Sao Đen

Chương 19: CUỘC NGOẠI TÌNH THẾ KỶ

/72


Cuộc "hưu chiến" giữa tôi và Hoàng Quý Nhân không ngờ đã kéo dài được lâu như vậy. Mỗi lần gặp Nhân không ai nhắc lại chuyện cũ, nhưng khi nâng cốc, bao giờ cũng nói "Xin chúc sức khoẻ Walt Montague của chúng ta". Y nói long trọng và thì thầm như lời cầu nguyện của một tà giáo. Tôi hiểu là y vẫn muốn giư đúng những lời cam kết cũ và nhắc tôi cũng phải tôn trọng.

Để cho y yên tâm. Tôi cũng giữ một thái độ không có gì khác với trước cuộc gặp gỡ ở Biệt thự Vie du Château.

Một hôm đi làm về thấy Bạch Kim đang ngồi tiếp Hứa Quế Lan, vợ của Hoàng Quý Nhân. Người đàn bà xinh đẹp ấy đeo đầy người những trang sức quý giá càng làm tôn vẻ quyến rũ. Chị ta còn đem theo cả chứa con gái lai ăn mặc rất diện. Trước kia chị ta phải nhờ nhũ mẫu nuôi giấu giếm đứa bé. Nay nó lớn chị ta luôn luôn đưa theo bên mình và giới thiệu với mọi người là con nuôi. Bạch Kim không phải là người cùng lứa tuổi và cũng chỉ quen chị ta sơ sơ khi chị ta còn là vợ của Đỗ Thúc Vượng. Hôm nay chị ta bỗng đến chơi và ngồi khá lâu chắc có chuyện gì đặc biệt lắm.

Tối hôm đó, sau phiên trực máy, tôi hỏi Bạch Kim:

- Người đàn bà xinh đẹp đến tham em chiều nay hình như à vợ Hoàng Quý Nhân?

- Vâng. Bà cả của em đấy! - Bạch Kim nháy mắt cười vui vẻ.

Tôi nghĩ mãi mà vẫn chưa hiểu ra chuyện gì. Chẳng lẽ chị ta lại dám đến đây lôi kéo Kim lấy Hoàng Quý Nhân để làm lẽ cho chị ta?

- Chị ta là vợ cũ của Dỗ Thúc Vượng mà. Hôm nay chị ta đến đây làm hai việc. Thứ nhất chị ta tỏ ra rất thương Vượng. Từ ngày bỏ nhau anh ta vẫn sống độc thân âm thầm nhớ tiếc chị ta. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, nhưng gương vỡ làm sao lành được. Chị ta muốn cho Vượng khỏi cảnh cô đơn và có ý muốn mối em cho anh ta. Anh thấy có vui không?

Một cảm giác giá lạnh toát xương sống lan ra khắp cơ thể tôi, nhưng tôi vẫn thản nhiên:

- Vui quá đi chứ. Vượng là một người đáng yêu.

- Anh mà cũng nhận xét như vậy à? - Kim quay ngoắt đi, vẻ giận dữ - Chẳng lẽ số kiếp em bất hạnh đến thế sao? Người chồng trước là một kẻ phiên lưu. Còn anh thứ hai đầu óc chất đầy ảo vọng! Không. Thà sống cô đơn suốt đời chứ không bao giờ em trao cuộc đời mình một lần nửa cho con người trống rỗng đó. Em cứ mong đợi ở anh một lời khuyên, té ra nó là như vậy.

Tôi đến san lưng Kim, đặt đôi bàn tay lên hai vai cô. Một phút sau tôi mới nói:

- Vừa rồi là một nhận xét chứ không phải lời khuyên. Anh cũng có sẵn một lời khuyên. Anh đã chuẩn bị gọt giũa chau chuốt trong ý nghĩ của anh. Nhưng anh lại thấy nó không hẳn là một lời khuyên vì nó có một cái gì không vô tư nó mang một động cơ... anh sợ em sẽ coi là nó không hoàn toàn vì em.

- Thế nó còn vì ai nữa? - Kim nhìn thẳng vào tôi.

- Vì Tôtô, vì anh nữa.

