Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 102: MÁU GHEN ĐÂU CÓ LẠ ĐỜI

/172


Người môn khách của Mục Chương A thấy trong tập tấu chương của Vương Đĩnh đầy lời tham tấu tướng quốc của y, bèn giữ ngay lấy, đánh lừa Vương công tử mà bảo Tôn đại nhân chẳng may qua đời. Đông ông tôi rất lấy làm thương cảm. Đông ông tôi đã định vào tâu với hoàng thượng thay thế Tôn đại nhân cầu xin chút tiền tử tuất. Nếu đưa tờ sớ này lên, vừa hỏng hết tình nghĩa đồng liêu với nhau, vừa mất số tiền tử tuất, nửa đồng cũng không được nữa.

Vương công tử vừa nghe nói tới tiền, tức thì đem huỷ tờ sớ của cha rồi thay vào một tờ sớ khác nói cha mình bị cấp bệnh mà chết. Tất nhiên Mục tướng quốc thế Vương Đĩnh xin được năm ngàn lạng bạc tiền tử tuất, ngoải ra còn ngầm đưa cho Vương công tử một vạn lạng bạc nữa. Thế là xong! Cái mạng của một vị đại thần trung liệt chỉ vẻn vẹn bằng vạn lạng bạc mà thôi.

Ngày lễ Vạn Thọ của thái hậu đã tới. Trước đó mấy hôm viên lễ bộ thượng thư đã tâu xin sửa soạn đại điển, Đạo Quang hoàng đế chi sợ tốn tiền bèn hạ chỉ:

"Đấng thiên tử được dân nuôi dưỡng chỉ mong sao cho quốc thái dân ai cũng đã đủ lễ di dương tính tình rồi. Hoàng thái hậu vì chính sách dè sẻn có dạy: Trong cuộc lễ Vạn Thọ chớ nên phô trương xa xỉ mà trái với ý của thái hậu. Tất cả quan viên lớn nhỏ chỉ nên vào cung hành lễ, như thế đủ đế tỏ lòng hiếu lệnh rồi. Tất cả mọi việc xa hoa tôn phí đều trái với lời di huân của tổ tông xưa. Khâm thứ!"
.

Tờ thánh chỉ vừa hạ xuống, bọn quan viên hiểu ngay rằng đó là ý muốn tiết kiệm đồng tiền của hoàng đế. Tức thì họ cử Mục tướng quốc cầm đầu vào tâu rõ với ngài là chẳng cần phải chi ra một đồng kẽm, nào, cứ để mặc thần dân lo liệu tất cả, mong tỏ lòng hiếu kính thái hậu.

Hoàng đế nghe xong lời tâu này tự thấy hợp ý mình lắm. Thế là ngài hạ ngay một đạo dụ, truyền thiết lập cấp kỳ một ban lo liệu cho đại lễ Vạn Thọ này, cho Mục Chương A điều hành.

Được dịp tốt Mục tướng quốc lợi dụng ngay danh nghĩa, sai người đi về nha môn lớn nhỏ ở các tỉnh để gõ tiền hiếu kính. Anh quan nhỏ ít ra cũng phải một trăm lạng bạc trở lên. Còn tổng đốc thì từ ba mươi vạn đến năm mươi vạn lạng mới thôi. Nhờ xoay tiền cách đó, Mục tướng quốc chẳng mấy hôm đã có trong tay mười triệu lạng.

Đến ngày đại lễ, các quan viên lớn nhỏ ai cũng đều phải đem theo gia quyến thuộc vào cung Từ Ninh để lạy chúc Thái hậu. Hoàng thái hậu tự mình phải bỏ tiền ra dọn một bữa mì đãi thưởng cho quyến thuộc của các quan. Bữa tiệc mì đó dọn tại điện Bảo Hoà. Ăn mì xong, Mục tướng quốc cho gọi ban nữ nhạc của mình vào để múa hát đóng tuồng ngay tại cung Từ Ninh. Những màn ca vũ hay tuồng đều là những bài ca chúc tụng tất lành.

