Quỹ Đạo Đơn Phương

Chương 25: Thích mèo con (6)

/31


Ngày cuối cùng tháng 12 rơi vào thứ bảy, nhưng vì kỳ nghỉ tết Dương sắp đến nên nay học sinh phải đến trường học bù một hôm.

Trước khi tan học, thầy cô chủ nhiệm toàn khối 10 tổ chức một buổi họp lớp, chủ yếu là để thông báo cho học sinh về chuyện phân ban.

Tống Kỳ Thanh không khỏi nhìn về phía Thư Niệm ngồi.

Anh mím môi, linh cảm mách bảo cô sẽ chọn ban xã hội.

Vì vật lý luôn mà môn kéo thành tích cô xuống, đã thế hóa và sinh cô cũng không giỏi giang gì.

Nói chung, điểm tổng các môn khoa học tự nhiên chắc chắn sẽ tệ hơn điểm tổng xã hội nhiều.

Cứ mỗi lần có điểm thi là Tống Kỳ Thanh sẽ nhìn điểm của cô từ bảng điểm chung cả lớp Tề Hạ giữ sau đó tự tính điểm tổng các môn khoa học tự nhiên và xã hội.

Thư Niệm hợp với ban xã hội.

Nhưng nếu cô thật sự chọn ban xã hội thì chắc chắn sau khi trường chia lớp lại theo ban họ sẽ không học chung một lớp nữa.

Có điều nếu nhìn từ góc độ của Thư Niệm, Tống Kỳ Thanh chân thành hy vọng cô sẽ tỉnh táo chọn ban phù hợp với mình, ban xã hội.



Chủ nhật, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, Tống Kỳ Thanh phải ở nhà học đàn nên không đến thư viện tỉnh.

Thứ hai thì thư viện không mở cửa, anh hẹn Tưởng Phong, Quý Tinh Lãng đi chơi bóng, tối về nhà thì rúc trong phòng đàn ghi-ta cho Tán Tán nghe.

Bây giờ anh không chơi được bản Bảo Bối trơn tru mà còn biết đàn những bản tình ca khác của Trương Huyền nữa.

Vì cô, anh đã nghe thử rất nhiều bài do Trương Huyền khác và thích một bài tên Thích.

Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ tết Dương, Tống Kỳ Thanh ngồi chờ Thư Niệm cả ngày trong thư viện tỉnh, nhưng cô không đến.

Chả biết có phải vi lo lắng chuyện phân ban không nữa.

Sau khi lên lớp, Tống Kỳ Thanh nghe Tề Hạ nói trong lớp chỉ có ba người chọn ban xã hội.

Tống Kỳ Thanh giả vờ thuận miệng hỏi: “Ai thế?”

Tề Hạ đáp: “Khương Hà, Dương Tử Hâm với Thư Niệm.”

Lúc nghe đến tên Thư Niệm, anh đã âm thầm thở phào nhẹ nhõm một hơn.

Cô đến ban xã hội là một quyết định đúng đắn.

Mong sau này cô sẽ ngày càng giành được thành tích tốt hơn trong ban xã hội.

Tết Dương vừa đi không bao lâu kỳ thi cuối học kỳ một trường họ đã vội vã “gõ cửa”.

Sau khi thi xong, trường lại tiếp tục cho học sinh nghỉ và thông báo tổ chức một buổi liên hoan cũng như hội họp mừng lớp mới của học sinh toàn khối.

Hôm 17 tháng 1, Tống Kỳ Thanh mang đàn ghi-ta đến trường.

Lúc anh vào lớp thì Tề Hạ đang dẫn mấy cậu bạn xếp bàn sát vào hai bên tường chừa chỗ cho sân khấu.

Tống Kỳ Thanh đến cạnh hỏi Tề Hạ: “Lớp trưởng, cậu còn giữ bảng điểm kỳ này không?”

Tề Hạ nhỏ giọng đáp: “Ở bàn tớ đấy.”

Tống Kỳ Thanh lập tức vòng ra cửa sau, tìm bàn Tề Hạ rồi lấy bảng điểm của cả lớp có đóng dấu mộc đỏ từ trong hộc bàn cậu chàng ra.

Tống Kỳ Thanh liếc mắt tìm trên Thư Niệm.

Lần này là hạng 18.

Anh cảm thấy bây giờ cô khó có thể tiến bộ vùn vụt như trước nữa.

