Thục Sơn Thiếu Niên

Chương 128-129

/106


Sử Thụy hớn hở, liếc nhìn Bạch Chỉ Vi mà lòng nở hoa, không khiêm tốn nữa, cười ha hả: "Nói cũng đúng."

Hoàn Lan nói: "Mục đích của Ma cung dễ đoán, chẳng qua nhằm hủy diệt Thục Sơn, có điều họ khẳng định không chỉ muốn giết mỗi Mục điện giám và Mục tông chủ, chúng ta phải nghĩ cách tìm ra mưu đồ của họ."

Đường Mật gật đầu: "Đúng, tình hình hiện tại thì ta khó mà biết được những việc đó, chúng ta cứ về Thục Sơn xem có manh mối gì để tìm ra nội ứng."

"Sao lại cho rằng nhất định chỉ có một nội ứng?" Mộ Dung Phỉ hỏi.

Chúng nhân cũng cho rằng có khả năng này, chỉ là tìm được một đã khó, là mấy nội ứng thì thật đau đầu.

"Các ngươi nói xem Thục Sơn thế này thì ai được lợi nhất?" Đường Mật nghĩ hồi lâu rồi hỏi.

"Theo lý, ai thành tông chủ và điện giám mới thì là người được lợi. Nhưng tông chủ Kiếm tông hiện tại do chưởng môn nhân tạm thời kiêm nhiệm, nhân tuyển cho chức điện giám còn chưa rõ, nên cứ chờ đã." Bạch Chỉ Vi đáp.

"Ừ, trước đây chức tông chủ đều do tiền nhiệm tông chủ tiến cử cùng năm vị trưởng sứ trong tông thương nghị quyết định. Điện giám cũng như vậy, do tiền nhiệm điện giám tiến cử rồi mọi điện phán cùng thương nghị." Mộ Dung Phỉ nói: "Nhưng tình huống hiện tại thì khẳng định không thể theo cách đó, nếu tông chủ và điện giám mới, mà theo tình hình trước kia không thể trở thành nhân tuyển, thì càng khả nghi."

"Ta cũng nghĩ thế." Đường Mật tán đồng: "Chúng ta đợi xem, chưa biết chừng đấy lại là điểm quan trọng."

Trương Úy hơi nóng lòng: "Ý ngươi là không tìm Ngân Hồ? Lúc Mục điện giám lâm chung chẳng dặn phải để Ngân Hồ làm điện giám là gì?"

"Không, còn phải đi ngay. Chỉ là chúng ta phải cho Ngân Hồ biết mọi chuyện rồi án binh bất động. Để xem ai thò mặt ra." Đường Mật đáp.

Nghĩ đến cảnh sắp có viện thủ như Ngân Hồ, chúng nhân đều thấy yên lòng hẳn.

Theo tin tức của Ngạn Thượng, Ngân Hồ đến chín phần mười đang ở trong Lôi âm cốc tại Tiểu Trùng sơn ở nước Sở. Ngọn núi này nằm ở bờ một nhánh nhỏ tại thượng du Hàm giang, do mười hai đỉnh tạo thành, mỗi đỉnh không cao lắm nhưng trùng điệp vách đá dài cả trăm dặm, sơn cốc trập trùng, địa hình rất phức tạp.

Đường Mật dựa vào địa đồ đi liền hai ngày mới biết trình độ địa trắc của thế giới này cực kỳ lạc hậu, theo địa đồ thì khó mà tìm được vị trí Lôi âm cốc. Cũng may đó không phải là nơi vắng vẻ quá, vào ngày thứ ba, cả nhóm gặp một người hái thuốc, được người đó chỉ dẫn mới tìm được phương hướng Lôi âm cốc.

Người hái thuốc cũng lấy làm kỳ quái: "Các vị đến Lôi âm cốc làm gì?"

"Bọn tiểu nữ có một vị sư trưởng đó nên đến thăm." Đường Mật đáp.

Người hái thuốc lấy làm lạ: "Trong Lôi âm cốc sao lại có người cư trú, cách xa lắc đã nghe thấy tiếng sấm ầm ầm, ai mà chịu được?"

"Vì sao lại có tiếng động ầm ầm nhỉ?"

