Mưu Trí Thời Tần Hán

Chương 48: Bề ngoài tôn trọng, bên trong đoạt quyền

/68


Các quan đại thần mà đứng đầu là: Trương Giản Chi, Hoàn Ngạn Phạm, Kinh Huy, Viên Thứ Kỷ, Ngụy Huyền Vĩ đã dùng thủ đoạn cứng rắn buộc Võ Tắc Thiên nhường ngôi để Đường Trung Tông Lý Hiển lại có thể nắm hoàng quyền. Nhưng thế lực của cháu Võ Tắc Thiên là Võ Tam Tư trong triều không những không hề suy yếu mà ngược lại càng lớn mạnh hơn. Trước tiên là Đường Trung Tông gả ái nữ của mình Lý Quả Nhi cho con trai Võ Tam Tư là Võ Sùng Huấn, tiếp đó từ Vi hoàng hậu đến ái phi của Đường Trung Tông, thượng quan Uyển Nhi chuyên viết chiếu thư đều cấu kết với Võ Tam Tư. Những người họ hàng khác của Võ Tắc Thiên cũng lần lượt nhập cung khôi phục lại uy thế trước kia. Trương Giản Chi lúc này mới hối hận là lúc đó đã không ra tay kiên quyết với nhà họ Võ, diệt cỏ phải diệt tận gốc. Thế là mất bò mới lo làm chuồng, Trương Giản Chi không ngừng dâng bản tấu thỉnh cầu Đường Trung Tông tước bỏ chức quan của những người nhà họ Võ đặc biệt là Võ Tam Tư. Song Đường Trung Tông đã vô cùng tín nhiệm Võ Tam Tư lại được sự bao che của Vi hoàng hậu, thượng quan Uyển Nhi thì địa vị của Võ Tam Tư chẳng thể lại bị lung lay lần nữa. Võ Tam Tư lúc đó đương nhiên rất vui vì đã khôi phục lại được địa vị cũ vốn có trước đây.

Một hôm, tham quân Tuyên Châu là Trịnh âm vì ăn hối lội làm sai pháp luật nên bị truy nã. Trịnh âm trốn vào nhà Võ Tam Tư ở Đông Đô. Trịnh âm đã từng làm quan trong triều, có mối giao tình với Võ Tam Tư. Sau một hồi hàn huyên với nhau, bỗng dưng Trịnh âm khóc to lên, khóc một hồi rồi lại cười mãi không thôi làm Võ Tam Tư kinh ngạc nghi ngờ, vội vàng hỏi rõ nguyên nhân.

Trịnh âm trả lời rằng: "Lúc vừa gặp đại vương tôi không thể không khóc vì sợ rằng đại vương sắp bị giết hại, sau đó lại không thể không cười vì người đã may mắn gặp được tôi thì có thể chuyển họa thành phúc rồi".

Võ Tam Tư lại hỏi: "Họa ở đâu? Phúc từ đâu đến?".

Trịnh âm nói: "Đại vương tuy đã giành được sự tín nhiệm của Đường Trung Tông, nhưng bọn Trương Giản Chi đều là những kẻ quyền thế, chỉ trong một ngày buộc Võ Tắc Thiên nhường ngôi dễ như trở bàn tay. Đại vương hãy nhìn lại thế lực của mình, nếu so với Võ Tắc Thiên ngày đó thì vẫn còn ít hơn rất nhiều lần. Bọn đó bây giờ đang ngày đêm nghiến răng nghiến lợi, hận là không thể ăn tươi nuốt sống đại vương ngay, tru đi tam tộc. Nếu người không trừ bỏ bọn chúng đi thì nguy cơ sẽ rất lớn. Đại nạn đã đến gần như vậy mà người chẳng lo lắng gì thì bảo sao mà tôi chẳng đau lòng, không khóc cho được cơ chứ?".

Võ Tam Tư nghe nói vậy, dường như toàn thân run bắn lên vội vàng dẫn ông ta lên lầu vào phòng kín để hỏi cách chuyển họa thành phúc.

Trịnh âm cười rằng: "Chuyện này chỉ cần đại vương nhận thức được là có thể dễ dàng giải quyết. Bọn Trương Giản Chi là những đại thần có công lớn giúp Trung Tông phục vị. Đường Trung Tông đương nhiên rất kính trọng họ, không thể chỉ vì một câu nói của đại vương mà không nể nang gì họ nữa hay giáng chức để đoạt quyền. Đại vương sẽ tùy tình hình mà ứng nhân, khuyên Trung Tống phải kính trọng họ hơn, phong cho bọn họ được làm vương. Như thế thì bề ngoài là phong vương thụ tôn nhưng thực ra lại cướp quyền binh của họ. Lúc bọn họ mất đi đại quyền cũng là lúc đại vương có thêm phần đại quyền đó. Đến lúc đó thì bọn họ há chẳng phải là miếng thịt trên thớt của đại vương sao?".

Võ Tam Tư nghe xong liền khen "diệu kế". Một mặt thì rửa sạch tội hối lộ cho Trịnh âm, đồng thời tiến cử làm trung thư xả nhân. Mặt khác nhanh chóng liên lạc với Vi hoàng hậu, thượng quan Uyển Nhi để bọn họ cùng khuyên Đường Trung Tông: Nhóm người Trương Giản Chi nếu cứ sủng ái họ mãi chỉ vì họ có công lao thì sẽ bất lợi với nước nhà. Đường Trung Tông vì còn vướng chuyện tình cảm, khó có thể ngay lập tức vuốt mặt không nể mũi như vậy bèn bàn bạc với Võ Tam Tư. Võ Tam Tư vội vàng truyền đạt lại kế "Minh tôn trọng, ám đoạt quyền" của Trịnh âm. Đường Trung Tông nghe xong kế đó cảm thấy bề ngoài thì có vẻ như tôn sùng nhóm Trương Giản Chi hơn, tránh được miệng lưỡi thế gian bảo rằng ăn cháo đá bát mà trên thực tế thì lại ngăn ngừa được cái họa công thần chuyên quyền nên đồng ý ngay.

