Tố Hoa Ánh Nguyệt

Chương 68 - Núi Cao Ta Ngước Mắt Trông

/121


A Trì đã cực kì quen thuộc với Trương Đồng, dĩ nhiên biết nàng ấy tính tình hoạt bát, nói năng dí dỏm, tâm tư khéo léo, thấy nàng ấy có ý trêu ghẹo thì chỉ khẽ cười mà không nói gì. Ngày cưới càng gần thì sự trêu ghẹo của Đồng Đồng càng lúc càng tăng.

Trương Đồng làm bộ làm tịch thở dài:

- Haiz, nghĩ đến việc muội rất nhanh sẽ có hai tẩu tẩu mỹ lệ xuất chúng, thật là vô cùng thỏa mãn. Nếu hai tẩu tẩu đều lấy lòng em gái chồng là muội, vậy muội chẳng phải sẽ rất oai phong sao?

A Trì giả vờ trì trệ, ngốc nghếch hỏi:

- Không phải lúc nãy muội nói lệnh huynh rất che chở thê tử sao? Lệnh huynh đã che chở thê tử như vậy thì lệnh tẩu cần gì phải lấy lòng muội?

Trương Đồng cười ha ha:

- Bởi vì, thời gian muội biết họ tương đối lâu mà. Mấy chuyện xấu, chuyện ít người biết của họ, muội biết một đống lớn. Có chuyện tốt, có chuyện làm người ta suy nghĩ, còn có chuyện mất mặt nữa! Một đống lớn chuyện này không phải muội toàn bộ đều giữ lại đâu, nếu có người ra giá thích hợp thì có thể lập tức trao đổi.

A Trì nghiêm mặt trầm tư chốc lát, rồi đưa tay lấy từ tóc mai xuống một chiếc trâm hoa tinh xảo:

- Đưa trước mười tiền, nếu nghe thấy thích hợp thì sẽ tiếp tục mua.

Trương Đồng làm bộ làm tịch tung trâm hoa lên, lại bắt trở về, ước lượng:

- Được, vậy lấy mười tiền trước. Nếu thấy hàng tốt thì chúng ta lại thương lượng chuyện mua bán.

Hai người nói chuyện cười đùa, tâm tình thật tốt, tiếng cười như chuông bạc bay đi rất xa rất xa. Trương Đồng cười run rẩy cả người:

- ……..Chuyện mua bán hôm nay nói rất tốt! Hóa ra mua bán là như vậy, quá thú vị!

Lục Vân sai người tới mời:

- Trà mới ở Thái Hồ mùa xuân năm nay, Đồng Đồng nếm thử xem.

Lá trà màu xanh non, mềm đều, hương thơm phả vào mũi, vào bụng êm ả mà sảng khoái, mùi vị thanh khiết.

Họ vừa phẩm trà vừa nói chuyện thường ngày, thư giãn thoải mái. Lục Vân lơ đãng hỏi:

- Đại thiếu phu nhân vào cửa, các thân tộc họ hàng chắc hẳn đều vui vẻ?

Không có ai làm khó dễ chứ?

Trương Đồng mỉm cười lắc đầu:

- Thêm người vào cửa là chuyện đại hỉ, đa số thân tộc đều rất vui mừng, nét mặt tươi cười. Cũng có vài người không quá chào đón, nhất là thái phu nhân Lâm thị, vẻ mặt rất sát phong cảnh.

Lục Vân mỉm cười:

- Thái phu nhân Lâm thị tuổi tác đã lớn nên có hơi không minh mẫn.

Tuy mỉm cười đúng mực nhưng trong lòng Lục Vân âm ỉ lo âu. Tước vị Ngụy quốc công của Trương Mại ban đầu thuộc về một nhà Lâm thị, đích tử của Lâm thị tử trận, tước vị mới truyền đến Trương Mại. Từng là quốc công phu nhân, giờ lại phải trơ mắt nhìn phủ đệ từng thuộc về mình đổi chủ, trong lòng Lâm thị có thể thoải mái sao? Dĩ nhiên là muốn làm khó dễ người ta rồi.

Trương Đồng cười khúc khích:

- Nhị ca tuy không có ở kinh thành này, nhưng huynh ấy thừa kế tước vị, làm Ngụy quốc công, chuyện của Ngụy quốc công phủ do huynh ấy làm chủ. Hôm qua nhị ca gửi thư tới, nói thái phu nhân Lâm thị là góa phụ, không có lợi cho hỉ sự nên sau này hễ trong phủ có chuyện vui gì thì không cần lão nhân gia ra mặt nhận lễ.

Lục Vân vừa mừng lại vừa lo, mừng vì con rể Trương Mại chỗ nào cũng che chở A Trì, chỗ nào cũng nghĩ cho A Trì, lo vì hắn là bàng chi tập tước (ý nói không phải người thuộc dòng chính nhưng lại được thừa kế tước vị), hành sự như thế có thể lộ nhược điểm cho người ta bình phẩm hay không?

