Tầm Tần Ký

Chương 181: Trả được thù sâu

/289


Hạng Thiếu Long và Thiện Nhu vùng lên tấn công, phục ở trên mái nhà, liên tiếp hạ được mười mấy người, thì bọn Ðiền Ðan đã phá cửa xông vào trong trang viện.

Hai người không thấy Ðiền Ðan chạy ra, lập tức nghĩ đã biết chuyện gì, vội vàng dùng dây nhảy xuống, phóng vào trong nhà, nhanh chóng tìm ra lối vào bí mật của bọn Ðiền Ðan, vội vàng đuổi theo.

Ðịa đạo rộng rãi, thẳng thớm, có cây gỗ để chống lên, lại còn có lỗ thông khí, quả thực kiến chế rất chu toàn.

Hai người không dám thắp lửa lên, cứ men theo tường mà tiến về phía trước, một lát sau đã tìm thấy được lối ra ở đầu kia, thì ra đây là bìa rừng, ngoài rừng chính là bến đò, mấy chiếc thuyền câu đã bị dìm xuống nước, hơn mười bóng đen, men theo bờ mà bơi lên phía thượng du.

Hạng Thiếu Long lại phát ra một ngọn hỏa tiễn, rồi mới cùng Thiện Nhu nhanh chóng đuổi theo.

Sau một hồi rượt đuổi, sáu người của phía đối phương bị lọt lại phía sau, rút thanh trường kiếm quay lại, tấn công tới, Hạng Thiếu Long đâu còn thời gian để dây dưa với bọn chúng, rút ra ngọn phi châm, nhân lúc trời tối, hai tay phất liên tục, sáu người lần lượt ngã xuống đất.

Bảy kẻ còn lại ở phía trước không ngờ bọn họ lợi hại như vậy, sáu người cũng không thể chặn bọn họ lại, quát lên một tiếng, rời bờ sông, chạy lên con dốc nhỏ bên cạnh bờ sông vào trong khu rừng. Hạng Thiếu Long lại phóng ra hai ngọn phi châm, nhất thời lại có thêm hai kẻ té xuống đất.

Thiện Nhu thì phóng ra phi đao, một người đang chạy lên trên dốc trúng phi đao ngay lưng, lăn xuống.

Lúc này Thiện Nhu đã nhận ra một người trên đỉnh dốc chính là Ðiền Ðan, không biết sức mạnh ở đâu ra, mà đã vượt Hạng Thiếu Long đuổi lên đỉnh dốc rượt theo kẻ địch.

Hạng Thiếu Long sợ nàng gặp nguy hiểm, vội vàng đề khí đuổi theo.

Tiếng đao kiếm giao nhau không ngớt vang lên, tiếng quát tháo của Thiện Nhu pha lẫn với tiếng kêu thảm của đối phương, nhưng mau chóng lại yên lặng.

Hạng Thiếu Long đuổi lên tới đỉnh dốc, hai bên giao chiến đã tách nhau ra, hai người toàn thân đầy máu, tay trái của Thiện Nhu và vai phải của nàng đều rườm máu tươi.

Ðiền Ðan giơ ngọn trường kiếm, thủ thế với Thiện Nhu, hơi thở phập phồng, dưới ánh trăng, mặt y xám ngoét nhu xác chết.

Ðiền Ðan thấy Hạng Thiếu Long thì cười thê thảm nói, „Hay! Ngươi cuối cùng cũng đuổi kịp ta!"

Thiện Nhu rít lên, „Ðiền Ðan! Ngươi có biết ta là ai không?"

Lúc ấy tiếng vó ngựa vang lên, bọn Ðằng Dực cầm đuốc chạy đến, vây ba người vào ở giữa.

Triệu Chi thét lên một tiếng, nhảy xuống ngựa, rít lên, „Ngày ấy khi ngươi giết ba họ của chúng ta, đã từng nghĩ qua sẽ có ngày này hay không?"

Thiện Nhu lạnh lùng nói, „Y chính là của ta, ta sẽ tự tay giết y!“

Hạng Thiếu Long lui lại bên cạnh Triệu Chi, hạ giọng nói, „Hãy để cho Nhu tỷ của nàng ra tay!"

Triệu Chi khóc òa lên, gục vào vai Hạng Thiếu Long, người run run.

