Nghìn Năm

Chương 1: Khởi

/21


Búng tay một cái đã mấy ngàn năm.

Phật viết: Hết thảy chúng sinh bắt đầu từ không có,

vì có ân ái tham dục, nên có luân hồi

1. Khởi

Ngàn năm lại trôi qua, chàng rẽ nước mà tới. Khói bụi mịt mờ dáng dấp, mặt nước vẫn không xao động.

Sào trúc chống nhẹ xuống, thuyền cập bờ, thanh y đẹp đẽ, ánh mắt ấm áp vẫn như xưa, nhìn ta, nở nụ cười nhàn nhạt.

“Chúng ta lại gặp nhau rồi”.

Ta ngẩng đầu nhìn về phía xa, giữa mặt nước và bầu trời là sắc núi mênh mông và kỳ lạ, nhuốm màu xanh gần như trắng.

Hít một hơi sâu, lại buồn rầu than rằng: “Đúng thế, Mục Túc Tử, ta lại thua kiếp này rồi”.

Chiếc thuyền dài và hẹp lướt đi trên mặt nước như lá liễu. Và sương mỏng bụi nhạt đó đã xóa tan kiếp này, mở ra kiếp sau. Ngồi trên mũi thuyền, mặt nước gợn sóng lăn tăn, từng lớp từng lớp, dần hóa thành bóng một người, ẩn khuất giữa khoảng cách của phù sinh. Sau đó, bóng người nhạt dần, hiện lên chiếc bóng lộng lẫy của ta, mái tóc đen như mun, làn da trắng như tuyết, ngay cả đầu ngón tay cũng ánh lên màu hồng phấn sáng bóng, kiếp này xinh đẹp như vậy, khi ta vận trang sức lộng lẫy xuất hiện giữa triều đường, văn võ bá quan thay đổi sắc mặt, còn chàng, chàng ngồi trên ngai vàng, ánh mắt kinh ngạc, hồn bay phách lạc.

“Vương Tường(*) tham kiến bệ hạ, bệ hạ vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!”

(*) Vương Tường: Tức Vương Chiêu Quân, một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc được tuyển vào cung khoảng sau năm 40 TCN, nhưng không chịu đút lót họa sĩ Mao Diên Thọ nên bị vẽ chân dung xấu, do đó không được Hán Nguyên Đế triệu kiến. Sau này, Vương Tường được chọn đi cống Hồ, lần đầu tiên được gặp hoàng đế cũng là lúc nàng phải đi tiến cống. Trong lòng hoàng đế thương tiếc muôn vàn.

Kiếm tìm ngàn năm, cứ ngỡ rằng đời này được như ước nguyện, nhưng chỉ được nhìn trong vội vã. Nếu sớm biết thế này, hà cớ gì ta phải lựa chọn khuynh quốc tuyệt sắc làm chi.

Trong một ngàn năm qua, chàng là Hán Vương Lưu Thích(*), ta là mỹ nhân Chiêu Quân. Lần đầu gặp gỡ trong Kim Điện cũngà lần vĩnh biệt, hữu duyên vô phận đành đến đây thôi, còn gì đáng nói nữa đâu.

(*) Lưu Thích: Tức Hán Nguyên Đế.

Mỉm cười xa xôi, thở dài bất lực.

“Mục Túc Tử, tại sao vạn vật đều muốn trở thành thần?”

Chàng nhướng mày, trầm tư, tiếng cây sào khua nước vang lên trong trẻo. Ta lại hỏi: “Mục Túc Tử, tại sao chàng lại chèo thuyền trong Bích U Đàm?”

“Thần chở cho thế nhân, còn ta chở cho thần”.

Câu nói của chàng khiến ta bật cười, bĩu môi: “Mục Túc Tử, ta không phải thần. Chí ít bây giờ không phải”. Nói tới đây, tiếng cười ngưng bặt. Đúng thế, ta vẫn không phải là thần… Mỗi một ngàn năm vượt qua Bích Đàm này, đều vì muốn thành thần, tiếc thay mỗi một ngàn năm đều thiếu một chút là thành công.

