Quan Thuật

Chương 3: Con đường khó đi.

/3320


Thực ra trong lòng Tần Chí Minh cũng rõ, cái thôn đập Thiên Thủy đó quả thật là một khúc xương khó nhằn. Nếu không thì một ‘chiếc bánh to’ rơi xuống như vậy, trong khi tất cả nhân viên, phó chủ nhiệm, chủ nhiệm ở thị trấn Lâm Tuyền cộng lại cũng phải đến vài chục người, tại sao lại chẳng có ai dám đứng lên nhận cơ chứ? Bởi vì nơi đó quả thật rất đáng sợ, dùng từ ‘khủng khiếp’ để hình dung thì cũng chưa diễn tả hết được.

Hơn nữa lần này lại thêm việc chủ tịch Ngô treo cổ tự tử, khiến cho mọi người tự nhiên lại đem việc ông ta tự tử gắn với tình hình phức tạp tại đập Thiên Thủy. Mà nói không chừng cái chết của chủ tịch Ngô có liên quan đến đập Thiên Thủy thật, do đó lại càng chẳng có ai dám tiếp nhận ‘quả bom’ này.

Đập Thiên Thủy nằm ở vị trí cao hơn một nghìn mét so với mặt nước biển. Vì phía trên có một cái đập nước rất lớn, nên mới gọi là đập Thiên Thủy. Nằm cách thị trấn Lâm Tuyền khoảng ba mươi cây số.

Khoảng cách đó cũng không phải là quá xa, chủ yếu là bởi vì đến nơi đó chỉ có một con đường bùn đất nhỏ rộng chỉ khoảng năm mét. Nghe nói được làm từ hồi xây dựng đập Thiên Thủy vào thời kỳ những năm sáu mươi. Trải qua mấy chục năm bị sụt, lún … thì con đường này đã trở nên không còn bộ dạng gì nữa.

Những đoạn đường ngoằn ngoèo như đường rắn bò, gọi là con đường bùn đá, nhưng thật ra chẳng mấy khi bắt gặp đá vụn trên đường, mà hầu như đều là bùn đất Trời nắng đi xe trên con đường này thì giống như đang ngồi trên kiệu. Còn trời mưa thì hầu như là không dám đi, bởi vì mặc dù xe đã được hãm nhưng bánh xe vẫn có thể bị trượt đi vài mét, nếu không cẩn thận thì chắc chắn sẽ bị lộn xuống vực sâu hơn ngàn mét mà trở thành liệt sĩ. Liệt sĩ tuy nói là được nhận tiền trợ cấp, nhưng xuống âm phủ rồi thì cũng đâu thể hưởng thụ được.

Thêm nữa , con đường cũng không hề thông suốt, đoạn thì quanh co đoạn thì khúc khuỷu, thỉnh thoảng những hòn đá to lại rơi từ vách núi, đập xuống như trời giáng, nếu không cẩn thận thì xe bị đập hỏng, người thì tử vong. Đến ngay như đi bộ đến thị trấn Lâm Tuyền thỉnh thoảng cũng có người bị đá rơi trúng mà bị thương, một lượt đi về chắc cũng phải mất gần năm tiếng đồng hồ.

Bởi vì trên con đường này có quá nhiều các gò nhỏ chắn ngang giữa đường, vì vậy mà chi phí để sửa chữa thì vô cùng kinh khủng. Nếu chỉ dựa vào một huyện nghèo nàn như huyện Ngư Dương để mà sửa con đường cần chi phí ước tính khoảng hơn chục triệu nhân dân tệ này thì quả là chuyện không tưởng.

Chính phủ những nhiệm kỳ trước không phải là chưa từng làm gì, chủ yếu là không có tiền thì cũng chẳng có biện pháp gì. Vì vậy cuối cùng thì chỗ này đào một tí, chỗ kia bới một tí. Mười năm nay mỗi năm sửa lắt nhắt một ít, nên chẳng có chút tiến triển nào.

Chính quyền huyện Ngư Dương lúc ấy đã có kế hoạch di rời toàn bộ nhân dân ở đập Thiên Thủy đến thị trấn Lâm Tuyền để lập một thôn mới. Nhưng tính đi tính lại thì đập Thiên Thủy cũng không phải là thôn nhỏ, toàn bộ cũng phải có đến hơn chục ngàn nhân khẩu, với mấy ngàn hộ.

