Sao Đen

Chương 34: CHIẾC VE NHỰA GIẤU DƯỚI BỨC PHÙ ĐIÊU

/72


Nửa tháng sau Jimi mới lành bệnh. Chúng tôi đón cô gái về nhà. Jimi xúc động ôm hôn cả nhà rồi oà khóc.

- Má con chết mất rồi, một thân một mình con biết sống sao đây? Số phận đứa con hoang thật khủng khiếp...

- Con đừng nghĩ như vậy - Chị Lê Ngọc ôm lấy cô bé, nước mắtT trào ra - Hãy coi cô bác như người trong gia đình. Cả nhà đều thương con. Nếu con thích thì con có thể ở luôn đây với hai bác, vời cô chú. Bác coi con như con đẻ của bác. Con sẽ thấy cuộc sống của chúng ta có thể sưởi ấm được nỗi cô đơn của con. Chúng ta có đầy đủ mọi thứ để đảm bảo tương lai tốt đẹp cho con. Bác nói từ đáy lòng mình đấy.

- Vết thương trên người cháu đã lành miệng, nhưng nỗi đau của tâm hồn sẽ không nguôi tan. Nhưng phải biết chịu đựng phải can đảm. Tấm lòng của mọi người sẽ bù đắp cho những tình cảm bị mất mát. Cháu cũng còn ông ngoại, còn bà con thân thích ở Hồng Kông, bác không dám khuyên cháu rời bò những người thân, bác sợ các vị ấy hiểu lầm tấm lòng ưu ái của gia đình bác đối với cháu. Cháu đã lớn, cháu có thể tự biết mình phải làm gì. Cháu có thể quyết định sự lựa chọn cuối cùng. Bác chỉ có thể đoan chắc rằng: nếu chảu bằng lòng sống ở đây với hai bác, với cô chú Hoàng Việt và bạn Quang Trung thì cả nhà rất vui mừng. Cánh cửa tâm hồn của mọi người đều mở rộng đón cháu. Vườn cây của chúng ta sẽ nở hoa kết trái chào mừng cháu. Ngôi nhà xinh đẹp của chúng ta sẽ là tổ ấm của cháu. Nước hồ Green trong xanh sẽ tắm mát những ước mơ của cháu. Chúng ta có thể quý cháu hơn cả bảy chú Lùn quý nàng Bạch Tuyết. Jimi ạ, cháu sẽ chẳng bao giờ cam thấy cô đơn trong vòng tay của chúng ta đâu.

Cả nhà đều xúc động và đồng tình với những lời văn vẻ của anh tôi. Anh tôi quen những ngôn từ chính xác, được đan kết một cách lo gích. Tính phản bác và khẳng định của anh tôi bao giờ cũng sáng sủa về ngữ nghĩa, chặt chẽ về pháp lý để người nghe không thể hiểu lầm hoặc xuyên tạc được. Nhưng bữa nay anh lại cố gắng dùng những hình tượng, những ẩn dụ để mô tả cảm xúc của mình. Tôi coi đó là một trường hợp rất đặc biệt. Có thể anh tôi phải xúc động lắm mới thốt nổi những lời như vậy.

Nét mặt Jimi biểu lộ sự cảm kích mạnh mẽ. Cô gái mỉm cười trong đôi mắt còn nhoè lệ.

- Cháu xin hai bác, xin cô chú và bạn Quang Trung chấp nhận cháu là người thứ sáu của gia đình ta. Cháu khoẻ mạnh cháu có thể làm được tất cả mọi việc để hai bác và cô chú vui lòng.

- Cháu sẽ sống ở đây với tư cách là con gái cưng của ta. Và ta sẽ không để cháu làm điều gì vượt qua giới hạn đó. Cháu hiểu ý ta chứ.

- Dạ con hiểu. Con chỉ xin hai bác một điều, khi nào con lành hẳn bác cho con về Hồng Kông ít bữa để con thu xếp gọn gàng mọi thứ. Sau đó con sẽ xin định cư chính thức ở bên này.

...

Luật sư Cray chuyển lại cho cô gái tất cả di vật trên mình người mẹ trước khi đưa xác vào lò thiêu. Giấy tờ, đồng hồ, túi xách, tiền bạc, đồ trang sức và cả chùm chìa khoá. Trong va li của Hứa Quế Lan có một chiếc cặp bằng hợp kim nhẹ, bọc da đen. Cặp đóng kín bằng loại khoá số, không có thìa. Khi kiểm tra lại hành trang của mẹ Jimi loay hoay mãi không mở nổi. Chưa bao giờ Quế Lan cho con gái biết mã số của cái cặp này. Jimi đành mang sang nhờ Bạch Kim, nhưng Bạch Kim cũng chẳng tài giỏi gì hơn. Cô đành gọi tôi. Nhìn qua tôi biết thứ này không phải dễ xài. Những bài học do kỹ thuật viên Hoàng Quý Nhân truyền cho Phương Dung, Dung dạy lại cho tôi đã quá cũ rồi. Liệu có ích gì trong chuyện này không.

- Jimi ạ, thứ này không dễ dò được đâu. Ta phải tìm ra mật mã của nó. Cháu có thấy má cháu ghi chỗ nào một số có sáu chữ số không?

- Dạ không. Để cháu tìm xem... Nhưng liệu ta có thể bẩy ra được không chú?

- Dĩ nhiên là có thể phá luôn chiếc cặp ra, nhưng rất phí. Có khi tất cả những thứ đựng bên trong lại không giá trị bằng cái cặp. Để chú tìm xem có cách gì không phải phá không.

Hai chú cháu kỳ cạch mãi nhưng vô hiệu.

Quy tắc của nó rất dễ hiểu, nhưng vì quá nhiều cách sắp xếp thứ tự nên ta phải kiên trì như trò chơi ru bích vậy.

Gần một tiếng đồng hồ mấy mò toát mồ hôi, tôi đành bó tay

- Đến nước phải phá cặp thôi. Có thể má cháu phải dựa vào một con số nào đó như số hộ chiếu, căn cước, số bằng lái xe, số ngày sinh nhật của ai đó trong gia đình để nhớ. Tóm lại là phải trùng lặp với một số có sáu chữ số để khi quên còn biết cách lần ra.

- Sinh nhật má cháu là 17-12-1942, của cháu 4-6-1961, của tiến sĩ Price 20-10-1929.

- Cháu nhớ cả ngày sinh của Price? - Tôi ngạc nhiên.

- Vâng, cháu đọc trên bia mộ. Nó dễ nhớ vì ghi bằng số la mã XX - X...

Tôi biết ba số và nhóm từng dãy có sáu số liên liếp đưa vào khoá và xoay. Vài phút sau khoá lật tung ra ở con số 461961 trùng với ngày tháng năm sinh của Jimi.

Hai chú cháu mừng quá. Tôi đưa cặp cho Jimi. Cô gái mở tung ra. Tính tò mò nghề nghiệp thu hút cặp mắt của tôi vào thứ Jimi lôi ra tử trong cặp. Một số đồ trang sức. Một khoản tiền lẻ với tập séc du lịch khoảng vài ngàn đô-la. Vài thứ mỹ phẩm của phụ nữ, ít chiếc bì thư, vài ba tấm bưu ảnh. Một quyển sổ ghi những chuyện rất riêng tư của đàn bà. Jimi mở ra tôi thấy một một sơ đồ nhỏ. Chính Jimi cũng hơi lạ lùng trước những hình vẽ khá đẹp như nét bút của một hoạ sĩ. Cô gái dừng lại ngắm nghía.

- Mẹ cháu biết vẽ à?

- Không đâu. Chắc là ai vẽ vào đây thôi, nét bút của má cháu đâu được cứng cáp như thế này.

Người đàn ông nào được phép đặt bút vào cuốn số hết sức riêng tư này? Và bỗng nhiên tôi nhận ra những đường nét họa đồ chủ yếu rất giống với bức sơ đồ nghĩa địa Saint Thomas và dự thẩm hình sự phác hoạ trong tập hồ sơ của ông ta.

- Chú trông bức vẽ này giống tấm bản đồ khu lăng tẩm dòng họ Price trong nghĩa trang. Chắc là luật sư Cray muốn hướng dẫn hai má con đi viếng mộ...

- Không phải đâu. Cả hai lần đến gặp Cray má cháu đều không mang chiếc cặp này theo... à cháu nhớ ra rồi... Trước khi sang đây bác Đạt có tới thăm má cháu. Bác chuyện trò khá lâu. Cháu không biết tiếng Bắc Kinh nên chỉ loáng thoáng vài câu có liên quan đến Price. Bác có cho má cháu xem tấm bưu ảnh rồi vẽ phác cái gì đó không biết có phải là bác vẽ vào cuốn sổ này không.

- Có thể ông này định hướng dẫn má cháu đến nghĩa trang nhận mộ Price. Đưa chú nhìn lại xem có đúng không?

Jimi trao cuốn sổ tay cho tôi.

- Nhưng bác ấy có sang đây bao giờ mà hướng dẫn.

- Bác nào?

- Bác Vương Phúc Đạt, giám đốc Tổng bộ Hải ngoại Hoa Kiều vụ ạ.

Nghe đến đây tính nhạy cảm ghề nghiệp kích thích tôi mạnh mẽ. Tôi cố nhớ từng nét bút xem nó có giúp gì cho công việc của tôi sau này. Tôi chú ý đến những nét nhấn đặc biệt, những chữ viết tắt như ký hiệu và cả những 'hoa văn vẽ nhằng nhịt bên lề bức đồ họa. Khi cảm thấy đã nhập tâm được, tôi trao lại cuốn sổ cho Jimi rồi về phòng mình vẽ phác lại tất cả theo trí nhớ.

...