Nhưng thế này đã giỏi lắm rồi, nửa năm nay vẫn luôn tiến bộ đều đặn, chưa từng đi thụt lùi bao giờ.

Từ hạng 48 vọt lên hạng 18.

Vượt qua 30 bạn cùng lớp.

Đáng gờm lắm chứ.

Buổi liên hoan rất sôi nổi, Tề Hạ cứ hở ra là kêu biểu diễn, hở ra là hò reo mọi người lên phục vụ văn nghệ.

Cô bạn lâu năm Tư Ngưng của cậu chàng cũng không thoát nổi số phận “được” mời.

Có điều Tư Ngưng cũng không phải kiểu kiệm lời, Tề Hạ mời thì cô nàng lên, còn kéo thêm cô bạn thân Thư Niệm lên cùng nữa.

Tư Ngưng bảo muốn hát Bảo Bối, là bài tủ của Thư Niệm.

Tất nhiên Tống Kỳ Thanh cũng biết, dù sao anh cũng từng ngồi cùng bàn với cô.

Thư Niệm nói mình không thuộc lời, Tề Hạ bèn lấy điện thoại tìm lời bài hát đưa cho hai người.

Tống Kỳ Thanh tận mắt nhìn thấy Thư Niệm bị Tư Ngưng kéo đến giữa lớp, cô lúng túng đứng đấy, đế cả cười cũng sượng trân.

Nhưng cũng không trốn mà hát với bạn mình.

Không có nhạc đệm lẫn bắt nhịp, hai cô gái cứ đứng hát chay như thế.

Giọng Tư Ngưng to hơn, khiến tiếng hát nhỏ nhẹ của Thư Niệm nghe như tiếng hát đệm vậy, song lại rất hay, tiếng hát êm dịu mang thêm cả cảm giác âm ấm dễ chịu.

Tống Kỳ Thanh bắt nhịp theo tiếng họ hát, với lấy cây ghi-ta đàn đệm vào.

Tiếng đàn của anh vừa vang, mọi người đã nhìn sang, Thư Niệm cũng thế.

Trông cô có vẻ ngạc nhiên lắm, còn nhìn ra được vẻ hoang mang đáng yêu cực kỳ.

nh mắt anh và cô chỉ chạm nhau trong chốc lát, Tống Kỳ Thanh sợ tiếng đệm đàn của mình sẽ trật nhịp theo tiếng tim vồn vã trong lòng ngực đây nên đã nhanh chóng cúi đầu tiếp tục vờ tự nhiên thoải mái đệm đàn cho hai cô gái.

Vì anh chủ động đệm đàn trước nên sau khi Tư Ngưng và Thư Niệm hát xong, mọi người đều nhất trí muốn anh “phục vụ” một bài.

Tống Kỳ Thanh không chút do dự xách đàn đến ngồi giữa lớp.

Anh đàn bài mình ưng ý nhất, Thích của Trương Huyền.

Tống Kỳ Thanh chỉ biết, đây có lẽ là lần cuối cùng anh có cơ hội đàn cho cô nghe trong ba năm trung học.

Thế nên, anh muốn gửi bài Thích này, đến cô gái anh mến thầm.

Suốt một thời gian dài sau hôm ấy Tống Kỳ Thanh không nhìn thấy Thư Niệm đâu nữa.

Cả kỳ nghỉ đông anh rất hay đến thư viện tỉnh, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy cô đâu.

Hoặc nói đúng hơn, những ngày anh đến đó đều không gặp được cô.

Tống Kỳ Thanh không biết sao Thư Niệm lại không đến thư viện tỉnh tự học, anh cũng chả hề có phương thức liên lạc của người ta.

Vào đêm giao thừa, Tống Kỳ Thanh rất muốn chúc cô câu năm mới vui vẻ.

Thậm chí còn nghĩ đến việc tìm Tề Hạ hỏi phương thức liên lạc của Tư Ngưng rồi xin QQ của Thư Niệm từ cô nàng.

Vậy mà cuối cùng lại chẳng tìm ai, cũng chẳng hỏi han gì.

Tống Kỳ Thanh sợ Tề Hạ, hoặc Tư Ngưng nhận ra gì đó và càng sợ mình làm phiền Thư Niệm hơn.

Sau kỳ nghỉ đông, cả khối mười chia lại lớp theo ban.

Tống Kỳ Thanh đến 10/13 học, trùng hợp là thầy Dương Kỳ Tiến giờ vẫn là giáo viên chủ nhiệm lớp 10/13 chuyên lý mới chia lại này, Quý Tinh Lãng học chung lớp với anh còn cậu bạn thân Tưởng Phong thì học lớp 10/14.

