Thanh Xuân Tươi Đẹp​

Chương 5: Quá khứ (1)

/26


Việc tôi, Đình Huy, Ngọc Hân lại có dịp học chung với nhau như thế này thật sự là ngoài mong đợi. Nó làm tôi nhớ đến quãng thời gian những năm đầu cấp hai, lúc mà hai người bọn họ là bạn thân nhất của tôi.

Khoảng thời gian đó thật sự làm cho tôi rất hoài niệm. Qua bao nhiêu năm, ba người chúng tôi ai cũng đều thay đổi, dù ít dù nhiều. Tôi đã không còn là nàng công chúa xinh đẹp ngày nào trong mắt mọi người nữa. Đình Huy thì có lẽ còn có sự khác biệt nhiều hơn. Trong ba người chúng tôi, có lẽ Ngọc Hân là đứa giống xưa nhất. Nó vẫn mang vẻ đẹp lạnh lùng, kiêu sa như một nữ hoàng nhưng hễ mở miệng nói thì đều là lời châm chọc. Nhưng ít ai biết rằng, trái tim nó đã cởi mở hơn xưa rất nhiều.

Tôi biết bọn họ lúc vừa bước chân vào lớp sáu. Lúc đó, vóc dáng tôi khá gầy, da cũng trắng trẻo hơn bây giờ rất nhiều, mái tóc đen dài, dù tôi buộc cao hay thắt bím thì “trông vẫn rất dễ thương”. Đó là lời nhận xét của mọi người. Chính vì tôi nhìn khá sáng sủa lại thêm thành tích học sinh giỏi nên cô chủ nhiệm ngay lập tức giao cho tôi vị trí lớp phó học tập. Bạn bè đều nhìn vào tôi. Suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ thật ra rất đơn giản. Tôi cảm thấy họ chỉ đơn thuần tò mò về người bạn gái mới vào lớp đã ngay lập tức nhận được sự chú ý của giáo viên. Lâu dần, tôi mới dần phân biệt được từng ánh mắt của họ, có ngưỡng mộ, có thân thiện, nhưng cũng có cả… đố kị và hoài nghi.

