Tố Hoa Ánh Nguyệt

Chương 116 - Thuyền Dương Trôi Nổi Bềnh Bồng

/121


Ngược lại ngươi kìa, mới vừa mang thai, còn chưa biết là nam hay nữ mà giáo huấn ta. Trình Bạch phong thái ngời ngời mỉm cười, tay ngọc thon dài nâng ly rượu chân cao uống cạn quỳnh tương ngọc dịch trong đó.

Cuối bữa tiệc, nhóm người Trình Hi, Phùng Thù đến trong phòng A Trì ngồi, ngắm bé Tự ngủ say ở khoảng cách gần, bình luận:

- Bé Tự tướng mạo thật tốt, mẫu thân nó đã là mỹ nữ hiếm thấy mà nó còn đẹp hơn cả mẫu thân nó!

A Trì nghe các nàng khen ngợi ái tử như vậy, lòng vui phơi phới.

Trình Bạch cũng cố ý ở lại, nhưng là vì muốn thỉnh giáo Du Nhiên:

- Biểu thẩm thẩm, cô nãi nãi cứ đến mùa đông là bị đau chân. Con có làm cái bao đầu gối cho lão nhân gia, người xem giúp con màu sắc, hoa văn và kiểu dáng này có ổn không………

Trình Bạch rất biết điều, bất luận trước hay sau khi gả đều biết nịnh nọt cô nãi nãi Trình gia, mẫu thân của Trương Tịnh ở Sơn Dương thành xa xôi. Không thể không nói Trình Bạch tìm núi dựa này là tìm đúng rồi, vị cô nãi nãi kia đập bàn giận dữ thì cả Trương Tịnh và Du Nhiên đều kinh hãi.

Du Nhiên cầm cái bao đầu gối qua nhìn, cười nói:

- Bà ấy luôn rất chú ý hình thức, đồ dùng không chỉ thoải mái mà còn phải tỉ mỉ ưa nhìn. Cái bao đầu gối này chất vải mềm mại vừa người, màu sắc thanh nhã thích hợp, thêu cành hoa mai lục ngạc vừa kiêu ngạo thanh cao, vừa rất có cốt cách.

Mẫu thân của Trương Tịnh luôn thích nhất là hoa mai lục ngạc. Y phục của bà do công nhân giỏi của Thiên Cẩm thành tỉ mỉ may, ở góc vạt áo thường thêu cành hoa mai lục ngạc, cao ngạo đơn giản, rực rỡ tinh tế. Du Nhiên khen ngợi vài câu, trả lại bao đầu gối cho Trình Bạch:

- Con có lòng rồi, lão nhân gia nhất định sẽ thích.

Trình Bạch tươi cười đỏ mặt, khéo léo khiêm nhường vài câu. Lúc nàng ở Trình gia làm cô nương, Trình ngự sử và Thu di nương một lòng mong mỏi nàng có thể trèo được mối hôn sự cao, vì thế dồn hết sức lực, dùng số tiền lớn mời lão sư về dạy nên Trình Bạch cũng xem như tài nữ, nói năng văn nhã, ứng đối thành thạo.

Chẳng qua, những kiến thức sở trường của phái nữ, Trình Bạch lại thiếu sót. Trình phu nhân không quan tâm đến nàng, Thu di nương không hiểu, Trình lão phu nhân hồ đồ càng khỏi phải nói, bà ấy không dạy còn đỡ, dạy lại càng hỏng bét.

Trình Bạch thở dài sâu xa:

- Con có chút tâm sự không thể nói với ai. Biểu thẩm thẩm là người có trái tim lung linh, nói với người có lẽ sẽ hữu dụng. Biểu thẩm thẩm, chúng ta tuy là thứ nữ nhưng có chỗ nào kém hơn đích nữ? Bị đích nữ giẫm dưới lòng bàn chân, thật khiến người ta không phục.

Du Nhiên mới chủ trì xong tiệc rượu đầy tháng, tuy khách khứa phần lớn đã ra về nhưng tiền viện vẫn còn vài bộ hạ cũ của Trương Tịnh chưa đi, hét to uống lớn, hậu trạch vẫn còn bạn hữu khuê phòng của A Trì lưu luyến quên về. Còn những việc phải xử lý sau tiệc rượu nữa, không ít quản sự bà tử vẫn đang chờ sai bảo. Lúc này nghe những lời như tố như than của Trình Bạch, bà không phát nổi tâm đồng cảm.