Vì danh sách học sinh các lớp được dán vào bảng tin từng lớp nên Tống Kỳ Thanh biết Thư Niệm đang học 10/1 ban xã hội.

Cô học lầu trên.

Cũng không phải không có cơ hội gặp.

Dù sao thì bình thường cô muốn lên lớp thì phải đi ngang qua lớp bọn anh.

Thế là, thi thoảng Tống Kỳ Thanh sẽ bắc ghế ngồi ngay cửa sau lớp giờ nghỉ trưa, cúi đầu chơi điện thoại.

Mà thật ra làm thế là để chờ Thư Niệm xuất hiện.

Tống Kỳ Thanh may ra phết, vì hôm nào cũng chờ được cô đi ngang qua lớp mình.

Có điều từ đầu tới cuối họ chả chào hỏi gì nhau.

Vài tháng sau, Tống Kỳ Thanh vẫn thường xuyên đến thư viện tỉnh suốt kỳ nghỉ hè năm lớp 10 còn Thư Niệm thì vẫn thường xuyên…Không đến.

Tống Kỳ Thanh nhớ cô lắm.

Không cần nói gì hay chào hỏi gì cũng được, chỉ cần trông thấy cô thôi là đã thỏa mãn rồi.

Mùa thu năm ấy, vừa vào 11 anh đã tham gia đội tuyển vật lý của trường.

Chiều hôm đó, anh đang cuốc bộ ra trường đi thi cùng với những bạn cùng đội tuyển thì bỗng nghe thấy một giọng nữ gọi với mình lại vang lên từ khu giảng dạy: “Tống Kỳ Thanh!” 

Tống Kỳ Thanh hơi bối rối quay đầu lại, vừa nhìn thoáng qua đã thấy Thư Niệm đang nằm nhoài người trên bàn học cạnh cửa sổ lớp cô.

Có điều người gọi anh không phải cô, là cô bạn Vương Tư Thiến ngồi trước.

Anh với Vương Tư Thiến là bạn học cấp hai, cũng từng ngồi cùng bàn với nhau.

Trừ chuyện ấy ra thì cấp hai lúc anh học thêm môn tiếng Anh do mẹ Vương Tư Thiến dạy, cũng là giáo viên môn Anh nửa năm đầu lớp 10 vừa rồi của anh.

Tống Kỳ Thanh nhìn thấy Thư Niệm thì cười tươi tức thì.

Thật ra Tống Kỳ Thanh luôn lén lút chú ý tới thành tích của Thư Niệm.

Anh biết điểm cô bằng cách đi tìm phòng Thư Niệm thi. trước phòng thi có dán danh sách gồm số thứ tự thí sinh một phòng và số báo danh của từng thí sinh được chia vào phòng.

Mà điểm thi thì được báo theo số báo danh.

Trong kỳ thi tháng đầu tiên của lớp 11, Tống Kỳ Thanh tận mắt thấy Thư Niệm vào phòng thi đầu ban xã hội, ngồi hàng thứ năm tính từ bàn đầu trong phòng thi.

Cũng có nghĩa là xếp hạng 5 toàn ban xã hội sau kỳ thi cuối năm lớp 10 vừa rồi.

Vậy chắc lần này sẽ thuận lợi nằm trong top 3 ban nhỉ.

Thành tích cô bây giờ thật sự tốt hơn năm lớp 10 nhiều.



Hôm 10 tháng 3 Tống Kỳ Thanh đến thư viện tỉnh.

Vì mấy hôm nay ông nhập viện nên Tống Kỳ Thanh thức lo cho ông suốt cả đêm qua, thế nên sáng hôm nay thấy buồn ngủ kinh khủng khiếp.

Sau khi thấy Thư Niệm ở khu đọc sách thì bèn ngủ gục ngay chỗ ngồi luôn.

Đến tận trưa, Tống Kỳ Thanh loáng thoáng nghe thấy tiếng động từ chỗ Thư Niệm mới mờ mịt mở mắt, vác đôi mắt ngái ngủ nhìn cô rồi hỏi: “Cậu đang định đi ăn cơm à?”

Thư Niệm gật gật đầu với anh, nhỏ giọng đáp: “Cậu muốn đi với tớ không?”

Tống Kỳ Thanh không ngờ cô sẽ mời mình đi ăn nên đã ngạc nhiên ra trò.

