Tổng Hành Dinh Trong Mùa Xuân Toàn Thắng

Chương 10

/10


ĐÔI DÒNG SUY NGẪMTôi muốn aành những trang cuối cửa tập hồi ức này để suy ngẫm về cuộc trường chinh 30 năm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng. Càng nhìn sâu về quá khứ càng thấy rõ tương lai.

Ngày toàn thắng 30-4-1975 đã đi vào lịch sử.

Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba "cái mốc chói lọi bằng vàng": Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Điện Biên Phủ và mùa Xuân 1975 đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kỳ tưởng chừng như không thể làm -được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới.

Thiên anh hùng ca thắng Pháp, thắng Mỹ vang vọng mãi trên non sông đất nước ta, trên khắp các châu lục.

Vinh quang đời đời thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng, thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, bộ tham mưu cách mạng dũng cảm, sáng suốt, dạn dày kinh nghiệm đã lãnh đạo chiến tranh đến ngày toàn thắng.

Tổ quốc Việt Nam ghi công các Anh hùng liệt sĩ, những người con yêu quý xả thân vì dân, vì nước, "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Lịch sử ghi nhận công đầu thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà chiến lược thiên tài, nhà văn hoá kiệt xuất, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Thắng lợi của nhân dân ta cũng là thắng lợi của nhân dân các nước anh em, của loài người tiến bộ trên toàn thế giới đã nhiệt tình ủng hộ, hết lòng giúp đỡ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc.

Từ chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 đến nay, ba mươi năm đã trôi qua. Nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới. Ở vào thời điểm quan trọng này, cần nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc với nền văn hiến Việt Nam và những võ công oanh liệt, ôn lại chặng đường chiến đấu 30 năm dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và của Bác Hồ để rút ra những bài học dựng nước và giữ nước cho ngày nay và mai sau.

Một câu hỏi lâu nay không ít người đã đặt ra: Vì đâu nhân dân Việt Nam, từ không một tấc sắt trong tay, vùng lên bẻ gẫy gông xiềng nô lệ, lại đánh thắng "hai đế quốc to trong một cuộc chiến tranh không cân sức, giành lại non sông đât nước, tiến lên giải phóng xã hội, giải phóng con người?

Sẽ không tìm được câu trả lời cho câu hỏi này nếu không nhìn sâu vào chiều dày lịch sử xa xưa, vào nền văn hoá dân tộc, vào truyền thống và di sản quân sự của tổ tiên, vào đường lối cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thật vậy, một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử thế giới là các bộ tộc người Việt cổ sinh sống trên mảnh đất này đã sớm có một triết lý sống, hình thành và phát triển một nền văn hoá dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất để làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, cố kết với nhau, tương thân tương ái, vừa dũng cảm vừa thông minh. Chính nhờ sức mạnh khôn lường của nền văn hoá ấy mà dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, dân tộc ta không hề bị đồng hoá và cuối cùng đã vùng lên giành lại nền độc lập. Cho đến khi vị tổ Trung hưng đầu tiên là Anh hùng dân tộc Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, thì kỷ nguyên một nghìn năm độc lập tự chủ đã được mở ra, chỉ gián đoạn bằng 20 năm đô hộ của quân Minh. Suốt trong một nghìn năn ấy, dân tộc ta dưới triều đại của các vị vua yêu nước đã đánh thắng mọi kẻ địch xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần, từ Tống, Nguyên đến Minh, Thanh. Đặc biệt trong thế kỷ XIII, dân tộc ta đã ba lẩn đánh thắng quân Nguyên Mông là đội quân xâm lược khét tiếng đã từng chinh phục nhiều dân tộc từ Âu sang Á, đã chiếm lĩnh cả lục địa Trung Hoa. "Nam quốc sơn hà nam đế cư". Hễ kẻ thù đụng đến nước ta thì "vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, ca nước chung sức, trăm họ là binh", giữ vững quê hương bảo vệ xã tắc. Từ Hịch tướng sĩ đến Bình Ngô đại cáo, một học thuyết quân sự

Việt Nam đã hình thành và phát triển: "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo", "lấy ít địch nhiều", "lấy nhỏ thắng lớn ". Học thuyết ấy đã biết vận dụng phép biện chứng đổi yếu thành mạnh, kết hợp lực thế, thời, mưu, cuối cùng đạt tới nguyện vọng sâu xa là giành lại và giữ vững chủ quyền dân tộc với những tư tưởng vượt thời đại: "dập tắt muôn đời chiến tranh", "đem lại thái bình muôn thuở".