Thần nói: “Vì ta khổ hơn chúng sinh, phải vượt qua tam tai chín nạn bảy mươi hai kiếp số, mới có thể thành thần, nên càng cao quý hơn”.

Thần nói: “Vạn vật không giống nhau, Ưu Đàm, con muốn thành thần, phải trải qua khổ sở ngàn năm, hoa tính của con ngắn ngủi, không thể kéo dài, vì thế, kiếp số của con chính là Hằng(*)”.

(*) Hằng: Nghĩa là “lâu dài”.

Thần nói: “Ta cho phép con mỗi một ngàn năm được mang một ước nguyện tới nhân gian, giúp con sớm công đức viên mãn”.

Thế là, trong một ngàn năm đầu tiên, ta chọn minh đức.

“Đại học chỉ đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”(*). Nhiều năm trước có một người tên Khổng Khâu(**) đã nói một câu như thế này.

(*) Sách “Đại học”, vốn dĩ là một thiên trong “Lễ ký” sau được Chu Hy đời Tống đưa vào bộ “Tứ thư”, được cho rằng do Tăng Tử học trò của Khổng Tử chép lại lời thầy dạy. Câu trên là câu mở đầu sách, thường gọi là Tam cương, dịch nghĩa là: Cái đạo của đại học là ở làm sáng cái đức sáng của mình, đổi mới dần và ở nơi chỉ thiện.

(**) Khổng Khâu: Tên thật của Khổng Tử (551 – 479 TCN), là một nhà tư tưởng, triết học xã hội, nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc.

Làm người nên lập đức. Là nam tử được người đời tôn làm thánh, những lời ông ấy nói chắc không sai đâu nhỉ?

Ta giáng trần đúng lúc mặt trời mọc.

Khuỷu song Lô Tư nước Việt, có ngọn Phụng sơn, ráng chiều như gấm nơi chân trời, chiếu rọi xuống suối vô cùng rực rỡ. Người trong thôn coi đây là kì quan, tán thưởng không ngớt: “Đứa bé gái này, e rằng là phượng hoàng con bay tới”.

Mẫu thân đặt tên ta là Đán, mang họ cha là Trịnh.

Trịnh Đán(*).

(*) Trịnh Đán: Là một mỹ nữ nước Việt cuối thời Xuân Thu.

Người đời sau đánh giá về người con gái này như thế nào, ta đã được nghe rất rõ vào một ngàn năm thứ hai.

Mọi người đều nói nàng theo Tây Thi(*) tới nước Ngô, làm quân cờ chính trị, hồng nhan họa quốc.

(*) Tây Thi: Người thời Xuân Thu, đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc, được gọi là Trầm Ngư mỹ nhân. Tương truyền Tây Thi có nhan sắc chim sa cá lặn, có công lớn trong việc giúp tướng Phạm Lãi và Việt Vương Câu Tiễn diệt vua Ngô Phù Sai.

Đều nói Ngô vương(*) chỉ sủng ái Tây Thi, nàng bị ghẻ lạnh, buồn bã u uất mà chết vì bệnh trong cung cấm.

(*) Ngô vương: Tức Ngô Phù Sai, là vị vua thứ hai mươi lăm của nước Ngô thời Đông Chu trong lịch sử Trung Quốc.

Mặt nước gợn sóng lăn tăn chuyên chở truyền thuyết đi thuyền quy ẩn cảm động lòng người của Tây Thi và Việt đại phu Phạm Lãi(*), đều nói đó là nữ tử tốt đẹp của nước Việt, hy sinh thân mình để cứu nước nhà.

(*) Phạm Lãi: Tên tự là Thiếu Bá, là một tướng tài của nước Việt ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đã giúp Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô.

Tây Thi… Tây Thi…

Khóe môi mấp máy, tại sao trong một ngàn năm đó ta lại gặp nàng ta?

“Lẽ đời như thể sắc xuân, thanh tân mỗi dịp mùa xuân quay về, ba năm ngày tháng dầm dề, mùa xuân nào thấy trở về ở đâu, sông kia nước sạch từ lâu, không sao rửa sạch nỗi sầu quốc vong”.