Tôi đã viết một bài dài, tường thuật và bình luận về vụ Saint Thomas trên báo Chim Việt. Vì Hứa Quế Lan gốc gác có thể gọi là người Việt nên tôi đã lên tiếng bênh vực nạn nhân về cả phương diện đạo lý lẫn chủng tộc. Tôi không dự đoán nguyên nhân và tội phạm, nhưng người đọc có thể biết rõ cách cư xử của gia đình Price đối với đứa con hoang và khêu gợi nghi vấn của công luận qua hướng tranh chấp ngấm ngầm khoản tài sản khi Price qua đời.

Tôi hứa với độc giả sẽ viết tiếp bài phỏng vấn Jimi khi cô hoàn toàn lành bệnh và trở lại Hồng Kông trong một tuần gần đây.

Ông Bùi Hạnh thích thú bài điều tra của tôi. Những bài báo như vậy thu hút được Việt Kiều, có biểu hiện quan điểm bênh vực lẫn nhau, lá lành đùm lá rách, giọt máu đào hơn ao nước lã... mà báo Chim Việt thường gắn với tôn chỉ của nó.

Tôi và Bạch Kim đã bàn bạc mọi chi tiết của vụ án mạng này và thấy cần phải "nhúng tay" vào đề tìm ra nguyên nhân và thủ phạm. Chúng tôi cũng thống nhất với nhau là cần phải có người cùng đi với Jimi về Hồng Kông. Cần phải giúp đỡ cô bé tránh được những rủi ro trên dọc đường. Biết đâu bọn tội phạm vẫn còn bám theo Jimi.

- Không thể để anh Ân hoặc chị Ngọc đi được, vì cả hai chưa bao giờ phải đụng độ đến những vấn để gay cấn, chưa quen đối phó với những đột biến dữ dội...

- Để em đi cho! - Bạch Kim tình nguyện.

- Bụng bằng cái trống cái, bay liền mấy chục tiếng em chịu sao nổi.

- Hãy để Quang Trung đi! - Bạch Kim nháy mắt mỉm cười ý nhị.

- Cũng được... Nhưng anh ngại là đang niên học. Công việc này ít ra cũng phải mất độ một tuần. Vả lại tính chất của công vụ cũng rất quan trọng, anh lo cho con chưa đủ sức...

- Thế thì chỉ còn anh thôi, anh chịu khó vậy.

- Đúng. Anh cần phải đi. Anh còn muốn nhìn vào cái két sắt của Hứa Quế Lan. Biết đâu trong đó còn chứa đựng những điều bí mật có liên quan đến nền an ninh của đất nước. Nếu ta không thể để mắt tới, "của quý" đó để rơi vào tay kẻ khác.

- Anh đã đọc được những ký hiệu ghi trên tấm hoạ đồ trong cuốn sổ của Hứa Quế Lan chưa?

- Chưa đọc được gì. Nhưng anh sẽ đến nghĩa địa xem lại toàn bộ cấu trúc lăng tẩm. Có thể thực tiễn giúp thêm cho anh điều gì chăng.

Chiều hôm đó tôi hỏi Jimi:

- Cháu thừ kiểm lại xem những di vật mà luật sư Cray giao lại cho cháu có mất mát cái gì không?

- Cháu cũng không hiểu nữa. Cháu chẳng để ý xem má cháu đem theo những gì trong người.

- Có lẽ sáng mai chú cháu ta cứ lại thăm luật sư. Cháu sẽ cảm ơn ông ta về sự giúp đỡ vừa qua. Cháu cũng hỏi thêm xem những thứ cảnh sát gửi lại có một mảnh giấy ghi địa chỉ mấy người quen không?

- Hỏi như thế để làm gì hả chú? Mẹ cháu có mảnh giấy đó thật không?

- Câu hỏi đó có ích gì cho việc tìm ra thủ phạm giết mẹ cháu. Hãy cứ làm đúng như chú hướng dẫn. Chú sẽ giải thích cho cháu sau.

- Dạ.

...

Chúng tôi đến Stratford gặp Cray nhưng không báo trước khiến ông bất ngờ. Tuy vậy luật sư cũng thông cảm vì Jimi vừa từ bệnh viện ra.

- Tôi đến đây để cảm ơn ngài đã tận tình giúp đỡ hai mẹ con tôi trong tai biến vừa qua. Tôi xin được thanh toán cả những chi phí pháp lý mà chúng tôi phải chịu.

- Thưa cô Jimi, trước một tai hoạ thì ai cũng phải có nghĩa vụ giúp đỡ nạn nhân - ông luật sư trả lời với giọng buồn buồn thương cảm - Còn một khi cô đã từ chối khoản tiền thừa kế thì theo luật định cô không phải thanh toán bất cứ khoản lệ phí pháp lý nào. Gia đình Price thu hồi khoản đó phải thanh toán với luật sư. Xin cô yên tâm.

Sau mấy phút chuyện trò Jimi mới đề cập đến mảnh giấy ghi địa chỉ để trong chiếc ví xách tay của má cô bị thất lạc đâu mất. Luật sư Cray tỏ vẻ áy náy. Ông vỗ vỗ vào trán suy nghĩ.

- Tất cả mọi thứ cảnh sát trưởng giao lại tôi để riêng vào một chiếc cặp trong ngăn tủ, mở ra xem xét bên trong nhưng chẳng có gì... À mà có một tình tiết. Anh chàng Bill Walker phóng viên báo Daily Echo có đến đây nhờ xem tất cả những di vật của nạn nhân để lại. Tôi có bày ra cho anh ta quan sát và chụp ảnh. Nhưng tôi tin là không mất mát gì. Dù sao thì cũng nên gọi điện xem tờ giấy mỏng đó có lẫn vào đồ đạc của anh ta không.

Nói xong luật sư ra quay máy điện thoại.

- Thưa ông, ông tên... tên là gì ạ?... Jenkins à? Xin chào... Walker có đấy không...? Ông Bill Walker phóng viên báo Los Angeles Daily Echo đó... Tại sao không?

Luật sư buông máy, vẻ mặt đầy kinh ngạc. Không có anh chàng Walker nào là phóng viên của Los Angeles Echo! Thật kỳ lạ.

Jimi cũng ngạc nhiên vì diễn biến của sự kiện.

- Xin luật sư hãy trình bày tỉ mỉ lại sự việc này với dự thẩm viên hình sự George Brow. Tôi nghĩ tình tiết này có liên quan đến vụ án mạng.

- Ông tin là như vậy?

- Thưa luật sư, tôi nêu ra một giả thuyết: Hung thủ giết bà Hứa Quế Lan định cướp một thứ gì để trong chiếc ví xách tay. Nhưng chúng chưa kịp hành động thì luật sư và mấy người khác kịp chạy đến. Chúng vẫn theo dõi "của quý" này và giả mạo làm phóng viên đến tận đây kiểm tra lại xem có còn không?

- "Của quý" đó là cái gì?

- Tôi cũng không biết nên mới coi là giả thuyết.

- Suy luận của ông rất lô-gích. Nhưng tôi đã trao đủ mọi thứ đúng như biên bản của cảnh sát.

- Cũng có thể chúng đã lầm vì bà Quế Lan không có "của quý" đó, hoặc có nhưng không mang theo.

Luật sư nhún vai:

- Cứ cho là như vậy và tôi kể lại cả tình tiết thực và giả thuyết của ông cho George Brow nghe.

- Luật sư có nhớ mặt anh chàng Walker này không?

- Một người gốc châu Á, mặt bự râu quai nón nhưng cạo nhẵn, đi chiếc Falcon màu cà phê sữa...

- Có thể... - Jimi toan nói nhưng tôi đã kịp lừ mắt kéo tay làm cho cô gái dừng lại.

- Bức chân dung đó sẽ giúp ích nhiều cho ông dự thẩm.

- Tôi sẽ đến gặp Bbrow ngay bây giờ.

- Xin cảm ơn luật sư.

Chúng tôi từ biệt Cray. Khi ra đường Jimi mới hỏi tôi:

- Tại sao chú biết má cháu có tờ giấy ghi địa chỉ.

- Chú bịa ra để thay cho câu hỏi: "Từ lúc cảnh sát trao lại cho luật sư những di vật của bà Quế Lan có người nào ghé mắt vào đây không?" Mảnh giấy ghi địa chỉ có ý nghĩa với người chủ của nó. Những người khác nhặt được chẳng dùng vào việc gì. Chú bịa ra thứ đó để luật sư Cray không phải áy náy gì lắm về chuyện đó.

- Như vậy là Walker không lấy mất thứ gì?

- Chắc là như vậy.

- Trừ trường hợp cảnh sát không ghi thứ đó vào biên bản và Walker có thể "làm xiếc" trước mắt Cray.

- Chẳng lẽ má cháu lại mang theo một vật quý giá đến như vậy. Chưa bao giờ cháu thấy má cháu mang theo vật gì có giá trị hơn chiếc nhẫn mặt kim cương.

- Chú sợ là ông Vương Phúc Đạt có nhờ má cháu chuyển cho ai thứ gì đáng tiền chẳng hạn? Thí dụ như ma túy?

- Không. Má cháu chẳng bao giờ nhận mang giúp thứ đó. Vì nếu có thì nó phải ở trong vaili. Từ hôm đến đây má cháu chưa lúc nào rời cháu.

- Chú cứ đặt thêm giả thuyết ra để lần nguyên nhân thôi.

Qua câu chuyện với Jimi, tôi nảy ra một phán đoán mới. Hứa Quế Lan sang viếng mộ Price để kết hợp nhận hàng chứ không phải giao hàng.

Sau khi đưa Jimi về nhà, tôi mang đồ nghề phóng viên và lao xe đến nghĩa trang Saint - Thomas ngay. Vì báo chí đăng tin ầm ĩ về vụ này nên những người đi viếng mộ thường quá bộ vòng quanh khu lăng tẩm nhà Price để tận mắt nhìn thấy nơi xảy ra án mạng. Tôi chú ý đến tấm sơ đồ của Hứa Quế Lan và đồi chiếu với thực địa. Tôi nhận ra ngôi mộ thứ tư ở hàng thứ hai đề tên Annita Bendix Price trùng hợp với chữ viết tắt ABP trong sơ đồ. Tôi đang quan sát thì dự thẩm viên điều tra hình sự George Brow cùng một cảnh sát đến đây xác định lại một vài dữ kiện. Đã có cuộc tiếp kiến, nê Brow nhận ra tôi ngay. Tôi giới thiệu thêm bài báo của tôi đăng trên tờ Chim Việt và bày tỏ nguyện vọng muốn được hợp tác với cảnh sát tìm ra vụ này.