Đến đây, một câu hỏi mới lại được đặt ra: Vậy thì vì sao một dân tộc anh hùng như dân tộc Việt Nam lại phải sống kiếp ngựa trâu hơn 100 năm dưới ách thống trị của thực dân đế quốc phương Tây?

Rõ ràng là có không ít nguyên nhân đưa đến một thời kỳ đen tối trong lịch sử đất nước, trong đó phải kể đến các chính sách sai lầm đi ngược lại lợi ích dân tộc của triều đình nhà Nguyễn. Nhưng suy cho cùng, nguyên nhân chủ yếu là sự khủng hoảng về đường lối vào thời điểm mà tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có những thay đổi cơ bản: nước ta đang ở phương thức sản xuất phong kiến, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quân đội trang bị thô sơ, còn kẻ địch là một nước đã đi vào phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với nền công nghiệp hiện đại và quân đội được trang bị hiện đại.

Trước thực tiễn mới của cuộc đấu tranh, những người yêu nước Việt Nam hồi bấy giờ chưa tìm được kế sách cứu nước. Các phong trào yêu nước từ Nguyễn Trung Trực đến Hoàng Hoa Thám, từ Cần Vương đến Đông Kinh Nghĩa Thục, từ Đông Du đến Duy Tân đều bế tắc, không tìm ra lối thoát. Chính vì thế mà tinh thần anh dũng có thừa, nhưng các phong trào khởi nghĩa và nổi dậy từ Nam chí Bắc đều bị đàn áp dã man. Các lãnh tụ yêu nước chỉ "thành nhân" mà sự nghiệp cứu nước chưa "thành công" được.

Cho đến năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Mang trong mình hành trang tư tưởng truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam cùng với tinh hoa văn hoá phương Đông, Người đi khắp bốn biển năm châu với chí lớn giải phóng những "người cùng khổ". Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc - nhà yêu nước vĩ đại - đã đến với chủ nghĩa Lênin và Quốc tế thứ ba, tìm ra con đường cứu nước: con đường cách mạng vô sản, và trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Từ đó dân tộc đã gắn liền với giai cấp, quốc gia gắn liền với quốc tế, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ chủ nghĩa Mác-Lêmn, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, tiếp thu và phát triển phương pháp luận Mác - Lênin, phương pháp duy vật lịch sử và duy vật biện chứng.

Với mục tiêu cách mạng mới, cuộc đấu tranh yêu nước không những mang lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc mà còn mang lại tự do và hạnh phúc cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho toàn dân. Cuộc chiến tranh giải phóng đã trở thành cuộc chiến tranh toàn dân, một cuộc chiến tranh chính nghĩa "vì dân" và "do dân" có sức mạnh vô cùng to lớn quật ngã mọi kẻ thù. Với "Chánh cương vắn tắt", "Sách lược vắn tắt" và "Lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng", đường lối cứu nước phải là "Đường Kách mệnh", Đảng tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua những năm tháng đấu tranh, đường lối cách mạng đã được hoàn chỉnh vào năm 1941, khi Đảng đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên trên hết, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước trong mặt trận Việt Minh, phát động vũ trang khởi nghĩa, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi.

Trên cơ sở đường lối cách mạng của Đảng, học thuyết quân sự Việt Nam đã phát triển vượt bậc, giải quyết thành công trong điều kiện của thời đại mới vấn đề cốt lõi hầu như một nghịch lý: "lấy nhỏ thắng lớn", "lấy ít địch nhiều.

