Sau Khi Làm Vô Thường Bán Thời Gian Thì Tui "Hot"

Chương 42: Thầy Lan Hà còn biết diễn cơ á?

/105


Sau khi làm Vô Thường bán thời gian thì tui "hot"

Tác giả: Lạp Miên Hoa Đường Đích Thố Tử

Chuyển ngữ: Dú

Chương 42: Thầy Lan Hà còn biết diễn cơ á?

Sức phủ sóng của đạo trưởng Giang Hà là rất cao, Lan Hà ngồi nhà phát hiện cư dân mạng đã biết chuyện này, họ chạy đến weibo anh hỏi. Đến cả công ty quản lý của Lan Hà cũng mông lung qua hỏi, có quan hệ gì với nhau không em? Có cần thừa cơ lăng xê tí không?

Lan Hà toát mồ hôi hột, vội từ chối ngay. May là công ty mà một diễn viên vô danh như anh ký với cũng nhỏ, nếu muốn làm thì chắc cũng chỉ đăng mấy cái bài đăng xào đi xào lại thôi.

Hồ Bảy Chín vẫn đang quản lý nội dung nuôi dạy trẻ trên weibo bèn hỏi anh nội dung không liên quan thì xử thế như nào.

Lan Hà: "Lúc nào cũng giữ vững một nguyên tắc, duy trì hình tượng đặt ra. Nhất là cái loại muốn đưa mê tín vào thì phải từ chối một cách quyết tiệt."

Hồ Bảy Chín: "..."

Hồ Bảy Chín: "Ngươi biết ta là tiên gia chứ?"

Lan Hà: "Ừ, không thì cô trả điện thoại lại cho ta."

Lan Hà không biết xử lý weibo ra sao, cho anh cái gì anh nhận cái nấy, thi thoảng đăng tí ảnh ọt. Hồ Bảy Chín rất muốn tự mình trả lời những bình luận về chăm trẻ, nghe vậy bèn giấu tiệt điện thoại ra sau: "Rảnh thì ta trả lời, ngươi nạp đậu cho ta chơi đấu địa chủ là được..."

Tuy trong nhà có ba người, song hiển nhiên không phải lúc nào Lan Hà và Bạch Ngũ cũng sẽ chơi đấu địa chủ với cô ta.

Lan Hà: "Cho nạp hai mươi tệ."

Hồ Bảy Chín cúi đầu trả lời: "Tôi vốn chẳng quen biết gì với đạo trưởng Giang Hà, đừng có nhìn tôi nữa, trừ phi bé nhà bạn bị bệnh. Chào bạn, trẻ con khóc quấy không liên quan gì đến gặp quỷ, đừng mê tín nhé, có lẽ thiếu vitamin D với canxi thôi. Bình thường có hay ra ngoài phơi nắng không..."

Bạch Ngũ im thin thít ngồi xổm bên cạnh: "..."

Hồ Bảy Chín liếc xéo cậu ta: "Nhìn gì mà nhìn, chưa thấy Hồ Môn kiếm tiền bao giờ à?"

Sống chẳng dễ dàng!

...

Có vẻ vụ này được đồn đãi nhiều gấp mấy lần tại giới tôn giáo Bắc Kinh, đương nhiên đa số các pháp sư cũng biết sự thật.

Khi quay một phần "Yến Kinh tuế thời ký", Lan Hà xách lồng chim ra cửa, gặp Ứng Thiều trong thang máy. Ứng Thiều bắt chuyện: "Ha ha, tôi nghe phong thanh hình như mọi người đang hiểu lầm mối quan hệ giữa anh và đạo trưởng Giang Hà hả, tưởng đạo trưởng Giang Hà quen anh?"

Lan Hà: "... Ừ."

"Yên tâm, tôi biết anh đó giờ chẳng tín ngưỡng cái gì mà." Ứng Thiều ra vẻ thần bí, "Nhưng tôi chỉ có thể nói là chuyện này thực sự vượt xa tưởng tượng của anh. Đôi khi, không nhìn thấy không có nghĩa là không tồn tại."

Lan Hà: "..."

Hồ Bảy Chín không khỏi chui nửa người ra khỏi hộp diêm để xác nhận, đúng là tên ngốc hàng xóm.