"Không biết, không ai dám đến, ai cũng bảo đó là nơi ở của thượng cổ yêu vật." Người hái thuốc đáp, giọng nói đượm mùi dọa nạt trẻ con.

Mấy thiếu niên nhìn nhau, phát giác đồng bạn không hề sợ, hiếm khi tâm ý tương thông như thế, gần như đồng thời mỉm cười. Đường Mật nói: "Đi, xem yêu quái."

Cả nhóm đi một ngày mới đến cốc khẩu nằm giữa hai ngọn núi, chỉ đủ cho một người đi qua, lại đi chừng một tuần trà giữa khe núi hẹp, bầu trời trên đầu chỉ nhỏ như sợi chỉ đột nhiên rộng mở, hóa ra đã đến một sơn cốc.

Khí hậu trong sơn cốc riêng biệt, ấm áp hơn bên ngoài, hoa cỏ rậm rạp, cảnh tượng như mới đầu hạ. Điểm kỳ quái duy nhất là cây cối không quá dày tán, không gốc cây nào có lá xanh.

Trương Úy gõ gõ gốc cây khô cạnh mình, tiếng bộp bộp vang lên: "Hình như bị sâu đục rỗng rồi."

Đường Mật hỏi: "Cây gì mà gõ lên nghe như gõ trống nhỉ?"

Cả nhóm quan sát cái cây hồi lâu nhưng không lần ra tên cây là gì.

"Tiếng sấm có phải do những cây này bị gió thổi vào pháp ra? Cốc khẩu ở đây hẹp thế này, thanh âm lồng lộng, nghe khác gì tiếng sấm đâu." Sử Thụy nói, lại gõ mạnh vào thân cây: "Cốp." Tiếng động vang lên, một con chim nhỏ nằm trong hốc cây kinh sợ bay lên.

"Sử Thụy, ngươi dọa chim sợ rồi." Đường Mật ai oán, chưa kịp nhìn rõ hình dáng thì con chim vút vào rừng cây khô như mũi tên rời dây cung.

Sử Thụy định đáp, chợt nghe trong rừng vang lên tiếng sấm, càng lúc càng lớn, tựa hồ có vô số mặt trống cùng gõ, thoáng sau biến thành tiếng ầm ầm khắp sơn cốc.

Đường Mật bịt tai, gào lên với Sử Thụy: "Ta thấy không phải do gió, chưa biết chừng là con chim đó mổ vào cây, Sử Thụy, ngươi chọc giận chim gõ kiến rồi." Nhưng dù là gió thổi hay chim mổ vào cây thì cả toán cũng biết được nguyên do của tiếng sấm, tuy nhiên cũng cảm thấy tiếng sấm khó chịu, phảng phất tâm phế đều rúng động, đành bịt tai cùng đi vào khu rừng khô héo.

Đường Mật vừa đi vừa nghe, phát giác "tiếng sấm" không đơn điệu, mà cao cao thấp thấp, dài dài ngắn ngắn, có tiết tấu rõ ràng.

Sáu người lại đi thêm một chốc, khu rừng khô ngày càng dày, Sử Thụy lẩm bẩm: "Sao còn chưa đến, tai sắp long ra rồi." Tiếng than vừa buột ra thì chìm lấp trong tiếng ầm ầm, thấy chúng nhân không để ý, y định nói thêm một câu, ai ngờ mới mở miệng thì cổ họng mặn chát, phun ra một ngụm máu.

Trương Úy đi trước mặt y, chợt cảm thấy cổ nóng lên, đưa tay sờ thì thấy dinh dính, mùi tanh xộc vào mũi, kinh hãi ngoái lại nhìn. Sử Thụy đang bịt mồm, kinh hãi nhìn gã, máu theo kẽ ngón tay chảy ra, thấm ướt nửa tay áo.

Trương Úy đến trước mặt Sử Thụy, thò tay bắt mạch: "Thế nào, khó chịu ở đâu?"

Trong cuộc đời chưa dài lắm của Sử Thụy, y chưa từng bao giờ thổ huyết, nhất thời không biết hình dung thế nào, tựa hồ không chỗ nào quá khó chịu nhưng toàn thân lại không khỏe lắm, liền nói cho qua: "Không rõ, không đau chỗ nào nhưng trong lòng khó chịu."