Học thuyết quân sự Việt Nam luôn nắm vững mục tiêu cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn, phân tích tình hình thực tiễn, tìm ra quy luật và hành động theo quy luật, đánh thắng mọi kẻ địch hung bạo. Học thuyết ấy luôn theo dõi diễn biến mau lẹ và so sánh lực lượng giữa địch và ta trên chiến trường, tìm ra và tạo thời cơ có lợi nhất cho ta, tạo thế mạnh của ta, khoét sâu thế yếu của địch, tập trung lực lưọng tiêu diệt địch. Khi tình hình thay đổi thì kịp thời thay đổi quyết sách về chiến lược, chiến thuật, tích cực chủ động, cơ động, linh hoạt, bí mật, bất ngờ, giành được thắng lợi lớn nhất, thường là trong những điều kiện khó khăn nhất.

Phát huy đến mức cao nhất tinh thần "quyết chiến quyết thắng", "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", khơi dậy nghị lực sáng tạo và tài thao lược của mỗi người và của toàn dân tộc, phát triển đến đỉnh cao trí tuệ Việt Nam, quân và dân ta đã làm nên những chiến công hiến hách tưởng chừng như huyền thoại.

Kiên định mục tiêu cách mạng, vận dụng thế giới quan, quan điểm thưc tiễn, phuơng pháp luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là bài học mang tính cách mạng và khoa học, có ý nghĩa to lớn của học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Làm đúng theo bài học đó thì thành công. Không làm theo bài học đó thì sai lầm, thất bại.

Còn nhớ những ngày đầu tháng 8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ thời cơ lớn đã đến. Người quyết định nhất thiết phải họp Quốc dân Đại hội vào trung tuần tháng 8, dù các đại biểu chưa về đủ. Ngày 13-8-1945, Trung ương Đảng ra lệnh Tổng khởi nghĩa, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công ở Thủ đô Hà Nội và trong cả nước chỉ trong vòng một tuần lễ. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời.

Trải qua chín năm kháng chiến lâu dài, gian khổ chống đế quốc Pháp xâm lược, tại mặt trận Điện Biên Phủ, khi thực tiễn chiến trường thay đổi, chúng ta đã hạ quyết tâm chuyển từ phương châm "đánh nhanh thắng nhanh" sang phương châm "đánh chắc tiến chắc".

Từ kế hoạch tiêu diệt địch trong ba đêm hai ngày sang kế hoạch chiến đấu liên tục trong 56 ngày đêm. Quyết tâm thay đổi phương châm ấy đã được Bác Hồ và Bộ Chính trị phê chuẩn. Cuối cùng, quân và dân ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của đế quốc Pháp được Mỹ giúp sức, một pháo đài mà Pháp và Mỹ đều cho là "bất khả xâm phạm".

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm trời, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một điển hình thành công của học thuyết quân sự Việt Nam. Theo dõi sự phát triển cực kỳ mau lẹ của tình hình địch, ta trên chiến trường, Bộ thống soái tối cao đã có những quyết định kịp thời khi thời cơ mới xuất hiện, chuyển kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam từ hai đến ba năm lúc đầu sang kế hoạch thời cơ, rút xuống một năm rồi quyết định kết thúc trước mùa mưa, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, giành được thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn.

Độc lập và tự chủ, thông minh và sáng tạo, đó là nét nổi bật của học thuyết quân sự Việt Nam.

Trong lịch sử ông cha ta đánh giặc, nhất là từ thời Lý, Trần về sau, các bậc tiền nhân đọc nhiều sách của các nhà chiến lược quân sự Trung Hoa cổ, nhưng không phải lúc nào cũng chủ trương "đánh mau giải quyết mau" hoặc phải có lực lượng gấp địch mười lần mới tiến công. Trong những năm kháng chiến vừa qua, các tướng lĩnh Việt Nam tiếp thu tinh hoa quân sự thế giới, nhưng đánh thì theo cách đánh Việt Nam. Chính vì thế mà chúng ta đã thắng.