Vượt quá tưởng tượng gì, bộ chả phải lão đạo trưởng kia hành lễ với thằng con bất hiếu của Lan Hà à, Lan Hà có được hưởng sái cái gì đâu.

Lan Hà lắc túi, ý bảo cô ta rụt về.

Hôm nay anh không chỉ dẫn mỗi Hồ Bảy Chín mà còn cả Bạch Ngũ, do gần đây nhân lực âm phủ eo hẹp, bảo hai nhóc này đi chùa miếu, đạo quán làm cu li cũng là một dạng tu hành, tích phúc, tu đức.

Lan Hà tiện đường mang theo, miễn cho Bạch Ngũ rời khỏi đây cái là không dám cựa quậy gì.

Ứng Thiều ôm tâm trạng đã thấu tỏ đi ra khỏi thang máy. Tâm trạng này không chỉ tồn tại trong người gã mà còn có rất nhiều pháp sư tại Bắc Kinh. Trong một khoảng thời gian rất dài, họ đều cảm thấy mình đã trông thấy sự thật nằm dưới lớp vỏ bọc giả dối, nên chẳng thừa hơi đâu mà nghĩ đến logic sâu xa hơn.

Đến trường quay rồi, Lan Hà bèn thả hai vị tiên xuống, cho họ tự đi giúp đỡ. Lồng chim kia để trên xe Tống Phù Đàn. Cuối cùng, Hồ Bảy Chín cũng chơi phát chán, mà con chim này hết học nổi, không dạy được nữa.

Ghi hình xong, Tống Phù Đàn muốn đưa chim đến chỗ ông ngoại. Mà kể cũng trùng hợp, ông ngoại hắn sống ở nơi nằm cách địa điểm quay không xa, lái xe mấy phút là tới.

"Tôi đi tặng chim trước rồi chở em về sau." Tống Phù Đàn nói.

"Tôi thấy đi nhiều lần cứ phiền anh thế nào ấy..." Hai lần trước, Lan Hà chẳng thấy sao, song hôm nay Trần Tinh Dương thốt một câu: Giỏi, lần nào thầy Huyền Quang cũng chở cậu đi.

Tống Phù Đàn đáp ngay: "Không phiền hà gì cả."

Hắn nói nhanh quá, Lan Hà phì cười, im lặng lên xe.

Thật ra cả hai chẳng chuyện trò với nhau trên xe. Thậm chí lần trước, Hồ Bảy Chín và Bạch Ngũ bám theo toàn là anh và Hồ Bảy Chín nói chuyện, Tống Phù Đàn lắng nghe, thi thoảng xen miệng đôi câu mà thôi. Thế nhưng, cảm giác lại tự nhiên và thoải mái, cứ như một thú khuây khỏa sau khi kết thúc công việc vậy.

Tống Phù Đàn lái xe đến ngoài ngõ, định bụng bảo Lan Hà đợi mình một lát.

Lan Hà nghĩ: "Đã tới cửa rồi, tôi cũng nên vào chào một tiếng, không lại bất lịch sự." Hộp nuôi nhím lúc trước là của ông cụ mà.

Tống Phù Đàn chần chờ: "Ừ."

Lan Hà cầm lồng chim hộ hắn, đi theo hắn vào ngõ. Khi đến một cái cửa Như Ý thì thấy trên trâm cài cửa có khắc hai chữ "Bình an", cạnh cửa là lớp gạch đá khắc hình người.

Cửa chính chỉ khép, đi vào cửa lại là một bức tường bình phong giản dị, còn nuôi cả một ang cá.

Trong kia loáng thoáng tiếng chim hót bùi tai, đi vòng qua tường bình phong có thể bắt gặp hoa cỏ khoe sắc khắp vườn. Đây là một tứ hợp viện rất đỗi thanh nhã, những món đồ được bài trí trông đã cũ, thậm chí trên bàn gỗ còn có bộ tách tráng men cũ kĩ.

"Ông ngoại ơi?" Tống Phù Đàn dẫn Lan Hà đi vào trong bèn trông thấy ông Đậu đang đùa chim với vài người bạn già, trong sân có treo mấy lồng chim.

