Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 168: QUỶ HIỆN TRONG CUNG CẤM

/172


Lại nói tên đại hán mình trần trùng trục, mặt vẽ đầy hoa hoét, hai tay giơ cao, múa may quay tít, xông thẳng đến trước mặt Tây thái hậu. Đám thị vệ đi bên lập tức đuổi bắt lấy, chém phắt một đao chết tốt.

Chuyện kỳ khôi này xảy ra, bọn đại thần đi theo hộ giá sợ rằng có thích khách âm mưu hành thích, tức tốc điều tra ngay lý lịch tên đại hán. Bọn quan lại địa phương sau một hồi chạy đôn chạy đáo quay về báo cáo cho biết tên đại hán nọ chỉ là một thằng điên ở vùng này chứ chẳng phải của đảng phái nào.

Xe loan đi ngang chỗ nào cũng vậy, đám phụ nữ dân gian đua nhau ra ngắm thánh dung, đều quỳ xuống hai bên đường để đón giá. Trong cái đám, đàn bà thôn dã ấy, Tây thái hậu nhìn thấy một người mặc áo vá quỳ đó, có vẻ hết sức cung kính, biết đó phải là một mệnh phụ, liền cấp cho một cái ngân bài gọi là ân thưởng.

Đoàn xa giá hồi loan cứ trật tự như thế mà đi về ngã Đông Quan. Khắp dọc đường, chỗ nào cung thấy có từng nhóm quan lại quỳ dài để đón rước thánh giá. Lính đi theo, để hộ giá, ngoài toán của Mã Ngọc Côn hơn năm trăm người có từ trước ra, lúc này còn có các toán của Lộc Truyền Lâm, của Tống Khánh Hoà.

Khi đi qua Thái Nguyên, Quang Tự hoàng đế sai người ban phát cho những đền miếu địa phương nơi đóng quân, mỗi nơi một tấm biển. Lúc đó, Nam thư phòng cung phụng chỉ có một mình Lục Nhuận Tường. Ấy thế mà chỉ trong một buổi, hơn bảy chục nơi đền miếu đều có đầy đủ biển treo. Quang Tự hoàng đế khen Tường mấy câu, còn cho thêm một trăm tấm vải để gọi là ân thưởng.

Trong lúc Tây thái hậu còn ở Tây An, có một đứa con trai của tên hầu cận Vinh Tân, thường hay lui tới chỗ thái hậu, rất được bà yêu mến. Vinh Tân có một người thiếp yêu, lúc đó cung đến hầu hạ Tây thái hậu. Bởi thế, con trai của Tân cung được đem theo vào.

Đứa bé năm đó, tuổi vừa lên bốn, nhưng hết sức thông minh, Tây thái hậu cho nó ăn, nó không lấy ngay. Trước hết, nó chắp tay kính cẩn hành lễ, xong mới dám lấy. Do đó, Tây thái hậu thường cho gọi nó vào chạy nhảy bên cạnh, để cho khung cảnh thêm vui. Về sau, khi Tây thái hậu hồi loan, thằng bé bỗng dưng quay ra chết. Tây thái hậu buồn bã, chẳng lúc nào vui. Có lẽ cũng mất đến bốn, năm hôm, bà mới nguôi đi được.

Xa giá của Tây thái hậu đến Đại Đồng, tuần phủ tỉnh Sơn Tây là Ân Minh đã chuẩn bị sẵn cho bà cả một chuyến xe lửa. Trên xe có đặt ngai vàng, thêu long phụng đủ màu sắc sặc sỡ. Tây thái hậu leo lên xe lửa, quay lại nhìn đám vương công, đại thần, bất giác nở nụ cười trên môi, nói:

- Bọn ta còn cái ngày hôm nay nhỉ?

Nói đoạn, ngài nguýt Quang Tự hoàng đế một cái thật dài, trong khi đó, hoàng đế cúi đầu thấp xuống, giả tảng như không thấy gì. Chuyến xe lửa khởi hành, thẳng một mạch về hướng Bắc Kinh…

Chẳng bao lâu, xe lửa đã về tới kinh thành. Ra ngoài thành đón rước, đã có đầy đủ bọn đại thần văn võ người Mãn cũng như người Hán, lại còn có cả bọn công sứ của các nước Tây dương nữa. Bọn công sứ này thấy Tây thái hậu và Quang Tự hoàng đế xuống xe, đều bỏ mũ chào cung kính.