Ðiền Ðan vẫn ung dung, cười ha ha nói, „Ðiền Ðan ta đây bình sinh giết người vô số, đâu có nhớ được đã từng giết những ai? Hạng Thiếu Long! Coi như ngươi có bản sự, Ðiền Ðan này khâm phục ngươi!"

Nói xong thì lật tay, đưa mũi kiếm lên cổ cứa một nhát, ngửa ra sau, mất mạng ngay tại trận.

Thiện Nhu toàn thân run rẩy, khuy xuống đất.

Triệu Chi lao tới, ôm chặt lấy nàng, hai thiếu nữ cứ ôm nhau mà khóc, tiếng khóc vang cả khu rừng.

Một kẻ kiêu hùng, cuối cùng cũng mất mạng.

Ðằng Dực nhảy xuống ngựa, cắt lấy đầu của Ðiền Ðan, quát lớn, „Chúng ta đi!"

Hạng Thiếu Long trong lòng cảm thấy hoang mang, đó là một cảm giác khó hình dung.

Một mặt là cảm thấy vui mừng vì tỷ muội Thiện Nhu và Ðằng Dực đã báo được mối thù.

Mình cũng đã hoàn thành được mục đích vốn không thể đạt được.

Nhưng tận mắt thấy một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy đến ngàn sau tự vẫn trước mặt mình, cũng có cảm giác thất vọng, nhưng tất cả đã trở thành lịch sử, không thể thay đổi được nữa.

Khi tiểu Bàn đăng cơ, Lã Bất Vi rơi đầu, gã sẽ rời mảnh đất đầy chiến tranh này, sống một cuộc sống vui vẻ cho riêng mình. Mãi mãi sẽ không quay về Trung Nguyên nữa.

Sau khi về thuyền, lập tức khởi hành quay về Thọ Xuân. Mọi người uống đến say túy lúy. Ngày hôm sau thì ngủ suốt ngày, rồi mới bừng tỉnh dậy.

Hạng Thiếu Long từng bước nặng nề ra ngoài sảnh, ba thiếu nữ đang nhỏ to tâm sự, dáng vẻ rất vui mừng. Triệu Chi mừng rỡ kêu lên, „Hạng lang! Nhu tỷ chịu theo chúng ta về Hàm Dương!"

Hạng Thiếu Long cả mừng nói, „Chuyện hôm đó nàng nói với ta, quả thật là đã lừa ta!"

Thiện Nhu giở ra bộ dạng cong cớn nói, „Ðã sớm bảo là lừa chàng, thật là tức giận! Chàng lại không hề lo lắng."

Kỷ Yên Nhiên cười, „Nhu tỷ đừng giận, phu quân đại nhân của chúng ta chuyện gì cũng giấu ở trong lòng, miệng cứng bụng mềm, tỷ đừng trách!“

Thiện Nhu khinh khỉnh nói, „Y là phu quân của các người, có liên quan gì đến Thiện Nhu ta?" rồi cười khúc khích.

Mọi người đều biết tính cách của nàng, đương nhiên không ai cho lời nói của nàng là thật.

Ði ngược dòng lên, nên thuyền trở nên chậm chạp.

So với lúc đến thì nhiều hơn một ngày, cuối cùng cũng đến Thọ Xuân.

Hạng Thiếu Long vì hứa với Trang phu nhân sẽ ghé qua nước Ðiện thăm nàng vài ngày, cho nên không dừng lâu, đi thẳng về Hàm Dương.

Sau khi lên bờ, tinh binh đoàn hội họp lại với gã, cùng nhau đi về nước Ðiện ở phía nam.

Lúc ấy người đưa mẹ con Trang phu nhân về là Lâu Vô Tâm, vừa mới được thăng làm tướng quân, dắt theo tám ngàn quân Sở, đã thu hồi được đại bộ phận các nơi bị phản quân chiếm lĩnh. Người Ðiện biết Trang Bảo Nghĩa đã quay về, thì nổi dậy khởi nghĩa, tổ chức thành tân Ðiện quân, tập họp thành hai vạn người, cùng với quân Sở bao vây kinh đô của nước Ðiện là Cao Trạch.