"Cháu đưa linh tước tới." Tống Phù Đàn giới thiệu, "Đây là bạn cháu."

Lan Hà cầm lồng chim chào hỏi, "Chào ông, cháu là Lan Hà. Cháu vẫn chưa cảm ơn hộp nuôi nhím của ông, và cả chú chim này." Vốn dĩ phải đưa con chim này thẳng đến chỗ ông Đậu ngay, nhưng Hồ Bảy Chín muốn nghịch nên mới cầm nuôi một thời gian ngắn.

"Hả?" Ông Đậu ngớ người, "... Ơ, hộp nuôi kia đưa cho cháu hả?"

Ông hãy còn mông lung, không kịp phản ứng lại. Ủa, sao lại là một bé trai thế này...

"Vâng, nhím nhà cháu đang ở ạ." Lan Hà đáp. Anh nhìn mấy sợi dây treo lồng chim, "Treo ở đây hả ông?"

"Ừ, ngồi đi, ông pha trà hoa nhài cho hai đứa uống." Ông Đậu đi vào phòng, Tống Phù Đàn thấy ông ra hiệu bằng mắt là biết thừa ông có chuyện muốn nói với mình bèn bảo Lan Hà ngồi tại đây một lát, còn hắn thì đi vào.

Lan Hà cầm một cái ghế đẩu ngồi xuống, đám bạn của ông Đậu bắt chuyện rất tự nhiên: "Đây là cái con tang khẩu mà lão Đậu bảo hả? Nhà cháu nuôi à?"

Lan Hà gật đầu: "Vâng, đã sửa miệng rồi ạ, đưa tới cho ông Đậu trị."

"Xem cháu chưa lớn mấy mà kiên nhẫn phết, sửa đúng cho chim hơi bị tốn công đấy." Một ông "sen" cười tủm tỉm.

Lan Hà không biết nuôi, sợ họ bàn chuyện này với mình thì không đáp được, "Vâng, nhà cháu có người hình như từng nuôi rồi ạ."

"Vậy thì hay. Trông con chim này không già lắm, còn có thể học bộ khẩu với con bên lão Đậu." Các ông bạn hội chăm chim của ông Đậu bảo.

Khi khiếu khẩu được soạn thành một trình tự cố định, có thể hót lặp đi lặp lại thì sẽ gọi là bộ khẩu, hiểu thành sáo lộ cũng được. Hót theo quy luật tất nhiên sẽ khó hơn hót đơn thuần, cũng có giá trị thưởng thức.

"Chim cũng như người, chỉ có mỗi trí khôn là chưa đủ, còn phải bái danh sư." Một ông cụ mặc đồ vải xanh nói.

Ông ăn bận đơn giản, lồng chim treo bên người cũng rất đơn giản, nhưng vừa thốt câu này ra thì ai cũng biết sợ, chỉ đành nói nhỏ: "Này lão Triệu, tôi biết con chim nhà ông là giỏi nhất rồi, nhưng dạo này nó đâu có nhận đồ đệ mới, ông nói ra làm gì."

Ông Triệu: "Tôi vênh váo tí ấy mà."

Mọi người: "..."

Trong cái giới nuôi chim này của họ, nói tôn chim lên làm số một cũng không hề quá.

Hơn nữa, các ông cụ đây khá là dày công nghiên cứu, chim chóc nhà ai bái chim chóc nhà đối phương làm sư điểu thì mình cũng phải đối xử với chủ chim bên kia như đồ đệ với sư phụ, phải cung kính, tết nhất phải đến bái phỏng.

Người, đi đôi với chim. Cho dù thân phận của chủ chim ra sao, chỉ cần dạy chim tốt thì lúc hội họp sẽ là người chơi trội nhất, là ông già đắc chí nhất sân.

Trước mắt, ông Triệu hoàn toàn xứng đáng với cái danh đắc chí nhất sân.

Có rất nhiều trường phái khiếu khẩu. Họ nuôi chim thiên về phái Bắc, thích dạy bộ khẩu cho chim. Vài năm đổ về trước, chim tước tịnh khẩu* hót, nghiên cứu từ bộ này sang bộ khác, không thể đổi trình tự, cũng không được có tạp âm. Đương nhiên bây giờ đã không còn khắt khe như xưa nữa.