Trương Đồng vô cùng trong sáng, cười giải thích:

- Trước Nguyên Đán năm nay, Lâm thái phu nhân vẫn ở Gia Vinh Đường. Gia Vinh Đường là nội thất chính của Ngụy quốc công phủ, có một con đường nối thẳng với cổng lớn, từ trước đến giờ là nơi ở của quốc công phu nhân. Theo lý thuyết, sau khi tổ phụ của nhị thúc con qua đời, Lâm thái phu nhân không còn là quốc công phu nhân thì không nên ở Gia Vinh Đường nữa. Nhưng những năm qua, có ai để ý tới bà ấy? Cứ mặc bà ấy phát cáu mà không chịu chuyển đi. Tất cả sản nghiệp của Ngụy quốc công phủ cũng kéo dài tới mấy năm, thậm chí mười mấy năm mới giao ra, những điều này, cũng không ai so đo với bà ấy.

Chúng ta đã rất nhân nhượng bà ta rồi có được không? Đúng, bà ta đã từng là quốc công phu nhân, ái tử duy nhất của bà ta chẳng may chết sớm, bà ta khiến người khác rất thông cảm----------nhưng, tước vị này không phải do bà ta kiếm được, cũng không phải do trượng phu hay nhi tử bà ta kiếm được, Ngụy quốc công phủ là cơ nghiệp do tổ tiên lập nên. Người kế thừa quốc công phủ này là người có thể làm cho nó phát triển, đây là chuyện rõ rành rành.

Đích tử mất sớm không để lại đích tôn, thứ tử lại bị bà áp chế không có tiền đồ, tước vị dĩ nhiên là rơi mất. Quốc công phủ thế tập võng thế*, bổng lộc mỗi năm năm ngàn thạch, nếu hậu nhân tầm thường bất tài, chỉ biết miệng ăn núi lở, không lập công lao, ngươi cho rằng triều đình có thể cam tâm, có thể nguyện ý? Bổng lộc mỗi năm năm ngàn thạch, so với Quận vương còn cao hơn đấy.

* Thế tập võng thế: là kiểu thế tập mà người thừa kế được giữ nguyên chức vị. Từ thời Ngụy Tấn, chế độ thế tập của Trung Quốc phân chia làm thế tập võng thế cùng phổ thông thế tập. Đến Đại Tống, thế tập võng thế cơ bản bị thủ tiêu, lại xuất hiện chung thân tước, là tước vị không thể kế thừa. Đời Minh, Hoàng tộc phong tước là thế tập võng thế. Đời nhà Thanh, thế tập võng thế chủ yếu là Thiết Mạo Tử Vương.

Trương Đồng cười cười nói nói, Lục Vân nghe thấy cả người dễ chịu. Nhà chồng này của A Trì ngàn tốt vạn tốt, cha mẹ chồng, trượng phu, em gái chồng, tẩu tẩu tất cả đều tốt, chỉ có chúng thân tộc ở Ngụy quốc công phủ là làm trong lòng người ta không yên, có thể nói là nỗi lo duy nhất. Nghe Đồng Đồng nói thế thì nỗi lo duy nhất này đại khái là không cần thiết, dù sao Trọng Khải cũng có biện pháp, sẽ không để A Trì chịu thiệt.

Từ đó Lục Vân không lo nghĩ nữa mà một lòng một dạ chuẩn bị đồ cưới cho A Trì. Bản thân A Trì cũng rất khiêm tốn:

- Bình thường là được rồi, không cần quá long trọng. Ca ca còn phải cưới thê tử, A Thuật, A Dật còn phải đi học, trong nhà nhiều chỗ cần dùng tiền lắm.

Từ Sâm và Lục Vân đều ngượng:

- Đây là chuyện con nên xen vào sao?

Làm gì có nữ tử nhà ai công khai xen vào chuyện đồ cưới, cha mẹ cho cái gì thì chính là cái đó, không tới lượt ngươi muốn hay không muốn.

A Trì quả thực băn khoăn:

- Đừng vì con mà để trong nhà thiếu hụt.

Cha mẹ nếu thật giống như Tô Triệt tiên sinh phá gia gả nữ, vậy áp lực tinh thần của con chẳng phải quá lớn sao, có cảm giác tội lỗi.

Từ Sâm mỉm cười, chỉ vào một chiếc hộp gỗ lim tơ vàng có bề ngoài nhẵn mịn như da em bé:

- Không nghèo được. Trong này có không ít khế đất, cửa hàng, thôn trang, biệt viện, đều là tổ phụ con cho. A Trì, Từ gia chúng ta cũng rất có của cải.

Lục Vân đùa với nữ nhi bảo bối:

- Ta và phụ thân con nếu nghèo, cơm không đủ ăn, A Trì nuôi chúng ta có được không? Không cần gì khác, ba bữa cơm một giấc ngủ, ấm no qua ngày là đủ rồi.

- Mẹ và phụ thân qua sống với con? Con thấy được đó!

A Trì cảm thấy hứng thú, hai mắt sáng lên, chẳng qua lời còn chưa dứt đã bị Từ Sâm chặn lại:

- Nha đầu ngốc, mẹ con chỉ đùa con chơi thôi.

Ba nhi tử của chúng ta đâu mà dám không nuôi cha mẹ? Đáng đánh.

