Bảy Thanh Hung Giản

Chương 44 - Chương 13

/127


Chủ thuê là một ông lão họ Viêm, gần bảy mươi tuổi, đầu đầy tóc bạc, mặc một bộ áo dài cân vạt chỉnh tề, sống lưng thẳng thắn, mắt kém, như phủ một tầng sương, ảm đạm.

Quả nhiên ánh mắt là cái hồn của tinh khí, hai mắt mờ đục, tinh thần cũng giảm.

Cô gái bị Mộc Đại đạp vào vại nước là cháu của ông lão họ Viêm, tên Viêm Hồng Sa, cô cũng không đi thay quần áo, đứng cạnh ông lão họ Viêm, chỉ mải vắt nước trên quần áo, tóc bết lại dán lên mặt, đen trắng rõ ràng, tựa như người trong tranh.

Ông lão họ Viêm trước tiên nói chuyện với Trịnh Minh Sơn, lời lẽ rất khách sáo, Mộc Đại nghĩ, sư huynh hẳn đã qua lại với người này rồi, nhưng không thân quen.

Ông lão họ Viêm lại nói chuyện với cô, thái độ hòa nhã khách sáo: “Cũng không phải chuyện gì khó giải quyết, đi một chuyến, xa nhà một thời gian, ăn, mặc ở, đi lại đều do chúng tôi bao, ngắn thì hai ba ngày, dài thì năm sáu ngày. Giá là hai vạn, trả một vạn tiền đặt cọc trước, cô thấy thế nào?”

Mộc Đại nhìn ông lão họ Viêm, cô cũng không biết nên dùng vẻ mặt gì để đón nhận thông tin này.

Chỉ đi vài ngày, hai vạn!

Cô có chút lâng lâng, hoá ra bản thân có giá trị đến vậy.

Trịnh Minh Sơn ho khan một cái, lại liếc cô, ý là: Bình tĩnh, đừng tỏ ra gà mờ thế.

Ông lão họ Viêm lại dặn dò Viêm Hồng Sa: “Hồng Sa, cháu nói qua với Mộc Đại về nghề của chúng ta đi.”

Viêm Hồng Sa thưa “vâng”, trước tiên giúp ông lão họ Viêm đeo bịt mắt, bịt mắt làm bằng gấm lông chồn xám, tản ra mùi thuốc Đông y nhè nhẹ thơm ngát.

Trịnh Minh Sơn đứng lên nói: “Anh không nghe, chờ em bên ngoài nhé.”

Đây là quy củ, cũng như không thể nhìn lén người khác học võ, lúc người khác chuẩn bị kể bí mật cá nhân, tốt nhất chủ động lảng tránh, chờ chủ nhà đuổi đi sẽ không hay.

Ông lão họ Viêm đeo bịt mắt, chắp tay về hướng anh ta, như thể cảm ơn sự biết ý của anh ta.

***

Câu đầu tiên Viêm Hồng Sa nói là: “Chúng tôi làm nghề đãi đá quý, đã nghe bao giờ chưa?”

Chưa nghe bao giờ, có điều dính đến chữ “quý”, chung quy khiến lòng người bất an, Mộc Đại nhìn cô: “Không trái pháp luật chứ? Không phải… Trộm đá quý chứ?”

Viêm Hồng Sa trợn mắt liếc cô một cái, nhưng ông lão họ Viêm cười khẽ hai tiếng.

“Những dòng chữ trên mặt bàn mà lúc nãy ông nội tôi bảo cô nhìn, nếu cô không hiểu, tôi sẽ giải thích cho cô. Vàng bạc và châu báu, ngọc thạch được nhắc tới, những thứ này, ở cổ đại, thậm chí hiện đại, đều rất được quý trọng.”

Mộc Đại không phản bác, nhưng trong lòng, cô cảm thấy tiền thực tế hơn một chút.

“Nhưng phương thức sản sinh ra vàng bạc và châu báu, ngọc thạch lại trái ngược nhau, vàng bạc đều chôn dưới lòng đất hình thành, nhận tinh hoa của mặt trời. Châu báu, ngọc thạch thì sao, chúng nhận tinh hoa của mặt trăng, không cần bùn đất che giấu. Chúng tôi có câu – đá quý dưới giếng, chiếu thấu trời xanh, châu dưới vực sâu, ngọc nơi bãi cát, lại nhận ánh dương, sắc nước điểm tô.”