(*Tịnh khẩu ngược nghĩa với tang khẩu. Tang khẩu là hót mấy thứ tiếng người ta cho là không tốt.)

Tuy nhiên, dù thuộc trường phái nào thì thứ họ theo đuổi đều là:

Chim hót càng nhiều giọng, càng nghe thật hơn thì càng tuyệt hơn.

Ví như chim nhà ông Triệu biết hót hơn mười loại tiếng, trong đó còn bao gồm tiếng gà trống cực kì khó, còn mấy kiểu khác nó đều hót nghe rất thật. Người ta ra giá đến tám vạn để mua con chim của ông ta mà ông ta không chịu bán, tại không nỡ.

Thành ra ông Triệu đắc chí, mọi người nhìn chim nhà ông ta cũng chỉ đành dằn cơn ngưỡng mộ xuống.

Đúng lúc này, trong sân có vài tiếng kêu.

"Cục cục tác... Cục cục cục tác..."

"Ồ." Một ông nhướn mày, "Đản khẩu nhà ai mà nghe giống thế, chất giọng này đáng đồng tiền bát gạo lắm đây!"

Trong viện không nuôi gà, tiếng này phát ra từ phía trên, hiển nhiên là chim tước nhà ai đó kêu đản khẩu, cũng tức là tiếng gà mái. Vả lại, nó kêu rất hay, tuyệt đối không phải cái loại học từ audio mà là học từ tiếng gốc gà mái chính cống, học đản khẩu rất giống.

Rất nhiều loài chim học đản khẩu, nhưng rất hiếm có con nào học được đến trình độ này.

Đản khẩu khó học, thậm chí còn có một kiểu nói khá là phô trương như thế này: Chim kêu một tiếng đản khẩu hay, giá ít nhất là một nghìn. Nếu kêu tù tì hai tiếng, giá sẽ là hai nghìn. Còn nếu có thể kêu liên tục mười tiếng thì sẽ lên tới một vạn.

Khi mấy ông cụ nhìn xung quanh để xem là chim nhà ai thì Lan Hà đứng dậy: "Là nó đó..."

Cũng chính là con linh tước anh mang đến.

Anh vén rèm lồng lên, ai nấy đều chắc mẩm là nó.

Hơn nữa, điều làm họ ngạc nhiên hơn cả là con chim này không hề ngừng hót mà cứ kêu liền tù tì bảy, tám tiếng "cục cục tác" rất thật!

Chim nhà ông Triệu, một khiếu khẩu có thể hót liên tục ba đến năm lần. Chim nào có thể hót càng nhiều lần càng có giá trị.

"Ồ được đó, con chim này học rất tốt, nghe giống gà mái thật, có phải được nuôi từ nhỏ với gà mái không?" Ông Triệu không thể không thừa nhận rằng tiếng kêu này rất hay, "Còn biết những tiếng khác không?"

Biết một loại tiếng chẳng là cái đinh gì. Đản khẩu khó, nhưng chim chóc không thể chỉ biết mỗi đản khẩu được, nhiều và thật mới là tiêu chuẩn cứng nhất.

Lan Hà không biết giọng nào mới có giá, anh chỉ biết mấy ngày nay con chim này có thể kêu đủ loại tiếng trong suốt một, hai tiếng đồng hồ, cơ mà Hồ Bảy Chín bảo nó chưa học được nhiều tiếng, thế nên anh đáp: "Chỉ biết chút chút thôi ạ."

Chim ta há miệng, mấy ông bèn nhìn nó lom lom.

...

"Ờm... Sao lại là con trai?" Ông Đậu ở trong phòng, vừa pha trà vừa hỏi Tống Phù Đàn, "Sau này mới tặng qua tay à?"

Tống Phù Đàn: "Tặng em ấy từ đầu đó ạ."

Ông Đậu: "..."

Ông ngỡ ngàng: "Hay là giống chị họ nhà bà ba của cháu? Ông nghe bảo con bé sang định cư ở nước ngoài với người yêu rồi."

Tống Phù Đàn: "Vâng."

"Vâng là sao, cháu nói rõ nghe coi." Ông Đậu trợn mắt, "Cái hộp nuôi của ông không được tặng bừa."

