Lốc Xoáy Thời Gian

Chương 15 - Một Chút Chuyện Xưa

/20


“Bây giờ mình đi đâu vậy giáo sư?” Nét mặt Thiện Hùng hớn hở, không kiềm lòng được, muốn nhanh chóng nếm cảm giác đi thuyền xuyên thời gian. Cả Minh Ngọc và Hoa Khôi cũng vui mừng không kém, dù sao đây là lần đầu tiên bọn họ đi xuyên thời gian.

Tưởng rằng sinh viên mới vô học viện chỉ toàn vào lớp ngồi nghe giảng, ai ngờ rằng mới hôm thứ hai, bọn họ đã được sử dụng thuyền thời gian!

Giáo sư Thanh Kiều thấy Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi hí hửng, cũng nở một nụ cười: “Từ từ. Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá, mà quàng phải dây! Chúng ta cũng không có đi đâu xa, chỉ ra Đông Nam Bộ, thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai, vào mười năm về trước!”

Giáo sư Thanh Kiều vừa nói vừa nạp thời gian và tọa độ nơi cô muốn tới vào máy điểu khiển. Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi đứng chen chút bên cạnh giáo sư, tỉ mỉ quan sát động tác của cô. Ngón tay cô điêu luyện, gõ máy tách tách rồi ấn nút chạy sau khi cô điền xong thông tin.

Tiếng máy khẽ kêu “bíp bíp, chế độ tự động lái”, rồi chiếc thuyền bắt đầu căng buồm, nhổ neo, bập bềnh rời bến, lên đường quay về mười năm trước.

Bốn cô trò ngồi thuyền, lên đên trên biển thời gian, Thiện Hùng bỗng nhiên sực nhớ gì đó, mở miệng hỏi: “Giáo sư, mình đi về mười năm trước để làm gì vậy?”

“Tất nhiên là làm nhiệm vụ rồi!” Giáo sư Thanh Kiều nhướng mày nói, như vẻ đây là điều đương nhiên, mọi người đều biết.

“Nhiệm vụ gì?” Thiện Hùng tò mò, hỏi tiếp.

“Đến đó rồi biết!” Giáo sư Thanh Kiều bí mật không chịu bật mí.

Vài phút sau, con thuyền giảm tốc độ rồi từ từ dừng lại, máy điều khiển một lần nữa kêu lên “bíp bíp, bạn đã đến nơi”.

Giáo sư Thanh Kiều thả neo, dùng tay xoay chiếc nhẫn chìa khóa ba vòng theo kim đồng hồ, một lỗ hổng không gian hiện ra trước mặt cô. Cô bước vào lỗ hổng và ra khỏi không gian đặc biệt. Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi cũng lập tức xoay nhẫn, đi theo giáo sư.

…………………………….

Mười Năm Trước,

Thành Phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai

Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi đăm chiêu quan sát phong cảnh phố xá nhộn nhịp vào một buổi chiều tàn, mùa thu lá rụng của thành phố Biên Hòa – những ngôi nhà mái tôn san sát nhau, những con đường tráng nhựa phẳng phiu, những chiếc xe gắn máy băng băng chạy xuôi ngược như dòng nước chảy.

Bọn họ đều là dân thành phố, thành phố nào cũng có nét giông giống nhau, người người đông đúc, tiếng động cơ xe ồn ào, cho nên, họ không ngỡ ngàng lắm. Thiện Hùng lớn lên ở miền Nam Bộ, cũng đã vài lần vào Biên Hòa thăm bà con, vì vậy, cậu cũng mang máng nhận ra cảnh sắc quen thuộc trên con đường Quốc Lộ 1K.

“Các em,” giáo sư Thanh Kiều cao tiếng nói: “Bây giờ chúng ta cần đến một vài chỗ để làm nhiệm vụ! Đầu tiên là đến thư viện tỉnh Đồng Nai!”

“Đến đó làm gì vậy, giáo sư?” Thiện Hùng cau mày, khó hiểu. Chẳng lẽ bọn họ tốn công quay về quá khứ chỉ để đi thư viện đọc sách? Bộ có cuốn sách nào mà học viện không có, phải lặn lội đến Biên Hòa để mượn?