Brow và tôi đi vào bên trong khuôn viên. Có mặt cảnh sát ở đây, tôi càng tự do ngó nghiêng quan sát, chụp ảnh. Tôi đã nhận ra bức hoa văn nổi láp dưới chân mộ Bendix vẽ trong cuốn sổ của Quế Lan. Sau khi chụp xong vài tấm ảnh, có cả ảnh Brow dự thẩm viên hình sự đang chăm chú nghiên cứu thực địa, tôi quăng chiếc máy trên mộ Bendix rồi dùng thước đo các khoảng cách trong khuôn viên. Mười phút sau chúng tôi ra về.

Đi được chừng trăm mét, tôi mới ngớ ra mình để quên máy ảnh. Tôi xin lỗi quay lại, và nếu có thể thì Brow chờ tôi vài phút. Tôi chạy vội đến khu lăng, nhảy qua hàng song sắt. Đảo mắt thấy xung quanh vắng người, tôi đến bên mộ Bendix rẽ bụi hoa rủ bên bức phù điêu, tôi gạt viên đá nhỏ bên chân tường mộ, một lỗ nhỏ hiện ra. Tôi cẩn thận dùng cán bút bi moi bên trong. Chiếc hộp nhỏ như ve thuốc chống ẩm màu xám xuất hiện. Tôi lượm vội lấy, đẩy hòn đá về chỗ cũ rồi xách máy ảnh nhảy qua hàng rào. Brow và viên cảnh sát vẫn đứng lại chờ tôi.

- Không phải ba mà là bốn phút rưỡi!

- Chạy vượt rào hai trăm mét hết bốn phút rưỡi! Có thể là một kỷ lục "siêu chậm".

Tôi mời hai người bạn vào quán bia.

...

Về đến nhà tôi lỉnh vào buồng bế bổng Bạch Kim lên, làm cô hoảng hồn.

- Đừng! Bụng to không đùa thế được đâu!

- Anh xin lỗi! - Tôi nhẹ nhàng đặt cô xuống đi văng.

- Chuyện gì mà vui thế? - Bạch Kim mỉm cười nhìn vào mắt tôi.

- Anh kiếm được thứ này, chắc phải là của quý - Tôi rút cái hộp nhựa tí xíu đặt lên bàn.

- Ở đâu?

- Dưới chân mộ Bendix Annita!

- Cứ như chuyện cổ tích ấy! Nó là cái gì mới được chứ?

- Theo anh, Hứa Quế Lan có nhiệm vụ đến đây lấy thứ này. Nhưng cô ta đã bị giết trước khi hoàn thành công việc. Cái gì trong hộp ta chưa biết, song anh nghĩ nó phải quan trọng lắm nên mới xảy ra vụ săn lùng đổ máu như vậy.

Chúng tôi nóng ruột muốn mở tung cái hộp này ra xem nó chứa gì bên trong. Nếu là tài liệu thì phải được chụp bằng vi phim hoặc ghi vào băng từ. Tôi chọn một chỗ làm việc riêng biệt. Với vòng kính lúp, tôi soi rất kỹ chiếc hộp rồi nhẹ nhàng mở nắp. Qua hai lớp kim loại mỏng chống ngoại thấu rất tinh vi, tôi moi ra hai cuốn phim không lớn hơn viên thuốc trụ sinh. Cuối cùng là hai vật thể trong và rắn như thủy tinh bên trong có cái nhân xấu xí như một mẩu kim loại, hóa chất gì đó mà tôi không thê hiểu được.

Tôi bắt đầu lần từ cuốn phim. Nó giống như loại tôi đã từng dùng cho máy Micro Rollet-3 nên tôi nhận biết được ngay là phim "chín" nghĩa là đã chụp và tráng. Tôi chỉ việc đưa vào bộ máy phóng và nội dung tài liệu đã hiện lên một ê-crăng nhỏ. Tôi kéo Bạch Kim vào. Hai chúng tôi dán mắt vào từng dòng chữ. Thì ra đó là tập lưu trữ của Ngũ Giác Đài về địa hình thiên nhiên như núi non, sông ngòi, khí hậu và những công trình nhân tạo như bến cảng, sân bay, xa lộ, cầu cống... trên toàn bán đảo Đông Dương do các máy bay trinh sát và vệ tinh viễn thám chụp trong những năm chiến tranh kết hợp với sự đo đạc thống kê trên mặt đất thuộc các vùng Mỹ-nguỵ làm chủ. Có cả những khoáng sản rộng lớn trong đất liền và dưới thềm lục địa... có ý nghĩa về kinh tế. Các tư liệu tuy đã cũ nhưng vẫn mang giá trị chiến lược. Tiếp đó là tài liệu nghiên cứu về cán cân quân sự của toàn vùng châu Á, Thái Bình Dương do các chuyên gia trực thuộc Uỷ ban Quân lực Thượng nghị viện soạn thảo. Nó chứa đựng những tư liệu mới nhất cuối thập kỷ tám mươi. Bản nghiên cứu còn dự báo tình hình quân sự ở khu vực này đến đầu thập kỷ chín mươi. Cuốn phim sau ghi toàn bằng mật mã xen lẫn một số ký hiệu hóa học biểu diễn những cấu trúc phân tử phức tạp mà chúng tôi không sao hiểu nổi. Có thể đây là một tài liệu kỹ thuật cao mà cơ quan gián điệp Bắc Kinh mua được trong một trung tâm thí nghiệm nào đó. Muốn hiện đại hóa được bộ máy quân sự, họ cần phải có được những vật liệu mới. Những loại thép chịu nhiệt cao để bọc mũi tên lửa, máy bay cho phép nâng được tốc độ lên hơn nữa. Những hóa chất dùng cho bom hơi độc v.v... Chúng tôi phán đoán hai vật thể gửi kèm có thể là những vật liệu mẫu giúp cho Bắc Kinh nghiên cứu và tự chế tác. Trong giai đoạn này mấy thứ đó có giá trị gấp hàng trăm lần vàng. Tiếc là những tài liệu này phải do những chuyên gia mã thám đặc nhiệm mới có thể giải nổi, và tiếp đó phải qua tay các nhà bác học mới hy vọng biết hết giá trị của nó.

Sau khi ý thức được sơ bộ nội dung, tôi bao gói tài liệu vào một thiếc hộp khác cho thích hợp với kỹ thuật chuyển hàng của chúng tôi.

Tôi định viết bài báo thứ hai về thảm cảnh Saint-Thomas cho tờ Chim Việt. Tôi phải bàn trước chủ đề với Jimi vì bài này được viết dưới dạng phỏng vấn nạn nhân sống sót.

Tôi không muốn hướng dư luận xã hội vào những nguyên nhân phức tạp như tình báo, chính trị, vì Jimi sẽ sống ở bên này với gia đình tôi. Tôi cần phải bảo vệ cô bé. Để đánh lạc hướng kẻ thù, Jimi tuyên bố sẽ mang bình tro hỏa táng hài cốt mẹ về Á Châu sớm ngày nào hay ngày đó. Cô ghê sợ Cali, mảnh đất mà nền văn minh vật chất đạt được những đỉnh cao nhất của thế giới hiện đại nhưng lại là nơi nghèo khó nhất về tình nhân loại Los Angeles đã tạo ra nhiều kỷ lục ở mọi phương diện của tội ác. Chỉ mới năm ngày tới đây mà Jimi đã mồ côi hoàn toàn và đem trên mình một vết thương xuyên ngực.

- Kẻ giết mẹ cháu cũng là kẻ thù của cháu - Tôi nói với Jimi - Để đảm bảo an toàn lâu dài cho cháu, chú không muốn cho chúng biết ý định của mình. Một khi hung thủ chưa sa lưới thì có thể nó còn theo dõi cháu.

- Cháu hiểu ý chú. Nhưng cháu không có ý định mang bình tro hỏa táng hài cốt má cháu về Hồng Kông đâu, ít năm nữa nước Anh trao trả tô giới này cho Trung Quốc thì việc đi lại thăm viếng còn khó khăn hơn. Cháu xin gửi tạm bình tro lại đây cháu sống ở đâu bình tro ở đấy. Khi nào có điều kiện về Việt Nam cháu sẽ mang về chôn ở quê ngoại cháu. Xin chú hãy công bố nguyện vọng đó của cháu trên báo Chim Việt.

- Chú hoàn toàn đồng ý với cháu. Đó là một ý nghĩa rất hay.

- Cháu chỉ còn mối lo. Liệu chuyến đi cuối cùng này về Hồng Kông bọn chúng nó có để cho cháu yên không.

- Cả nhà cũng lo như vậy cho nên đã định để chú đi với cháu. Chú sẽ giúp cháu những lúc khó khăn trên dọc đường. Bác Ân rất sợ cháu về Hồng Kông vui bạn vui bè cháu không sang nữa thì hai bác buồn lắm. Vì vậy chú còn nhiệm vụ xin giấy tờ nhập cảnh cho cháu rồi đón cháu sang bên này luôn.

- Ôi, nếu chú đi với cháu thì còn gì bằng. Chú chưa đến Hồng Kông bao giờ ạ? Ở đấy rất ít người Việt. Những người di tản không được định cư ở đây. Họ bị tống vào trại nạn Hắc Linh Châu, nơi trước đây nhốt người cùi, người hủi, người khùng... cổng trại đóng im ỉm như khám tù. Họ chờ đợi một cơ may có nước nào chịu nhận. Còn tội ác và mọi tệ nạn thì Hồng Kông cũng chẳng thua gì Los Angeles.