Nếu như tiền hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình là ba mươi ngàn tệ thì cũng phải cần đến vài chục triệu. Con số này suýt nữa thì làm cho mấy vị Ủy viên Đảng ủy lúc bấy giờ phải lên cơn sốt rét. Hơn nữa nhiều vấn đề lớn khác như việc bố trí chỗ ở, ruộng đất… đã khiến cho các cuộc họp thường vụ huyện ủy về sau không còn dám đề cập đến chuyện di dời thôn Đập Thiên Thủy nữa.

Tuy nhiên Đập Thiên Thủy còn là một vùng đất cách mạng, mấy vị lãnh đạo huyện cũng không dám xóa bỏ nó. Bởi vì trong thời kỳ trước giải phóng, Đập Thiên Thủy từng là nơi mấy vị tướng ẩn nấp, đánh du kích với quân Quốc Dân Đảng, tiêu diệt bọn thổ phỉ. Bây giờ người ta chưa chắc còn nhớ đến Đập Thiên Thủy.

Nhưng nếu thật sự bỏ nó vào quên lãng, mà có người đến ‘mách’ với mấy vị lão tướng luôn nhớ chuyện xưa thì người ta chỉ cần hừ một câu thì chiếc mũ quan của Chủ tịch huyện chắc chắn cũng sẽ bị bay mất. Hơn nữa nếu may mắn con đường nát đó lại dẫn mấy vị tướng quân tới, vậy chắc chắn sẽ có thêm vài triệu tệ rồi.

Do đó hiện tại hình thành nên một cục diện lưỡng nan, cái thôn đó giống như một khúc xương đã bị róc hết thịt. Vứt đi thì tiếc mà ăn thì vô vị, hơn nữa dân ở cái xó đó thì rất ‘kinh khủng’. Chỉ cần một lời bất hòa thôi cũng có thể động quyền, động đao, động côn được.

Chuyện chém thương người thì có lúc vẫn xảy ra, nhưng thường thì giải quyết trong phạm vi thôn mà thôi. Cũng chưa có ai phải làm cho cảnh sát thị trấn đến cả, hình như từ khi giải phóng đến nay điều này đã được hình thành theo quy ước. Có lẽ đây chính là quy tắc ngầm của Đập Thiên Thủy.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho huyện Ngư Dương không dám bỏ mặc nó. Bạn cứ ngẫm thử coi, nếu như bỏ mặc thật thì sẽ có ngày dân sẽ kéo đến phá tường rào vây đánh Ủy ban thì thật là nguy hiểm.

Con đường nát cũng khiến cho nơi này trở nên vô cùng nghèo khó, thu nhập trung bình cả năm của mỗi hộ chưa đến ba trăm tệ, tương đương với tiền lương tháng lúc đó của người đứng đầu thị trấn là Bí thư Tần.

- - Bí thư Tần, ông xem có thể như này được không. Thành lập một tổ công tác, ‘đóng quân’ luôn ở Đập Thiên Thủy và tạm thời làm thay công việc của trưởng thôn, cho đến khi chọn được trưởng thôn thì thôi.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị trấn Tiếu Hòa đưa ra một đề nghị.

- - Ừ! Được đấy! Chẳng phải là đã từng nói, người đông lực lượng lớn. Thị trấn Lâm Tuyền chúng ta bố trí một tổ chuyên môn ở Đập Thiên Thủy thì hiệu quả sẽ tốt hơn.

- Thiết Thác nói thêm vào.- -

Tần Chí Minh có chút buồn bực, phải biết rằng Thiết Thác và Tiếu Hòa bình thường quan hệ cũng không được tốt, thế mà lúc này lại giống như đang đứng trên cùng một chiến tuyến vậy.

“Chẳng lẽ trong này có thủ đoạn gì chăng?”

Tần Chí Minh nghĩ ngợi một lúc, cũng cảm thấy biện pháp này có thể thực hiện được.