- Thế thì càng tốt chứ sao.

- Đối với anh thì là rất tốt, là mơ ước. Nhưng với em liệu có có là Les belles étoiles, là Chant d'amour1 (tình ca) của em không?

- Trước đây em cứ lẫn lộn giữa mơ mộng và hiện thực, giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa cảm tính và lý tính, giữa hình thức và nội dung. Với riêng em, sự lẫn lộn đó không có nghĩa lý gì, không nguy hiểm, không phải trả giá. Và đôi khi nó lại còn rất thú vị là đằng khác. Nhưng nếu sự lầm lẫn đó xảy ra với cuộc đời của cả hai người thì thực là tệ hại. Em tin ở lời khuyên chưa nói của anh vì đó là điều anh chuẩn bị, anh suy nghĩ. Nó là tiếng nói của chính anh. Anh không phải vay mượn ở vĩ nhân, dù người đó là Paul Valéry hay Lamartine.

- Cảm ơn, rất cảm ơn sự tin cậy của em. Liệu em đã cho phép anh nói ra những suy nghĩ đó với em chưa?

Bạch Kim khẽ đặt bàn tay lên miệng tôi:

- Em rất muốn nghe, nhưng em lại muốn chờ đợi. Sắp đến giỗ đầu chị Dung rồi. Em rất thương chị, em đã nguyện để tang chị trọn một năm. Lúc đó ta sẽ nói với nhau cũng không muộn.

Bạch Kim gục đầu vào vai tôi im lặng và tin cậy. Cách cư xử của cô làm tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động, sung sướng. Không nói nhưng chúng tôi hoàn toàn hiểu nhau...

Kim kể lại công việc thứ hai Hứa Quế Lan muốn nhờ:

- Chị ấy tâm sự với em là, Jimi chính là con chị chứ không phải là con nuôi như chị thường nói với mọi người. Đó là kết quả của cuộc mặcc cả giữa chị và Price khi chị yêu cầu người Mỹ này can thiệp để cứu Vượng ra khỏi nhà tù. Không ngờ cuộc ngoại tình đó lại dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng làm đổ vỡ cuộc sống gia đình chị. Nay chị đã lấy chồng nhưng đứa bé lại vẫn là một thách thức đối với tính đố kỵ về huyết thống của Hoàng Quý Nhân. Chị ta lại rất thương đứa bé vì dù sao cũng do mình đẻ ra. Chị muốn thương lượng với Price để lão ta nhận lấy đứa con, hy vọng lão sẽ đưa nó về Mỹ cho nó đỡ khổ.

Em có khuyên chị ta cứ để nó lại mà nuôi tội gì. Con bé rất xinh. Đưa về Mỹ nó lại phải sống với những người xa lạ: vợ Price và đàn con y. Bên đó tệ kỳ thị chủng tộc còn ác hiểm hơn sự ghen tuông đâm chém còn dữ dội hơn. Thế nhưng chị ta vẫn nằng nặc nhờ em cho chị theo vào khách sạn để gặp người tình cũ.

- Thế em có nhận giúp chị ta không?

- Em nể quá đành phải hứa là hai giờ chiều mai. Em chỉ ngại chính bọn Mỹ gác cổng làm phiền. Khách sạn dành cho ngoại kiều luôn luôn lo sợ bị tiến công nên người lạ đến là phải qua nhiền thủ tục lắm.

- Em cố giúp chị ta. Có thể báo trước với Price để hắn thu xếp với bọn gác, biết đâu cuộc gặp gỡ này chẳng có nhiều điều quan trọng.

- Chỉ có việc của đứa con Jimi về Mỹ thôi mà phải cầu cạnh đến thế. Em ở địa vị đó, em thuê hẳn một người nuôi ở nhà riêng không liên quan gì đến Quý Nhân. Chị ấy thiếu gì tiền mà phải đầy đọa con mình.

- Biết đâu lý do đó chỉ để che giấu một ý định khác? Thí dụ như chị ta muốn ngoại tình chẳng hạn!

- Ngoại tình? Một lần gây hậu quả chưa đủ sao?

- Ngựa quen đường cũ.

