Quyến Luyến Phù Thành

Chương 47

/89


Nhiếp Tái Trầm xuống đồi, đến bên dòng suối ở đầu cầu, đứng phía sau cậu bé chăn trâu:

– Thạch Đầu!

Thạch Đầu là con trai anh họ, nhà ngay cạnh nhà anh.

Cậu bé kia quay lại, bất ngờ thấy Nhiếp Tái Trầm đứng bên dòng suối cười nhìn mình thì mắt tròn xoe, vứt mấy con ốc vừa bắt được đi, kêu to:

– Chú hai!

Lội lên bờ, chạy tới trước mặt Nhiếp Tái Trầm.

– Chú hai, sao chú lại đột nhiên trở về thế ạ?

– Ối, sao chú lại cắt tóc ạ?

Cậu nhìn mái tóc ngắn của anh, giật nảy mình hoảng sợ.

Nhiếp Tái Trầm lấy trong túi hành lý số lương khô mua ăn trên đường còn thừa, đưa cho cậu, hỏi:

– Bà của cháu có khỏe không?

Bà của Thạch Đầu chính là mẹ anh.

Thạch Đầu nuốt nước miếng, không để ý tóc tai nữa, nhận lấy lương khô.

– Khỏe ạ. Hôm qua cháu với cha đi đốn củi, còn mang cho bà một bó củi to nữa.

Nói xong, cậu cắn một miếng bánh, cũng quên cả dắt con trâu già, vắt chân lên chạy đi, vừa chạy vừa la to:

– Chú hai về rồi. Chú hai cháu về rồi. Dân làng nghe tiếng la của Thạch Đầu thì đều đi ra.

Dân trong thôn vô cùng kính trọng cha của Nhiếp Tái Trầm, nên với anh cũng thế, nghe nói sau khi anh rời khỏi quê nhà đi tòng quân cũng được thăng chức, nay thấy anh về thì sôi nổi ra chào hỏi.

Nhiếp Tái Trầm chào hỏi trò chuyện với mọi người, thấy Thạch Đầu đỡ Thái công ra. Thái Công run rẩy gọi nhũ danh của anh.

Thái công là trưởng giả lớn tuổi nhất trong thôn.

– Trầm con về rồi à? Về là tốt rồi, về là tốt rồi. Thái công lâu cũng không gặp con. Ấy, tóc của con đâu rồi?

Nhiếp Tái Trầm thấy mọi người đều nhìn chằm chằm vào tóc mình thì mỉm cười lên tiếng chào Thái công, kể lại chuyện Quảng Châu tướng quân đã cho phép người trong quân đội cắt tóc rồi.

Thôn dân ngạc nhiên vô cùng, Thái công thì thở dài:

– Thế trị lễ tưởng, thế loạn lễ giản! Hài, thế đạo này…

Nhiếp Tái Trầm lấy ra một cây thuốc lá dâng lên.

– Lúc cháu không ở đây, may có Thái công và mọi người chăm sóc mẹ cháu hộ cháu. Đây là thuốc lá ngoại, Thái công thử hút xem, nếu thích, lần tới cháu lại biếu ạ.

Thái công rất thích, cười nói:

– Đều là người nhà cả, không phải khách sáo đâu. Mau về nhà đi, mẹ cháu còn chưa biết cháu về đấy.

Nhiếp Tái Trầm nhanh chân đi vào trước một viện tử thanh tĩnh được ráng chiều bao phủ lấy, khẽ đẩy cửa ra, đi qua đình viện được quét tước sạch sẽ, qua nhà chính treo tấm biển rất lâu đời “Canh độc gia truyền”, đi đến sau nhà, gọi mẹ.

Bà Nhiếp sống một mình, vừa mới cơm nước xong, giờ đang ở trong phòng mượn chút ánh sáng cuối chiều rọi qua cửa sổ để khâu vá, thoáng nghe tiếng con trai gọi, ngập ngừng, ngẩng lên.

Nhiếp Tái Trầm đẩy cửa phòng ra.

– Mẹ ơi, con về rồi.

– Tái Trầm!

Bà mừng không thôi, vội buông kim chỉ trong tay xuống ra đón con trai.

– Sao con lại về đột ngột thế! Mẹ nghe tiếng con, cứ nghĩ mình nghe nhầm.