Viêm Hồng Sa gật gù, đoạn văn vẻ nho nhã này không biết đã khoe với bao nhiêu người.

Mộc Đại láng máng hiểu được, ý là: Đá quý ở dưới giếng chiếu thấu trời xanh, ngọc trai dưới đáy nước, mà ngọc thạch ở những bãi sông chảy xiết hiểm trở, cả ba đều nhận ánh sáng trên bầu trời hoặc bị nước sông bao trùm.

Cô chợt nghĩ: Đá quý dưới giếng, vừa rồi trong sân có cái giếng cạn, Viêm Hồng Sa lại tự xưng là người “đãi đá quý”, vì vậy, họ chuyên về đãi đá quý?

“Giá đá quý có lẽ không bằng ngọc trai và ngọc thạch cao cấp, nhưng trân phẩm trong số chúng cũng rất đáng giá, những loại thường gặp có đá mắt mèo, hổ phách, tinh hán sa, ngọc lục bảo, đá hoa hồng (*), chử hải kim đan (*)… Người cổ đại đã nghiên cứu, quy nạp lại những nơi sản sinh ra đá quý của Trung Quốc, tổng cộng có hai vùng đất lớn.”

(*) Đá hoa hồng: Chưa có tài liệu nào về loại đá này.

(*) Chử hải kim đan: Một loại đá có màu hồng vàng, không có ảnh tương quan.

Nói xong, cô quay sang phía tường, trên tường treo một tấm bản đồ bằng da rất lớn, bản đồ đã cũ, hiển nhiên đã có từ lâu, đường nét núi non sông ngòi đều được vẽ tay, ngòi bút mạnh mẽ, tạo cảm giác mênh mang hùng vĩ.

“Bên này là ‘các nước chư hầu của Tây Vực’, nói theo cách của người hiện đại là vùng Tân Cương, đây cũng không có gì lạ, khắp Tân Cương đều có vật quý, ví như ngọc Hòa Điền(*), táo đỏ, dưa vàng Ha-mi, nho khô, thịt dê xiên…”

(*) Ngọc Hòa Điền: một loại nephrite (đục đến mức không thấu quang, tập hợp dạng sợi mảnh…), phổ biến là loại Hòa Điền ở Tân Cương (1 khu tự trị ở Trung, giáp với Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ). Thời xưa gọi ngọc Côn Lôn, sản xuất khởi nguyên ở Tây Vực Toa Xa quốc, là loại ngọc thượng hạng.

Ông lão họ Viêm ho khan hai tiếng, Mộc Đại nhịn cười phụ hoạ với cô: “Ừ, tôi cũng thích ăn thịt dê xiên.”

“Một vùng khác thì sao, trong sách kể là ‘Kim Xỉ Vệ Vân Nam cùng Lệ Giang’, Kim Xỉ Vệ là khu vực từ sông Lan Thương(*) đến Bảo Sơn(*), tóm lại chính là Vân Nam. Do đó tôi và ông nội sống ở Côn Minh, đến chỗ nào của Vân Nam cũng thuận tiện, Tân Cương ấy à, ở không quen.”

(*) Sông Lan Thương: Tên gọi của đoạn sông Mê Kông tại Trung Quốc.

(*) Bảo Sơn: một địa cấp thị ở miền tây tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Mộc Đại suy nghĩ, cô không biết nhiều về đá quý, nhưng vẫn hiểu một số kiến thức thông thường: “Đá quý… Hẳn cũng được khai thác từ mỏ phải không, cái cô nói tới là loại giếng mỏ này phải không, loại giếng mỏ này có nắp bằng đất à?!”

Vẻ mặt Viêm Hồng Sa như đang nói: Tôi biết ngay cô sẽ hỏi vậy mà.

“Nghề đãi đá quý này đều được truyền qua nhiều thế hệ trong gia tộc, số lượng người ít, nếu may mắn, đãi được một cái giếng có thể sống cả đời, cần gì phải khai thác mỏ nữa? Cái chúng tôi tìm chính là loại giếng mà tôi nói, ‘chiếu thấu trời xanh’!”

Tính Mộc Đại ăn mềm không ăn cứng, Viêm Hồng Sa vừa tỏ ra hung dữ, cô cũng theo đó không khách sáo: “Loại giếng này đều để ngỏ, trừ phi ở chỗ không người, nếu có người, sớm bị người qua đường dọn đi rồi.”