Cao Trạch nằm ở cao nguyên, lưng dựa vào núi, tình thế rất hiểm yếu, lại thêm nguồn nước lương thảo đầy đủ, liên quân nhất thời không làm gì được, lại còn hao tổn mấy ngàn người.

Các nước chư hầu khác thấy Dạ Lang vương vừa mới chết, nên thi nhau làm khó, Thả Lan vương sai quân tấn công vào kinh đô của nước Dạ Lang, lập nên chủ mới, rồi mới khải hoàn quay về, người Dạ Lang từ đó không còn sức để bức hiếp các nước láng giềng nữa.

Khi bọn Hạng Thiếu Long đến doanh trại của liên quân ở Cao Trạch, liên quân vừa mới đánh thành xong, đã tổn thương rất nhiều.

Lâu Vô Tâm và Trang phu nhân biết Hạng Thiếu Long giữ lời hứa mà đến, nên vui mừng ra mặt, đón mọi người vào trong trại Lâu Vô Tâm định thết yến tẩy trần, nhưng Hạng Thiếu Long khéo léo từ chối, lập tức vào trại chủ bàn bạc, nghiên cứu cách phá thành.

Nghe Lâu Vô Tâm trình bày xong tình thế và hoàn cảnh ở Cao Trạch, Hạng Thiếu Long bình thản nói, „Chỗ lợi hại nhất của thành này là dựa vào thế hiểm yếu của núi, chúng ta cứ bắt tay từ điểm này, đảm bảo ba ngày sau thì có thể phá thành. Bởi vì trên đời này không có một ngọn núi nào mà không thể trèo lên được."

Bọn Trang phu nhân, Lâu Vô Tâm đều ngạc nhiên.

Ðêm ấy bọn Hạng Thiếu Long hành quân đêm, đến phía sau qua núi mà thành Cao Trạch dựa vào, kết trại bố trận.

Sáng sớm hôm sau, Hạng Thiếu Long và Ðằng Dực nghiên cứu thế núi xong, đọc ra năm con đường, sai người trèo lên núi cột các vòng sắt, bố trí các dây leo.

Đó là những hạng mục cơ bản trong huấn luyện tinh binh đoàn. Thiết bị đầy đủ, khi trời tối bọn Hạng Thiếu Long nhờ vào dây leo và các lỗ đã đục vào trong vách đá, nhanh chóng leo được lên tới đỉnh núi.

Thành Cao Trạch rộng bảy tám dặm, đã hiện ra trước mắt.

Còn Lâu Vô Tâm thì chỉ huy đại quân, ngày đêm công thành, để dẫn dụ sự chú ý của phản quân.

Tiếng hò reo không ngớt vang lên bên tai.

Bọn ba người Kỷ Yên Nhiên cũng trèo lên, thở dốc ngồi bên cạnh Hạng Thiếu Long và Ðằng Dực. Nơi này cách phía dưới chỉ khoảng bảy mươi trượng, người bình thường nhìn xuống sẽ cảm thấy sợ hãi, nhưng đối với những người trong tinh binh đoàn đã từng luyện tập tại ngọn Thái Nguyệt ở mục trường Ô gia cao gấp ba lần, thì leo lên ngọn núi này chỉ là một trò trẻ con.

Ðằng Dực hạ lệnh, bốn người có thân thủ giỏi là Kinh Thiện, Ô Thư, Ô Ngôn, và Ðan Tuyền, lập tức thả dây leo, tìm chỗ đặt chân, rồi cắm các vòng đinh, cột dây leo mới.

Thiết bị của bọn họ đều làm y theo thiết kế của các chuyên gia leo núi của thế kỷ hai mươi mốt, chỉ cần dựa vào dây leo ở eo, rồi trượt xuống phía dưới, nhanh như điện chớp, dễ dàng như một trò chơi.

Lúc bấy giờ bốn người đã hạ xuống lùm cây dưới chân núi, cách phía nam của thành Cao Trạch một con sông hộ thành.

Bọn lính canh trên thành đã đi đến ba mặt kia để trợ giúp, chỉ còn vài người canh giữ trên những chòi canh, nhưng không thể thấy được phía dưới, bởi vì trời tối.

