SỐNG LẠI NHẤT ĐỊNH PHẢI TỰ CƯỜNG

Chương 1: Có thể nào là trọng sinh rồi không?

/2


Chương 1 : Có thể nào là trọng sinh rồi không?

    Bên tai loáng thoáng vang lên vài giọng nói khiến đầu của Trần Thảo Lam đau như muốn nổ tung. Cô cố sức mở mắt nhưng không được. Cô đành phải chú tâm lắng nghe xem họ nói gì:

    Người phụ nữ nói: “Chắc phải đưa nó đến bác sĩ thôi, từ đêm hôm qua tới giờ con bé vẫn sốt cao không lùi, thế này nguy hiểm quá!”

    Người đàn ông trả lời: “Ừ, phải đi liền, bà thay bộ đồ cho nó rồi ôm nó ra, tôi đi lấy xe đạp ngay!”

    Sau đó cô cảm giác được người phụ nữ đang cởi đồ cho mình.

    Đột nhiên Trần Thảo Lam phát hiện giọng của hai người này nghe khá quen thuộc, rất giống của ba mẹ cô nhưng có vẻ trẻ trung hơn.
Cô muốn lên tiếng thử kêu ba mẹ, nhưng há miệng lại không ra âm thanh, vì cổ họng đau rát vô cùng! Cô bị bệnh? Thật kỳ lạ, cô không nhớ làm sao mình bị bệnh? Hôm qua khi đi làm về rõ ràng là cô vẫn khỏe mà ...

    Mà khoan, cô nhớ ra rồi! Là tai nạn! Cô bị xe tông gần cơ quan khi đi làm về, rồi sau đó … sau đó thì cô không còn nhớ gì nữa …

    Vậy những chuyện đang diễn ra là như thế nào? Mình còn sống hay là đang nằm mơ?

    Không để cho Trần Thảo Lam có cơ hội suy nghĩ thêm gì, người phụ nữ đã bồng cô ra chiếc xe đạp mà chồng bà đã đợi sẵn. Và sau đó cô chỉ cảm nhận được làn gió phất lên mặt mình khi chiếc xe lăn bánh trước khi cô ngủ thiếp đi.

    Cuối cùng không biết ngủ bao lâu, đến khi cô cảm giác được có người đang lau mình cho cô mà bên mũi còn ngửi thấy mùi rượu (người ta có thể dùng rượu để lau người cho các bé khi bị sốt đấy, đây là một cách để hạ sốt nhanh), về sau còn bị nhét thứ gì đó vào mông nữa! ( bị nhét thuốc đấy, hồi nhỏ có ai từng bị không nào?) Sau đó cô lại thiếp đi.

    Lúc Trần Thảo Lam mở mắt ra thì thấy mình đang nằm trong mùng trên chiếc giường lớn và được đắp một chiếc mền khá dày (chiếc giường được đặt tại nhà trên (có khi còn được gọi là nhà trước nữa nha, các bạn đọc thì hãy hiểu đều là một, hơn nữa nó tương đương với phòng khách đấy) ngay bên phải của cửa chính, và được kê sát vách gỗ là vách chung của gia đình cô và gia đình nhà kế bên (hai nhà chung vách)). Nhìn vách gỗ chỗ cô nằm được dán kín từ những tấm ảnh lịch treo tường của Diễm Hương, Diễm My, Việt Trinh, Thu hà, Mộng Vân, (là những người đẹp, diễn viên, người mẫu nổi tiếng rất được yêu thích những năm thập niên 90)… và hơn hết trên những tấm lịch này là năm 1991 (hồi xưa nhà cô thường thích dán ảnh lịch lên trên vách vào những lúc gần Tết, vì như thế trông vừa đẹp vừa có thể xem lịch luôn. Như vậy khi nhìn lên vách là biết lúc này là năm nào liền).

    Đến lúc này Trần Thảo Lam mới cảm thấy kinh nghi, lập tức ngồi dậy quan sát kỹ chung quanh. Nhìn nóc nhà được lợp kiểu hai mái bằng lá dừa nước cao cao. Các tấm vách bốn phía được đóng từ những tấm ván gỗ có kích thước bằng nhau. Phía cửa chính còn có hai cửa sổ nhỏ bằng gỗ đối xứng hai bên cửa, mà cái giường chỗ Trần Thảo Lam đang ngồi được đặt ngay bên dưới một trong hai cái cửa sổ ấy.
    