Du Nhiên ôn hòa nói:

- Cuộc sống trôi qua tốt hay không, như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Ta từ trước tới nay chỉ sống cuộc sống của mình, không so sánh vô nghĩa với người khác.

Trình Bạch đỏ bừng mặt.

Du Nhiên chỉ cái bao đầu gối trong tay Trình Bạch:

- Đặng phụ Đặng mẫu đều là những lão nhân gia chất phác, bao đầu gối như vậy, con có làm cho họ không?

Trình Bạch ngơ ngẩn, lắc đầu.

Du Nhiên sờ sờ mũi. Thôi, vị cô nương trước mặt này họ Trình, không so đo được.

- Đặng gia không tệ, cha mẹ chồng phúc hậu, đại tỷ thông minh, Đặng Du lãng tử quay đầu. Con nếu thường theo Đặng mẫu nói chút việc nhà, thay lão nhân gia làm vài việc quan tâm nhỏ, lại dưỡng tốt thân thể, sinh con dưỡng cái thì sẽ có cuộc sống vô ưu vô lo. Khiến cuộc sống của chính mình tốt hơn mới là việc nên làm, còn những tâm ganh đua kia thì không cần thiết.

Trình Bạch trước tiên là khom gối đa tạ:

- Tạ biểu thẩm thẩm dạy bảo.

Kế đó nàng lại do dự hỏi:

- Nhưng biểu thẩm thẩm, đối với nữ tử, quan trọng nhất là phải được trượng phu yêu thích, không phải sao?

Nói đâu xa, A Trì tỷ tỷ có thể sống những ngày như thần tiên không phải là vì nhị biểu ca? Nếu nhị biểu ca không tôn trọng yêu thương tỷ ấy, tỷ ấy sao có thể tự tại như vậy.

Du Nhiên mỉm cười:

- Trượng phu ấy mà, con không thể xem hắn không ra gì nhưng cũng không cần quá để ý hắn.

Ở cửa phòng, Trương Tịnh cao lớn trầm mặc lặng lẽ đứng. Cái bóng thật dài trên mặt đất chiếu vào tầm mắt Du Nhiên.

Du Nhiên nghênh đón, ngẩng mặt lên, dịu dàng hỏi:

- Khách đi rồi?

- Ừ, đi rồi.

Trương Tịnh cúi đầu nhìn thê tử, giọng nói cũng rất dịu dàng.

Không biết là vì ánh mặt trời chiếu vào hay vì nguyên cớ gì, Trình Bạch lén nhìn qua chỉ thấy gương mặt trơn bóng của biểu thẩm thẩm rạng rỡ phát sáng khiến người ta không dám nhìn gần.

Trương Tịnh đã trở lại, Trình Bạch đâu còn dám đứng ì ở đó, nàng gọi “biểu thúc”, rồi hành lễ cáo từ.

Du Nhiên cười nói với Trương Tịnh:

- Con bé này có lòng, đích thân làm bao đầu gối cho Quảng Ninh quận chúa, cực kỳ tinh xảo.

Mẫu thân của Trương Tịnh được tiên đế phong làm Quảng Ninh quận chúa, thực ấp hai nghìn hộ. Nhưng bà ấy không thích quê nhà Quảng Ninh, đầu tiên là đến kinh thành, sau đó qua nhiều nơi đến Sơn Dương “muốn cùng Phong Tăng bàn luận về đúng và sai”.

Trương Tịnh không bàn về bao đầu gối gì đó mà chậm rãi hỏi:

- Phu nhân, không cần quá để ý đến trượng phu?

A Du, nàng càng học càng hư.

Du Nhiên cười khúc khích gật đầu:

- Ta không cần quá để ý đến trượng phu, nhưng, ta muốn trượng phu rất để ý đến ta. Ca ca, chàng phải quan tâm ta mới được.

Trương Tịnh hết cách với thê tử, tươi cười sủng ái:

- Được, ca ca quan tâm A Du, ca ca rất để ý A Du.

Mới xong đầy tháng, Trương Tịnh liền thúc giục Trương Mại:

- Không phải nói vợ con muốn đến Tây Sơn tránh nóng sao? Mau đưa con bé đi đi, ta và mẹ con cũng nên trở về rồi.

Mình và Ngụy quốc công phủ từ nhỏ đã không hợp, mới đến ở Ngụy quốc công phủ mấy ngày mà A Du đã muốn không để ý mình rồi. Vẫn là về Bình Bắc hầu phủ đi, sau khi về, hết thảy lại như cũ.