Trương Úy cảm nhận được nội tức của y hơi hỗn loạn, có vẻ bị nội thương: "Hình như thụ nội thương, ai đả thương ngươi? Bắt đầu khó chịu từ lúc nào?"

Cảm giác khó chịu trong lòng Sử Thụy ngày một rõ ràng, nhưng không đến mức không chịu nổi, không hiểu sao lại nghiêm trọng đến mức thổ huyết, y thoáng nghĩ rồi đáp: "Lúc mới nghe âm thanh thấy hơi khó chịu nhưng ta cho rằng ai nghe tiếng động lớn thế cũng đều khó chịu nên không để ý."

Kỳ thật Trương Úy cũng thấy khó chịu, cũng cho rằng âm thanh quá lớn, giờ nghe Sử Thụy nói vậy liền kéo y ngồi xuống điều tức. Gã tuần hoàn nội tức liên tục, chừng một tuần trà sau thì cảm giác đó tan biến, tiếng động tuy không giảm nhưng tâm không còn bức bối nữa, gã hỏi Sử Thụy: "Ngươi thấy thế nào?"

"Tựa hồ ổn rồi, sao thế nhỉ?" Sử Thụy hỏi xong, cũng hiểu ra đôi phần, tự đáp: "Âm thanh đó khuấy loạn nội tức của ta, đúng thế."

"Ta nhớ điện phán từng bảo Thanh Nguyên tự có môn võ công là Phật âm bổng hát dùng thanh âm chế ngự địch, trên giang hồ cũng có cao thủ đủ khả năng dùng âm thanh đả thương người. Tiếng động này có lẽ cũng như thế." Trương Úy đáp.

"Nhưng vì sao tất cả nghe thấy lúc đầu lại không sao?" Sử Thụy hỏi tiếp.

Trương Úy ngẫm nghĩ một chút: "Có lẽ sức mạnh nhiễu loạn nội tức của thanh âm này không mạnh, chỉ ta chỉ thấy hơi khó chịu nên không để ý. Nếu cũng mạnh mẽ như nội lực khi cao thủ xuất chưởng thì võ công cỡ Hoàn Lan tất đã nhận ra."

Sử Thụy ngượng ngùng: "Vì võ công của ta quá kém nên mới không chịu được, bất quá lúc ta mới vào rừng, cảm giác khó chịu tăng dần."

Trương Úy cũng có cùng cảm giác, mơ hồ hiểu được có điểm bất thường: "Ta cũng thấy cổ quái, nhưng không nói rõ ra được, chúng ta gọi mọi người lui đi đã."

Nhưng lúc đó bọn Đường Mật đã đi mất bóng, Trương Úy và Sử Thụy không hiểu vì hai gã đi cuối, cộng thêm tứ phía toàn âm thanh nên không chú ý đến người khác hay còn nguyên nhân nào nữa mà mấy người kia không hề nhận ra hai gã đã lạc. Đọc Truyện Kiếm Hiệp Hay Nhất: http://truyenyy.com

Trương Úy càng lúc càng bất an: "Sử Thụy, ngươi mau rời khỏi cốc, tìm chỗ nào âm thanh nhỏ mà vận khí điều tức, ta đi tìm họ." Sắc mặt gã cho Sử Thụy biết sự tình không đơn giản, biết mình có đi cũng chỉ loạn thêm, liền đáp: "Được, không cần lo lắng, mau đi đi."

Trương Úy đi vào trong rừng tìm kiếm, vừa tìm vừa dùng nội lực chống lại âm thanh, nhận ra nội lực của gã cứ giữ nguyên, cũng có nghĩa là sức mạnh của tiếng sấm không hề tăng thêm, không hiểu sao lúc đầu Sử Thụy chịu được mà sau đó lại thổ huyết nhỉ? Gã đang tự hỏi chợt nhớ ra Đường Mật từng kể cho mình nghe chuyện luộc ếch, đại ý là cho con ếch vào nước sôi, nó sẽ nhảy ra ngay nhưng nếu cho vào nước lạnh rồi tăng nhiệt từ từ thì con ếch sẽ chết trong nồi nước. Lúc đó Đường Mật bảo: "Kỳ thật nhiều người và quốc gia đều bại vong vì chính nguyên nhân này, đột nhiên có thiên tai thì sẽ dấy lên sức mạnh cầu sinh, nghiến răng chống chọi qua được. Ngược lại, gặp phải thứ gì đó từ từ xâm lấn và tổn hại, đến khi ngươi cảm thấy không chịu được nữa thì đã quá muộn mất rồi." Gã cảm thấy chuyện này rất hợp lý, khiến lòng người ta được khai khiếu, giờ bên tai vang lên tiếng sấm ầm ầm thì chợt tỉnh ngộ: Hỏng rồi, lẽ nào họ cũng biến thành ếch.