Viêm Hồng Sa cười to ba tiếng “ha ha ha”, cười một tiếng lại dừng một lần, cười đủ mới thôi: “Tôi biết ngay cô là đồ mù tịt, ngọc trai còn được cất giấu trong trai, ngọc thạch còn sinh ra từ đá chưa mài, cô cho rằng đá quý dưới đáy giếng, ánh vàng lấp lánh, chói mù mắt cô sao? Cái cô nhặt lên đều là tảng đá, phải giao cho công nhân để họ mài, mới biết bên trong là báu vật gì.”

Mộc Đại im lặng, cô quả thật không hiểu, còn tưởng rằng nơi đó cũng giống kho báu của bốn mươi tên cướp, vừa xuống giếng, trước mắt toàn chuỗi ngọc trai, vòng tay phỉ thúy.

Hoá ra nhìn lại, đáy giếng toàn tảng đá bình thường.

Viêm Hồng Sa lại sửa đúng suy đoán sai lầm của cô: “Người thường mạo hiểm đi xuống, ắt hẳn sẽ chết. Trong sách có ghi, ‘khí của đá quý dày như sương, người ngâm lâu dưới giếng, hít nhiều khí này sẽ chết’.”

Còn có khí độc? Mộc Đại chợt thấy hai vạn đồng cũng chẳng phải quá nhiều, lập tức tuyên bố: “Tôi không xuống giếng đâu.”

Viêm Hồng Sa “Hừ” một tiếng: “Cô cho rằng muốn xuống thì xuốn sao? Xuống giếng cũng phải luyện tập.”

Ông lão họ Viêm như thể biết Mộc Đại nghĩ gì: “Khí của đá quý thật ra cũng không phải khí độc, nhưng từ xưa đến nay, thứ tốt đều có vật hung sát canh giữ, cũng như trong truyền thuyết ngọc trai có thuồng luồng trông coi, giếng chứa đá quý cũng có luồng khí trí mạng. Do vậy, lúc xuống giếng, trên miệng giếng nhất định phải có người, người đãi ngọc phải mang bên mình túi và chuông, vừa xuống giếng, nhanh chóng nhặt đá quý bỏ vào túi, lúc cảm thấy sắp không chịu nổi khí của đá quý, lập tức lắc chuông để người bên trên nghe thấy tiếng, lập tức kéo lên.”

Mộc Đại liếc cái chuông bên hông Viêm Hồng Sa.

Cuối cùng biết cái chuông lớn như vậy có tác dụng gì.

Cô tiêu hóa một chút những gì mình nghe thấy, do vậy, việc hai ông cháu này thường làm chính là đến những chỗ hoang vắng tìm giếng mỏ như vậy?

Chẳng trách cần có người đi cùng để bảo vệ, nếu nhiều thế hệ nhà họ đãi đá quý, có lẽ cũng có phương pháp độc đáo để ứng phó với khí toát ra từ chúng – thật biết cách làm giàu, chẳng trách một già một trẻ có thể ở lại căn nhà giàu sang như vậy tại nội thành, còn chuyên môn thuê người hầu hạ.

Nếu không cần cô xuống giếng, công việc này bỗng trở nên thuận mắt đáng yêu, vừa kiếm được tiền còn có thể mở rộng tầm mắt, cớ sao mà không làm?

Mộc Đại gật đầu: “Vậy được, tôi không có vấn đề gì. Chuyến này cái giếng chúng ta phải xuống nằm ở đâu? Vân Nam? Hay… Tân Cương?”

Viêm Hồng Sa hồi lâu không mở miệng, lúc lên tiếng, có chút ấp úng: “Lần này chúng ta không xuống giếng…”

Không xuống giếng? Không xuống giếng còn mất nửa ngày để kể cho cô làm cách nào để đãi đá quý? Thích khoe khoang đến vậy sao?

Viêm Hồng Sa nói: “Cô đi theo tôi, đến phòng tôi, cho cô xem thứ này.”

Cũng không chờ Mộc Đại đồng ý, cô xoay người đi ra phòng sau, Mộc Đại ngẫm nghĩ, vẫn quyết định đi cùng, vừa đứng lên, cửa phòng mở ra, một người phụ nữ mặc trang phục người giúp việc theo giờ bưng bát canh tiến vào.

“Lão tiên sinh, uống canh đi.”

Canh gì vậy? Mùi vị thật kỳ lạ, đưa mắt liếc qua, lại có hoa cúc trôi nổi trên mặt canh.