Nhiếp Tái Trầm nói:

– Đã lâu con chưa về thăm mẹ, mẹ không giận con chứ ạ?

Bà Nhiếp cười lắc đầu, ngắm con trai, hỏi han tóc đâu sao lại cắt, như rất lo lắng. Khi biết phần lớn mọi người trong quần đều cắt tóc, Quảng Châu tướng quân cũng ngầm cho phép thì mới thở phào, lại nói anh gầy hơn trước, bảo anh ngồi xuống, mình thì đi nấu cơm.

Bên ngoài lại có tiếng bước chân ồn ào, mẹ của Thạch Đầu cùng mấy phụ nữ trong thôn mang đồ ăn đến, có khoai lang có bắp ngô, mẹ Thạch Đầu còn mang theo một miếng thịt hun khói tới.

Năm nay mùa màng thất thu, bà Nhiếp biết mọi người đều khó khăn cả, liên tục từ chối. Nhóm phụ nữ mỉm cười:

– Mọi người đều nhìn Tái Trầm lớn lên, giờ thằng bé có tiền đồ, ai cũng mừng cho con nó. Hiếm khi Tái Trầm về nhà một chuyến, chỉ chút đồ ăn thôi, thím đừng khách sáo làm gì.

Bà Nhiếp đành nhận lấy, cảm ơn liên tục. Nhóm phụ nữ chọc ghẹo Nhiếp Tái Trầm:

– Tái Trầm cũng không còn nhỏ nữa, từ nhỏ đã là cậu thanh niên tuấn tú giỏi giang nhất huyện Thái Bình chúng ta, nếu không phải thím chưa muốn, thì nhà thím đã bị người ta san bằng rồi. Mọi người vẫn nói chắc Tái Trầm ở bên ngoài có vợ rồi. Lần này về nhà, sao không dẫn vợ theo thế? Mọi người đang ngóng đấy.

Nhiếp Tái Trầm chỉ biết cười trừ, mặc mọi người trêu đùa. Mọi người đùa vui một trận, cũng biết anh vừa về nhà, mẹ con có nhiều lời tâm sự, lúc này mới đi.

Trời tối hẳn, Nhiếp Tái Trầm ăn xong bữa cơm mẹ làm, dọn dẹp đồ đạc xong thì vào phòng mẹ. Thấy bà ngồi bên bàn, trên bàn đặt giỏ kim chỉ, đang khâu giày.

Ngọn đèn dầu trên bàn sáng le lói, Nhiếp Tái Trầm nhìn mái đầu bạc của mẹ dưới ánh đèn, lòng xúc động, bước tới vặn đèn sáng lên.

– Không cần sáng quá đâu con, phí dầu lắm. Mắt mẹ còn tốt, nhìn vẫn được. – Bà nói.

Nhiếp Tái Trầm lại vặn nhỏ đi một chút.

– Mẹ, mẹ dạo này khỏe không? Chân còn đau nhức không?

– Mẹ vẫn khỏe lắm. Thời tiết này chân không thấy khó chịu, việc trong nhà cũng ổn lắm, không có gì đâu, còn gánh nước đốn củi thì có người giúp mẹ rồi. Con cứ yên tâm làm việc, đừng lo lắng gì.

Bà Nhiếp vừa nói vừa cắm cúi khâu, giọng bình thản.

Nhiếp Tái Trầm nhìn mái tóc bạc phơ với nếp nhăn trên khóe mắt của bà thì nỗi lòng lại cuồn cuộn, tự thấy khó có thể mở miệng.

Nên nói với bà thế nào về chuyện mình sắp cưới vợ đây.

Anh thích con gái Bạch gia, ban đầu chỉ để ý một chút, dần dà cứ hay nghĩ đến, về sau thì thích đến mức chỉ cần nghe được hai chữ Tú Tú thôi là tim đã đập mạnh rồi.

Nhưng chỉ thích mà thôi, chứ anh chưa từng nghĩ sẽ có được cô.

Anh mới 21 tuổi đã lên vị trí Tiêu Thống, người nào cũng nói anh tuổi trẻ đầy hứa hẹn, nhưng chỉ một đồ trang sức đơn giản mà cô mang, tích cóp mười năm quân lương của anh cũng không mua nổi, chứ đừng nói đến chuyện nuôi cô, để cô hưởng thụ cuộc sống giống Bạch gia.