Jimi đặt mua vé bay đi Hồng Kông trước một tuần ở hăng JAL. Nhưng hai chú cháu lại đến sớm ba ngày thương lượng đổi vé cho Jimi và mua thêm một chiếc cho tôi để bay ngay chuyến hôm đó. Chúng tôi chịu bồi thường theo thể lệ chung. JAL chấp nhận. Thế là hai chú cháu ra máy bay luôn. Thủ thuật đó chỉ cốt làm cho kẻ theo dõi (nếu có) bị lỡ đà. Trên đường bay tôi ngồi phía sau cách Jimi ba hàng ghế. Hai chú cháu không nói chuyện như hai hành khách không quen biết. Chuyến bay này dừng lại ở Tokio một đêm. Chúng tôi thuê hai buồng khách sạn và đã đổi buồng cho nhau lúc mười giờ tối! Chúng tôi đã đề phòng cẩn thận và chẳng có chuyện gì xảy ra.

Đến Hồng Kôg tôi định đi thằng đến khách sạn nhưng Jimi không nghe.

- Chú phải đến nhà cháu rồi chú muốn đi đâu hãy đi. Hôm má cháu đi, ông ngoại cháu mới về ở đây để coi nhà. Thường thì ông ở bên dì Hứa Kim Hoa, thỉnh thoảng ông và dì mới lại thăm má con cháu.

- Chú muốn có một chỗ ở khách sạn. Chú còn phải làm việc với lãnh sự Hoa Kỳ để lo cho cháu giấy nhập cư vào Cali. Ở nhà cháu cũng được, nhưng chú lo ngoại cháu không bằng lòng cho cháu ra đi thì ngại quá. Ông sẽ cho chú là người xúi bẩy dụ dỗ cháu.

- Ngoại cháu chẳng muốn giữ cháu ở đây đâu. Nhiều lần ông bàn với má cháu cho cháu về với tiến sĩ Price. Nay cháu đi thì ông mừng quá chớ!

- Chuyện cháu về với Price lại khác. Nhưng cháu đến với gia đình chú chưa chắc ông đã chịu.

- Cháu sẽ nói là sau vụ này gia đình Price lại thấy thương cháu và muốn cháu về sống ở Mỹ.

- Báo chí đăng ầm ĩ chuyện này, cháu vờ thế nào được với ông ngoại cháu: Thôi được bây giờ chú cứ về nhà cháu xem tình hình ra sao. Có chuyện gì cháu cứ nói riêng với chú, ta sẽ tìm được cách ứng xử thích hợp.

Jimi dẫn tôi đến một cao ốc. Theo thang máy chúng tôi lên tầng tám. Căn hộ của Hứa Quế Lan mang số 832. Jimi bấm chuông. Một người đàn bà chừng bốn mươi tuổi mở cửa.

- Dì ơi cháu đã về, mẹ cháu chết rồi!

- Ôi Jimi! Ở nhà cũng mới nhận được thư cháu vài bữa nay.

Hai người ôm nhau, Jimi khóc còn vẻ mặt Kim Hoa thì tái nhợt.

- Ngoại đâu dì?

- Ngoại đi Bangkok bữa qua. May mà cháu về kịp. Cháu có giữ thìa khóa két không?

- Có ạ, dì cần mở két làm chi?

- Ngoại bảo mở lấy cho ngoại tập tín phiếu chứng khoán để bữa mốt về, ngoại mang đi Tôkio.

Nói xong Hứa Kim Hoa buông Jimi chạy vào trong buồng. Tôi nghe có tiếng đàn ông Trung Quốc chuyện trò ồn ào vọng ra.

- Stop! Không phải phá nữa. Có thìa khóa két đây rồi.

Té ra bà dì thuê thợ mang đèn hàn đến phá cánh két sắt.

- Thế này là thế nào? - Jimi bất bình hét lên - Cháu chết đâu mà phải vội vàng phá két?

- Nói nhỏ chứ Jimi. Nghe tin cháu bị thương nặng, tưởng còn lâu mới về, sợ lỡ việc ông mới cho phá két - Kim Hoa cố xoa dịu cơn thịnh nộ của cô cháu gái - Lỡ phá rồi thì mai gọi thợ sửa lại có chuyện chi đâu!

Vừa nói bà ta vừa moi tiền ấn vào tay mấy người thợ và giục họ thu dọn đồ đạc ra đi cho nhanh.

Jimi mời tôi ngồi xuống ghế. Cô gái tức giận không nói được gì nữa, chỉ ôm mặt khóc nức nở.

Một lúc sau Hứa Kim Hoa từ trong buồng đi ra. Tôi đứng dậy chào chị ta.

- Xin lỗi ông là ai?

- Tôi là Hoài Việt, gia đình chúng tôi là bạn lâu năm với chị Quế Lan. Sang Mỹ, chị Lan và cháu Jimi ở nhà chúng tôi. Chị bị ám hại, cháu bị thương. Nay cháu đã lành, tôi phải đưa cháu về đề phòng có chuyện bất trắc dọc đường.

- Cảm ơn ông đã quan tâm đến đứa cháu côi cút của chúng tôi. Tôi là em ruột má nó. Tội nghiệp con nhỏ. Biết tin chị tôi mất, ngoại cháu đã giao cho tôi quản lý sản nghiệp này, trông nom cháu cho tới lúc cháu trưởng thành có đôi có lứa tôi mới hết trách nhiệm.

- Việt Nam chúng tôi có câu: sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì. Trong cơn hoạn nạn thì bà con thân thích phải xúm vào che chở. Nhưng may là cháu đã lớn, cháu đủ tuổi để tự quyết những vấn đề của mình.

- Dạ có lớn nhưng không có khôn. Ở Sài Gòn sang tuổi nhỡ nhàng không được đi học, ít bạn bè quan hệ xã hội hạn chế. Mẹ có một con hay nuông chiều nên đường xử thế còn vụng dại non nớt lắm. Đã thế lại bạ đâu nói đấy, rất hư.

Chị ta nói xấu cháu trước khách lạ làm tôi rất khó chịu. Còn Jimi thì khóc to hơn vì uất ức mấy phút sau cô mới nói:

- Dì cứ việc quản lý cái sản nghiệp này. Còn cháu thì dì không phải lo. Cháu lớn rồi. Cháu chưa khôn ngoan cũng chẳng đến nỗi như dì tưởng. Cháu sẽ thu xếp để đi Mỹ. Anh em nhà cháu sẽ cứu mang.

Hứa Kim Hoa cười nhạt:

- Tuỳ cô thôi. Cô có vây có cánh cô cứ bay nhảy. Cô tưởng anh em nhà cô nó thương yêu đứa con hoang làm a. Vô học như cô thì liệu họ có thu xếp nổi cho cô một chân bán ba không?

Chị ta cong cớn đứng dậy.

- Chuyện thu xếp ra sao là do ông, tôi không có quyền. Bữa mốt ông về sẽ có quyết định cuối cùng. Đi ở đều do ông.

Hứa Kim Hoa đi rồi Jimi mới nguôi đi đôi chút.

- Chú thấy họ hàng nhà mẹ cháu chưa? Thật đáng xấu hổ. Nếu cháu không về kịp thì đã tan nát hết. Chẳng ai quan tâm đến thân phận cháu đâu. Họ phá két không phải là để lấy cổ phiếu mà là tìm những thứ khác. Ông cháu có két riêng để bên nhà dì ấy, có bao giờ ông thèm gửi má cháu.

- Cháu cố thu xếp để sang Cali. Đừng vì của cải tiền bạc mà bỏ lỡ dở ý định của mình.

- Dạ, cháu xin vâng lời chú. Để cháu làm chút gì chú cháu mình ăn đã. Chúng tôi vào bếp. Lâu ngày vắng chủ tro lạnh khói tàn. Trong tủ lạnh cũng chàng còn gì.

- Thôi để cháu gọi điện thoại cho khách sạn Marrio's đặt một bàn ăn hai xuất.

- Có xa đây không?

- Ngay cao ốc đối diện - Jimi vén màn cửa chỉ cho tôi - Sang đường là vào phòng ăn ngay.

- Cháu gọi điện đặt luôn cho chú một phòng sao cho cửa sổ có thể nhìn thấy cháu đứng ở bên này.

Được thôi ạ.

Jimi quay điện và khách sạn đáp ứng mọi yêu cầu.

- Bây giờ cháu đi thu dọn mọi thứ đi. Jimi dẫn tôi vào buồng mẹ. Đồ đạc bị lục tung bừa bãi như vừa qua một cuộc khám xét. Cánh két sắt bị lưới lửa đèn hàn khoét nửa vòng tròn quanh ổ khóa vẫn còn tỏa ra mùi cháy khét nồng nặc.

- Không biết họ đã làm hỏng khoá chưa? - Vừa nói Jimi vừa tra thìa vào ổ. Cô vặn nhưng khóa không chuyển - Chú giúp cháu xem liệu có thể mở được không?

Tôi kéo ghế ngồi trước tủ két. Quay thử chìa tôi thấy ổ cứng nhắc. Có thể họ đã tống nhiều chìa vào làm hỏng ổ. Nhưng nhìn kỹ không có vết gì thương tổn cho kết cấu. Chẳng lẽ đèn hàn quá nóng làm kim loại biến dạng?

- Cháu có hay mở két này không?

- Không chú ạ. Mẹ cháu cấm và luôn luôn giữ chìa khóa bên mình.

Phải chăng có mật mã hoặc lẫy chống mở.

- Đúng thìa khóa két đấy chứ?

- Dạ đúng. Mọi cái khác đều quen thuộc với cháu. Chìa khóa két có dạng khác hẳn, cắm vào ổ rất khít.

Tôi quan sát quanh tủ. Không có gì đặc biệt. Tôi ấn tay vào vòng đệm ở cổ khóa. Tôi cảm giác có lực lò so đẩy lại. Tôi vừa ấn vừa xoay vòng đệm chuyển động nhẹ nhàng. Vừa kết hợp xoay vòng đệm, vừa vặn chìa... có một nắc trong cả vòng tròn cho phép ổ khoá chuyển sang tư thế mở. Cửa tủ tự động bật tung.