Như thể nhận ra sự nghi hoặc của Mộc Đại, người phụ nữ kia cười giới thiệu với cô: “Đây là canh gan gà nấu với hoa cúc, gan gà một bộ, hoa cúc ba tiền(*). Cô có muốn uống một bát không?”

(*) 1 tiền = 50 gram.

Gan gà còn có thể nấu với hoa cúc?

Mộc Đại cảm thấy mình thật sự quá thiếu kiến thức.

***

Viêm Hồng Sa cho Mộc Đại xem một đoạn video.

Thời gian là buổi tối, nhưng ánh trăng trong vắt, độ phân giải của máy cao, không bị nhiễu như hình quay được từ mấy loại máy khác.

Hình như ở ven sông hay bờ biển gì đó, gió êm sóng lặng, trên mặt biển, những hoa văn uốn lượn như nếp uốn tơ lụa lan tràn quanh co, ánh trăng chiếu xuống mặt nước, tựa như vô số chấm lân quang trải dài vô tận, lại như một mặt gương không bằng phẳng khổng lồ.

Viêm Hồng Sa chỉ vào vị trí chính giữa màn hình: “Chỗ này, cô xem đi.”

Đó là gì vậy? Đen sì một cục.

Người quay như thể dự đoán được suy nghĩ của người xem, giây tiếp theo, màn ảnh phóng to ra.

Cũng khá lớn, to cỡ mặt bàn hình tròn, nhưng, nhưng nó là gì vậy?

DƯờng như để giải thích nghi vấn giúp cô, thân thể vật kia bỗng nhiên hé ra một đường thẳng.

Mộc Đại lập tức trợn tròn mắt.

“Đây, đây là…”

“Đúng vậy, con trai, cô đã từng thấy con trai nào lớn đến vậy chưa?”

Mộc Đại ngừng hô hấp, không nói lời nào, trên màn hình, con trai kia chậm rãi di động thân thể.

Trong video có lời thuyết minh, là giọng nói kích động của một người đàn ông: “Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ thấy con trai nào lớn đến vậy, hiện tại nó đang phơi trăng, theo truyền thuyết, vào đêm trăng tròn, trai già sẽ vui vẻ khác thường, theo ánh trăng mọc lên ở phương Đông lặn ở phương Tây mà không ngừng chuyển động thân thể để được ánh trăng chiếu rọi…”

Anh ta còn nói: “Trước đó tôi đã điều tra, viên ngọc trai lớn nhất trên thế giới, hay còn gọi ‘Hòn ngọc của Lão Tử’(*), kích cỡ to bằng đầu người, hiện được định giá hơn hai o triệu USD. Một con trai lớn đến vậy, nếu sản sinh ra trai, giá trị quả thực khó có thể tưởng tượng… Tôi muốn tới gần để xem.”

(*) Hòn ngọc của Lão Tử: Nếu muốn biết chi tiết nhất về hòn ngọc này, mọi người có thể tham khảo bài viết này nhé http://www.daikynguyenvn.com/tin-giai-tri/chuyen-la/chau-bau-hiem-co-ngoc-trai-tu-nhien-to-nhat-the-gioi-nang-34-kg-bi-vut-duoi-gam-giuong-hon-10-nam.html

Video dừng ngay tại đây.

Viêm Hồng Sa giải thích cho cô: “Người nói chuyện là chú tôi, Viêm Cửu Tiêu.”

“Chú là ngưỡi đãi đá quý ở nhà họ Viêm chúng tôi, nhưng nhiều năm qua nhà chúng tôi chưa quay lại làm nghề này, bởi mắt ông nội tôi kém rồi.”

Đãi đá quý, mặc dù biết đá ở dưới giếng, cũng không thể cắm đầu cắm cổ tìm kiếm như người mù, phải luyện mắt từ nhỏ, luyện được một đôi mắt có thể phân biệt được khí độc toát ra từ đá, phân biệt được chúng giữa mênh mông đất trời và vô vàn khí đục khí trong, nói dễ hơn làm?

Vì vậy, mấu chốt của nghề đãi đá quý không nằm ở chỗ có thể đãi được không, mà ở chỗ có thể phân biệt được không.

Có điều, đời cũng có chỗ công bằng, được cái nọ thì mất cái kia, mắt của ông lão họ Viêm không thể tiếp xúc với ánh sáng có cường độ mạnh, ngay cả ánh mặt trời cũng rất ít gặp, hàng năm ở trong phòng, mãi đến lúc cao tuổi, trở thành một nửa người mù, nhìn cái gì cũng khó khăn.