Bọn họ đi bộ dọc theo Quốc Lộ 1K đến trước thư viện. Bốn góc khuôn viên thư viện được bao bọc bởi một mảng tường thành bê tông vững chắc, phía trước được xây cổng tam quan bằng sắt. Đây là một loại cổng phổ biến từ thời phong kiến Việt Nam, gồm có một lối đi rộng lớn chính giữa và hai lối đi ngách hai bên dẫn vào thư viện, như bà mẹ hiền đang nắm tay, dẫn giắt hai người con nhỏ. Trên tráng cổng được viết hàng chữ Thư Viện Tỉnh Đồng Nai đỏ thẫm, nổi bật trên nền trắng.

Thư viện là một tòa nhà sơn trắng, to lớn sừng sững, hài hợp, hòa đồng vào cảnh trời xanh biếc với những đám mây bay lơ lửng. Nó được lắp ráp những chiếc kính thủy tinh đen bóng, phảng chiếu anh mây bay, cửa sổ được trạm trỗ hoa văn nghệ thuật Việt Nam tinh sảo màu xanh lá, có những bậc thang màu hạt dẻ, tao nhã dẫn tới cửa chính.

Cánh cửa tự động mở ra như lời mời chào bọn họ đến với thư viện. Giáo sư Thanh Kiều hướng thẳng phía bàn lễ tân cất bước đi, mở miệng bắt chuyện với bà thủ thư cao tuổi trong cặp kính cận to tròn, như chiếm hết một nửa khuôn mặt của bà ta.

“Chào bác,” giáo sư Thanh Kiều lễ phép chào hỏi. “Cháu đến để trả một cuốn sách.”

Nói xong, giáo sư Thanh Kiều lục lọi trong túi xách tay của cô, lấy ra một quyển truyện tranh giấy đã vàng ố, trên bìa có viết cuốn sách này là của T.T. bằng bút mực xanh hơi bị nhòe chữ, rồi đưa cho bà thủ thư. Bà ta mỉm cười đón nhận, dùng máy quét điện tử quét mã vạch trên sách và cẩn thận đặt nó trên giá, chung với những cuốn sách khác vừa được trả, đang chờ được sắp xếp vào đúng vị trí của chúng nó trong thư viện.

Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi đều trợn tròn mắt nhìn giáo sư của bọn họ. Vị giáo sư này mượn sách, mượn gì tới mười năm sau mới chịu lết xác về trả lại cho thư viện. Mà đâu phải sách phức tạp cần mười năm nghiên cứu, chỉ là một quyển truyện tranh nhảm nhí cho bọn con nít đọc.

Đừng nói với bọn họ đi trả sách là làm nhiệm vụ đó nha! Sao thấy giáo sư Thanh Kiều giống như đang mượn của công, xài thuyền xuyên thời gian của học viện để đi làm việc riêng quá.

“Nhiệm vụ giáo sư nói là đi trả sách cho giáo sư đó hả?” Vừa ra khỏi thư viện, Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi cau mày, lớn tiếng chất vấn.

Nếu đây là nhiệm vụ thì đúng thật là một nhiệm vụ lãng xẹt, làm bọn họ thật cụt hứng. Tưởng được làm nhiệm vụ gì trọng đại lắm để bảo vệ lịch sử Việt Nam, ai dè chỉ đi làm chuyên ruồi bu, trả lại sách trước khi hết hạn để bà giáo sư khó ưa của họ khỏi phải đóng tiền phạt trả sách trễ.

“Ồ, không phải chỉ đi trả sách,” giáo sư Thanh Kiều môi cười láu cá, tinh ranh đáp lại. “Mà còn phải trả tiền cho bà Quý, ông Tư, bác Bình gần bên nhà cô, rồi còn trả mấy quyển vở cho con nhỏ bạn học nữa!”

“Trời đất!” Thiện Hùng và Hoa Khôi há hốc mồm, thốt to lên. “Sao mà giáo sư mượn tiền tùm lum tà la hết vậy. Giáo sư nợ gì mà nợ như Chúa Chổm* luôn!”