Kẻ bị tổn thương, kẻ mất nước là ta, người ưng thuận theo kế sách là ta, người thuyết phục Tây Thi là ta, vì muốn báo thù cho chúa mà chấp nhận gian khổ gấp bội cũng là ta…

Chỉ vì ta không xinh đẹp như nàng ta nên khi giặt lụa ở bờ suối, chàng nho nhã cưỡi ngựa đi tới, lần đầu tiên nhìn thấy nàng ta, trong mắt chàng chẳng có ai tồn tại nữa.

Phạm Lãi, nam nhân ấy… chàng là kiếp số mà thần tiên đã an bài cho ta, nhưng Tây Thi, ngươi đã dựa vào nhan sắc tuyệt thế của mình, dễ dàng cướp mất mối duyên phận mà ta theo đuổi ngàn năm.

Chỉ là khi đó, ta không biết gì. Bởi vì không biết gì, nên khi nhìn thấy hai người đưa mắt nhìn nhau, ta liền rút lui, âm thầm chúc phúc cho họ.

Nỗi khổ trong lòng, nỗi hận vong quốc, nỗi đau thất tình, cứ thay nhau giày vò, dung nhan tiều tụy, đau đớn mà chết.

Ta từ từ thoát khỏi thân xác người phàm, quay đầu lại thấy trong cung Quán Oa nổi lên tiếng khóc lóc ầm ĩ. Nữ tử tuyệt sắc ấy cầm tay Trịnh Đán khóc lóc: “Tỷ tỷ, tỷ tỷ… chúng ta đã hẹn nhau cùng trở về núi Trữ La, chúng ta hẹn nhau rồi…”.

Nàng ta khóc lóc đau đớn, ta lặng lẽ đứng nhìn, trong khoảnh khắc ấy, hồng trần thế tục đều trở nên thật xa xôi.

Đúng vào lúc đó, lần đầu tiên ta nhìn thấy Mục Túc Tử.

Nước sâu xanh biếc, bầu trời như vừa được gột rửa, mây lượn vòng giữa núi, chiếc thuyền nhỏ chầm chậm rẽ nước tới trước mặt ta, người trên thuyền phong vận thần thái như ngọc.

“Ta là Mục Túc Tử, đến đón nàng tới kiếp sau”.

“Kiếp sau…”. Ta khẽ lẩm bẩm: “Vậy là lại một ngàn năm nữa”.

“Mời lên thuyền”.

Giọng nói của chàng dịu dàng, ta nghe giống như tiếng của thiên nhiên trời đất. Ta sững người nhìn chàng, không giấu nổi niềm thương cảm, vừa như ấm ức, vừa như không cam lòng lại giống như có chút đáng yêu không muốn nhớ lại.

“Lừa gạt… Lừa gạt… Khổng Khâu lừa ta, cái gì mà minh minh đức, cái gì mà giành được thiên hạ. Ông ta là tên lừa đảo không hơn không kém!” Ta gỡ hết trang sức trên đầu ném mạnh xuống nước, mặt nước gợn sóng lăn tăn. Dung nhan thần sắc ta rối loạn.

“Thiên hạ trọng diễm sắc, thế nhân vốn trọng sắc không trọng đức, thật đáng cười ta ngây ngô, lại chọn minh đức, nên đã trải qua một ngàn năm vô ích

“Ư Đàm?”. Chàng có chút ngạc nhiên, rồi như hiểu ra, chậm rãi nói: “Đây là số kiếp đã định của nàng, vốn không thể tránh. Huống hồ nàng vẫn còn hi vọng ở một ngàn năm sau”.

“Số kiếp?”. Ta bất giác cười nhạt.

Ta không ngốc, những câu chuyện về si nam oán nữ, khi làm Trịnh Đán ở kiếp này ta đã nghe quá nhiều. Cho dù Tây Thi thì sao chứ? Chẳng phải Phạm Lãi cũng vì đất nước mà phải nhường nàng ta đó sao? Những ngày sống trong cung cấm nàng ta cũng đâu có khá hơn ta.