Anh biết mình cách giấc mộng có được cô còn rất xa rất xa.

Mà hiện tại, bởi vì trong khoảnh khắc không khống chế được, anh đã làm ra chuyện không nên làm, cuộc đời cũng theo đó mà hoàn toàn thay đổi.

Anh quá dễ dàng mà có được cô, quả thực như đang nằm mơ.

Cô bị nhiều người nói là kiêu căng buông thả phóng khoáng tùy hứng, trong mắt anh những điều đó chẳng ý nghĩa gì cả, thậm chí nghĩ con người cô phải chính là như vậy. Nếu cô không như vậy, cũng sẽ không phải là Bạch Cẩm Tú phá hủy giới luật của anh, khiến anh mê mẩn không thể thoát khỏi được.

Nhưng nếu đã bàn đến chuyện cưới hỏi thì đó không còn là chuyện của hai người nữa. Sự tùy hứng của cô cũng đã biến thành nỗi lo lắng âm thầm và gánh nặng của anh rồi.

Anh biết mẹ sẽ rất vui, chỉ cần anh nói cưới vợ, dù đó là một cô gái như nào, mẹ đều sẽ vui, bởi vì đó là cô gái anh cưới.

Cũng không khó để nói điều này.

Nhưng hôn sự đến quá đột ngột, với anh là như thế, anh biết với cô cũng thế.

Anh không thể nào đảm bảo rằng bản thân vẫn sẽ thu hút cô trong một thời gian dài, dẫu sao thì, anh vốn là một người nhàm chán.

Nếu anh không thể thu hút cô lâu dài, sự yêu thích của cô với anh sẽ mau chóng kết thúc, hai người không thể bên nhau lâu dài, tới lúc đó, anh nên nói với người mẹ đang ôm nỗi chờ mong tha thiết dưới ánh đèn này như thế nào đây.

Nhiếp Tái Trầm lòng đầy bối rối, muốn lên tiếng, nhưng lời đến bên miệng lại không thốt nên lời.

– Tái Trầm à, vừa rồi các cô các thím trêu đùa con, con đừng để trong lòng. Mẹ vẫn luôn không nhắc với con, mấy năm nay khi con không ở nhà, nhiều nhà có đến làm mai mối, trong đó có không ít nhà khá giả, nhưng mẹ chưa bao giờ đồng ý, bởi mẹ sợ người mẹ ưng thì con lại không thích, nhỡ có đồng ý, ngày sau làm lỡ dở con gái nhà người ta thì không hay. Cưới vợ là chuyện lớn cả đời, thà muộn một chút chứ không thể qua loa, càng không thể chập nhận tạm. Con ở bên ngoài nhiều năm, mẹ nhớ lúc con đi người gầy gò lắm, mẹ còn không yên tâm, nhưng cũng biết Thái Bình nghèo khó này không giữ được con, mới cắn răng để con đi. Chớp mắt, con đã trưởng thành rồi.

Bà Nhiếp vừa cắm cúi khâu vá vừa nói.

– Con ở bên ngoài, mẹ không cầu con giầu sang phú quý, chỉ cầu con được bình an, sau đó cưới được người vợ hiền huệ săn sóc yêu thương con, hai con sống hạnh phúc với nhau, rồi sinh con đẻ cái, bên nhau đến già. Mẹ chẳng mong gì hơn điều đó cả.

Nhiếp Tái Trầm mắt đỏ lên.

– Con sao chẳng nói gì thế? Làm sao vậy?

Bà Nhiếp ngừng khâu vá, mượn ánh đèn nhìn anh.

Nhiếp Tái Trầm lắc đầu.

– Lần này con đột ngột trở về có phải có việc gì không? Mẹ thấy con như có tâm sự.

Bà nghi hoặc hỏi anh.

Nhiếp Tái Trầm đã quyết định rồi.

– Không có gì đâu mẹ. – Anh mỉm cười, – Tại lâu rồi không về nhà, vừa hay có việc đi qua nên tiện thể về thăm mẹ thôi.

Bà Nhiếp yên tâm cười:

– Không có gì thì tốt rồi, mẹ an tâm rồi. Con đường xa mệt nhọc, lúc con ăn cơm thì mẹ đã trải giường chiếu cho con rồi. Con đi nghỉ sớm đi. Mẹ khâu một chốc nữa rồi sẽ đi ngủ.