Tống Phù Đàn: "... Hộp nuôi của ông có mang ý nghĩa đặc biệt nào hả?"

Ông Đậu: "Bây giờ thì nó có rồi đó!"

Tống Phù Đàn im lặng một lát mới nói từ tốn: "Vẫn chưa xem bát tự đâu ạ."

Ông Đậu: "..."

Thế mà là thật.

Ông Đậu vịn tủ nghĩ mãi: "Này, ông bảo ông mặc kệ chuyện mấy đứa nhóc bọn cháu, nhưng chuyện này... chuyện này... Ông nghĩ không thông cho lắm, cháu..."

Ông cụ xoắn xuýt. Mười năm trước ông tự cho rằng mình phải là một ông già suy nghĩ thoáng, thế mà giờ lại thấy khó. Có lẽ là bởi thể chất của Tống Phù Đàn, từ nhỏ đã làm họ phải quan tâm nhiều hơn, đến tận hiện tại vẫn rất lo lắng.

"Ông ngoại à." Tống Phù Đàn nhìn ra ngoài, nói một cách chậm rãi, "Sau khi gặp em ấy, cháu không còn ghét bóng tối nữa."

Không sợ, không đề cập là một chuyện, nhưng không ai thích nổi môi trường sống đó, thế mà Tống Phù Đàn phải sống như vậy những hơn hai mươi năm trời. Bây giờ trong bóng tối không chỉ còn mỗi ma quỷ nữa, mà còn có thể có Lan Hà.

Ông Đậu sửng sốt, hơi sững người, mãi sau mới gật đầu: "Được, được..."

Nếu đã vậy, ông có xoắn xuýt đến đâu cũng phải dằn lòng xuống thôi. Bởi vậy, ông xoa mặt: "Thôi được, ông... Cơ mà ông gọi thằng bé như nào đây? Ông không rõ lắm..."

Mà cũng ngại lắm.

"Cháu bảo rồi, chưa xem bát tự đâu ông." Tống Phù Đàn nhắc nhở.

Ông Đậu đang định trò chuyện thêm thì nghe tiếng gà mái kêu liền tù tì những bảy, tám tiếng ngoài kia bèn "Ơ" một tiếng, đi nhanh ra ngoài, chân tay nhanh nhẹn làm Tống Phù Đàn sợ quá phải lật đật chạy theo, lấy tay đỡ.

Ông Đậu đi ra bèn bắt gặp Lan Hà cầm cái lồng chim, con linh tước mới đưa tới đang nghển cổ hót, giọng nó trong và mạnh, lại còn to rõ, kêu một cái là vọng khắp sân.

Sau đản khẩu là tiếng chim sẻ khuấy động cả khu rừng, tiếng chim khách thức tỉnh rặng cây, tiếng lê tước gọi sáng sớm, còn có tiếng chim gõ kiến, tiếng vàng anh, tiếng mèo, tiếng én, tiếng chim ri,... Hằng hà vô số, ít nhất cũng phải có mười lăm, mười sáu kiểu.

Những giọng hót này rõ và thuần, rất ít tạp âm, nhịp sáo lộ cực kì tốt, số lần lặp lại của một khiếu khẩu cũng nhiều, chưa kể là loại nào cũng nghe rất thật. Mặc dù có cái chính cái phụ, nhưng có cảm giác con chim này có sở trường ở tất cả loại tiếng, rất có tính thưởng thức. Tuyệt đối là một con chim tốt hiếm thấy, mấy ông cũng nghe say sưa.

Ông Triệu ngẩn ra. Khi con chim này cất xong tiếng gà trống gáy khó hơn, thật hơn chim nhà ông ta một bậc thì ông ta mới hỏi bằng giọng khó tin: "Này này, bộ không phải cháu nói con chim này chỉ biết hót chút chút, còn tang khẩu, phải chữa sao? Đây chỉ là chút chút thôi hả?!"

Thế giới quan của ông Triệu bị đảo lộn, ổn định lại nhịp tim xong mới thấp giọng hỏi: "Nó học từ đâu ra vậy? Sư điểu cũng là chim nhà cháu hay nó bái chim nhà người khác?"

