vợ phải chịu cảnh này không ít, kể ra cũng chả phải việc xấu. Mai Diễm thì là kiểu nhân tình vợ lẽ của Lương Vũ Phong, nếu nói bố cậu khác gì nói Lương Vũ Phong.

- Thôi thôi, nói chuyện lâu quá rồi, ta lại quên chính sự! Kiệt này, nghe con nói là xưởng phải hai năm mới tốt lên, ta thấy rằng làm ăn cũng được lắm mà.

- Dạ tiền vào như nước sông, mà tiền ra như thác đổ.- Kiệt cười và bắt đầu kể khổ. Tiền vào rồi lại phải trả lương, mua vật liệu, tu sửa máy móc, chuẩn bị xây mới và quan trọng nhất là các khoản nợ.

- Nói vậy, con hẳn đang rất cần tiền nhỉ?- Mai Diễm cười, song Kiệt thì mắt ánh lên sự vui vẻ. Mai Diễm nói vậy, ắt là muốn cho vay. Chỉ cần lãi tính hợp lý, Kiệt sẽ không từ chối.

- Dạ thưa, càng nhiều lại càng ít phu nhân ạ.

- Chuyện là thế này, thân phận ta thì con biết rồi đấy, là người vợ lẽ, chả có chút quyền lợi nào, lại chưa có con, nữa là con trai. Giờ muốn có chút tiền dưỡng già. Với cả thấy việc con làm ông Phong cũng vừa ý, có lợi cho ông ấy, nên nếu ta giúp con, biết đâu lại thành công tranh sủng.

- Phu nhân còn trẻ lắm, lo quá xa rồi, nhưng phụ nữ mà dám tự chủ tài chính cũng là điều hay. Với cả của chồng công vợ, gái có công chồng không phụ. Phu nhân làm vậy quá đúng - Kiệt một mặt tán dương sắc đẹp của Mai Diễm, song nói thêm câu sau để tránh cô ta không đưa tiền làm Mai Diễm phải phì cười.

Cô ta không vòng vo, tỏ ý rằng mình cũng quen một số người phụ nữ, họ cũng đang giống cô ta, có tiền dư thừa, thấy Kiệt làm ăn được, nên quyết định đầu tư. Kiệt nghe xong, rất là vui vẻ. Hỏi han đầy đủ các khoản tiền và yêu cầu về lời lãi xong, Kiệt đề nghị dùng phương án mua cổ phần.

Nghe phương án lạ tai, Mai Diễm rất là quan tâm, và Kiệt đề nghị để cho Linh và Nhung ở lại gặp gỡ và giải thích với những người muốn đầu tư, như vậy là tốt nhất, Linh và Nhung như thế sẽ tăng cường khả năng giao tiếp và tạo mối quan hệ. Mai Diễm vui vẻ đồng ý. Có Kiệt ở đây, cô ta rất khó khai thác được điều mong muốn, những chuyện ở làng Hồng Bàng.

/385

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status