Năm 1971, tôi sang Liên Xô khẳng định quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn và đề nghị bạn có sự giúp đỡ đặc biệt. Tại cuộc họp với các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng chí Côxưghin hỏi: "Tôi xin hỏi đồng chí Giáp. Đồng chí nói Việt Nam đánh thắng Mỹ. Tôi muốn biết các đồng chí có bao nhiêu sư đoàn bộ binh cơ giới và Mỹ có bao nhiêu? Xe tăng, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu, các đồng chí có bao nhiêu và Mỹ có bao nhiêu? Khả năng về phòng không, về tên lửa, về thông tin, rađa của các đồng chí như thế nào? Xin đồng chí nói qua cho tôi biết". Tôi trả lời: "Tôi hiểu câu hỏi của đồng chí. Đồng chí muốn biết về vấn đề so sánh lực lượng giữa chúng tôi với Mỹ. Theo học thuyết quân sự Xôviết là như vậy. Học thuyết quân sự Xôviết là hết sức ưu việt, đã chiến thắng phát xít Đức. Điều đó rất rõ ràng. Nhưng, tôi xin nói nếu chúng tôi đánh theo cách đánh của các đồng chí thì chúng tôi không đứng nổi được hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi đánh theo cách đánh khác, cách đánh của Việt Nam, và chúng tôi sẽ thắng". Sau ngày, toàn thắng, có dịp trở lại Liên Xô, gặp lại đồng chí Côxưghin, tôi cảm ơn Liên Xô đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam đánh Mỹ. Đồng chí vui vẻ nói: "Việt Nam thắng to quá, như thế tốt quá! Xin chúc mừng các đồng chí".

Một vấn đề có tính quy luật của chiến tranh nhân dân Việt Nam là: Toàn dân đánh giặc. Cả nước đánh Pháp, đánh Mỹ, không phân biệt tiền tuyến, hậu phương. Ý chí thống nhất Tổ quốc là thế và lực mạnh trong chiến tranh. Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Chiến trường Việt Nam là một. Cả dân tộc kết thành một khối trong tình đồng bào cùng chung giống nòi Hồng Lạc, không thể cắt chia. Thù nhà nợ nước là chung của cả dân tộc. Cả nước vùng lên đập tan xích xiềng, làm nên Cách mạng Tháng Tám. Giặc Pháp quay lại xâm lược Nam Bộ, miền Bắc, miền Trung xung phong Nam tiến. Bắc Bộ là chiến trường chính, Trung Bộ và Nam Bộ phối hợp hết mình. Miền Nam là tiền tuyến lớn, nơi "trực tiếp quyết định" thắng lợi, miền Bắc là hậu phương lớn, có vai trò "quyết định nhất". Dưới mưa bom Mỹ, miền Bắc kiên cường đánh trả, chi viện sức người, sức của, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Cả nước vì miền Nam, miền Nam vì cả nước. Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời. Kẻ thù đụng đến miền Bắc một, miền Nam đánh cho chúng gấp năm, gấp mười lần. Con số hơn một triệu cán bộ, chiến sĩ quê miền Bắc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", trong đó hàng chục vạn người đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường là một biều trưng chói lọi.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng đã có lúc, do không nắm vững đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, không đi sát thực tiễn và không làm theo quy luật, chủ quan, duy ý chí, nên đã hạn chế không ít thắng lợi và chịu nhiều tổn thất.

Đã có một thời gian, mối quan hệ giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy là đề tài tranh luận kéo dài trong các cán bộ quân sự ở chiến trường. Một số đồng chí nhận thức không đúng, chỉ chú trọng đấy mạnh đấu tranh chính trị, chiến tranh du kích, chỉ chăm lo xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích, coi nhẹ xây dựng bộ đội chủ lực. Một số nhà chiến lược nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam cũng thường cho rằng chiến tranh nhân dân đồng nghĩa với chiến tranh du kích. Đó là những nhận thức hoàn toàn sai trái. Đảng ta không bao giờ có một chiến lược quân sự thuần tuý, và cũng chưa bao giờ hạn chế chiến tranh ở mức độ chiến tranh du kích. Chiến lược chiến tranh cách mạng của Đảng là một chiến lược tổng hợp, kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn. Trong khi đẩy mạnh đấu tranh chính trị, phát triển chiến tranh du kích, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng bộ đội chủ lực thành những binh đoàn mạnh từ tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn đến quân đoàn, trở thành những "quả đấm thép" đủ sức giáng cho địch những đòn tiêu diệt lớn, quyết định chiến trường.