Trương Mại dĩ nhiên không vui:

- Bé Tự còn nhỏ, đợi thêm đi.

Thê tử và nhi tử đều đi, đến Tây Sơn không phải ở lại mười ngày nửa tháng? Mình phải vào cung canh gác, người một nhà sẽ tách ra rồi.

Về nhà không thấy thê tử, không thấy nhi tử là chuyện gì chứ.

Tiếc rằng Trương Tịnh đã quyết tâm, Trương Mại hết cách với lão cha hắn, đành chịu. Càng huống hồ ông ngoại mùa hè khổ sở, sư công ham chơi, đều muốn cùng đi Tây Sơn, Đồng Đồng nhanh tay nhanh chân đã an bài người và xe ngựa xong xuôi cả_____muội ấy cũng thích Tây Sơn mát mẻ.

Trương Mại rất sầu muộn:

- Bé Tự, nhi tử, con có nỡ xa phụ thân không?

Về phòng, hắn nằm nhoài người trên giường, rầu rĩ hỏi hài nhi trong tã lót. Nó lúc này đã tỉnh, nhìn lên nóc phòng, cái miệng nhỏ nhắn không răng cười toe toét, tươi như một đóa hoa.

- Tiểu Hoa Hoa, tiểu Đóa Đóa.

Trương Mại hôn nhẹ nhi tử, lại có cách gọi mới.

A Trì khẽ cười. Còn đỡ, dù sao so với dưa nhỏ cà nhỏ gì đó thì tốt hơn một chút.

A Trì bắt đầu chuẩn bị hành trang. Trương Mại rất u oán:

- Không có lương tâm, vứt ta lại một mình, dẫn nhi tử đi nghỉ mát.

A Trì lấy một tấm khăn trải giường lớn trải ra, khẩn thiết vỗ vỗ:

- Cha hài nhi, mau ngồi lên đây, ta bọc chàng mang đi.

Ánh mắt thê tử ngời sáng như sao, Trương Mại bị nàng mong đợi nhìn, chầm chậm ngồi lên:

- Gói cho kỹ, đừng để giữa đường làm rơi ta.

A Trì quấn khăn trải giường lung tung, Trương Mại đưa tay ôm lấy nàng, hai người lăn lộn, cười ha hả thật lâu.

Bé Tự sau khi đủ bốn mươi ngày, được mẹ bé bế lên đường đến Tây Sơn nghỉ mát. Tổ phụ bé tuy lưu luyến chia tay nhưng cũng yên tâm dẫn tổ mẫu bé quay về gia viên. Phụ thân bé rất đáng thương, lẻ loi một mình ở lại.

- Theo nhạc phụ nhạc mẫu ở nhiều thêm mấy ngày, đừng vội quay về! Lúc sắp chia tay, cha hài nhi rất khẳng khái dặn dò thê tử. A Trì còn chưa kịp nói gì, sư công tóc bạc đã sáp lại gần:

- Yên tâm yên tâm, lúc nào chơi đủ lúc đó về!

Đến Tây Sơn, ngoại tổ phụ gặp bé Tự lại là một trận thân mật. Bé Tự là tôn tử đầu tiên của Từ Sâm, Từ Sâm cực kỳ yêu thích, ôm vào trong lòng, khen từ chân mày đến miệng, lại khen đến lỗ tai, chỉ cảm thấy ngoại tôn tử không chỗ nào không đáng yêu, không chỗ nào không thú vị.

Từ Thuật, Từ Dật rất thích cháu trai nhỏ, nhưng cũng chỉ rất thích mà thôi. Cháu trai nhỏ vừa không biết nói vừa không biết đi, chơi không vui chút nào, đợi, đợi nó lớn, hiểu chuyện rồi, tiểu cữu cữu sẽ thương nó.

Từ Bảo rụt rè đứng một bên, hâm mộ nhìn tiểu hài tử. Bé xinh xắn biết mấy đáng yêu biết mấy, thích chết được. Thật muốn bế bé, nhưng mình đã từng chết một lần, là người mang điềm xấu, không nên chạm vào bé thì hơn.

A Trì ngồi cạnh Từ Sâm, khẽ vỗ vỗ ông. Từ Sâm theo ánh mắt nàng nhìn về phía Từ Bảo, ôn hòa cười nói:

- A Bảo, tới bế cháu trai nhỏ này, có được không?