Gã lập tức hiểu vì sao Sử Thụy thổ huyết, bởi âm thanh đó từ từ tổn hại đến tâm mạch, nội lực Sử Thụy không cao nên không lâu sau đã xảy ra chuyện, còn gã và những người khác công lực cao hơn nên không thấy gì, nhưng cứ đi tiếp thế nào cũng bất tri bất giác bị trọng thương.

Gã lo lắng vạn phần, biết rằng âm thành này chuyên đối phó với cao thủ, như Sử Thụy thì đi chưa bao lâu đã phát hiện có chuyện nên lui nhanh, còn cao thủ nhất định sẽ vào sâu trong rừng với rút lui thì đã muộn. Gã không hiểu võ công của Hoàn Lan và Mộ Dung Phỉ thì đi đến đâu mới bị trọng thương, nhất định sớm tìm được họ vẫn hơn.

Càng khiến gã lo lắng là Trầm Phong bắt đầu xáo động, kiếm hồn tất nhiên không thể bị thanh âm gây thương tổn, thật ra là chuyện gì? Gã không kịp nghĩ thông, đã nhấc chân chạy vào trong rừng.

Ban đầu gã đi trong rừng còn có thể vận công đối kháng, vừa chạy nhanh thì không thể chia nội lực ra làm đôi để vừa thi triển khinh công vừa chống lại âm thanh. Gã nghiến răng mặc kệ âm thanh tác động, dốc mười thành công lực vào hai chân.

Gã cảm giác rõ ràng sức mạnh của Trầm Phong dồn lên mình, cũng như lúc trong Đào hoa chướng, phảng phất có một mũi dùi đâm vào bức tường thép bao quanh tâm linh. Lẽ nào âm thanh này cũng như hoa đào, có thể gọi được kiếm hồn chi lực, óc gã vừa dấy lên ý nghĩ này thì thấy bốn người bọn Đường Mật đang đi tới.

"Đường Mật, sao các ngươi đã về rồi, để ta tìm." Trương Úy bước ra hỏi.

Ai ngờ bốn người như thể không thấy gã, ánh mắt trống rỗng nhìn thẳng, tiếp tục cất bước. Gã từng thấy tình cảnh này trong Đào hoa chướng, lúc đó mọi kiếm đồng đều làm theo ý mình, không ai để ý đến gã. Lẽ nào họ cũng bị khốn trong ảo ảnh? Gã chợt thấy kiếm hồn chi lực tăng hẳn, đau đớn đến độ trán toát mồ hôi lạnh.

Xưa nay gã chỉ biết ảo ảnh là pháp thuật mê hoặc nhãn tình rồi tiến tới mê hoặc tâm linh, không ngờ âm thanh cũng có thể, gã cuống lên không biết cách phá giải thế nào. Trầm Phong ngày càng náo động, như thể đang gầm gào trong bao, nhất thời gã không biết làm thế nào, đi sau bọn Đường Mật gọi loạn xạ: "Đường Mật, nghe thấy không, tỉnh lại đi."

Bọn Đường Mật vẫn thản nhiên đi tiếp. Lúc đó Trương Úy đã hiểu rõ toàn bộ uy lực của âm thanh, có thể khiến cao thủ từ từ thụ thương rồi đẩy họ sa vào ảo ảnh. Cứ thế thì dù thương tổn của ảo ảnh gây cho tâm mạch không nặng nhưng cao thủ bị khốn mấy canh giờ liền, bị thương nặng sẽ khó lòng thoát thân. Tuy gã biết mình không bị ảo ảnh mê hoặc, có thể vì sức mạnh của người tạo ra ảo ảnh không cao, nhưng hiện tại kiếm hồn của gã đang báo động như lúc ở Đào hoa chướng, khó dám chắc kiếm của bốn người kia không như thế. Gã không biết ngũ kiếm hợp lực sẽ tạo ra được ảo ảnh cỡ nào, rồi bản thân cũng bị mê hoặc thì thật sự không thể cứu được nữa.