Lại như do không nắm vững quy luật của khởi nghĩa và chiến tranh nên đã có chủ trương kết hợp với tổng công kích, tiến hành tổng khởi nghĩa trong chiến tranh ngay khi trên chiến trường còn hơn nửa triệu quân Mỹ và hơn một triệu quân nguỵ và quân các nước phụ thuộc. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) để lại một bài học sâu sắc về khuyết điểm này.

Trận tổng tiến công bất ngờ và đồng loạt đánh vào các đô thị và hầu hết các căn cứ hậu cần lớn của địch giành thắng lợi vang dội, đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Lẽ ra phải chuyển hướng hoạt động về nông thôn, nhưng chúng ta lại chủ trương tiếp tục tiến công vào các đô thị nhằm dấy lên tổng khởi nghĩa, cuối cùng tổng khởi nghĩa vẫn không diễn ra, cách mạng phải chịu nhiều tổn thất.

Một ví dụ khác do làm sai quy luật nên phải trả giá bằng xương máu. Cách mạng là tiến công. Tư tưởng chiến lược của chiến tranh cách mạng bao giờ cũng là tư tưởng tiến công. Còn hình thức tác chiến thì có tác chiến tiến công, tác chiến phòng ngự kể cả về chiến lược chiến địch và chiến đấu. Tuy nhiên, do nhận thức không đúng nên trong một thời gian dài, một số cán bộ cho rằng trong chiến tranh chỉ có đường lối tiến công, phủ nhận phòng ngự, thậm chí coi phòng ngự là điều cấm kỵ. Vì vậy mà trong một số trận đánh, bộ đội bị thương vong.

Trong những năm gần đây, Mỹ và một số cường quốc phát triển vũ khí và trang bị hiện đại. Cuộc chạy đua vũ trang vẫn đang tiếp tục. Đi đôi với sự xuất hiện của một chiến lược mới, đặt "nhân quyền" lên trên "chủ quyền", một số thế lực hiếu chiến tự cho phép xâm lược một quốc gia độc lập và có chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế.

Sau chiến tranh vùng Vịnh (1991), vừa qua lại diễn ra cuộc chiến tranh xâm lược Kosovo. Một điều mới đặt ra: Trong điều kiện chiến tranh xâm lược với vũ khí công nghệ cao, thì học thuyết quân sự Việt Nam còn có giá trị hay không?

Chúng ta không bao giờ chủ quan khinh địch, luôn coi trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, quân sự, phát triển học thuyết quân sự lên những bước mới. Và chúng ta có thể khẳng định ngay rằng: Học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng giữ vững nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược bất kể từ đâu tới.

***

Nền văn hoá Việt Nam, đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, học thuyết quân sự Việt Nam độc đáo, sáng tạo không ngừng phát triển là, sức mạnh của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hiểu được điều cơ bản ấy, sẽ giải đáp được các câu hỏi đã đặt ra.

Sau ngày quân và dân ta đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B52 của Mỹ, nhà sử học Pháp Pie Risa Phêray đã nói. rất đúng: "Những tên lửa SAM được sử dụng bởi tư tưởng lấy nhỏ thắng lớn, bởi nền văn hoá Việt Nam, bởi "tư chất Việt Nam" (la Vietnamité) theo chúng tôi chính là chìa khoá mở cửa thắng lợi của Việt Nam" 1 .

Không hiểu được điều đó, kẻ thù chuốc lấy thất bại cũng là lẽ tất nhiên.

Kennedy con (J.F.K Junior) khi còn sống đã sang thăm Vìệt Nam với thiện chí tìm hiểu sâu về sai lầm của cha mình đối với đất nước hoà bình và hữu nghị này. Sau khi thăm Pắc Bó về, anh ta băn khoăn không hiểu vì sao trong những ngày gian khổ ấy, sống nơi hang đá hoang sơ mà những người Việt Nam lại có thể tin sẽ có thắng lợi hôm nay? Hơn nữa lại thắng ngay khi Pháp và Mỹ có những cố gắng chiến tranh cao nhất. Khi nghe tôi nói qua về nền văn hoá và lịch sử Việt Nam, anh ta vui mừng thật sự như được vỡ lẽ ra, điều mà Kennedy cha và con trước đây không hề hay biết.