Đầu tháng sáu, Thanh Dương trưởng công chúa mời vợ chồng Phủ Ninh hầu làm chứng hôn, đến Từ gia ở đường lớn Chính Dương Môn đưa sính lễ. Sính lễ của Vu gia theo đúng quy củ, không nhiều không ít, cũng không quá long trọng, vô cùng bình thường.

Từ tam phu nhân là người tận mắt chứng kiến sính lễ của hai nhà Ngụy quốc công phủ và Định quốc công phủ, bà hào hứng so sánh:

- Nhị tẩu thật nhàn hạ, sính lễ gần nửa buổi là thu xong rồi. Hôm đại tẩu thu sính lễ, đầu sắp hôn mê mà thu vẫn chưa xong kìa.

Từ nhị phu nhân âm u nhìn bà ta:

- Sính lễ đệ muội thu thì thế nào?

Sính lễ của Du gia và Phó gia là sính lễ của nhà quan viên bình thường, còn không bằng Định quốc công phủ nữa.

Từ tam phu nhân gần đây quản việc nhà, trong tay có quyền, trong túi có tiền, sau lưng có Từ thứ phụ làm chỗ dựa nên can đảm hơn không ít, bà vui vẻ cười nói:

- Con rể của đại tẩu và nhị tẩu đều là con cháu quốc công phủ, so với nhau mới thú vị. Du gia và Phó gia đều không phải là quốc công phủ, có gì để so chứ.

Hiển nhiên sắc mặt của Từ nhị phu nhân càng lúc càng âm trầm, Từ tam phu nhân cười nói:

- Trượng phu của Tố Mẫn chỉ là thế tôn quốc công phủ, chưa có tập tước, dĩ nhiên không so được với trượng phu của Tố Hoa. Đợi qua vài chục năm nữa thì xem chừng cũng xấp xỉ nhau thôi.

Vốn ý định của Từ tam phu nhân là an ủi, nào ngờ Từ nhị phu nhân nghe được thì giận tím mặt. Bà nói bậy bạ gì đó, Mẫn nhi nhà ta phải qua mấy chục năm mới đuổi kịp nha đầu nhà quê của chi lớn kia? Khinh người quá đáng!

Từ nhị phu nhân cực kì tức giận nhưng trong thời gian ngắn cũng chẳng quan tâm đến việc kiếm chuyện với Từ tam phu nhân. Ngày cưới của Tố Mẫn đã định là mồng mười tháng chín, không còn mấy ngày nữa, đồ cưới phải mau chóng chuẩn bị, không thể lơ là.

Nghe được tin đồn giữa chị em dâu Từ nhị phu nhân về chuyện sính lễ, Ân phu nhân âm thầm tức giận: “Cầu hôn là Vu gia các người cầu, chúng ta không gấp! Sao lại nhỏ nhen như vậy, sính lễ còn không bằng của Tố Hoa.”

Từ Tố Mẫn thì mệt mỏi, một chút cũng không quan tâm đến chuyện này. Từ sau khi định hôn, nàng cũng đã nháo loạn qua mấy lần nhưng đều bị Từ nhị phu nhân miễn cưỡng áp xuống. Hoặc là dùng lời hay khuyên nhủ, hoặc là dọa dẫm đủ kiểu, nói chung là muốn nàng phải chấp nhận số phận. Về sau Từ Tố Mẫn an tĩnh thì an tĩnh, nhưng an tĩnh đến mức làm người ta sợ, Từ nhị phu nhân mơ hồ cảm thấy hối hận. Tố Mẫn còn nhỏ, khó tránh không hiểu chuyện, mình làm mẹ ruột có phải đã quá nghiêm khắc với nó rồi không?

Cuối tháng tám, khi gió thu bắt đầu thổi, Hoàng thái hậu triệu hai tỷ muội Từ gia nhập cung, ban thưởng thêm đồ cưới. Không hề thiên vị, mỗi người đều là một đôi trâm vàng, một đôi trâm ngọc, một đôi bộ dao, một đôi vòng ngọc và một đôi nhẫn.

- Đây là con dâu mà Thanh Dương ngàn chọn vạn chọn? Tốt, rất tốt.

Hoàng thái hậu là Hoàng hậu của Tiên đế, tuổi gần sáu mươi, trắng trẻo phúc hậu, mặt mũi hiền lành, ôn hòa khen Từ Tố Mẫn hai câu.

Hoàng thái hậu sai người lấy ra cặp kính lão, đánh giá A Trì một lượt:

- Từ Tố Hoa, là cô nương mà Bình Bắc hầu phu nhân vừa nhìn liền hợp ý. Quả nhiên ngoại hình rất đẹp! Ánh mắt của Bình Bắc hầu phu nhân quả không tồi.

A Trì hạ mi mắt, bộ dạng phục tùng, vẻ mặt khiêm nhường nhưng không hề nao núng, e dè. Bá mẫu đã nói, chuyện trong cung từ trên xuống dưới bà ấy đã thu xếp xong rồi, bây giờ tiến cung chẳng qua là theo thông lệ chứ không có sự cố gì.