Một đêm này, Nhiếp Tái Trầm nằm trong căn buồng nhỏ mà anh lớn lên từ nhỏ, nghe tiếng côn trùng kêu vang bên ngoài cửa sổ, trải qua một đêm trằn trọc mất ngủ.

Sáng hôm sau anh tu sửa nóc chuồng heo, bổ đủ đống củi cho mẹ dùng hai tháng, lại ở lại một đêm nữa, để lại chút tiền, cũng đưa cho nhà Thạch Đầu hai mươi đồng bạc, sau đó lại từ biệt mẹ già để đi.

Trong rương hành lý, có vài bộ đồ mới mà hồi trước mẹ anh làm cho anh.

Lúc anh trở lại Quảng Châu, cách thời gian anh đi đã qua hơn một tháng. Vừa mới trở về khu nhà của mình ở Tây doanh, đặt hành lý xuống, mấy doanh quan biết anh về đã trở lại thì tranh nhau nói cho anh biết những chuyện phát sinh khi anh không ở đây. Nói đám Tưởng Quần Nhất Tiêu đi rêu rao khắp nơi là anh dựa vào quan hệ bám váy Bạch gia mới lên được vị trí Tiêu Thống. Mấy hôm trước ngày nghỉ được ra ngoài, họ gọi đám Trần Lập đi theo ra, tìm cớ gây sự, đánh nhau một trận. Họ biết bên này sẽ được Cao Xuân Phát bênh vực, vì thế khiêng người bị đánh gãy chân đi bẩm báo Khang Thành. Lẽ ra mọi người đã chuẩn bị tâm lý bị phạt rồi, nào ngờ Khang Thành chỉ phạt họ mỗi người nửa tháng quân lương, bên này thì cũng bị khiển trách một chút, đúng là bất công.

– Đại nhân, anh em tức điên lắm, thật sự bất bình thay anh, ít nhất phải giam lại phạt roi, cũng phải dạy cho đám kia một trận mới phải. Có điều tướng quân đại nhân vẫn còn hiểu lý lẽ, khiến anh em bọn tôi cũng khá bất ngờ.

Họ nào biết tâm tư của Khang Thành. Nhà mình không thể cưới, sợ nhất là Cố gia được lợi. Giờ không ngờ, cháu gái ngoại lại gả cho Nhiếp Tái Trầm không có quan hệ chỗ dựa gì cả, Khang Thành đúng là bất ngờ, dĩ nhiên là cũng vui vẻ.

– Đại nhân anh yên tâm, nếu đám đó còn dám nói năng linh tinh, anh em nhất định cho chúng một trận.

Vào thời khắc quyết định đi tìm Bạch Thành Sơn cầu hôn, Nhiếp Tái Trầm biết kiểu dị nghị này không thể tránh khỏi.

Anh bảo mấy anh em nếu về sau không được làm chuyện như vậy nữa, sau đó đi báo cáo cấp trên, rồi đi Bạch gia Tây quan.

Vừa rồi khi gặp Cao Xuân Phát, ông ấy nói với anh, cha vợ tương lai Bạch Thành Sơn của anh mấy ngày trước đã cùng con gái tới Quảng Châu rồi.

Bạch Thành Sơn ở nhà, biết anh đã trở lại thì rất phấn  khởi, đưa anh tới thư phòng, bảo anh ngồi xuống.

– Quay về khi nào vậy? Trên đường thế nào? Mẹ con đâu?

Nhiếp Tái Trầm không ngồi mà đứng yên:

– Hôm nay con vừa đến Quảng châu ạ. Mẹ con không đi theo con. Chân của bà bị đau không tiện, đường xá xa xôi không thể đi lại. Hôn sự cụ thể bên nhà mình cứ quyết định ạ.

Bạch Thành Sơn khá bất ngờ, nghĩ nghĩ, trong lòng có hơi nghi hoặc.

Sức khỏe không tiện cũng là một nguyên nhân, nhưng biết đâu bà Nhiếp lại có suy nghĩ khác, không quá ủng hộ con trai cưới con gái mình, cho nên mới không mặn mà với hôn sự như vậy?

Môn đình hai nhà chênh lệch quá xa là thật. Đặt mình vào hoàn cảnh người khác, nếu con trai mình cưới vợ, gặp phải tình huống như vậy, mình cũng chưa chắc là không có băn khoăn gì.