Ðằng Dực lại phát ra mệnh lệnh, chiến sĩ của Ô gia lại tiếp tục trượt xuống phía dưới, lẩn vào trong màn đêm và nấp vào các bụi cây, lúc này bọn bốn người Kinh Thiện đã mặc áo chống nước, bơi qua con sông hộ thành, sau đó lắp đặt các dây treo để vượt sông.

Kỷ Yên Nhiên nhìn dân trong thành đang vội vàng phụ giúp giữ thành, nói, „Nhìn tình hình này cũng biết đây là một chính quyền dựa vào võ lực để duy trì, cư dân đều bị ép đi lao công."

Mọi người nhìn kỹ, quả nhiên như Kỷ Yên Nhiên nói, người dân trong thành bị buộc phải làm nhiệm vụ giữ thành, họ không hề có ý làm việc.

Lúc này có một đội nhân mã cưỡi ngựa đến tuần sát, giơ cao ngọn phong đăng xuống dưới thành và hậu sơn.

Mọi người đều giật mình, vội vàng nấp vào, bốn người Kinh Thiện thì phục dưới chân thành, đáng lo nhất là bốn sợi dây căng ngang qua mặt sông, chỉ cần đối phương chú ý, thì có thể phát giác ra được.

Sợi dây này tuy đã được bôi dầu đen chống phản quang, nhưng vẫn không phải là vật ẩn hình.

Hạng Thiếu Long trong lúc gấp gáp đã lanh trí, khi bọn chúng sắp đến chỗ có sợi dây, thì chu mồm huýt ra tiếng nhu cú kêu.

Ðám người ấy tự nhiên giơ đèn chiếu ra phía hậu sơn, khi không phát hiện được gì, thì đã vượt qua chỗ có sợi dây, nhanh chóng đi mất.

Mọi người lau mồ hôi hột.

Thiện Nhu ghé sang nói, „Coi như chàng có bản lĩnh."

Bọn Kinh Thiện lại bắn ra sợi dây câu, móc lên tường thành, rồi nhanh chóng trèo lên, nhanh nhạy như khỉ, lần lượt chia nhau ra lẻn tới giải quyết từng tên lính canh ở trên chòi canh.

Từng nhóm chiến sĩ Ô gia vượt qua sông trên sợi dây, động tác rất lanh lẹ, Hạng Thiếu Long nhìn mà cảm thấy tự hào về mình, dù cho bộ đội đặc chủng ở thế kỷ hai mươi mốt, trình độ cũng chỉ đến mức này mà thôi.

Lúc này có gần một ngàn người đến nơi chân núi, những người lên được thành đã rút ra cung nỏ, chiếm giữ những vị trí chiến lược trên tường thành.

Ðằng Dực cười nói, „Nhị ca đã ngứa tay, phải đi trước một bước."

Hạng Thiếu Long nói, „Cùng xuống đi!"

Khi bọn Hạng Thiếu Long lên tới tường, hơn ngàn tinh binh của Ô gia chia thành bốn nhóm, chuẩn bị men theo tường thành chia ra hai bên trái phải, đánh xốc vào thành.

Ðằng Dực bắn ra ngọn hỏa tiễn, thông báo cho Lâu Vô Tâm rằng bọn họ đã tiến vào thành được.

Hạng Thiếu Long sai người giữ ở các lối lên thành, dắt ba thiếu nữ và năm trăm chiến sĩ, chạy vào trong thành.

Còn Ðằng Dực thì phụ trách chiếm lĩnh đầu tường.

Tiếng tù và vang lên.

Bỗng nhiên toàn thể các binh sĩ đều la lên, „Thành phá rồi! Thành phá rồi!"

Khi quân dân trong thành đều ngạc nhiên, tiếng la hét chấn động, chỉ thấy ở bức tường thành phía sau giương lên một lá cờ có chữ Trang, hàng trăm binh sĩ ở trên thành nhảy xuống.

Lúc này những người dân bị ép phải làm việc, đều la lớn, ném những thứ gỗ đá đang khuân trong tay, bỏ chạy tứ tán, lại còn la lớn, „Thành phá rồi! Thành phá rồi!"

Tình thế hỗn loạn diễn ra khắp nơi.

Bọn Hạng Thiếu Long từ trên bậc cấp của bức tường thành nhảy xuống, bắn tên ra như mưa, quân địch ngã xuống đất, trong chốc lát đã khống chế được quảng trường ở phía sau cửa thành ở các tòa kiến trúc gần đó.