Tháng 11-1995, theo đề nghị của phía Mỹ, tôi đã tiếp ông Rôbớt Mắc Namara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời hai tổng thống Kennedy và Giônxơn, một trong những kiến trúc sư của chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trong câu chuyện, tôi nhận xét:

- Trong cuốn hồi tưởng của ngài 2 có một điều mà tôi cho là đúng. Đó là Mỹ đánh Việt Nam mà không hiểu gì về lịch sử, địa lý, văn hoá, phong tục, tập quán, về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam nói chung và những người lãnh đạo Việt Nam nói riêng. Chúng tôi có một nền văn hoá vững bền, có một học thuyết quân sự độc đáo đã được thử thách trong lịch sử. Vì vậy mà chúng tôi đã thắng.

Ông Mắc Namara đáp:

- Vâng, đúng như vậy.

Cuối cùng thì ông cũng đã nhận ra được một chân lý, rất tiếc là đã quá muộn màng.

***

Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975 đánh dấu bước phát triển mới hết sức rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hành những trận then chất quyết định, đưa kháng chiến đến toàn thắng.

Trong những nhân tố chủ quan đưa đến thắng lợi, phải kể đến các cơ quan quân sự chiến lược của Tống hành dinh. Suốt 56 ngày đêm, từ thủ trưởng đến cán bộ, nhân viên, mọi người làm việc không tiếc sức mình, phục vụ Bộ thống soái tối cao lãnh đạo, chỉ đạo các chiến trường và hậu phương chiến đấu và chiến thắng.

Thắng lợi của chiến tranh là kết quả của sự hy sinh, nỗ lực to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt lâu dài giữa ta và địch, của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy ở tầm vĩ mô kết hợp với hoạt động chiến đấu và đấu tranh cụ thể của từng chiến trường, từng đơn vị, không phải chỉ riêng một chiến trường nào, một bộ phận nào, trong đó Bộ Chính trị.

Quân uỷ Trung ương và các cơ quan tham mưu chiến lược giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Mùa Xuân 1975, Bộ thống soái tối cao đã tỏ rõ tài năng mưu lược, hiểu địch, hiểu mình, điều hành toàn diện cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước, khẩn trương, linh hoạt, thận trọng, chắc thắng, giành toàn thắng trong tình hình quốc tế vô cùng phức tạp giữa những năm 70. Các chiến dịch đều diễn ra theo một kế hoạch thống nhất cửa Bộ Tổng tư lệnh, có sự phối hợp với nhau cả về kế hoạch và tình huống chiến dịch, tạo tiền đề cho nhau và cùng tạo ra điều kiện hình thành đòn quyết định chiến lược cuối cùng.

Suy nghĩ về vai trò của cơ quan chiến lược quân sự, tôi xúc động nhớ tới các Anh, những người bạn chiến đấu thân thiết từng làm việc trong Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, trong Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh suốt những năm dài kháng chiến, đến nay người mất, người còn. Các Anh đã cùng lo cái lo chung của dân, của Đảng, từng vui cái vui hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân và Đảng đã tin cậy giao cho. Mỗi gương mặt là một tình cảm thân thương, một chuỗi dài kỷ niệm đẹp trong cuộc đời chiến đấu vì dân vì nước, mãi mãi in đậm giữa lòng tôi.