- Thế thì việc gì em phải giúp chị ta làm việc xấu xa đó!

- Anh muốn tò mò - Tôi cười - Em hãy đặt giúp anh một cái máy ghi âm vào dưới chậu địa lan trong buồng Price!

Bạch Kim tròn mắt ngạc nhiên rồi bỗng cô bật cười rũ rượi:

- Anh mà cũng thích nghe lỏm những chuyện ấy à? Thật không biết xấu hổ?

- Nếu chỉ là những chuyện ngoại tình thông thường thì chẳng có gì đáng tò mò. Nhưng theo anh, chuyện này có thể gắn với một mưu đồ nào đó của Hoàng Quý Nhân nên buộc y phải cho vợ đến đây. Kinh nghiệm cho thấy đưa người đàn bà đẹp đó vào buồng riêng của Price phải là một hy sinh lớn lao. Thậm chí nó còn liên quan cả đến vận mệnh đất nước, Kim hiểu anh chưa?

Câu nói nghiêm trang của tôi làm cho Bạch Kim nhận ra đây không phải là một sự tò mò.

- Em cũng cứ đến khách sạn sáng mai như một cuộc kiểm tra bình thường. Em ra lệnh cho người phục vụ đổi chậu và tưới nước cho địa lan. Em khéo léo vùi chiếc máy vào trong đó, thế là xong.

Bạch Kim rất phấn khởi làm việc này. Tính mạo hiểm kích thích cô, và cô đã hoàn thành tốt đẹp công việc.

Mới một giờ ba mươi chiều đã thấy chiếc President (de luxe) bóng lộn của Hứa Qnế Lan đỗ trước cửa. Hai mẹ con vào đón Bạch Kim.

- Chúng ta cùng đi xe này. Xong việc chị lại đưa cô về.

- Vâng, chị để em lái cho. Bọn lính gác quen mặt em sẽ ít gặp trở ngại

Họ lên xe đến Khách sạn Phoenic. Tên quân cảnh Mỹ nhìn thấy Bạch Kim, y giờ tay chào và mỉm cười. Cô gật đầu chào lại rồi đưa xe vào thẳng ga-ra. Price đã nói trước với lính gác nên nó không hỏi gì Quế Lan.

Price xuống đón Quế Lan tận cửa xe. Ông ta ôm lấy đưa bé hôn lấy hôn để làm cho nó hoảng sợ tụt xuống. Sau có sự dỗ khéo của mẹ nó mới yên tâm.

Bạch Kim tạm biệt họ trở về phòng mình chờ đợi cuộc "đàm phán". Cô rất sốt ruột vì rất ít khi cô ngồi ở khách sạn đến nửa giờ, dù đó là phòng riêng của bà chủ. Bốn mươi phút sau cô mới thấy tiếng gõ cửa. Quế Lan dắt Jimi vào, mặt đỏ ửng nói ấp úng với Kim:

- Cô cho chị gửi Jimi chút xíu nhé. Chuyện người lớn cháu nghe e không tiện.

Trao con xong, Quế Lan biến nhanh đến phòng Price.

- Are you crying1 (Sao cháu khóc) - Bạch Kim hỏi, Jimi rơm rớm nước mắt. Nó không trả lời. Bạch Kim mỉm cười.

- Ồ, cháu tôi không biết tiếng Anh, tội nghiệp, thế mà lại sợ nó nghe nổi chuyện người lớn!

Không phải chút xíu mà gần một giờ sau mới thấy Price và Quế Lan đến đón con. Một lần nữa tiến sĩ Price lại ôm chặt đứa bé. Họ đi sóng đôi xuống ga-ra, bắt tay từ biệt nhau. Quế Lan đưa con lên xe. Bạch Kim khởi động, xe từ từ lăn ra khỏi cổng.

- Cho chị nhờ cái gương một chút! Kim chuyển cho chị ta cái túi đựng đồ trang điểm. Quế Lan tô lại cặp môi, thoa vội một lớp son phấn, vuốt lại cặp lông mày. Bạch Kim liếc nhìn chị ta qua chiếc gương phản xạ. Rõ ràng là chị ta vừa trong toa-lét chui ra. Khi xe về đến cửa nhà Bạch Kim xuống xe.