– Bên mẹ con thật sự không dặn dò gì khác à? Nếu lệnh đường có mong muốn gì, hôn sự nên làm gì, hai nhà có thể bàn bạc lại. – Ông nói.

– Mẹ con không có ý kiến gì cả, mà rất vui mừng về hôn sự của con ạ. – Nhiếp Tái Trầm nói.

Nếu anh đã chủ động đến tìm mình xin cưới con gái mình, về sau chắc chắn sẽ phụ trách đối với cô. Về điểm này, Bạch Thành Sơn rất tin tưởng. Đây cũng là nguyên nhân mà ông yên tâm giao con gái cưng của mình cho anh.

Đối với người con rể này, ông thật sự rất hài lòng, không hề muốn giữa chừng lại xảy ra chuyện gì cả. Nghe anh  nói vậy thì cũng không hỏi nhiều nữa.

Trầm ngâm một chút, ông nói:

– Thế này đi, chờ mọi chuyện các con xong rồi, con đưa Tú Tú đi thăm mẹ con, cũng làm một số thủ tục bên đó một chút. Việc nên làm, chúng ta không thể thiếu được.

Nhiếp Tái Trầm cảm ơn ông.

– Cha đã chọn được ngày rồi, lẽ ra là chờ mẹ con tới rồi bàn bạc thống nhất. Nếu đã vậy thì cha sẽ làm chủ, hôn kỳ của con và Tú Tú sẽ quyết định tổ chức vào cuối tháng, con thấy được không?

– Mọi chuyện nghe theo cha ạ.

Nhiếp Tái Trầm không phản đối, lại ngồi trò chuyện với Bạch Thành Sơn một lúc nữa rồi mới xin phép đi.

Anh ra khỏi thư phòng của Bạch Thành Sơn, đi chưa được mấy bước thì dừng lại.

Anh thấy Bạch Cẩm Tú đứng ở chỗ rẽ cuối hành lang, đang nhìn mình, tóc dài buông tới eo, mặc chiếc váy dài màu lam, thắt lấy vòng eo thon thả, mặt mày tươi tắn, trông vô cùng thanh lệ nhã nhặn.

Lúc bước ra khỏi thư phòng, lòng anh đầy tâm sự nặng nề cảm thấy vô cùng có lỗi, nhưng giờ đây khi nhìn thấy cô đã hơn một tháng không gặp, Nhiếp Tái Trầm như cảm thấy trái tim được sống lại.

Anh không bước nổi, đứng tại chỗ, nhìn cô chậm rãi đi đến, tới trước mặt mình, nói:

– Ngày nào em cũng ở nhà, buồn chán lắm. Em muốn ra vườn dạo một chút, nhưng lại sợ có sâu. Em muốn anh đi cùng em một chút.

Nói xong thì xoay người đi.

Trong giọng nói của cô mang theo chút giận dỗi, mệnh lệnh, nhưng nghe rồi, từ đầu đến cuối lại ngập tràn sự nũng nịu.

Nhiếp Tái Trầm nhìn theo bóng lưng cô, không tự chủ được mà cất bước đi theo. Một trước một sau, anh đi theo cô đi qua hành lang dài quanh co đi đến hậu viện Bạch gia, cuối cùng đứng bên hồ nước nhỏ.

Trong hồ nuôi hơn chục con cá đuôi đỏ thẫm, gió mát thổi qua, lá vàng của cây liễu già bên hồ bay theo gió đáp xuống mặt nước, dập dềnh tựa như chiếc thuyền lá, thỉnh thoảng có con cá nổi lên mặt nước đuổi theo đớp lấy, tạo nên những gợn sóng tròn lan rộng trên mặt nước.

Hơn một tháng qua đối với Bạch Cẩm Tú mà nói như bằng một năm, đêm ngủ toàn mơ thấy hình bóng của người kia, mấy hôm trước cha và cô mới đến Quảng Châu, cô trông ngóng ngày đêm, cuối cùng đã ngóng được anh quay về rồi.

Cha không cho phép cô lén lút gặp anh trước khi hai người kết hôn, nhưng cô không thể kiên nhẫn được.