Đạo Quang hoàng đế nhìn thấy bọn hát, đứa nào cũng đẹp cũng ròn, tiếng hát lại hay điệu múa lại đẹp, còn cách phục sức thì hết sức lộng lẫy, bỗng ngài đâm ra ngứa ngáy khó chịu…

Hồi còn nhỏ, ngài cũng tập đóng trò, hát tuồng, múa may. Bởi thế, nhân được dịp may hiếm có, ngài nhảy phóc lên sân khấu đóng ngay vai tuồng Lão lai tử trong Nhị thập tứ hiếu, cũng múa hát ra trò. Hoàng thượng đã đóng vai Lão lai tử, thử hỏi còn kẻ nào dám đóng vai Lão lai? Bởi thế ngài đóng một mình một màn, hát chán chê rồi lại múa. Hoàng thái hậu thấy thế lấy làm vui thích, bèn truyền đem đồ thưởng. Tức thì đám cung nữ bưng mâm hoa quả bước lên sân khấu, nhất tề cất tiếng nói:

- Hoàng thái hậu thưởng hoa quả cho Lão lai tử đây!

Đạo Quang hoàng đế đứng trên sân khấu cúng quỳ xuống lãnh thưởng và tạ ơn, rồi bước xuống. Bọn thân vương, bối lặc cúng đều cảm thấy khoái trá và ngứa ngáy. Suốt năm, họ ở nhà chẳng có chuyện gì làm, ca hát múa may lả sở thích duy nhất cho nên anh nào cũng tập dượt, đều vào bậc khá cả: Thế là chẳng anh nào bảo anh nào, họ nhảy phóc cả lên sân khấu, diễn nào tuồng Quan Vân Trường gói ấn treo vàng, nào tuồng Nghiêu Thuẫn nhường ngôi. Tuồng này hết, tiếp tuồng kia. Trên sân khấu diễn đã say sưa mà phía dưới xem cũng mê mải.

Giữa lúc ấy thì Đạo Quang hoàng đế chẳng biết đã trốn vào chỗ nào mất dạng. Thì ra lúc ngài lên sân khấu diễn tuồng, Mục Chương A đã sai một cô đào nhất tên gọi Hoa Nhị Hương hầu hạ, giúp ngài đội mũ đi hia. Hoa Nhị Nương là một đào hát đẹp có tiếng. Khi hoàng đế lui vào hậu trường, Hoa Nhị Hương cũng theo vào giúp ngài cởi mũ, thay áo. Nơi hậu trường vắng lặng, trừ hoàng đế và Nhị Hương ra, chẳng còn ai khác. Hương cởi chiếc áo hồng, khoác cho ngài áo cẩm bào. Hương lại giúp Ngài rửa mặt, chải lại bộ đuôi sam.

Hương pha một chén trà thơm, đem dâng tận tay hoàng đế, Hương bước những bước nhè nhẹ trong phòng, trước mặt ngài. Cặp mắt của hoàng đế cứ như cắm vào đôi gót ngọc của Hương. Cặp chân Hương vừa nhỏ vừa xinh. Hương càng bước thân hình càng lả lướt thướt tha. Hương bước gần lại. Hoàng đế chịu không nổi nữa, vươn tay kéo nàng ngồi xuống bên cạnh ngài, rồi những tiếng thì thào, khúc khích càng làm tăng vẻ bí hiểm của căn phòng đã từ nãy không kẻ nào dám lảng vảng tới gần.

Bên ngoài, màn tuồng càng ngày càng nhộn, càng vui. Bên trong hai người cũng chẳng kém phần thú vị. Đến lúc này thì đức hoàng đế ngài đã thấy khó lòng xa được Nhị Hương, mà Nhị Hương cũng đã đến lúc xin nguyện bước vào cung để hầu hạ hoàng đế.

Đạo Quang bèn cho gọi Mục tướng quốc vào mật thất, nói cho biết ý mình. Mục Chương A hết lời vâng thuận. Ngài bèn cởi ngay chuỗi hạt châu đang đeo trên cổ thưởng cho y. Mục Chương A vội quỳ xuống tạ ơn, rồi quay mình bước ra, đút vội chuỗi hạt châu vào tay áo. Việc mua bán đã xong. Hoàng đế lén đưa Nhị Hương vào cung và triệu hạnh ngay tại cung Nhị Châu. Luôn một lèo sáu đêm, Hoàng đế chẳng thèm cần đến một nàng phi nào khác.