- Ôi chú giỏi quá! Thế mà cháu vặn mãi không được.

- Rất đơn giản. Có một góc độ xác định của vòng đệm, ổ mới chịu quay. Trò này làm cho kẻ cắp mất thì giờ đôi chút. Có lẽ nó còn gắn với một hệ báo động bằng còi hoặc đèn báo. Nhưng má cháu đã bỏ đi vì sợ ồn mỗi khi mở tủ.

Jimi kéo cánh ra thì thấy ngăn rỗng không. Té ra còn một tầng cửa nửa. Tầng này được bảo vệ bằng khoá chữ. Gay go đây! Lại phải dò ra mật mã. Từ kinh nghiệm mở chiếc cặp, tôi nhanh chóng tìm ra mật mã này trùng với tám số ngày tháng năm sinh của Hứa Quế Lan: 17121842.

- Công việc của chú xong rồi, bây giờ đến lượt cháu.

Jimi kéo cánh cửa tầng trong, đèn bật sáng, kho báu hiện ra. Một chiếc hộp đựng đồ trang sức, vàng bạc, kim cương, đá quý phản quang lấp lánh. Mấy xấp bạc đủ loại: đô-la Mỹ, đô-la Hồng Kông, đồng yên Nhật Bản, đồng bảng Anh, mác Tây Đức... Một số giấy tờ, sổ sách để ngăn nắp gọn gàng...

Jimi moi tất cả ra ngoài.

- Chú giúp cháu xem những thứ gì quan trọng, thứ gì không quan trọng. Thứ gì cần mang đi thứ gì để lại?

- Trước tiên cháu hãy cất đống vàng, ngọc, tiền, bạc vào két đi. Chỉ để ngoài những thứ giấy tờ chú xem qua cho.

Tôi bắt đầu cuộc phân loại.

Thứ nhất là những giấy tờ thuộc loại tài chính. Nó bao gồm những hóa đơn những đồ trang sức. Ngân hàng, tín phiếu, cổ phiếu... Các hợp đồng đầu tư với ngân phiếu, xí nghiệp ở Hồng Kông, Singapore. Thứ hai là những giấy tờ thuộc loại tình cảm: thư tình ướp nước hoa của nhiều người đàn ông, trong đó có Price, Hoàng Quý Nhân và có thể cả Vương Phúc Đạt... Một tập an-bom gồm toàn những ảnh khoả thân thời con gái của Hứa Quế Lan, tiếp đó là những ảnh sóng đôi ái ân với Đỗ Thúc Vượng, với Hoàng Quý Nhân và những chàng trai đeo mặt nạ. Có vài tấm ảnh rất Mỹ chụp bằng thứ giấy hiện hình ngay (Ploaroid). Tất cả làm sống dậy một quá khứ buông tuồng và dâm loạn của người đàn bà xinh đẹp này. Tôi khóa bìa của tập an-bom lại rồi giữ lấy chiếc chìa khoá nhỏ xíu. Thứ ba là những loại giấy tờ tôi nghi là có liên quan đến nghề gián điệp. Có thể đây là những mật danh, mật mã, những sơ đồ đường dây... mà ngay những chuyên gia giàu kinh nghiệm với phương tiện đầy đủ của một phòng nghiên cứu đặc nhiệm cũng phải đầu tư vào đây hàng tháng mới hy vọng tìm ra được phần nào những bí mật.

- Tập này thì đáng giữ vì nó cần cho cháu. Tập này thì chú chẳng hiểu nó có ích gì không. Nên hủy đi. Còn cuốn an bom thì khó nói quá, để cũng được mà đốt cũng được.

- Sao thế chú?

- Đó là những cái hết sức riêng tư của má cháu thời trẻ trung. Ở tuổi cháu chưa nên tò mò. Chú đã khóa nó vào... cháu cứ giữ sau này...

- Dạ thôi để tính sau. Bây giờ đói rồi, chú cháu ta đi ăn đi!

Sau khi thu dọn các thứ, hai chú cháu sang khách sạn Marrio's. Tôi nhận buồng và xuống phòng ăn. Mười giờ tôi tiễn Jimi và dặn:

- Cháu để máy điện thoại ở đầu giường. Khóa kỹ các cửa, có ai gọi ban đêm thì không được mở mà điện ngay cho chú. Nếu có gì đáng sợ thì gọi điện cho cảnh sát khu vực. Nhớ là không bao giờ mở cửa. Nếu điện thoại bị cắt thì gọi với sang cho chú. Bật đèn tín hiệu "tạch tạch tạch, tè từ tè từ, tạch tạch tạch". Chú sẽ hiểu và sang ngay.

- "Tạch tạch tạch" là gì hả chú? - Jimi cười và ngạc nhiên.

- Đó là tín hiệu cấp cứu S.O.S (...---...)

Tôi làm mẫu trên cây đèn ngủ.

- A cháu hiểu rồi. Bây giờ chú về buồng ngủ đi. Cháu sẽ đánh thử. Nếu nhận được chú trả lời cháu nhé.

- Chú sẽ đáp "tè, tạch, tè, (-.-) Rõ, chưa?

- Dạ rõ.

Jimi hào hứng chờ tôi. Cô bé coi đây là một trò chơi. Hai chú cháu đã đánh tín hiệu, gọi điện thoại và vẫy nhau qua cửa sổ rồi mới đi ngủ. Và một đêm yên tĩnh trôi qua.

Tám giờ sáng hôm sau tôi gọi điện thoại kéo Jimi sang ăn sáng rồi hai chú cháu mới về bên nhà.

- Đêm qua cháu đã suy tính, cháu sẽ mang tất cả đồ trang sức và số tiền trong két của má cháu đi. Còn tín phiếu và các khoan ở ngân hàng cháu giao lại cho ngoại cháu cả. Các thứ giấy tờ gì không cần thiết chú hủy đi giúp cháu.

- Chú nghĩ là chẳng cần phai huỷ. Biết đâu chẳng có lúc cần đến nó. Cháu cứ để lại đây cho ngoại giữ. Chú sẽ chụp lại những thứ đó để cháu mang theo cho tiện. Cũng có thể coi những thứ đó như một kỷ niệm của má cháu.

- Vâng, nếu chú chụp giúp cho cháu thì tốt quá.

Jimi bày các thứ giấy tờ lên bàn. Tôi lắp phim vào máy.

- Chú cần có một yêu cầu với cháu. Chú không muốn ai biết chuyện này. Những người trong gia đình cháu sẽ nghĩ là chú can thiệp quá sâu vào công việc của cháu.

- Chú yên tâm. Cháu hứa là không nói với bất cứ ai việc này. Bây giờ xin chú làm việc đi. Cháu chạy ra siêu thị nửa giờ rồi về nấu cơm ăn. Chú cứ khóa trái cửa lại, ai gọi cũng không được mở. Khi nào về cháu sẽ bấm chuông theo tín hiệu SOS... --- chú phải đáp lại bằng đèn cửa "tè tạch tè"-.- rồi mới được mở nhé.

- Chú nhớ mật hiệu rồi! Tôi cười - Đúng là xảy ra tai họa rồi mới lo tính chuyện cảnh giác.

Toàn bộ tài liệu mật mã của Hứa Quế Lan tôi thu vào một cuốn phim cho Jimi. Tôi cũng chụp một cuốn bằng vi phim để gửi về Trung tâm. Tôi vừa hoàn thành công việc tháo găng tay cất đi thì có tiếng chuông gọi cửa của Jimi đúng như mật hiệu!

- Chú chụp xong rồi. Cháu cất mọi thứ vào két. Khi nào ông ngoại về cháu trao lại cho ông tất cả. Không được nói gì về chuyện sao chép nhé.

- Dạ cháu xin thề là giữ kín mà.

- Bây giờ cháu ở nhà nấu cơm. Chú đi chơi phố và đưa tráng luôn cuốn phim xem có tốt không, nếu hỏng còn phải chụp lại.

- Dạ chú cứ đi, à chú cầm tấm bản đồ Hồng Kông theo keo lại lạc đường - Vừa nói Jimi vừa lấy trên giá sách tấm bản đồ nhỏ dùng cho khách du lịch - Nhà cháu đây, chú hình dung ra chưa. Khi về nhớ bấm chuông đúng tín hiệu cháu mới mở của đó!

Tôi tìm đến Fuk Wan street bắt liên lạc với ông già bán sách cũ. Sau khi trao đổi mật hiệu, ông dẫn tôi vào buồng trong. Tôi nhờ ông tráng gấp cho tôi hai cuốn phim. Trong khi chờ đợi tôi viết một bức điện báo cáo với thiếu tướng Nguyễn Hữu Đức về những tài liệu tôi lấy được ở chân mộ Bendix và chụp trong két sắt của Hứa Quế Lan. Tôi gửi cuốn phim về trước. Những tài liệu khác sẽ tìm cách chuyển sau vì tôi lo chuyến đi này bị theo dõi.

Khi tôi đưa bản mật điện đã mã hóa cho ông già thì ông cũng trao lại cho tôi hai cuốn phim. Tôi xem qua, phim rất nét.

- Bác chuyển cho tôi cuốn vi phim và bức điện về nhà ngay nhé. Liệu khi nào có điện trả lời.

- Ba ngày nữa. Nhưng cuốn phim thỉ phải vài tuần mới tời tay người nhận. Liệu đồng chí có chờ được không?

- Tôi chỉ chờ trả lời bức điện thôi. Cảm ơn bác tôi về.

Ông già quan sát xung quanh rồi ra hiệu cho tôi đi ra. Về nhà đã thấy Jimi ngong ngóng đón tôi ở cửa.

- Sai qui ước rồi nhé! Cháu hẹn chú khi nào bấm chuông mới chịu mở cửa kia mà.