Ông cúi đầu nói với bé:

- Bé Tự, đây là dì nhỏ của con, là dì A Bảo của con.

Từ Bảo ngạc nhiên mừng rỡ bước qua, thấy Từ Sâm, Lục Vân và A Trì đều mỉm cười gật đầu về phía nàng, bèn cẩn thận từng li từng tí bế bé Tự. Bé Tự rất cho nàng mặt mũi, để nàng bế hồi lâu cũng không khóc.

Trong ngực là hài tử yếu ớt, Từ Bảo bị cảm giác hạnh phúc khổng lồ đánh ập sắp choáng váng. Nàng cười hân hoan, đôi con ngươi mỹ lệ như lấp lánh ánh sao.

Lục Vân và A Trì đều để ý. Bế bé Tự A Bảo đã vui như vậy, nếu đổi thành nhi tử ruột, bế đứa con ruột thịt của mình, A Bảo sẽ vui đến thế nào?

Lục Vân trao đổi với A Trì:

- Cha con đã dặn mẹ, tuy không cần nóng vội nhưng cũng phải lặng lẽ thay A Bảo tìm đối tượng. Chỉ là con bé dù sao cũng đã gả một lần, tìm người thành thân lần đầu là không được rồi, đành phải tìm người thành thân lần hai. Người thành thân lần hai hoặc lớn tuổi hoặc con cái do thê tử trước để lại bướng bỉnh, tóm lại là không thể vừa ý.

A Trì do dự nói:

- A Bảo, năm nay mới cập kê nhỉ? Con nhớ, A Bảo từng nói, người kia và muội ấy không có phu thê chi thực, nói muốn đợi sau khi cập kê mới viên phòng.

Cô bé tội nghiệp, muội ấy vẫn còn rất nhỏ.

Lục Vân không biết chuyện này, nghe vậy thì sững sờ:

- Nếu thật như vậy, người đó cũng xem như quân tử.

Sau đó Lục Vân tỉ mỉ hỏi lại Từ Bảo, Từ Bảo đỏ mặt, tay chân luống cuống nói:

- Gia đình đó, cha chồng là phong lưu nhất, thê thiếp vô số. Nhưng tổ phụ và tổ mẫu lại là một chồng một vợ, không dung được người thứ hai. Người kia giống với tổ phụ huynh ấy, chỉ tốt với thê tử.

Thê tử của Nghiêm Phiên – Hứa thị là nữ nhi nhà người quen cũ, rất hiền thục, cùng Nghiêm Phiên cử án tề mi, tình cảm rất sâu đậm. Nghiêm Phiên đối với Từ Tố Tâm rất khách khí, rất quan tâm nhưng không có tình yêu nam nữ.

Tạm thời Lục Vân rất yên tâm. Thế thì tìm đối tượng thành thân lần hai gì chứ, đương nhiên phải là thành thân lần đầu! A Bảo vẫn còn là cô nương, đứa trẻ tốt như vậy sao làm mẹ kế người ta chứ.

Lục Vân nói với Từ Sâm, Từ Sâm cũng mừng rỡ:

- A Bảo tuy mệnh khổ nhưng gặp được người tốt!

Khó được Nghiêm Phiên kia không chịu ức hiếp thiếu nữ nhỏ tuổi, giữ lại thanh bạch của A Bảo. Như vậy, cuộc sống của A Bảo sau này sẽ thuận lợi không ít.

Phu thê hai người thương lượng với nhau, sai người đến nơi Nghiêm Phiên bị lưu đày tặng không ít tài vật, ngân lượng, lại nhờ vả quan địa phương chiếu cố hắn. Nghiêm Phiên dáng vẻ tiều tụy, không được tuấn tú nhưng phong độ vẫn còn, hành lễ tạ ơn, không hề từ chối mà nhận lấy.

Từ Sâm, ý tốt lần này của ông, ta nhớ kỹ.

Ai hại ta nhà tan cửa nát, ta cũng sẽ nhớ kỹ.

Ân là ân, thù là thù, ta sẽ phân biệt rất rõ ràng.

Dĩ nhiên, đây đều là nói sau.

A Trì ở Tây Sơn mấy ngày, thong dong như ở thế ngoại đào nguyên. Đồng Đồng và ông ngoại bà ngoại lo việc nhà, chuyện gì cũng không cần A Trì bận tâm. Sư công dẫn Từ Thuật Từ Dật chơi khắp núi, mỗi ngày đều đem về không ít chuyện mới mẻ.