Thật là vô dụng mà! Rõ ràng trước đó còn giận vì anh tim không cam tình không nguyện, nhưng mới hơn một tháng không gặp, ngày nào cũng nhung nhớ, hôm nay biết anh tới, cô ngay cả chút thẹn thùng rụt rè của một cô gái cũng không có.

Bạch Cẩm Tú tự mắng chửi mình trong lòng.

Nơi này vắng vẻ yên tĩnh, chỉ có một mình cô.

Cô lòng mong đợi anh ôm lấy cô, nói với cô rằng, trong hơn một tháng này, anh rất nhớ cô.

Hoặc là, nếu anh xấu hổ, vậy thì cô sẽ ôm lấy anh, nói với anh rằng, cô rất nhớ anh, vậy thì cũng được.

Hai người đứng đối mặt với nhau, cành liễu theo gió hơi lay động, trong vườn yên tĩnh như thế, yên tĩnh đến mức có thể nghe được thanh âm lá vàng rơi xuống mặt nước, thanh âm của cá bơi dưới nước, còn có cả tiếng tim đập của cô nữa.

Bạch Cẩm Tú trộm nhìn anh một cái, lại phát hiện ra anh đang nhìn chăm chú vào cá đang chơi đùa trong hồ, tâm tư như đang phiêu du ở nơi nào đó, căn bản là không chú ý đến cô, trong lòng tức thì thấy đau khổ, ý nghĩ vừa rồi tan biến, càng không cần nói muốn nhào đến ôm anh nói mình nhớ anh.

Cô kìm nén cảm giác khổ sở trong lòng xuống, níu lấy một cành liễu kéo vào trong, làm như không có chuyện gì xảy ra hỏi:

– Mẹ anh tới không? Nếu tới để em đón mẹ đến ở nhà em? Phòng em chuẩn bị xong hết rồi, rất yên tĩnh, sẽ không làm phiền gì đến mẹ đâu.

Nhiếp Tái Trầm ngước lên. Anh nhìn vào đôi mắt đẹp đang chăm chú nhìn mình kia, giờ khắc này, trong lòng trào lên cảm giác hối hận và áy náy.

Anh tự thấy mình quá tệ hại và không thể chấp nhận nổi.

Anh không nên dối cô, đây không phải là phong cách của anh. Anh nên nói với cô, và đương nhiên, tiền đề là anh sẽ chịu trách nhiệm, sẽ cố gắng cho cô một cuộc sống tốt nhất – nếu cô đã suy nghĩ cẩn thận, vẫn muốn gả cho anh.

– Tú Tú, em có thật lòng thích anh không? Em đã nghĩ kỹ chưa, gả cho anh rồi, em sẽ không hối hận chứ?

Do dự một chút, anh nhìn vào cô, hỏi.

Lửa giận trong lòng Bạch Cẩm Tú rốt cuộc không kìm nén được nữa, bộc phát ra ngoài.

Từ sau ngày đó khi làm ra chuyện kia, cô vẫn luôn canh cánh trong lòng về phản ứng của anh, trong lòng như có cây kim, vẫn luôn nhức nhối đâm vào lòng cô.

Cô thừa nhận ban đầu là cô bày kế với anh, nhưng về sau, cô đã quyết tâm từ bỏ rồi, là anh đuổi theo giữ cô lại ngủ với cô.

Giờ thì hay rồi, đã sắp kết hôn rồi, anh còn ở đây nói với cô những câu nhàm chán này.

Cô thật sự không thể nhẫn nhịn được nữa.

– Nhiếp Tái Trầm, rốt cuộc anh có ý gì? Có phải anh thấy em là người tùy tiện, là kiểu đàn ông nào cũng trèo lên giường được đúng không?

Nhiếp Tái Trầm vội lắc đầu:

– Không phải, em đừng hiểu lầm…

– Anh rõ ràng là nghĩ như thế. Anh khinh thường em!

Bao nỗi ấm ức tràn ngập trong lòng, cô mắt đỏ lên.

– Em biết từ đầu anh đã không muốn rồi. Vậy thì thôi, em không phải là không gả cho anh thì không lấy ai được nữa.

Cô vung cành liễu đã bị cô giựt hết lá, cành liễu phất qua mặt anh, để lại một vệt đỏ rực, rồi bỏ đi.

– Tú Tú…

Nhiếp Tái Trầm vội vã đuổi theo.