Cả đám phi tần không ai được hoàng đế triệu hạnh, đều thắc mắc nghi ngờ. Dò la mãi, họ mới biết hoàng thượng có người mới nên đã quên bẵng đi cả đám. Nhưng biết làm sao bây giờ, họ chỉ đành lén thốt lời oán hận mà thôi. Trong số phi, có một nàng tên gọi Lan Tần. Nàng vốn là một người đẹp, đẹp hơn hết trong đám và cũng là người vốn được hoàng đế sủng ái. Nàng biết ngài đã mê người khác, máu ghen đâu bỗng sôi lên sùng sục. Nàng vừa ghen lại vừa tức, liền bỏ ra một số tiền đút cho bọn thái giám để thực hiện kế hoạch của mình.

Đêm đó, hoàng đế cho bọn thái giám khiêng kiệu tới cung Nguyệt Hoa. Tại sao vậy? Vì Hoa Nhị Hương lúc đó được phong làm phi tử và ở tại cung đó. Bọn thái giám khiêng kiệu đã được tiền đút của Lan Tần, bèn giả đò lạc đường, khiêng trật kiệu sang cung Chung Tuý, vốn là nơi ở của Lan Tần.

Nàng thấy hoàng đế lâm hạnh, vội chạy ra đón giá. Đạo Quang hoàng đế nhìn thấy Lan Tần, biết mình đã bị lạc đường. Tuy nhiên, Lan Tần cũng là người được ngài sủng ái, đã lầm ngài cho lầm luôn, ở lại quách.

Ngờ đâu Lan Tần ỷ mình được yêu nên sinh kiêu. Nàng thấy hoàng đế tới, đã không nén giận làm lành, lại còn chẩu cái mồm ra càu nhàu, trách ngài quên nàng, đã sáu, bảy hôm không triệu hạnh.

Lúc đầu, Đạo Quang hoàng đế không giận tức gì, nhưng về sau thấy nàng cứ cắn cảu mãi, ngài đâm bực. Lan Tần lại chẳng chịu pha trà rót nước mời ngài, chỉ ngồi bên đay nghiến mãi. Đến lúc này thì ngài thấy cụt hứng quá, bèn chỉ cúi đầu xem những tờ sớ của bọn thần tử mà ngài mang theo. Suốt từ giờ Dậu đến giờ Hợi, Lan Tần cũng để mặc, chẳng thèm hầu hạ nâng niu ngài. Giữa lúc hoàng đế đang xem tới tờ sớ rất quan trọng của tổng đốc Lưỡng Quảng nói về những giáo đồ làm loạn, thì Lan Tần ngồi bên bỗng đứng phắt dậy, giật mạnh tờ sớ trong tay ngài. Hoàng đế định cướp lại thì mấy tiếng "xoạc xoạc" vang lên như xé lụa, tờ sớ nọ bị rách làm tư, làm tám mảnh rớt xuống tả tơi mất rồi. Đã thế nàng còn lấy hai bàn chân dẫm đi xéo lại mãi, tỏ ý căm hờn đến tột độ. Đạo Quang hoàng đế chịu không nổi, cả giận, không thèm nói một lời, hầm hầm bước ra. Ngài nhay lên kiệu đến thư phòng, triệu hạnh Nhị Hương như lệ thường. Đồng thời ngài hạ lệnh truyền tên thị vệ trực họ Vương tới, đưa hắn con dao, bắt tên nội giám đưa đường, tới cung Chung Tuý, cắt lấy đầu nàng Lan Tần. Tên thị vệ họ Vương nghe xong, vừa sợ vừa lấy làm lạ. Song đó là lệnh vua làm sao dám trái, hắn đành cầm dao theo viên thái giám đến cung Chung Tuý.