Tôi không ngờ cuộc sống khi bước vào Trung học cơ sở của mình lại thú vị và tràn đầy màu sắc như vậy. Ở trường cấp hai của tôi, (mà tôi nghĩ chắc là trường nào cũng thế), hằng tháng sẽ có bảng điểm tổng kết để xếp loại cho học sinh. Những bạn đạt được hạng nhất của mỗi lớp sẽ được khen thưởng trước trường. Tất nhiên chỉ là phần thưởng nhỏ thôi nhưng cũng đủ để đám học sinh chúng tôi tự hào và ghen tị. Tôi cảm thấy rất vui khi được là một trong những học sinh đầu tiên của khối lớp sáu nhận được phần thưởng ấy. Nhưng điều làm tôi quan tâm hơn cả lại chính là bạn bè trong lớp và thành tích của họ. Bởi vì ngoài lần đầu tiên được là học sinh giỏi hạng nhất, đây cũng là lần đầu tiên tôi làm lớp phó học tập. Cho nên tôi tự cảm thấy trách nhiệm của bản thân thật nặng nề. Trong suốt một tháng, tôi quan sát tất cả các bạn trong lớp, từ nam sinh đến nữ sinh, với mong muốn hiểu một cách rõ nhất về họ. Ngày thứ hai sau khi làm lớp phó học tập, tôi đã học thuộc tên từng bạn bè trong lớp cũng như ghi nhớ từng vị trí chỗ ngồi. Sau đó, tôi lại phát hiện ra nhiều điều hay ho hơn thế. Ví dụ như Thanh Huyền, cô bạn này có vóc người khá to, so với cái tuổi của chúng tôi lúc này thì cậu ấy có thể xem là đầy đặn. Chính vì thế mà tôi đã nghĩ cậu ấy chắc rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, tôi lại phát hiện mình đã đoán sai. Cậu ấy thậm chí còn khá nhút nhát. Về học tập thì tôi cảm thấy cậu ấy không có gì đáng lo cả, rất siêng năng và chăm chỉ. Nhưng Thanh Huyền không bao giờ phát biểu trước lớp và hay cúi thấp đầu khi có ai nói bất cứ điều gì với cậu ấy. Song, cậu ấy cũng rất vui vẻ và lạc quan. Hễ có ai nói chuyện, cậu ấy đều tỏ ra rất tập trung, dù không bày tỏ ý kiến gì nhưng lại mang dáng vẻ của một cô nàng thích “hóng hớt” khiến tôi cảm thấy vô cùng đáng yêu. Hay như Trần Đức, tôi phát hiện cậu ấy rất hay ra vẻ đàn anh so với chúng tôi, mặc dù cậu ấy với chúng tôi là những người đồng trang lứa. Tôi nghĩ chắc là do cậu ấy khá đậm người với chiều cao thì vượt trội hơn chúng tôi rất nhiều. Trần Đức rất hay lên lớp chúng tôi. Chẳng hạn như khi thấy chúng tôi đi mua quà vặt, cậu ấy sẽ bảo: “Mọi người không nên ăn mấy thứ này, toàn mấy thứ tào lao, ăn vào chỉ tổ hại cho sức khoẻ!” hay “Mấy thứ nước xanh xanh đỏ đỏ này toàn phẩm màu không đấy!” Giọng điệu của cậu ấy thì bắt chước hệt với bố mẹ chúng tôi ở nhà. Lúc đó, nom cậu ấy y hệt một ông cụ non. Nhưng Trần Đức rất hay giúp đỡ chúng tôi, đặc biệt là với đám con gái. Khi chúng tôi trực nhật, cậu ấy cũng lăng xăng khiêng bàn, khiêng ghế hay phụ giặt giẻ lau. Những lúc như thế, trong lòng, tôi thật sự công nhận cậu ấy là đàn anh của chúng tôi. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó. Có một việc của cậu ấy khiến mỗi khi nhớ lại, tôi lại bất giác bật cười thành tiếng.

Chuyện là hôm đó, tôi ở lại phụ cô Đỗ Quyên, giáo viên phụ trách bộ môn tiếng Anh của chúng tôi, kiểm tra những lỗi sai trong bài làm của các bạn. Cho nên hôm đó tôi về muộn hơn thường ngày. Khi tôi đi ngang qua phòng học của lớp 6A3–phòng học của chúng tôi, tôi mới phát hiện vẫn còn có người bên trong. Tò mò, tôi mới đến bên khung cửa sổ xem thử. Tôi đã nhìn thấy gì nhỉ? Chính là Trần Đức! Nhưng điều quan trọng không phải là tôi nhìn thấy cậu ấy ở đây giờ này (vì vẫn thường có những học sinh về trễ do đợi phụ huynh đến đón), mà điều khiến tôi bất ngờ chính là bộ dạng lúc này của cậu ấy. Cậu ấy đang ngồi chễm chệ ở một góc trong lớp, chân đưa lên ghế, lưng thì tựa sát vào tường. Một tay cậu ấy đang cầm quyển truyện tranh Đôrêmon (thứ mà cậu ấy cũng bảo với chúng tôi là trẻ con), một tay cậu ấy lấy… ừm, lấy khoai tây chiên cho vào miệng (đây lại là thứ mà cách đây mấy hôm cậu ấy còn nói là độc hại). Nhìn cảnh tượng đó, tôi thực sự muốn xông ngay vào lớp để bắt quả tang cậu ấy. Nhưng tôi lại không làm vậy. Tôi không nhìn nữa mà tiếp tục đi tiếp về phía trước. Khi chắc chắn là đã cách phòng học của chúng tôi một đoạn khá xa, tôi mới cười to một trận. Thôi được rồi, coi như là cậu ấy hay làm ra vẻ nhưng mà cậu ấy cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Trong lớp có một cậu bạn thú vị như thế, cũng là một việc không tồi chứ nhỉ?