- Ôi chú đi lâu quá, cháu sợ chú lạc, cháu toan đi tìm đấy. Chú đói chưa? Cháu nấu cơm xong rồi. Chú tắm đi, cháu dọn cơm là vừa.

Trong toa lét bước ra tôi đã thấy mâm cơm bày đặt rất đẹp mắt.

- Chỉ có hai chú cháu mà cháu làm long trọng thế? Tự nấu hay ra đặt hiệu đấy?

- Cháu nấu lấy đấy chứ! Cháu muốn khoe với chú là cháu không đến nỗi vụng dại như dì Hứa Kim Hoa chê bai!

Jimi rót rượu mời mọc rất thân tình.

- Cháu khéo tay lắm. Một cô gái Mỹ mà nấu món Tàu không thua gì khách sạn.

- Cháu mang màu da, màu tóc của cha nhưng tâm hồn cháu mang màu sắc người Việt. Cháu nấu cơm ta không đến nỗi tồi đâu. Ít bữa nữa sang Cali cháu nấu cơm cho cả nhà ăn, chú nhé.

- Nhà chú ai cũng thích vào bếp. Có thêm cháu càng vui. Chẳng ai chịu để cháu vất vả một mình đâu. Cháu cần có thời gian để học thêm nhiều thứ nữa. Chiều nay chú sẽ tới lãnh sự Hoa Kỳ hỏi thê lệ xin nhập cư cho cháu vào Mỹ. Chú sẽ là người bảo lãnh vì chú mang quốc tịch Mỹ. Cháu thu xếp nhanh mọi thứ để ta sớm bay đi Cali.

- Bữa mai ngoại cháu về, cháu thưa với ông là xong thôi. Có gì phải chuẩn bị đâu. Tất cả đồ đạc tiền bạc gọn trong hai chiếc vai li. Đồ đạc cháu để lại tất không mang theo cũng chẳng bán đi thứ gì. Tất cả chỉ bao gồm tư trang của cháu và những kỷ vật gắn liền với đời sống tình cảm của má cháu thôi.

- Cháu giải quyết như thế là gọn. Dù sao lúc ra đi cũng cố giữ được mối quan hệ tốt với họ hàng. Đó là truyền thống nhân hậu của người Việt mình.

...

Năm ngày ở Hồng Kông tôi đã làm được nhiều việc. Tôi chuyển được cuốn phim và một báo cáo về Trung tâm. Tôi lại nhận được chỉ thị của thiếu tướng Đức về một hướng tiến công mới từ phương Bắc. Đồng thời Trung tâm yêu cầu theo dõi chặt chẽ cuộc đổ bộ mà Warrens đang chuẩn bị rất công phu. Trung tâm đang cần có những dự báo đáng tin cậy về cuộc hành quân này.

Tôi cũng xin được hộ chiếu nhập cảnh cho Jimi. Cô gái cũng đã bàn bạc và thoả thuận được với ông ngoại Hứa Vĩnh Thanh về chuyện ra đi. Một lần nữa Jimi lại từ chối nốt quyền thừa kế gia sản của mẹ. Hầu hết của cải gửi ngân hàng, các cổ phần đầu tư cùng với bất động sản đều chuyển cho ông ngoại. Hứa Vĩnh Thanh đã thuê luật sư lo liệu việc này khá nhanh chóng. Mọi vấn đề đều ổn.

Đúng một tuần sau, hai chú cháu đã quay lại bán đảo Nelson. Anh chị tôi chính thức nhận Jimi là con gái với cái tên Việt Nam : Phan Thị Trà My thay cho cái tên nửa tây nửa ta: Jimi. Theo lễ giáo truyền thống, Quang Trung phải gọi Trà My bằng chị. Một bữa tiệc long trọng thu hẹp trong nhà để đánh dấu sự kiện vui vẻ này.

Cảnh sát Stratford lần theo bản danh sách hành khách đi từ Hồng Kông cùng chuyến bay với Hứa Quế Lan đã nhanh chóng tìm ra anh chàng có bộ mặt châu Á. Chính y cũng là kẻ mạo nhận danh tính Bill Mc Walker phóng viên báo Los Angeles Daily Echo.

Tên ghi trong thẻ căn cước của hắn là Peter. King người Mỹ gốc Trung Quốc cư ngụ ở thành phố Norfolk bang Virgina.

Hắn có mặt ở Hồng Kông từ 17 tháng 4 sau khi Price qua đời một tuần. Hắn bay cùng chuyến với mẹ con Hứa Quế Lan đến Los Angeles và nghỉ ở khách sạn Royal.

Trong ban cung trước dự thẩm viên điều tra hình sự George Brow, Peter King khai y là nhân viên chào hàng của Công ty điện tử G.E.Y phải đi khắp thế giới để tìm kiếm những hợp đồng thương mại. Còn việc y nằm lại ở Cali là để nghỉ ngơi ít ngày vì đang mùa du lịch. Y không nhận là có đến nghĩa trang Saint -Thomas vào ngày giờ xảy ra vụ giết người. Dự thẩm viên hỏi lúc năm giờ ở đâu thì y khai là đang ở bên bàn cò quay ở Casino Royal. Bốn người làm chứng được mời đến. Họ đeo mặt nạ, đứng sau màn bí mật nhận diện. Hai vị ở nghĩa trang thừa nhận Peter King lái chiếc Lincoln đen xuất hiện trước quầy mua hoa. Còn hai vị ở Casino Royal lại thừa nhận y có mặt bên bàn Roulette và trúng liền hai số vào thời gian đó! Mấy người phục vụ ở khách sạn Royal cho biết ga-ra của khách sạn không có chiếc Lincoln màu đen nào. Peter King thường thuê chiếc Falcon Maverick màu trắng!

Y cũng chối phăng chuyện đến gặp luật sư Cray với cái tên giả Walker. Nhưng khi đối chứng Cray đã nhận ra bộ mặt của King.

Brow cho xe chạy thử từ Casino Royal đến nghĩa địa rồi quay về ngay. ông đưa ra giả thuyết là: King bám theo xe của Hứa Quế Lan. Đến nghĩa địa y giao lại cho kẻ khác hành sự rồi quay về Casino đánh bạc. Trên đường y đổi xe hai lần. Kẻ bắn mẹ con Hứa Quế Lan không phải là Peter King. Với khoảng thời gian chênh lệch nhỏ nên các nhân chứng đều chỉ ước đoán khoảng năm giờ.

Có nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên của những phát hiện nên cảnh sát Stratford quyết định tạm giam Peter King.

Sáng hôm sau người ta đã thấy tên này chết cứng trong xen luyn. Xét nghiệm pháp y chứng minh là Peter King chết vì thuốc độc.

Y tự tử chăng? Tại sao y phải quyên sinh khi chứng cớ chưa đủ mạnh để kết án y vì tội giết người? Y đã thay bộ đồ pi-za-ma của nhà tù thì làm sao có thể giấu thuốc độc đem vào phòng giam? Ai chuyển thuốc độc vào cho y? Không thể có chuyện bức tử khi y nằm một mình trong phòng giam. Liệu đây có phải là một vụ đầu độc để xóa dấu vết không? Thế thì kẻ đầu độc là ai? Chắc chắn Peter King đã bị đầu độc qua bàn tay cảnh sát!

Brow bị cuốn hút vào những suy đoán lô-gích của mình. Ông quyết định rút tiếp mối dây đã lần ra. Nhưng cảnh sát trưởng lạnh lùng nói với ông:

- Hung thủ tự sát. Vụ án đã kết thúc. Ông đóng kín hồ sơ rồi đưa tôi ký.

- Thưa ông cảnh sát trưởng, đây không phải hung thủ tự sát mà là hung thủ bị đầu độc!

- Bị đầu độc trong phòng giam của cảnh sát à? Thế thì ai đầu độc? Tôi hay ông - Viên cảnh sát trưởng nhìn thẳng vào mắt Brow - Chúng ta tóm cổ được thằng chó chết đó là quá đủ rồi. Phải biết kết thúc trận đấu ở thời điểm tốt đẹp nhất ông Brow ạ. Ông phải công bố tin này trước các nhà báo. Ông càng làm sáng tỏ những bằng chứng giết người của Peter King càng tốt. Nhưng nhất thiết nó phải tự tử. Và cái này ông cũng phải tìm cho đầy đủ bằng chứng. Cuộc nói chuyện của chúng ta kết thúc được rồi.

Brow không thể đi xa hơn nữa. Trước mặt ông, đèn đỏ đã bật. Những thế lực bí mật điều khiển ván bài và George Brow cũng chỉ là con tốt trên bàn cờ của họ.

Hứa Quế Lan không phải là gián điệp chuyên nghiệp. Cơ quan tình báo Trung Quốc sử dụng Hứa Quế Lan như một cộng tác viên thông qua cha chị, ông Hứa Vĩnh Thanh. Tư chất của chị thiếu nhiều yếu tố căn bản. Hứa Quế Lan là một người đàn bà cởi mở, dễ làm thân và hơi ba hoa. Những xúc cảm tâm lý dễ biểu hiện ra bề ngoài. Chị thỉ thích hợp với những ca phải dùng mỹ nhân kế. Chị xinh đẹp, lả lơi và thực sự dâm đãng, ít anh đàn ông chạy trốn được cặp mắt của người đàn bà này nếu chị đã có ý định quyến rũ. Quế Lan đã làm được một công vụ nổi tiếng: đó là trao bức mật thư cho Price và dẫn đến "cuộc ngoại tình thế kỷ".