Hạng Thiếu Long sai người mở cửa thành và buông cầu treo, đồng thời chỉ huy thủ hạ chiếm lĩnh các nóc nhà, phòng thủ nghiêm ngặt.

Những tên địch xông lên phía trước đều bị bắn phải chạy thối lui.

Quân của Lâu Vô Tâm thì kéo nhau xông vào thành, mang theo trường mâu và các vũ khí khác. Bọn Ðằng Dực thì nhân lúc quân của kẻ địch đang rối loạn, đã dễ dàng chiếm được mấy bức tường thành ở phía tây bắc. Quân của Lâu Vô Tâm thì toàn lực tấn công ở cửa đông, giữ chân quân chủ lực của kẻ địch ở đó. Quân chiếm được bức tường thành ở phía tây bắc, cứ từ trên cao dùng cung nỏ bắn xuống, ngăn chặn kẻ địch đang chạy tới.

Hạng Thiếu Long thấy thời cơ đã đến, phất tay ra hiệu. Các binh sĩ của Ô gia dùng tên yểm hộ, xốc tới tấn công ba cửa đông, tây, bắc, chiến đấu đến kịch liệt.

Binh sĩ của Ô gia trên thành cao lại la lên, „Kẻ nào buông khí giới ngồi xuống đất sẽ không bị giết! Kẻ nào buông khí giới ngồi xuống đất sẽ không bị giết!"

Rồi họ không ngừng lặp lại, đó là một diệu kế trong chiến tranh tâm lý mà Hạng Thiếu Long đã nghĩ ra.

Nhiều căn nhà đã bị đốt cháy, ngọn lửa bốc lên cao, lan qua những khu khác, cả ngôi thành như chìm trong biển lửa, trăng sao cũng lập tức mờ.

Bọn lính thi nhau ném vũ khí và áo giáp, ngồi xuống ở góc tường hoặc ở quảng trường, sĩ khí mất hết.

Tình hình trong thành rất loạn, các binh sĩ Ô gia mở rộng phạm vi chiếm lĩnh ở các nơi.

Các chiến sĩ trên tường thành không ngừng xông tới, những kẻ ngoan cố chống trả máu loang đầy sông, xác ngã đầy thành. Những kẻ bị thương đều chạy về phía nam, để có người chữa trị, rất có trật tự.

Ðây là lần đầu tiên tinh binh đoàn đánh một trận lớn như vậy, quả rất có tiếng vang.

Hạng Thiếu Long cùng ba thiếu nữ và thập bát thiết vệ, đột nhập vào trong nội thành, lúc ấy hai cửa phía bắc và phía tây đã rơi vào sự khống chế của họ, Hạng Thiếu Long đã cho mở cửa thành, để cho quân mã của Lâu Vô Tâm tiến vào thành.

Kẻ địch trong nội thành vẫn kháng cự, bọn Hạng Thiếu Long xông tới, tả xung hữu đột, trong chốc lát đã đột phá được quân giữ nội thành môn, tiến về phía hoàng cung, kẻ địch biết đã mất thế, thi nhau buông khí giới đầu hàng.

Hạng Thiếu Long sai người tập trung binh lính đầu hàng tại một nơi, Lâu Vô Tâm và Trang Khổng đã giúp hàng ngàn tinh binh xông vào, hai toán quân hội họp lại, thế càng như chẻ tre, không đầy một tuần trà, đã đánh vào trong hoàng cung.

Trong hoàng cung rối loạn vô cùng, tiếng khóc ngất trời, bọn cung nga và trẻ con dồn lại một góc, run rẩy xin tha mạng, binh lính dần dần quỳ xuống đầu hàng.

Hạng Thiếu Long cảm thấy thương xót, sai người vỗ về cho bọn họ.

Cánh cửa điện bị bật ra, chỉ thấy một đám hơn ba mươi quân địch, giơ kiếm bảo vệ cho một thanh niên mình mặc hoàng phục, đầu đội mũ cao, tiếng la hét ở phía ngoài dần dần đã giảm xuống, rõ ràng thành Cao Trạch đã lọt vào tay của quân đánh thành.