Có chuyện vui thì tất nhiên cũng có những chuyện khiến tôi cảm thấy phiền phức. Điển hình là việc của Bích Trâm, một cô bạn khá nổi bật trong lớp. Tôi làm sao không cảm nhận được sự thù địch trong mắt của cậu ấy với tôi chứ. Nhưng cũng như bây giờ vậy, trước mặt tôi, cậu ấy luôn tỏ vẻ thân thiện, hoà nhã. Nhưng tôi biết cậu ấy vẫn luôn không phục tôi, từ việc tôi được làm lớp phó, được hạng nhất đến việc thầy cô, bạn bè đối xử với tôi rất tốt. Không hiểu sao, đôi lúc nhìn vào ánh mắt của cậu ấy, tôi lại cảm thấy ớn lạnh. Còn một việc phiền phức không kém chính là thỉnh thoảng có một vài bạn nam sinh nhìn tôi với ánh mắt kì lạ, có những cử chỉ, lời nói phức tạp. Và tôi phát hiện trong số đó, người biểu hiện rõ nhất chính là Minh Hoàng–lớp trưởng lớp tôi. Cậu ấy hay nhìn tôi chăm chú, thường đến hỏi bài tôi mặc dù tôi biết thừa với khả năng của cậu ấy giải bài tập đó là vô cùng đơn giản. Hay khi tôi đang ngồi một mình, cậu ấy sẽ đến gần và dúi cho tôi, đôi lúc là một viên kẹo sữa hay có khi là một quyển truyện tranh rồi chạy đi khiến tôi chẳng hiểu trăng sao gì. Bạn bè trong lớp đồn rằng đó là do Minh Hoàng thích tôi, nhưng mà tôi thật sự không biết thích là cảm giác gì? Chúng tôi mới vào cấp hai thôi, thế mà bọn họ đã nói thế, bọn con trai yêu sớm đến thế sao?

Nhưng đó vẫn chưa phải chuyện khiến tôi đau đầu nhất. Hai người mà tôi cảm thấy rắc rối và khó đối phó hơn cả Bích Trâm và Minh Hoàng chính là Ngọc Hân và Đình Huy. Phải, đúng vậy! Theo như sự đánh giá của tôi thì hai người bọn họ cá biệt nhất lớp. Ngọc Hân lúc đó, phải nói là khá đáng sợ. Nó mang lại cho tôi cảm giác choáng ngợp. Ngày xưa, theo như tôi được biết, lớp nào mà chẳng có vài nhân vật được gọi là “đàn anh đàn chị”. Lớp chúng tôi có đàn anh, nhưng mà kiểu như Trần Đức, không quậy phá, không hư hỏng, chỉ hay giúp đỡ bạn bè và tỏ vẻ trưởng thành. Nhưng Ngọc Hân lại khác. Nó không hẳn đã đánh nhau, chửi thề nhưng cách ăn mặc, tóc tai, tính tình, lời nói đều khiến tôi bất giác nghĩ ra hai từ: đàn chị. Nó không cho phép ai đến gần mình và cũng không đến gần bất cứ ai. Tôi thường hay thấy sự cau có, hằn học trên vẻ mặt của nó. Nó nhuộm tóc, chỉ một nhúm tóc ở bên đầu thôi, nhưng chừng đó cũng đủ để nó bị thầy giám thị để mắt. Nhưng khi được thầy giám thị nhắc nhở thì nó vẫn cứng đầu không chịu nhuộm lại. Thầy khiển trách thì nó bỏ ngoài tai, mời phụ huynh thì không có. Hết cách, thầy đành mách lại cô chủ nhiệm của chúng tôi. Nhưng điều bất ngờ là tôi không thấy cô chủ nhiệm trách mắng hay la rầy gì nó cả. Cô cứ để nó duy trì như thế một thời gian để quan sát đến khi cô nói chuyện với tôi. Còn về Đình Huy, nhìn bề ngoài thì có vẻ cậu ấy giống với trường hợp của Ngọc Hân, nhưng thực tế lại khác hoàn toàn. Mọi người không dám đến gần Ngọc Hân, còn với Đình Huy, thì hoàn toàn ngược lại, chẳng ai thèm chơi với cậu ấy. Đình Huy luôn tỏ ra mình là một con sâu siêng học đến nỗi tôi có cảm giác cậu ấy chỉ hận không thể ăn luôn quyển sách. Giờ học thì không nói, đến cả giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa, cậu ấy cũng đều thích cầm một quyển sách và đọc. Cậu ấy rất hạn chế nói chuyện với mọi người, kể cả nam và nữ. Khi các bạn nam trong lớp rủ cậu ấy đi đá bóng, cậu ấy từ chối. Các bạn nữ nhờ cậu ấy giúp chuyện gì, cậu ấy vẫn sẽ làm nhưng sau đó thì quay lưng đi thẳng mà không thèm nghe các cậu ấy nói một tiếng cảm ơn. Với vẻ ngoài lúc đó trông không có gì đặc biệt kèm theo tính tình như thế nên cậu ấy dễ dàng bị bạn bè nói là chảnh và làm kiêu. Lâu dần cũng không ai đến “làm phiền” Đình Huy nữa. Không hiểu sao trong đầu tôi lại bật ra từ đó. Giống như Đình Huy luôn có cách tạo ra một không gian riêng cho bản thân mình. Nhưng mà tôi cũng phát hiện ra một đặc điểm của cậu ấy. Chính là việc Đình Huy chỉ học có bốn môn: Toán Lý Hoá và Anh. Sách cậu ấy đọc cũng chỉ thuộc về những vấn đề liên quan đến bốn môn đó. Trong những tiết học khác, cậu ấy tỏ ra rất lơ đễnh, suy nghĩ mông lung khiến tôi nghi ngờ không biết trong đầu cậu ấy lúc này có phải là một công thức Toán hay không.