Gã càng nghĩ càng lo lắng, cơn đau trong tâm dồn dập từng hồi, thân thể run lên vì không chịu nổi, cộng thêm gã không chống cự lại thanh âm, tâm mạch dĩ nhiên tổn hại, trước mắt chợt tối sầm rồi ngã xuống.

Ngay sát na thân thể sắp ngã xuống đất, gã bạt trường kiếm chống xuống, thân hình lăng không lượn vòng, đáp xuống đất yên ổn, múa kiếm như lúc ở trong Đào hoa chướng. Nhất thời kiếm khí ràn rạt, kiếm phong ngang dọc.

Khu rừng khá rậm rạp, gã không để ý một chốc, Trầm Phong đã chém gục một gốc cây khô, một con chim từ trong hốc cây bay lên. Gã vốn không để tâm, chém gục một gốc cây nữa, lại có một con chim từ hốc cây bay ra.

Gã đâm ra nghi hoặc, sao mỗi gốc cây lại có một con chim? Trựa giác cho gã biết có chuyện bất thường, liền dừng múa kiếm, chém gục liên tục hai gốc nữa, vẫn có chim ẩn mình trong hốc. Gã nhớ lại lúc vào rừng Đường Mật bảo tiếng động xuất hiện là do chim mổ vào thân cây, lập tức gã thông suốt. Vốn gã không hiểu tiếng động sao cứ luẩn quẩn tứ phía, hóa ra là trong hốc cây có chim mổ vào.

Nhưng làm cách nào trừ bỏ được âm thanh? Gã cho rằng tìm được nguồn gốc âm thanh cũng vô dụng, ở đây cả rừng toàn cây khô, lẽ nào phải chặt sạch? Gã là người đầu óc đơn giản, không nghĩ được cách gì hay hơn liền nghiến răng vung kiếm chém tứ phía.

Múa kiếm lên, cảm giác kiếm hồn chi lực cắn xé bản thân liền biến mất dần, múa càng lâu thì gã càng nhận ra tuy tâm lực chỉ có một chút đó nhưng vì kiếm hồn quá sống động nên nảy sinh cảm giác kỳ diệu dùng tâm khống chế kiếm. Gã quên cả chém cây, cứ thoải mái vung kiếm trong rừng, bộ pháp dần biến thành Ma La vũ, nhát kiếm chém ra, kiếm khí vô hình như thể sợi dây tơ ẩn tàng trong ánh sáng, từ từ lan ra, đi qua chỗ nào là cành cây lay động, thân cây run lên, những gốc không chắc đều bị kiếm khí chặt đứt, đổ xuống ầm ầm.

Gã hớn hở, chém cách này nhanh hơn ban nãy ba lần, không lâu sau, trong vòng năm trượng quanh gã có quá nửa số cây bị hủy, tuy tiếng động vẫn còn nhưng gã không thấy ở sát cạnh mình nữa. Gã biết mình tìm đúng thủ phạm, đã không tìm được cách nào hay hơn thì cứ liều mạng hủy cây thôi.

Gã đề khí, cảm giác nội tức thoáng bất ổn, biết tâm mạch bị thương nặng hơn, nhưng lúc đó không thể cả nghĩ nữa, vung kiếm lao đến một vạt cây. Lúc vung kiếm lên, chợt vang vang tiếng địch du dương, chỉ tiếng địch thôi nhưng vang lên rõ rệt trong mớ tiếng sấm ì ùng.

Gã nhận ra tiếng địch không dễ nghe, cao cao thấp thấp kỳ quái khó tả, tựa hồ có thể xung kích tâm mạch như tiếng sấm, gã vừa múa kiếm vừa cảm giác một luồng sức mạnh khác ập tới. Lòng gã thắt lại, không hiểu tiếng địch là bạn hay thù, cứ vận đủ sức mạnh lên đối kháng. Khoảnh khắc đó, sức mạnh của gã, của kiếm hồn, của tiếng địch và tiếng sầm đồng thời dồn lên tâm mạch gã vốn đã thương tổn. Gã đau lớn kêu lên thê thảm, tay lỏng ra, trường kiếm rơi xuống.

