Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 242 - Sen Tịnh Đế.

/345


Chiều tối ba huynh đệ Trương Thị đến tửu gia trên bờ uống rượu với Phạm Văn Nhược. Năm nữ tử này đều ở lại trên thuyền nấu cháo, làm vài món ăn với nhau. Mục Chân Chân khá giỏi nấu nướng, chỉ có điều là không tinh tế được như Vương Vi. Tố Chi và Lục Mai chưa từng nấu nướng bao giờ, chỉ vào góp vui mà thôi.

Mục Chân Chân tuy không khéo ăn nói nhưng Vương Vi lại khá thân thiết với nàng. Vương Vi rất biết nhìn người, trong số ba thị tỳ của tam huynh đệ Trương Thị thì có thiếu nữ đọa dân này là hồn nhiên chất phác nhất.

Ánh tà dương rơi xuống ngoài những dãy núi ở bờ tây hồ Tiết Điến, bầu trời vẫn sáng rõ, ánh nắng chiều như đổ lửa, phủ kín nửa bầu trời. Bọn Vương Vi đã dùng xong bữa tối, trời nóng nực như vậy, bắt buộc phải tắm gội. Trên thuyền có sẵn hai thùng tắm, dùng riêng cho nam và nữ. Nhóm Mục Kính Nham, Năng Trụ thì không cần, họ nhảy xuống sông tắm là khoái nhất.

Vương Vi tắm rửa xong rồi đi ra, mái tóc dài còn ẩm ướt phủ xuống tận eo. Tấm áo vải sạch sẽ vừa thay xong còn chưa kịp thắt eo, rộng rãi thoải mái theo bước chân, càng làm cho nàng thêm vẻ yêu kiều. Gương mặt chưa hề tô phấn sáp nhưng đẹp như tranh. Nàng đảo mắt nhìn quanh, tư thái xinh đẹp quyến rũ khiến cho bọn Tố Chi và Lục Mai phải thầm ghen tị.

- Vi Cô, Vi Cô, chim chóc bên bờ hồ nhiều quá, Vi Cô xem này…

Tiểu đồng tóc dàitên gọi Tiết Đồng kia từ sau giờ ngọ không thấy bóng dáng đâu, lúc này lại chạy xồng xộc đến, cầm theo một xâu chim, có đến hơn chục con, gồm chim chìa vôi, hoa mai tước, tiểu đậu tước…Cậu ta đứng dưới gốc cây liễu giơ cao xâu chim lên cho Vương Vi nhìn, tất cả là do cậu tự dùng ná để bắn.

Vương Vi hơi sẵng giọng:

- Mặt trời chưa lặn thì ngươi không biết đường mà về đúng không. Ngươi bắn nhiều chim thế để làm gì?

- Vi Cô đừng quở trách con, con có thứ rất lạ cho cô xem đây.

Tiết Đồng cười hì hì, đặt xâu chim lên mặt đất. Rồi như làm trò ảo thuật, trong tay cậu lại xuất hiện thêm một cành sen với nụ hoa sắp nở, không ngờ là sen tịnh đế.

Vương Vi vui vẻ nói:

- Sen tịnh đế Côn Sơn đó ư, ngươi hái được ở đâu vậy?

Tiết Đồng nói:

- Ở ngay bên hồ thôi ạ, mà chỉ có mỗi cành này thôi.

Vương Vi nói:

- Hoa còn chưa nở, thật tiếc quá.

Thấy được sen tịnh đế Côn Sơn là điềm lành, điềm báo may mắn. Tương truyền vào cuối thời nhà Nguyên, đệ tử Cố A Anh của đạo nhân nổi tiếng Dương Thiết Nhai lấy được dị chủng từ Thiên Trúc, phải kỳ công chăm chút mãi mới thành, vô cùng khó khăn. Thế mà bên bờ hồ Tiết Điến này lại có sen Tịnh Đế dại, thật là điều hiếm hoi lạ thường.

Vương Vi nói:

- Tiểu đồng, đem hoa lại đây cho ta.

Tiết Đồng liền ném cành hoa sen Tịnh Đế về phía mui thuyền. Vương Vi nhanh tay nhanh mắt, giơ tay lên đón ngay được cành hoa, giơ lên ngắm nghía. Mục Chân Chân đứng bên cạnh thầm phục Vương tỷ tỷ quả là người rất nhanh nhẹn.

Xâu chim dưới chân Tiết Đồng đột nhiên ngọ ngoạy. Tiếng chim trong vắt, giống như đang kêu: “xin tha mạng, xin tha mạng….”

Tiết Đồng nói:

- Có một con chim còn chưa chết.

Nói rồi cậu định lấy chân dẫm lên, Vương Vi vội ngăn lại:

- Dừng lại.