Giáo sư Thanh Kiều cười nhún vai, không đáp lại, chỉ tiếp tục bước đi, dẫn bọn họ đến trạm xe buýt. Bốn người chen chúc nhau trên chiếc xe buýt đông nghẹt vào giờ tan công sở, hướng về phía ngoại ô thành phố Biên Hòa mà đi.

Khoảng mười lăm phút sau khi chiếc xe buýt đến trạm xe ở Phường Hố Nai, giáo sư Thanh Kiều bấm chuông xe, xin ông tài xế dừng lại rồi xuống xe từ cửa sau. Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi cũng nhanh nhẹn rời khỏi xe, đi theo sau giáo sư.

Bọn họ thong thả đi đến một cửa tiệm bán đồ tạp hóa, là một căn nhà nhỏ được chia làm hai gian. Nửa bên trái dùng để bán hàng hóa, còn bên phải làm nơi ở cho gia đình. Trước cửa tiệm có một bà cụ lớn tuổi đang ngồi thẩn thơ trên chiếc ghế nhựa xanh, quan sát xe cộ đi nườm nượp đi lại trên con đường xa lộ.

Giáo sư Thanh Kiều tiến tới chỗ bà cụ, mỉm cười, cất giọng đầy sự kính lão nói với bà cụ: “Chào bà.”

Bà cụ ngước mắt nhìn giáo sư Kiều và ba cô cậu sinh viên đang đứng sau lưng, đáp lại nụ cười, ấm áp: “Chào cháu. Các cháu muốn mua gì, để bà lấy cho.”

Giáo sư Thanh Kiều vẫn giữ trên mặt nụ cười thân thiện, trả lời: “Dạ, cháu không cần mua đồ. Cháu là chị họ của Thanh Kiều. Nghe con bé nói nó hay mua hàng thiếu bà, cháu đến để trả tiền cho con bé.”

Giáo sư Thanh Kiều cố ý giấu diếm thân phận thực sự của cô. Việc này cũng là bất đắc dĩ, vì để lộ ra cô ta đến từ tương lai là một trong những điều cấm kị khi trở về quá khứ. Tương tự, những du hành gia thời gian cũng không được phép nói chuyện về tương lai cho những người trong quá khứ biết.

Giáo sư Thanh Kiều bèn lấy ra vài ba tờ trăm đồng đưa cho bà cụ. Bà cụ trợn tròn mắt, xua xua tay, từ chối không nhận: “Ối giời, con bé nó thiếu chỉ cùng lắm vài chục đồng thôi, cháu đưa cho bà nhiều quá!”

Giáo sư Thanh Kiều cầm tay bà cụ, để mấy tờ tiền trong lòng bàn tay lấm tấm đồi mồi của bà ta, nói: “Bà cứ nhận đi. Coi như tương lai, nếu con bé lại mua thiếu bà thì trừ dần vào số tiền này.”

Nghe vậy, bà cụ cũng miễn cưỡng nhận lấy, rồi mở lời mời giáo sư Thanh Kiều lấy vài món đồ trong tiệm tạp hóa cho cụ đỡ ngại. Giáo sư không khách sáo, lựa mấy bịch bánh đa mè đen rồi tạm biệt cụ.

Giáo sư Thanh Kiều phân phát mấy cái bánh đa cho Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi. Cả ba người vẫn chưa ăn trưa nên đói meo, háo hức đón nhận mấy cái bánh đa, cắn vài miếng giòn rụm trong miện, ăn cho lót bụng.

Bốn người lại như vậy, tiếp tục đi sang nhà ông Tư, là thợ sửa xe đạp, rồi bác Bình, làm nghề bán cơm bình dân, trả tiền giáo sư Thanh Kiều thiếu mười năm nay cho hai người này, sẵng tiện kêu mấy đĩa cơm ăn luôn. Tất nhiên là giáo sư bao ăn, cơm chùa ngu gì mà ba cô cậu sinh viên lại từ chối.

Người ta hay nói bà con xa không bằng láng giềng gần thật là chí lí. Hàng xóm của giáo sư Thanh Kiều, ai nấy cũng nuông chiều, tận tình giúp đỡ cô ta lúc còn nhỏ, luôn vui vẻ cho cô ta mua thiếu, ăn quỵt.