Có thứ gì đó nát vụn, trước khi mất đi ý thức gã nghĩ thế, tựa hồ là tâm của gã.

Lúc Trương Úy tỉnh lại, thứ đập vào mắt đầu tiên là mấy gương mặt quen thuộc của Đường Mật, Bạch Chỉ Vi, Mộ Dung Phỉ, Hoàn Lan và Sử Thụy. Tuy gã chưa hiểu rõ tình hình nhưng bạn bè đều ở đây, lòng yên tĩnh hẳn, hít sâu một hơi hỏi: "Sao rồi, các ngươi đều ổn chứ?"

"Bọn ta vẫn ổn, ngươi sao rồi?" Đường Mật thấy lúc gã nói, trung khí đầy đủ, biết gã không sao, lấy làm vui mừng hỏi.

"Tâm mạch bị Thiên âm chướng thương tổn, vận công điều tức một ngày là khỏe."

Trương Úy nghe thấy giọng nói mười phần thân thuộc, liền vượt qua thân ảnh mấy đồng bạn, thấy một người đang ngồi trên ghế cách đó không xa. Mái tóc người này bạc trắng rủ xuống vai, gương mặt vẫn trẻ trung, khóe mắt hơi nheo lại, tựa như cười tựa như không, chính là Ngân Hồ Tạ Thượng mà bọn gã đang tìm.

"Tạ đại ca quả nhiên ở đây." Gã lên tiếng, lòng thầm hoan hỉ, lục tục bò dậy, không ngờ vì mới bị thương nên vừa nhỏm dậy, khí xuyết xông lên, lòng chợt trống rỗng đầy cổ quái, cũng may hàng ngày gã khổ luyện võ công, hạ bàn căn cơ chắc chắn, thân hình không hề lay động, chúng nhân cũng không nhận ra.

"Thôi, vì tiếng gọi đại ca này, ta không tính toán với đệ nữa, đệ hủy mất của ta một khoảnh lớn Thiên âm lâm." Tạ Thượng nói, "xưa nay người ta vào rừng, phát hiện bị khốn thì đều tìm cách phá trận chứ có ai như tiểu tử ngốc, vung kiếm chém cây."

Trương Úy cười ngượng ngùng.

Trừ Đường Mật và Bạch Chỉ Vi, còn lại đều không hiểu vì sao Ngân Hồ Tạ Thượng đủ vai vế là lão tiền bối lại xưng huynh gọi đệ với Trương Úy, nhìn một già một trẻ với vẻ nghi hoặc. Trương Úy xưa nay vẫn trì độn với ánh mắt của người khác còn Tạ Thượng từ bé đã đầu tóc bạc phơ, quan bị chỉ chỉ trỏ trỏ nên tạo thành tính cách coi ánh mắt người đời là không khí, thành ra cả hai trò chuyện đầy tâm đắc.

"Tạ đại ca nói đến Thiên âm lâm là khu rừng cây khô hả? Chim chóc ở đó cổ quái thật, vì sao lại gõ vào cây phát ra tiếng ầm ầm? Còn nữa, vì sao tiếng động có thể đả thương tâm mạch người ta, lại tạo ra được ảo ảnh?" Trương Úy hỏi.

"Tiếng gõ vào cây nghe như trống trời nên được gọi là Thiên âm thụ, còn Thiên âm điểu này là loại chim cộng sinh với cây, vốn mười phần yếu ớt, không có sức chống lại ngoại địch, một khi thấy ngoại địch, Thiên âm điểu cảm giác được nguy hiểm liền trốn vào hốc cây, mổ mạnh vào vỏ tạo thành âm thanh inh tai đuổi địch nhân đi. Còn về việc âm thanh này thương tổn đến tâm mạch thì chắc các điện phán đã dạy, lúc huynh mới đến đây, thấy âm thanh này có thể từ từ gây thương tổn cho con người, có thể dùng làm lớp phòng ngự địch nhân. Chỉ là công lực của âm thanh này không mạnh, nếu cao thủ thật sự đến sẽ an toàn đi qua được khu rừng, nên huynh khoét thêm nhiều hốc cây, một khi Thiên âm thụ phát ra thanh điệu sẽ biến đổi, tạo thành ảo ảnh vây khốn địch nhân." Tạ Thượng giải thích.


/106

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status