    Ngoài ra ở phía đối diện xa xa chỗ cô ngồi là một cái cửa sổ khác nằm trên tấm vách bên trái của cửa chính, ngay bên dưới cửa sổ là một cái bàn hình chữ nhật và bốn chiếc ghế, trên bàn có một vỏ trái dừa (dùng để ủ ấm bình trà), một cái dĩa đựng bốn cái ly nhỏ và một cái bình thủy, gần cái bàn có một cây cột (một trong hai cây cột chính cao nhất để đội phần đỉnh chữ A của hai mái nhà, có thân hình vuông dày khoảng một gang tay người lớn không rõ làm từ gỗ gì nhưng có màu nâu đỏ) có gắn một bóng đèn tròn loại 110V.
    
    Bên cạnh cây cột là một cái tủ khá cao cũng làm bằng gỗ và được đặt quay ngang sát với vách ngăn giữa nhà trước và nhà giữa, kế tiếp là bàn thờ thần tài thổ địa, cuối cùng là một trang thờ của đạo cao đài. Còn trên cây cột chính bên phải chỗ gần giường Trần Thảo Lam đang ngồi có treo một cái đồng hồ đang chỉ 4 giờ 15 phút, bên dưới đồng hồ còn treo một tấm lịch lốc nhỏ đang chỉ ngày 20 tháng 10 năm 1991.

    Càng nhìn cô càng kinh hãi, sau đó cô thử véo lên cánh tay gầy teo nhỏ xíu của mình để xem có phải cô đang nằm mơ không. Khi cảm nhận được cơn đau từ tay truyền đến, cô liền mất hồn mất vía thì thào lẩm bẩm : “Không phải mơ, thực sự không phải là mơ!”… Một lát sau cô sựt tỉnh, lúc này trong óc cô nảy lên một ý nghĩ: “ Có thể nào là trọng sinh rồi không? Giống như trong các bộ tiểu thuyết mà mình hay đọc ấy! Như vậy mình thật sự đã trở lại năm 1991, vậy lúc này mình mới chỉ được 5 tuổi thôi!”

    Đột nhiên có tiếng động phát ra ở trước cửa làm cắt ngang dòng suy nghĩ của Trần Thảo Lam. Cô nghe thấy có người nói chuyện, hình như là có ai đó đang hỏi thăm bệnh tình của cô lúc này. Và cô nghe được một giọng  nói quen quen hình như là của người phụ nữ lần trước cô nghe trả lời: “ Cảm ơn thím, bé Lùn nó đã bớt sốt rồi, bác sĩ cũng bảo hôm nay nếu hạ sốt thì sẽ không có việc gì nữa! Bây giờ con vào xem nồi cháo để lát nữa cho bé Lùn tỉnh dậy thì ăn. Vậy con đi trước nghe thím!”

    Sau đó lại nghe thấy tiếng bước chân tiến vào trong nhà. Cuối cùng cô cũng có thể nhìn thấy được hình ảnh của người phụ nữ có giọng nói giống với mẹ cô. Giây phút đầu tiên nhìn thấy người phụ nữ ấy cô đã hoàn toàn khẳng định, đây đích thị là mẹ cô chỉ là mẹ trông rất trẻ chỉ khoảng hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi mà thôi. Lúc này mẹ trông hơi gầy, thật khác hình ảnh người phụ nữ trung niên vừa già vừa mập của sau hơn hai mươi năm nữa.

    Trong lúc Trần Thảo Lam còn đang quan sát mẹ mình thì cuối cùng mẹ cô cũng phát hiện con gái đã tỉnh lại. Vì thế bà liền vui mừng tiến lên giường thử sờ trán cô rồi thở phào nhẹ nhõm, bà cuốn mùng lên, lấy nước ở trên cái bàn nhỏ gần đầu giường rồi đỡ đầu cô dậy để cho cô uống nước. Vừa đút từng muỗng nước vừa hỏi cô:
“Lùn à, con thấy trong người thế nào? Có đau chỗ nào không? Có đói không?”

    Sau đó lại đổi giọng kêu ba Thảo Lam đang ở sau bếp: “Ông ơi, bé Lùn tỉnh rồi nè ông ơi! Ông xem cháo đã được chưa, được rồi thì đem cháo lên cho con luôn đi!”