- Mời chị vào nhà em chơi đã.

- Cho chị kiếu lỗi hẹn lần khác. Bữa nay chị đi quá lâu - Chị ta bắt chặt tay Bạch Kim mặt bừng đỏ thì thầm - Tha lỗi cho chị. Dù sao chị cũng vẫn là một người đàn bà yếu đuối. Je vous demande de garder ce secret absolu1 (Chị yêu cầu em giữ giữ kín chuyện này cho chị nhé).

- D'accord2 (Em đồng ý).

Ngày hôm sau tôi đi làm về, Tôtô nói với tôi:

- Mẹ Kim cứ hỏi ba về chưa đến mấy lần. Chắc mẹ mong. Ba lên gặp mẹ đi.

- Cảm ơn con. Dù tính tò mò nghề nghiệp thôi thúc, tôi cũng không hấp tấp. Tắm rửa xong, hai ba con xuống phòng ăn. Gặp Kim, cô nhún vai mỉm cười và thì thầm:

- Nó câm rồi!

Tôi ngạc nhiên và hơi bực mình. Nhưng không biểu lộ ra ngoài. Chắc Kim quên không để máy ở tư thế làm việc. Ăn xong tôi ra bài cho con, bắt nó ngồi vào bàn rồi mới lỉnh lên phòng Kim.

- Hỏng hết rồi hả Kim?

Kim khép cửa lại đưa cho tôi chiếc máy rồi cười:

- Anh nghe thử xem. Em cũng tò mò muốn nghe nhưng không quen mở, sợ nó hỏng thì tiếc. Em phải trêu anh để kéo anh lên ngay!

- Em làm anh hết hồn!

Tôi mở nhẹ công tắc. Âm thanh phát ra khá nét. Cuộc "đàm thoại" của hai người như sau:

"- Thưa tiến sĩ Price, hôm nay tôi đưa con tôi đến để nó biết mặt cha nó. Ông có nhận ra nó là con ông không?".

"- Lạy Chúa! Có thể đây là con gái tôi?".

"- Ông không tin à. Ông đã quên đi những lần chúng ta gặp nhau ở... ".

"- Không, không, tôi không bao giờ quên đi những giây phút diệu kỳ đó... và tôi không ngờ...".

"- Ông đã không ngờ hay đã quên đi hậu quả của nó. Vì những phút giây mềm yếu mà gia đình tôi tan nát. Chúng tôi ly dị nhau. Tôi ầm thầm gửi con cho người khác nuôi để bảo toàn danh dự".

"- Tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Sau cuộc gặp Quế Lan lần cuối cùng, tôi phải rời Việt Nam theo yêu cầu của Tổng thống Diệm. Sau này tôi cũng có sang công cán vài lần. Tôi gọi điện thoại cho Vượng, nhưng ông ấy từ chối tiếp tôi. Tôi đoán đó chỉ vì lý do chính trị. Tồi không ngờ chỉ vài lần gặp gỡ mà chúng ta lại có chung một kỷ niệm tuyệt vời như vậy? Ra đây với ba, con gái yêu quý của ba.

"- Ra với tiến sĩ Price đi, Jimi con" (Quế Lan nói với con bằng tiếng Việt).

"- Không đâu, con chẳng biết ông ấy nói chi. (Tiếng Jimi).

"- Thật đáng tiếc, con không hiểu được tiếng của anh nên nó mắc cỡ".

"- Chúng ta sẽ cho Jimi học tiếng Anh".

"- Cần gì nữa anh? Ngườị Mỹ sắp ra đi rồi (buồn rầu) và anh cũng sẽ vĩnh viễn ra đi. Jimi vẫn sẽ là một đứa con rơi. Tội nghiệp",

"- Chưa phải thế đâu. Người Mỹ sẽ ra đi từ từ để không xảy ra đổ vỡ. Tổng thống Nixon kiên quyết Việt Nam hóa chiến tranh. Quân Mỹ chỉ rút đi với điều kiện quân lực Nam Việt đảm nhiệm được vai trò tiến hành chiến tranh của họ".