Sau khi bái kiến Hoàng thái hậu, xuất cung, lên xe ngựa nhà mình, A Trì mới thả lỏng. Ngoái đầu nhìn lại cung điện tầng tầng lớp lớp, nơi này, kiếp trước đi tham quan nó như thắng cảnh du lịch, nàng cảm thấy rất nguy nga, rất đồ sộ, rất khí thế, bây giờ đến đây, nàng chỉ cảm thấy nơm nớp lo sợ như đi trên băng mỏng, sớm đã không còn tâm tình của năm đó. Nơi này, vẫn nên ít đến thì tốt hơn.

Mồng mười tháng chín là ngày tổ chức tiệc mừng Tố Mẫn xuất giá. Đích tôn nữ của thứ phụ gả cho nhi tử độc nhất của trưởng công chúa, người đến cửa chúc mừng nối liền không dứt, đường lớn Chính Dương Môn hay Định quốc công phủ đều đông nghịt ngựa xe, vô cùng náo nhiệt.

Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân khóc ướt hai, ba chiếc khăn, lưu luyến tiễn Từ Tố Mẫn xuất giá. Các bà không giống với tổ mẫu và mẫu thân bình thường, vui sướng thì ít, mà lo lắng thì nhiều. Tiểu tử họ Vu kia nhưng là …….Mẫn nhi, Mẫn nhi đáng thương.

Ngày mười hai tháng chín, đôi phu thê mới cưới về nhà lại mặt. Bộ dạng tân lang Vu Thủ Đức rất nho nhã lịch sự, tân nương Từ Tố Mẫn cả người mặc y phục may mắn màu đỏ thẫm, trang phục lộng lẫy, sống lưng thẳng tắp, khóe miệng lộ ra sự quật cường, giữa hai chân mày mang nét u buồn.

Trái tim Từ nhị phu nhân luôn treo ở không trung, tranh thủ thời gian giữa tiệc rượu, bà kéo nữ nhi qua hỏi kỹ càng:

- Đêm tân hôn thế nào?

Từ Tố Mẫn nhìn thẳng về phía trước, từ đầu đến cuối không nhìn bà, cũng không trả lời bà.

Tâm Từ nhị phu nhân thật lạnh thật lạnh. Đây là tạo cái nghiệt gì, đây là tạo cái nghiệt gì? Tố Mẫn nếu vẫn không viên phòng, vẫn là tấm thân xử nữ thì nó về sau làm sao sinh được nhi tử, làm sao có chỗ đứng?

Sau tiệc lại mặt, Vu Thủ Đức liền đứng dậy cáo từ. Hắn trước giờ có chút thanh cao, qua lại đều là văn nhân nhã sĩ, người trong quan trường như Từ thứ phụ và Từ nhị gia là hạng người lợi lộc, hắn không vừa mắt, cũng lười xã giao.

Vu Thủ Đức nói muốn rời đi, Từ Tố Mẫn lập tức đoan trang mà cứng nhắc đứng dậy:

- Nữ nhi cáo từ.

Nàng cũng đi theo Vu Thủ Đức, không có ý lưu luyến nào. Từ Tố Lan và Từ Tố Phương luôn cẩn thận núp ở một bên, không dám mở miệng trêu chọc, chế giễu, lúc này cũng không dám mở miệng giữ lại. Từ Tố Mẫn hôm nay, có một cỗ khí âm lãnh từ trong xương khiến các nàng sợ hãi, không dám càn rỡ.

Ân phu nhân và Từ nhị phu nhân đều lau nước mắt:

- Không biết ngày nào mới được gặp lại nhau nữa.

Từ Tố Mẫn lẳng lặng nhìn họ, trong mắt có vẻ chán ghét không dễ nhận ra, giọng nói bình thản không gợn sóng:

- Mồng mười tháng mười, con về ở hai tháng, tổ mẫu và mẫu thân đừng ghét bỏ con.

Tiễn Từ Tố Mẫn đi rồi, Ân phu nhân gọi Từ nhị phu nhân vào phòng trong, trầm mặt ra lệnh:

- Tình hình của Mẫn nhi ở Vu gia rốt cục là như thế nào, con nói rõ một năm một mười cho ta, không được che giấu!

Từ nhị phu nhân trong lòng đau khổ, dứt khoát không giấu giếm, lau nước mắt nói:

- Tiểu tử Vu gia kia, căn bản không thể viên phòng! Mẫn nhi là cô nương, chẳng lẽ cưỡng bức hắn? Thanh Dương rất quá đáng, vậy mà oán trách Mẫn nhi, làm mặt lạnh với con bé.

Nhi tử của ngươi như vậy mà ngươi còn có mặt mũi đi oán trách cô nương nhà ta? Cực kỳ vô sỉ.

Ân phu nhân chỉ cảm thấy ngực đau đớn, tức giận khó tả. Thanh Dương, ngươi là trưởng công chúa thì sao, lão gia nhà ta vẫn là nội các đại thần! Ngươi nếu ức hiếp Mẫn nhi nhà ta như vậy thì chúng ta không xong đâu!