Trong lúc tôi còn đang mơ hồ cảm thấy nên có biện pháp gì với hai người đó vì dẫu sao tôi cũng là lớp phó học tập thì thành tích tháng đầu tiên đã có. Đúng như dự đoán, Ngọc Hân có điểm số thấp nhất lớp, còn Đình Huy thì có điểm cao ngất ngưỡng ở bốn môn Toán Lí Hoá Anh nhưng với các môn còn lại, điểm cậu ấy thấp đến nỗi khiến tôi là người ngoài cuộc cũng thấy không tin nổi.

Chiều hôm có bảng điểm, cô chủ nhiệm bảo tôi lên văn phòng giúp cô viết sổ liên lạc cho các bạn. Tôi vừa viết vừa kiểm tra rất cẩn thận từng con điểm. Chợt cô chủ nhiệm của chúng tôi lên tiếng.

Cô chủ nhiệm của chúng tôi có cái tên rất đẹp: Tuyết Lan. Tôi đoán cô khoảng chừng ba mươi lăm cho đến bốn mươi tuổi (bọn học sinh chúng tôi không biết tuổi thật của cô) nhưng trông cô vẫn còn rất trẻ đẹp. Giọng nói dịu dàng và ánh mắt hiền từ của cô luôn khiến tôi cảm thấy ấm áp và dễ chịu. Sau những buổi phụ giúp cô, tôi biết cô rất yêu thương học sinh của mình, điều đó càng làm tôi quý cô hơn. Cho nên, thật ra đôi lúc tôi cũng cảm thấy khó hiểu vì sao cô không làm gì với trường hợp của Ngọc Hân và Đình Huy, nhất là Ngọc Hân. Nhưng rất nhanh, ngay hôm nay, cô đã cho tôi đáp án. Cô hỏi tôi:

“Quỳnh Anh này, em thấy Ngọc Hân và Đình Huy thế nào?”