"- Với thời biểu rút quân đều đều như hiện nay thì Nam Việt Nam không sao kịp mạnh để đứng vững. Cộng sản sẽ làm chủ mảnh đất này thôi".

"- Vi-xi đang kiệt sức. Còn quân lực Nam Việt thì chưa bao giờ được Hoa Kỳ quan tâm tăng cường sức mạnh như hiện nay".

"- Nhưng họ không thể là đối thủ của Bắc Việt được ngay khi có năm trăm bốn mươi ngàn quân nhân Hoa Kỳ đứng bên, họ còn thua nữa là khi các vị triệt thoái hết. Đó là chưa kể Mỹ rút bao nhiêu thì người Trung Quốc lại hỗ trợ Bắc Việt tăng cường bấy nhiêu. Cán cân sẽ nhanh chóng lật ngược. Lúc đó thì không phải chỉ Đông Dương mà Thái Lan, Ma-lai-xi-a, rồi Sin-ga-po. Cộng sản sẽ xây cầu qua eo biển Malacka có thể cả In-đô-nê-xi-a cũng sụp đổ theo, đâu đâu cũng có sẵn người Trung Quốc, họ sẽ nhuộm đỏ lục địa này. Châu Âu mất vai trò chiến lược. Cái họa da vàng sẽ không còn là một huyền thoại nữa!".

Câu chuyện ngừng lại ít phút. Tôi và Bạch Kim kinh ngạc trước những câu nói sắc sảo về thời cuộc của Hứa Quế Lan. Chẳng lẽ Hoàng Quý Nhân đã nhanh chóng đào luyện chị ta thành một chính khách thực thụ?

"- Đó là những nguy cơ tiềm tàng từ nước cộng sản khổng lồ này. Nhưng họ đã từng nói "Mi không động đến ta ta không động đến mi". Họ đang bận ưu tiên cho những vấn đề quốc nội gay gắt".

"- Thì cứ cho là họ không đem quân đi. Họ chỉ gửi vũ khí đều đặn cho Bắc Việt. Đội quân xung kích hiếu chiến gần hai triệu người này đủ quét sạch ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi vùng Đông Nam Á, và Jimi của chúng ta sẽ trở thành Hồng vệ binh!".

(Cả hai cùng cười vui vẻ rất lâu).

"- Người Mỹ rất muốn ở lại, nhưng tư thế chiến lược của chúng ta đã yếu đi nhiều khi bị sa lầy ở Việt Nam. Tất cả để rút ra khỏi bãi lầy này. Là một điều xấu, nhưng nó tránh được một điều xấn hơn trong tương lai?".

"- Nếu người Mỹ thực tế hơn thì họ sẽ tìm ra lối thoát trong danh dự".

"- Chính sách hiện nay là tìm lối thoát trong danh dự".

"- Xin trả lời là không. Họ không nhìn thấy trở ngại lớn nhất để làm tiêu tan nó đi. Hãy thọc lưỡi dao vào lưng kẻ thù!".

"- Mở rộng chiến tranh sang Cam-pu-chia? Sang Lào chăng? Tất cả đều nằm trong những khả năng có thể".

"Cũng vô ích. Đấy không phải là lưng họ. Chính sách ngoại giao thiển cận của Hoa Kỳ làm cho họ không nhìn thấy nước Trung Hoa đỏ khổng lồ mà chỉ thấv hòn đảo Đài Loan bé bằng cái móng chân lục địa".

"- Mở rộng chiến tranh vào lục địa chăng?".

"- Điên à! Không phải chiến tranh mà là một cuộc đàm phán".

(Tiếng cười của Price giòn tan).

"- Đàm phán với Trung cộng! Một cuộc đàm phán với Bắc Việt ở Pa-ri đã đủ chán ngấy rồi. Nay lại còn đối thoại với Bắc Kinh nữa! Ôi toàn những bọn cực đoan cả. Chúng chỉ có một đòi hỏi chứ không hề thương lượng. Quay đi quay lại vẫn cái đĩa hát cũ. Hoa Kỳ cũng đã nói chuyện với Trung cộng hàng mấv trăm phiên ở Vác-xô-vi rồi. Có đi đến kết quả gì đâu!".