Chim muốn hót lặp nhiều lần rất có liên quan đến sư điểu, bởi còn có những tiếng kêu rất thật và rất khó. Giờ nhà ông Triệu có nuôi mèo, gà mái các kiểu là để lúc nào cũng cho chim nghe tiếng, học cho giống.

Dù ông Triệu hỏi về sư điểu, nhưng dựa theo sự hiểu biết của ông ta, có nghĩ nát óc cũng chẳng ra Bắc Kinh có con sư điểu nào với trình độ cỡ này!

Ngày xưa con chim nhà ông ta bái sư, mấy tháng chỉ học được sáo lộ cơ bản, mất thêm hai, ba năm mới củng cố được, hoàn toàn xuất sư. Mà kể cả thế thì sáo lộ cũng không bằng con chim chỉ vừa mới xuất sư này...

"À, ở nhà có học vài kiểu ạ." Lan Hà đâu biết Hồ Bảy Chín dạy như thế nào, chỉ còn nước đáp theo, không biết tại sao mấy ông cụ lại kích động đến nhường ấy.

"Nhà cháu còn có sư điểu? Vậy cho ông bái sư được không? Người nhà cháu thì sao?" Ông Triệu mặt dày mày dạn hỏi. Mấy ông khác cũng rục rịch, có xu thế lập tức bưng trà bái sư.

Chim nào bái chim khác làm thầy thì chủ chim này cũng phải bái chủ chim kia. Dù tuổi tác có chênh lệch nhiều nhưng họ không để bụng.

Lan Hà cười gượng: "Cô ấy không tiện dạy lắm..."

"À." Ông Triệu nghĩ: "Vậy con chim này có tiện làm sư điểu không?"

Lúc này, ông Đậu chớp thời cơ, cầm tay Lan Hà, "Không được!"

Ông Triệu trợn mắt: "Liên quan gì đến ông!"

Sao lại không liên quan gì đến tôi! Đây là bạn trai (tương lai) của cháu tôi đó!

Ông Đậu gào trong lòng, cố giữ phẩm cách của người già thế hệ mới. Về sau con chim này là của ông thì chả phải ông sẽ là người đắc ý nhất hội sao. "Thứ nhất, con chim này đã được tặng cho tôi nuôi. Thứ hai, nó đang trong giai đoạn củng cố, lỡ mất luôn tiếng của mình thì sao?"

Ông Triệu im như thóc.

"Đúng không, đưa ông nuôi đúng không?" Ông Đậu cầm lòng không đậu xác nhận lại với Lan Hà, cảm giác may mắn từ trên trời rớt xuống.

Lan Hà: "À phải ạ..."

"Cháu ngoan." Ông Đậu cười tủm tỉm. Ban nãy ông hãy còn bối rối không biết phải bắt chuyện với thằng bé này ra sao mới tự nhiên thì giờ đây, ông chỉ ước gì đây là cháu trai ruột của mình, nói với Tống Phù Đàn, "Cháu bưng trà ra đây, ông pha cho Lan Hà rồi đó. Khát nước chưa?"

Tống Phù Đàn: "..."

Tống Phù Đàn bưng trà ra cho Lan Hà bèn thấy anh bị cả đám người già vây xung quanh, tôn lên làm khách quý. Khi hắn rót trà còn bị ông ngoại bắt cổ tay, dùng khẩu hình để cảnh cáo: "Tóm, về, tay, nhanh."

Tống Phù Đàn: "..."

"Hình như là ở đây, ta nghe thấy tiếng chim hót..." Giọng Hồ Bảy Chín cất lên. Anh thấy cô ta nhấc váy đi vào với Bạch Ngũ. Cả hai đã hoàn thành việc, dựa theo âm thanh mà tìm đến Lan Hà.

Lan Hà trông thấy cô ta bèn giơ tách trà lên, cố tình bắt chuyện với mấy ông cụ nhưng thật ra lại đang chỉ Hồ Bảy Chín: "Cháu không hiểu cách huấn luyện cho chim lắm, không biết cô ấy dạy ra sao..."

"Huấn luyện cho chim?" Hồ Bảy Chín phản ứng rất nhanh, "Ta dạy bằng chính miệng ta đó!"

Lan Hà: "???"