Nhưng rất nhanh, anh bật dậy như không có chuyện gì xảy ra, kìm nén con tim đang đập loạn xạ trong lồ ng ngực, ra chiều bình tĩnh đáp: “Đi.”

Anh đi cùng cô đến quán họ thường ghé tới ăn trưa.

Vì suốt cả dịp hè Tống Kỳ Thanh hay đến ăn nên bà chủ không ngạc nhiên mấy khi nhìn thấy anh, song lại sửng sốt vì thấy Thư Niệm đến.

Dù sao lâu lắm rồi Thư Niệm cũng không đến quán bà ăn.

“Ôi trời, lâu lắm rồi mới thấy con ghé đây đó.” Bà chủ nồng nhiệt tiếp hai người: “Nào, hai đứa ngồi bàn này, hôm nay muốn ăn gì?”

Tống Kỳ Thanh và Thư Niệm đều gọi món cả hai hay ăn, cô ăn miến còn anh gọi mì pan mee.

Tống Kỳ Thanh muốn nói gì đó với Thư Niệm.

Anh lẳng lặng nhẩm đi nhẩm lại câu hỏi hai ba lần sau đó nói ra miệng nghe sao cho tự nhiên nhất: “Không có môn lý ngáng đường nên chắc giờ thành tích cậu ổn lắm nhỉ?”

Thư Niệm nhoẻn miệng cười, nhỏ nhẹ đáp: “Cũng ổn, nằm trong top 5 lớp.”

Tống Kỳ Thanh biết thừa thành tích hiện tại của cô hơn mức cô nói nhiều.

Có điều anh chỉ cười khẽ, nói: “Đúng là ổn thật.”

Thư Niệm không nói gì nữa.

Hình như cô không có mấy chuyện muốn nói với anh thì phải, chỉ có mỗi lúc hỏi bài lý dạo còn ngồi cùng bàn thôi.

Tống Kỳ Thanh không cam lòng cứ ngồi im ru thế này miết.

Lúc bữa trưa được dọn lên, anh hơi lúng túng bắt chuyện: “Cậu nên thử mì pan mee ở đây, ăn ngon lắm đấy.”

Thư Niệm thoáng do dự hỏi: “Cay không?”

Tống Kỳ Thanh không ngờ cô không ăn cay được, cười hỏi lại: “Cậu sợ cay?” 

Rồi nói thêm: “Vậy cậu dặn bà chủ không để cay là được.”

Biết cô thích rưới thêm giấm nên anh muốn chủ động lấy lọ giấm cho cô nhưng lại không dám đánh bạo đưa thẳng.

Thế là anh với lấy lọ giấm rưới vào bát mì của mình một ít rồi đẩy lọ giấm đến trước mặt người ta, “Đây.”

Cô vội vã nói:  “Cảm ơn cậu.”

Sau đó bầu không khí lại tiếp tục chìm vào im lặng.

Tống Kỳ Thanh chần chừ một chốc rồi lấy hết can đảm thử hỏi dò: “Lúc nghỉ hè cậu không đến thư viện tỉnh à?”

Thư Niệm chưa kịp mở miệng, anh đã nói thêm: “Vừa nãy bà chủ có nói lâu lắm rồi cậu không đến.”

“À…” Dường như rốt cuộc Thư Niệm cũng hiểu sao anh lại biết nghỉ hè rồi cô không đến thư viện tỉnh, bèn đáp: “Tớ về quê cả kỳ nghỉ đông lẫn nghỉ hè, sắp khai giảng mới lên lại.”

Hóa ra là về quê.

Tống Kỳ Thanh không không nhịn được hỏi tiếp: “Quê cậu ở đâu?”

Thư Niệm nói: “Tỉnh Giang Bắc.”

Cô dừng một chút rồi lại bổ sung: “Tỉnh Giang Bắc nằm trong thành phố Bắc Dương, huyện Hồ Trang, trong trấn Giang Lĩnh của huyện có một thôn nhỏ.”

“Thế,” Tống Kỳ Thanh như tư lự gì đó rồi rất chi là nghiêm túc hỏi con gái người ta: “Cậu đã bao giờ nhìn thấy dê bò heo gà vịt ngỗng sống gì đó chưa?”

Hình như cô không ngờ anh sẽ hỏi đến vấn đề này nên bất giác nhướng mày, đáp: “Đương nhiên đã thấy rồi, trong thôn có nhiều nữa là đằng khác.”