"- Đó là Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thập kỷ năm mươi. Lúc đó họ có vốn liếng gì đâu mà mặc cả. Bây giờ chúng ta bước sang thập kỷ bảy mươi, họ có trong tay con bài Việt Nam".

"- Bao giờ họ cũng coi Mỹ là kẻ thù!".

"- Nhưng "số dách" đã dành cho người Nga. Họ bị cô lập với thế giới bên ngoài và đang muốn tìm đường thoát ra".

"- Bằng cách giúp Bắc Việt tràn xuống Đông Nam Á?"

"- Đúng là họ đã giúp Bắc Việt nhưng ta phải xem động cơ bên trong của họ. Mỹ đã chắn lối của họ ra Đài Loan. Những thuyền buồm không đủ sức vượt qua cái eo biển dày đặc chiến hạm của hạm đội 7. Họ muốn nói chuyện với Mỹ về vấn đề này, Mỹ không thèm tiếp. Họ phải tạo cho họ một con bài. Họ giúp bắc Việt hai mươi tỷ nhân dân tệ đâu phải vô tư! Nay thì Bắc Việt đang đạt được một tư thế chiến lược đáng sợ. Vì vậy con bài Trung Quốc ở vào thời điểm cao giá nhất. Giả sử như họ đồng ý với Mỹ đóng cửa biên giới phía Bắc thì sao? Đó mới thực sự là lưỡi dao đâm vào lưng Bắc Việt?!".

"- Chắc gì họ đã phản bội đồng minh của họ!".

"- Thì hãy nói chuyện với họ. Tất nhiên là phải trả cho họ một cái giá nào mà họ cảm thấy có lợi. Thí dụ như coi Đài Loan là cái giá để trao đổi với Đông Dương".

"- Đáng tiếc là cho đến phút này, nền ngoại giao Mỹ chưa nhận được một tín hiệu nào biểu hiện thiện chí của họ".

"- Thì đấy là tín hiệu!".

"- Đây là tín hiệu?".

"- Thưa tiến sĩ Price, tôi là một công dân Trung Quốc. Nói đúng ra là người Tàu lai Việt. Nhưng trong tim tôi mang già nửa máu Tàu".

"- Trời! Lần đầu tiên tôi được tiếp chuyện với một công dân Trung Quốc đó?".

"- Cái đó thì ông Tiến sĩ lầm rồi. Tôi căm ghét cộng sản. Nhưng tôi hy vọng sự hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia sẽ làm cho màu sắc nước tôi thay đổi!".

"- Làm sao có thể tin được đây là tín hiệu từ Bắc Kinh?".

"- Cái này hiệu có đáng tin chưa, thưa ông Price".

"- Một bức mật thư? Chồng em đã trao nó cho em?".

"- Không. Anh ta không thể biết chuyện này. Với em, viên trung tá chỉ là một tên vệ sĩ, kiêm làm cái việc thuần túy đàn ông ba lần trong một tuần!".

"- Thế thì ai?".

"- Ba em. Ông vừa về thăm quê hương với tư cách đại biểu của Trung Hoa hải ngoại (O.C.O.) khu vực ba. Ông được thứ trưởng ngoại giao tiếp. Ông thứ trưởng hỏi han tình hình Nam Việt và (một số tiếng mất không nghe rõ vì nó lấp vào những tiếng cười, tiếng xô đẩy...).

"- Đừng làm thế trước mặt Jimi... Đừng... Để em gửi nó sang bên chỗ người bạn. Jimi (bằng tiếng Việt) con sang bên kia chút xíu nghe. Đi theo má".

(Máy im lặng)...

- Đoạn này chị ta đưa Jimi sang chỗ em. Sau đó chắc chỉ còn là những chuyện bậy bạ.

- Thì cứ chịu khó nghe tiếp... lỡ ra.

- Anh tò mò lắm. - Bạch Kim đỏ mặt mỉm cười đứng dậy đi ra phía cửa sổ.