Nàng hỏi Mục Chân Chân đang đứng ngay bên cạnh:

- Chân Chân, ngươi thử nghe xem con chim này đang kêu gì vậy?

Mục Chân Chân cười nói:

- Kỳ lạ nhỉ, hình như nói vừa kêu xin tha mạng.

Con chim đó vẫn đang kêu lên thảm thiết, nghe giống như “xin tha mạng”, nghe kỹ thì lại không thấy giống, chỉ là tiếng kêu của chim mà thôi.

Vương Vi nói:

- Tiểu đồng, thả con chim này ra đi.

Tiểu Đồng ngồi xổm xuống kiểm tra một chút, rồi nói:

- Cánh bên trái của nó bị thương rồi, có thả ra cũng không bay được. Vi Cô có muốn nuôi nó không?

Vương Vi nói:

- Vậy thì cứ nuôi nó đi đã. Diêu Thúc, ông lên trên phố mua một cái lồng chim đi.

Tiết Đồng dùng một con dao nhỏ năm tấc đi ra bờ hồ mổ chim. Tiết Đồng mới hơn mười tuổi, giết chim rất tài, tay chân lanh lẹ, vèo cái đã làm thịt xong hơn mười con chim, cậu ta đến nhờ Vương Vi chế biến.

Lúc này Vương Vi trải một tấm chiếu ở mui thuyền, mang ra một cái bàn nhỏ, bông sen Tịnh đế được cắm trong cái bình gốm xanh. Vương Vi ngồi trên chiếu, trải giấy mài mực, nàng muốn vẽ bông hoa này. Liếc nhìn Tiết Đồng một cái, nàng nói:

- Lấy một hào bạc, đem lên quán ăn trên thị trấn bảo người ta chế biến cho, ăn xong rồi mau về đây, chớ có ham chơi đấy.

Tiết Đồng dạ một tiếng rồi lao vút đi.

Bọn Tố Chi, Lục Mai đều ngồi xung quanh Vương Vi để xem nàng vẽ hoa sen. Vương Vi vốn học vẽ hoa lan và trúc từ dưỡng mẫu Mã Tương Lan. Từ năm kia bắt đầu được Trần Mi Công chỉ bảo, dùng mực màu hơi khô, đưa sơ vài nét phác họa lan trúc, nét bút trong nhu có cương, lúc này dùng mực nước để vẽ sen tịnh đế rồi chấm phá thêm các nét để tô điểm. Khi trời xẩm tối thì bức tranh sen tịnh đế đã vẽ xong, nàng ghi lên đó dòng chú thích <Đạo nhân áo cỏ họa trên thuyền Thanh Phổ vào cuối ngày mùa hạ năm Vạn Lịch thứ 42>.

Mục Chân Chân thấy Vương Vi vẽ quá đẹp, miệng khen không ngớt:

- Vương tỷ tỷ vẽ đẹp quá, giống như thiếu phu nhân nhà nô tỳ vậy. Thiếu phu nhân nhà nô tỳ lần trước vẽ bức tranh đá cầu, còn vẽ cả sáu bức tranh làm lồng đèn, có một bức vẽ con ếch ở dưới đóa hoa mẫu đơn, vẽ giống đến mức con ếch như sắp nhảy ra ngoài vậy.

Vương Vi đến ngồi trong khoang của Trương Nguyên, nghe Mục Chân Chân nói vậy, bèn hỏi:

- Giới Tử tướng công đã thành thân rồi ư? Là tiểu thư nhà nào vậy?

Mục Chân Chân đáp:

- Là tiểu thư Thương thị ở Hội Kê, năm ngoái đã đặt sính lễ nhưng vẫn chưa thành hôn.

Vương Vi “ồ” lên một tiếng. Một lát sau, nàng hỏi:

- Vậy Thương tiểu thư đích thị là tài mạo song toàn đúng không?

Mục Chân Chân gật đầu nói:

- Thưa vâng, dung mạo xinh đẹp, lại vừa đa tài vừa hiền thục. Nãi nãi nhà nô tỳ rất thích, thiếu gia lại càng thích.

Niềm vui vẽ được bức tranh sen tịnh đế của Vương Vi nhạt dần, nàng thấy có cảm giác hơi chua xót trào dâng trong lòng, đó không phải là ghen tị, cũng không phải hâm mộ, chỉ là cảm thấy tự thương thân mình. Phụ thân nàng vốn đang học ở Tuy Dương châu thì cáo bệnh về quê, rồi qua đời trên đường đi, kế mẫu liền bán nàng cho nhà nuôi dưỡng sấu mã ở Dương Châu, cuỗm hết của cải chạy mất. Quan tài của cha nàng lúc đó phải gửi lại trong một ngôi chùa nhỏ ở nơi nào đó ở Giang Bắc, khi đó nàng còn nhỏ tuổi, không nhớ được tên nơi đó và tên ngôi chùa, chỉ biết rằng vẫn chưa qua sông, ở phía bắc của Dương Châu.