Khi chế độ Sài Gòn sụp đổ nhờ Price nhận làm cô vợ hờ mà Hứa Quế Lan lọt được vào sân bay Tân Sơn Nhất để đi Hồng Kông. Ở đây chị nằm im, sống bằng khoản đô-la, vàng bạc mà Hoàng Quý Nhân ấn chặt trong chiếc va li nho nhỏ xách tay. Có vài lần chị làm môi giới giữa Price và Vương Phúc Đạt, nhưng thực ra đấy chưa thể gọi là hoạt động gián điệp chuyên nghiệp. Không cơ quan tình báo nước nào chi tiền cho chị. Cá nhân vị nào có mời mọc ăn uống chơi bời thì cũng đều được chị đền đáp lại những cảm xúc thần tiên mà không giá nào sánh được. Nói đúng ra Hứa Quế Lan đã được ông bố sử dụng vào một số công việc phục vụ những lợi ích bí mật của ông ta mà ít khi chị hiểu được nội dung của nó. Căn hộ của chị thường dùng làm địa điểm liên lạc, hẹn hò, chuyển giao tư liệu. Đôi lúc ông Thanh cũng gửi chị một số tài liệu mật, nhưng thường là thứ chị không thể tò mò nghé mắt vào được, đó là những thứ đã được mật mã hóa hoặc ghi chép bằng chữ Trung Quốc, được viết thảo theo một quy luật riêng mà các bậc thâm nho cũng trở thành mù chữ.

Để khích lệ người đàn bà đẹp này tận tụy với công việc, đôi lần Vương Phúc Đạt cũng thay mặt cấp trên tuyên dương tinh thần yêu nước của chị.

Tổ chức đặc vụ Quốc Dân đảng Trung Hoa đánh hơi thấy điều này, và chúng đánh giá Hứa Quế Lan cao hơn nhiều so với tầm vóc của chị. Những hoạt động ở hậu trường lưỡng Viện Hoa Kỳ gây cho Đài Bắc rất nhiều khó khăn. Chủ trương một nước Trung Hoa, liên minh với cộng sản Trung Quốc, tăng cường lợi ích chiến lược song song, mở rộng hợp tác, buôn bán, cho vay, hỗ trợ cho chủ trương bốn hiện đại, đặc biệt việc bán vũ khí và kỹ thuật quân sự hiện đại cho lục địa thực sự đã đe doạ tới lợi ích sống còn của đảo quốc Đài Loan. Do đó Hứa Quế Lan đã trở thành tụ điểm nhiều ống kính theo dõi của đặc vụ Đài Bắc.

Cái chết của Price là nỗi vui mừng cho những người bạn tốt của Đài Bắc. Cơ quan đặc vụ Trung Hoa dân quốc bí mật hoạt động ở Hồng Kông nhận định: Trung Cộng sẽ không chịu khoanh tay trước tổn thất này. Họ phải lập lại mối liên hệ với những yếu nhân khác trong nhóm những người thuộc phái Price. Việc Hứa Quế Lan đưa con sang Cali chịu tang, viếng mộ người tình và nhận hương hỏa đã được Đài Bắc theo dõi. Một âm mưu ám sát "người đàn bà đáng sợ" này được hoạch định. Đạo trình của Hứa Quế Lan được kiểm soát và đánh dấu.

Peter King, một tên gangster trong băng cướp Rebells the Neddy kiêm buôn lậu bạch phiến của connection Hồng Kông - Los Angeles , được thuê làm việc này.

Trước khi Hứa Quế Lan lên đường đi Mỹ, Hứa Vĩnh Thanh đã dẫn Vương Phúc Đạt đến tận nhà trao nhiệm vụ. Khi chỉ còn hai người trong phòng, Vương mới thì thầm:

- Một lần nữa Tổ Quốc lại kêu gọi đến lòng yêu nước của đồng chí. Price mất đi là một tổn thất to lớn cho mối quan hệ Trung-Mỹ. Biết mình không qua khỏi, ông đã để lại cho chúng ta một tài liệu quan trọng. Đó là bửu bối giúp chúng ta hoạch định chính sách đối ngoại có hiệu quả trong những năm còn lại của thế kỷ này. Ông không thể gián tiếp chuyển cho ta qua bất cứ bàn tay nào. Ông muốn chính người tình cũ của mình mang thứ này về Tổ quốc giống như đã nhận lá thư từ tay chị cách đây hai chục năm. Nhân chuyến đi này, Đảng và Tổ Quốc muốn chị chuyển giúp tài liệu quý giá đó về cho chúng tôi, chị thấy thế nào?

- Thưa đồng chí Vụ trưởng, đối với Tổ Quốc tôi không dám từ chối điều gì. Ngặt nỗi công việc này quá nặng nề, tài năng của tôi lại có hạn, Price chết rồi, không ai giúp đỡ, tôi khó có thể hoàn thành được.

- Khó như lần trao đổi mật thư với Price, đồng chí còn hoàn thành xuất sắc thì lần này có gì đáng kể đâu. Để tưởng lệ công lao này, Tổ Quốc sẽ ân thưởng cho đồng chí một ngân khoản ở ngân hàng Banville. Đồng chí có thể chuyển thành bất cứ ngoại tệ nào có lợi nhất cho việc chỉ tiêu dọc đường.

Một cuộc mặc cả khá mệt giữa lòng yêu nước và sự ân thưởng cuối cùng đã ngã giá. Vì hoạt động nghiệp dư nên chị không phải phục tùng lệnh của Vương Phúc Đạt. Vương lại thích dùng chị vào việc này cho đỡ lộ mạng lưới của ông ta ở Mỹ. Mặt khác Vương cũng hy vọng khi thanh toán tiền nong Quế Lan sẽ hào phóng phong bao cho ông một chút... ái tình!

Vương Phúc Đạt bảo chị mở sổ tay ra để ông hướng dẫn nhiệm vụ.

- Tài liệu niêm phong trong một ống nhựa đường kính một cm, cao ba cm. Nó được đặt trong một hốc nhỏ dưới chân ngôi mộ Annita Bendix Price. Vương vẽ sơ đồ lên cuốn sổ tay của Quế Lan và chỉ vào một tấm ảnh chụp mầu rất nét - Chỗ này này. Đồng chí phải nhớ kỹ bức hoa văn chạm nổi làm chuẩn. Chỉ mang sơ đồ chứ không được mang tấm ảnh này đi. Đồng chí phải đến viếng mộ Price nhiều lần. Khi nào thật vắng vẻ, thật an toàn mới được mở kho báu. Rõ chưa?

- Rõ ạ.

- Khi bay về Hồng Kông đồng chí phải giấu cái hộp đó trong dạ dày.

- Trời ơi, cái hộp như vậy làm sao nuốt nổi?

- Người ta làm thứ đó để nuốt mà. Tất nhiên là phải tập.

Vương Phúc Đạt đưa cho Quế Lan một một túi kẹo mềm có kích thước và hình dáng giống như tài liệu ông ta phổ biến cách đặt ở cổ họng và bảo chị nuốt thử.

Quế Lan làm mấy lần nước mắt nước mũi chảy ra mà không nuốt nổi. Vương phải bắt chị há miệng tự tay nhét vào cổ họng.

Lần này thì viên kẹo chui tọt xuống dạ dày.

- Thế là được! Nuốt hết gói kẹo này là đảm bảo có thể nuốt được ống tài liệu. Làm gì cũng phải tập!

- Chuyến bay dài hai mươi giờ, lỡ bài tiết ở dọc đường thì sao?

- Phải cố gắng ăn ít ăn những thứ táo bón! Nếu lỡ ra không kìm được thì phải tìm lại (khi bài tiết) rồi nuốt tiếp.

- Eo ôi!

- Làm gián điệp lại sợ bẩn à! Rửa đi là sạch liền. Khi làm việc đó nhớ đóng chặt cửa toa-lét.

...

Việc Vương Phúc Đạt lén lút đến nhà Quế Lan không lọt qua con mắt của cô gia sư Tiểu Bạch. Tiểu Bạch là cộng tác viên của đặc vụ Đài Bắc. Thị không biết được nội dung cuộc đàm đạo vì máy nghe trộm đặt ở phòng khách thì Quế Lan lại đưa Vương vào phòng ngủ để chuyện trò, nhưng Tiểu Bạch khẳng định được chuyến đi của Hứa Quế Lan không đơn thuần chuyện phúng viếng mà còn kèm theo một công vụ bí mật. Tiểu Bạch cũng dự đoán là nếu có tài liệu hoặc mật thư mang theo thì Quế Lan phải để trong thiếc cặp da xách tay có khóa đặc biệt ít khi Quế Lan mang ra khỏi két sắt.

Những tin tức đó được cơ quan gián điệp Trung Hoa Dân Quốc xử lý ngay. Chúng chọn nghĩa địa Saint-Thomas làm nơi hành sự. Mục tiêu của chiến dịch là giết Hứa Quế Lan, nếu cần giết luôn cả đứa con gái cướp chiếc cặp xách tay. Nhưng chúng đã lầm giữa cái cặp và cái ví xách tay cũng màu đen và kích thước tương tự. Chị cũng chẳng mang theo tài liệu gì ngoài tấm sơ đồ nguệch ngoạc trong cuốn sổ tay.

Peter King theo dõi lộ trình của Hứa Quế Lan, nhưng chính y không tự tay hạ sát. Y bám theo chiếc Roll-Royce của luật sư Cray bằng chiếc Falcon Maverick quen thuộc. Nửa đường y chỉ thị mục tiêu và đổi xe cho bọn tay chân. Đến cửa nghĩa trang một lần nữa Peter King xác định được đúng đối tượng. Y nháy mắt cho một tên gangster thực thi kế hoạch.

Khi tên này nổ súng vào hai mẹ con Quế Lan, định nhảy ra cướp chiếc ví xách tay thì thất Cray xuất hiện. Trang phục và vóc người to lớn của Cray khiến cho tên gangster do dự. Ông có phong thái một thám tử lảng vảng vào bảo vệ vòng ngoài. Y đành bỏ chạy.