Bọn Hạng Thiếu Long giương cung nỏ chĩa thẳng vào đám người ấy.

Trang Khổng quát lớn, „Lập tức đầu hàng, nếu không giết chết không tha!"

Thanh niên mặc hoàng phục ấy ngẩng đầu quát, „Ta là Lý Kỳ con trai Lý Lệnh, thà chết không đầu hàng!"

Lâu Vô Tâm ghé tai Hạng Thiếu Long nói, „Kẻ này làm đầy chuyện ác, gian dâm phụ nữ vô số, chết không đáng tiếc."

"ông đã biết tâm ý của ta, vậy cứ hãy do ông chủ trì mọi việc!" Hạng Thiếu Long cười khổ nói, rồi thở dài, gọi ba thiếu nữ quay đầu bước ra khỏi điện, phía sau có tiếng tên bay và tiếng kêu thảm.

Sau đó tất cả dần dần im lặng.

Ba ngày sau khi thu phục được Cao Trạch, Hạng Thiếu Long bịn rịn chia tay mẹ con Trang phu nhân và tỷ muội Vưu thị, rồi mới quay về Hàm Dương.

Lần này đến Sở có thể nói là thành công, không những giết chết được Ðiền Ðan, làm một chuyện tốt cho nước Sở và nước Ðiện. Nhưng vì vẫn chưa biết được Từ Tiên sống hay chết, thái tử Ðan bị hãm ở Hàm Dương nên vẫn chưa thành công lắm.

Khi vào tới biên giới, An Cốc Hề thân chinh đón họ. Hạng Thiếu Long thấy quân Tần ai ai tay cũng cột băng trắng, biết có chuyện không hay, quả nhiên An Cốc Hề buồn bã nói, „Từ tướng bị đột kích trọng thương, chưa về đến Hàm Dương đã chết giữa đường."

Hạng Thiếu Long trong lòng dâng lên nỗi hận, Lã Bất Vi quả nhiên còn độc ác hơn cả lang sói, vì lợi riêng của mình, hoàn toàn không thèm để ý đến đại cuộc của nước Tần, nếu kẻ nào ngăn cản y, đều bất chấp thủ đoạn mà trừ khử.

Mình và y vốn là có ơn chứ không có thù, chỉ vì Trang Tương vương, Chu Cơ, và tiểu Bàn gần gũi, nên y đã tìm cách hại chết mình.

Giờ đây lại dùng thủ đoạn đê tiện để hại chết Từ Tiên, càng khiến cho người ta căm hờn hơn.

An Cốc Hề chép miệng, „Chuyện này đã chứng thực là việc làm của Xuân Thân quân, người Sở tuy đã dâng đầu Xuân Thân quân, lại còn cắt năm quận cầu hòa, nhưng chúng ta nào chịu bỏ qua."

Hạng Thiếu Long đi song song với y, buồn bã nói, „Nếu là như thế, thì chính là đã trúng gian kế của Lã Bất Vi. Giờ đây y chính là muốn lợi dụng tình thế quốc gia nguy ngập, khuếch trương quyền lực của mình. Kẻ hung thủ thực sự giết chết Từ tướng chính là Lã Bất Vi, Xuân Thân quân chỉ là bị y lợi dụng mà thôi!"

An Cốc Hề biến sắc nói, „Cái gì?"

Hôm sau Hạng Thiếu Long lên đường, quay về Hàm Dương.

Mười tám ngày sau, cuối cùng đã đến được Hàm Dương.

Lúc này trời đã lập đông được ba ngày, thời tiết dần dần chuyển sang lạnh. Thế mà bọn họ đã rời Hàm Dương năm tháng Tinh binh đoàn của Ô gia thì quay về mục trường, còn Hạng Thiếu Long, Ðằng Dực, Kỷ Yên Nhiễn, Triệu Chi và Thiện Nhu cùng thập bát thiết vệ thì vào thành Hàm Dương.

Vừa mới vào thành đã nhận được một tin không may, Lộc Công ngã bệnh.

Căn bệnh này do tức giận mà ra.

Di thể của Từ Tiên được đưa về Hàm Dương, Lộc Công ôm thi thể mà khóc, ngất ngay tại chỗ, từ đó bệnh không dậy nói.