Ân phu nhân đẩy Từ nhị phu nhân đang tiến lên hầu hạ:

- Ban đầu lẽ ra không nên đáp ứng cửa hôn sự này! Con là mẹ ruột của Mẫn nhi mà một chút cũng không thương nó đẩy nó vào hố lửa!

Từ nhị phu nhân rưng rưng nói:

- Con nếu biết nội tình, đánh chết con cũng không đồng ý! Thịt trên người con rớt xuống, sao con lại không đau? Lần này là bị Thanh Dương ép chặt, lão gia và nhị gia đều gật đầu, chứ không phải con.

Ân phu nhân lẩm bẩm:

- Thanh Dương này nổi điên cái gì? Chúng ta với ả trước giờ không oán không thù, ả tại sao lại hãm hại Mẫn nhi? Ả ta có ích lợi gì?

Từ nhị phu nhân rơi lệ đứng bên cạnh, cũng trăm mối không có cách giải.

Sau khi vào thu, người đến đường lớn Đăng Thị Khẩu thêm đồ cưới cho A Trì càng lúc càng nhiều, có vương phi công chúa, có phu nhân đại thần, còn có không ít công hầu phu nhân và gia quyến của võ tướng.

Từ Thuật, Từ Dật ngoài giờ đi học thì thường xuyên mang vẻ mặt nghiêm túc sang chúc mừng A Trì:

- Tỷ, tỷ phát tài rồi. Hai đệ tận mắt thấy nha, một cây hồng san hô thật to, không nhìn rõ cành, cao khoảng sáu thước, chắc chắn là trị giá hơn mấy lượng bạc. Tỷ, cung hỉ phát tài.

Thường thường nói chưa được hai câu, chúng đã nghe tiếng của đại ca Từ Tốn bắt đi:

- A Thuật, A Dật, bài tập đâu? Đại ca muốn kiểm tra.

Hắn không nói lời nào, đem hai tiểu phá phách tới thư phòng, bắt chúng chăm chỉ học tập.

Hai đứa nhóc vừa đọc sách vừa nhớ đến các loại kỳ trân dị bảo:

- Ca, tỷ thật sự phát tài, giàu lắm.

Từ Tốn ôn hòa nói với hai đứa nó:

- A Trì tháng chạp sẽ xuất giá, về sau phải sống chung một nhà với những người xa lạ. Đồ cưới chính là chỗ dựa của muội ấy.

Vốn là lời nói rất mềm mỏng lại nhận được sự khinh bỉ không chút do dự:

- Ca, lừa gạt tiểu hài tử là không đúng! Tỷ tỷ sắp gả cho tỷ phu, tỷ phu đối với tỷ tỷ rất tốt, làm sao có chuyện đồ cưới là chỗ dựa của tỷ ấy?

Từ Tốn thân làm đại ca, nhưng ở tình huống này cuối cùng cũng không thuyết phục được hai đệ đệ còn tấm bé.

Hạ tuần tháng mười một, Từ Sâm tự tay viết danh sách đồ cưới sau cùng, đích thân đưa cho Từ thứ phụ xem. Từ thứ phụ coi như thấy nhiều hiểu rộng, nhìn danh sách đồ cưới thật dài kia cũng ngây ngốc:

- Sâm nhi, nhiều như vậy?

Từ Sâm khẽ cười, mặt mày giãn ra:

- Phụ thân, không xem là nhiều. Xứng với sính lễ của Trọng Khải, không xem là nhiều.

Sính lễ như vậy thì nên có đồ cưới như vậy.

Từ thứ phụ nhìn trưởng tử, lại nhìn danh sách đồ cưới, cười nói:

- Cái này tốt rồi, Tố Hoa giàu có, so với ta và con còn giàu hơn.

Vốn riêng của mình và vốn riêng của Sâm nhi cũng không nhiều như đồ cưới này.

Từ Sâm cũng cười:

- Phụ thân, con chỉ mong được vậy. Chỉ mong sao khuê nữ và nhi tử đều giàu hơn con, đều có tương lai hơn con, mỗi người đều tốt hơn con.

Nếu thật như thế thì con không cầu gì hơn.

Từ thứ phụ vuốt râu mỉm cười, được, A Tốn tốt hơn con, A Thuật, A Dật cũng tốt hơn con, vậy Từ gia có hậu rồi.

Từ Sâm tâm tình vui vẻ cáo từ Từ thứ phụ, ra cửa, lên xe ngựa về đường lớn Đăng Thị Khẩu. Tháng sau A Trì phải xuất giá rồi, ông nghĩ đến vừa vui mừng vừa luyến tiếc.

Về đến nhà, thê tử và ba nhi tử đều ở đây. Từ Sâm nhìn bài tập của hai tiểu nhi tử, nhẹ nhàng động viên vài câu, rồi đuổi chúng đi ngủ sớm. Từ Thuật muốn nói gì đó nhưng bị Từ Dật lôi kéo nên hai người sóng vai nhau mà đi.

Từ Tốn cũng rất nhanh cáo từ, trong phòng chỉ còn lại hai phu thê Từ Sâm và Lục Vân. Từ Sâm hơi khó hiểu:

- A Trì đâu?