Tây thái hậu chỉ nhìn qua từng người rồi se sẽ gật đầu, xong lên xe loan chạy thẳng vào thành để về cung.

Thế rồi lúc trở về đến cung, bà buồn rầu khi thấy quang cảnh điêu tàn: đồ đạc bừa bãi ngổn ngang, những đồ quý, của báu trang hoàng khắp nơi, cái thì mất, cái thì vỡ tan tành.

Một nơi cung đình lộng lẫy như thế mà nay hoang lương như một bãi tha ma. Tây thái hậu đứng trước cái cảnh đổ nát này, chỉ còn biết rơi đôi dòng lệ xót xa mà thôi.

Nhưng từ sau cuộc hồi loan, đầu óc của Tây thái hậu cũng biến đổi dần. Lúc đó, Thuần thân vương Tải Phong đi sứ qua nước Đức trở về, cũng đề cao cái văn minh của ngoại bang.

Tây thái hậu thấy đại thể đã biến, không thực lòng cải cách quyết không xong. Do đó, bà cho phục lại tước cho tất cả bọn quan lại bị chết oan vì vụ Nghĩa hoà đoàn, và cho vào trong miếu Hiền Lương để hưởng cúng tế. Đối với Trân Phi, bà cũng cho vớt xác từ đáy giếng lên, lấy lễ quý phi an táng. Mặt khác bà hạ chiếu thực hành tân chính. Phàm những điều mà ngày trước bọn Khang, Lương điều trần như: bỏ khoa cử kiểu cũ, mở trường học, không được tán thành, thì nay lại đem ra cố thực hiện cho bằng được.

Nhưng từ khi cung nội trải qua một cuộc biến lớn, bao nhiêu bảo vật mất sạch, kẻ hầu người hạ cũng chẳng còn được mấy người. Cây bút hội hoạ trứ danh của bà Giao Tố Quân cũng bị bệnh chết tử lâu. Cô em gái Lý Liên Anh cũng đã ra đi lấy chồng. Bà phúc tấn vợ Đoan vương, nhân vì vương bị đày làm lính thú, trở thành vợ của kẻ tội thần nên bất tiện vào chầu. Thế là ngày nay, bà chỉ còn lại có môi một mình Thọ Xương công chúa ở bên cạnh mà thôi. Bởi thế, bà cảm thấy hiu quạnh, vắng vẻ và vô cùng cô độc.

Thấy hoàn cảnh ấy của Tây thái hậu, Khánh vương bèn cho phúc tấn của mình đem theo cô con gái tên là Trân Châu vào hầu. Tây thái hậu thấy Trân Châu lanh lẹ đáng yêu, liền giữ lại trong cung. Nàng Trân Châu vốn đã du học sang Nhật nên vào những lúc nhàn rỗi, thường giảng giải cho Thái hậu nghe về nghề nuôi tằm của chị em phụ nữ Nhật. Nàng kể rằng: Đám chị em phụ nữ Nhật này qua Trung Quốc học nghề nuôi tằm. Khi học thành tài rồi, họ còn học thêm cách trồng dâu nữa. Họ quyết định nuôi tằm lấy cho mình. Do đó, nghề trồng dâu nuôi tằm đối với Nhật đã là một môn thực nghiệp được liệt vào trong nông học, và được coi trọng hết sức Chỉ tiếc có mỗi một điều là khí hậu tại Nhật Bản không thích hợp thành thử nghề này không phát đạt được. Tây thái hậu nghe nói vậy nổi tánh hiếu kỳ liền bảo Trân Châu:

- Xưa nay, các bậc đế hậu cũng có nhiều người nuôi tằm dệt vải. Bọn mình e làm không nổi chăng?

Nói đoạn Tây thái hậu lập tức truyền dụ chọn hai mươi người phụ nữ xinh xắn trong dân gian tại miền Giang Nam để đưa vào Đại nội nuôi tằm. Bà cũng truyền lệnh cho các miền dân giã phải chiết cành dâu đưa vào trong cung cho bọn nội giám trồng.

Tây thái hậu cho làm một khu nhà riêng để cho bọn đàn bà ở lại nuôi tằm. Thế rồi, tằm làm tổ, quậy kén. Bọn đàn bà ươm tơ kéo sợi, mua khung cửi, đem về dệt lụa. Tiếng khung cửi rầm rập, tiếng thoi đưa sột soạt, vang dậy khắp cung nội. Cái người điều khiển bọn thợ dệt này cũng chính là Tây thái hậu.