Hồ Bảy Chín chống nạnh: "Hồ Môn ta tu hành, trước tiên là học hình người, sau mới học sang tiếng người, nhưng muốn học tiếng người thì phải học tiếng chim cái đã. Học tiếng chim chóc ở bốn biển chín châu, biết hết toàn bộ rồi mới học sang tiếng người. Cực lắm đó! Con chim này ngu ngục quá. Ta mới dạy nó có mười bảy, mười tám bộ mà nó đã không học tiếp được nữa rồi!"

Lan Hà: "..."

Lan Hà nói ngay: "Cháu nghĩ chắc là cứ cho nghe nhiều học nhiều luyện nhiều là kiểu gì cũng hiểu ngay!"

Anh bị hỏi tới tấp không chịu nổi, đứng dậy định chào tạm biệt.

Mấy ông cụ hãy còn quyến luyến lắm, nhất là ông Đậu. Lan Hà sắp ra khỏi nội viện rồi mà ông hãy còn nhỏ giọng dặn dò Tống Phù Đàn, cũng truyền thụ bao nhiêu kinh nghiệm tặng quà cáp. Cháu coi, Lan Hà vừa thông minh, vừa được nhiều người thích, người nhà còn đa tài đa nghệ...

Ngoài cửa.

Hồ Bảy Chín và Bạch Ngũ đang thì thầm to nhỏ với nhau.

Lan Hà lấy làm lạ. Hồ Bảy Chín toàn nói một mình, Bạch Ngũ chẳng mấy khi đáp lại. Anh hỏi: "Hai đứa nói gì đấy?"

Hồ Bảy Chín cười hì hì: "Bạch Ngũ bảo ngươi với Tiểu Tống rất xứng đôi với nhau."

Tim Lan Hà lỡ một nhịp, mặt cũng nong nóng: "Bậy, bậy nào."

Hình như dạo này cũng hơi mập mờ thật... Chẳng lẽ ngay cả người tự kỉ như Bạch Ngũ cũng có thể nhìn ra sao.

Bạch Ngũ: "Anh xem, nhà anh ta viện vừa to vừa rộng, hai anh rất xứng đôi..."

Lan Hà: "..."

Lan Hà: "Còn nói nữa là cậu trụi lông đấy."

Bạch Ngũ: "..."

Đúng lúc này, Tống Phù Đàn đi ra. Để xoa dịu tâm trạng, Lan Hà hỏi hắn: "Ông nói chuyện gì với anh thế?"

"... Không có gì, chỉ bảo tôi chú ý an toàn thôi." Tống Phù Đàn nghĩ lại bèn bó tay toàn tập, hỏi ngược lại: "Ba người nói gì đấy?"

Lan Hà: "... Giống anh thôi, tôi bảo Bạch Ngũ chú ý an toàn."

Bạch Ngũ: "???"

Dưới sự hậu kỳ điên rồ của Liễu Thuần Dương, mới đây "Truy đuổi" đã đăng tải trailer thứ nhất lên, Lan Hà hớn hở chia sẻ, bạn bè anh quen ở các đoàn phim trước cũng chia sẻ giúp anh, các fans mẹ cũng ủng hộ kha khá.

Không nhiều bài đăng về vụ đăng trailer cho lắm. Có người cắt cảnh Lan Hà mới gặp mặt lần đầu mà đã đấu chim với nam chính, tiếng còi bồ câu du dương phối hợp với gương mặt lúc cười của Lan Hà, cực kì rạng rỡ, không thể ngờ được là boss sau màn.

Đa số người xem xong đều tưởng nam thứ như anh là đồng đội tốt của nam chính.

Phim Liễu Thuần Dương đó giờ vẫn luôn được chú ý nhiều, nam chính Trần Tinh Dương cũng là diễn viên vừa nổi vừa có thực lực, chưa kể đây còn là lần tham gia diễn lần đầu sau khi sinh của Trần Tinh Ngữ, dù là khách mời thì cũng khá là thu hút.

Gương mặt của Lan Hà rất hợp với màn ảnh rộng, cũng không uổng việc anh khống chế ăn uống... trên dương thế. Trailer vừa được đăng tải, rất nhiều người xem chưa biết anh đều có ấn tượng với gương mặt anh, thậm chí có người rung động, đi tìm hiểu về diễn viên này.