Sao không thấy A Trì đâu vậy. Lục Vân lơ đãng nói:

- Nó có chút buồn ngủ nên đi nghỉ ngơi sớm rồi.

Từ Sâm cũng không hỏi nhiều.

Một đêm không có chuyện gì. Hôm sau, Trương Mại sang bái phỏng:

- Nhạc phụ, nhạc mẫu, tối qua con vừa mới đến, đặc biệt tới thỉnh an hai vị.

Vợ chồng Từ Sâm thấy hắn thì vô cùng thoải mái, hiện nay đã cuối tháng mười một rồi, tháng chạp sẽ phải thành thân mà tân lang còn đang trên đường thì thật sự là chuyện không tốt. Hai ngày trước Từ Sâm còn nói nhỏ với Lục Vân:

- Nương tử, lỡ Trọng Khải đi đường không thuận lợi, đến lúc đó không tới kịp thì làm sao bây giờ?

Trương Mại từ khi về kinh, mỗi tối nhất định sẽ đến đường lớn Đăng Thị Khẩu trình diện, mỗi ngày đều ở Từ gia ăn chực. Hắn cưới vợ các việc đã có cha mẹ, huynh tẩu chuẩn bị đâu vào đó, còn hắn, cái gì cũng khỏi phải lo, cứ yên ổn đợi làm tân lang là được.

Đêm nay, hắn lại tới Từ gia, lại “sai bảo” Trần Lam và Trần Đại lừa A Trì ra ngoài hẹn hò ở thư phòng với hắn, A Trì không khỏi oán trách:

- Sao chàng lại tới nữa?

Trương Mại cúi đầu nhìn A Trì, vẻ mặt dịu dàng:

- Không trách ta được, ta bị sư công ép. Lão nhân gia nói, muốn ta phải tới đây làm cho nàng vui vẻ.

A Trì khẽ mắng hắn:

- Nói một đằng, nghĩ một nẻo. Chàng rõ ràng là tới đòi nợ, chỉ lừa được sư công thôi.

Lần nào cũng nhìn người ta chằm chằm, còn lý lẽ hùng hồn nói:

- Đây chỉ là lợi tức, tiền vốn sau này từ từ thu hồi.

Đôi mắt xinh đẹp sâu thẳm của Trương Mại si mê nhìn A Trì, dịu dàng quyến luyến:

- Muốn đòi nợ mà cũng muốn làm giai nhân vui vẻ, một công đôi việc. A Trì, sau khi chúng ta thành thân, ta sẽ nghe lời nàng, cái gì cũng theo ý nàng, có được không?

Kẻ thích chơi đểu mới quen nói lời ngon tiếng ngọt! A Trì đỏ mặt, khẽ “hứ” một tiếng:

- Ai thèm?

Sau này sẽ phải cùng chàng sớm chiều ở chung với nhau, trong lòng nàng đôi khi thấy ngọt ngào, đôi khi lại dạt dào mong đợi, cũng có đôi khi rất sợ hãi.

Mồng bảy tháng chạp, Từ gia đại tiểu thư chuyển đồ cưới qua. Sáng sớm tinh mơ đã có những người rảnh rỗi đợi ở trong ngõ hẻm cách cổng lớn không xa, chờ Từ đại tiểu thư đưa đồ cưới. Nghe nói đồ cưới Từ gia chuẩn bị cực kỳ phong phú, tạm thời không ai có thể so sánh, cho nên phải tới xem mở rộng tầm mắt.

Gia cụ bằng gỗ lim, danh họa, vàng bạc châu báu, lăng la tơ lụa, vật trang trí quý giá, một gánh lại một gánh quấn tơ lụa đỏ thẫm được nhấc lên, như nước chảy mang ra khỏi Từ gia đến Ngụy quốc công phủ. Những kẻ rảnh rỗi bên đường cố tình đếm mẫu ruộng, đếm cửa hàng, ai nấy đều bình phẩm:

- Đây đúng là mười dặm hồng trang, làm người ta hâm mộ, cực kỳ hâm mộ.

- Nếu không thì sao Từ đại tiểu thư có thể làm Ngụy quốc công phu nhân, làm sao có phúc này chứ. Nhìn đồ cưới mà xem, đủ cho cả nhà chúng ta sống mấy đời ấy chứ.

- Nhìn sính lễ thì biết nhà chồng coi trọng cô ấy; bây giờ nhìn đồ cưới thì biết nhà mẹ đẻ cũng rất quý cô ấy.

Mãi đến khi trời chiều ngả về tây, dân chúng vây xem mở mang tầm mắt mới tản đi. Nhiều năm sau, khi nhắc tới đồ cưới của Ngụy quốc công phu nhân, không ít người còn nhớ như in:

- Mười dặm hồng trang, đó mới gọi là mười dặm hồng trang!

Mồng tám tháng chạp, Trương Mại mặc hỉ phục màu đỏ thẫm, cưỡi con ngựa cao lớn, hơn mười người phù rể theo sau, kế đó là đội ngũ rước dâu thật dài đến đường lớn Đăng Thị Khẩu đón tân nương.