Trong cung nàng Lan Tần thấy hoàng đế bỏ đi rồi, chỉ còn biết ôm mặt khóc, đến khi nghe tên nội giám truyền lại chỉ ý của hoàng đế, thì nàng mới giật nẩy mình, hồn phách như lên tận mây xanh. Nàng đau đớn quá, oà lên khóc, mỗi lúc một lớn… Bọn cung nữ trong cung, giật mình thức giấc, chạy vội tới xem. Tên thái giám giục nàng trang điểm mau lẹ. Mấy cung nữ bèn giúp nàng rửa mặt chải đầu, thay áo mới, vực nàng dập đầu tạ ân. Lan Tần nước mắt đổ xuống như mưa.

Mọi việc coi như sửa soạn đã xong. Tên thị vệ họ Vương bước tới, giơ cao con dao nhọn sắc, nhè cổ nàng chém một nhát nghe ngọt xớt. Máu vọt lên có vòi. Tay hắn xách lấy cái đầu, vội vã bước ra khỏi cung.

Từ đó về sau, Nhị Hương ngày càng được hoàng đế triệu hạnh, chẳng còn kẻ nào dám thở ra một lời oán hận nữa, sợ rằng tai bay vạ gió sẽ tới cấp kỳ. Nhưng việc này cũng đã chạm tới máu giận của bà Đạo Quang hoàng hậu.

Đạo Quang hoàng hậu vốn mười phần xinh đẹp. Khi hoàng đế đưa bà lên ngôi thì tình nghĩa vợ chồng quả hết sức mặn nồng. Hoàng hậu chẳng những được người, còn hay cả ở nết. Bà luôn đàng hoàng, nghiêm chỉnh trong mọi việc. Hoàng đế vì yêu nên cưng, rồi cũng vì cưng nên sợ. Cứ mỗi lần gặp bà là mỗi lần ngài sợ. Và cũng vì sợ nên ngài đâm lạnh nhạt dần, có khi cả năm không lui tới gặp vợ, và làm những chuyện gì ở đâu đâu ngài cũng luôn phải tìm cách che mắt bà.

Hoàng hậu thấy chồng bỏ bê mình song lại thường cùng với bọn phi tần quây quần trò chuyện, khỏi sao chẳng ghen tức. Chỉ vì mang danh hoàng hậu, không lẽ bà lại bắt ghen để rồi gây chuyện om sòm. Nhất cử nhất động của chồng ở bên ngoài, bà ngầm cho người điều tra và biết rõ hết cả, nay nhân việc hoàng đế vì yêu Nhị Hương giết phi tần, bà bèn đích thân xuất cung gặp ngài, tha thiết khuyên can. Bà nói:

- Bệ hạ nên lấy việc nước làm trọng, chớ say mê sắc dục mà hỏng mất đại sự của quốc gia. Bệ hạ chớ nên chém giết bừa bãi trong cung, trái với hoà khí của trời đất.

Mấy lời khuyên này thực hết sức chính đáng, lại đàng hoàng nữa, hoàng đế vốn từ xưa đã có lòng e ngại hoàng đế vì hoàng hậu đến lúc này cái gì ngài cũng ừ cũng gật cả chỉ khuyên bà hãy yên tâm trở về cung.

Nói thì nói vậy, chứ ngài đã quá si mê Nhị Hương, làm sao mà bỏ được nàng mau lẹ thế, cho nên khi hoàng hậu vừa quay lưng đi thì lập tức ngài truyền lệnh gọi ngay Nhị Hương tới hầu hạ rồi. Và trong đêm thâu, lại cũng chỉ có Nhị Hương là được ngài triệu hạnh mà thôi.

Liền tù tì ba đêm hai người chẳng khác gì keo sơn, cứ dính chặt lấy nhau chẳng chịu rời. Lúc này chính Nhị Hương lên tiếng khuyên hoàng đế:

- Bệ hạ sủng ái tiện thiếp như thế làm sao tránh được lòng ghen ghét của hoàng hậu. Nếu bệ hạ thực lòng yêu và bảo toàn cho tiện thiếp thì xin hãy trở về cung hoàng hậu một phen đi.

Đạo Quang hoàng, đế nghe lời nàng. Đêm hôm đó, ngài trở về cung của hoàng hậu thật. Nhưng có ngờ đâu ngài vừa đi là y như xảy ra tai vạ tức thì…

/172

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status