Không lâu sau, Trương Giản Chi bị phong làm Hán Dương Vương, Hoàn Ngạn Phạm làm Phù Dương Vương, Kính Huy làm Bình Dương Vương, Viên Thứ Kỷ làm Nam Dương Vương, Ngụy Huyền Vĩ làm Bác Lăng Vương. Để "miễn trừ" những vất vả của họ nên họ không phải lo phụ trách bất kỳ chuyện chính sự nào, hàng tháng cứ vào ngày mùng một và mười lăm vào triều hai lần để tấu là được rồi.

Không lâu sau đó trong số ngũ vương người thì bị tội chém, người thì chết oan uổng, chẳng ai thoát được khỏi tay Võ Tam Tư.

"Minh phong vương, ám đoạt quyền" thực ra là cách dùng dao mềm giết người. Dùng dao cứng giết một cách công khai thường khó có hiệu quả. Nhưng dùng dao mềm để bề ngoài một kiểu, trong lòng một kiểu thì lại khác, vừa có thể làm cho đối thủ và "dư luận" ngỡ rằng mình rất trọng tình cảm, trọng đại nghĩa lại vừa làm đối thủ hoàn toàn mất cảnh giác, vì thế mà có thể hành động một cách dễ dàng. Trong tranh giành quyền lực chính trị và trong đàm phán kinh doanh cũng thế.

Chuyên gia quản lý xung đột nổi tiếng của Mỹ, giáo sư trường đại học Masachuset, ông Phuder Sute đã từng đại diện cho một công ty tiến hành đàm phán với chủ tịch công đoàn. Trong cuộc đàm phán, giáo sư được biết rằng giám đốc công ty đã có những lời không nên nói trong lần đàm phán đầu tiên với chủ tịch công đoàn và các phóng viên cũng đã đưa tin rộng rãi những lời nói đó. Vì vậy ông chủ tịch công đoàn rất phẫn nộ, một mực yêu cầu giám đốc công ty phải có lời xin lỗi, nếu không...

Tình hình rất nghiêm trọng. Tuy rằng trong đàm phán việc lỡ lời là khó tránh khỏi, nhưng khi đã dẫn đến mâu thuẫn về lòng tự tôn thì rất có khả năng cuộc đàm phán sẽ đi đến kết quả tồi tệ Nếu như lúc này mà lại dĩ cường đối cường, vì giám đốc đã đuối lý trước mà phía công đoàn lại lấy cớ đó để đối lại thì rõ ràng là hạ sách. Ông cũng biết rằng để tránh rơi vào tình trạng bế tắc thì giám đốc phải chuẩn bị để công khai xin lỗi ngay. Nhưng ông cho rằng xin lỗi một cách bị động dưới sự yêu cầu tức giận của đối phương thì khác nào chưa đánh mà đã mất hết nhuệ khí, vì thế đó chỉ là trung sách để tránh làm cho cuộc đàm phán chấm dứt nửa chừng. Ông nghĩ ra việc áp dụng thượng sách "Minh tôn trọng, ám đoạt quyền".

Ngay khi tiếp xúc với chủ tịch công đoàn ông liền nói "Tôi rất hiểu tâm trạng của ngài, tôi nhất định sẽ cố gắng giúp ngài. Tuy tôi không thể bảo đảm một cách chắc chắn về kết quả nhưng dù là trong trường hợp công khai hay không công khai tôi cũng sẽ kiên trì việc buộc giám đốc phải có lời xin lỗi với công đoàn. Có điều nếu các ngài cũng hy vọng tôi làm được việc này thì nên chăng các ngài sẽ hợp tác một cách có hiệu quả với tôi trong các vấn đề khác?".

Chủ tịch công đoàn thấy rằng mình đã nhận được sự tôn trọng một cách "thấu tình đạt lý" của giáo sư nên đồng ý ngay với yêu cầu "thấu tình đạt lý" của ông.

Sau đó, giáo sư đưa ra đề nghị nghiêm túc để kết thúc việc này là: giám đốc công ty phải công khai xin lỗi, bày tỏ sự tôn trọng cần phải có với công đoàn, tạo dựng lại địa vị của công đoàn trong dư luận xã hội... Chủ tịch công đoàn rất hài lòng với tuyên ngôn "công bằng" của giáo sư nên nhanh chóng đáp ứng các điều kiện về yêu cầu hợp tác mà giáo sư đã đưa ra.

Sau đó, về phía công ty, giám đốc đã công khai xin lỗi công đoàn, còn phía công đoàn cũng rất tín nhiệm và ủng hộ giáo sư mà không biết rằng mình đã có sự nhượng bộ về phương diện lương, phúc lợi của công nhân.

Nếu trực tiếp yêu cầu công đoàn có sự nhượng bộ về mặt quyền lợi thì khác nào vuốt râu hùm bởi vì nguyên nhân phát sinh cuộc đàm phán này là do tranh giành quyền lợi. Giáo sư đã bề ngoài thì buộc giám đốc phải công khai xin lỗi, bày tỏ sự tôn trọng cần có đối với công đoàn để ngấm ngầm đạt được mục đích đó.

/68

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status