Giờ lành là vào lúc hoàng hôn. Chẳng qua, tân lang cũng không thể muộn như vậy mới đến, hắn còn phải qua năm ải, chém sáu tướng (tích về Quan Vũ bỏ Tào Tháo tìm Lưu Bị), đâu có dễ dàng mang tân nương đi. Từ cửa chính, cửa giữa đến cửa trong, mỗi lần qua một cửa đều phải tốn sức chín trâu hai hổ.

Trong khuê phòng của A Trì, đập vào mắt đều là màu đỏ thẫm vui mừng. Bản thân A Trì sớm đã được hỉ nương tỉ mỉ trang điểm tốt, cả người mặc trang phục gấm màu đỏ làm nổi bật làn da hơn cả sương tuyết của nàng, càng xinh đẹp kiều diễm. Đôi mắt nàng sáng như nước mùa thu, như ánh sao rơi, mỹ lệ động lòng người.

Ngày thành thân, A Trì sớm đã hạ quyết tâm làm một tượng gỗ là tốt rồi, hỉ nương căn dặn thế nào thì nàng làm theo thế đó, mọi việc sẽ suôn sẻ, không sai được. Tuy nghĩ như vậy nhưng khi ngồi trong không khí đỏ vui mừng, bên tai nghe tiếng trống nhạc, tiếng pháo nổ, tiếng huyên náo, A Trì có chút hoảng hốt. Chuyện kết hôn này trong đời chỉ có một lần, không quen mà.

- Từ tỷ tỷ, tân lang nhà tỷ rất lợi hại, đã qua cửa cuối cùng rồi, bây giờ đang ở trong phòng lớn bái kiến cao đường đại nhân.

Phùng Thù và Trình Hi đều tới đưa nàng xuất giá, họ ở bên cạnh A Trì, còn Phùng Uyển thì chạy tới chạy lui nghe ngóng tin tức. Từng bước của Trương Mại đều được Phùng Uyển tiến vào báo cáo.

Hỉ nương đánh giá lại toàn thân A Trì từ trên xuống dưới, hài lòng gật đầu:

- Hôm nay ta đưa một vị cô nương đẹp như thiên tiên xuất giá, vô cùng vinh hạnh.

Bà nhẹ nhàng đắp khăn voan lên đầu A Trì:

- Tiên nữ cô nương, khi vào động phòng, khăn này tân lang sẽ đích thân gỡ xuống cho cô nương.

Tiếp đó A Trì thuần túy là tượng gỗ, bị hỉ nương dìu đến trong sảnh, cùng tân lang sóng đôi quỳ xuống, từ biệt tổ phụ, tổ mẫu và phụ mẫu. Từ thứ phụ và Ân phu nhân đều nói những lời răn dạy, A Trì nghe mà trong lòng một chút xúc động cũng không có. Đến khi Từ Sâm và Lục Vân một trước một sau mở miệng, đều là tiếng Quan thoại (mình hiểu đại khái là tiếng phổ thông TQ), đều là những lời nói theo khuôn khổ, nhưng mũi A Trì chua xót, nước mắt lã chã tuôn rơi.

Những giọt nước mắt trong suốt rơi trên nền gạch làm đau nhói đôi mắt phụ mẫu. Lục Vân lệ tuôn như suối, chưa được bao lâu đã ướt đẫm chiếc khăn tay. Từ Sâm xúc động nắm lấy tay A Trì, định thay nàng lau nước mắt nhưng không được, khăn voan của nàng chỉ có tân lang mới có thể tháo xuống.

Từ Sâm xúc động nhìn Trương Mại, trịnh trọng nói:

- Trọng Khải, ta và nhạc mẫu con giao A Trì cho con. Trọng Khải, con và A Trì phải tôn trọng nhau, yêu thương nhau, giúp đỡ nhau đến đầu bạc răng long.

A Trì rơi nước mắt, liên tục gật đầu, nghẹn ngào nói không ra lời. Trương Mại cung kính khấu đầu:

- Dạ, nhạc phụ đại nhân, con và A Trì chắc chắn sẽ tôn trọng nhau, yêu thương nhau đến đầu bạc răng long.

Bái biệt cao đường, A Trì được hỉ nương dìu đến cửa chính, được Từ Tốn cõng lên kiệu. Kiệu của tân nương, theo lệ là kiệu lớn tám người khiêng, ngoài kiệu được trang hoàng bằng những dây lụa đỏ thẫm, trong kiệu cũng được mạ vàng, gắn đầy châu ngọc, cực kì xa hoa tráng lệ.

Kiệu lớn tám người khiêng đã vô cùng vững vàng. A Trì ngồi trong kiệu, từ từ thu nước mắt, bắt đầu suy nghĩ linh tinh. Kiệu tám người khiêng là thế này, không biết kiệu lớn ba mươi hai người khiêng của Trương Cư Chính tiên sinh sẽ có mùi vị thế nào? Đáng tiếc là không thể tùy tiện thử nghiệm, một khi làm bậy sẽ dẫn tới tai họa----------Theo quy định, chỉ có Hoàng đế mới có thể ngồi kiệu lớn mười sáu người khiêng, ba mươi hai người khiêng thì càng khỏi phải bàn, vượt quá quy định rồi.