Sóng trước chưa hết, sóng sau lại đến.

Bọn Hạng Thiếu Long vội vàng chạy đến phủ tướng quân.

Vừa bước vào cửa phủ, đã cảm thấy không ổn.

Trong phủ đều có mặt những tướng lĩnh đại thần và thân tộc của Lộc Công, ai nấy buồn bã.

Khi Hạng Thiếu Long tưởng Lộc Công đã ra đi, Vương Lăng dắt Hạng Thiếu Long vào trong nội đường, buồn bã nói, „Hãy mau gặp thượng tướng quân lần cuối! Ngài vẫn luôn mong ông."

Hạng Thiếu Long chảy nước mắt.

Ðột nhiên gã biết sự thực gã đã không những coi Lộc Công là một vị bằng hữu đáng tôn kính và trưởng giả, mà từ trong lòng đã coi ông ta là người thân, tình cảm của gã đối với ông ta như đứa con đối với người cha.

Lộc Công nằm trên giường, sắc mặt tái nhợt, hai mắt khép chặt, hít thở khó khăn.

Tiểu Bàn ngồi bên cạnh giường, nắm chặt lấy tay ông ta, dáng vẻ bình tĩnh đến nỗi khiến cho người ta giật mình.

Lộc Ðan Nhi thì quỳ bên giường, đang khóc ngất, bên cạnh nàng có hai ả tỳ nữ.

Bọn Kinh Tuấn, Xương Văn quân, Xương Bình quân, Lã Bất Vi, Quản Trung Tà, Lý Tư, Lao ái đều đến, đứng ở ngoài cửa.

Mọi người thấy Hạng Thiếu Long, đều lộ vẻ mừng rỡ.

Lã Bất Vi còn làm ra vẻ mừng rỡ, ôm lấy vai Hạng Thiếu Long, trầm giọng nói, „Thiếu Long đến thì tốt, hãy mau chóng gặp thượng tướng quân lần cuối!"

Hạng Thiếu Long hận không lập tức chém chết y, khi định rời khỏi vòng tay của y, Lã Bất Vi đã buông gã ra.

Kinh Tuấn xông tới, ôm chặt lấy vai gã, kêu lên tam ca, rồi khóc rống lên, ai nghe cũng đau lòng. Tiểu Bàn giật mình, quay đầu ra, thấy Hạng Thiếu Long, trong mắt lộ vẻ sâu xa, nhưng dáng vẻ vẫn bình tĩnh đến lạ kỳ, chỉ chậm rãi nói, „Thái phó mau vào đây!“

Lộc Công đang nằm thì kêu a lên một tiếng.

Tiểu Bàn trầm giọng nói, „Hãy đưa Ðan Nhi cô nương ra ngoài!"

Khi Lộc Ðan Nhi định chống cự, thì hai chân mềm nhũn, ngất trong lòng của hai ả nữ tỳ, Kinh Tuấn xông tới, bế nàng ra ngoài, Hạng Thiếu Long xông đến bên giường, lúc ấy chỉ còn tiểu Bàn và Hạng Thiếu Long, vì tiểu Bàn không có lệnh, cho nên tất cả những người khác đều không dám vào.

Trong tình huống này, kẻ duy nhất dám xông vào là Lã Bất Vi, nhưng trong lòng y đã có mưu đồ nên vẫn đứng phía ngoài Lộc Công mở to mắt, ánh mắt nhìn hai người, cố gắng ngồi dậy.

Hạng Thiếu Long và tiểu Bàn nhìn nhau, đều cảm thấy không hay, biết ông ta vì thấy Hạng Thiếu Long quay về mà hồi quang phản chiếu. Hai người đỡ ông ta ngồi dậy.

Lộc Công ứa nước mắt, thều thào nói, „Từ Tiên phải chăng đã bị tên gian ấy hại chết?"

Hạng Thiếu Long thê lương gật đầu, nước mắt cứ chảy ra.

Lộc Công nắm tay hai người, run rẩy kề tai hai người nói, „Bảo vệ cho bị quân, giết gian tặc, báo thù cho ta và Từ Tiên, nhớ lấy! Nhớ lấy!"

Nói xong rồi hít một hơi cuối cùng, bàn tay lỏng ra, hơi thở đứt.


/289

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status