Phải cái đám đàn bà này phần lớn đều có chồng con. Bởi vậy, Tây thái hậu cũng lượng tình cho họ, cứ mỗi năm cho về nhà một lần. Còn những lúc ngày thường ở trong cung, họ cũng được thái hậu ban thưởng hết sức hậu hĩ. Cứ hễ người nào dệt xong tấm lụa, bà lại thưởng cho bốn lạng bạc, dệt xong được một cuộn lụa thật dài bà thưởng mười lạng.

Mỗi khi gặp chính mùa tằm, bà còn thưởng thêm cho mỗi người hai mươi lạng bạc nữa. Những buổi diễn tuồng ở trong cung, bà cũng cho họ tới xem. Cái đám phụ nữ nhà quê này được ân sủng đến thế, kể cũng là chuyện lạ, xưa nay chưa từng có, nhất là đối với Tây thái hậu, một con người ráo riết, tàn ác, khinh người. Bởi thế, đám đàn bà nhà quê ra vào nơi cung cấm tự do này bỗng nhiên sáng giá, khiến chẳng một ai dám đựng tới họ.

Có một lần, giữa lúc nghề tằm đang vượng, bọn đàn bà Giang Nam chuẩn bị lên kinh để cung chức. Chiếu lệ thường thì trước khi lên đường, quan lại địa phương phải đến tiễn đưa họ đi. Trong đám, có một người đàn bà không chịu nghe lời dặn của bọn quan lại địa phương, cho nên viên tri huyện liền sai nha dịch đuổi về. Chẳng ngờ người đàn bà nhà quê này dám nổi xung lên mà bảo:

- Ta ở trong cung của thái hậu, đã từng được gặp biết bao nhiêu là quan to quan nhỏ, có lẽ nào ta lại sợ một tri huyện quèn như ngươi?

Nói đoạn, mụ nhà quê này tính nhảy lên giáng cho viên tri huyện nọ cái tát. May nhờ lúc đó có mấy người đồng bọn khuyên can, mụ ta mới chịu thôi mà ra về.

Viên tri huyện tức quá, xoá tên bà thợ dệt lếu láo ấy, nhưng không ngờ khi tới kinh, thái hậu thấy thiếu mất một người liền hỏi, hậu quả tất nhiên vô cùng thê thảm cho viên tri huyện nọ.

Số là khi được Tây thái hậu hỏi tới, bọn họ tố cáo ngay viên tri huyện nọ, nào là kiếm chuyện để ăn tiền, nào là gây khó dễ hách dịch, khiến người đàn bà nọ không thể lên được kinh. Tây thái hậu lập tức truyền dụ xuống Giang Nam, gọi đích danh bà ta, viên tri huyện chẳng còn biết làm sao hơn, đành phải tới nhà gọi, rồi làm đủ giấy tờ cần thiết để cho bà đi. Nhưng chuyện đâu có dễ như vậy? Khi lên đường, bà thợ dệt chỉ thẳng vào mặt viên tri huyện, chửi bới xỉa xói một hồi đã đời rồi mới chịu ra đi cho.

Trong cung nội, tử sau khi Tây thái hậu xa giá hồi loan, thường xảy ra nhiều chuyện quái dị. Có khi người ta thấy cái ghế tự nhiên ở chỗ này chuyển qua chỗ nọ. Cũng có khi người ta nghe tiếng dép đi lẹt xẹt từ phòng này sang phòng khác.

Chạy ra xem thì chẳng thấy gì. Nhưng khi bỏ đi chỗ khác, lại thấy tiếng dép ấy ở trong phòng, nghe rõ mồn một. Những chuyện quái dị này càng ngày càng nhiều, lâu dần càng thấy khủng khiếp, quái lạ hơn. Có tối người ta thấy quỷ hiện hình hoặc ma đùa cợt nữa.

Bọn cung nữ trong cung còn thấy cả Trân phi diễu qua diễu lại khắp nơi. Nhưng khi chạy lại gần xem thì lại chẳng thấy gì. Tin ghê khiếp này càng ngày càng đồn đại đi khắp hoàng cung. Đến tai Tây thái hậu, mới đầu bà không tin. Nhưng có một lần, chính Tây thái hậu cũng thấy. Lúc đó, bà mới vội vàng hội họp nội thần bàn cách phụ ma bắt tà, làm ma làm chay một phen để đuổi cho bằng hết oan hồn ma quái. Quan Thị lang Dụ Côn đề nghị mời sư sãi Lạt ma để lo việc này.

/172

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status