Phụ mẫu, huynh trưởng, đệ đệ, mỗi ngày đều có thể gặp, mỗi ngày đều có thể ở chung với nhau, rất tiêu diêu tự tại.

Tiếc nuối duy nhất chính là cha hài nhi bận rộn công vụ, mấy ngày mới có thể tới một lần, không khỏi có chút không hoàn mỹ.

Thời tiết càng ngày càng nóng, mặc dù trốn ở Tây Sơn cũng tránh không khỏi cái nắng chói chang. Ông ngoại vẩy mực múa bút, viết xuống hai hàng chữ to tự nhiên phóng khoáng: “Không thể dắt cả mọi người đi, Đến chơi một mình đâu phải lẽ!” *

* Trích bài “Thử hạn khổ nhiệt” (Khổ vì nắng hạn nóng nực) của Vương Lệnh thời Bắc Tống, nguyên văn “Bất năng thủ đề thiên hạ vãng, Hà nhẫn thân khứ du kỳ gian!”, bản dịch từ Thơ Tống, NXB Văn học, 1991

Ban đầu, Trương Mại liên tục giục A Trì:

- Mẹ bé Tự, về nhà đi. Không có hai mẹ con nàng, cha bé Tự sống rất khổ sở.

Sau khi thời tiết ngày càng nóng thì Trương Mại im bặt không nhắc tới nữa.

A Trì còn tưởng rằng hắn sợ vợ con về thành bị cảm nắng nên chỉ cười trừ. Trọng Khải chàng rất chu đáo nhỉ, sợ ta và nhi tử bị nóng nên thà cô đơn một mình. Sau này sẽ cho chàng phần thưởng phụ thân tốt, khuyến khích tấm lòng này của chàng.

A Trì đâu nghĩ rằng Trương Mại không giục nàng về nhà nữa là vì sợ dọc đường không yên ổn.

Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, An Huy đại hạn, rất nhiều nơi “đất đai khô cằn, chỉ ăn lá đay, vỏ cây, người chết đói đầy đường”. Triều đình phái quan viên cứu trợ, cùng với quan châu huyện địa phương giám sát, điều tra rõ tình hình thiên tai, tính toán số người trợ giúp. Thế nhưng, tình hình nghiêm trọng, lưu dân khắp nơi.

Sau hạn hán, thông thường giá gạo sẽ tăng cao. Từ thủ phụ dâng tấu chương, xin lấy mười vạn thạch gạo trong kho để ổn định giá bán, trấn áp giá gạo, xem đây là việc cấp bách trước mắt. Chiếu chỉ đồng ý.

Trương Đồng sau khi biết, rất nhiệt tình quyên hai vạn lượng bạc vốn riêng của mình mua năm ngàn thạch lương thực, vận chuyển đến nơi bị thiên tai để cứu tế nạn dân. Có nàng dẫn đầu, trong kinh không ít quý nữ, quý phu nhân quyên ngân lượng, lương thực, đảm đương không ít chuyện, cũng cứu được không ít người.

A Trì hiển nhiên cũng tham gia. Chẳng qua nàng không mượn tay người khác, cũng không quyên bạc cho quan phủ, mà sai người tự mua lương thực, tự vận chuyển đến nơi bị thiên tai, tự phân phát đến tay nạn dân____quyên cho quan phủ có thể đến trong miệng nạn dân hay không còn chưa chắc.

A Trì hễ nhìn Trương Tự còn trong tã lót, tâm liền mềm đi:

- Nhìn nó, biết trên đời còn có người chịu đói, không có cơm để ăn, ta không đành lòng. Vì nó, ta cũng muốn làm nhiều việc thiện.

Trong chuyện cứu giúp thiên tai này, Từ thủ phụ biểu hiện bình tĩnh, xử sự quyết đoán, gọn gàng ngay ngắn, nạn dân mấy tỉnh đều nhận được cứu tế, không phát sinh loạn dân.

Gặp phải hạn hán nghiêm trọng như vậy, không những không phát sinh biến cố lớn mà còn ổn định được việc cử hành kỳ thi Hương theo thông lệ vào ngày chín, mười hai và mười lăm tháng tám, yết bảng theo lệ thường, không hề dây dưa, trì hoãn chút nào.

Công danh không bị ảnh hưởng, các sĩ tử hiển nhiên là cảm kích. Sau khi trải qua nạn hạn hán, uy vọng của Từ thủ phụ càng tăng cao.


/121

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status