Sau đó lại hỏi anh: “Cậu chưa từng nhìn tận mắt à?”

Tống Kỳ Thanh lắc đầu, cực kỳ thành thật trả lời: “Tớ chỉ mới thấy trong sách.”

Câu trả lời của anh làm cô sửng sốt ra mặt, sau đó thì cúi đầu phá lên cười.

Tống Kỳ Thanh bị cô cười đến mặt đỏ tận mang tai, thậm chí còn tự hỏi mấy câu ban nãy mình nói có phải nghe khờ khạo lắm không nữa. 



Kể từ hôm ấy đến ngày 6, ngày nào Tống Kỳ Thanh và Thư Niệm cũng đến thư viện tỉnh tự học, đương nhiên là ai học bài người nấy, đến cỡ trưa trưa thì mới cùng nhau đi ăn cơm.

Đây là những ngày khoảng cách giữa hai người được kéo gần lại nhất.

Cùng ăn cơm, cũng sẽ cùng chuyện trò.

Khi thư viện tỉnh đóng cửa vào chiều tối hôm ngày 6, Tống Kỳ Thanh và Thư Niệm lần lượt bước ra ngoài.

Tống Kỳ Thanh bước xuống thềm thư viện trước Thư Niệm.

Mai là thứ bảy, Tống Kỳ Thanh phải ở nhà học đàn.

Anh chợt muốn nói một tiếng cho cô biết, sợ mai cô cũng sẽ mỏi mòn chờ như anh đã từng.

Thế là, Tống Kỳ Thanh quay đầu nhìn Thư Niệm, gọi: “Thư Niệm này.”

Cô gái đang cúi đầu bước xuống bậc thang, nghe thế thì ngẩng mặt lên nhìn anh.

Họ vừa nhìn thẳng vào nhau giây lát thôi mà Tống Kỳ Thanh đã như ngừng thở, tim cũng bắt đầu đập loạn xạ thêm tức thì.

Thư Niệm gật gật đầu với anh,  nhẹ giọng đáp: “Tớ biết rồi.”



Tống Kỳ Thanh không tham gia đại hội thể thao năm nay.

Cuộc sống của anh, trừ Thư Niệm ra thì chỉ còn lại mỗi chuyện thi đua và học hành.

Tất nhiên kỳ nghỉ đông năm nay Thư Niệm cũng không đến thư viện tỉnh, ban đầu Tống Kỳ Thịnh còn đến đó vài ngày, nhưng không đợi được cô nên không đi nữa.

Vào học kỳ hai năm 11, Tống Kỳ Thanh nhận ra số thứ tự trong phòng thi đầu ban xã hội của Thư Niệm đã đổi thành số 1.

Đồng nghĩa với chuyện giờ đây cô đã giành được hạng nhất toàn ban xã hội.

Anh không khỏi mừng thay cho cô.



Mùa thu năm 2018, khai giảng lớp 12, ban lãnh đạo nhà trường phát thông báo yêu cầu tất cả học sinh 12 viết nguyện vọng đại học của mình vào giấy rồi dán mục tiêu của mọi người lên bảng tin bên ngoài từng lớp học.

Tan học hôm ấy, Tống Kỳ Thanh đợi cả khu giảng dạy vắng tanh người mới lê cái thân rời khỏi lớp, song anh cũng không về ngay mà leo cầu thang lên lầu ba.

Anh đứng trước bảng tin ngoài lớp 12/1 ban xã hội, tìm tên Thư Niệm giữa hàng loạt giấy nhớ có ghi nguyện vọng đại học đủ sắc màu của học sinh lớp 12/1.

Một lúc lâu sau, Tống Kỳ Thanh cuối cùng cũng bắt gặp tên Thư Niệm trên một mẩu giấy nhớ hồng hồng.

Khoa Ngoại ngữ đại học Thẩm Thành.

12/1, Thư Niệm.

Cô muốn đậu đại học Thẩm.

Thế là sáng sớm hôm sau, Tống Kỳ Thanh dán mẩu giấy nhớ mình đã viết xong xuôi lên bảng tin treo ngoài lớp học —

Khoa Vật Lý đại học Thẩm Thành.

12/13, Tống Kỳ Thanh.

Mùa đông này, Tống Kỳ Thanh dốc hết sức giành hạng cao trong đội tuyển Olympic, thành công được tuyển thẳng vào khoa Vật Lý đại học Thẩm.

Hết 25.

/31

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status