– Không cho phép anh gọi tôi như thế. Nói cho anh biết, giờ tôi hối hận vì đã làm thế với anh. Tôi không cần anh phải chịu trách nhiệm gì cả, chỉ là ngủ một đêm thôi, có là gì đâu. Anh cút đi cho tôi, đừng để tôi nhìn thấy anh nữa.

Bạch Cẩm Tú chưa hết giận, thấy trong chậu hoa đặt bên đường có rải lớp đá cuội thì nhặt lên, ném về phía anh, viên đá nhỏ đập vào người anh, rơi xuống đất, cô nhấc tà váy chạy đi, bỏ anh lại.

– Tú Tú!

Nhiếp Tái Trầm đuổi theo, thấy cô chạy càng lúc càng nhanh, chốc lát đã vòng qua mấy khóm hoa cây cảnh, quýnh lên, đuổi theo vài bước đã không thấy bóng dáng cô đâu, không biết đã rẽ đi đâu rồi.

Tựa như một con yêu tinh đã hoàn toàn biến mất trước mắt anh.

Bốn phía là hoa cỏ cây cối, mấy con ong bay chung quanh mấy gốc hoa Thu Hải Đường, lượn vài vòng thấy không còn mật thì lại vỗ cánh bay đi.

Nhiếp Tái Trầm đứng lại, trái tim nặng trĩu, rối loạn vô cùng.

– Nhiếp cô gia?

Sau một lát, một thợ hoa Bạch gia đi ngang qua, thấy anh đứng một mình nơi này, bóng dáng bất động thì khom người gọi anh.

Nhiếp Tái Trầm bừng tỉnh, hơi gật đầu với thợ hoa, gắng lên tinh thần đi ra đằng trước, hỏi một người làm Bạch gia, được cho biết Bạch Cẩm Tú đã về phòng rồi.

Anh còn không biết phòng cô ở đâu, lại hỏi nữa, theo chỉ dẫn của người làm thì đi đến đó.

Phòng cô đóng chặt.

Anh gõ cửa, khe khẽ gọi cô mở cửa cho mình, bên trong vẫn không có động tĩnh gì.

– Tú Tú, em mở cửa được không, anh thật lòng không có ý đó…

Cửa mở, cô đứng ở cửa, mắt đỏ hoe, nói:

– Nhiếp Tái Trầm, em cảm thấy trước đó em quá xúc động, em muốn suy xét lại việc này, anh về đi. Làm ảnh hưởng đến cha em, mọi người đều không vui.

Cô đóng cửa lại.

Nhiếp Tái Trầm đứng ở cửa một lát, cuối cùng rời đi.

Anh vẫn không gặp cô.

Trở lại tây doanh, lẳng lặng chờ đợi Bạch gia phái người tới, thông báo hôn sự tạm hoãn, hoặc là hủy bỏ.

Mỗi ngày anh vẫn theo giờ giấc sáng sớm đi tối muộn về, thao luyện binh lính như điên ở giáo trường, mỗi khi luyện tập cùng binh lính, ra tay cũng nặng hơn, làm cho ai nấy đều sợ anh, không dám so chiêu với anh.

Mỗi một ngày anh như muốn trút hết toàn bộ sức lực cuối cùng trên người ở trên giáo trường, để khi tối muộn trở về thì mới có thể đi vào giấc ngủ được.

Anh không ngừng tự nói với mình, nếu cô thật sự nghĩ kỹ, vậy thì cũng tốt, cô vốn không hề thuộc về anh.

Nhưng đêm nào cũng vậy, bao áy náy và tiếc nuối vô tận ở sâu trong lòng anh lại dâng trào, luôn làm anh mất ngủ triền miên.

Không chỉ ở trong sinh hoạt, bao gồm cả con người anh đã hoàn toàn bị một cô gái có tên là Bạch Cẩm Tú làm đảo lộn triệt để. Trên đỉnh đầu anh giờ như treo một thanh kiếm, anh chờ nó rơi xuống, đâm cho anh một nhát trí mạng.

Anh đáng phải bị như thế.

Nhưng phán quyết cuối cùng mà anh chờ đợi lại không hề đến.