Chủ đề: Cuối cùng "Truy đuổi" cũng đăng trailer lên rồi! Tôi yêu Liễu Thuần Dương!

Nội dung: Anh ấy biết cách quay vllllllll. Lần đầu tiên tôi chấm Trần Tinh Dương đó. Hãy tha thứ cho tôi, ngày xưa tôi chả xóa nổi cái điệu nhảy đi vào lòng đất của cậu ấy khỏi đầu... Xem trailer xong có cảm giác nam chính thuộc kiểu ngông nghênh, đôi khi sẽ hay làm màu, diễn không tốt sẽ trông rất lươn lẹo, nhưng cậu ấy thì diễn gọn mà ngầu bá cháy. Còn một cảnh quay diễn viên rất đẹp, cậu thiếu niên trèo tường dưới ánh mặt trời rất tinh nghịch rất tuyệt vời. Tôi đi tra thì ra Lan Hà, má lúm đồng điếu ngọt ngào ghê nơi, mà có vẻ có kha khá đất diễn, là chiến hữu của nam chính nhỉ? Tôi chấm tuýp người này ghê á, tại sao trước đây lại bỏ qua nhỉ!

#1: Tui cũng mới coi trailer xong, mẹ tui cũng coi cùng. Mẹ thích Lan Hà lắm, bảo không ngờ lại trẻ thế.

#2: Chị tui cũng thích Lan Hà qtqđ, cố ý mở trailer ra vì anh ấy đó...

#3: Ủa, do tôi kiến thức hạn hẹp hay sao mà đọc mấy bình luận các thím, tôi nghĩ hay là trước đây anh ấy hay diễn phim gia đình nên mới bỏ lỡ không. Nhưng mà ban nãy đi tra thì hình như chưa đóng bộ phim mẹ chồng nàng dâu nào cả?

#4: Mẹ tôi lại khác, sau khi bà coi trailer xong lại nghệt mặt ra hỏi: Thầy Lan Hà còn biết diễn hả con?

#5: Há há há há há há há buồn cười thật sự. Tiện thể tui đề nghị chủ thớt đi tra "Blogger dạy trẻ Lan Hà" nha.

...

#20: Tôi là chủ thớt đây tôi về rồi đâyyy. Xin lỗi quý dị tại nãy mới chìm đắm trong biển tri thức mênh mông xong, con gái tôi mới một tuổi mà... Đọc được nhiều kiến thức ở weibo cậu ấy lắm đó [Che mặt]

#21: Tuôi vào đây để nói về Liễu Thuần Dương. Cho hỏi mấy cô đi vào đúng chủ đề được không?

#22: Vào chứ vào chứ. "Yến Kinh tuế thời ký" sắp phát sóng rồi, xem ảnh nhá hàng xong bèn nghĩ Trần Tinh Dương vẫn có sự khác biệt khá lớn so với phim ảnh, còn Lan Hà thì ngọt ngào y như phim, còn có thể bị hù, ảnh gif làm tôi cười ỉa... Nghe bảo Trần Tinh Ngữ cũng là khách mời đó, không biết là vai gì.

#23: Chả tra ra được thông tin nào về Lan Hà trên mạng, xem trailer thấy được phết! Khi thả bồ câu rất ngầu nhưng khi cười lại siêu ngọt siêu tinh nghịch. Liễu Thuần Dương dẫn hai người họ đi quảng bá nhanh lên nào!!!

#24: Xông tới tỏ vẻ ông hàng xóm cũ nhà tôi có tham gia diễn bộ phim này, hoặc có thể nói là chỉ đạo kĩ thuật (?). Ông ấy nuôi bồ câu, đi đóng về còn kể chúng tôi nghe ở trường quay có một diễn viên mang thể chất vua bồ câu. Nhưng ông ấy tạm thời không thể tiết lộ là ai. Giờ xem trailer, chả lẽ là Trần Tinh Dương?

#25: Chắc dị ó, trông rất giống như biết chỉ huy bồ câu.

#26: Vua bồ câu á? Liên tưởng đến thứ không hay ho.

#27: Vua bồ câu tức là bồ câu rất thích người đó ấy hả?

/105

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status