“Kiếp của ta là Hằng, có liên quan gì đến Tình? Lẽ nào Phạm Lãi yêu ta, ta mới vĩnh hằng được? Một ngàn năm sau… Ai biết được một ngàn năm sau liệu chàng có yêu người khác nữa không, hoặc cho dù vẫn yêu ta, nhưng một khi hoa quỳnh xuất hiện, thực sự chúng ta có thể sống chết bên nhau, nắm tay nhau đến đầu bạc sao?”

Mắt chàng sáng lên, miệng khẽ nhắc lại: “Hoa quỳnh xuất hiện…”.

“Sao cơ?”.

Chàng mỉm cười không đáp, mày mắt trở nên linh động lạ thường: “Lên thuyền đi, ta đưa nàng tới kiếp sau”.

Trút xong cơn giận, hờn trách biến thành mệt mỏi, ta ngồi xuống thuyền, nhìn non xanh nước biếc, khẽ nói thầm: “Kiếp sau ta muốn là người đẹp khuynh quốc quyến rũ người đời, để chàng ấy thấy ta sẽ bị hớp hồn không thể yêu người khác được nữa”.

Mục Túc Tử định nói gì đó nhưng lại thôi. Ta chau mày: “Lẽ nào không được?”

“Không, cứ tùy hứng là được”. Ngừng lại một lát, chàng lại nói: “Ưu Đàm, tình không thể vĩnh hằng”.

Ta không hiểu ý, im lặng đợi chàng giải thích.

Ai biết được chàng không nói tiếp nữa, ánh mắt nhìn về nơi rất xa, không nhìn ta.

Tình không thể vĩnh hằng là có ý gì chứ? Chàng đang điểm hóa ta sao? Nếu kiếp của ta không có tình, vậy tại sao ta phải khổ sở kiếm tìm ngàn năm chỉ vì muốn được cùng chàng ấy bên nhau một đời?

Sóng gợn đan vào nhau, ta ngước mắt nhìn chàng, đôi mày chàng cau lại, dường như có điều khó nói.

Thôi vậy, ta chưa bao giờ cưỡng ép người khác, nên không truy hỏi nữa.

Thuyền lặng lẽ cập bờ bên kia, ta đứng dậy xuống thuyền, nhìn thấy một khoảng khói trắng phía trước.

Lúc quay đầu lại đã không thấy chàng đâu nữa.

Đáng tiếc kiếp thứ hai…

“Mục Túc Tử, hóa ra mỹ sắc không phải vạn năng”. Ta cúi đầu thở dài. Kiếp thứ hai, có thể nói là Mao Diên Thọ(*) làm lỡ đời ta, khiến ta hiểu ra rằng quyền lực mới là thanh kiếm sắc vĩnh viễn, là chiếc chìa khóa chắc chắn.

(*) Mao Diên Thọ: Họa sĩ cung đình thời Hán Nguyên Đế.

“Đừng nản lòng, nàng vẫn còn hi vọng ở một ngàn năm sau”. Chàng lại an ủi ta như vậy.

Ta cười chua chát: “Một ngàn năm lại một ngàn năm, nếu một ngàn năm sau, một ngàn năm sau nữa, thậm chí mãi mãi đều có nhầm lẫn sai sót khiến ta không thể bên chàng ấy thì sao? Ta phải theo đuổi mấy ngàn năm?”.

“Thế tục ngàn năm, tiên giới chẳng qua cũng chỉ trong thoáng chốc, nàng hà tất phải tuyệt vọng như vậy?”.

Ta quay mặt đi, không muốn chàng nhìn thấy giọt lệ trong mắt ta. Ta tu luyện ngàn năm mới có cơ hội thành tiên, vốn tưởng rằng cuối cùng khổ tận cam lai, ai ngờ rằng kiếp số đã định, còn khó hơn tu luyện. Tu luyện có khổ đến mấy chẳng qua cũng chỉ là hai chữ “tịnh tâmݬ còn kiếp nạn này, ta loạng choạng bước đi trong gập ghềnh, cả thân thể và con tim đều mệt mỏi.