Tôi sững người khi nghe cô hỏi. Tự nhiên tôi có ý nghĩ là cô đang muốn kiểm tra xem tôi có hoàn thành đúng trách nhiệm của một lớp phó học tập hay không. Thế nên, tôi ngay lập tức nói về trọng điểm thành tích của họ:

“Dạ, theo như em quan sát thì Đình Huy là một học sinh rất chăm chỉ. Tuy nhiên, cậu ấy lại chỉ chăm chăm học các môn tự nhiên, điển hình là Toán Lý Hoá. Thêm cả môn Tiếng Anh thì xem như thành tích của cậu ấy chỉ tốt được ở bốn môn thôi. Các môn còn lại, điểm số của cậu ấy rất thấp. Còn về Ngọc Hân, em cảm thấy cậu ấy rất thông minh, nhưng không hiểu sao điểm lại thấp đến như vậy.”

Cô cười một tiếng, tỏ vẻ hài lòng với câu trả lời của tôi:

“Em nhận xét rất đúng, nhưng đó là về thành tích học tập, thế còn về tính cách của hai cậu ấy, em đánh giá ra sao?”

“Dạ, tính cách của hai cậu ấy hả cô?”

“Ừ, đúng rồi!”

Tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời cô:

“Em nói thật nha cô?”

“Ừ, em cứ nói!” Cô nở một nụ cười hiền từ dành cho tôi.

“Cảm giác hai cậu ấy mang lại cho em chính là một từ: lạnh. Mặc dù cái lạnh của hai cậu ấy mang lại xuất phát từ hai khía cạnh khác nhau nhưng nói chung vẫn là từ ấy thưa cô!”

“Ừ, còn gì nữa không? Hai cậu ấy lạnh thế nào?”

“Dạ, theo em thấy thì Ngọc Hân chính là không ai dám đến gần, mang lại cảm giác sợ hãi cho người khác. Có thể các bạn sợ đến gần cậu ấy sẽ bị bắt nạt, cũng có thể sợ cậu ấy lây nhiễm tính xấu. Còn Đình Huy thì là chẳng ai thích chơi với cậu ấy. Các bạn trong lớp nói cậu ấy tự kiêu.”

“Thế còn em? Em có sợ Ngọc Hân, có không thích nói chuyện với Đình Huy không?”

“Dạ, em ạ?”

“Ừ, đúng rồi!”

“Em không sợ Ngọc Hân đâu cô, bạn ấy dù sao cũng là con gái giống tụi em mà! Còn Đình Huy, em cũng muốn nói chuyện với cậu ấy, em muốn trao đổi với cậu ấy về Toán Lý Hoá, những môn mà cậu ấy rất giỏi. Với lại, là lớp phó, em thật sự hi vọng có thể giúp hai bạn ấy cải thiện được điểm số.”

“Cô tin em sẽ làm được! Vậy bây giờ, cô giao nhiệm vụ kèm cặp hai bạn ấy cho em nhé! Nếu có gì khó khăn, nhớ đến tìm cô giúp đỡ. Cô sẽ luôn hỗ trợ em. Cô muốn hai bạn ấy nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè đầu tiên!”

“Cô giao hai cậu ấy cho em ạ?”

“Đúng rồi, em có làm được không?”

Tôi chần chừ một lúc lâu rồi tự hào nói với cô:

“Vâng, em làm được!”

Thật ra khi về tôi có hơi hối hận khi nói một cách chắc nịch với cô như thế! Đúng là tuổi trẻ bồng bột mà. Nói không sợ Ngọc Hân là không đúng, dù sao lúc đó một cô bạn mang lại cho người ta cảm giác “hắc ám” thì không ai sợ mới là chuyện kì lạ. Còn Đình Huy, đi bắt chuyện với một người con trai đã cảm thấy ngại, huống hồ lại có tính cách như cậu ấy. Nhưng thôi, dù sao thì tôi cũng đã hứa với cô Tuyết Lan rồi, phải thực hiện thôi. Với lại quả thật tôi cũng có ý nghĩ đó từ trước mà. Nhất định không có chuyện gì đâu, chẳng phải Bác Hồ đã từng nói: “Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi!” hay sao? Tôi tin rằng tôi có thể thành công! Ngay đêm hôm đó, trở về nhà, tôi liền lập tức viết vào sổ tay của mình: KẾ HOẠCH CHINH PHỤC NGỌC HÂN VÀ ĐÌNH HUY.

/26

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status