    (Lùn là tên gọi ở nhà của Trần Thảo Lam, thường chỉ có người trong nhà, và bà con, hàng xóm thân thiết mới biết mà kêu thôi. Cái tên này cũng có chút “lai lịch” đấy! Trần Thảo Lam từ lúc sinh ra luôn yếu ớt nhiều bệnh, nên từ nhỏ cô được đưa đi bác sĩ rất nhiều lần nhưng không thấy hiệu quả, được người quen hướng dẫn chỉ thầy này thầy nọ rất hay nên ba mẹ cô đành thử tin mà đưa cô đến những ba thầy để coi. Trần Thảo Lam được ba thầy coi bệnh, người thì phán ban đỏ, người thì phán ban trắng, người cuối cùng thì phán ban khỉ và cũng chính người này đã trị khỏi bệnh cho cô. Mỗi lần coi thầy Trần Thảo Lam đều được đổi tên, khi thì tên Mai, khi thì Sương, khi thì tên Ngọc, lý do thì đại loại là người này thì chê tên Mai này không tốt, người kia thì chê tên Sương giống như còn xương với da thì làm sao lớn, người khác thì lại chê tên Ngọc này không thọ, do ngọc dễ vỡ sống không lâu…. Riết rồi không biết phải kêu tên gì, bà nội thấy vậy nói cứ kêu đại tên “Lùn” đi (vì thấy cháu nội mình đã ba tuổi mà nhỏ xíu, lùn hơn con nhà người ta), và từ đó tên “Lùn” đã ra đời. Mặc dù đến 30 tuổi vẫn bị kêu “Lùn ơi, Lùn à”, nhưng cái tên này lại không tương xứng với thân hình của cô chút nào (vì cô cao 170cm lận). Gia đình cô có bốn người nhưng duy nhất chỉ có mẹ cô là “lùn” thôi, còn cô, ba cô và em trai thì người sau cao hơn người trước).

    Đến khi hình dáng của ba xuất hiện trước mặt cô, cô lại phải ngạc nhiên một lần nữa. Vì ba cô trông cũng rất trẻ, cao ráo, đẹp trai tuổi chỉ khoảng chừng hơn ba mươi một chút, thật khác với hình ảnh người đàn ông trung niên 56 tuổi mà tóc bạc trắng, thân hình gầy ốm, trên mặt xuất hiện thật nhiều dấu vết năm tháng kham khổ.

    Lúc này hai tay ba đang cầm một chén cháo nhỏ, và một ly sữa nóng đi đến chiếc giường mà cô đang nằm. Đặt cháo và sữa lên bàn gần đầu giường, ba Thảo Lam cũng lên thăm sờ trán của con gái. Và cũng giống như vợ mình, ông cũng thở phào nhẹ nhõm khi thấy con gái hạ sốt. Sau đó ông cũng hỏi cô câu hỏi tương tự mà mẹ cô đã hỏi: “Cục cưng của ba thấy thế nào? Có còn đau ở chỗ nào không? Có đói chưa?”

    Trần Thảo Lam cảm thấy cái mũi lên men, đôi mắt mù sương. Cô không còn nhớ được lần cuối cùng mình được ai đó quan tâm yêu thương săn sóc là khi nào. Có cơ hội lần này cô nhất định phải tận hưởng phần ấm áp khó gặp này thật tốt. Vì thế cô ngoan ngoãn trả lời: “ Ba mẹ yên tâm, con không sao, chỉ là cổ họng còn hơi đau, ngoài ra không có việc gì!” Bỗng nhiên cô phát hiện nói vậy thì thật không ổn, mình chỉ mới 5 tuổi sao có thể trả lời như thế. Vì vậy liền đổi giọng: “ Ba ơi, con đói! Con muốn uống sữa!” (=.= OMG, cô vừa nói gì vậy trời! Cô muốn ngất quá!)

    Nghe con gái nũng nịu kêu đói, ba cô mỉm cười xoa đầu cô rồi quay qua lấy ly sữa đến. Sau đó từng muỗng từng muỗng vừa thổi vừa đút cho cô uống. Trần Thảo Lam cảm thấy đây là ly sữa ngon nhất mà trước giờ cô từng được uống. Khi uống xong ly sữa, ba cô lại tiếp tục đút cô ăn hết chén cháo. Cuối cùng mẹ cô lấy thuốc đến và cũng bảo ba cô cho cô uống luôn.

    Xong xuôi tất cả, cô lại được ba mẹ phân phó nằm xuống tiếp tục ngủ. Mặc dù rất muốn tiếp tục được nhìn thấy và nói chuyện cùng ba mẹ nhưng có lẽ là do thuốc đã có tác dụng khiến cô buồn ngủ nên cô đành phải ngoan ngoãn nghe lời nhắm mắt lại. Trước khi ý thức mơ hồ ý nghĩ cuối cùng của cô là: “Hi vọng ngày mai khi mở mắt ra phép màu sẽ không bị biến mất”. Sau đó cô liền ngủ thiếp đi.

Tác Giả: Lạc Mộng


/2

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status