Châm chọc chỗ ở chỗ, những thứ khác đều không nhìn thấy, song vẫn miễn cưỡng thấy được khí toát ra từ đá.

Ông lão họ Viêm tĩnh tâm dưỡng mắt, nhân tiện hướng dẫn cháu gái Viêm Hồng Sa học cách xuống giếng, Viêm Cửu Tiêu lại không chờ nổi, tuy ngày thường kiếm được kha khá, nhưng họ tiêu tiền như nước, tiêu hao vô cùng nhiều, để tránh miệng ăn núi lở, Viêm Cửu Tiêu ngỏ ý muốn ra ngoài “thử vận may”.

Sau một hồi suy nghĩ, ông nói với Viêm Hồng Sa: “Chúng ta làm nghề đãi đá quý, ánh mắt không bỏ sót vật báu, đá này cũng không chỉ giới hạn trong đá quý, phía Nam có châu, phía Tây có ngọc, nếu có cơ hội, không ngại cũng chen một chân.”

Nhưng chung quy đường đến Tân Cương rất xa xôi, trạm dừng chân đầu tiên của Viêm Cửu Tiêu là Quảng Tây Hợp Phố.

Khoảng hơn mười ngày trước, chú gọi điện thoại về, nói với Viêm Hồng Sa, ở Hợp Phố, chú nghe nói có một thôn tên là Ngũ Châu, đó là một nơi rất tuyệt, bởi nghe nói, thôn nọ nhiều thế hệ làm theo phương pháp đãi ngọc mà tổ tông để lại, những viên ngọc đãi được đều là ngọc trai thiên nhiên, chưa bao giờ là ngọc trai nuôi công nghiệp.

Tuyệt đại đa số người đãi đá quý cảm thấy, ngọc trai do con người khắc mài, dẫu sao vẫn có vết tích đục đẽo, không thể so với ngọc trai được trời sinh đất dưỡng. Giống như người đẹp đã qua chỉnh hình đương nhiên cũng là người đẹp, nhưng đem ra so sánh với người đẹp trời sinh lại thiếu quầng sáng tự nhiên.

Điều khiến chú vui mừng hơn là, nghe nói thôn Ngũ Châu đã hoang phế.

Cho đến nay, Viêm Hồng Sa hãy còn nhớ rõ giọng điệu hưng phấn của chú khi nói: “Nghe nói đã hoang phế nhiều năm, trai già không chịu sự quấy nhiễu của con người mới có thể tĩnh tâm nhả ngọc. Dưới đáy biển có người chết đuối, người ở thôn lân cận đều kiêng tới đây, thật thanh vắng lại đáng mừng. Không biết chừng, chú có thể kiếm được báu vật tại vùng biển này cũng nên.”

Lại vài ngày trôi qua, chú gửi cho Viêm Hồng Sa đoạn video đang chiếu trên màn hình.

Quảng Tây, Hợp Phố, thôn Ngũ Châu, đúng là… Có duyên.

Mộc Đại hỏi cô: “Sau đó thì sao?”

“Không có sau đó, sau đó, chú tôi bặt vô âm tín.”

Mộc Đại chợt lạnh sống lưng.

Viêm Hồng Sa không lên tiếng, thật ra cũng không phải không có tin tức gì, có, một tối nọ, trong lúc ngủ mơ mơ màng màng, cô mơ thấy mình nhận được cuộc gọi của Viêm Cửu Tiêu.

Không rõ đó là mơ hay cuộc gọi, có lẽ là mơ.

Trong mơ, Viêm Cửu Tiêu bò dưới đáy biển, hai tay vùi sâu dưới lớp cát, dòng chảy dưới đáy biển xô đẩy thân thể run rẩy không dứt của chú, mặt chú trắng bệch, hai mắt phủ đầy tơ máu, đột nhiên nhìn thẳng vào mắt cô.

Chú gọi cô kèm với tiếng khóc: “Hồng Sa, chú không muốn chết ở đây…”

Viêm Hồng Sa giật mình tỉnh lại, phát hiện mình quả thật đang nghe máy, tại đầu dây bên kia, tiếng sóng vỗ rất to.

Cô run rẩy, khẽ khàng hỏi: “Chú?”


/127

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status