Cũng may là giáo sư Thanh Kiều vẫn còn chút lương tâm, biết điều quay về quá khứ trả nợ. Hỏi tại sao cô ta không trả nợ ở thời hiện tại mà quay về quá khứ làm gì thì mới biết các bà, các bác giúp đỡ giáo sư lúc nhỏ đều đã qua đời, không còn nữa.

Nghe vậy, Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi lòng có chút bùi ngùi, buồn buồn im lặng. Hoa Khôi khẽ liếc mắt, quan sát giáo sư Thanh Kiều, cậu cảm thấy có vẻ như khóe mắt giáo sư hơi long lanh vài giọt nước, có lẽ cô ta xúc động khi gặp lại những người hàng xóm chất phát, lương thiện này, những người đã nhiệt tình đối đãi với cô ta như người nhà suốt thời thơ ấu.

Trầm lặng một lúc, giáo sư Thanh Kiều hít một hơi thật sâu, lấy lại tinh thần, rồi tươi cười nói với Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi: “Bây giờ, chúng ta đi đến địa điểm cúng cuồi*, nhà nhỏ bạn của cô để trả mấy cuốn vở!”

“Ôi, giáo sư mượn vở bạn để làm gì?”

“Trời, các em đi học chẳng lẽ không biết?” Giáo sư Thanh Kiều ngạc nhiên hỏi lại. “Mượn vở bạn tất nhiên là để quay cóp, làm phao.”

Nghe câu trả lời quá thật thà của giáo sư làm ba cô cậu sinh viên phải giật mình. Giáo sư đi học gian lận, có cần phải khoe khoang với người khác như vậy không?

Bạn học của giáo sư tên là Thanh Thảo, nhà cách khu xóm của giáo sư không xa, đi bộ chừng năm phút là tới. Lúc này, cô bạn học không có nhà, cho nên giáo sư đưa mấy cuốn vở cho người nhà cô bạn, nhờ đưa lại giùm.

Mọi việc xong xuôi đâu đó, bốn cô trò lại đón xe buýt về nơi đã neo thuyền, xoay nhẫn mở ra lỗ hổng không gian, lên thuyền đi về thời hiện tại.

…………………………….

Chú thích:

1. Nợ như Chúa Chổm: Truyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, khi vua Lê Trang Tông (1514-1548) còn bé, có tên là Chổm. Chổm sinh ra trong lúc nhà Lê bị thất thế, bị nhà Mạc đuổi giết, nên Chổm và mẹ phải lẩn trốn. Vì vậy, Chổm rất nghèo, thường vay mượn để sinh sống. Lớn lên, Chổm gặp được Nguyễn Kim, đang khởi binh chống lại nhà Mạc, được Nguyễn Kim tôn làm vua của quân binh khởi nghĩa. Khi quân Chổm khải hoàn trở về, đi qua làng cũ, một số người chủ nợ của Chổm thấy Chổm ăn bận sang trọng, có lính theo hầu, đoán chắc giờ Chổm đã giàu có, liền chạy lại đòi tiền. Chổm lấy tiền ra trả cho họ. Lúc đó, người này thấy người kia đòi được nợ, nên ai cũng xúm lại đòi nợ, chủ nợ đứng chật đường, chỉ vào mặt vua đòi nợ. Vua mượn quá nhiều, cũng không nhớ rõ đã mượn ai và bao nhiêu, nên vung tiền xuống đường, ai nhặt được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Sau đó, quan binh thấy dân làng cứ đòi nợ vua, làm mất thể diện, nên ra lệnh cấm không được chỉ vua đòi nợ. Nhờ thế, người ta mới thôi không đòi nợ Chổm nữa. Con đường làng sau này gọi là đường Cấm Chỉ, vẫn còn tồn tại ở Hà Nội. Cũng vì vậy, ngày nay người ta có câu ca dao sau:

Vua Ngô ba sáu tán vàng,

Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì.

Chúa Chổm mắc nợ tì tì,

Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô. Đăng bởi: admin


/20

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status