Bên phía Bạch gia vẫn bình yên không gợn sóng, như không xảy ra bất cứ chuyện gì, các quản sự vẫn bận rộn chuẩn bị cho chuyện vui lớn trong nhà, cứ cách hai ba ngày lại tới hỏi anh, còn cho thợ may đến đo người anh, may cho anh hai bộ hỉ phục kiểu Tây và kiểu Trung. Mười ngày sau, trên tất cả các tờ báo cũng đồng thời đăng thông báo công khai Bạch Thành Sơn và bà Nhiếp thông gia cùng kết hợp tổ chức hôn lễ cho con trai và con gái.

Nhiếp Tái Trầm thấy mình như đang nằm mơ, choáng váng bị đẩy lên phía trước.

Trước hôn lễ mấy ngày, anh được Lưu Quảng gọi đi, nói là chụp ảnh cưới.

Anh vội vàng buông bỏ công việc, chạy tới hiệu chụp ảnh kia.

Bạch Cẩm Tú đã ở đó từ sớm, ngồi trước một tấm gương rất lớn, bảy tám người đang đứng chung quanh cô, sửa sang lại áo cưới trắng tinh và phụ kiện trên đầu cho cô.

Cô có lẽ là cô dâu đầu tiên mặc váy cưới kiểu tây chụp ảnh cưới ở thành Quảng Châu, đẹp vô cùng. Cô mỉm cười nhìn mình trong gương, mỉm cười với thợ chụp ảnh nước ngoài tên Thomas liên tục khen ngợi cô xinh đẹp quyến rũ, khi ánh mắt rơi vào bóng dáng người đàn ông trẻ tuổi đứng sau cô xuất hiện trong gương thì hơi híp mắt lại, nhìn anh một lát, sau đó đứng lên, hơi hất cái cằm nhọn kiêu ngạo lên, bước tới chỗ anh.

Nhiếp Tái Trầm tim đập như trống, lòng bàn tay đầy mồ hôi, nhìn cô bước từng bước tới trước mặt mình, mỉm cười như không nói:

– Đứng làm gì, còn không đi thay quần áo đi?

– Thomas, cho người giúp anh ấy thay quần áo!

Cô ngoái lại dặn một tiếng.

Thợ chụp ảnh mặt mày tươi rói đi tới, cung kính nói:

– Nhiếp tiên sinh, mời đến phòng thay quần áo.

Nhiếp Tái Trầm sực tỉnh, đi theo đến phòng thay quần áo.

Anh cởi bỏ quân phục, thay bộ âu phục đặt làm sẵn cho mình để phối xứng với váy cưới của cô. Khi trợ lý thợ ảnh sửa sang lại nơ con bướm trên cổ áo cho anh thì Bạch Cẩm Tú đi tới, cho nhóm trợ lý ra ngoài.

Trong phòng thay quần áo chỉ còn lại hai người, không gian vốn rộng rãi tức thì trở nên chật hẹp ngột ngạt.

Nhiếp Tái Trầm nhìn cô đứng ngay trước mặt mình, vươn đôi tay trắng trẻo ngọc ngà thong thả chỉnh sửa lại nơ con bướm cho mình.

Động tác của cô vừa tự nhiên vừa thân mật, làm anh bỗng sinh ra ảo giác, cô như đã là người vợ nhỏ của mình rồi.

Anh hơi cúi xuống nhìn cô chăm chú.

Cô không nhìn anh, đôi mắt đặt vào cổ áo của anh.

– Nhiếp Tái Trầm, đừng cho là em không nỡ rời xa anh. Em thấy mọi chuyện đã sắp xếp xong, nếu hủy bỏ hôn lễ, cha em khó mà giải thích với bạn bè được. Em vì nghĩ đến thể diện của cha mà thôi, không liên quan đến anh.

– Đi ra chụp ảnh cho em. Mặt mày đưa đám làm hỏng tâm trạng của em, em không tha cho anh đâu.

Cô sửa sang lại nơ cho anh xong, cũng không nhìn anh lấy một cái, ra lệnh xong thì bỏ anh lại, đi ra ngoài.

Nhiếp Tái Trầm lẳng lặng đi theo.

– Nhìn vào đây, nhìn vào đây. Đúng rồi, đẹp lắm. Chú rể đứng sát vào cô dâu chút nữa, cười lên.

“Tạch”, ánh đèn flash lóe lên, Nhiếp Tái Trầm cùng với cô dâu xinh đẹp của anh đã được định hình bên trong bức ảnh.

/89

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status