- Ừ! Biện pháp này hay lắm. Tiếp theo thì phải sắp xếp nhân viên vào tổ công tác, tôi thấy nên lập tổ ba người, đặt tên là Tổ công tác tại Đập Thiên Thủy, đãi ngộ giành cho tổ trưởng là cấp tổ. Giống như của các tổ ở thị trấn chúng ta. Nếu như làm tốt thì đề bạt lên chức phó chủ nhiệm như lời của lãnh đạo huyện đã tuyên bố.

Tần Chí Minh nói.

Đối với đề nghị này thì toàn thể Đảng ủy đã nhất trí thông qua, do Chủ nhiệm phòng Đảng- Chính quyền Vương Nguyên Thành, đại biểu dự thính ghi biên bản, đã hình thành một văn bản có hiệu lực. Thực ra trong lòng những người này đều có một chiếc ‘bàn tính’ vẫn đang tính ‘ cách cách’.

Để có thể đề bạt chức phó chủ nhiệm đối với ở thị trấn mà nói thì ít nhất cũng phải là phó chủ tịch. Chuyện tốt như vậy theo lý mà nói thì mọi người đáng lẽ phải ‘tranh nhau vỡ đầu’mới phải, mà một số vị phó chủ tịch có quan hệ với các vị đang đương chức cũng phải đau đầu, bởi vì nếu như có người giải quyết được công việc tại Đập Thiên Thủy thì Bí thư, Chủ tịch huyện sẽ thực hiện lời hứa, đề bạt cho lên chức phó chủ nhiệm.

Như vậy, những người đang ngồi trên ghế như phó chủ tịch gì gì đó sẽ không phải sợ có người đến làm dịch chuyển vị trí của mình. Phải biết rằng ngoài khu nội thị của huyện Ngư Dương ra thì thị trấn Lâm Tuyền là chỗ ‘ngon lành’ nhất trong số gần hai mươi xã và thị trấn còn lại.

Có thể leo lên chức phó chủ tịch ở cái thị trấn này cũng là không tồi rồi, nếu chuyển chỗ tiếp thì chính là lên làm phó hoặc trưởng một phòng nào đó trên huyện. Nếu như phải chuyển đi đến các xã hoặc thị trấn khác thì cũng giống như việc quan lại ngày xưa bị giáng chức và phái đến một nơi xa.

Các vị trong Đảng ủy đương nhiên là không sợ, bởi vì cho dù là có người được đề bạt lên chức phó chủ tịch thì cũng chẳng thể làm lung lay được vị trí trong Đảng ủy của họ. Nhiều nhất chỉ là vị phó chủ tịch đen đủi nào đó phải rời bỏ ‘chiếc ghế’ của mình là xong.

Tuy nhiên quan hệ trong nội bộ chính quyền thị trấn cũng hết sức phức tạp, mấy vị phó chủ tịch nhưng không nằm trong Đảng ủy với mấy vị trong Đảng ủy thì đều có ‘dây mơ rễ má’ với nhau, hình thành nên một ‘mạng lưới quan hệ’ vô cùng phức tạp, giống như nhổ một sợi tóc mà có thể làm rung động cả toàn thân vậy.

Ví dụ như nếu yêu cầu thân tín của Phó bí thư Đảng ủy thị trấn Thái Đại Giang, cũng chính là Phó chủ tịch quản lý xây dựng đô thị Tiếu Trường Hà phải chuyển vị trí thì vị Ủy viên Đảng ủy Thái Đại Giang chắc chắn sẽ chẳng vui vẻ gì. Bởi như vậy chẳng khác nào chặt đứt đi một cánh tay của lão.

Điều kỳ lạ là các vị Ủy viên Đảng ủy chẳng hề lo lắng chút nào, bởi vì họ không tin ‘người tài’ ấy lại có thể giải quyết được tình hình tại đập Thiên Thủy. Vì vậy cái chức phó chủ nhiệm kia căn bản chỉ là một chiếc ‘bánh vẽ’ mà thôi, cũng giống như ánh trăng trên bầu trời vậy, có thể ngắm nhưng có ai hái xuống được đâu? Vì vậy mà chuyện về tổ công tác mới được toàn bộ phiếu thông qua nhẹ nhàng như vậy.


/3320

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status