Peter King quay về Casino Royal tăng tiền đặt cọc trên bàn roulette để tạo sự chú ý của đám đổ bạc. Do đó những nhân chứng ở đây đều thừa nhận y có mặt ở casino lúc năm giờ. Mấy người ở đây đều thừa nhận y có mặt ở casino lúc năm giờ. Lẽ ra Peter King đã cao chạy xa bay, nhưng vì chưa cướp được chiếc cặp nên hợp đồng chưa hoàn thành. Bên thuê yêu cầu y phải nói được trong chiếc cặp đó đựng gì. King đành liều mạng đóng giả nhà báo đến gặp Cray xin chụp lại di vật của nạn nhân. Y hy vọng có rất nhiều nhà báo gặp Cray trong những ngày đó nên y không thể bị nghi ngờ.

Peter King bị bắt là một thất bại của gián điệp Đài Bắc và có nguy cơ lật ngược thế cờ. Tuy vậy người thuê đã cẩn thận bố trí một lực lượng vô hình ở bên Peter King. Những chính khách chóp bu trong phái ủng hộ Trung Hoa Dân Quốc đã quyết định xóa dấu vết. Người của họ nằm trong Sở cảnh sát đã thi hành nghị quyết án đối với Peter King. Đài Bắc hiểu rằng hành án trên đất bạn có thể dẫn đến một vụ bê bối ngoại giao.

Có thêm Jimi, cuộc sống trong ngôi nhà yên tĩnh bên hồ Green của chúng tôi nhộn nhịp hẳn lên. Luật sư Phan Quang Ân, ông chủ của gia đình lập tức đưa ra mót chương trình giáo dục để uốn cô con cái nuôi vào khuôn phép, mặc dù Jimi đã hai mươi tuổi! Anh nói riêng với vợ:

- Con bé xinh đẹp và thông minh đấy, nhưng sống hoang dã bên một người mẹ buông tuồng chắc chắn đã nhiễm phải nhiều cái không tốt. Mình thương yêu nó phải bảo ban cho nó nên người. Tất nhiên là không thể coi nó như trẻ con. Nhưng chỉ dạy cách ăn chơi trang điểm thôi thì không được đâu.

Và thế là một chương trình học hành được vạch ra.

Buổi sáng cô gái có hai giờ để học tiếng Pháp, anh Ân tôi sẽ phụ trách. Buổi chiều, hai tiếng học dương cầm do bạch Kim dạy. Chị Ngọc tôi sẽ rèn cặp nữ công gia chánh, dạy quản lý tài sản, mua bán chợ búa... Ngoài giờ học có thể giải trí bằng các hình thức đi dạo trên đồi, bơi thuyền, đánh bóng bàn, xem ti-vi, đi xem hát, hòa nhạc, khiêu vũ... Nhưng xuống hồ thì phải có người kèm. Quang Trung phải dạy Jimi bơi thuyền, đánh bóng...

Khi ông đưa cái chương trình ra tham khảo ý kiến, mọi người đều coi là quá chặt chẽ. Riêng Jimi thì lại đòi tăng giờ học lên hơn nữa.

- Hãy cứ thử một tuần xem sao.

Và một tuần trôi đi, cô gái hoàn thành rất tốt chương trình của mình. Trong bữa ăn trưa chủ nhật được bày ở ngoài vườn, chị Lệ Ngọc bắt cô con gái nuôi trang điểm như một bà hoàng làm cho cả nhà phải ngạc nhiên. Jimi ngượng nghịu nhưng hoàn toàn thấy hạnh phúc trong tình yêu thương của ba má nuôi.

- Con gái thấy cuộc sống của chúng ta thế nào? Chương trình làm việc, học hành như thế có quá sức con không? Liệu con có thể thích nghi nổi không, Trà Mỹ? (Ông thích gọi cái tên do ông đặt lại).

- Thưa ba, con thấy rất dễ chịu, con có thể theo đuổi được. Con rất cảm động là cả nhà rất thương con, quan tâm đến con.

- Nhà ta có đủ tiền để sống suốt đời, nhưng ai cũng thích làm việc, học hành, sáng tạo, hiểu biết. Ba đọc sách, viết sách, làm vườn. Má quản lý nhà cửa, chi tiêu chợ búa... Chú Nghĩa viết báo, cô Kim kinh doanh, trông coi bếp núc... Quang Trung nghiên cứu khoa học, và con gái ba cũng chăm chỉ học hành. Cả nhà như bày ong mật. Chúng ta cùng vui chơi giải trí. Nhưng một khi biết yêu lao động thì sẽ thấy công việc cũng là một trò giải trí đậm đà nhất, đem lại niềm vui bền chặt nhất. Không gì tệ hại bằng ngồi rỗi. Sự nhàn rỗi làm hoen gỉ con người, cả tâm hồn lẫn thể xác con ạ. Nhưng làm việc theo bản năng thích gì làm nấy, hay bị cưỡng bức thư trâu kéo cày thì cũng chẳng tốt đẹp gì hơn là ngồi không. Con người phải ý thức được vai trò của mình, phải biết vạch cho mình một mục tiêu để thành đạt. Ba tin là nếu con chịu khó như tuần qua thì một năm nữa con sẽ nói được tiếng Pháp, biết chơi đàn dương cầm và hoàn toàn đủ sức làm bà chủ một gia đình nho nhỏ.

Cả nhà vỗ tay cổ vũ Jimi làm cho cô gái đỏ ửng đôi má. Riêng Quang Trung thì ngồi im, vẻ mặt nghiêm trang hơi cúi xuống. Từ ngày Jimi về ở hẳn đây, hai đứa hầu như không chuyện trò với nhau. Cái nhìn của chúng không lãnh đạm nhưng rõ ràng có một cái gì đó lúng túng mất tự nhiên. Là sinh viên đại học, Quang Trung cũng tiếp xúc hàng ngày với nhiều bạn gái. Cháu chủ động trong mọi tình huống, đối đáp lưu loát và ngôn ngữ của con tôi bao giờ cũng chứa đựng một chút hài hước, duyên dáng. Nhưng ở nhà cháu lại hoàn toàn lúng túng trước Jimi. Mỗi lần bắt gặp cặp mắt xanh thẳm và cái nhìn hơi chút ngơ ngác của cô gái là cháu quay đi liền.

Người lớn đứng ngoài cuộc đều cảm nhận được thái độ hơi kỳ cục đó nhưng chẳng ai nói ra. Ở tuổi đó chúng biết ý tứ tế nhị càng tốt. Chưa chi đã suồng sã quá cũng chẳng hay ho gì.

Hình như Jimi biết chủ động hơn trong tình thế này. Đôi lần cô gái hỏi chàng trai một việc gì đó Quang Trung đáp lời vẻ lúng túng, ngôn ngữ ngắn gọn khô khan làm cho chủ đề không phát triển được. Và thế là câu chuyện kết thúc. Có lẽ chúng chưa thoải mái trong chuyện xưng hô. Theo kỷ cương, Jimi là con nuôi ông anh nên cô có tư thế bề trên! Quang Trung phải gọi bằng chị. Nhưng hình như cháu không chịu chấp nhận cái vai vế đó. Còn xưng tên thì nghe có vẻ yếu đuối và... điệu bộ quá. Vì vậy cháu thường nói trống không bó chủ ngữ và đôi lúc dùng luôn tiếng Anh.

Trong thâm tâm tôi nghĩ Jimi là một cô gái ngoan, nhưng nguyên tắc công tác, nhắc tôi phải lưu ý đến tính cảnh giác. Tôi nói với Bạch Kim:

- Nhà có thêm người cũng vui hơn, nhưng sự kín đáo chúng ta phải tăng lên gấp đôi trước kia. Hàng ngày Jimi lên đây học đàn. Em tiếp xúc với nó còn nhiều hơn với anh chị Ân. Vì vậy từ giấy tờ, tài liệu cho đến chuyện trò phải kín đáo hơn.

- Buồng em chẳng lưu trữ bất cứ thứ gì. "Của quý" đều do anh quản lý. Jimi không bao giờ sang chỗ anh. Còn chuyện trò thì anh yên tâm, em chẳng bao giờ nói đến những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ. Về mặt chính trị em thấy chúng mình cần giải thích cho Jimi những vấn đề mà nó quan tâm. Ta cần cảm hóa con nhỏ về phía mình. Đó mới là tính cảnh giác cao, mới là phòng thủ vững chắc nhất.

- Anh đồng ý với em.

- Chuyện này cũng cần nói thêm với Quang Trung. Tuổi trẻ dễ vô tâm, nhất là khi tiếp cận một cô gái xinh đẹp. Quang Trung của chúng ta cũng đến đôi tuổi yêu đương rồi đấy. Ngày anh đi nhận công tác với chị Dung chắc anh cũng trẻ như thế.

- Lúc đó anh tròn hai mươi. Nhưng anh cảm thấy Quang Trung và Jimi không hợp nhau. Chúng chẳng đứng bên nhau quá một phút. Như thế càng hay. Anh tin là con trai chúng ta biết giữ một khoảng cách cần thiết. Khi Jimi đã chính thức nhận làm con nuôi anh chị Ân, giữa chúng xác định mối quan hệ chị em thì không thể nảy sinh tình cảm luyến ái vô thức được.

Bạch Kim cười:

- Con người vẫn là một điều bí hiểm lớn lao nhất. Anh đã cùng chị Dung đạt kỷ lục giữ nổi khoảng cách mong manh trong sáu năm trời, nhưng với em hỏi anh đạt được mấy ngày? Anh chủ quan quá đấy. Thế hệ sau của chúng ta thay đổi ra sao anh chưa hiểu nổi đâu.

- Không hiểu nổi cả thế hệ, nhưng anh hiệu nồi con anh. Trung và Jimi không có quan hệ tình bạn. Ngay từ lúc thấy mặt nhau nó đã phải chấp nhận quan hệ chị em dù là chị em họ nuôi. Vì vậy nó khác xa chúng mình.

- Quang Trung là một chàng trai tuấn tú, Jimi là cô gái xinh đẹp. Trai tài, gái sắc... Lửa gần rơm... biết thế nào được!

- Về chuyện này thì bao giờ em cũng có lý hơn!

Cả hai chúng tôi đều cười vui vẻ chấm dứt cuộc tranh luận.

/72

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status