"- Em gửi Jimi cho bà chủ khách sạn rồi. Bây giờ xin anh cầm lá mật thư cho em chụp. Bức ảnh này coi như giấy biên nhận để em báo cáo cấp trên. Anh phải đưa tận tay Tiến sĩ Kissinger. Một cuộc gặp gỡ cấp Đại sứ để hoạch định chương trình chung sẽ diễn ra ở một nước nào đó mà cả hai đều có quan hệ ngoại giao. Nhưng tránh các nước cộng sản và các nước phương Tây vì rất dễ lộ... Phía Trung Quốc đề nghị ở Răng-gun hay Ca-ra-si".

"- Anh sẽ bay về Washington ngay ngày mai. Hy vọng Hoa Kỳ có sự đáp ứng nhanh chóng. Thôi bây giờ ta chụp ảnh".

(Tôi ra hiệu cho Kim lại nghe tiếp).

"- Thế, được rồi, em bấm đấy. Một kiểu nữa cho chắc chắn... xong".

"- Đến lượt anh chụp em. Cấp trên cũng cần biết mật người chuyển đến cho họ lá thư quan trọng này".

"- Sẵn sàng". (Tiếng máy bấm...).

"- Không, không chụp thế đâu... Đừng làm thế, tiến sĩ Price".

"- Anh yêu em!".

"- Một cuộc ngoại tình chính trị lớn thế chưa đủ thỏa mãn hay sao, ông Price?".

"- Đó là cuộc ngoại tình của ông Mao và ông Nixon? Đây mới là cuộc ngoại tình của chúng ta".

"- Ôi người Mỹ tham lam biết bao!".

Bạch Kim ngắt luôn máy. Nét mặt cô bất bình.

- Thôi đủ rồi đấy! Thế là người Trung Quốc đã phản bội chúng ta!

Tôi cũng cảm thấy bàng hoàng vì từ xưa tôi vẫn tin tưởng nhất mực vào người bạn vĩ đại này. Họ đã giúp đỡ mình có khi cả bằng máu. Tôi bình tĩnh nói với Kim: Ta cũng phải cảnh giác những âm mưu ly gián, làm đổ vỡ niềm tin của những người đang chiến đấu. Trước đây Hoàng Quý Nhân đã từng thu được nhiều tin tức ở căn buồng này. Có thể y đã tạo dựng nên một màn kịch do chính vợ mình đóng một cách lộ liễu để khuynh đảo chúng ta chăng. Anh chưa tin Trung Quốc lại dễ dàng bán rẻ đồng minh của họ như vậy.

- Anh nói cũng có lý. Em thấy chị ta rất trơ tráo, không thèm che giấu. Từ chuyện nhờ em tổ chức gặp gỡ Price cho đến lúc gửi đứa bé và mượn gương trên xe đều như cuốn hút sự chú ý của em vào cái trò dâm đãng của chị ta.

Về phòng riêng tôi lại mở tiếp đoạn băng còn lại.

...

"- Em sấy tóc trang điểm lại đi!"

"- Không cần thiết".

"- Cứ để thế ra ngoài à!".

"- Em cần cho mọi người biết là chúng ta đã ngoại tình".

"- Trời! Em điên à?".

"- Không. Cuộc ngoại tình thông thường này phải là màn khói mù che lấp cuộc ngoại tình tuyệt mật Mỹ - Trung.

Đêm hôm đó tôi làm báo cáo đầy đủ về Trung tâm tôi không quên ghi những nhận định của tôi: Có thể là nguồn tin giả. Hai hôm sau tôi nhận được điện của cậu Đức: "Phải triệt để bám sát sự kiện này, dù phải bỏ những việc khác". Như vậy là trên đã đánh giá cao nguồn tin này.

Price bay về Mỹ. Những sự kiện diễn ra sau đó như mọi người đã biết. Bản thông cáo Thương Hải là một sự phản bội trắng trợn, nhưng Trung Quốc không đủ sức điều khiển con bài của họ. Còn Mỹ thì chưa trả đúng giá: hơn nữa Mỹ cũng chưa thực tin vào tính chất thất thường của nền ngoại giao Trung Quốc. Hiệp trịnh Pa-ri vẫn đến đích bằng những điều khoản không vui vẻ gì cho Mỹ.

/72

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status