***

Từ khi nước nhà giành được độc lập và thống nhất hoàn toàn, toàn dân ta Nam Bắc sum họp một nhà, luôn nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc xây dựng kinh tế và phát triển văn hoá nay đã trở thành nhiệm vụ trung tâm, sau một thời gian mắc sai lầm chủ quan, rập khuôn và duy ý chí, Đảng ta đã sớm trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn, tìm ra quy luật, đề ra đường lối đổi mới đúng đắn và sáng tạo. Đường lối ấy đã cổ vũ mạnh mẽ giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn trên các mặt trận kinh tế, văn hoá và đối ngoại. Đảng ta đã đi đến một kết luận lịch sử: Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành đông. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng và tiếp tục đi lên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá với nền kinh tế nhiều thành phần và cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, dù thắng lợi của đường lối đổi mới to lớn như thế nào, chúng ta cũng dũng cảm nhìn vào sự thật, không chút phạm sai lầm "kiêu ngạo cộng sản". phải nói rằng hiện nay nước ta đang còn là một trong những nước nghèo trên thế giới, cơ cấu kinh tế phần lớn còn là nông nghiệp, năng suất lao động thấp kém hàng trăm lần, trình độ công nghệ lạc hậu hàng thế kỷ so với các nước phát triển. Như vậy, để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, mâu thuẫn chủ yếu nhất trong hình thái kinh tế - xã hội nước ta chính là mâu thuẫn giữa yêu cầu rất cao của trình độ phát triển lực lượng sản xuất, giữa yêu cầu cải thiện không ngừng đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân với tình trạng nghèo nàn và lạc hậu hiện đang được khắc phục từng bước, đó là chưa nói đến những sự suy thoái về đạo đức và sự nảy sinh những tệ nạn xã hội mà cơ chế thị trường mang lại.

Trong lúc đó thì cục diện thế giới đáng có những biến đổi to lớn. Một số nước phát triển đang đi vào một thời đại kinh tế - xã hội mới - thời đại kinh tế tri thức của nền văn minh trí tuệ. Ở đó, dịch vụ và trí tuệ đã trở nên lực lượng sản xuất hàng đầu. Trên cơ sở ấy, một trật tự thế giới mới đã xuất hiện với xu thế toàn cầu hoá, lôỉ cuốn cả hành tinh vào một cơn lốc lớn do Mỹ, một số ít siêu cường và các tập đoàn siêu quốc gia chi phối. Đi đôi với nguyện vọng hoà hoãn và hoà bình của phần lớn loài người tiến bộ, thì các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc tôn giáo vẫn tiếp diễn với cuộc chạy đua vũ trang chưa từng có về vũ khí công nghệ cao.

Rõ ràng, khi bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ III, Đảng ta, giai cấp công nhân và toàn dân ta đang đứng trước những vận hội lớn, đồng thời phải đối mặt với những thách thức mới chưa từng có. Cũng như trước đây trong những bước ngoặt lớn của đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta đã xuất phát từ thực tĩên và đề ra những quyết sách đột phá phù hơp với quy luật vận động của chiến tranh cách mạng, ngày nay, Đảng đã có những quyết sách chiến lược "đoi mới" và sáng tạo.

Đó là quyết sách ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất bởi vì như Mác đã khẳng định "lực lượng sản xuất là tiền đề của mọi tiền đề" của chủ nghĩa xă hội, chủ nghĩa cộng sản, đương nhiên với quan hệ sản xuất thích hợp.

Đó là quyết sách coi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách số một, bởi vì khoa học và trí tuệ đã trở thành lực lượng sản xuất hàng đầu, công nghệ tiên tiến là nội dung và động lực của công cuộc hiện đại hoá.

Đó là phát huy đến đỉnh cao nội lực của đất nước, chủ yếu là con người, trên cơ sở đó mà chủ động hội nhập vào khu vực và thế giới: tranh thủ các nguồn vốn, công nghệ và tri thức quan lý của nước ngoài.

Đó là chủ, trương xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, luôn nắm vững lý luận tiền phong, nâng cao đạo đức cách mạng, diệt trừ các tệ nạn xã hội, xứng đáng là lương tâm, danh dự và trí tuệ của giai cấp công nhân và của dân tộc, trên cơ sở đó mà chỉnh đốn Nhà nước của dân, vì dân, do dân, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.

Đó là luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững độc lập chủ quyền, coi trọng việc xây dựng sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ ở mức cao nhất của các phong trào hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Toàn dân ta đoàn kết một lòng, khắc phục mọi tư tưởng chủ quan, bảo thủ, giáo điều máy móc, thực hiện bằng được các quyết sách mà Đảng đề ra.