Ngụy quốc công phủ tọa lạc tại đường lớn Định Phủ, khoảng cách không quá xa, trong tiếng huyên náo, thấm thoát A Trì đã tới nơi. Nàng che khăn voan, không thấy được bên ngoài, mờ mịt lạy không biết bao nhiêu lạy, mới được đưa vào phòng tân hôn.

Trong phòng rất yên tĩnh, không hề có tiếng ầm ĩ. Bởi vì khi Trương Tịnh và Du Nhiên thành thân, vẫn chưa nhận lại quan hệ với Ngụy quốc công phủ, cho nên lúc động phòng rất vắng vẻ. Nhưng sự vắng vẻ này, Du Nhiên lại rất thích, cũng ra sức đề cử với hai con dâu:

- Vanh Vanh, A Trì, đến lúc đó các con muốn thân thích toàn bộ đều tới hay toàn bộ đều không tới? Muốn yên tĩnh hay muốn náo nhiệt? Các con muốn thế nào thì chúng ta làm thế đó. Yên tĩnh cũng rất tốt, hành hạ cả ngày mà còn phải xã giao với một đám bạn bè thân thích chẳng phải mệt lắm sao.

Kết quả là Phó Vanh và A Trì đều chọn yên tĩnh.

A Trì dáng vẻ đoan trang ngồi trên giường, Trương Mại cầm trong tay gậy như ý bọc lụa đỏ thẫm ở hai đầu, nín thở thu khí, chú tâm đưa gậy nhẹ nhàng vén khăn voan của A Trì. A Trì thấy được bên ngoài thì trong lòng dễ chịu, cùng Trương Mại bốn mắt nhìn nhau, trong mắt đều có ý cười.

Trình tự kế tiếp lẽ ra là Trương Mại và A Trì sóng đôi ngồi trên giường, uống rượu hợp cẩn, ăn bánh chẻo sống, lấy ý tốt là “hợp hai làm một, vĩnh kết đồng tâm” và “sinh đẻ” (chữ ‘sinh’ vừa có nghĩa là ‘sống’ vừa có nghĩa là ‘sinh đẻ’). Chẳng qua, Trương Mại nhìn tân nương của mình thế nào cũng không thấy đủ, rõ ràng hắn nên ngồi xuống nhưng lại cứ tham lam nhìn A Trì mãi không thôi.

Hỉ nương thúc giục hai lần, Trương Mại vẫn đứng ở trước giường, mặt mày tươi cười nhìn A Trì, không hề nhúc nhích. A Trì vội nháy nháy mắt với hắn, quỷ đòi nợ, chàng như vậy sẽ bị người ta chê cười đó, biết không?

Sóng mắt yêu kiều, quyến rũ động lòng người, Trương Mại bị ánh mắt của thê tử mới cưới chấn nhiếp, ngoan ngoãn ngồi xuống. Sau khi ngồi thì rất kỷ luật mà ngồi ngay ngắn, mắt nhìn thẳng.

Chén rượu xinh xắn có khắc chim nhạn màu trắng tung cánh bay lên ngụ ý tình nghĩa phu thê trung trinh không đổi, hai chén rượu được một sợi dây đỏ tinh xảo cột lại, Trương Mại và A Trì nghiêng người, đỏ mặt từ từ sáp lại gần, ngọt ngào uống rượu hợp cẩn.

Hỉ nương bưng khay bánh chẻo sống qua, mỉm cười đưa đến bên miệng A Trì:

- Cô nương đẹp như thiên tiên, nhưng sau khi lập gia đình sẽ phải mang thai mười tháng sinh hài tử, nếm trải khổ cực của nhân gian, có biết không?

A Trì kiên trì cắn một miếng nhỏ, nhẹ giọng đáp lời hỉ nương:

- Sinh.

Nghi thức hoàn thành, hỉ nương muốn đuổi Trương Mại ra ngoài tiếp khách, mời rượu. Trương Mại đâu chịu để hỉ nương định đoạt, hắn nháy mắt với thị nữ đứng cạnh, thị nữ hiểu ý, xoay người lặng lẽ ra ngoài.

Một thiếu phụ mỹ nhân và một thiếu nữ tuyệt sắc mỹ lệ trang phục xinh đẹp cùng nhau tới, cười đa tạ hỉ nương, rồi sai người bưng đến một hồng bao thật dày:

- Làm phiền rồi, đa tạ, nơi này đã có chúng ta.

Hỉ nương thấy vậy thì tươi cười nói những lời chúc mừng may mắn, nhận lấy hồng bao, hài lòng thỏa mãn cáo từ rời đi.

Trương Đồng đuổi hỉ nương đi rồi, kế đó nhanh chóng đuổi Trương Mại:

- Nhị ca, mau ra ngoài mời rượu đi, bao nhiêu khách đang đợi đó. Nhị tẩu cứ giao cho muội, yên tâm, muội bảo đảm không để tẩu ấy đói bụng, không để tẩu ấy ấm ức đâu.

Nàng không nói gì nữa mà đem Trương Mại gạt ra ngoài.


/121

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status