“Mục Túc Tử, kiếp sau ta muốn có quyền thế áp đảo thiên hạ, lệnh cho chàng ấy phải lấy ta, để xem chàng ấy còn trốn được không?”. Ta mím chặt môi, nước mắt hóa thành giận dữ, không tin lần nào ta và chàng cũng lướt qua nhau.

Mục Túc Tử nhìn về phía xa trầm ngâm suy nghĩ, nét buồn phảng phất giữa đôi mày, thần thái này như đã từng quen. Trong lòng ta bỗng dưng xao động.

“Mục Túc Tử, chàng luôn chèo thuyền ở đây phải không? Lâu như thế rồi, chàng đã chở bao nhiêu thần tiên?”.

Chàng quay lại nhìn, khi ánh mắt dừng lại trên khuôn mặt ta, cảm giác quen thuộc trong tim lại vụt qua, ta không khỏi chau mày.

Chàng không đáp, chỉ nói: “Tới bờ rồi”.

Ta đứng dậy, làn sương trắng quả nhiên đã ở gần ngay trước mặt.

“Mục Túc Tử…”. Ta muốn nói gì đó, nhưng khi quay lại đã thấy thuyền trống không, bốn bề vắng vẻ.

Chàng lại biến mất tăm.

Ta đứng im lặng một hồi lâu, bỗng dưng cảm thấy chút xao động ấy thật buồn cười, chàng dù không phải tiên nhân, nhưng cũng có nửa phần tiên trong người, trên người có linh khí, cảm thấy quen thuộc cũng là điều bình thường, là ta nghĩ quá nhiều. Ta lắc đầu cười khẽ, cất bước đi vào làn sương, hình thể tan biến theo từng bước chân.

Một giọng nói vang lên hỏi ta: “Ngươi đã quyết định?”.

Ta đáp: “Phải, ta muốn quyền quý”.

Ánh sáng hồng xuất hiện trong làn sương, từng lớp từng lớp bao bọc lấy ta, ta bước lên trước một bước, cả người như rơi xuống vực sâu vạn trượng, không còn tri giác.

Cùng lúc đó trong Tử Cấm Thành, một cung nữ vội vã chạy lên bậc thang, hai thái giám đẩy cánh của cung điện, cung nữ bước vào trong reo lên: “Cung hỷ hoàng thượng, gia hỷ hoàng thượng”.

Minh đế Chu Do Kiểm(*) đang phê duyệt tấu chương bèn ngẩng đầu lên hỏi: “Là trai hay gái?”

(*) Chu Do Kiểm: Hiệu là Sùng Trinh, vị vua thứ mười bảy và cuối cùng của triều Minh, cũng là hoàng đế người Hán cuối cùng cai trị Trung Quốc trước khi triều đình rơi vào tay người Mãn Châu.

“Cung hỷ hoàng thượng, hoàng hậu đã sinh hạ một tiểu công chúa”.

Minh đế trẻ tuổi đặt bút xuống, vội đứng dậy tới Khôn Ninh cung, Hoàng hậu Châu thị người đầy mồ hôi đang nằm trên giường, nhũ nương Phương thị đang tắm rửa cho đứa bé, sau đó dùng gấm lụa quấn từng lớp cho nó.

Minh đế tới, mọi người quỳ xuống nghênh đón, Chu Do Kiểm cũng không ban bình thân mà tới bên Phương thị đón lấy đứa bé, luôn miệng nói: “Tốt… tốt, con gái đầu lòng của trẫm, tiểu công chúa của trẫm”.

“Công chúa mắt rồng cổ phượng, tướng mạo cao quý, rất giống hoàng thượng”.

“Nói hay lắm!”. Minh đế càng ngắm càng vui, rồi trầm ngâm một lúc mới nói: “Trẫm mới đăng cơ đã có ái nữ, hi vọng con có thể mang tới hảo vận cho triều Minh, bốn bể yên lành, ca vũ thăng bình. Vậy đặt tên con là Trường Bình!”.

Năm Sùng Trinh thứ hai, công chúa Trường Bình ra đời, quả nhiên được thế nhân tôn sùng, phú quý ngút trời.


/21

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status