Dưới ngọn cờ tất thắng của Đảng và của Bác Hồ vĩ đại, với hoài bão lớn, kiên định trong mọi tình huống với nghị lực sáng tạo và trí tuệ Việt Nam trong thời đại mới, nhân dân ta đoàn kết, đại đoàn kết, sẽ biến những ước mơ trở thành hiện thực, tiến lên tiếp tục đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giành những thắng lợi mới, phát triển với nhịp độ nhanh và bền vững, sánh vai với các nước trung bình, rồi từng bước với các nước tiên tiến trên thế giới, như trước đây đã từ một nước thuộc địa trở thành một trong những nước đi tiên phong trong trào lưu giải phóng dân tộc.

Tư liệu tham khảo1 Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nhà xuất bản Sự thật. Hà Nội. 1985.

2. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Nhà xuất bản Hà Nội, 1991.

3. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, (2 tập), Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội. 1991.

4. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Trận quyết chiến lịch sử Xuân 1975, 1990.

5. Bộ Quốc phòng - Viện Chiến lược quân sự: Tìm hiểu học thuyết quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội, 1997.

6. Bộ Tổng tham mưu: 50 năm, một chặng đường. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.

7. Bộ Tổng Tham mưu - Ban Tổng kết lịch sử: Tổng kết công tác Bộ Tổng tham mưu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giai đoạn V, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997.

8. Bộ Tổng Tham mưu: Một số tư liệu nhân dip 10 năm giải phóng miền Nam, tháng 3-1985.

9. Lịch sử Đảng cộng sản Việt nam, tập II, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1995

10 Học viện Quân sự cao cấp: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cửu nước. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1980.

11. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

12. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đường lối quân sự của Đáng, Viện Khoa học quân sự, Hà Nội, 1974.

13. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông, biển, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1972.

14. Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976.

15. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Những năm tháng quyết định, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984.

16. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Trước những ngày lịch sử Xuân 1975, Tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 4-1985.

17. Thượng tướng Trần Văn Trà: Kết thúc 30 năm chiến tranh, tập V.

18. Thượng tướng Trần Văn Trà: Cám nhận về Xuân Mậu Thân 1968, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1998.

19. Đồng Sĩ Nguyên: Đường Hồ Chí Minh, một sáng tạo chiến lược độc đáo của Đảng, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

20. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977.

21. Thượng tướng Nguyễn Hữu An: Chiến trường mới, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.

22. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp: Ký ức Tây Nguyên, báo Quân đội nhân dân từ 8-3-2000-16-3-2000.

23. Lịch sử bộ đội Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.

24. Hoàng Văn Khánh: Đánh thắng B52, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội, 1993.

25. Hứa Mạnh Tài: Đêm 18 tháng 12 năm ấy, Báo Quân đội nhân dân số 12791 ngày 23-12-1999.

26. Hứa Mạnh Tài: Thầy Vũ, Báo Cựu Chiến binh Thủ đô, 11-1999.

27. Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu): Biệt động Sài Gòn, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1999.

28. Trần Nhẫn: Hà Nội, Điện Biên Phủ trên không, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1992.

29. Lịch sử Quân khu 5, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội.

30. Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1985.

31. R.S. Mắc Namara: Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Hà Nội, 1995.

32. George C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

33. Philip B. Đavixơn: Những bí mật của cuộc chiến tranh Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1995.

34. Peter A. Puler: Nước Mỹ và Đông Dương - Từ Rudơven đến Níchxơn, Nhà xuất bản Thông tin lý luận, Hà Nội, 1986.

35. Alan Dawson: 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, Nhà xuất bản Sự thật. Hà Nội, 1990.

36. Nguyễn Tiến Hưng và Jérold Schecter: Từ toà Bạch Ốc đến dinh Độc Lập, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1990.

37. Báo Nhân dân, quý I, quý II năm 1975. Lưu tại Thư viện quân đội.

38. Báo Quân đội nhân dân, quý I, quý II năm 1975. Lưu tại Thư viện quân đội.

39. Các sổ tay công tác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ năm 1973 đến tháng 5-1975.

Và các tư liệu khác.

--------------------------------

1Pie Risa Phêray: Nước Việt Nam từ nguồn gốc xa xưa đến ngày nay, Nhà xuất bản Báo chí Đại học Pháp, 1990, tr. 87.2R. S. Mắc Namara: Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Hà Nội, 1995.

/10

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status