Trời tối hẳn, Mục Chân Chân châm đèn, ngước mắt nhìn thấy Vương Vi đang ngồi trầm mặc, đôi mày thanh tú nhíu lại, đôi mắt đẹp u buồn, không biết đang suy nghĩ điều gì?

Mục Chân Chân không dám quấy rầy, tự lấy cuốn ra đọc.

Vương Vi đã định thần lại, thấy Mục Chân Chân đang xem thì ngạc nhiên hỏi:

- Chân Chân đọc được sách sử ư?

Nữ tử đọc được sách sử rất ít, phần lớn là đọc những bài thơ phong hoa tuyết nguyệt mà thôi.

Mục Chân Chân có chút đắc ý, nhưng lại không dám để lộ ra, nói:

- Đều là thiếu gia nhà nô tỳ dạy cả đấy ạ, năm ngoái nô tỳ còn không biết chữ, , cũng đều là do thiếu gia cho nô tỳ đọc.

Vương Vi nhìn thấy bộ dạng thích thú của thiếu nữ đọa dân này liền khen:

- Chân Chân muội muội thông minh lắm, lại xinh đẹp nữa, thiếu gia nhà muội cũng thích muội đúng không?

Mục Chân Chân lập tức đỏ bừng cả khuôn mặt, ánh mắt không biết nên nhìn vào đâu.

Vương Vi trong lòng rung động, cùng là phận tỳ nữ nhưng Mục Chân Chân lại không giống như bọn Tố Chi và Lục Mai, bộ dạng như chưa từng bị ai nói động đến bao giờ, nếu không đã không tỏ ra xấu hổ thẹn thùng đến như vậy.

Thấy Mục Chân Chân thẹn thùng khó xử, Vương Vi cười nói:

- Chân Chân đọc sách đi, ta đi nghỉ đây.

Mục Chân Chân vô cùng xấu hổ, chỉ mong Vương Vi mau chóng rời khỏi, nghe thấy tiếng Vương Vi đi vào khoang thuyền bên cạnh là lại vùi đầu vào đọc . Các dòng chữ trong trang sách đều hiện ra rõ ràng trước mắt, nhưng lại chẳng vào đầu nàng chữ nào cả, tư tưởng không tập trung mà.

Mục Chân Chân khêu sáng thêm bấc đèn, rồi ngây người nhìn ngọn đèn dầu, nghĩ tới câu nói ban nãy của Vương Vi, khuôn mặt nàng lại đỏ ửng lên.

Phạm Văn Nhược tửu lượng rất tốt, nói chuyện hăng say, nâng cốc tâm tình với ba huynh đệ Trương Nguyên, đến cuối giờ tuất mới về đến bờ sông. Thuyền của Phạm Văn Nhược neo ngay bên cạnh thuyền đu, mọi người chắp tay cáo biệt trên bờ rồi ai về thuyền nấy để nghỉ ngơi.

Trương Đại, Trương Ngạc có vẻ hơi say, Năng Trụ và Phùng Trụ phải dìu. Trương Nguyên khá ổn, biết là uống rượu quá nhiều sẽ hại sức khỏe nên về sau hắn dùng trà thay rượu. Ba huynh đệ bước lên mui thuyền, bỗng nghe thấy tiếng kêu: “xin tha mạng…”

Trương Nguyên giật mình kinh hãi, giương mắt nhìn thì không thấy có người.

Trương Ngạc mở to đôi mắt say xỉn, lờ đờ nhìn xung quanh, hỏi:

- Ai, ai muốn xin tha mạng?

Trương Đại cũng say khướt hỏi:

- Tha mạng cho ai?

Mục Kính Nham nói:

- Là tiếng chim kêu đấy ạ.

Nói rồi lão đi ngang qua, tới bên cửa khoang ở mui thuyền nhấc xuống một chiếc lồng chim, con chim trong lồng giống như chim bồ câu, có bộ lông màu đen giống như chim bát ca. Mấy người Trương Đại, Trương Nguyên và Trương Ngạc đều chưa từng nhìn thấy loại chim này. Đúng lúc này, con chim lại đột nhiên kêu lên: “xin tha mạng…”

Trương Ngạc cười ha hả, nói:

- Trẫm xá ngươi vô tội, tha mạng cho nhà ngươi.

Tiết Đồng từ trong khoang thuyền chui ra, kiễng chân giơ tay về phía Mục Kính Nham đòi lồng chim, nói:

- Lồng chim là của cháu, Vi Cô nhà cháu muốn nuôi nó.

/345

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status